Tôi ghét làm du khách. Du khách không thể làm gì khác ngoài bộ dạng ngớ ngẩn, lúc nào cũng ở trong một thế giới ảo thân thiện gượng gạo mà tôi gọi là thế giới Tây ba lô. Ở đâu cũng vậy, bất kể ta đi qua châu Á, Úc hay Nam Phi, chỗ nào cũng có thế giới Tây ba lô. Tất cả những gì người ta muốn biết về thế giới Tây ba lô đều có thể đọc trong sách cẩm nang du lịch Lonely Planet. Ở đó chia thành các chương “Đến và đi”, “Tìm phòng trọ”, “Nên làm gì và tham quan ở đâu” và “Những điều nên tránh”. Trong thế giới Tây ba lô không có người thực, chỉ có lái xe tuk-tuk giảo hoạt, nữ phục vụ viên luôn mỉm cười lễ độ, chủ nhà trọ và hướng dẫn viên có ông anh họ ở Đức. Tất cả đều thân thiện với ta, gọi ta là “anh bạn” (“my friend”) mặc dù ta chưa bao giờ gặp họ trước đó. Và câu hỏi đầu tiên của họ luôn là “Anh người nước nào?” Ta trả lời “Đức.” Và họ nói: “Ồ, nước Đức à! Tôi yêu nước Đức! Mai-cơn Ba-lách! Cầu thủ bóng đá số 1!”
Trong chuyến du lịch này tôi có cảm giác mọi thứ xung quanh mình chỉ là sân khấu được dựng cho riêng tôi. Đã đành là tôi đang ở đây, nhưng bao bọc quanh tôi là một bong bóng Tây - thẻ tín dụng, máy nghe nhạc MP3 và bảo hiểm y tế nước ngoài. Tôi hoàn toàn không ở châu Á, lúc nào cũng trong thế giới Tây ba lô, lẫn trong đám đông tìm tòi tay cầm cuốn Lonely Planet như mình. Họ đeo dây chuyền bằng răng cá mập, mang hình xăm trổ hay đeo hình Phật để mượn tạm chút bản ngã của một nền văn hóa lạ. Nỗ lực tạo cho mình chút cá tính đưa đến kết cục là ai trông cũng giống ai: T-Shirt in hình Che Guevara, quần rằn ri và dép tông. Và luôn mặc loại T-Shirt mua tại Khao Sun Road ở Bangkok như đồng phục vậy.
Cả tôi cũng luôn cầm cuốn Lonely Planet trong tay và chỉ nhìn thấy những gì miêu tả trong sách. Đôi khi tôi nghĩ có nên quẳng nó đi không. Nhưng như vậy thì nhất định tôi sẽ bị đào thải khỏi thế giới Tây ba lô, chuyến du lịch sẽ trở thành thực tế một cách đáng sợ. Nghĩ đến đã thấy phát hoảng.Truyen8.mobi
Mọi quan hệ trong thế giới Tây ba lô đều như gió thoảng. Ta làm quen với ai đó, say sưa một đêm bia rượu với người đó, trong vài ngày người đó là bạn thân nhất, nhưng ta biết là khi leo lên xe buýt là người đó sẽ quên ta ngay. Ở thế giới Tây ba lô ta không bao giờ một thân một mình, nhưng thường cô đơn.
Có gì đó cạnh đường khiến tôi phải chú ý. Một nhà chung cư khổng lồ, cũ nát và hoang tàn. Đó là năm khối nhà được nối với nhau bởi cầu thang và hành lang. Chỉ có bốn tầng nhưng dài mấy trăm thước.
Lớp vữa nghe chừng đã lở ra trước đây vài chục năm. Tường đen xỉn vì khói và nấm mốc. Các căn hộ không có cửa kính, mặt tiền hướng ra phố mở toang hoác, vì vậy tôi nhìn được vào tận trong phòng - ngôi nhà giống như cái hộp nhiều ngăn kéo khổng lồ có người sống bên trong. Chỗ nào cũng thấy trẻ con. Lái xe ôm ngủ ngay trên xe dựng trước thềm nhà, chân gác lên ghi đông. Mỗi gia đình trang trí nhà mình như điều kiện cho phép, họ dùng tôn sóng làm mái che bao lơn, vẽ tranh lên tường hoặc treo giò phong lan trước cửa sổ. Một số nhà biến thành cửa hiệu nho nhỏ. Có cửa hàng cắt tóc, thợ may, hiệu bán kem. Trước nhà là một bãi cỏ để trẻ con thả diều, giếng phun ở giữa bãi ngồn ngộn rác rưởi. Trước đây vài thập kỷ nhất định đây là một công viên. Về đại thể, trông như một thành phố trong lòng thành phố, một vũ trụ khép kín. Trên tường đầu hồi là một bức tranh to theo phong cách nghiệp dư ngọng nghịu, màu đã ngả xanh vì nắng, vẽ một cô gái ngồi ở mép giường. Trước mặt cô ta là một người đàn ông xây lưng về phía người xem. Trong tay cô là một sinh vật gớm ghiếc hình cầu màu xanh lá cây, tay kia cầm gói bao cao su. Một bong bóng tưởng tượng ra hình cô gầy đét và ốm yếu trên giường bệnh - lời cảnh cáo cho những đứa con gái ở khu chung cư.Truyen8.mobi
Tôi đã đọc trong cuốn Cú sốc văn hóa Campuchia về tòa nhà này. Đây là một cuốn cẩm nang du lịch hơi khác kiểu. Nó không phải là nhà ổ chuột từ ngày xưa. Trong những năm 60, khi Campuchia có một giai đoạn phồn thịnh ngắn ngủi, đây là một trong những dự án kiến trúc hiện đại nhất trong nước. Tác giả Molyvann, kiến trúc sư người Campuchia, được tôn sùng như một ngôi sao nhạc pop. Những viên chức quèn từ nông thôn ra đô thị được kiến trúc mở này cho cảm giác như đang sống trong ngôi nhà sàn truyền thống. Ngày ấy người Campuchia gọi tòa nhà này là “La Building” - trái với ngôn ngữ của các ông chủ thực dân Pháp, khái niệm tiếng Anh “Building” gợi hướng đột phá. Molyvann cũng thiết kế một sân vận động mà trong cơn hứng khởi nó được đặt tên là sân Olympic, tuy rằng chẳng có Thế vận hội nào diễn ra ở đó. Thay vào đó, Khmer Đỏ năm 1975 đã tập trung các viên chức của chính quyền cũ ở đây để đưa họ tới Cánh Đồng Chết. Sau đó tòa nhà bị hoang hóa, quanh công viên mọc lên những túp lều ổ chuột lợp tôn sóng. Những cư dân mới của tầng lớp nghèo khổ đến ở.
Tôi dừng xe đạp và đưa máy ảnh lên ngắm. Hai phụ nữ nhìn tôi chằm chằm. Tôi hạ máy xuống không chụp nữa.
Tôi về nhà trọ lúc trời gần tối và vào phòng. Tôi nằm ra giường, châm một điếu thuốc. Đồng hồ chỉ tám giờ kém vài phút. Tôi suy nghĩ nên làm gì. Cuộc gặp gỡ với Sreykeo cho đến lúc này vẫn có thể coi là một bước lỡ chân trong một đêm sặc men rượu. Tôi có thể đi khỏi đây, cô sẽ đứng trước cánh cửa khóa trái, và trong đời tôi cô không gì hơn là một giai thoại trong kỳ nghỉ. Cho đến lúc này, tôi là người ngoài cuộc, một khán giả, một du khách mà thôi, và thế là ổn. Nhưng đồng thời tôi thấy tò mò.
Tôi vẫn còn thì giờ để ra đi. Ở lại làm gì? Sreykeo là một người thực, cô không diễn, cô là người duy nhất trong thế giới Tây ba lô không làm bộ diễn trò. Vì thế tôi muốn gặp lại cô. Tôi nhìn lửa ở thuốc lá cháy vào đến đầu lọc rồi nhỏm dậy đi ra cửa sổ, quăng đọt thuốc xuống nước gây ra một tiếng xèo. Tôi lại ra giường nằm và nhìn lên quạt trần. Đồng hồ chỉ tám giờ mười lăm. Cô ta đã quên hẹn. Nỗi thất vọng nhói lên trong lòng nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy nhẹ hẳn người. Tôi quyết định đợi đến tám rưỡi và sau đó đi gặp các bạn đồng hành. Có tiếng gõ cửa. Sreykeo thoa một lớp phấn mỏng, cô cầm theo chiếc áo mà tôi thích mặc nhất.
Chúng tôi vào một nhà hàng Việt Nam ăn tối cùng ba khách ba lô đồng hành. Đó là Ed, sinh viên Y khoa, Edda, một cô gái Úc, và một người New Zealand mà tôi không nhớ tên nữa. Tôi ngạc nhiên thấy không ai phiền lòng vì sự hiện diện của Sreykeo. Ở trường đại học, Ed tham gia một nhóm chống phát xít, còn Edda là người theo phái bảo vệ môi sinh, và dĩ nhiên ai cũng ghét Bush - nghĩa là ở quê nhà thực ra họ chính là những người phản đối mại dâm. Nhưng ở Phnom Penh này họ tán gẫu với chúng tôi, hỏi Sreykeo về cuộc sống của cô và chúng tôi cùng cụng ly. Thành phố này tác động đến họ. Họ đã quan niệm mại dâm là chuyện thường nhật. Mặt khác, như tôi nghĩ, quả thật hai chúng tôi mang vẻ trong trắng thực sự. Tôi đối xử với cô trên cả mức bặt thiệp, tôn trọng sự chú ý và tính hài hước chân thực của cô mà tôi không tả bằng lời được.
Sreykeo đưa chúng tôi đến một câu lạc bộ địa phương. Nó khác hẳn với Heart of Darkness: mọi người ngồi ghế đệm xung quanh sàn nhảy, phục vụ bưng đến một bình bia và lạc, mỗi khi đặt ly xuống là lại được rót đầy ngay và cho đá vào. Lát sau Sreykeo gọi “tình ca!” và kéo tôi ra sàn nhảy. Ký ức là những hình ảnh của khoảnh khắc, giống như ảnh chụp lấy ngay. Và ký ức của tôi về khoảnh khắc này là khuôn mặt cô, cô khiêu vũ trước mắt tôi, lông mi và lông mày cô lấp lánh phấn nhũ. Cô cười với tôi, không chút gì gượng gạo phô diễn. Thực sự tôi đã quên cô là gái mại dâm, và có thể cô cũng quên.Truyen8.mobi
Cho đến khi cô hỏi tiền vào sáng hôm sau, vẫn với giọng khe khẽ và mặc cảm tội lỗi. Tôi lại đưa cô 20 đô la. Cô nói: “Lúc nào trông anh cũng buồn khi em hỏi anh tiền. Em xin lỗi anh.” Tất nhiên, lý do không phải tiền. Mà là bản chất quan hệ giữa hai chúng tôi luôn lôi tôi về thực tế.
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!