Màu Tím Chương 3

Chương 3
Một tháng sau đó, Tử Minh hầu như dồn hết tâm trí tập trung vào công việc thiết kế đồng phục.

Dưới chỉ dẫn của mẹ, cô bé bắt đầu học những bài học cơ bản về hình thể, tích cực xem những tạp chí thời trang và theo dõi cả những bức họa về trang phục, rồi sau đó thử tiến hành vẽ phác thảo. Mặc dù chỉ là hình thức học sổi bột phát nhưng có lẽ do được thừa hưởng gien nghệ sĩ từ cha mẹ, lại thêm việc yêu thích hội họa nên Tử Minh học có vẻ tương đối nhanh. Chương Văn Hy cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi thấy con gái ngày một say mê. Tuy nhiên vẫn phải thừa nhận một điều rằng Tử Minh sở dĩ say mê như vậy ngoài cái hứng thú với hội họa ra, cô bé còn muốn mượn nó để làm tê liệt bản thân, làm giảm đi nỗi khổ mà cô bé phải chịu đựng mỗi khi bước chân đến ngôi trường Thế Khải danh tiếng ấy. Đó là một nỗi khổ mà không ai có thể dự tính trước được, một nỗi khổ theo một vòng tuần hoàn cứ lặp đi lặp lại dường như không có bất kỳ một lối thoát hay một sự lựa chọn nào để trốn chạy. Chỉ cần ngày nào có sự xuất hiện của cô Hoàng Kim Châu, thì nỗi thống khổ ấy sẽ đeo đẳng Tử Minh và các bạn trong lớp ngày đó.

Sau khi tiếp quản lớp của Tử Minh, cô Hoàng lập tức bộc lộ tất cả những nét tài hoa trong lĩnh vực quản lí của mình: nghiêm khắc, chuyên chế, độc tài, phát xít...đó là những tính từ mà học sinh trường Thế Khải phong tặng cho cô Hoàng khi phải chịu đựng ách thống trị của cô. Đôi giày cao gót cộp cộp đập xuống sàn nhà nghe đến tội nghiệp, hai từ "học sinh" yêu quý dường như không có trong hệ thống từ điển của cô, nếu chuyển thành "tội phạm" thì có lẽ sẽ quen thuộc và thỏa đáng hơn trong suy nghĩ của cô. Đi học muộn một phút là phạm tội, đến trường không mặc đồng phục là đại nghịch bất đạo, nam nữ cười đùa là hạ lưu vô sỉ, chạy nhảy lung tung là đạo tặc, đấy là chưa nói đến việc bỏ học, nói chuyện riêng trong giờ, bài tập làm sai hoặc tỏ bất kì thái độ gì đối với môn Toán. Chao ôi!!! Thật tội nghiệp cho các thế hệ học sinh bị kìm hãm trong vòng tay kỷ luật của cô Hoàng, và nếu theo đúng quy định trên của cô thì có lẽ tội lỗi mà lũ học sinh mắc phải chắc có thể đưa lên tòa án tối cao để xét xử đấy chứ nhỉ?

Cô Hoàng lên lớp đều không giảng bài. Bởi theo cách nghĩ của cô, học sinh từ khi ra đời vốn dĩ đều là những phần tử tập trung tất cả những đặc điểm của một kẻ lười biếng, ỷ lại. Vì thế nếu trên lớp giảng bài tức là chỉ tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội để phát huy cái bản tính đó mà thôi. Do đó, cô Hoàng yêu cầu học sinh ở nhà tự học, đến lớp sẽ tập trung để làm đề. Không biết có phải vì cái phương pháp này có hiệu quả nổi bật hay không mà tất cả các giáo viên trong tổ toán cũng như các giáo viên mới ra trường khác đều thi nhau học tập theo cách đó của cô Hoàng. Cô Hoàng quả thật là một tín đồ trung thành của chiến thuật ra đề, nghe nói cậu con trai vừa tốt nghiệp trường Thanh Hoa của cô Hoàng cũng trưởng thành gắn liền với phương pháp đó, và các thế hệ học sinh trước đó cũng được cô Hoàng tận tình dạy dỗ theo cách này. Và giờ đây, một lần nữa cô Hoàng lại thực hiện nó giống như một sát thủ vô tình bất chấp khắp nơi máu chảy đầu rơi....

Trong một tiết học bốn mươi phút với năm mươi đề đại số ứng dụng ở trình độ trung cộng thêm một đề mở rộng đòi hỏi kỹ năng suy luận và phân tích, yêu cầu đó với người bình thường chắc sẽ phải vò đầu bứt tai, đau đớn lăn lộn mà chết. Tuy nhiên, cô Hoàng của chúng ta lại cho rằng những đề đó là tương đối vừa tầm đối với bất kỳ một học sinh nào mới vào cấp hai có trí não phát triển bình thường. Vì vậy, trong giờ học toán, không có một học sinh nào dám chớp mắt, ngáp ngủ, quay người động đậy. Toàn bộ thời gian đều thuộc quyền sở hữu của cô Hoàng, ngoài việc làm đề ra, tất cả những việc khác đều trở nên nhỏ bé và vô nghĩa, ngay cả việc hít thở cũng trở nên bất bình thường và khó khăn. Quả là tổn hại quá nhiều thể chất cũng như thể lực của con người!!!

Thế nhưng, vấn đề là dù cho đám học sinh kia có vắt hết cả trí óc cùng sức lực ra thì cũng không thể đạt đến cái trình độ mà cô Hoàng kêu là "vừa tầm" kia. Song cũng chẳng sao cả, trong giờ làm không xong, buổi tối ở lại tiếp tục, chỉ có điều là ngoài phần đề chưa làm xong sẽ được cô giáo ưu ái tặng thêm cho năm mươi đề ứng dụng nữa coi như là bị phạt. Vả lại, đó toàn là những đề bài ngớ ngẩn trong cái mắt xích nghiêm trọng của cuộc sống hiện tại. Nó giống như kiểu đề bài: Có một cái hồ chứa nước, người ta vừa tìm cách tháo nước ra nhanh nhất lại vừa tìm cách đưa nước vào nhanh nhất, rồi câu hỏi là tính xem nước vào nước ra đầy hồ trong thời gian bao lâu. Rõ là vớ vẩn, nguồn tài nguyên nước của quốc gia chẳng phải đang dần cạn kiệt hay sao? Thế mà họ lại làm cái trò lãng phí, vô bổ đó. Tử Minh không biết có phải là do công nhân ở cái hồ đó bị đIên hay là người nghĩ ra cái đề bài đó bị điên nữa? Nhưng nó vẫn chưa phải là thứ làm cho Tử Minh khó chịu nhất, dạng bài "gà thỏ nhốt chung một chồng" mới là kiểu đề đáng sợ kinh điển. Mỗi lần vớ phải đề này là Tử Minh biết ngay trời sắp sập, đất sắp tan. Sao lại có người biến thái đến mức mà nhốt chung gà với thỏ vào chung một cái lồng rồi bắt người ta đếm xem có bao nhiêu cái chân? Nền giáo dục nước nhà rốt cuộc là đang làm trò gì đây?

Ấy vậy mà toàn thể học sinh trên đất nước này ngày ngày đang phải khổ sở để đếm cái số chân ấy, chẳng ai dám phản kháng. Tử Minh cũng chỉ đành biết kìm nén căm tức phẫn nộ để cùng bạn bè ra sức đếm chân gà chân thỏ. Và cứ thế, lớp học của Tử Minh trở thành lớp có thành tích tự học vào buổi tối cao nhất trong khối, một số lớp khác dần dần cũng tích cực noi gương và làm theo. Hằng ngày, thường phải đến khi trời nhá nhem tối hoặc tối đen kịt, đám học sinh mặt mày ủ rũ đó mới lần lượt ra về. Một số người dân trông thấy cảnh tượng ấy lại còn hào hứng ca ngợi học sinh trường Thế Khải sao chăm chỉ thế!!!!

Chưa hết đâu nhé, cô Hoàng còn có một sở trường nổi bật không thể không nhắc đến đó là đánh người. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng một người phụ nữ có sức đâu mà đánh, nhưng thật tiếc phải thông báo với bạn là bạn đã nhầm. Đa số các nhà tâm lí và các nhà pháp y đều thừa nhận mỗi một người phụ nữ đều có một nội lực tiềm tàng chỉ trỗi dậy khi họ gặp chuyện, và một khi sức mạnh đó trỗi dậy thì có thể dời non lấp bể không thể xem thường. Mà nhất là với người mình đồng da sắt như cô Hoà ng thì đây đúng là một đặc điểm nổi bật nếu không nói là kiệt xuất trong tính cách của cô (bọn học sinh còn nghi ngờ không khéo cô Hoàng chính là hậu duệ của Hoàng Phi Hồng). Cô Hoàng "hạ thủ" với các chiêu thức đa dạng, phong phú, biến đổi khôn lường, với một phong thái hết sức hào phóng. Trong giờ học, bất kì một vật nào trên tay cô cũng có thể trở thành một vũ khí để đối phó với ai mà cô cho là nghi phạm. Hành động của cô nhanh, mạnh, chính xác, nhanh nhạy đến mức mà học sinh chưa kịp và cũng khó có thể định hình được điều gì xảy ra ngoài việc choáng váng vì dường như vừa có thứ gì đó bay vù về phía mình. Cho dù ngày nào tổ trực nhật cũng cố tình dọn dẹp rất kỹ bàn giáo viên, tỉ mỉ thu sạch các thứ xung quanh chỉ để lại vài viên phấn cho cô viết bảng, nhưng người nào không may bị cô Hoàng phi phấn vào mặt hay vào mắt thì cũng đủ điêu đứng, nếu không tin, bạn hãy thử một lần mà xem!!!

Khi không còn bất kỳ một hung khí nào để sử dụng nữa thì cô Hoàng không làm gì được nữa sao? Đừng vội vui mừng, nắm đấm của cô cũng được xếp vào hàng kungfu tuyệt đỉnh đấy! Bình thường cô Hoàng chỉ ưu tiên những nắm đấm của mình cho các nam học sinh, không đánh nữ sinh vì con gái chưa đánh đã khóc, chẳng có tinh thần cạnh tranh gì cả. Nhưng có một lần cô Hoàng đã sử dụng cú đấm kinh hoàng ấy với một nữ sinh ăn quà vặt trong giờ. Có lẽ cô bé đó cả đời này sẽ không thể quên được sự việc ngày hôm đó với quả trời giáng làm cô bé đang từ trên ghế ngã lăn ra đất. Cả lớp không ai dám nói một lời chỉ biết nhắm mắt bịt tai xót xa cho số phận cô bạn gái đáng thương tội nghiệp ấy. Cô bé này cũng tương đối kiên cường, nghiến răng chống tay đứng dậy và tiếp tục ngồi vào chỗ làm đề, không một tiếng kêu, không một tiếng khóc. Nhìn cô bé chắc hẳn nhiều người trong chúng ta phải thấy hổ thẹn vì sự mềm yếu của mình đấy! Cảm động quá!

Đối với học sinh nam, ngoài những bộ phận không thể động thủ, cô Hoàng hầu như là tiện đâu đánh đó, đòn nào ra đòn đấy, mạnh mẽ, dứt khoát. Tất nhiên với sự thông minh trời phú, chiêu thức võ công của cô Hoàng tài tình và lợi hại đến mức mà dẫu có đánh học sinh chết đi sống lại thì vẫn chẳng để lại vết tích gì trên cơ thể chúng để cho phụ huynh có thể tóm được thóp mà tố cáo hành vi "tra tấn" của mình.

- Cái gì mà tra tấn, tôi ghét nhất cái từ này! Các cô các cậu phải phân biệt rõ một điều là tôi có quý các cô các cậu, có coi trọng các cô các cậu thì mới đánh các cô các cậu. Nếu không thì tại sao tôi lại không đi đánh cái lũ lưu manh ngoài hè phố kia. Các cô các cậu phải hiểu rằng quân tử muốn thành nhân không thể thiếu đòn roi! Khóc, khóc, khóc! Khóc cái gì mà khóc! Hãy thử nhìn lại thái độ của các cô các cậu xem!. - Mỗi lần đánh xong, cô Hoàng lại đảo mắt nhìn quanh một lượt rồi vừa xoa xoa bàn tay đỏ ửng của mình vừa giãi bày nguyên nhân sâu xa của hành động bạo lực ấy.

Đúng thế, dùng từ "tra tấn" quả thật chưa chuẩn xác, nó không thể lột tả hết được tư thế anh dũng của cô Hoàng m t vị giáo viên có một không ai, khó mà tìm thấy còn ai "đặc biệt" hơn, đến cô Bích Quý Phương mà Tử Minh gặp trước kia cũng chẳng bằng một phần của cô Hoàng. Cô Bích chỉ thô bạo trong lời nói, mà nói đi nói lại thì cũng chỉ có vài từ, nghe nhiều thành quen và bị miễn dịch luôn. Còn cô Hoàng? Dường như cô có cả một kho tàng từ điển các từ ngữ chuyên dùng để chì chiết học sinh, lại thêm sở thích tìm kiếm niềm vui trong việc đánh mắng học sinh. Thật là đáng sợ! Mỗi lần ra tay hạ thủ, hai mắt cô lại sáng lên ánh hồng rực rỡ! Tử Minh thường nhìn theo ánh mắt đó của cô mà liên tưởng đến cảnh tượng chồng cô chắc cũng bị đánh đến mức tan xương nát thịt...!!!! Sau này khi biết tin chồng cô Hoàng đã mất nhiều năm nay, Tử Minh càng tin tưởng hơn vào nhận định đó của mình, ông chồng bạc mệnh đó chắc chắn qua đời vì bị đánh đập.

