Màu Tím Chương 2

Chương 2
Từ hôm đó, Hồng Lăng và Tử Minh trở thành một đôi bạn vô cùng thân thiết.

Chỉ trong thời gian ngắn như vậy mà đã kết thân được với nhau rồi. Điều này nghe có vẻ hơi hoang đường nhưng hình như mối thâm tình cùng được sinh ra trong một phòng hộ sinh đã đánh thức trái tim của hai cô bé và cái cảm giác về trách nhiệm đã tế nhị buộc hai cô bé tự nhận thấy phải hoà hợp với nhau, thậm chí cà ng thân thiết càng tốt. Và một lý do quan trọng nhất để hai cô bé tình nguyện chơi cùng nhau đó là cả hai đều rất xinh đẹp. Cái danh tiếng nho nhỏ có được ban đầu làm hai cô bé tự nhận thấy việc làm bạn của nhau, cùng nhau đón nhận những lời khen ngợi, ca tụng của mọi người xung quanh thực sự là một điều thú vị.

Trường tiểu học Minh Nguyệt là một ngôi trường rất bình thường, thậm chí còn hơi cá biệt, tất nhiên nó cũng có những bản sắc riêng của mình.

Trường được xây dựng trong khu dân cư với khu giảng đường sáu tầng phun sơn màu xanh xám, ba sân thể dục thể thao, cạnh đó là khu vệ sinh giống như một cái hầm sâu u tối. Nghe đồn đã từng có một nữ sinh chết ở đó, và về sau người ta thấy xuất hiện hình vẽ "một bàn tay màu xanh chùi mông cho một người". Có người cho rằng, câu chuyện này thật nực cười, nhưng học sinh trường Minh Nguyệt thì chẳng ai nghĩ như vậy cả. Bất kể học sinh nữ nào mà đi vệ sinh một mình sẽ lập tức bị bạn bè chế giễu, châm chọc vì có quan hệ quần chúng quá kém.

Trong khu giảng đường màu xanh xám, không khí lúc nào cũng âm u, lạnh lẽo; bên ngoài hành lang còn treo biển ghi dòng chữ "yên lặng" và thường xuyên bị tụi học sinh nam có vóc dáng to cao nhảy lên đập đôm đốp sau mỗi giờ tan học. Phía sau khu giảng đường là một nhà ăn khá thô sơ với những người phụ nữ đầy bí hiểm suốt ngày chỉ biết nghiên cứu và sáng tạo ra những món ăn phải nói là khó lòng mà nuốt trôi được.

 

Bên cạnh nhà ăn là nơi gửi xe đạp, vừa khang trang, gập ghềnh vừa đầy cảm tính, mà sở dĩ nó gợi cho Tử Minh cái cảm giác gọi là cảm tính đó là do nơi đây thường xuyên là chốn hẹn hò cho các anh chị lớp trên. Khi học lớp ba, Tử Minh đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng âu yếm của cậu học sinh đàn anh tên là Tiểu Long được mệnh danh là chuyên gia gây sự với chị hoa khôi nổi tiếng trong trường hồi ấy là Trần Thái Ni. Cái cảnh tượng nóng bỏng đó cứ ám ảnh Tử Minh hoài trong nhiều năm và đối với cô bé, nhà để xe là nơi dành cho các hoạt động mang sắc thái không lành mạnh.

Tuy nhiên, nếu phải nói về những bản sắc riêng độc đáo của ngôi trường tiểu học này thì chắc không thể không kể đến sân bóng rổ xây dựng ở phía đông khu giảng đường. Thực ra bản thân cái sân bóng rổ này cũng chẳng có gì là đặc biệt, nếu không có cái cây cổ thụ chọc trời mọc sừng sững ở giữa sân với cái gốc vĩ đại đến mức mà phải đến ba nam học sinh lớp sáu ôm mới xuể. Và cũng giống như đề tài gà con sinh ra trước hay trứng gà có trước, đề tài sân bóng rổ hay cây cổ thụ kia có trước cũng đặc biệt thu hút và đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi từ ngày này qua ngày khác của rất nhiều các thế hệ học sinh trong trường. Nhưng bất luận thế nào, bất luận cả việc các nam học sinh ở đây đã từng nhiều lần bị cái cây quái dị này cản trở quá trình chơi bóng, thậm chí có người còn bị sứt đầu mẻ chán vì quá say sưa theo trái bóng mà không để ý đến cái gốc cây to đoành ở giữa, cái cây ấy vẫn được hoan nghênh, vẫn được chào đón như một khán giả trung thành và kiên định nhất của các trận bóng.

Mỗi ngày, thời khắc náo nhiệt nhất chính là lúc tan học. Bốn giờ ba mươi phút, tiếng chuông tan trường reo lên, cổng trường vốn đang khoá chặt lập tức được hai bác bảo vệ mở toang về hai phía, tiếng nói tiếng cười lao xao trộn lẫn vào nhau như những âm thanh vẫn thường thấy ở các nha môn thời kỳ phong kiến. Những cô cậu học sinh với trăm phương nghìn kế tìm đường đổ ra phía ngoài cổng trường nơi có những bác bán quà vặt đang đứng chờ sẵn và những tên lưu manh đang rình rập để thực hành ngón nghề thành thục của mình. Chỉ trong nháy mắt, con đường vốn chẳng được rộng rãi cho lắm đã bị lấp đầy, chật kín các lối đi, và cảm giác như không một giọt nước nào có thể chảy qua nổi. Và cũng chỉ trong nháy mắt, các cảnh tượng nhộn nhịp quen thuộc của mỗi ngày lại tiếp diễn, nào là cảnh rượt đuổi nhau, cảnh hò hét cười đùa, cảnh cãi vã ghen tuông, cảnh nghêu ngao ăn thịt nướng, cảnh nhộn nhịp mua bán sách vở, cảnh đánh bạc, cảnh xem chơi cờ.... Tất cả đã làm nên một bức tranh sinh hoạt phong phú đầy sức sống và màu sắc về cuộc sống của người dân nơi đây. Phía xa xa, cách cổng trường vài trăm mét, là bóng dáng của những phụ huynh đến đón con bị mắc kẹt giữa đám đông, không còn cách nào khác đành ngồi tụ tập thành từng tốp buôn chuyện. Họ say sưa hết chuyện này đến chuyện khác với những thông tin trên trời dưới biển, ấy thế mà vẫn không quên theo dõi hành tung những bảo bối bé nhỏ của mình loáng thoáng đâu đó.

Giữa vòng xoáy hối hả của cuộc sống ồn ào mà ẩn chứa biết bao điều thú vị ấy, Tử Minh và Hồng Lăng nhanh chóng trở thành tâm điểm trong lớp, mà chủ yếu là nhờ vẻ bề ngoài xinh đẹp đáng yêu trời phú ấy. Cái lí do này nghe qua có vẻ nhạt nhẽo nhưng thực tế nó lại là chân lí không thể chuyển rời trong thế giới loài người chúng ta. Vì bạn xinh đẹp nên mọi người mới muốn chơi với bạn, vì bạn xinh đẹp nên mọi người mới thích nghe những gì bạn nói, vì bạn xinh đẹp nên trong tiềm thức của mọi người bạn chắc chắn đã từng là người nổi tiếng nên họ sẽ để bạn tiếp tục diễn vai người nổi tiếng. Tất cả đều thuận theo tự nhiên mà thôi.

Cô giáo chủ nhiệm lớp của Tử Minh và Hồng Lăng tên là Thường Ngọc, một giáo viên trẻ vừa tốt nghiệp khoa sư phạm. Cô giáo có vóc dáng gầy gầy, vẻ bề ngoài toát lên một sự thân thiện dễ gần, nhưng lại thiếu kinh nghiệm giảng dạy cũng như sự tự tin cần thiết để đứng lớp. Suốt ngày cô ở trong trạng thái hoang mang, lo lắng. Mới bắt đầu vào học chính thức được hai tuần, cô giáo đã vội vã cho bầu cán bộ lớp. Cô bé với đôi mắt tròn đen láy khiến người khác phải kính nể Đường Tử Minh được bầu làm lớp trưởng với 90% phiếu bầu, và đảm nhận trọng trách lớn lao là trợ lý cho cô giáo Thường Ngọc quản lý lớp học. Còn cô bé năng động hoạt bát Nguyễn Hồng Lăng về thứ hai trong cuộc bình bầu và đảm nhận công việc chăm lo đời sống văn nghệ, chịu trách nhiệm cho lớp hát truy bài, tập thể dục giữa giờ và tìm kiếm c c cơ hội thi đua cho lớp....

Học kỳ đầu năm học lớp một, không có kỳ thi nào là Tử Minh không giành được một trăm điểm, về khoản chấp hành kỷ luật hay giữ gìn vệ sinh cô bé đều giành được hơn bốn mươi bông hoa thi đua, trở thành người có thành tích cao nhất trong top ba người đứng đầu lớp. Hồng Lăng mặc dù kết quả văn hóa chỉ đạt chín mươi chín điểm, nhưng thành tích về thể thao thì chẳng ai bằng, cô bé còn giành được năm mươi bông hoa thi đua trong lĩnh vực giữ gìn vệ sinh và cũng thuộc top ba của lớp. Khi hai cô bé dắt tay nhau lên nhận phần thưởng là lúc các bạn trong lớp cổ vũ sôi nổi nhiệt tình nhất. Chúng say sưa hoan hô, hò hét, cổ động hết mình cho hai thần tượng bé nhỏ.

Học kỳ hai năm học lớp một, Tử Minh và Hồng Lăng vinh dự được đứng trong hàng ngũ đầu tiên quàng lên vai chiếc khăn quàng đỏ mà chỉ có trong mơ hai cô bé mới dám nghĩ tới trong tiếng hát rền vang "chúng em là người kế thừa của chủ nghĩa cộng sản". Rồi sau đó nghe cô giáo nói, khăn quàng đỏ này là do máu của các anh hùng liệt sĩ nhuộm mà thành, nên hai cô bé đáng yêu của chúng ta đeo liền mấy tháng trời mà không dám giặt.

Lên lớp hai, Tử Minh vinh dự được bầu làm liên đội trưởng, còn Hồng Lăng đương nhiên phụ trách văn nghệ của liên đội. Lúc ở trường hai cô bé không rời nhau nửa bước, lúc tan học cũng vẫn quấn quýt bên nhau.

Tử Minh và Hồng Lăng tuy không ngồi cùng bàn nhưng chỗ ngồi cũng chỉ cách có cái lối đi. Trong giờ học, nếu Hồng Lăng mải buôn chuyện mà xao nhãng không tập trung (và đây là tật cố hữu của Hồng Lăng), Tử Minh sẽ lập tức rướn người qua huých nhẹ nhắc nhở. Thực ra, xét về việc công, Hồng Lăng rất kính nể lớp trưởng, nhưng xét về việc tư thì cô bé lại luôn nghĩ ra mọi trò để phục thù Tử Minh. Nào là không thèm ở chung đội với Tử Minh khi chơi nhảy dây, rồi cố tình hất nước vào người làm ướt quần áo Tử Minh...

Tuy nhiên, mấy cái trò nghịch ngợm này đối với Tử Minh cũng chẳng ảnh hưởng gì cả vì cô bé chẳng thèm để bụng bao giờ. Với Tử Minh, học giỏi hơn Hồng Lăng, hiểu biết nhiều hơn, nắm các chức vụ cao hơn...tất cả những cái hơn đó đủ để Tử Minh bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt cá nhân mà Hồng Lăng gây ra. Thua thì thua, ướt quần áo thì ướt, chẳng sao cả. Cho dù lôi từ trong cặp sách của mình ra con sâu róm đã bẹp rúm mà ai đó đã nhét vào từ trước (đây là trò đùa quái ác quen thuộc của Hồng Lăng mỗi khi hè đến), Tử Minh cũng chẳng sợ hãi đến mức hét toáng lên như những cô nàng tiểu thư nhõng nhẽo khác, trái lại cô bé sẽ nhẹ nhàng lấy một tờ giấy gói con sâu đó vào rồi đặt trên ghế của Hồng Lăng và hào hứng chờ đợi giây phút được ngắm nhìn cảnh nó bị dập nát ra như thế nào.

Hồng Lăng cũng biết Tử Minh nhường nhịn mình nên ít khi đùa quá trớn. Cô bé rất quý Tử Minh cũng giống như Tử Minh yêu quý cô vậy, cô bé thích thách đấu với Tử Minh về kiến thức, sức mạnh và sức chịu đựng. Bắt nạt nhau, giận dỗi rồi lại làm lành; rồi lại bắt nạt, giận dỗi rồi lại làm lành. Cứ như vậy ngày này qua ngày khác đã mang đến cho hai cô học trò nhỏ đáng yêu biết bao nhiêu là những kỉ niệm vui buồn xen lẫn.

Và thú vị hơn cả là hai cô bé ngày càng giống nhau, giống từ ngoại hình cho đến thói quen: mặt tròn, mắt hạnh nhân, ăn mặc gọn gàng đẹp đẽ, tay trái lúc nào cũng cầm hai cây gậy y hệt nhau, rồi không quản mưa gió bão bùng vẫn nắm tay nhau chạy bộ tập thể dục. Cuộc sống này đối với Tử Minh và Hồng Lăng mà nói, nó thật đơn giản nhưng lại nhiều niềm vui và ý nghĩa, nó lúc nào cũng chan hòa trong sự lan tỏa của ánh nắng mặt trời mùa thu dịu ngọt, nó luôn tràn ngập những quả bong bóng xà phòng rực rỡ bồng bềnh trôi ra từ chiếc bình nhựa nhỏ.... và nếu có một chút gì đó không thỏa mãn thì chính là tại sự chậm chạp của thời gian. Thời gian như bức tường vô hình kìm hãm sự trưởng thành của hai cô bé xinh đẹp. Tử Minh và Hồng Lăng đang háo hức mong đợi đến ngày bước chân vào lớp sáu, đồng nghĩa với việc bước sang ngưỡng cửa làm anh chị cả, thống lĩnh toàn bộ học sinh trường Minh Nguyệt, trở thành tâm điểm chú ý và thần tượng của hầu hết các bạn nhỏ cùng trang lứa.

Tình bạn giữa Tử Minh và Hồng Lăng ngày càng thân thiết, thân thiết đến mức mà cứ cuối tuần cả hai lại cùng hẹn hò đến nhà nhau chơi. Chương Văn Hy - mẹ của Tử Minh, cũng vì thế mà đành phải qua lại xã giao với Vương Xuân Chi và đến giờ Chương Văn Hy mới phát hiện ra nhà họ Vương cũng khá gần nhà mình, ấy thế mà bao nhiêu năm trôi qua chẳng chạm mặt nhau đến một lần, quả là kỳ lạ! Chương Văn Hy không thích Vương Xuân Chi, nhưng lại không ghét Hồng Lăng. Cho dù theo Chương Văn Hy, cô bé này nói chuyện khá giả tạo, nhiều lúc hay đùa quá trớn nhưng trẻ con mà, chẳng nên chấp chúng làm gì, vả lại Hồng Lăng thực chất là đứa trẻ ngoan, lễ phép lại biết nghe lời nên Tử Minh sẽ học tập được rất nhiều tính tốt ở cô bé này.

Còn Vương Xuân Chi, mẹ của Hồng Lăng thì lại hoàn toàn chẳng có chút cảm tình gì với Tử Minh bởi cô bé là con gái của Chương Văn Hy. Vương Xuân Chi cho rằng đứa bé này giống hệt mẹ nó, lạnh lùng, kiêu ngạo, chẳng coi người khác ra gì.

- Cái nhà đó chẳng qua có vài đồng tiền thối, làm gì mà ghê gớm thế, đến đứa con cũng quen thói vậy! Tôi khinh! Con bé đó á! Tôi nói cho ông biết, hôm nay tôi gọt táo cho nó ăn nó không thèm ăn, nó chê tay tôi bẩn chứ gì! - Vương Xuân Chi ngồi khoanh tròn trên giường vừa gọt dưa vừa liến thoắng càu nhàu với chồng.

Ông chồng tên là Nguyễn Quân, một người trầm tính, chẳng có chút tài cán gì, cũng chẳng có chút cá tính nào ngoài cái bộ mã công tử khôi ngô, mà thực ra cái vẻ bề ngoài đó đối với những kẻ không có năng lực thì chỉ là một mầm họa chứ chẳng có ích lợi gì. Theo nhận xét của hàng xóm thì Nguyễn Quân là một kiểu đàn ông nông cạn, và đối với gia đình, ông ta giống như một kẻ bỏ đi. Vương Xuân Chi thời trẻ vì quá ham mê bộ mã khôi ngô tuấn tú mà vội vã nhận lời, để rồi về sau mới trở nên chán nản và u uất khi nhận ra sự hèn kém, bạc n hược của chồng. Nhưng suy đi nghĩ lại thì cũng chẳng có người đàn ông nào đủ sức hấp dẫn Vương Xuân Chi bây giờ nữa, thôi thì đành nhắm mắt theo lao, nhẫn nhịn mà sống cho qua ngày... Hồng Lăng do chịu ảnh hưởng sâu sắc của mẹ nên cũng tỏ ra coi thường bố.

- Nhỏ nhỏ cái mồm thôi, Lăng Lăng ở ngay phòng bên đấy! - ông Quân đã quá quen với cái thói càu nhàu than vãn của vợ nên cũng chẳng để ý, ông chỉ sợ cái thói quen xấu đó sẽ lây nhiễm và tác động sang cô con gái Hồng Lăng bé nhỏ mà thôi.

 

- Thế thì đã sao nào? Tôi có nói gì sai đâu! Con bé nếu thích nghe thì nghe, sự thật nó là như vậy mà. Chương Văn Hy chẳng phải là sống dựa vào cái ông chồng họa sĩ đó sao? Cái lão đó, từ sáng đến tối không về nhà, ai biết là lão ta làm trò gì bên ngoài, có khi còn có người khác rồi cũng nên. Nếu thế thì cái bà Chương ấy có nhiều tiền nữa cũng chẳng để làm gì! Đúng là cái đồ tinh vi! - Vương Xuân Chi liếm láp vỏ dưa rồi đưa mắt nhìn chồng.

- Đừng có nói lung tung, bà làm sao mà biết người ta có người khác ở ngoài? - Nguyễn Quân đang dán mắt đọc báo bỗng ngẩng đầu lên tò mò hỏi.

- Trời ạ, Lăng Lăng đến nhà đó chơi bao nhiêu lần rồi mà có lần nào thấy cái lão đó ở nhà đâu. Ông không thấy lạ à? Tôi nghĩ chắc chắn là có vấn đề, mà vợ ông đâu có phải là người hay xuyên tạc linh tinh đâu - Vương Xuân Chi hùng hồn đáp lại.

- Ối dào, bà đúng là.... Người ta có làm gì ngứa mắt bà đâu cơ chứ - Nguyễn Quân lắc đầu tỏ vẻ khó chịu.

- Có ông vớ vẩn thì có, tự dưng nói hộ cho người ta, ai khiến! Nếu ông thích thì qua đó mà sống, nhưng mà nói qua nói lại thì người ta cũng phải coi trọng ông thì mới được chứ, đúng không? - Vương Xuân Chi giật tờ báo trong tay chồng, đặt xuống giường.

- Cái bà này, làm cái trò gì đấy, không thấy người ta đang xem à? - Nguyễn Quân hạ giọng: - Bà nói chuyện này với tôi là được rồi, đừng có nói với Lăng Lăng, trẻ con không cẩn thận ngộ nhỡ đến tai nhà bên ấy thì không hay.

- Được rồi, được rồi! Đừng có chưa gì đã cuống lên như vậy, hệt như đàn bà! Ông nghĩ là con bé Lăng Lăng nó ngốc thế à? Ông cứ lo xem báo của ông đi! - Vương Xuân Chi ngắt lời chồng, đứng phắt dậy bước xuống giường.

Hồng Lăng ở phòng bên nghe thấy bước chân mẹ vội vàng chạy đến ngồi vào bàn học giả bộ đang làm bài tập. Những lời mẹ nói vừa xong cô bé đều lén nghe không bỏ sót từ nào. Hồng Lăng biết mẹ đang nói xấu mẹ Tử Minh, cô bé cũng thừa biết rằng đó là do nhà Tử Minh có nhiều tiền, nhưng mẹ bảo bố Tử Minh có người khác ở bên ngoài nghĩa là sao nhỉ? Cô bé không thật sự tường tận cho lắm về ý nghĩa của câu nói đó nhưng cũng đoán ra được phần nào. Hồng Lăng xưa nay vẫn luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào mẹ, xem ra bố của Tử Minh không phải là người tốt. Nếu vậy thì Tử Minh là người như thế nào? Đầu óc cô bé rối tung cả lên, tim đập thình thịch, càng viết chữ càng nghiêng ngả.

Thực ra, Vương Xuân Chi không hề nói oan cho bố của Tử Minh. Bố Tử Minh tên là Đường Lý Hiền, nổi tiếng đào hoa, lại thêm đặc trưng của ngành nghề nghệ thuật nên khá phong lưu và đa tình. Cũng bởi lẽ đó nên mới dễ dàng chinh phục được cô hoa khôi Chương Văn Hy nổi tiếng xinh đẹp thời đó. Dòng máu nghệ sĩ, bản chất phong tình cộng thêm sự nhiệt tình có thừa với phụ nữ, Đường Lý Hiền khi yêu Chương Văn Hy đã lén lút qua lại với một người phụ nữ khác. Lúc Chương Văn Hy phát hiện và đòi chia tay thì đã quá muộn, cái thai trong bụng - kết quả của một mối tình lãng mạn đang ngày một lớn dần. Cho dù là một phụ nữ khá kiên cường và cứng rắn, nhưng đứng trước tình mẫu tử thiêng liêng, Chương Văn Hy không đành lòng từ bỏ và thế là Tử Minh được sinh ra. Sau nhiều năm trời xảy ra cãi vã rồi hình thành nên cả những cuộc chiến tranh lạnh, đến năm Tử Minh vào lớp một cũng là lúc cô bé tương đối hiểu chuyện. Để không ảnh hưởng đến sự trưởng thành của con gái, đồng thời để giải thoát cho hai trái tim vốn đang chịu nhiều đau khổ, Đường Lý Hiền - Chương Văn Hy quyết định bí mật chia tay trong nhẹ nhàng và hết sức thanh thản.

Thực ra trong tâm trí của Tử Minh, ấn tượng về cha, một người đàn ông với chiếc mũ cao bồi miền tây Mêhicô không thật sự tốt đẹp cho lắm. Trong ký ức của cô bé, những lúc có sự hiện diện của cha là những lúc cả nhà chìm trong đau thương với hương rượu nồng nàn, với âm thanh ồn ào của những tiếng cãi cọ, với tiếng khóc thút thít của mẹ và tiếng cánh cửa rầm rầm vang lên thật ghê rợn. Cô bé cũng không thể xác định được tình cảm của cha dành cho mình, những cái ôm trong lúc say và những lời nói dặn dò đáng sợ liệu có phải là sự quan tâm dạy dỗ của một người cha đối với con mình hay không? Tử Minh hoàn toàn mơ hồ. Cô bé vẫn còn nhớ như in hình ảnh mẹ bị cha đẩy ngã lăn ra trên mặt đất mà cô bé vô tình nhìn trộm được qua khe cửa. Cảnh tượng đó diễn ra trong một đêm mưa. Và đó cũng là lí do vì sao mà Tử Minh căm thù những buổi tối trời mưa, và cũng từ hôm ấy cô bé bắt đầu căm hận cha. Thế nên giờ đây, khi cha mẹ chia tay, Tử Minh thấy trong lòng vui mừng hơn là đau khổ. Mặc dù chỉ là một đứa trẻ, chưa được tham dự và cũng chưa có được những nhận biết sâu sắc về những vấn đề liên quan đến tình yêu hay hôn nhân, nhưng lúc trước cha hay đánh mẹ, bây giờ không còn cơ hội để đánh nữa, rõ ràng không phải là một chuyện đáng mừng hay sao? Tử Minh đơn giản chỉ nghĩ vậy thôi! Cô bé không sợ thiếu vắng cha, trái lại cô bé còn cho rằng sự tồn tại của người cha trong cuộc sống này là vô nghĩa và dư thừa.

Hơn nữa, sự cô độc sau khi cha ra đi đã được bù đắp bằng sự xuất hiện đầy bất ngờ của cô bạn Hồng Lăng rồi. Tình bạn chân thành của Hồng Lăng, sự năng động nhiệt tình của Hồng Lăng, sự thông minh lanh lợi của Hồng Lăng, tất cả đã đẩy lùi, thậm chí là đẩy đi rất xa nỗi trống trải trong lòng Tử Minh. Và đối với những đứa trẻ ở lứa tuổi này, quan niệm về một tình bạn chân thành c ũng không phải là quá khắt khe hay phức tạp, chỉ cần đối xử tốt với nhau là được, các yếu tố khác đều không quan trọng.

Nguồn: truyen8.mobi/t86467-mau-tim-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận