Các Người Khắc Biết Tay Tôi Chương 19


Chương 19
Chăm lo đàn ông chưa trưởng thành

Hôm qua tôi nhận được một thư ngắn của Xanh Lơ, anh bảo tôi gọi điện đến các cơ quan nhà nước để ghi tên làm phỏng vấn. Anh sẽ fax giấy mời về cho tôi. Giấy mời do ông David Childhood nào đó đứng tên và anh sẽ chuyển vào tài khoản của tôi một ngàn đô la để mua vé máy bay. Tôi nhảy cẫng lên vì sung sướng, đoạn chạy lên phòng Tosia.

“Tosia, mẹ con mình sẽ đi Mỹ!” Tôi thét to ngay trước cửa.

“Ôi, mẹ ơi, thế thì tuyệt quá. Nhưng con có nhất thiết phải đi không? Năm nay con thi tốt nghiệp, một chuyến đi như thế này hoàn toàn lạc điệu đối với con. Con đã nói chuyện với bà rồi, con sẵn sàng ở lại.”

Tôi đi xuống nhà, lòng vô cùng ngạc nhiên.

Thực ra tôi có thể đi một mình, thế nhưng chẳng lẽ tôi lại để con gái ở nhà trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới hay sao. Tôi hoàn toàn không hiểu nổi Tosia. Tôi đã chắc mẩm nó sẽ mừng phát điên lên. Thế nhưng Tosia nói rằng, đằng nào thì cũng phải có người trông nom nhà cửa (Borys và hai con mèo cần người chăm sóc, tức là cần Tosia, cứ như tôi chẳng cần con gái tôi vậy), và rằng nó không muốn bỏ mặc bà và ông đang sống ly thân. Thực ra bố mẹ tôi đâu cần thiết phải được chăm nom.

“Mẹ hãy nghỉ ngơi đi!” Tosia nói lớn, khoác chiếc túi đeo rồi chạy ra khỏi nhà, tới chỗ Jakub đã chờ sẵn. Từ khi bịa chuyện là tôi vác dao dọa nó, thằng bé không dám bước vào khi tôi đang ở nhà.

Tôi chỉ còn biết thở dài. Tosia cùng cả lớp đi tham quan Praha bốn ngày, tôi ở lại một mình.

*   *   *

Hôm nay tôi rời tòa soạn sớm hơn. Về tới nhà tôi đắn đo mình nên làm gì. Không còn chút vui sướng nào nữa. Chẳng hiểu tại sao, lúc nào tôi cũng bị trên đe dưới búa. Cứ phải lựa chọn giữa Tosia và Adam. Lẽ ra không nên như vậy!

Tôi quyết định dọn dẹp nhà cửa và lôi máy hút bụi ra. Vừa đưa ra quyết định khổ sở này thì mẹ tôi gọi điện hỏi xem tôi đã thận trọng cân nhắc chuyến đi này chưa. “Vì sắp đến lễ Giáng sinh và Năm mới, em trai con có thể sẽ về thăm nhà vào dịp này. Lẽ dĩ nhiên, nếu thích thì con cứ đi, cho dù mẹ rùng mình khi nghĩ tới máy bay, tiền bạc vân vân. Thật đáng tiếc là sẽ không có con bé Tosia đi cùng, nhưng con đã quyết như vậy thì biết làm sao, mẹ sẽ không can thiệp.”

Tôi đi ra tiền sảnh, tay cầm giẻ lau, vì cần gì máy hút bụi khi hút mà không sạch bụi. Giờ đến lượt bố tôi gọi điện. Trước đó mẹ đã gọi cho bố, kể về chuyện của tôi. “Tất nhiên là bố không phản đối chuyện hai mẹ con đi Mỹ, mặc dù nếu ở vào hoàn cảnh của con thì bố không đi đâu cả. Đi mà làm gì, bây giờ đi máy bay đến hãi, và biết đâu dịp lễ Noel và giao thừa năm nay là những ngày lễ cuối cùng chúng ta có thể ở bên nhau. Dạo này bố cảm thấy không được khỏe trong người. Nhưng không sao cả, nếu con muốn để bố ở lại một mình đón những ngày lễ cuối cùng này, bố cũng không phản đối đâu.”

Tôi đặt nước pha trà, thả hai con mèo ra và nhìn vào cửa kính nhà bếp. Nửa dưới cửa dính đầy chân mèo. Zaraz dạy Potem làm giãn thân mình bằng cách bám chặt bốn chân lên kính. Có lẽ chúng làm thế để chọc tức tôi. Tosia đang bận học thi cho nên không thể làm những việc thường nhật, chẳng hạn hút bụi, hoặc, lạy Chúa, giặt giũ, chứ chưa nói tới việc lau cửa kính. Con Borys nằm chềnh ềnh giữa lối ra vào, thở phì phò. Kể từ khi xe ô tô nằm lại trong xưởng và tôi phải về nhà bằng xe lửa nội đô, thậm chí nó còn không buồn đứng dậy khi nghe tiếng chìa khóa lạch cạch lúc mở cửa. Tôi đụng nhẹ vào con chó, nó mở mắt.

“Borys, mèo con, về chỗ!” Tôi nói, nhưng hình như con chó không bằng lòng khi tôi gọi nó là “mèo con”. “Anh chó! Về chỗ!” Tôi chữa lại, Borys nặng nề nhổm dậy, lết vào phòng.

Sau khi đuổi được con Borys để khỏi vướng chân, tôi nghĩ bụng mình đang là một người đàn bà mệt mỏi, mình sẽ dọn dẹp thật nhanh để tối đến có thể rảnh rang xem một bộ phim nào đó thay vì ngồi trước máy tính và điện thoại. Tuy nhiên, tôi còn chưa kịp đóng chiếc tủ nhỏ mà trong đó không thể tìm cho ra lọ nước rửa kính, thì mẹ đã gọi điện hỏi tại sao tôi nấu cháo điện thoại liên tục làm mẹ không tài nào gọi được cho tôi. “Mẹ đã nghĩ kỹ rồi, thôi thì hai mẹ con con cứ sang Mỹ đi, vì đây là cơ hội hiếm hoi để thăm thú nước ngoài tí chút, chỉ có điều cần phải hết sức bảo trọng.” Vừa mới kết thúc nửa giờ đàm thoại với mẹ và kịp tống vào máy giặt đống quần áo sặc sỡ của Tosia (trước mỗi chuyến đi nó thường ca cẩm váy áo của nó hoặc là bẩn, hoặc là không mốt) thì bố tôi gọi điện. “Thứ nhất, con không còn việc gì lý thú hơn để làm hay sao mà chỉ ngồi ninh điện thoại, làm bố không tài nào gọi cho con được. Thứ hai, con có chắc là sẽ xin được thị thực đi Mỹ trước các ngày lễ cuối năm hay không? Vì để được gọi đến đại sứ quán phỏng vấn phải chờ những hai tháng. Con có cần bố nhờ ông bạn ở bộ Ngoại giao giúp giải quyết việc này?”

Xong mấy cuộc nói chuyện điện thoại với bố mẹ, tôi mệt rũ cả người, lòng dằn vặt vì cảm thấy có lỗi khi định bay sang Mỹ với Xanh Lơ và để mặc bố mẹ ở nhà trong dịp lễ tết cuối năm. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đây quả thực sẽ là dịp lễ cuối cùng chúng tôi có thể ở bên nhau?

Máy hút bụi vứt chỏng chơ giữa tiền sảnh, chậu rửa đầy ắp bát đĩa bẩn từ ngày hôm qua, máy giặt vẫn chưa cho xà phòng, giẻ lau vứt ở đâu đó, hai con mèo ngồi trên bệ ngoài cửa sổ chơi trò bám kính bằng bốn chân, đồng thời làm bẩn phía bên ngoài cửa kính.

*   *   *

Tôi thích đi Mỹ lắm! Tôi đang ao ước như vậy, tôi rất nhớ Xanh Lơ và muốn nói với anh nhiều điều. Xanh Lơ ơi, anh hãy đọc báo hoặc xem bóng đá đi. Hoặc, Xanh Lơ ơi, anh cứ việc cất chiếc máy khoan vào tủ, để dưới chồng áo len đi. Lúc này chiếc máy khoan đang nằm trong nhà bếp, tôi đã cất nó vào đó sau khi Xanh Lơ ra đi mà không hề nghĩ tới việc đặt nó trở lại tủ quần áo. Tôi thấy áy náy đến nỗi hì hục lôi chiếc máy khoan ra khỏi cái tủ con bên chậu rửa bát và đem cất nó vào tủ quần áo trong phòng. Thôi, gì thì gì, chiếc máy khoan hãy cứ nằm vào chỗ Xanh Lơ vẫn thích cất giữ nó.

Tôi gọi điện cho cô bạn ở một công ty hàng không quen biết. Cô báo cho tôi hay, tất cả các chuyến bay đã hết chỗ từ tháng Chín. Cô bạn nói sẽ nhét tôi và Tosia vào danh sách chờ và theo dõi, hễ có chỗ trống là báo ngay cho tôi. Cứ thế, chẳng mấy chốc mà bảy giờ tối đã điểm.

Tôi dọn dẹp đến chín giờ tối, hăng say đến nỗi lau cả cửa sổ nhà bếp, nhưng chỉ phía bên trong thôi, vì tôi không có sức lau cả phía bên ngoài. Rốt cuộc cũng xong việc, tôi đặt mình xuống đi văng, nằm bên cạnh con Borys. Con chó hiểu rằng, mệnh lệnh “về chỗ” có nghĩa là “cưng ơi, hãy vào đi văng mà nằm, làm bẩn in ít thôi”. Đột nhiên Agnieszka gọi điện nói có việc khẩn và liệu cô nàng có thể đến ngay lập tức được không. Tất nhiên là có thể, sao lại không, nhất là bây giờ nhà cửa đã quét dọn tinh tươm. Tôi đang hết hơi và muốn đi ngủ, nhưng sao lại không.

Chín giờ ba mươi tối, Agnieszka đến và bắt tay ríu rít. Cô nàng ngắm nhìn cơ ngơi không lớn của tôi, theo chân tôi vào nhà tắm (quần áo đã giặt xong, tôi định đem đi phơi). Đoạn cô em họ tôi nói:

“Em phục chị đấy, việc gì chị cũng tài, nào việc cơ quan, nào việc gia đình. Nhưng có điều, nhà chị chỉ có hai người, còn nhà em có đến bốn cái miệng để mà đánh vật!”

Thiếu chút nữa là tôi phủ nhận, nhưng tôi phẩy tay, tất nhiên là phẩy tay trong đầu thôi, vì tôi đang lôi ga trải giường ra khỏi máy giặt, làm gì còn tay để mà phẩy. Thôi thì cô em cứ khâm phục bà chị đi. Rốt cuộc bà chị cũng phải được ngợi khen chứ.

Phơi đồ xong, chúng tôi vào phòng. Tôi mệt rã người. Agnieszka ngồi trên đi văng, cũng bảo nó mệt rã người. Sau đó cô nàng thắc mắc sao tôi lại để chó nằm trên đi văng.

Bất thình lình, Agnieszka đi thẳng vào vấn đề. Nó hỏi, liệu thằng cháu nhỏ của tôi có thể đến đây ở được không. Đúng lúc đó tôi đang nuốt dở ngụm nước trà, ngay lập tức tôi bị sặc.

“Vợ chồng em sẽ sang Anh. Nhưng thằng bé vẫn đang đi học.” Agnieszka nói thêm để giải thích, còn tôi bị sặc không nói được.

 Ý nghĩ về thằng cháu nhỏ làm tôi ớn đến tận xương tủy. Ảo tưởng về sự yên bình tôi tự tay tạo dựng đã biến mất tăm, không còn lại một chút vương vất nào.

“Sang Anh hả?” Tôi kéo dài thời gian phải trả lời.

“Dì Hanka gọi điện.” Agnieszka ngồi lún sâu trong ghế đi văng, co hai chân lại. “Dì thiết tha đề nghị Grzesiek sang bên đó đỡ đần giúp vài tuần. Dì đang bán căn nhà ở phố Braganza và một mình dì không xoay xở nổi. Dì muốn chuyển đến Kensington để mua một ngôi nhà giá rẻ. Grzesiek sẽ đi cùng em. Em chưa đi Anh, nên em rất háo hức. Con Honorata tha thiết xin bố mẹ mang nó đi theo. Nhưng thằng Piotrus lại không thích.” Agnieszka nói, giọng đầy tiếc nuối. “Mặc dù cả nhà có thể cùng đi chuyến này. Bọn trẻ nghỉ học hai tuần chẳng sao, nhưng Piotrus không chịu. Cho nên em mới nhờ chị trông nom nó giúp em.”

Trước mắt tôi bỗng hiện lên phòng bóng bàn trong nhà hai vợ chồng Agnieszka, nơi tôi ở nhờ hồi xây nhà. Tosia được đứa cháu gái bé bỏng của tôi cho ngủ nhờ cùng giường. Tôi nhớ cả con chó Klopot, con mèo Kleofas (lúc nào mình mẩy nó cũng đầy thương tích vốn là hậu quả của những cuộc tình thâu đêm suốt sáng). Agnieszka, cô em họ đã kiên nhẫn chịu đựng tôi và Tosia hàng tuần, Grzesiek, người đã nhiều lần chở các kíp thợ đến công trình xây dựng nhà tôi. Lòng nhẫn nại và sự chăm sóc tận tình của hai vợ chồng cô em cần phải được bù đắp.

Và thằng cháu nhỏ, tiếc thay, cũng hiện lên trước mắt tôi. Nào là, nó muốn ngủ chung giường với bố mẹ vì nó sợ. Nào là, nó không muốn ngủ tí nào vì lúc hai mươi hai giờ có bộ phim Tên giết người điện tử, các bạn nó đều được xem còn nó thì không. Nào là, nó không muốn đi học vì đau bụng, nhưng nó muốn đi chơi bóng vì giờ đã hết đau bụng. Nào là, cô giáo không ưa nó, hoặc nó không ưa cô giáo. Tôi nhớ lại tất cả các đòi hỏi của thằng bé. Chẳng hạn, vợ chồng Agnieszka phải đưa nó đến cung thiếu nhi, vì nó không thích ở nhà, hoặc nếu không chịu được nó thì bố mẹ nó hãy đi đến nhà dưỡng lão mà ở để nó được yên. Sau chót, tôi nhớ một câu kỳ cục mà thằng cháu nhỏ luôn hỏi mỗi khi nó đi học về: “Bác đang chữa bệnh hay sao?”

“Không!” Tôi những muốn hét lên. “Không! Không! Không! Thằng bé sẽ làm chị kiệt sức mất! Nó đòi chơi trò chơi điện tử, nó đòi đưa nhiều bạn về nhà, nó hỏi cả triệu câu hỏi, nó muốn ăn, nó muốn uống, nó muốn xem ti vi theo ý nó! Không! Chị chỉ nuôi lớn một đứa bé gái, chị không biết phải làm gì với thằng bé mười một tuổi! Chị sẵn sàng trông nom một người ba mươi tuổi, nhưng trẻ con thì không! Đừng bắt chị làm việc này!” Tôi tru tréo trong đầu. “Em đi mà nhờ người khác! Thậm chí mẹ hoặc bố chị cũng được. Hoặc bố mẹ em, đừng có nhờ chị!”

Tôi mở mắt, dứt khỏi dòng suy nghĩ và nhìn vào khuôn mặt đầy tin cậy của Agnieszka, cô em họ nói tiếp:

“Bây giờ làm sao đây? Em định nhờ mẹ em, nhưng cụ sẽ đi Busk cùng bà bạn. Bọn em định mồng mười tháng Mười hai sẽ về. Cho kịp dự lễ sinh nhật lần thứ mười tám của Tosia. Còn Piotrus… chị ơi, thằng bé sẽ không quấy rầy chị đâu. Chị Ola có thể đến giúp em trong khoảng thời gian này, nhưng chị ấy không có bằng lái xe nên không thể đưa thằng bé đi học. Bọn em muốn để xe ô tô lại cho chị.”

“Chị không đủ sức đâu.” Tôi thét lên trong đầu, tay nắm chặt. “Chị không đủ sức đâu! Agnieszka, em không thể tha cho chị được hay sao? Chị chưa bao giờ có con trai, chị không biết phải làm sao với một thằng nhóc sắp mười hai tuổi! Chị sẽ phải nghỉ việc, dậy sớm, làm bữa sáng cho nó và chở nó đến trường lúc tám giờ! Không được đâu!”

Tôi mở mắt nói:

“Tất nhiên. Không có vấn đề gì. Các em cứ đi đi.”

Agnieszka đứng dậy, bắt tay tôi rất nhiệt tình.

“Đúng là chị rất đáng yêu, em đã biết là có thể trông cậy vào chị mà.”

Sau đó cô em họ tôi với tay lấy điện thoại và quay số. Giọng mừng rỡ thét to:

“Chị ấy đồng ý rồi! Chị ấy đồng ý rồi!”

Tôi có cảm giác mình đang trong cơn ác mộng.

*   *   *

Bà dì của tôi và Agnieszka, thực ra đâu phải là dì của chúng tôi. Bà là em họ xa của em gái họ của bà chúng tôi, người em họ này hiện sinh sống ở Krakow. Dì Hanka có cuộc đời khá thú vị. Trước Thế chiến II, khi còn là cô bé tuổi teen, dì đã nhảy từ trên cầu xuống sông Wisla, vì dì đã thề với bạn trai là sẽ nhảy. Để khen thưởng chuyện này, bố mẹ của dì ngay lập tức đưa dì đến một ngôi trường vô cùng nghiêm khắc do các nữ tu sĩ cai quản. Quản lý trong trường đã tìm mọi phương cách hòng khuất phục dì Hanka nhưng vô dụng. Bây giờ ngôi trường đó không tồn tại nữa, còn dì Hanka hiện sống khá giả. Khi chiến tranh bùng nổ, trước khi các nữ tu sĩ quyết định xem phải làm gì, dì Hanka đã bỏ trốn khỏi ký túc xá của trường. Mười bảy tuổi, dì Hanka xin gia nhập quân đội. Dì giấu tuổi thật và bảo rằng mình mười chín tuổi.

“Trước chiến tranh dì cộng thêm tuổi, sau chiến tranh dì trừ bớt đi.” Có lần dì nói vậy.

Vì người ta không nhận dì vào quân đội, dì bèn trốn nhà chạy ra biên giới phía Đông, ở đó có một trung đoàn Ba Lan đóng quân và ông anh họ Zenobiusz của dì phục vụ trong đơn vị này. “Dì và anh ấy đã có cảm tình với nhau.” Dì Hanka kể về người anh họ xa này như vậy. “Dì muốn đến chia tay với Zenobiusz sắp lên đường ra mặt trận. Anh ấy là thiếu úy vừa mới được thăng cấp. Nhưng dì không đến kịp, vì khi ấy Zenobiusz đã lên đường hướng về chiến trường phía Đông xa xăm tận bên Liên Xô trên một chuyến tàu chở các tù binh. Về sau dì còn đến tận vùng Xi bê ri.”

Sau đó dì Hanka cùng các chiến binh trong đội quân của Anders trở về Ba Lan qua đường châu Phi. Tại Irắc dì quen một thiếu tá trẻ. Ngay lập tức dì cầu hôn viên sĩ quan này, bởi hóa ra tình cảm của dì với anh thiếu úy Zenobiusz nọ cũng không kéo dài được lâu. Ở Ba Lan khi ấy đang bắt đầu áp dụng chế độ mới, nên vị thiếu tá trẻ không thể trở về Ba Lan vì sợ bị tố cáo phản bội tổ quốc. Dì Hanka và viên thiếu tá trẻ bèn dừng chân tại nước Anh và định cư luôn ở đó.

Dì Hanka là một người rất giàu nghị lực. Không lấy gì làm lạ khi ngoài tám mươi rồi mà dì vẫn quyết định bán nhà ở Braganza và mua nhà ở Kensington. Chỉ tiếc rằng, không phải tôi đi London, mà tôi phải ở lại với đứa bé, đã thế lại là một thằng con trai nghịch ngợm, nhưng còn biết làm sao.

Trong họ hàng, dì Hanka có tiếng là người thường đưa ra những lời khuyên vàng ngọc, nhưng qua nhiều năm tháng đầu óc dì không còn minh mẫn nữa. Chẳng hạn, tôi nhớ hai mươi năm trước dì đã nói với tôi như thế này:

“Judyta này, cháu hãy nhớ rằng, số học rất cần thiết trong quan hệ với đàn ông. Khi ngoài hai mươi cháu hãy chọn đàn ông ngoài bốn mươi, ngoài ba mươi cháu nên chọn đàn ông ngoài hai mươi, tới khi ngoài bốn mươi cháu hãy chọn đàn ông ngoài ba mươi.”  

Bản thân tôi không bao giờ áp dụng lời khuyên này.

Dì Hanka có khả năng đặc biệt là khiến cho không ai có thể từ chối dì. Cho nên tôi chẳng hề ngạc nhiên khi Agnieszka không viện lý do này nọ, chẳng hạn có việc đột xuất để thoái thác lời đề nghị mà quyết định đi luôn.

*   *   *

Agnieszka, Grzesiek và con gái sẽ bay vào ngày thứ Hai. Tối thứ Ba Tosia đi tham quan về. Thằng cháu nhỏ cùng chiếc ô tô mới của vợ chồng Grzesiek sẽ được đưa tới nhà tôi vào thứ Hai, sau giờ tan học. Thằng bé sẽ ở nhà, còn tôi chở ba người kia ra sân bay. Đáng ra tôi có bốn ngày rảnh rang nhờ việc Tosia đi Praha, giờ tôi chỉ còn lại hai ngày là thứ Bảy và Chủ nhật. Tôi đã hứa với mẹ là sẽ đến thăm bà vào ngày thứ Bảy, đương nhiên là phải thăm cả bố nữa, bởi bố đã dặn: “Con mà đến thăm mẹ thì nhớ tạt qua chỗ bố.” Nghĩa là tôi chỉ còn lại ngày Chủ nhật. Vậy có nghĩa tôi sẽ chẳng được nghỉ ngơi, chưa kể tôi còn phải chuẩn bị phòng cho thằng cháu. Tôi thì sẽ chuyển sang phòng khách. Lại còn phải sắp xếp máy tính, máy in, chỗ ngủ. Suốt hai tuần tôi sẽ phải ngủ trong phòng có đặt chiếc ti vi. Trước mắt tôi chỉ thấy toàn một màu đen. Nhưng biết làm sao, tôi phải làm gì đó để đền ơn gia đình cô em họ mà cách đây mấy năm đã từng cưu mang đùm bọc tôi và Tosia.

Anh Xanh Lơ yêu thương và tuyệt diệu của em!

Thiếu vắng anh, cuộc sống hoàn toàn không còn nghĩa lý. Em chẳng làm được việc gì ra hồn cả. Người ta sửa tùm lum bài báo của em, Tosia hầu như lúc nào cũng vắng nhà, bọn mèo thì làm bẩn kính cửa sổ. Em cô đơn và trống trải lắm anh à, em chỉ muốn có anh bên em mà thôi. Thậm chí anh có thể không cần nói gì cũng chẳng sao. Em không thích ngủ một mình nữa đâu, tình cảm của em hoàn toàn phụ thuộc vào anh mất rồi. Em chỉ nghĩ duy nhất một điều, đó là khi nào chúng mình mới lại được gặp nhau. Tosia không hề muốn đi Mỹ và có thể em sẽ không giải quyết được thị thực. Em không gọi điện cho Đại sứ quán được, em không có xe ô tô, vì chiếc Open của anh bị hỏng hộp số rồi. Em đau khổ và bất hạnh, em thấy lạnh làm sao, tháng Mười là tháng em ghét nhất trong năm. Em ghét anh vì anh đã ra đi, thay vì ở lại và yêu em hết mình như em đang yêu anh lúc này. Em sợ anh sẽ làm quen với một cô gái da màu, hoặc cô con lai nào đó nóng bỏng vì hầu như người đàn ông nào cũng mơ ước như vậy, cho dù một số người không nói ra miệng. Em sợ anh sẽ phải lòng cô gái nào đó rồi đem cô ta so sánh với em. Em sợ kết cục sẽ bất lợi cho em. Em sợ anh sẽ không bao giờ về nước nữa vì ngán phải nhìn thấy em như em hiện giờ, và thế là chấm dứt mối tình đầy hạnh phúc của em. Em yêu anh hết mình và em nhớ anh nhất trần đời.

Nhấn Delete - Xóa ngay đi.

Adam yêu thương,

Em mừng khi anh thuận buồm xuôi gió ở bên Mỹ, từ hôm anh ra đi con Borys buồn thiu, có khi em bắt chước nó cũng nên. Nguyên việc gọi điện đến các cơ quan để xin thị thực đã bắt em phải tốn hàng giờ chầu chực. Bố bảo rằng sẽ tìm cách nhờ các bạn của bố giải quyết nhưng hình như đã quá muộn để xin thị thực thì phải. Công việc của em ngập đầu, thứ Hai này thằng bé Piotrus sẽ đến ở nhà ta, các tế bào não bộ của em run hết lên vì sợ. Liệu một thằng con trai gần mười hai có quấy phá nhiều như một thằng con trai sắp thành niên không nhỉ? Liệu tuổi nó đã phải cạo râu chưa? Thật đáng tiếc khi không có anh ở nhà giúp em. Chưa bao giờ em trông coi một người đàn ông chưa trưởng thành trong một thời gian dài, đương nhiên ngoại trừ cái gã đang ở với Jola.

Công việc cơ quan của em không phải tuyệt hảo, nhưng em sẽ không khiến anh phải đau đầu lo lắng đâu. Em sợ rằng, hai tuần tới đây em sẽ phải tốn nhiều sức lực. Em hy vọng anh sẽ nhắm mắt lại mỗi khi nhìn thấy một người đàn bà trẻ đẹp và thông minh. Em hôn anh nồng thắm, nhớ anh. Judyta.

Thư này khá hơn thư trước nhiều. Không nên bộc lộ quá nhiều với đàn ông là mình không thể sống thiếu anh ta. Đó là điều xuẩn ngốc nhất mà một người đàn bà có thể làm. Lá thư này hay, được cân nhắc kỹ càng, dài vừa phải, kể tóm gọn những gì đang diễn ra nhưng không nhắc đến những chi tiết không cần thiết, được đấy. Có thể gửi đi ngay.

Tất nhiên là không thể, bởi vì tôi có nối mạng được đâu. Tôi biết, bình thường trục trặc như thế này chỉ kéo dài vài giây. Phải cái, thế giới ngoài kia ở khá xa làng tôi và công ty Viễn thông Ba Lan vốn luôn không quan tâm đến việc khôi phục kết nối mạng cho khách hàng.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27891


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận