Các Người Khắc Biết Tay Tôi Chương 3


Chương 3
Anh đâu cần phải đi Teneryfa

Con Borys sủa vang khắp nhà. Đó là tín hiệu, Adam đang về.

“Mẹ ơi, cho con chó im đi!” Tosia hét lên từ tầng trên.

Thằng Jakub đang ngồi trên phòng nó, tôi chẳng biết chúng đang làm gì. Chắc chúng vào mạng, vì Jakub nói muốn tải chương trình gì đó về để sáng tác nhạc, Tosia tỏ ra rất có năng khiếu âm nhạc. Dẫu sao, thà chúng ngồi với nhau trước màn hình máy tính, vẫn còn hơn, giả dụ, trong bồn tắm, đúng không nào?

Nếu ở một mình, tôi sẽ không phải đứng phắt dậy, lao ra đón Adam ở cửa cùng lúc giữ chặt con Borys, vì con chó ngu ngốc này hay nhảy lên cào xước sơn ô tô. Ba tai họa lớn nhất với đàn ông đó là: tai nạn, cái chết và xước sơn xe.

Xanh Lơ quăng cho tôi túi cà chua, khoai tây và đậu quả rồi hô to:

“Chào Tosia!” Anh hôn tôi rồi nói. “Nếu ta muốn đi nghỉ hè thì phải nhanh chân lên, anh còn chín ngày phép nữa, chúng ta phải quyết định trong vòng hai ngày.”

“Chào chú, chúng cháu đang bận.” Tosia hô to đáp lại, cứ như Xanh Lơ định lên phòng nó trên tầng không bằng.

Hay lắm, tôi muốn năm nay mình có một kỳ nghỉ phép hoàn toàn bình thường - tức một kỳ nghỉ theo kế hoạch, tốt nhất là đi nghỉ ở nước ngoài. Adam và tôi đang bàn tính: làm thủ tục, dành dụm tiền nong, nếu thiếu tiền có thể vay thêm. Cả hai mừng lắm, sắp đến ngày lên đường và... đùng một cái, Tosia bảo rằng, tuyệt vời, chúng tôi cứ việc đi nghỉ ở nơi nào đó, còn nó xung phong ở lại trông nhà.

Tôi đã tốn khá nhiều thời gian để thuyết phục Adam rằng đi đảo Teneryfa ở Tây Ban Nha hay hơn đi hồ Mazury. Thế rồi hôm trước mấy người bạn anh lại gọi điện thông báo họ đã thuê thuyền rồi (một chiếc thuyền buồm dài 32 mét) và hẳn sẽ rất tuyệt vời. Suốt tối đó tôi phải cố sức thuyết phục Adam.

Tôi bắt đầu hỏi những câu hỏi khéo một cách rất ngoại giao, nhằm làm cho anh thấy được ý đồ của mình, cũng như những suy tính chín muồi của tôi.

“Anh đã đến vùng hồ Mazury chưa?”

“Rồi.”

“Còn Teneryfa?”

“Chưa đến. Và không thích đến.” Anh nói tiếp sau giây lát. “Ở hồ Mazury...”

Tôi không thể để chính mình cũng bị lôi cuốn.

“Liệu có bảo đảm là thời tiết vùng hồ sẽ thuận lợi? Bởi vì cách đây ba năm, vào tháng Bảy, ở đó mưa to đến nỗi thuyền trên mặt hồ gần như bị tan vào trong nước. Không, chẳng thể được đâu. Nhưng ở Teneryfa chúng ta sẽ được đảm bảo là thời tiết luôn đẹp.”

“Và những hai triệu khách du lịch nữa chứ.” Adam thêm vào.

“Vùng hồ Mazury thì có gì hay? Vắng tanh! Hằng ha sa số hải âu bay lượn trên mặt hồ. Anh có nhớ những con hải âu đen dữ tợn không? Năm ngoái, một chương trình truyền hình có chiếu cảnh một thằng bé ngủ quên trên ruộng lúa mì, nguyên cả đàn hải âu sà xuống tấn công nó và thằng bé đã phải vào viện, anh nhớ chứ?”

“Đúng, anh có nhớ, nhưng anh chẳng thấy có mối liên quan nào cả, vì ở giữa hồ sao có thể ngả lưng trên ruộng lúa mì được.”

Tôi đến bó tay.

“Anh có biết trên mặt hồ đầy muỗi hay không? Những con muỗi to đùng không đời nào chịu tha cho người ta, còn gì là nghỉ ngơi khi cứ tối đến phải ra sức đập cho bằng được con muỗi đang kêu vo vo quấy nhiễu. Giá mà chúng không phiền hà đến vậy.”

 “Có sao đâu, muỗi là một phần không thể tách rời của kỳ nghỉ, chúng bay lượn, chúng kêu vo vo, thế cũng lãng mạn đấy chứ, anh đã kịp quen rồi, dù bây giờ anh không còn ở khu nghỉ mát ấy nữa, nhà mình cũng đầy muỗi đó thôi.”

Đến đây tôi đã nhận ra thực chất của vấn đề. Nói chung anh chẳng cần tôi. Anh thích muỗi hơn một kỳ nghỉ hè đẹp trời cùng vợ chưa cưới - người đàn bà mệt mỏi sau cả năm cật lực làm việc. Người xứng đáng được hưởng một kỳ nghỉ giá rẻ bất ngờ với hai tuần khuyến mãi tại Teneryfa chỉ hết có tám trăm zloty. Không bao giờ anh chịu từ bỏ một cái gì đó vì tôi. Dù đó là những con hải âu hung dữ, những con muỗi chết tiệt và thời tiết xấu. Nói ngắn gọn, anh sẵn sàng hy sinh chỉ là để khiến tôi không được hưởng chút thoải mái nào từ kỳ nghỉ. Tôi hiểu rồi, vì anh sắp sang Mỹ, cho nên lúc này anh chẳng cần đi nghỉ ở nước ngoài làm gì.

Đôi khi cuộc sống là sự đối chiếu giữa bản thân chúng ta với thực tại, thật đáng buồn. Cả một buổi tối vô bổ, cũng may chúng tôi đã không phí mất cả đêm. Sáng dậy tôi nghĩ, thực ra mình cũng đâu quá cần phải đi Teneryfa. Còn Adam nói:

“Sao em không nói ngay là em chỉ muốn tới Teneryfa thôi, thay vì dài dòng thuyết phục anh là em không thích đi thuyền buồm nữa?” Nói đoạn anh rút ra tờ quảng cáo của công ty du lịch, tôi mở cờ trong bụng. Mừng hết nỗi, tôi lao vào ôm chặt lấy anh, chúng mình sẽ có một chuyến du lịch trước ngày cưới!

Chúng tôi ngồi trong vườn, những cây thược dược tôi trồng từ mùa xuân bây giờ đẹp đến nỗi tôi có thể chẳng cần phải đi đâu nữa. Thế nhưng, lạy Chúa, tôi hầu như sống ở làng quê, chẳng hề hay biết chuyện gì đang diễn ra trên thế giới này. Teneryfa mới đẹp làm sao, bầu trời xanh trong, những ngôi nhà màu trắng, rồi nắng ngập tràn, rồi núi đá, rồi các quán nhậu… Tôi nhớ biển ấm đến phát điên lên rồi đây!

Thế là Adam đi đến công ty du lịch hỏi thăm.

Hóa ra: Chương trình khuyến mãi thì cũng có đấy, nhưng từ hồi tháng Năm cơ và chỉ bán vé ba ngày trước khi lên đường, bây giờ giá không phải tám trăm, mà là một ngàn sáu trăm, hơn nữa không phải hai tuần mà chỉ có một tuần, nhưng chúng tôi vẫn có thể xem xét, vì Adam sẽ được lĩnh một khoản tạm ứng cho chuyến đi Mỹ phải gió kia, sẽ ổn thôi.

Tôi mừng đến nỗi ngay lập tức lao ra gọi điện cho Ula. Sau đó tôi lục lọi khắp nhà, Adam hỏi tôi về hộ chiếu, tôi bảo có, chỉ có điều tôi đâu biết được hiện nó đang nằm ở chỗ nào?

Đến tối, tôi ngã ngửa khi thấy cuốn hộ chiếu được tìm thấy trong tủ bếp, Tosia phát hiện ra khi đang lục tìm cuốn sổ tiêm chủng của con Borys. Và đến tận khi ấy tôi mới hay, hộ chiếu của tôi đã hết hạn cách đây bảy mươi sáu ngày, tôi không hề hay biết, bởi lẽ tôi đâu phải là người suốt ngày nay đây mai đó, bôn ba khắp thế giới đâu. Nó cố tình hại tôi, vì trước khi lên đường đi đảo Síp nó không hề hết hạn (ơn Chúa), trước chuyến đi Berlin đen đủi (thật đáng tiếc) cũng vậy. Tại sao chúng ta lại sống trong một đất nước nơi mà các giấy tờ tùy thân đều có hạn sử dụng như pho mát và sữa chua? Đã thế những thứ đó lại có hạn sử dụng không rõ ràng. Người ta chỉ ghi rất ma lanh: “Hạn sử dụng in trên nắp đậy”, mà nắp đậy thì nhòe nhoẹt, chỉ có mỗi bông hoa nhỏ trên đó là rõ ràng mà thôi.

“Thế nào hả em?” Adam đứng sau lưng hỏi, tôi gập vội cuốn hộ chiếu đã hết hạn lại. “Chúng mình đi chứ?”

Tôi không thú nhận với anh là mình không có hộ chiếu. Tôi sẽ giải quyết việc này trong nháy mắt.

“Chúng mình đi chứ?”

Có thể không kịp xin hộ chiếu, tôi nghĩ bụng. Cần phải tìm ngay một lối thoát khôn ngoan.

“Còn Tosia thì sao đây?” Tôi nói bâng quơ.

“Sao em lại hỏi Tosia?” Adam ngạc nhiên. “Nó đang ở trên lầu.”

Thông tin chính xác quá nhỉ? Tôi hỏi là “Tosia thì sao đây?”, anh liền trả lời nó đang ở đâu. Chẳng lẽ tôi không biết con gái mình đang ở đâu hay sao?

“Anh có thể trả lời câu hỏi của em một cách bình thường được không?”

“Nhưng câu nào mới được chứ?”

“Câu nào cũng được.” Tôi quát to.

“Judyczko(1) chẳng lẽ em không định nói cho anh biết, em muốn gì hay sao?”

Một câu hỏi sao mà mạch lạc đến thế? Nhạc điệu tuyệt vời! Giọng nói tuyệt vời! Ánh mắt tuyệt vời đến từ cái nhìn ngơ ngác! Judyczko? Chưa bao giờ anh gọi tôi bằng cái tên đó. Judyczko vang lên, nghe cứ như từ Indyczko (gà mái) trong tiếng Ba Lan vậy. Chẳng còn chút nồng thắm nào, không dịu dàng, không khoan khoái như khi anh gọi tôi là Juta hay Ciapek, thậm chí là người đàn bà tâm thần, hoặc đồ điên. Không! Đối với anh, bây giờ tôi là Judyczka - một cô gà mái! Không bao giờ! Tôi phải nói thẳng. Tôi không cho phép ai được coi thường tôi!

“Anh đừng nói chuyện với em như một bác sĩ tâm lý xấu bụng!”

“Em phản đối các bác sĩ tâm lý vì điều gì nào?”

“Em ư?” Tôi ngạc nhiên, ra bộ xem thường.

“Chính em đấy.” Anh nói điềm tĩnh và lườm tôi.

“Không có gì,” tôi đáp, rồi quay lưng đi về phía cửa. “Em phản đối tất,” tôi nói tiếp khi đã ra đến cửa.

“Phản đối tất, nghĩa là sao?” Adam đuổi theo, vỗ vào mông tôi, điều tôi chúa ghét!

“Đừng có đụng vào người ta!” Tôi quát to.

“Cả sau này cũng không à?” Anh hỏi rất láu cá.

Một tay bác sĩ tâm lý quái gở, một gã mưu mẹo! Tôi sẽ không cho phép bất kỳ gã đàn ông nào vỗ vào mông mình, kể cả anh chàng tôi đang yêu. Anh ta cũng như tất cả đàn ông trên trái đất này, đều coi cánh phụ nữ như đồ vật chứ không hề tôn trọng. Không!

“Cả về sau này thì không hẳn.” Tôi đắn đo trong chốc lát hậu quả của việc Adam không bao giờ còn đụng vào người tôi nữa rồi hùng hổ nói tiếp: “Chính thế, nên thế giới này là cái thế giới nơi đàn bà chẳng biết nói lời KHÔNG khi đàn ông vỗ vào mông mình. Người ta nhét đàn bà vào biển quảng cáo, biến hai núm vú của cô ta thành núm vặn radio, khiến toàn thân cô ta tỏa sóng tình dục... còn các anh chỉ quan tâm mỗi việc mua ô tô. Các anh coi chúng tôi là một nửa tồi hơn của nhân loại.” Tôi kết thúc một cách nghiêm khắc.

“Judyta, xin em hãy bình tĩnh.” Adam chịu nhường tôi. “Anh không muốn mua thêm chiếc ô tô nữa đâu. Giữa chuyện vỗ vào mông người đàn bà mình yêu và treo cô ấy trần truồng ở trung tâm thành phố là cả một đại dương cách biệt.”

Thế là tôi rủ lòng thương. Rốt cuộc, nếu một người đàn ông nói rằng anh ta đang yêu, anh ta có thể vỗ nhẹ vào người đàn bà của mình.

“Thỉnh thoảng anh có thể nhẹ nhàng vuốt ve em, thậm chí có thể vỗ nhẹ nữa, nhưng không phải là để khinh thường.” Tôi vui vẻ đồng ý và để Adam ở lại một mình.

Rất may anh đã quên khuấy chuyện Teneryfa. Tôi định sáng sớm tinh mơ sẽ vào thành phố để hỏi xem khi nào mình có hộ chiếu. Có lẽ là nhanh thôi.

“Có điều, đằng nào em cũng không thích bác sĩ tâm lý.” Tôi nói thêm khi đã ra ngoài tiền sảnh.

“Tại sao?”

“Tại vì...” Tôi ấp úng. “... một người ngồi vắt chân chữ ngũ, bác sĩ tâm lý chỉ cần thoáng trông người đó vắt chân nào lên chân nào, đồng thời quan sát nhất cử nhất động của người ta, là ngay lập tức ông ta có thể đoán biết được người đó đang có vấn đề gì với phụ nữ.”

“Cái gì?” Thiếu chút nữa là Adam cắt đứt mấy ngón tay trong khi đang làm bữa tối. “Người phụ nữ nào cơ?”

“Người không yêu chiều anh nữa ấy.” Tôi kiêu căng đáp rồi đi vào phòng, bộ phim tôi mong đợi đang bắt đầu.

*   *   *

Nộp đơn làm hộ chiếu chẳng có gì phức tạp. Thoạt tiên tôi đi chụp ảnh, ảnh tôi nom chẳng khác gì ảnh chân dung kỷ niệm, tiếp đó là nộp hồ sơ. Lúc đầu họ bảo tôi chẳng có vấn đề gì. Sau đó họ nói, phải đợi nửa tháng, vì đang mùa làm hộ chiếu. “Lẽ ra chị phải tính sớm,” họ trách tôi, “không thể làm nhanh được đâu chị ơi.”

Thế rồi tôi sực nhớ ra chuyện cậu con trai bà hàng xóm của cô bạn cùng cơ quan tôi đã giải quyết được hộ chiếu của mẹ mình chỉ trong vài ngày. Cậu ta liên hệ với một chị, chị này có quen biết một anh, anh này lại nhờ cậu em đồng hao có bạn thân làm việc tại một công ty du lịch.

Tôi đến tòa soạn, đi với cô bạn hết nửa ngày, gọi điện cho bà hàng xóm của cô ta, bà này gọi điện cho cậu con trai, cậu con trai tìm lại chị nọ hỏi xem anh kia có còn liên lạc với cậu em đồng hao nữa không... nhưng vô dụng vì cậu này đã ly dị.

Tôi về nhà, điên tiết. Ai đã nảy ra ý nghĩ xuẩn ngốc là đi nghỉ ở nước ngoài? Xanh Lơ bị loạn óc chăng? Trong mùa hè, à không, gần hè thôi, lại đến những nơi ấm áp làm gì? Trong khi hồ Mazury nước ta đẹp như vậy, gấp bội phần so với Teneryfa, thì việc gì phải tới đó, nơi có đến hai triệu khách du lịch, không lách nổi người, nắng thiêu đốt suốt ngày. Tuy rằng hồ Mazury nhiều hải âu và lắm muỗi. Nhưng nghe đâu hải âu cực ghét mùi va ni. Nếu tôi dùng loại nước hoa thoảng mùi va ni, liệu chúng có chén thịt tôi? Chắc chắn là không. Lại còn chẳng tốn kém nữa. Thực tình, tôi thích nước hoa hơn là việc đi Teneryfa. Giờ tôi phải giải thích cho Adam rằng, không có gì tuyệt vời bằng việc lái thuyền buồm lướt trên mặt hồ. Nhưng tôi có một ý tưởng khác hay hơn. Chúng tôi sẽ đi biển: biển Ba Lan, chứ không phải biển nước ngoài mãi tận đẩu đâu. Rất tuyệt vời, lại không hề đắt, sẽ tiết kiệm được khối tiền. Vào mùa này, một số nơi khá vắng khách, có thể cuốc bộ hàng giờ đồng hồ trên bãi biển, nhặt đá cuội, vẫy vùng trong sóng biển bạc đầu trắng muốt đẹp như mơ. Mẹ hoặc bố cứ việc đến chỗ tôi mà nghỉ, hơn nữa Tosia cũng ao ước được ở nhà.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26029


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận