Đêm đầu tiên Sreykeo thức dậy với một tiếng rú hoảng loạn, lanh lảnh như một hồi còi. Tôi quay phắt sang cô. Sreykeo ngồi thẳng lưng trên giường. Rồi cô ho rũ rượi, không thở được nữa. Tôi cố dỗ cô. Chỉ muốn thốt ra “anh đang bên em mà” nhưng kìm lại được. Cớ gì mà câu đó phải làm cô an tâm?
“Mơ,” cô ú ớ rồi cúi người qua thành giường để nhổ. Rồi cuộn người lại ngủ tiếp. Tôi tỉnh hẳn.
Tôi ngắm cô. Mái tóc đen dài xòa ra giường như làn nước. Lông mi dài, lưỡng quyền cao của người Khmer, môi đậm thoáng vẻ bướng bỉnh trong lúc ngủ. Tôi khẽ lùa ngón tay vào tóc cô và để nó tuột qua kẽ tay. Tóc cô mát và có mùi đất. Tôi nhận ra cô quan sát mình. Cô nhỏm dậy, cúi trên người tôi, để tóc lướt lên cổ và làm nhột mũi tôi. Cô mỉm cười. Sau đó cô nằm ngửa nhìn lên trần.
“Em nghĩ gì vậy?” tôi hỏi cô. Cô ngập ngừng không đáp.
“Nghĩ về anh và em. Có nên hỏi anh tiền không,” cô nói.
Tôi ngồi lên mép giường. Mùng quệt vào mặt. Tôi thất vọng khi thấy mình ngạc nhiên. Tôi cảm thấy mình trần trụi và dơ dáng. Rõ ràng cô ta không vào Heart of Darkness cho vui, tôi biết chứ, nhưng tôi vẫn cứ tin có gì đó trong vẻ âu yếm của cô là chân thực. Thêm nữa là tôi không rõ nên trả bao nhiêu tiền. Tôi đưa cô một tờ 20 đô la. Cô cầm tiền và hỏi mượn chiếc áo sơ mi của tôi vì bây giờ trời đã sáng và cô không thể để vai trần ra đường - Campuchia là một xứ câu nệ đức hạnh. Đây là chiếc áo tôi thích nhất. Tôi đưa cô mặc. Cô nhận ra vẻ thất vọng của tôi và mỉm cười. Đã ra đến cửa, cô lại quay lại hôn qua mùng lên môi tôi và bảo tám giờ tối sẽ quay lại. Rồi cô đi khỏi. Tôi không tin sẽ nhận lại chiếc sơ mi.
Mại dâm. Tôi không dám dùng chữ đó cho cô. Đó là một chữ gắn liền vào con người. Và tôi sợ nó sẽ dính chặt suốt đời vào người cô nếu tôi thốt ra thành lời. Cũng chẳng hơn gì khi gọi là gái làm tiền ngày xưa. Nhưng chẳng có tên gọi nào cho nghề này mà lại không có ý khinh bạc hoặc làm cho đỡ tệ đi. Trong mọi tên gọi, khái niệm này vẫn là chính xác nhất.Truyen8.mobi
Tôi ngồi mép giường một hồi lâu nhìn mông lung vô định. Sau đó tôi mặc quần áo và ra sân nhà nghỉ. Ngôi nhà xây trên cột chống, mặt hồ phủ kín cây cỏ xanh non. Mỗi thành phố lớn ở châu Á có một khu cho Tây ba lô. Ở Bangkok là Khao Sun Road, Jacarta có Jalan Jaksa, Sài Gòn có phố Phạm Ngũ Lão. Nhưng độc nhất vô nhị vẫn là khu Boeng Kak ở Phnom Penh. Nó nằm giữa khu ổ chuột vây quanh hồ nước. Một khu người nghèo với những con ngách hẹp được vội vã tu sửa, trang hoàng áp phích Bob Marley(1)_ và đèn dây để đón làn sóng du khách. Ánh mặt trời phản chiếu dưới nước làm tôi chói mắt, cơn đau đầu vì rượu bóp chặt vầng trán. Tôi gọi cà phê và trứng ốp la. Hai cô gái Thụy Sĩ ngước mắt khỏi cuốn cẩm nang du lịch và ném qua tôi một ánh nhìn khinh bỉ. Có lẽ họ vừa thấy Sreykeo ra khỏi phòng tôi. Giờ thì tôi cũng là “một phường” như thế.
Một gã Khmer trẻ đến hỏi tôi: “Mister, hút không?” Hắn giơ một túi nylon lớn bằng nắm tay đựng cần sa. “Tôi mời giá đặc biệt. Chỉ ba đô la thôi.” Tôi ghét cần sa. Nhưng nói cho cùng thì chuyến đi này không để vui đùa. Khi thằng bé bồi bàn đem biên lai ra, tôi thấy nó ghi gói cần sa bên cạnh món ăn sáng, tựa như đó là bánh chuối vậy.
Trên tường cạnh bàn billard có đính hai tờ giấy. Một tờ viết chữ hoa bằng tiếng Anh: “ĐỪNG CHO NGƯỜI TÂY ĂN XIN NÀY TIỀN! Bố mẹ anh ta đã gửi tiền và vé máy bay quay về qua đại sứ quán Mỹ. Nhưng anh ta thích ở lại đây vì nghiện ma túy!” Tờ giấy kia in logo đại sứ quán Anh. Một người Anh trẻ tuổi mất tích. Anh ta mỉm cười dịu dàng trong bức hình, tóc vàng rơm, mặt tàn nhang. Tôi ngắm hai tờ giấy. Có lẽ họ cũng tới đây như tôi, lưng đeo ba lô, tay cầm sách cẩm nang du lịch. Sau đó họ làm một việc mà chính mình cũng không ngờ, rồi mọi việc tiến triển theo một chiều hướng khác hẳn mà chính họ cũng không tưởng tượng ra nổi.
Buổi sớm mai để lại trong tôi một dư vị nhạt đắng, như khi người ta làm một việc gì đó không đảo chiều được nữa. Tôi nhớ lại cảm giác ngượng nghịu xấu xa khi cô ta vào phòng mình hồi đêm - phòng cực bừa bộn. Chiếc ba lô nhuốm đỏ bụi đường nằm bẹp ở góc nhà. Giường không trải ga. Chai nhựa dùng tạm làm gạt tàn đầy ứ. Nền nhà vương vãi túi nylon, bao thuốc lá và giấy gói bánh. Tôi xin lỗi rồi lấy chân đá rác rưởi xuống dưới gầm giường. Nhưng cô chỉ nói: “Không sao, được rồi.” Giờ thì tôi hiểu “được rồi” nghĩa là gì. Đại khái: “Em là ca ve mà, anh không việc gì phải xấu hổ trước mặt em.”Truyen8.mobi
Vì không có ai để trò chuyện, tôi vào một quán cà phê internet tồi tàn và viết email cho Sebastian như một người hoa tiêu chỉ đường và khuyên bảo cho chuyến đi này từ Hamburg. Tôi viết:
“Béo ơi, tớ gục hẳn rồi. Đêm qua thật khủng khiếp. Có lẽ tớ sắp phải đi tiếp, vì Phnom Penh có một tác động kỳ lạ đến những người khách của nó. Ở đây người ta quá dễ dàng tha hóa. Khi ta ở Campuchia một thời gian dài thì tất cả những gì bị châu Âu coi là hoàn toàn hư hỏng và vô đạo đức trở nên khá bình thường.”
Vì lý do nào đó, tôi không gửi email này đi mà cho vào hòm thư lưu. Hôm đó tôi chưa biết rằng, cho đến ngày cuối cùng trước khi ra đi đây là lần cuối cùng tôi định bắt liên lạc với nước Đức.
Mặt trời lên gần đỉnh đầu. Những trải nghiệm đêm qua còn chao đảo trong óc và làm tôi bối rối, mặc dù dư lượng rượu vẫn còn. Tôi quay về nhà nghỉ, trải ga giường mới, đổ gạt tàn, dọn hết rác.
Sau đó tôi thuê một chiếc xe đạp cà tàng đi tham quan thành phố. Phnom Penh phủ dưới một lớp bụi đỏ. Xe máy Honda chạy phành phạch ùn tắc đường. Một người chở cả con lợn còn sống trên giá đèo hàng. Có xe chở cả gia đình, bốn người lớn và một trẻ con ngồi trên lòng người lái. Trên một xe máy khác là ba ông sư mặc cà sa vàng nghệ phấp phới. Giữa dòng xe máy là mấy chiếc xích lô ba bánh di chuyển chậm chạp như những con lạc đà mệt mỏi. Những huyết mạch giao thông hôi mùi dầu và khói thải. Từ trong một ngôi nhà bay ra mùi bếp than hòa lẫn với mùi nhang luôn luôn có sẵn trong không khí.
Có một thứ tôi muốn tham quan nhưng không có trong cuốn hướng dẫn nào: ngôi nhà ngày xưa của Đại sứ quán Pháp, cách khu Tây ba lô chỉ vài trăm thước. Cổng vào hẹp hơn tôi vẫn hình dung nhiều. Hồi 1975 hàng trăm người tị nạn đã chen chúc qua đây với hy vọng hão huyền được bảo vệ trong khuôn viên sứ quán trước lũ sát nhân Khmer Đỏ. Một cổng vườn rất tầm thường, nhưng là ranh giới giữa sống và chết. Người da trắng được phép xuất cảnh nhờ nguồn gốc phương Tây của mình, và số phận của người Campuchia chỉ đọng lại trong trí nhớ như một giai thoại. Nhưng cả dân tộc Khmer - tên gọi của người Campuchia - phải rời khỏi sứ quán, màu da vàng đã trói họ vào số phận bi thảm của dân tộc họ, cái số phận đã giam cầm và rốt cuộc ăn thịt họ.
Mảnh đất này, Nixon, những trận bom rải thảm, máy bay B52, chiến tranh Việt Nam, biển máu của Khmer Đỏ - cho đến nay, đối với tôi chỉ là những tít lớn, những mảng tranh luận, xa xăm, mờ ảo, hoang đường, huyền thoại, tài liệu làm phim. Bọn Khmer Đỏ trong mắt tôi chỉ là ẩn dụ về sự khát máu vô nghĩa.
Tôi choáng váng khi đứng trước mảnh đất có thực này. Những chuyện xảy ra thực. Con người làm việc đó thực. Bên lề đường là những người tàn tật ăn xin, nạn nhân của bom mìn. Nhiều trẻ con. Chúng cường điệu ánh mắt buồn thảm, gọi “xin ông tiền.” Chúng lấy ngón giữa chọc vào người tôi, nhẹ thôi, nhưng không nghỉ. Mấy đứa còn quỳ xuống trước mặt tôi. Tôi nói “Không, không,” và khi thấy không ích gì, tôi nói “Cút đi!” Ở đâu đó tôi có đọc là không nên cho trẻ con ăn mày tiền, vì bố mẹ chúng thích cho chúng đi ăn xin hơn đi học. Tuy nhiên tôi không hiểu tại sao không cho trẻ con tiền thì tốt cho chúng hơn. Quy định đối với Tây ba lô là vậy.Truyen8.mobi
Trong đám đông này có lẽ tôi là người duy nhất không có việc gì làm và không biết nên đi đâu. Mọi người như rất xa vời, không với tới được. Họ xách túi đi chợ hoặc bê hộp các tông - tôi chỉ là chướng ngại vật trên đường họ đi làm.
Campuchia. Tôi đi ngang dọc châu Á trong hai tháng qua và muốn ở lại đây tháng thứ ba, tháng cuối cùng. Tháng này là điểm cuối, là đỉnh cao của chuyến đi. Khi đến nước này, dường như người ta đã bỏ hết lại đằng sau. Khác hẳn Thái Lan. Ở đó ta ra khỏi sân bay, không giống châu Âu nhưng ta biết chắc, một lúc nào đó điện thoại di động đổ chuông và bố mẹ ở đầu dây kia, ta có thể lên máy bay và về Đức. Nhưng qua khỏi biên giới để vào Campuchia thì mọi thứ đều khác. Ta không chỉ ở một nước khác, mà ở một hành tinh khác. Không chỉ vì Campuchia không có quán ăn nhanh, máy ATM và cửa hàng mở 24/7. Tựa như nó thách thức tất cả những gì mà ta tưởng đã biết về thế giới và về chính mình. Ta có cảm giác xa rời vạn vật, như Alice ở xứ sở sau tấm gương. Mọi chuyện đều không lý giải nổi.
Sự khác biệt giữa vẻ đẹp và bần cùng khiến tôi liên tục choáng váng. Tôi quan sát những phù điêu sa thạch của đền chùa Angkor. Tôi không có xu hướng thần thánh hóa những nền văn hóa “lạ”, nhưng ở đây tôi tin đã thấy các vũ nữ Apsara lắc hông. Nhiều bàn tay du khách đã làm cho thân hình bằng đá của họ bóng loáng. Người ta phải chạm tay vào, không cưỡng lại nổi. Bên rìa đường, một nhóm nhạc công chơi nhạc truyền thống bằng trống, kèn và đàn bầu. Ta lắng nghe, bị cuốn hút vào tiếng nhạc trầm bổng. Và một lúc sau mới nhận ra rằng tất cả các nhạc công đều thiếu một tay hay một chân.
Chính những người Khmer cũng bí ẩn. Ta nhanh chóng bị cuốn hút bởi sự dịu dàng, thân thiện và cởi mở của họ. Nhưng rồi, đột ngột, giữa phố bùng nổ một sự kiện tàn bạo như bom, ta thấy thanh sắt, dao, máu trên mặt đường nhựa, một ai đó được cáng đi. Người qua đường không buồn ngước mắt nhìn. Một thanh niên bán hợp đồng thuê bao điện thoại ở một trung tâm thương mại, nhìn qua cổ áo sẽ thấy anh ta có hình xăm huyền bí chống ác quỷ và tên đạn. Ta thấy những chiếc Landcruiser máy lạnh của các vị tướng giàu có đi cùng cận vệ trên những con đường không rải đá, cũng là chỗ chơi của lũ trẻ con trần truồng. Ta chững lại, mê mải và bối rối.
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!