Hồi đầu Tử Minh còn thắc mắc rằng tại sao những học sinh bị đánh không tố cáo lên nhà trường? Nhưng rồi thời gian trôi qua, cô bé cũng tự tìm ra được đáp án cho mình, dẫu cái đáp án đó nghe có vẻ bi thương: có một số người khi sinh ra vốn đã hèn nhát, hai từ "phản kháng" hầu như không bao giờ xuất hiện trong tiềm thức của họ. Bị cô giáo đánh không phải là nỗi kinh hoàng đối với họ mà bị đánh rồi đi tố cáo mới thật sự khiến họ sợ hãi. Điều này đối với những người yếu đuối thì khỏi cần nói, nhưng đến những đứa con trai trông cao lớn hung dữ bị đánh ba đến năm lần mà cũng chỉ biết câm như hến. Đối với hành vi bạo lực của cô Hoàng, không ai dám kháng cự, không ai dám tố cáo và đương nhiên không ai dám đánh trả. Cách duy nhất để chúng giải tỏa là âm thầm chịu đựng, âm thầm mắng chửi cô giáo mà thôi. Và hễ khi nào cô Hoàng xuất hiện là tất cả những cái miệng vừa mới nhổ nước bọt chửi rủa ấy lập tức im bặt, nín thít như bị dính keo. Tử Minh từ trước đến nay may mắn vẫn nằm ngoài tầm ngắm của cô Hoàng, cô bé nhìn những đứa bạn phạm tội kia bằng ánh mắt vừa khinh miệt vừa thương hại, rồi lại mường tượng nếu một ngày nào đó mình cũng bị đánh và....

Tóm lại, cô Hoàng quả đúng là kiệt xuất với một kết quả dạy dỗ nổi bật. Chỉ trong vòng một tháng, vị giáo viên tài ba này đã cải tạo được hầu như toàn bộ học sinh trở thành những hình mẫu mà cô đặt ra ngay từ buổi đầu mới bước chân vào lớp. Đám học sinh lúc đầu gọi cô Hoàng là Hoàng Kim Trâu, bây giờ ngay cả cái gan nhìn cô một cái thôi cũng lặn mất tăm mất tích đi đâu mất rồi. Lũ con gái thì đã học được cách nuốt nước mắt chảy ngược vào tim, không khóc oang oang thành tiếng khiến cô giáo thêm nhức đầu nữa. Khi cô Hoàng bước vào lớp, chẳng cần dùng đến ánh mắt uy lực yêu cầu học sinh trật tự như các giáo viên khác, bởi chỉ cần nghe thấy tiếng guốc cao gót của cô cộp cộp vọng tới đằng xa, là cả lớp không ai bảo ai tự động im phăng phắc như bị trúng gió. Lớp của Tử Minh cũng nhanh chóng được công nhận là một lớp xuất sắc trong trường Thế Khải: đó là một lớp nổi bật nhất, học sinh chăm chỉ nhất, thành tích học tập cao nhất, có tinh thần nghiêm túc nhất trong việc giữ vệ sinh, kỷ luật...Và quan trọng nhất là lớp của Tử Minh cũng sắp sửa được các thầy cô phong tặng danh hiệu: lớp học có phẩm chất đạo đức tốt nhất, đó là phẩm chất đạo đức biết nghe lời!!!

 

Có lẽ tất cả chúng ta phải cúi đầu biết ơn cô Hoàng vì những tiến bộ vượt bậc này!

Tử Minh thường không kể những chuyện này ra với mẹ. Bởi nói thì có ích gì đâu, mẹ cũng chẳng thể thay mình để chịu đựng những nỗi khổ đó được. Hơn nữa, ban đầu là do bản thân Tử Minh khóc lóc năn nỉ, nằng nặc đòi bằng được mẹ đồng ý cho vào trường Thế Khải này mà. Bỏ biết bao nhiêu là tiền để nhờ vả, tốn biết bao nhiêu là công sức mới thành công, bây giờ lại vác cái bộ mặt ủ rủ đầy nước mắt về than vãn với mẹ chẳng phải là khó lòng chấp nhận hay sao? Tử Minh chắc chắn tuyệt đối không làm được điều đó. Dù có phải chết trong tay cô Hoàng thì cô bé cũng không bao giờ để mẹ biết rằng mình đã hối hận khi quyết định đến học ở ngôi trường này, hơn nữa cô bé xưa nay vẫn có thói quen không hối hận vì những gì mình đã chọn. Mà dẫu thực sự phải hối hận đi chăng nữa thì Tử Minh cũng chẳng bao giờ thừa nhận điều đó.

Cũng may, cô Hoàng vẫn chưa đả động gì đến Tử Minh, đến mắng cô bé còn chưa bị lần nào. Từ buổi đầu khai giảng, Tử Minh đã tỏ ra khá ngoan ngoãn, an phận, và vẫn nỗ lực nhịn nhục để mặc trang phục của nữ cán bộ nông thôn đều đặn đến trường. Có lẽ cô Hoàng chưa phát hiện ra một khuyết điểm nào ở con người Tử Minh. Nhưng điều này nhiều khi cũng chưa hẳn là một điềm lành, mà nhất là sống trong hoàn cảnh phải thường xuyên đối diện với một giáo viên vừa sinh ra đã kỳ cục như cô Hoàng.

Bản thiết kế đồng phục của Tử Minh cuối cùng cũng hoàn thành. Màu sắc nhã nhặn, kiểu dáng hiện đại nhưng xét một cách cơ bản thì là học cách kết hợp ba kiểu dáng đồng phục của Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông, sự sáng tạo của Tử Minh không đáng là bao. Tử Minh vì thế mà tỏ ra khá khiêm tốn, nhưng có sự động viên của mẹ cô bé cũng thấy tự tin lên nhiều:

- Con thử nghĩ mà xem, không có một trang phục nào lại không dựa vào những kiểu dáng có sẵn để làm cả, nếu như chỉ căn cứ vào trí tưởng tượng của mình mà tạo nên thì có thể tồn tại được hay không? Cái quan trọng là mình phải biết học tập một cách có chọn lọc, trong quá trình học tập cũng phải biết thêm vào đó bản sắc riêng của mình. Một sản phẩm có thể khiến người ta cảm nhận được cái đẹp và có nguyện vọng mua, sản phẩm đó coi như đã thành công về thiết kế rồi. Con đã hiểu chưa?

Tử Minh định nói: "Mẹ nói nhanh quá, con chưa kịp hiểu", nhưng nghĩ đến việc sẽ tiếp tục phải nghe mẹ giảng giải dài dòng, cô bé liền im lặng gật gật đầu. Tử Minh bỗng nhớ lại lời nói của cô giáo môn ngữ văn cấp một: văn chương trong xã hội phần lớn là sự sao chép. Liệu có thể dùng câu nói đó với thời trang hay không? Trang phục trong thiên hạ phần lớn là sự sao chép? Ồ, có lẽ ý mẹ nói là như thế.

< p style="text-align: justify;">Tử Minh nhanh chóng lấy lại tinh thần, háo hức chiêm ngưỡng bản vẽ của mình một lần nữa. Cô bé lại bị sự tài hoa của mình làm cho kinh ngạc (trong tháng này, sự kinh ngạc kiểu vậy đã xuất hiện vài trăm lần rồi), toàn bộ tâm trí cô bé dồn hết vào khung cảnh: toàn thể học sinh trung học trên đất nước Trung Quốc đều diện trang phục do mình thiết kế đang nô nức vui đùa trên thảm cỏ xanh, hay chăm chỉ luyện âm dưới bóng cây ngô đồng, tưng bừng trượt tuyết trên núi và hồ hởi khiêu vũ trên trạm khảo sát Nam cực....tất cả những cảnh tượng đó đều không cần phải suy nghĩ xem nó có thành hiện thực hay không mà chỉ cần nhẹ nhàng cảm nhận bằng con tim là đủ.

Buổi học ngày hôm sau, Tử Minh cẩn thận đút bản vẽ thiết kế đồng phục của mình vào trong cặp sách mang đến trường, vừa đi vừa nghĩ: "Tuyệt đối, tuyệt đối không thể để cô Hoàng phát hiện ra, nếu không chắc chắn sẽ có kịch hay để xem".

Tiết học đầu là tiết ngữ văn dài lê thê và vô cùng tẻ nhạt. Cô giáo là một phụ nữ trung niên hiền lành, ôn hòa với nhịp giảng bình bình đều đều nhằm đưa học sinh chìm vào giấc ngủ. Không biết có phải để gây sự chú ý không mà cô giáo ngữ văn này rất thích dùng loại son môi đỏ như màu rượu vang hoàn toàn không phù hợp với vóc dáng cơ thể cũng như trang phục. Mỗi lần đọc bài, cái môi của cô cong lên như con tôm. Mà như thế cũng chưa có gì là ghê gớm, cô muốn tô son thì tô, muốn cong môi thì cong, chỉ có điều là tại sao cô lại còn dây cả son môi lên răng nữa? Cả một tiết học, hai mắt của Tử Minh trĩu nặng với cảm giác giày vò khổ sở. Nhìn thì thấy ghê, mà không nhìn thì lại thấy khó chịu. Cảm giác đó nó đeo đẳng Tử Minh cho đến khi hết giờ. Tiếng chuông giải lao vừa vang lên, Tử Minh lập tức lấy bản thiết kế đồng phục chạy ra ngoài, băng qua khu giảng đường tiến vào khu văn phòng đến thẳng phòng hiệu trưởng.

Tử Minh hào hứng bước tới trước cửa, và rồi đột nhiên không lấy đâu ra dũng khí để gõ cửa nữa. Những câu nói định nói mà ở nhà đã luyện rất kỹ, giờ đây cũng quên hết sạch. Cô bé hận bản thân mình không dám xông lên, cũng hận cả ban giám hiệu không chủ động đến gặp mình. Ở trường Minh Nguyệt, các thầy cô trong ban giám hiệu trường hễ nhìn thấy mình đều tỏ ra nhiệt tình, thân thiết, vồ vập, còn ở đây...???? Ài,...có tức cũng chẳng có tác dụng gì. Tử Minh căng thẳng đi đi lại lại ngoài hành lang, miệng lẩm bẩm tự cổ vũ cho mình.

Đang tiến hành đấu tranh tư tưởng, bỗng cửa phòng hiệu trưởng mở toang. May quá, tạ ơn trời đất, không biết ai tốt bụng lại xuất hiện ngay vào lúc này để mở hộ mình cánh cửa kia, cảm kích quá! Tử Minh vui sướng lao nhanh tới và đâm sầm vào người mà cô bé thấy cảm kích ấy cũng đang vội vã bước ra, không may người đó chính là cô Hoàng Kim Châu.

- Đường Tử Minh?

- Dạ, em chào cô ạ.....!

Cả hai đều hết sức ngạc nhiên đứng đơ ra trước cửa phòng hiệu trưởng. Từ phía trong, vọng ra giọng nói hiền từ:

- Cô Hoàng, bên ngoài đó là ai vậy, mời em đó vào đây!

Cô Hoàng tươi cười quay lại trả lời với một giọng điệu dịu dàng mà từ trước đến nay ngay cả trong mơ chắc Tử Minh cũng chẳng dám nghĩ tới:

 - Dạ không, là một cô bé học lớp em thầy ạ. Cô bé tìm em để hỏi đề rồi đuổi theo đến tận đây, đúng là không còn cách nào nữa. Thầy cứ bận việc đi ạ, em phải về lớp luôn. Đám học sinh này không thể rời em ra lấy nửa bước. Ha ha!?

Tử Minh nghe vậy vội vã tìm cách len vào trong nhưng không kịp, cánh cửa đã bị cô Hoàng đóng mạnh lại còn Tử Minh thì thấy mình bị lôi đi về hướng phòng làm việc của cô chủ nhiệm.

Tử Minh biết rằng lần này coi như tiêu đời rồi!!!!!

- Nói! Em đến đó làm gì? - Cô Hoàng ngồi thẳng trên ghế, gõ gõ ngón tay lên chiếc bàn kính hỏi Tử Minh.

- Em...!!! - Tử Minh bị cái âm thanh phát ra từ những ngón tay gõ trên bàn kính của cô Hoàng làm cho thất thần. Cô bé hướng theo âm thanh đó và tập trung vào bức hình ở dưới bàn kính sắp bị cô Hoàng gõ nát. Bức ảnh ấy là hôn lễ của một vị giáo viên trong trường có sự tham dự của cô Hoàng. Bức ảnh chụp cảnh ngà ngà say của bảy, tám người, trong đó cô Hoàng mặc bộ quần áo màu đỏ như màu tôm ngồi bên cạnh thầy hiệu trưởng nở nụ cười rất kỳ quặc. Tử Minh bỗng dưng thấy phản cảm, cô bé thà nhìn hàm răng cô giáo ngữ văn có dính son môi màu đỏ rượu vang còn hơn phải nhìn hình ảnh cô Hoàng trong bức ảnh này.

- Tôi đang hỏi em đó, sao không trả lời? Có phải em không hài lòng với tôi rồi định lên phản ánh với hiệu trưởng, đúng không? Sao hả? Lại còn viết cả công văn giấy tờ nữa đấy? - Cô Hoàng chau mày nhìn tờ giấy trong tay Tử Minh hằn học nói.

Hiểu được điều mà cô Hoàng đang lo lắng, Tử Minh nhẹ cả người. Mặc dù vẻ mặt lo lắng của cô Hoàng làm Tử Minh thấy buồn cười, nhưng cô bé vẫn cố gắng giữ thái độ nghiêm túc và tỏ ra khá thành khẩn kể rõ mục đích của mình lên gặp hiệu trưởng.

 

Nét mặt của cô Hoàng bắt đầu thay đổi, trở nên mềm mại và dịu dàng hơn, cô Hoàng cầm bản thiết kế của Tử Minh rồi xem khá kỹ.

- Ừ....xem trong bản lý lịch thì bố mẹ của em hình như đều là họa sĩ đúng không? Vì vậy em nghĩ rằng em thừa hưởng được cái gien di truyền đó hả? Nhưng nói thật với em, tôi vẫn chưa nhìn ra cái gì tốt ở bản vẽ này của em cả, nó không đẹp bằng bộ đồng phục hiện giờ mà chúng ta đang mặc.

Cô Hoàng nói xong lập tức quan sát ngay nét mặt của Tử Minh, đắc ý chờ đợi xem phản ứng thất vọng của cô bé.

Tử Minh mặc dù cũng biết trước được cô Hoàng sẽ nói vậy, nhưng trực tiếp nghe cái giọng điệu chứa đựng đầy những hàm ý đen tối thốt ra từ miệng cô Hoàng, cô b é cũng không tránh khỏi bực dọc và sự bực dọc ấy lại đem đến cho Tử Minh một dũng khí lớn để cô bé dám nhìn thẳng vào mặt cô Hoàng tuyên bố:

- Thưa cô Hoàng, cô là giáo viên dạy toán nên không hiểu về nghệ thuật. Có thể bức vẽ này em vẽ không được đẹp, nhưng trang phục em thiết kế là hướng tới những bạn bè cùng trang lứa. Em tin rằng em cảm nhận được vẻ đẹp của họ rõ nét hơn cô.

- Đường Tử Minh, - cô Hoàng cười một cách lạnh lùng, - nếu tôi nhớ không nhầm thì hồi học tiểu học, em là liên đội trưởng đúng không? Thật là đáng buồn, làm cán bộ mà lại có kiểu nói chuyện vô lễ với giáo viên như vậy sao? Ài, xem ra một trường học yếu kém quả đúng là không thể dạy dỗ nên được một học sinh cho ra hồn! - cô Hoàng mỉa mai đầy cay độc.

Tử Minh mím chặt hai môi, trong lòng bùng lên ngọn lửa phẫn nộ. Mặc dù trường Minh Nguyệt đúng là một trường chất lượng kém, nhưng điều đó chỉ có học sinh của chính trường Minh Nguyệt mới có quyền nói như vậy! Tử Minh thở sâu một cái thật mạnh rồi cố gắng giữ bình tĩnh:

 - Cô Hoàng, cô có quyền mắng chửi em, nhưng đừng có động chạm đến trường học của em!

- Trời ơi!... - Hoàng Kim Châu không thể ngờ được rằng Tử Minh vẫn còn gan tiếp tục tranh cãi.

- Thưa cô, nếu không còn việc gì nữa thì em xin được đi ra đây ạ. Cô cho em xin lại bức vẽ!

Hoàng Kim Châu trừng trừng nhìn Tử Minh:

- Em dám! Ai cho phép em lên gặp hiệu trưởng hả? Không còn coi cô giáo chủ nhiệm ra gì nữa hay sao? Em đừng có nghĩ rằng tôi không làm gì được em, hiệu trưởng sẽ đồng ý với cái bức vẽ vớ vẩn kia của em để thay đổi đồng phục ư? Thật là ấu trĩ! Liên đội trưởng đó sao? Thật nực cười. - Hoàng Kim Châu giận dữ đứng dậy, vừa cười vừa cầm bản vẽ chỉ thẳng vào mặt Tử Minh nói một cách gay gắt.

Tử Minh thật sự đang cố gắng kiềm chế một cách đầy khó khăn, tự trong đáy lòng mình, cô bé rất muốn tặng ngay cho vị giáo viên chủ nhiệm này một cái bạt tai. Cô bé nắm chặt bàn tay ướt đẫm mồ hôi, hít mạnh một hơi dùng hết sức bình sinh nói:

- Thưa cô, em vẽ bản thiết kế này cũng chẳng phải là muốn thể hiện cái gì cả. Em chỉ muốn gửi thầy hiệu trưởng xem và nghe ý kiến nhận xét của thầy mà thôi. Đây là tâm huyết trong cả một tháng trời của em, cô hãy cho em cơ hội để thử sức đi ạ.

Cô Hoàng nghe những lời nói này của Tử Minh sẽ cảm động được hay sao?

 - À, hóa ra là thế! Vậy tức là từ ngày khai giảng đến nay em đều không quan tâm gì đến việc học đúng không? Ngày ngày đến lớp giả bộ viết viết lách lách là để đối phó với tôi chứ gì? Cái thái độ học tập của em đó hả? Nếu thích hội họa vậy sao không chuyển đến trường hội họa mà học. Trường Thế Khải của chúng tôi là nơi đón nhận những học sinh chăm ngoan, tử tế, em định làm loạn à?

Đến lúc này thì có lẽ sức chịu đựng của Tử Minh đã đến giới hạn:

- Thưa cô, cô nói quá lời rồi. Chẳng lẽ chỉ có trường Thế Khải mới được coi là tử tế, còn những người làm nghệ thuật không phải là người tử tế hay sao ạ?

Cô Hoàng càng trở nên hung tợn, cắt ngang lời Tử Minh:

- À à, được lắm! Loạn rồi! Loạn rồi! Học sinh dám cãi lời cô giáo? Thế còn ra thể thống gì không chứ! Được rồi, không cần nói nữa, tôi sẽ tịch thu bản vẽ này của cô. Nếu trong đợt thi giữa kỳ lần này cô đạt thành tích cao trong tốp năm người dẫn đầu lớp thì tôi sẽ trả nó lại. Nếu không thì vĩnh viễn đừng mong nhìn lại nó lần thứ hai! Đi ra, mau đi ra và đóng cửa lại cho tôi!

- Thưa cô, cô không có quyền làm như vậy! - Tử Minh run lên vì giận dữ.

- Quyền? Một học sinh mới chân ướt chân ráo vào cấp hai đang đòi quyền lợi? Thú vị đây. Thi đỗ vào trường đại học nổi tiếng rồi hãy đến đây đòi quyền lợi với tôi biết chưa? Đi ra ngoài mau! - Hoàng Kim Châu đút bản vẽ của Tử Minh vào ngăn kéo khóa lại rồi lôi quyển giáo trình toán ra xem không thèm để ý đến Tử Minh nữa.

Tử Minh bần thần một phút. Trong một phút đó, cô bé đang tự đấu tranh xem mình sẽ tiếp tục tranh cãi với cô Hoàng hay lập tức đi ra ngoài. Và kết quả là cô bé đẩy mạnh cửa bước ra. Không biết có phải vì Tử Minh dồn hết căm phẫn vào đôi tay hay không, hay là do chất lượng cánh cửa quá kém mà nó bị bật ra đến thê thảm sau cái đẩy của Tử Minh. Cô bé nghĩ rằng cô Hoàng sẽ đuổi theo để đánh, nhưng thật tiếc là không và Tử Minh thật sự muốn quay lại đẩy thêm cái nữa để cho nó tan tành hẳn...!!!

Ngày hôm đó, Tử Minh về nhà rất muộn. Cô bé thẫn thờ trong bộ đồng phục dở hơi (và hôm nay trong mắt Tử Minh cái độ dở hơi của bộ đồng phục mình đang mặc đã lên đến đỉnh điểm), khoác trên vai chiếc ba lô nặng trịch, ngồi một mình trước thềm khu quảng trường trung tâm gần trường học. Cô bé nghĩ lại thảm cảnh diễn ra trong ngày hôm nay rồi tự dưng bật cười, bật cười vì sự mới mẻ, bật cười vì sự hoang đường của nó! Một sự nhục nhã ê chề, một sự thất bại tàn khốc, điều đó thật sự đã xảy ra với Đường Tử Minh này hay sao? Ông trời sao ác quá vậy? Sao lại nhẫn tâm để nó diễn ra chứ? Xưa nay vốn dĩ vẫn luôn được thầy yêu bạn mến, vậy mà chỉ trong nháy mắt bỗng trở thành cái gai trong mắt cô chủ nhiệm; chưa từng một lần bị thầy cô quở trách thì hôm nay đã hứng chịu đủ những lời la mắng quát nạt của cô chủ nhiệm, cô ấy còn sỉ nhục, chà đạp lên cả kiệt tác vĩ đại của mình...! Tại sao mọi người lại không ai nói gì vậy? (Tử Minh đang oán trách những người qua đường) Tại sao không ai nói với mình một câu đồng tình vậy? Một câu thôi... Lẽ nào họ không biết rằng Tử Minh này đang rất bi thảm hay sao? Thế giới này thật tàn nhẫn!!!!

Tử Minh ôm bầu tâm trạng ủ rũ đó lê từng bước nặng nề về nhà. Cô bé lẽ ra muốn chạy ngay đến kể tội cô chủ nhiệm với mẹ nhưng nhìn thấy mẹ đang nằm ngủ trên ghế sôfa nên cô bé lại thôi. Tử Minh đi đến đánh thức mẹ vào phòng ngủ rồi chạy lên ban công để ngắm sao và cứ thế ngắm đến khi hai mắt sụp xuống không gì có thể chống đỡ nổi nữa mới chịu vào. Trước khi chìm vào giấc ngủ, cô bé đã đưa ra một quyết định lớn và dứt khoát: thi giữa kỳ lần này nhất định phải giành điểm cao nhất!!!!

 

Nguồn: truyen8.mobi/t87376-mau-tim-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận