Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 15


Truyện ngắn 15
Hạ mã

Bấy giờ, dễ chừng mới gà gáy canh hai. Đang thiếp đi trong giấc ngủ mê mệt, ông Tinh bỗng thét rỡ như người bị hổ vồ: "Mã... h...a... h...a... hạ... mã...!". Ngoài nhà, bà vợ giật nẩy mình, nhưng rồi chợt hiểu, lẩm bẩm: "Uống cho lắm vào. Đã bảo cái bệnh tim mạch bớt bớt bia rượu đi, nhưng cấm có để tai. Mười đêm, thì chín đêm ú ớ như thằng điên. Chỉ khổ người khác mất giấc ngủ".

 Nhưng đêm nay, sau lúc bỗng thét rỡ lên thế, ông Tinh lại không ngủ thiếp đi như mọi đêm, mà lần lần với tay lên cái tủ bàn đặt ngay đầu giường. Cái tủ này vừa nhỏ vừa xinh, một chiều sáu mươi, một chiều bốn mươi phân, trên mặt là bàn viết, dưới là ngăn tủ có hai cánh mở ra, đóng vào kiểu tủ chè, được ông Tinh đích thân lên hiệu đóng đồ mộc nức tiếng trên thị xã đặt một bộ "không giống bất cứ ai" - như lời ông dặn đi dặn lại chủ hiệu khi đưa tiền đặt cọc. Chiếc tủ bàn ấy được kê ngay đầu giường, trong phòng ngủ của ông ở phía đông ngôi nhà năm gian, làm toàn bằng gỗ bạch đàn đang có nhan nhản ở nông thôn hiện nay, nhưng gian giữa nhà lại được đóng võng treo bức hoành phi chạm đôi rồng chầu mặt nguyệt, như nhà từ đường họ, nhìn vào vừa nghiêm phong, lại vừa thấy tưng tức mắt. Trên mặt bàn ông chỉ đặt mỗi cái hòm điện thoại. Nói hòm, vì cái điện thoại đặt cạnh giường ông, được để trong cái hòm gỗ con luôn được ông khóa chặt, và do chính tay ông cầm chìa. Chả thế thì sao. Cả làng này đã nhà ai có điện thoại, hay

 

mới chỉ mỗi nhà ông. Nhớ hôm ông đích thân lên bưu điện huyện hợp đồng mắc điện thoại, cô nhân viên còn trẻ măng nhìn ông hỏi: "Nhà bác có kiều à?". Ông lại nghĩ nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, liền bảo: "Kiều thì nhà ai chả có". Cô gái trố mắt nhìn ông: "Thật thế hả bác? Thế thì làng bác phải giàu lắm đấy nhỉ". Mãi sau có người đứng bên nói ông mới hiểu, thì ra cô ấy hỏi ông có người ở nước ngoài hay sao mà ở nhà quê cũng mắc điện thoại. Ông chỉ còn thiếu chút nữa vặc lại: "Cái cô này, cứ làm như đã là nhà quê là tất tất mọi cái đều không thể được như thành thị à". Rồi như một niềm kiêu hãnh, không ai khảo ông cũng tự nhiên xưng: "Tôi không có kiều, nhưng có con gái làm bảo tàng tỉnh. Giành giật mãi mới được cái dự án trùng tu chùa về cho làng đấy, cô tưởng". Chứ sao, có dự án là có tiền.Vậy là phải lắp ngay cái điện thoại đến tận nhà để phục vụ việc trùng tu chùa, chứ còn gì nữa.Thế nên, cả nhà này ngoài ông ra không ai được cầm đến chiếc máy điện thoại bàn. Có lần chẳng biết ông đi đâu mà bỏ vắng chiếc máy điện thoại ở nhà lâu đến thế. Cô con gái có việc gấp, muốn nói trực tiếp với bố mà bấm số liên tục hàng tiếng đồng hồ không có người nhấc máy.Việc không thể nấn ná, cô hộc tốc phóng xe máy về. Thì giời ạ, mẹ đang ở nhà thế này, sao cách đây hơn một giờ con bấm máy đến mỏi cả tay mà chẳng thấy ai nghe điện là cớ làm sao? Bà mẹ nói tỉnh bơ: "Cớ làm sao thì chị hỏi bố chị ấy!". Cô con gái liền hiểu ra ngay cái duyên cớ bố cô giữ tay hòm chìa khóa cái điện thoại để bàn. Mà thực, cái điện thoại để bàn ngay cạnh giường nằm quả là tiện. Như lúc này. Ông Tinh bật đèn đầu giường, rồi một tay cầm ống nghe, một tay chọc chọc đầu ngón tay trỏ lên từng chữ số trên phím. Tiếng tuýt tuýt tuýt từ đầu dây đằng kia trong đêm thanh vắng nghe như xoáy vào màng nhĩ. Lâu lắm mới có tiếng con gái giọng ngái ngủ:

- A lô! Nhà riêng Thúy Hà nghe đây. Ơ, là bố à! Có việc gì gấp mà mới hơn ba giờ sáng bố đã gọi thế này?

 

 Tiếng ông Tinh nói trong hơi thở hổn hển của người vừa trải qua giây phút bàng hoàng mộng mị:

- Con về ngay cho bố hỏi một việc. Nếu đúng như bố vừa mê thì có khi phải hoãn ngày khánh thành chùa lại, con ạ.

- Hoãn là hoãn thế nào. - Giọng cô con gái dứt khoát - Giấy mời con đã cho thuê in xong cả rồi. Chương trình buổi lễ con cũng đã vi tính đưa lên giám đốc bảo tàng tỉnh xem và cho ý kiến chỉ đạo cụ thể. Vâng, chả thế thì sao, cơ quan bảo tàng tỉnh đầu tư, thì giám đốc con phải đích thân về dự và cắt băng khánh thành chứ bố!

Nghe con gái nói cả giám đốc bảo tàng tỉnh về dự khánh thành chùa, ông Tinh đã thấy hoảng. Bao nhiêu năm làm phó chủ nhiệm hợp tác xã ngày còn khoán hộ, ông chẳng lạ gì cái cảnh đón tiếp cán bộ cấp trên. Không giò lụa, chả quế thì cũng phải gà tơ luộc tuốt đùi, lại thêm đĩa trứng non và lòng mề luộc đầy lùm đĩa rắc lá chanh, hoặc có kiệm lắm cũng phải đĩa nem thịt lợn trộn thính thơm lừng và đĩa chân giò luộc nhắm bia hộp. Trước còn bảo ghi vào sổ, rồi hợp tác xã trả. Giờ chỉ làm cái anh "phó thường dân", lấy đâu ra mà mời khách hàng tỉnh. Có bảy mươi triệu đồng đầu tư, với quyên góp lòng thành của người gần kẻ xa vào nữa, cũng chỉ được ngót nghét trăm triệu, thì tiền gạch ngói, vôi cát, xi măng và trang trí trong ngoài là vừa. Đấy là không mất tiền trả công người làm, vì từ thợ hồ, thợ mộc đến kẻ vẽ, sơn trát đều là cánh thợ con cháu họ tộc nhà ông cả. Giúp người ngoài còn được, giúp làng tu sửa lại gian chùa sao nỡ lấy công, chỉ thuốc nước cho cánh chúng cháu ngày hai buổi là được rồi. Thế mà chỉ riêng khoản chè thuốc cho cánh ấy từ lúc đặt viên gạch móng, đến khi lắp cánh cửa cũng sơ sơ chục triệu rồi đấy. Vậy mà chùa tu sửa chưa xong, đã có đứa ngứa mồm ton hót lên huyện rằng ông bớt xén tiền đầu tư tu sửa chùa. Ông mà thèm bớt xén. Chẳng qua chỉ là tí "hoa hồng" mà con gái ông lo lót mãi mới xin được cái dự án đầu tư nằm trong chương trình bảo tồn và tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa ở nông thôn, được trích lại tí tỷ lệ như trăm nghìn công trình đầu tư khác. Chứ lại không ư. Thử không có cái Hà xem, đố anh nào ở cái làng này xin được tiền hàng huyện, hàng xã tu sửa chùa, chứ đừng nói tiền nhà nước. Thì đấy, hàng chục năm ông làm phó chủ nhiệm hợp tác xã, bao nhiêu lần đưa ra đảng ủy, quản trị, chỉ xin được ghi vào kế hoạch một mục tu sửa chùa làng Phương thôi, là với quyền hạn phó chủ nhiệm, ông có thể cò kéo khoản này khoản khác làm được ngay. Nhưng cứ lần nào ông đưa ra, là lại được nghe những câu đại loại: "Làng Phương có chùa thì bỏ tiền ra mà sửa, chứ hợp tác không bỏ tiền của cả xã ra sửa chùa cho một làng". Thế có khác gì nói toẹt ra rằng: "Chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ". Ông biết phận làng mình, tiếng là cũng có hai, ba trăm hộ, lại có cả chùa chiền nữa đấy, nhưng hèn nỗi ít người có máu mặt. Ở xã bấy giờ mới chỉ có ông làm đến chức phó chủ nhiệm, còn trên huyện to nhất cũng chỉ có hai anh làm đến phó trưởng phòng, lại toàn loại phòng"vét đĩa", như cách nói thời nay để chỉ những ngành không nắm "hầu bao" thiên hạ. Đúng là cả xã chỉ mỗi làng Phương có chùa, thế mà đông tây nam bắc chùa Vẻn, chùa Khái, chùa Nhất Tâm làng nào, xã nào người ta cũng thi nhau sửa chữa, nâng cấp chùa chiền miếu mạo; chỉ riêng làng Phương có cái chùa Quán nằm ngay bên đường hàng tổng vào xã hẳn hoi, mà vẫn chịu thi gan cùng tuế nguyệt một gian hai chái mái gãy, ngói vỡ phải che phủ từng tấm giấy dầu, trông như cái quán hơn là cái chùa mang tên Quán. Vậy mà bây giờ, đùng một cái, con Hà đem về một lúc gần trăm triệu đồng cho làng tu sửa chùa, bảo có danh giá không! Lúc đầu nghe con gái nói, ông ngỡ mình mới bị loạn nhĩ. Sau nghe nó thẽ thàng: "Thì chính cơ quan bảo tàng tỉnh chỗ con làm là chủ đầu tư mà lại". Nhưng ông vẫn chưa chắc lắm, hỏi lại: "Thế có phải chạy chọt tốn kém lắm không, hả con?". Dĩ nhiên là có, nhưng cũng chỉ gọi là thôi, vì con cũng là một trong hai người lập dự án đầu tư chương trình tôn tạo và nâng cấp di tích lịch sử, văn hóa ở nông thôn cơ mà. Trời đất, đúng là một người làm quan cả họ được nhờ rồi. Ông Tinh chỉ còn thiếu chút nữa buột kêu lên, nhưng kịp nén, vì chợt nhớ câu các cụ dạy: "Con hơn cha nhà có phúc". Đúng là phúc đang gõ cửa nhà ông rồi. Bao nhiêu năm thắt lưng buộc bụng dành dụm từng đồng nuôi con ăn học, lại bao nhiêu năm chen lấn tàu xe giữ khư khư cái bọc tiền có vài trăm bạc tiếp tế cho con học tận Hà Nội, thật không uổng. Con gái ông, cái Thúy Hà, mới tốt nghiệp Đại học Văn hóa ra trường chưa bao lâu, đã mang về cho làng tiền triệu để tu sửa chùa, thì quả là phúc không những đến riêng nhà ông, mà còn cho cả làng Phương đây rồi. Chẳng mấy nữa Tinh này thành thủ từ. Chứ lại không ư. Không ông còn ai vào đây nữa. Nhà ở ngay gần chùa. Từ đời ông nội Tinh, bấy giờ chùa còn lành lặn, chưa bị phá phách hoang phế như những năm sau này, đã được giao trông nom hương nhang quét dọn chùa. Mà quét chùa thì ăn oản. Ngày xưa có đến oản đã là sang; còn ngày nay, mấy người lên chùa còn ca kích mang theo xôi oản nữa. Vậy mà công việc đang suôn sẻ, ngày khánh thành chùa cận kề đến nơi, thì bỗng dưng thần hồn nát thần tính mê mê hoặc hoặc, thế có chán không cơ chứ. Ông Tinh nói như hét vào trong máy:

- Thôi, cái việc mời mọc ấy hẵng thư thư. Giờ con thử nói


xem bố phải làm gì? Ừ, là bố mê, nhưng cả đời bố chưa mê thấy thế bao giờ.

Đầu máy đằng kia giọng cô con gái đã bớt ngái ngủ, ra chiều chia sẻ với nỗi lo lắng của bố mà cô biết chắc, giờ này chỉ có mình ông trong căn phòng vắng, âm thầm lặng lẽ gọi điện cho đứa con đang ở cách ông hàng chục cây số, nhưng lại hiểu thấu tâm can ông những ngày này:

- Bố ơi, bố mê thấy gì hả bố? Lành hay dữ? Chắc là dữ phải không ạ? Nghe giọng bố, lại như thấy cả hơi thở gấp gáp của bố, con cũng có thể đoán là bố mê thấy điều chẳng lành, đúng không?

 

- Khủng khiếp lắm, con ơi! Bố đang ngủ, bỗng rủn hết cả chân tay, không còn động cựa, không còn gọi hỏi gì được nữa. Nhưng lại thấy hiển hiện trước mắt tấm bia đá vừa dài vừa to như tấm phản, khắc hai chữ Nho to tướng "Hạ mã", đổ sập xuống ngực...

Ông Tinh mới nói đến đấy, đã nghe tiếng cô con gái ở đầu máy đằng kia phá lên cười hô hố. Giây lát, như chợt nhớ ra mình đang chuyện với ai, cô con gái lễ phép nói:

- Bố có biết chữ Nho đâu mà thấy hai chữ to tướng. Nhưng mà thôi, bố hẵng biết thế, đừng nói ra với ai, bố nhé.

 - Không nói ra với ai, nhưng mày phải nói xem là nghĩa làm sao hả con?

- Không nói qua điện thoại lúc này được đâu, bố ơi. Chuyện này dài lắm!

Đúng là "Chuyện này dài lắm".

Ngôi chùa mà làng Phương bây giờ gọi là chùa Quán, xa xưa đúng là một cái quán bán nước của một người không có vợ con gì; hay đúng hơn, ông chưa một lần lấy người đàn bà nào làm vợ.

 Một bà hàng xáo ở làng ra trại lẻ ngoài bờ đê đong thóc về muộn, tình cờ nghe tiếng trẻ khóc trong bụi dứa dại ven đường. Bà hạ quang gánh rón rén đến gần, nhìn cái bọc váy đụp ngọ ngậy, vội bế lên, giở ra thấy một thằng bé kháu khỉnh còn đỏ hỏn. Bà mang nó về nuôi, đặt tên cầu may là Phúc. Nhưng vận phúc không đến với người đàn bà góa chỉ mong nuôi đứa trẻ nhặt được bên bụi dứa dại làm con thừa tự. Năm Phúc mười một tuổi, bà mẹ nuôi đi chợ bán gạo về đến cây cầu bắc qua con đầm về làng Phương, bỗng gặp cơn gió độc ngã tùm xuống nước, chìm nghỉm. Khi người làng đổ ra mò vớt được bà đưa lên bờ, thì người đã tím tái như miếng thịt trâu qua lửa. Sau ngày mẹ nuôi qua đời, Phúc cũng bỏ làng đi biệt tăm. Người bảo Phúc lên Bắc Giang ở chăn trâu cho người Sán Dìu. Người xưng xưng nhìn thấy Phúc đi theo ông người Tàu bán thuốc bắc ở chợ Đồn. Lại có người nói mới nhìn thấy ở chùa Lân trên Yên Tử, chẳng biết làm người quét dọn chùa hay chú tiểu, mà cũng thấy mặc áo cà sa lùng thùng như người nhà chùa. Chung quy sau cái chết tang thương của bà mẹ nuôi, người làng Phương cũng thấy cám cảnh cho đứa trẻ cô đơn lang bạt kỳ hồ. Nhưng đùng một hôm, khi làng Phương không còn ai nhớ làng này từng có một đứa trẻ tên là Phúc, con nuôi bà Vận hàng xáo, thì có một người đàn ông cao, da ngăm đen, mặt vuông, lông mày trổ rậm, khoác chiếc tay nải về qua cầu thì dừng lại trên đám đất cao ráo, bằng phẳng bên con đường vào làng, giở hoa quả, vàng hương ra, rồi quay mặt nhìn về hướng cầu lầm rầm khấn vái. Mấy bà đi chợ về qua dừng chân đứng nhìn. Bỗng một bà cuống quýt kêu lên: "Ai như anh Phúc đấy ư? Đúng rồi, anh Phúc con nuôi bà Vận hàng xáo đây mà! Sao bỏ làng đi lâu thế mà còn nhớ đường tìm về đấy ư!". Phúc về lần ấy ở hẳn làng Phương. Ông xin làng cho đám đất gò, chính cái nơi hôm đầu về làng dừng lại thắp hương tưởng nhớ người mẹ nuôi xấu số mà linh thiêng, luôn theo sát ông ngần ấy năm lang bạt. Ấy là sau này gian quán ông dựng lên ở gần đầu cầu để bán nước chè xanh cho người đi đường, đã có nhiều khách vãng lai, ông mới hở ra điều linh thiêng thôi thúc ông tìm về mảnh đất nơi đầu làng Phương này.

 Đúng như có người làng Phương nhìn thấy, sau khi mẹ nuôi mất, Phúc bỏ lên Yên Tử xin vào quét dọn ở chùa Lân. Bao nhiêu năm ở chùa, không mấy đêm Phúc không mê thấy người mẹ nuôi hiện về trong giấc ngủ. Kỳ lạ hơn, cứ mỗi khi trong lòng còn vấn vương chút bụi trần tình ái, dẫu là chỉ trong mộng mị, Phúc cũng thấy hiện về rõ mồn một người mẹ nuôi với đôi quang gánh lõng thõng trên vai, tay ôm chặt cái bọc váy đụp, có đứa bé còn đỏ hỏn ngọ ngoạy cái đầu mút tay chùn chụt. Không thể ôm mãi cơn mộng mị đời người, Phúc tìm cách nói ra với sư thầy. Sau mấy ngày, hẳn là suy nghĩ kỹ càng lắm, sư thầy cho ít lưng vốn, khuyên Phúc trở lại làng Phương, dựng gian quán bán nước cho người qua đường gần nơi bà mẹ nuôi xấu số bị cảm phong đột tử, hương nhang tuần rằm cho bà, tất có lộc. Đúng là từ ngày về mở quán nước gần đầu làng Phương, lập ban thờ người mẹ nuôi ngay trong gian quán, vừa ở, vừa là chỗ bán hàng, thì ông Phúc cũng dứt hẳn những đêm mộng mị. Được mươi năm. Thì nhanh chóng và lặng lẽ, mới chập tối hôm trước lão Quây đi rấm lờ rạm còn vào quán hút nhờ điếu thuốc lào và xin ngụm nước nóng uống cho ấm bụng; nhưng sớm hôm sau, cũng chính lão Quây đi vớt lờ rạm đứng trước cửa quán kêu thét rỡ: "Ối làng trong xóm ngoài ơi, ông Phúc đi rồi!". Cụ Thạch, ông nội Tinh, nhà ở gần đấy, cùng mấy người vội chạy ra, vẫn còn thấy làn da ông Phúc nóng hôi hổi, nhưng hơi thở thì đã lịm. Chẳng lẽ ông lại chung cung mệnh với bà mẹ nuôi hàng xáo, có thần phong hạ mã đón đi. Không biết. Chỉ biết khi khâm liệm, cụ Thạch tìm thấy trong chiếc tay nải làm gối để đầu giường ông Phúc nằm một bọc tiền, hẳn là tiền hàng ngày bán nước chè chén ăn tiêu dè sẻn còn để lại. Ai cũng hiểu gốc gác bọc tiền là thế. Nhưng còn vàng? Đúng là ông Phúc khi mất trong người còn có cả vàng. Đấy mới là điều lạ! Nhưng lạ hơn là trước lúc đưa ông Phúc ra đồng, chỉ bằng người nhai giập miếng trầu, có hai người đàn bà, một già một trẻ mặc áo chùng thâm, khoác tay nải vào thẳng quán, chào mọi người, rồi giở khăn gói lấy tiền vàng, hương hoa, kinh kệ ra tụng niệm cho người quá cố. Không ai hỏi hai vị kia từ đâu tới tụng kinh quán này, nhưng ai cũng hiểu, đấy đích thị là sư chùa trên Yên Tử về. Khi việc hậu sự xong, trước lúc ra đi, vị sư già có lời thưa với dân làng chờ ít ngày nữa mưa tạnh gió tan, nhờ làng làm giúp cho gian chùa thờ ông Phúc và bà mẹ nuôi xấu số. Ông Phúc khỏi nói, đã từng bao năm ăn mày cửa Phật từ bi. Còn mẹ nuôi ông, bà Vận hàng xáo, cũng là một người đàn bà thủ tiết, hóa chồng từ năm hai mươi bảy tuổi vẫn ở vậy nuôi con nuôi thừa tự, chứ nhất định không tái giá với ai, cũng đáng được núp bóng bồ đề Quan Thế Âm Bồ Tát. Tiền làm chùa cũng là số tiền vàng khi ông Phúc về cửa Phật còn để lại, dân làng giao cho cụ Thạch, ông nội của Tinh, quản lý chi tiêu. Thời ấy, đồng tiền có giá lắm, nhưng vàng còn có giá gấp mấy lần. Cụ Thạch chi tiêu dè sẻn từng xu, từng hào, đến nỗi giắt đai quần cả chỉ vàng lên phố huyện bán cũng không dám ăn tấm bánh đúc, xế trưa về tới nhà đói mờ mắt, chỉ biết giục vợ lấy cho lưng cơm nguội chan nước dưa. Thế mà khi chùa dựng xong, cũng chính cụ Thạch tay cầm gậy khua đuổi chó, tay cầm bó đóm cháy rừng rực lọ mọ đến từng nhà, nói bã bọt mép với từng người, xin mở lòng từ tâm một nén cũng thơm, một đồng cũng thảo để về sửa tấm bia đá khắc hai chữ Hạ mã dựng trước cửa chùa cho người đi đường dè chừng chốn địa linh nhân kiệt.

Ông Tinh đặt ống nghe lên máy, nhưng vẫn chưa đi nằm, cứ ngồi trân trân nhìn vào đêm tối, như thể cái màn đêm đen kịt trước mặt kia cũng có hình thù bằng xương bằng thịt đang soi mói nhìn ông.Vốn không phải kẻ thần hồn nát thần tính, ông trố mắt nhìn thẳng vào cái bóng đứng án ngữ trước mặt, bụng bảo dạ: "Không... không sợ!", nhưng lưỡi thì níu lại: "Sao lại không nhỉ... Nhỡ...". Ông mới chợt nghĩ đến đấy, đã thấy bên ngoài một cơn gió lướt qua, rồi cái dây điện đầu cột vào nhà ông bị mô-ve phát lóe sáng. Vệt sáng làm mắt ông nẩy hoa cà hoa cải. Cái bóng vẫn đứng trước mặt từ nãy đến giờ bỗng hiện nguyên hình một ông lão tầm thước, nước da đen sạm, râu tóc bạc trắng như tiên. Chẳng lẽ là tiên! Nhưng sao tiếng nói lại quen quá chừng. Như tiếng của người trong nhà này, dòng họ này, ngày còn sống vẫn dặn dò, bảo ban con cháu. Không có lẽ. Nhưng ông Tinh đã nghe tiếng trầm trầm của người vùng thuốc lào cất lên trong đêm vắng như xoáy vào tai: "Tôi nghĩ ngày xưa, tôi đã kể cho anh nghe về cái chùa làng mình rồi chứ nhỉ. Hóa ra lại chưa à! Thế còn chuyện này thì có khi anh biết...". Mới nghe đến đấy, ông Tinh như người phát cuồng, rủn hết chân tay, bụng cồn cào bức bối, miệng há hốc mà lưỡi cứng đờ câu được câu chăng: "Không...tôi... tôi không... biết!". Nhưng cái giọng trầm trầm ban nãy từ trong màn đêm lại cất lên: "Biết! Anh có biết. Nhưng lại quên rồi. Chỉ nhớ những cái hiện tại thôi, còn quá khứ sao quên nhanh thế, hả cháu? Để ông gợi cháu nhớ lại nhá!".

Những năm huyện này còn nằm trong vùng địch tạm chiếm, có thằng huyện trưởng Tuyên rất ác ôn, đi tới đâu là đánh đập, cướp bóc dân lành tới đấy. Nhưng thằng huyện Tuyên lại đẹp trai và rất máu gái. Bấy giờ làng Phương có cô An, con gái ông bà Tiện, đẹp nức tiếng trong vùng, người cao ráo, da trứng gà, thắt đáy lưng ong, mắt lá răm lông mày lá liễu, đàn ông trông thấy cô từ đằng xa đã mắt la mày lém. Không biết có tai vách mạch rừng nào, huyện Tuyên biết người đẹp làng Phương mà tìm đường lần xuống. Cũng không biết ai bày mưu tính kế cho huyện Tuyên, mà hôm ấy bắt quân lính tiền hô hậu ủng dẫn xuống ra mắt người đẹp, huyện Tuyên cỡi con ngựa bạch cao to trông dữ dằn lắm. Nhìn đám lính nai nịt súng ống kéo xuống làng, tưởng mười mươi phen này cô An không thể thoát khỏi bàn tay gian phu. Nhưng khi tốp lính đi đầu vừa qua cửa chùa, hôm ấy đúng vào ngày rằm cửa chùa rộng mở, khói hương ngạt ngào, thì bỗng con ngựa có huyện Tuyên ngồi trên lưng bất thần hí vang như bị chọc tiết, đứng sững lại, hai vó trước đột nhiên co lên như định phi nước bổ thượng. Huyện Tuyên ngồi trên lưng ngựa bất ngờ ngã như trời giáng xuống đất, chỉ kịp "hực" lên một tiếng rồi chết ngay đứ đừ. Đấy là cái chết đầu tiên của một ông quan huyện này tàn ác, tham lam, lại máu gái, coi trời bằng vung, dám cỡi ngựa qua cửa chùa Quán có tấm bia đá ghi rõ mười mươi Hạ mã. Cái chết của huyện Tuyên làm mọi người hả hê. Nhưng còn cái chết của bà cụ chín mươi giữa ngày thượng thọ thì chẳng biết nên hả hê hay oán trách.

 Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Mấy cụ ông, cụ bà trong hội chùa Quán ra mở cửa quét dọn để chuẩn bị cho ngày rằm tháng tám. Mấy cụ đang hương nhang, quét tước trong chùa, thì thấy lũ lượt một đoàn xe máy ầm ầm kéo qua, cười nói, chuyện trò, còi xe inh ỏi. Đoàn xe đến đâu tự nhiên người đi xe đạp, đi bộ không ai bảo ai vội vàng né sang một bên nhường đường cho đoàn xe máy phóng qua, cứ như xe hộ tống nguyên thủ quốc gia thường thấy trên ti vi ấy. Khi đoàn xe máy vừa đi qua thì chiếc kiệu bốn người đàn ông mặc đồng phục xanh nước biển khênh bốn đầu đòn kết giấy đỏ, vàng, xanh, trắng kiểu đầu rồng, cũng vừa đi tới cửa chùa. Mấy người trong chùa nhìn ra còn ngỡ ngàng, thì đã nghe tiếng người đàn ông khiêng một đầu kiệu đi trước cất tiếng hỏi bâng quơ: "Có phải hạ kiệu không đây?". Tiếng người đàn ông đứng tuổi mặc com-lê đen, thắt ca-vát đỏ, hẳn là quan to hoặc nhà buôn lớn, đang tản bộ phía sau cùng mấy người đàn bà, con trẻ vội nói gắt: "Sao phải hạ! Cứ đi. Mau lên!". Tức thì, như chỉ sau tích tắc lời giục giã ấy, chiếc kiệu lắc lư chao đảo như đưa võng. Những người khiêng kiệu chưa kịp hiểu sao, thậm chí cũng không kịp bảo nhau giữ chắc đầu đòn, thì từ trên kiệu một cụ bà vận toàn đồ đỏ, bất thần lăn bịch xuống mặt đường, như người ném cái cối đá xuống sân. Mấy cụ ông, cụ bà dừng tay quét chùa chạy ra. Tưởng người đâu, hóa ra người làng ta các cụ ạ. Bà cụ Lấn, mẹ đẻ ra ông Lanh. À, phải rồi, ông Lanh người xóm ngoài, mới lên chức phó chủ tịch huyện, giờ ở cái nhà mới xây ba tầng cao nhất trên thị trấn ấy, làm thượng thọ chín mươi cho mẹ, định rước về từ đường họ ăn khao đây mà. Thể nào, mấy ngày nay cứ thấy con cái Lự, vợ tay Tẩm trưởng họ Phạm, đôn đáo thuê bàn ghế, nồi niêu, bát đĩa. Thì ra của nả nhiều cũng sướng, ô tô, xe máy không đi, sửa hẳn chiếc kiệu hoa giống như ngày xưa, mỗi kỳ làng vào đám thì những cụ thượng thọ nhất làng được nghinh lên kiệu rước đến cho cả làng cùng mừng. Khổ, bà cụ tuổi đã cao, lại thêm chứng cao huyết áp, ngồi trên kiệu gió máy là thế nhẽ nào chả hoa mắt chóng mặt. Đã thế, lúc cánh kiệu họ hỏi thì cứ dừng lại cho bà cụ xuống đi bộ không dừng, lại còn giục đi mau, đi mau, làm tay Hân đang khiêng đằng trước vấp vào hòn đá tóe cả máu chân, đi đâu kiệu không nghiêng ngả. Nhưng chẳng qua cũng là tại cái nhà ông Lanh ấy cả, bà cụ đã ngần ấy tuổi rồi mà còn làm tình làm tội bà cụ cho khổ. Những tưởng có chức có quyền, có tiền có của thì thế nào cũng được, cửa nào cũng qua đấy hẳn. Cửa chùa làng này trông thế mà thiêng lắm đấy. Chỉ thương cho bà cụ Lấn, khổ từ tấm bé, may về già có hậu vận, anh con trai mới lên chức
lên quyền...

"Không... tôi không có chức quyền!Cụ... cụ đi đi...!". Ông Tinh bỗng kêu thét rỡ, làm bà vợ nằm gian nhà ngoài cũng giật nẩy mình. Nhưng lần này thì bà không làu bàu ông "nốc bia rượu cho lắm vào", mà thực sự hốt hoảng, sợ ông bị gió máy sao đây. Bà vội chạy vào. Thì đã thấy ông rờ rờ mấy ngón tay lên chiếc máy điện thoại. Bà vội bật công tắc đèn, căn phòng bỗng lóe sáng. Khuôn mặt ông Tinh tái nhợt, nhưng mồ hôi lại vã ra như tắm. Ông vừa trải qua cơn mộng mị kinh hoàng. Bà nhìn ông một thoáng mà như hiểu hết nguồn cơn. Bà vội giằng lấy cái tai nghe, bảo: "Ông gọi cho ai giờ này? Con Hà hả? Ông đọc số, để tôi bấm cho". Nhưng ông đã vội gắt: "Bà biết gì. Ra ngoài kia!". Bà bỗng thấy tủi thân trách phận, không nói lại lấy nửa lời, lẳng lặng bỏ ra nhà ngoài. Trời đã rạng sáng. Một màn sương mờ mờ giăng giăng ngoài vườn chuối, như mưa phùn lây rây ướt đẫm hàng cây. Bà đứng tựa cửa nhìn ra ngoài trời như lơ đễnh, nhưng thực, bụng dạ vẫn để cả trong phòng ông. Tiếng ông Tinh lúc này bình tĩnh và rắn rỏi, chứ không như hồi đêm:

- Đúng rồi! Bố nhìn thấy rõ cụ nhà, chứ không phải ai khác.

- Vậy là cụ nội báo điềm lành cho bố đấy. - Tiếng cô con gái vừa nói vừa cười trong máy.

Nhưng ông bố thì lại không thể cười. Cười thế nào được, khi một giấc mơ thấy hai người chết bất đắc kỳ tử ngay trước cửa ngôi chùa mà mới chiều nay thôi, trong nháy mắt ông tưởng mình không còn lành lặn đôi chân lê về đến nhà.

Bấy giờ, cánh thợ quét vôi ve trang trí đang ngồi nghỉ tay trong chùa, kẻ hút thuốc lào, người phù phù thổi bát nước chè xanh bà cụ Lẫm, người trong hội chùa vừa nấu mang ra. Ông Tinh đạp xe lên thị trấn huyện về, vừa xuống xe, chân chưa bước qua ngưỡng cửa chùa, thì tay Ngọ, đã đặt cái xe điếu lên miệng lại vội bỏ xuống, hỏi tỏ tường như thể hắn cũng vừa ở trên ấy về đây: "Ông đi thăm hiệu Dũng - Loan đấy à? Xe máy hôm nay đứng giá hay lên hả ông? Chắc là lên, vì giá vàng và đô la mấy ngày nay lên khiếp quá". Ông Tinh cười mà cái miệng không thể tươi được: "Tôi đi thuê ông thầy viết tờ sớ cho ngày khánh thánh chùa, chứ tiền đâu mua xe máy mà anh lại hỏi thế". Ngọ và mấy người nhay nháy mắt nhìn nhau cười, như thể đi guốc trong bụng ông phó chủ nhiệm thất thế, chỉ có mấy tấn phân u-rê mà "tuột xích" phải ra Đảng; giờ bỗng cậy duyên có má đào, cô con gái làm bảo tàng tỉnh, nẫng được cái dự án gần trăm triệu đồng trùng tu mỗi cái chùa một gian hai chái chỉ nhỉnh hơn gian quán, thì gì chả nói, chứ cái xe máy nội sao chả tậu được, mà cứ loanh quanh như mèo giấu cứt. Nhưng bỗng một người từ phía trong vừa quay ra đã kêu thất thanh: "Ối, con rắn kìa!". Theo tay anh ta chỉ, mọi người nhìn xưống chân ông Tinh thấy con rắn cạp nong to bằng cổ tay phủ kín bàn chân, đang ngóc đầu ngoi lên quấn lấy ống chân người như quấn cây cột mục. Ông Tinh hoảng sợ, mặt cắt không còn hạt máu, suýt nữa đổ vật xuống nền nhà; nhưng may có hai người đang ngồi phía sau vội đỡ kịp. Trong lúc mọi người còn đang hốt hoảng, thì Ngọ đã nhanh trí đứng lên quay mặt vào ban thờ chắp tay vái lia lịa. Tức thì, con rắn từ chân ông Tinh từ từ tụt xuống đất, rồi cứ thế truờn ra ngoài, theo chân tường vào bụi dứa bờ kênh. Ông Tinh sợ chết khiếp, không sao đạp được xe về nhà, dù nhà ông chỉ ở cách chùa mấy chục mét và bên chân bị rắn quấn cũng chưa hề hấn gì. Nhưng nỗi kinh hoàng thì còn đeo đẳng ông chưa biết đến bao giờ, chứ không chỉ cơn mộng mị đêm nay.

Ông Tinh cứ nắm chặt bộ ống nghe trong tay, nhưng không áp lên tai, mà lại để trên bàn, đầu gục xuống hai cánh tay như giữ khư khư vật bảo bối. Từ trong máy vẫn đều đều phát ra những tiếng lạo xạo, tuýt tuýt như chờ, như lạc máy đẩu đâu tự bao giờ. Bên ngoài, bà vợ đã thôi đứng tựa cửa nhìn trời mỗi ngày một sáng. Như mọi khi thì bà đã xuống bếp cời đống rấm hâm lại nồi cám lợn, nấu cho ông siêu nước xách lên nhà đổ vào phích, để ông ăn sáng xong có nước pha trà. Nhưng sớm nay đứng ngoài cửa nghĩ vẩn nghĩ vơ thế nào, bà lại lo ông ốm thật. Chứ lại không. Mọi bận cũng ú ớ mê, nhưng chỉ một lúc là ngủ thiếp. Còn lần này, mê gì mê suốt cả đêm là nghĩa làm sao. Bà quay vào nhà, mới ngó vào cửa phòng ông, trống ngực bà đã đập rộn khi nhìn thấy ông nằm gục xuống bàn, như người bị cảm mạo. Bà hốt hoảng chạy vào lay lay đầu ông, gọi: "Ông ơi, ông! Ông làm sao thế? Để tôi rang cám đánh cảm cho ông nhé". Nhưng ông đã ngồi ngay dậy, hất đầu, gắt: "Bà biết gì. Mặc tôi!". Rồi như bỗng nhận ra chiếc ống nghe vẫn cầm trên tay, ông vội úp xuống máy. Nhưng rồi nghĩ thế nào, ông lại nhấc ống nghe lên, vội vàng bấm số. Tiếng lạo xạo từ trong máy phát ra, báo hiệu đầu đằng kia đã có người nhấc ống nghe. Ông nói ngay, giọng đã có phần bình tĩnh, chậm rãi, chứ không gấp gáp, hoảng hốt như hồi đêm:

- Không phải điềm lành đâu con ơi, dữ đấy. Nhưng cứ như chiều nay thì vận may nhà mình vẫn còn. Nếu không, Ngài mà bập vào đúng mạch thì bố có sống được cũng thành tật, con ạ!

Cô con gái ở đầu dây đằng kia áng chừng cũng hiểu ngóc ngách cơn mộng mị của bố đêm nay, nên giọng có phần từ tốn, lo lo, chứ không dám cười cợt trêu đùa như hồi đêm:

- Con đã xem kỹ sự tích chùa làng ta rồi, bố ạ. Đúng là trước có tấm bia Hạ mã dựng ở cửa chùa. Nhưng cái năm máy bay đánh phá ác liệt, tấm bia bị vỡ không còn một mảnh. Khi lập dự án trùng tu chùa, con cũng đã ghi vào hạng mục khôi phục tấm bia...

Cô con gái vừa nói đến đấy, ông bố vội cất giọng hổn hển,
cắt ngang:

- Con nói thế nghĩa là...

- Vâng, trước thế nào giờ trùng tu lại cũng phải giống thế, chứ không thể khác được đâu, bố ạ!

Giọng ông Tinh có phần lo lắng:

- Thế thì lấy đâu ra tiền mà làm!

 

- Ơ, tiền đầu tư và quyên góp trùng tu chùa chứ còn đâu,
hả bố...

Vừa nghe con gái nói đến đấy, ông bố đã giẫy lên:

- Tiền đầu tư, quyên góp thì lo vào việc chùa hết cả rồi còn đâu.

- Chưa hết! - Cô con gái cắt ngang, giọng rắn rỏi - Cứ theo dự án con lập thì tiền đầu tư vẫn còn. - Dừng lại một giây như để lấy hơi, rồi cô con gái đột ngột hỏi: - Hay bố mang mua xe máy rồi. Giời ạ, bố giờ là "phó thường dân", chứ còn làm cán bộ nữa đâu mà mua xe máy. Vâng, thì làm thủ từ. Mà làm thủ từ thì như người xưa dạy: "Năng quét chùa thì ăn oản", chứ sao lại lấy tiền chùa mua xe máy đi đâu, hả bố.

Ông Tinh nghệt cổ ra một giây. Trong ống nghe chỉ thấy những tiếng loạt xoạt, lạo xạo. Rồi một giọng chậm chạp cất lên:

- Ấy là bố mới có ý định...

- Bố thôi ngay cái ý định ấy đi! Của bụt mất một đền mười, chứ không phải chơi đâu. Lấy của chùa dùng vào việc tư riêng là tội nặng lắm đấy, bố ạ. Vâng, con biết chùa làng ta rất thiêng, nên thể nào cũng phải dựng bia Hạ mã để giữ uy nghiêm nơi cửa thiền. Được rồi, con nhất trí với bố hoãn khánh thành chùa lại vài hôm. Nhưng mọi nghi thức trong ngày khánh thành chùa vẫn cử hành như đã định. Bố xem mời thầy viết tờ sớ đi là vừa đấy, bố ạ.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84832


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận