Hình Phạt Nhân Đôi Chương 5


Chương 5
- Anh Van der Bitten, xin trả lời tôi ngay.

Giọng của tôi vang lên ở cầu thang phủ đầy hình vẽ bậy trên tường. Mùi nước tiểu và bánh pizza thiu lởn vởn trong không khí lạnh lẽo. Cầu thang máy đã bị phá hỏng. Cửa tất cả các căn hộ từ tầng trên cùng đến tầng dưới cùng đều hé mở, mặc dù tường nhà mỏng tanh không cách âm. Từ các tầng phía trên, một số người ngó đầu qua lan can cầu thang nhìn xuống. Tôi nghe thấy những tiếng cười đầy kích động, vẻ sẵn sàng thưởng thức cảnh tượng sắp xảy ra. Cả khu dân cư Cite des Peupliers chăm chú theo dõi vở kịch.

- Anh Van der Bitten, anh có nghe thấy tôi nói không?...

 Một quả cà chua rơi bịch xuống chân tôi, làm cho cả đám khán giả bật cười khoái trá. Hai người thuộc đội phòng cháy chữa cháy cùng đi với tôi, hai anh trai tráng cao to cầm một hộp đồ cấp cứu và các thứ cần thiết cho việc hồi sức, bắt đầu lo lắng và bảo tôi:

- Bác sĩ à, phải làm nhanh lên thôi. Họ bắt đầu nổi nóng rồi đấy.

 “Họ" ở đây có nghĩa là dân của khu chung cư rẻ tiền xập xệ, nơi bà Van der Bitten đang sống này. Sáng nay, bà già gọi điện đến đồn cảnh sát để tố cáo rằng con trai bà dọa giết bà. Nhưng không may cho bà vì khu dân cư đó là nơi cảnh sát chỉ đến để giải quyết những “vấn đề phức tạp" với sự can thiệp của cảnh sát đặc nhiệm. Họ hoàn toàn không muốn châm ngòi cho một cuộc nổi loạn chỉ vì có một bà già không hài lòng với con trai mình. Sau khi bà Van der Bitten lại gọi điện một lần nữa lúc tối, cảnh sát quyết định phái một bác sĩ tâm thần của Trung tâm CIP cùng với đội phòng cháy chữa cháy đến giải quyết vụ việc với lý do chính thức là “bạo lực trong gia đình".

- Anh Van der Bitten! Tôi là bác sĩ Cabral. Tôi muốn gặp mẹ của anh.

- Bà ấy ngủ rồi!

 Tôi nghe thấy một tiếng động kim loại lạ.

Cậu ở đội cứu hỏa kéo tôi lùi về sau và nói thầm:

- Hắn có vũ khí đấy. Ta rút lui thôi!

Đó là theo cách thông thường. Nhưng khác với cách phòng cháy chữa cháy, bác sĩ tâm thần đã quen với việc không được đón tiếp tử tế. Câu trả lời của Van der Bitten cho tôi thấy là anh ta vẫn tư duy một cách gần như bình thường và anh ta biết rằng chúng tôi đã có mặt ở đây. Ngược lại với vẻ ngoài phức tạp là một dấu hiệu không hoàn toàn bi quan.

 Tôi lùi xa cửa và tuyên bố:

- Anh Van der Bitten, đội cứu hỏa đã có mặt ở đây. Chúng tôi muốn chắc chắn rằng mẹ của anh vẫn khỏe.

- Cút đi, - anh ta gào lên.

Gần như ngay lập tức, cánh cửa bật mở, đập mạnh vào tường. Đám khán giả đứng trên bậc cầu thang ồ lên khi thấy một nòng súng săn nhô ra. Van der Bitten bắn một loạt đạn lên trần nhà.

 Bóng đèn nêông nhấp nháy trong khi tiếng súng nổ ngay bên cạnh làm chúng tôi có cảm giác điếc tai. Cùng với bóng tối, sự yên lặng bao trùm lên tòa nhà.

 Tôi hoàn toàn có cảm giác như bị tê liệt chân tay. Tôi cố nhìn cái áo may ô màu trắng nhờ nhờ bỏ ra ngoài quần của người đang đối thoại với tôi. Anh ta đứng trong vùng ánh sáng chiếu từ hành lang căn hộ ra, khuôn mặt râu ria lởm chởm, quần soóc vải hoa và đi dép tông.

- Tôi thắng rồi, - anh ta tuyên bố vẻ hài lòng.

Tôi nghe thấy tôi hỏi, giọng khàn khàn:

- Ai cơ?

- Bọn ruồi ấy.

 Một cậu phòng cháy chữa cháy nói nhỏ vào tai tôi:

- Thôi, ta đi đi.

 Cậu thứ hai đã ra ngoài cửa tòa nhà, tai dán vào điện thoại di động. Trong khu nhà, dân tình hiểu rằng cảnh sát sẽ đến. Họ bắt đầu tỏ thái độ căm thù Van der Bitten, kẻ mang lại những điều phiền phức đến cho họ. Đột nhiên, một giọng nói cất lên:

- Cái con mẹ này là ai? Tại sao nó không cút đi mà cứ làm người ta bực mình thế?

- Tao không cần cảnh sát đến đâu! Rồi mày sẽ thấy!

 Tôi cố nài nỉ:

- Anh Van der Bitten, anh bỏ súng xuống đi để chúng tôi vào.

 Anh ta nhìn tôi chằm chằm, vẻ ngạc nhiên:

- Chị là ai thế?

- Tôi là bác sĩ tâm thần. Mẹ anh đã gọi điện cầu cứu.

- Tôi biết. Tôi biết con mụ già ấy đã kể về tôi thế nào rồi.

 Một túi cao su đầy nước đập vào tường, cách đầu tôi khoảng hai centimét. Một giọng gào lên:

- Cút đi, đồ ngu ngốc!

 Chỉ trong vài giây, tình thế thay đổi hoàn toàn. Trên bậc cầu thang không còn một người lớn nào nữa. Một nhóm thanh niên gốc Ả Rập rất trẻ, có khi chỉ đang vị thành niên, từ bóng tối bước dần ra. Lại một giọng nói:

- Đ. mẹ, hình như chúng nó không hiểu thì phải!

- Đồ ngu chơi với lửa!

- Bọn này không phải là người Pháp đâu, chúng nó không nói tiếng Ả Rập mà!

 Cả đám bật lên cười. Áo phông hàng hiệu, quần bò đũng dài đến tận đầu gối, mũ cátkét trên đầu, giày thể thao dưới chân, chúng xử sự như trên sân khấu, với tư cách là khán giả đồng thời là diễn viên. Vấn đề là chúng tôi bị mắc kẹt giữa Van der Bitten và đám thanh niên này. Chần chừ hai phút nữa cũng có nghĩa là hết đường thoát.

- Ta đi thôi, - cậu phòng cháy chữa cháy nhắc lại.

 Lần này cậu ta có vẻ lo lắng thực sự. Van der Bitten quay sang chĩa nòng súng vào đám thanh niên:

- Chúng mày cút đi, đồ cặn bã! - Anh ta gầm lên.

 Tôi hoàn toàn không có ý định đứng giữa xung đột của hai bên. Đi sang phía nhóm thanh niên có nghĩa là làm bia đỡ đạn cho Van der Bitten. Ngược lại, đứng về phía nòng súng có nghĩa là có thể bị bắt làm con tin khi cảnh sát ập tới. Thật là khó xử!

Tôi có cảm giác tê liệt cả chân tay lẫn trí óc. Đúng lúc đó...

... Đám thanh niên lùi ra, nhường chỗ cho một người đàn ông bước vào. Dáng cao ráo, da rám nắng, anh ta mặc một áo sơmi trắng, một bộ complet màu ghi rẻ tiền không có cravate.

Van der Bitten chỉ vừa kịp quay nòng súng sang phía người mới vào thì anh ta đã giơ tay phải lên và bắn không ngần ngại.

Máu phun ra như suối. Van der Bitten gục xuống, đám thanh niên chạy bổ xuống cầu thang trước khi bị giữ lại ở dưới tầng một. Cả một đội cảnh sát đội mũ bảo hiểm, tay cầm dùi cui, vừa xông vào cửa tòa nhà.

Giữa khung cảnh ồn ào, người đàn ông quay về phía tôi với một vẻ hoàn toàn bình thản:

- Chị là bác sĩ Cabral phải không?

 

 Tôi rời khỏi tòa nhà mà không chờ đội cảnh sát thiết lập lại trật tự. Ở bên ngoài, cậu phòng cháy chữa cháy đi cùng tôi đang đứng giữa đám đồng nghiệp. Cậu ta chỉ tôi cho ông đội trưởng. Ông này vội vàng bước đến gần tôi:

- Bác sĩ cảm thấy thế nào?

 Phía sau tôi, người đàn ông lúc nãy trả lời rất lịch sự:

- Chị ấy không có vấn đề gì đâu.

 Tôi quay phắt lại, vừa kịp thấy anh ta giơ thẻ lên trước khi cất ngay lại vào túi. Lần đầu tiên tôi nhận thấy anh ta nói tiếng Pháp bằng giọng Ả Rập. Một nụ cười tự tin thoáng qua khuôn mặt với nếp nhăn hai bên má. Đôi môi sẫm màu có nét, đôi mắt nhìn tôi chăm chú. Anh ta hơi cúi xuống để châm một điếu thuốc lá rồi đứng thẳng người lên.

- Anh đừng lo, - anh ta nói với ông đội trưởng. – Tôi sẽ đưa chị ấy đi uống cà phê.

 Có thể anh ta tưởng tượng những điều gì đó, nhưng tôi hoàn toàn không có ý định đi theo. Tôi phản ứng với vẻ hơi cao ngạo:

- Có lẽ mọi người không biết, nhưng tôi đang trong giờ làm việc.

 Lần này hàm răng trắng của anh ta cười lấp loáng:

- Tôi biết chứ. Tôi cũng đang làm việc.

 Tôi nhớ lại lúc anh ta rút súng ra bắn như người bình thường lấy bật lửa ra châm thuốc hút. Đó thật ra là một vụ sát nhân. Việc anh ta là cảnh sát không cho phép anh ta giết người.

Tôi im lặng vì tôi biết trước ý kiến của những người cảnh sát ở đây. Tôi biết họ sẽ vừa gật gật đầu một cách lịch sự vừa nghĩ thầm rằng nghề tôi làm không phải là nghề dành cho phụ nữ. Chỉ nghĩ đến điều đó, tôi đã cảm thấy máu mình sôi lên rồi. Nghề tôi làm không phải là một nghề bình thường. Đó là một nghề hạng bét!

 Hai người mặc áo bludông với băng đeo tay màu đỏ có chữ "cảnh sát" đi vượt qua nhóm chúng tôi. Tôi nhận ra Fred, một cậu đã được phái đi cùng tôi giải quyết nhiều vụ việc. Fred cao to, nặng hơn trăm kí, uống rượu xả láng, bạn gái khắp nơi, tóm lại là một cậu bạn tốt bụng và một người chủ gia đình có trách nhiệm, hai điểm làm cho đường công danh của cậu ta không được suôn sẻ lắm. Nhưng Fred quá bận bịu nên chẳng có thời gian để đau khổ về điều đó. Fred thấy tôi, vui vẻ gọi:

- Véra yêu quí ơi! Thật là một sự tình cờ tuyệt vời.

 Tôi đã quên tôi là người bạn "yêu quí" của Fred. Tôi chưa kịp trả lời thì nụ cười của cậu ta lại còn ngoác rộng ra hơn nữa. Fred vừa nhìn thấy người đàn ông bí ẩn vẫn đứng cạnh tôi.

- Hakim, anh cũng ở đây à? - Fred vừa nói vừa chìa tay ra bắt. - Hakim Salem! Anh đang ở Paris à? Anh vừa hạ thủ tên này à? Đáng lẽ tôi phải đoán ra ngay mới phải! Ở đây toàn là dân Ả Rập thôi!

Fred cười. Hakim cũng cười, một cách vừa phải.

- Fred, anh có vẻ rất khỏe mạnh. Trông anh gầy đi nhỉ?

- Ừ, cũng phải thế thôi, phải nghĩ đến các chị em chứ!

 Fred phá lên cười. Tôi vừa chợt nhớ lại là Fred nói đùa như một số người khác chơi các trò chơi chữ trong tạp chí, có nghĩa là liên tục không ngừng. Mà thường là toàn những câu nói đùa không mấy hay ho.

- Véra, em thật có duyên đấy, - anh ta nói to cho mọi người cùng nghe thấy. - Cậu này là cảnh sát số một trên toàn vùng Địa Trung Hải đấy!

 Và điều đó cho phép anh ta hạ thủ bất cứ ai ư? Tại sao lại có chuyện Địa Trung Hải ở đây? Mà trước hết thì Van der Bitten là người Bỉ cơ mà. Tôi bắt đầu cảm thấy cơn đau đầu chuẩn bị kéo đến khi Fred hỏi, vẻ nghiêm túc hơn một chút:

- Anh vẫn theo vụ ấy à?

 Người kia gật đầu, thế là đủ hiểu. Fred vỗ đánh đốp một cái vào lưng anh ta:

- Cố gắng lên, anh bạn! Các anh sẽ thắng thôi. Bây giờ tôi phải đi đây. Lúc nào anh qua chơi nhé! Đến nhà tôi ăn cơm một bữa…

Lại một cái gật đầu. Fred quay sang tôi:

- Chào em Véra nhé! Em chăm sóc bạn của anh chu đáo nhé! Người ta bảo cậu này là một món bở đấy!

 Fred vừa cười vừa bỏ đi. Công bằng mà nói thì người đứng cạnh tôi cũng có vẻ không thích những câu đùa nửa nạc nửa mỡ đó. Anh ta rít thuốc một cách trầm tư và tiếp tục quan sát những gì diễn ra xung quanh tòa nhà. Rồi anh ta nhìn tôi với đôi mắt nâu, gần như chuyển sang ánh vàng:

- Chị đi cùng tôi đi. Chị cần phải uống một cái gì đó.

 

Và thế là chúng tôi cùng đi. Anh ta ngồi lên xe tôi như thể đó là xe anh ta vừa bán cho tôi vậy. Xung quanh chúng tôi, số cảnh sát được điều đến đông vô kể, đông hơn dân số của khu nhà này, có lẽ còn đông hơn cả dân số của khu trung tâm. Chúng tôi rời khỏi khu nhà với những cái nhìn hằn học của những người đứng tập trung trước cửa tòa nhà để xem cảnh sát đưa hai xác chết ra ngoài, xác của bà mẹ và của người con điên khùng đã giết mẹ. Thật là khủng khiếp. Tôi cố nhớ lại toàn bộ các chi tiết như một bộ phim quay chậm, nhưng không tìm ra cách nào để có thể tránh thảm kịch đó.

- Chúng ta đến nơi rồi, - một giọng nói trầm cất lên bên tai tôi.

Tôi đã quên mất sự tồn tại của anh ta. Tôi đỗ xe trên vỉa hè vắng tanh của một con phố được chiếu sáng bởi ánh sáng nhợt nhạt của một cột đèn đường. Trong suốt quãng đường đi, chúng tôi gần như không nói với nhau câu nào.

 

 Đó là một quán tồi tàn ở ngoại ô Paris, nơi mà không ai dám bước vào, dù chỉ là để xin một cốc nước. Tất nhiên, không ai dám làm như chúng tôi, có nghĩa là kéo bàn ngồi một cách thản nhiên, không hề để ý đến mặt bàn bụi bặm, khuôn mặt hung dữ của gã hầu bàn người Nam Tư cũ, cũng như điệu nhạc Ả Rập đang vang lên, giúp cho những khách hàng đang bị stress vì công việc được thư giãn.

 Nói đúng ra thì không phải không khí quán này làm tôi căng thẳng thần kinh, mà chính là anh ta. Tôi nghĩ đến chiếc điện thoại di động trong túi bên phải, máy bộ đàm trong túi bên trái, và tôi sẵn sàng bấm máy gọi khi có


vấn đề.

 Tôi không thể quên được rằng anh ta vừa sát hại một con người và không ai bắt anh ta phải trình bày về việc đó. Nói đúng hơn thì không ai hỏi anh ta trước mặt tôi. Chúng tôi không biết nhau từ trước.

 Anh ta đã biến đi một lúc lâu trước khi quay lại tìm tôi. Và Fred có vẻ biết chuyện…

 Đột nhiên, anh ta nói:

- Chị nghi ngờ tôi?

 Anh ta đặt lên bàn một bao thuốc lá, một loại thuốc tôi chưa thấy bao giờ, nhãn thuốc “Afras” viết chữ in to trên nền trắng và xanh lá cây.

- Đó là chữ viết tắt của Afrique-Asie, châu Phi và châu Á, - anh ta giải thích khi thấy tôi liếc nhìn bao thuốc. – Đó là biểu tượng của nước Algerie xã hội chủ nghĩa trong những năm 1970…

 Anh ta chìa cho tôi bao thuốc.

- Tôi chỉ hút loại thuốc này thôi. Tôi mua ở ngoài sân bay. Chị có muốn thử không?

- Không, cám ơn anh.

 Anh ta quan sát thái độ của tôi một cách bình tĩnh. Ánh sáng tỏa xuống từ bóng đèn trần dính đầy xác ruồi làm hai quầng thâm dưới mắt anh ta càng rõ hơn. Anh ta tiếp tục nói:

 

- Tôi làm chị phẫn nộ. Chị cho rằng đáng lẽ tôi không được bắn.

 Anh ta nói với một giọng nhẹ nhàng, với một giọng không giống giọng dân di cư Ả Rập. Giọng anh ta là giọng một người nước ngoài, không hề có gì thô thiển.

 Tôi miễn cưỡng đồng tình:

- Đúng như vậy, tôi rất phẫn nộ. Tôi đang thương lượng thì anh hành động như thế.

Anh ta sửa lại một cách lịch sự:

- Xin lỗi chị, nhưng lúc đó không còn cơ hội thương lượng nữa. Các anh chị đang ở trong một tình huống nguy hiểm.

- Nhưng tôi có một mình đâu, có một anh ở đội cứu hỏa rất cao to ở đó cùng tôi.

Anh ta lắc đầu vẻ độ lượng:

- Có, tôi có biết. Anh ấy có cám ơn tôi. Tôi nghĩ anh ấy hiểu rằng đến một thời điểm nào đó thì không thể thương lượng được nữa.

- Tôi có cảm giác là đối với anh thì thời điểm đó đến rất nhanh...

- Tôi là người Algerie. Cảnh sát Algerie.

 Thông tin đó làm tôi không nói được gì trong vòng một hai phút....

...Tuy nhiên, trong trường hợp này thì không có nhiều cách xử sự. Tôi hỏi:

- Thế anh đến đây làm gì?

 

- Chị muốn nói đến nước Pháp hay đến quán cà phê này?

- Cả hai.

 Anh ta cười, răng trắng xóa:

- Bộ Nội vụ Pháp và Algerie có quan hệ hợp tác với nhau, chắc chị cũng biết...

 Tôi bực mình nói:

- Tôi không làm việc cho Bộ Nội vụ và tôi không phải là người Algerie. Anh hãy trả lời cho tôi: Tại sao anh lại biết tên tôi và tại sao anh lại biết việc tôi làm?

 Anh ta ra hiệu cho người phục vụ mang đến hai tách cà phê. Tôi đẩy chén của tôi ra xa. Tôi đang quá bực mình.

 Anh ta bảo:

- Nhờ có Giselle Leguerche.

- Tôi không hiểu!

- Luật sư của Giselle Leguerche đã cho tôi địa chỉ của chị. Tôi sẽ còn làm chị bực mình nữa, nhưng... đã từ hai hôm nay, tôi theo dõi mọi việc chị làm.

- Tôi không tin anh!

 Anh ta nói như tự bào chữa:

- Tôi không có cách nào khác. Khi cần tìm ai đó thì chỉ có cách là tìm những người có thông tin và theo dõi họ.

 Tôi thở thật sâu và tuyên bố:

- Giselle Leguerche ở trong tù, tất cả mọi người đều biết. Cần gì phải tìm "những người có thông tin"?

 

- Tôi không quan tâm đến cô ta. Tôi quan tâm đến người đã sống với cô ta trong một thời gian. Amar Zitoun nằm trong một nhóm khủng bố. Anh ta bị truy nã ở Algerie.

 Được rồi, tôi hiểu rồi. Tôi bắt đầu hiểu. Do công việc mà tôi thường phải hợp tác với bên cảnh sát, tôi biết rằng những người truy tìm các nhóm khủng bố là những người bình tĩnh và cẩn thận nhất. Đối với họ, mỗi một thông tin, mỗi một chi tiết đều có tầm quan trọng của nó. Đối với họ, thời gian không có nghĩa lý gì cả.

 Tôi quyết định trao đổi thông tin với một vẻ lịch sự:

- Rất tiếc nhưng chắc là tôi không giúp gì cho anh được đâu. Tôi biết rất ít về Giselle Leguerche, thậm chí tôi còn chưa nghiên cứu hồ sơ của cô ta... Mà dù sao đi nữa thì tôi cũng phải tôn trọng bí mật nghề nghiệp. Anh phải xin gặp bà thẩm phán phụ trách hồ sơ này.

 Anh ta không trả lời. Anh ta nhìn tôi, trầm tư vài phút rồi ngả người ra sau lưng ghế và rút thuốc ra hút.

- Chị có muốn uống Coca không?

Anh ta lại cười:

- Coca "light" như người ta thường nói ấy.

 Anh ta có vẻ thấy Coca Light là một tên gọi rất buồn cười. Tôi chắc là đứng từ Algerie nhìn sang thẩm mỹ của những kẻ tham ăn châu Âu thì đúng là có vẻ nực cười thật.

- Không, cám ơn. Tôi không uống gì cả.

 Anh ta hiểu ý tôi muốn nói gì, nhưng hoàn toàn không có vẻ phật lòng. Tôi đứng dậy:

- Xin lỗi, tôi phải đi làm thôi.

 

 Hakim Salem có thể quay về địa ngục nơi anh ta có vẻ như vừa bước ra. Tôi hoàn toàn không quan tâm đến điều đó. Tôi chỉ muốn rời khỏi nơi này, càng nhanh càng tốt. Tôi đặt đồng hai euros lên trên bàn để trả tiền tách cà phê của tôi.

 Anh ta thôi không mỉm cười nữa. Trong khoảng một phút dài vô tận, đôi mắt ánh vàng tìm câu trả lời cho câu hỏi về tính cách của tôi. Sau đó, anh ta trả tiền cà phê mà cố tình không nhìn đến đồng hai euros của tôi và ngay lập tức rời khỏi quán.

 Tôi gặp anh ta ở trên vỉa hè.

- Chào bác sĩ, - anh ta vừa nói vừa kéo cổ áo vét quá mỏng lên.

Tôi phản đối, hoàn toàn có ý thức là tôi đã sơ ý:

- Anh chờ đã! Tôi sẽ đưa anh đến chỗ nào đó.

- Tôi đã ở chỗ nào đó rồi.

 Tôi không hiểu gì hết, chỉ có thể nhìn dáng người cao của anh ta bước nhanh vào hệ thống phố chằng chịt của khu ngoại ô gớm ghiếc này. Tôi còn lại một mình trong vùng ánh sáng của cột đèn đường, với người phục vụ gốc Nam Tư cũ đang ngắm cảnh vừa xảy ra như trong rạp chiếu phim.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86453


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận