Sống Từng Ngày Chương 8


Chương 8
Dâng cỗ cho hồn.

Sau một tuần sống cùng bà mẹ và chị em Sreykeo ở Phnom Penh, cô muốn tôi cùng về thăm họ hàng ở quê. “Lễ dâng đồ ăn cho hồn,” cô nói.

“Cho ai ăn?”

“Cho hồn! Vong hồn của ông bà. Của người già, người chết.”

Lễ này tên là Pchum Benh. Mọi gia đình từ thành phố về làng để giúp những linh hồn người chết lang thang được đầu thai lại. Buổi đêm họ đến chùa dâng cơm nắm cho hồn, đó là thức ăn và cơ sở cho phần xác mới. Tôi khó tưởng tượng ra đó lại là một bữa liên hoan.

Chúng tôi thuê một chiếc xe máy 110 phân khối. Tôi gửi lại ba lô cho gia đình ở La Building. Xe chở năm người: vợ anh họ Sreykeo và Djiat ngồi trên yên trước tôi, Rottana ngồi trên lòng Sreykeo. Cô đưa tôi chiếc kroma - khăn truyền thống của người Campuchia để tôi quấn lên đầu che nắng và bụi. Không ai nhận ra tôi là người da trắng nữa. Tôi bất giác nhớ lại cách đây mấy hôm còn chụp ảnh những gia đình Campuchia ngồi xe máy. Biết đâu sẽ có khách du lịch nào đó chụp ảnh tôi và dán vào an-bom của mình.Truyen8.mobi

Vì lý do nào đó, chẳng đồng hồ đo tốc độ trên xe Honda nào hoạt động cả. Nhưng thực ra tôi thấy mừng khi không bao giờ biết mình đang đi tốc độ nào. Sreykeo rất khoái bóp còi như điên khi vượt hàng đoàn xe tải chất hàng cao lừng lững, trong khi một chiếc xe buýt lao đối đầu trên làn đường ngược chiều. Trên mặt đường nhựa tôi thấy vết phấn trắng của cảnh sát vẽ quanh hình xe máy đổ vì tai nạn. Chắc chắn người theo đạo Phật tin họ có nhiều cuộc đời.

Giao thông như một dòng sông ầm ào đầy những xe đạp, ô tô tải và xe máy chảy từ thành phố ra. Lẫn trong đó là các xe đa dụng trắng lấp loáng của Liên hợp quốc gắn cần ăng ten đung đưa và cục bắt sóng vệ tinh trông như dương vật nhựa. Đường chạy qua khu giải trí ngoại ô. Hàng loạt vũ trường, quán karaoke và nhà trọ rẻ tiền cửa kính màu lùi về phía sau, nơi đàn ông lẩn vào cùng gái ăn sương. Rồi chúng tôi ra đến đồng bằng.

Tôi ngó qua vai Sreykeo. Đoạn đường đi trên đê, dễ phóng tầm mắt ra xa. Tôi không hiểu nổi tại sao du khách Âu đến Campuchia vào mùa khô. Mùa mưa mới làm cảnh vật huyền ảo.

Sông Mekong nhấn chìm nhiều diện tích lớn, đưa lại tôm cá và đất màu. Nhiều khi chỉ thấy nước lấp lánh đến tận chân trời, điểm xuyết những cánh sen hồng phai. Một đàn chuồn chuồn vụt tránh chúng tôi. Đồng bằng phẳng như tấm gương, chỉ chốc chốc hiện ra vài mỏm đá lẻ tẻ được mùa mưa biến thành đảo. Trên mỗi đảo có một ngôi chùa mái vàng lấp lánh trong nắng. Một bầy trẻ con trần truồng nhảy từ cành cây xuống làn nước nâu. Rồi lại ruộng lúa chạy đến chân trời. Gió thổi nhấp nhô ngọn lúa và vẽ những họa tiết lên thảm xanh chen lẫn vài cây thốt nốt. Mấy đứa con gái thờ ơ ngồi ghế nhựa bên rìa đường chờ bán gương sen làm đồ ăn vặt. Dường như mặt đất hít thở, tích tụ sức lực và đẻ ra hy vọng mới.Truyen8.mobi

Đi được một hồi thì tôi đau không chịu nổi vì bị Djiat tì chân lên ngón cái. Nghe tôi nói đau mông vì ngồi lâu, Sreykeo phanh xe ở bãi đất giữa một khu dân cư. Ngay trước mặt chúng tôi có một bức tường vẽ hai người mặt mũi biến dạng vì sợ hãi, nửa người dưới của họ bị nổ toang. Bên dưới vẽ một loạt các loại mìn của Mỹ, Trung Quốc, Nga và Việt Nam. Chúng tôi rẽ xuống một đường đất đỏ bụi bặm. Nhà bê tông và nhà gạch lợp ngói xây dọc quốc lộ. Tầng trệt bán đủ thứ: động cơ, bạt che, ắc quy ô tô, xích, thịt, hoa quả. Càng xa đường, nhà cửa càng thảm hại hơn: phía sau nhà bê tông là nhà gỗ, tiếp theo mái ngói là tôn sóng, và tường gỗ nhường chỗ cho phên đan bằng tre lá, và cuối cùng tôn lợp mái biến thành lá cọ khô. Nhưng trên mỗi mái lá tồi tàn nhất vẫn cắm một ăng ten ti vi. Sreykeo lái xe rời khỏi đường xỉ, xuống một đoạn đường mòn chạy giữa hai dãy nhà gỗ bạc phếch vì nắng gió. Chúng tôi nhích từng phân, nghiến lên cỏ và lách giữa các ổ gà lầy lội. Một đám trẻ con và hai con chó chạy cạnh xe máy. Sreykeo lái xe vào dưới một nhà sàn, tắt máy và gọi “Omm!” tiếng Khmer nghĩa là “bác”.

Ngay lập tức một đám đông hàng xóm vây quanh chúng tôi. Nhất định họ đã từng thấy một người da trắng, song chưa bao giờ từ khoảng cách gần như bây giờ. Họ cười nói, thận trọng sờ nắn tay tôi, vuốt lên cánh tay và khẽ giật những sợi lông tay vàng hoe. Đặc biệt mũi tôi được khen hết lời. Tôi đã chóng quen việc người khác không hỏi gì mà cứ sờ nắn tay mình và vuốt lên cánh tay. Bác Sreykeo tách ra từ đám đông, vẫy chúng tôi vào nhà. Ông rỗ hoa, lúc nào cũng buộc kroma quanh sườn.

Người Khmer dựng nhà trên những hàng cột cao hai, ba thước, kể cả khi con sông gần nhất cách đó hàng cây số. Túp lều của bác Sreykeo xây bằng những thanh gỗ bạc màu nắng gió. Một phần mái lợp ngói mốc thếch, phần kia là tôn sóng. Tường bằng ván gỗ xen lẫn lá cọ. Diện tích nền khoảng 6×8 thước, khó nói có bao nhiêu người sống bên trong. Ánh nắng xuyên qua các kẽ hở trên nền nhà và tường, tạo ra các tia và đốm sáng. Hàng nghìn lốt chân trần làm cho nền nhà bóng lên như bôi mỡ. Đồ gỗ duy nhất là một chiếc giường và mấy hòm đạn. Một khẩu súng M16 treo trên tường. Tôi nâng lên tay, phỏng đoán trọng lượng và tự hỏi nó đã chiến đấu cho bao nhiêu hệ tư tưởng. Có vẻ như khẩu súng còn tốt, nhưng không có đạn, và cũng chẳng thấy băng đạn, đồ lau chùi hay đạn - có lẽ không ai sử dụng. Màu sơn mạ đã tróc, một lớp han nâu đỏ phủ lên kim loại. Còn đọc được hàng chữ của nhà sản xuất như địa chỉ người gửi trên bì thư: “Colt’s Firearms Division, Colt Industries, Hartford, Conn., USA.“ Chắc nó được đưa tới đây hồi chiến tranh Việt Nam trong trạng thái mới nguyên, mạ bóng mờ, quấn trong giấy dầu. Khi Sreykeo chào đời, khẩu súng đã ở đây hơn một thập kỷ.

Bác Sreykeo và tôi không hiểu tiếng nhau, vì vậy ông chỉ cười, vỗ vai tôi, nắm bàn tay và mời tôi uống rượu gạo. Tôi mỉm cười đáp lễ và nhận rượu. Tôi không rõ ông nghĩ gì về hai chúng tôi và Sreykeo kể chúng tôi làm quen nhau ra sao. Chắc chắn ông chẳng hề biết cô kiếm ăn bằng nghề gì.Truyen8.mobi

Chúng tôi ở lại đây vài hôm. Với tôi, mỗi ngày giống như cuộc du hành qua một lâu đài bị ma ám. Mỗi cánh cửa mở ra đều cho thấy một điều đặc biệt, đôi khi thú vị, đôi khi tàn bạo, đôi khi vừa thú vị lẫn tàn bạo, nhưng bao giờ cũng làm rúng động thế giới quan của tôi. Có lần Sreykeo đem đến một cái đĩa đựng con rắn đã rán cứng quèo trong chảo. Cô lấy tay tách da rắn, moi ruột ra và gỡ thịt khỏi xương. Cô đút cho tôi ăn bằng tay. Hoặc cô dẫn tôi đến một ngôi chùa. Tôi ngắm những tranh vẽ từ cuộc đời của Phật Tổ, hít mùi nhang và mùi hoa trên cây, lắng nghe giọng ngân nga của các sư đưa tôi vào cõi mơ màng. Rồi đột ngột tôi dừng bước trước túp lều nhỏ chứa một đống xương vun thành hình tháp: xương đùi cắm thẳng đứng ở giữa, đầu lâu xếp xung quanh, nứt nẻ như vỏ trứng bởi không khí nóng ẩm. Lẫn vào đó là mảnh vỡ của những bức tượng sa thạch - tựa như lũ sát nhân cũng trói cả Phật Tổ và nhân vật thần thoại bằng dây thép rồi đẩy xuống hố.

Sreykeo như biến thành một người khác khi đến chốn này. Ở thành phố tôi thường nắm tay kéo cô đi theo, bây giờ cô luôn rảo bước đi trước để chỉ cho tôi những nơi cô từng có mặt trong những năm đầu đời. Dường như cô quay trở lại thành đứa trẻ ngày xưa, lúc Phnom Penh đối với cô chỉ là một địa danh đâu đó phía sau đường chân trời. Cô đưa tôi ra một cánh đồng và hân hoan kể: “Kia kìa, hồi nhỏ em buộc bò ở gốc cây này.“ Cô nói, con bò của cô khôn nhất làng, có lần cô suýt chết đuối dưới sông, nó phi xuống nước để cô bám vào.

Chúng tôi đi dọc một nhà dài, trẻ con mặc quần xanh áo trắng chạy ra, và cô nói: “Trường của em đấy.” Cô muốn giới thiệu tôi với mọi người trong gia đình. Vậy là mấy hôm liền chúng tôi đi xe máy ngang dọc trong làng - luôn luôn bị một lũ nhóc con cười nói xôn xao vây quanh - và quỳ trước các cụ bà móm mém mỉm cười độ lượng, có lẽ để giấu vẻ lúng túng, tôi cảm thấy thế.

Tôi đem trăm thứ bà giằn của một người phương Tây vào thế giới này: lọ lăn khử mùi, máy ảnh, tất, cước vệ sinh răng, vỏ hến, nhật ký, cẩm nang du lịch, thuốc sốt rét, thẻ ATM, thẻ tín dụng, thẻ điện thoại, điện thoại di động, CD, v.v. Vì lý do nào đó tôi cầm theo cả thẻ bảo hiểm y tế, mặc dù biết nó vô dụng ở nước ngoài. Đó là cảm giác không thể đi du lịch mà không có nó, vì thiếu nó tôi thấy mình trần truồng và yếu ớt. Ngược lại, Sreykeo chẳng có thứ gì của riêng mình: bàn chải răng, quần áo, dép tông, giày - mọi thứ đều liên tục được chia sẻ và chuyền tay vòng quanh. Tôi ngạc nhiên thấy người ta có thể hạnh phúc khi thiếu những thứ lặt vặt ấy, thậm chí chẳng có ước muốn được sở hữu chúng. Với tôi thì điều hiển nhiên nhất trên đời là có một phòng của riêng tôi để thu thập trong đó những đồ đạc của riêng tôi. Căn phòng ấy minh chứng rằng có tôi trên đời này, một cá thể riêng lẻ. Ba lô của tôi là căn phòng ấy thu nhỏ, do đó tôi luôn luôn đem nó theo người, kể cả khi rất hãn hữu mới cần thứ gì trong đó. Tôi canh giữ nó như kho vàng, không để ai chạm tay vào, cho dù đôi khi cũng thấy hơi ngượng. Chỉ có thế tôi mới bảo vệ tử tế được đồ đạc của mình.Truyen8.mobi

Chỉ có lần đôi tông của tôi biến mất vào sáng sớm. Một thằng bé đã xỏ chân bừa vào đôi dép gần nhất đặt trước cửa và đi tới trường. Lần khác tôi chứng kiến một đứa lùa bò ra ruộng và nghĩ bụng: “Chăn bò mà lại mặc đồ lót mác Calvin Klein, hoành tráng ra phết!“ Cho đến khi chợt nhận ra đó là quần lót của tôi! Tôi bắt nó giặt quần và đem trả lại. Chỉ có cha mẹ mới sở hữu đồ riêng: một chiếc quần tử tế cho các dịp long trọng, giày, kính hay hộp thuốc lá, thế thôi. Tất cả ngủ cùng một phòng, không có không gian riêng tư. Nhưng do chẳng ai biết có những nước trên thế giới này coi chuyện riêng tư là một quyền cơ bản nên cũng chẳng ai phiền lòng.

Tôi ưa quan sát gia đình. Tất cả phụ nữ và trẻ em cùng góp tay khi nấu ăn. Bọn đứa con trai lớn đem cá bắt ngoài ao hồ về, con gái băm tỏi và sả nhồi vào bụng cá để các cô các bà đem nướng. Tất cả tranh nhau nói cười, đùa nghịch và trêu chọc nhau. Họ có một kiểu khôi hài rất thô, gây ra nhiều vết bầm: véo nhau vào đùi hay núm vú, bợp vào gáy nhau, và không ai giận ai.

Và mỗi người có một vị trí trong thứ bậc của gia đình, đi kèm với các nghĩa vụ và quyền lợi nhất định. Người ta ấn đồng tiền nhàu nát vào tay một con bé năm tuổi, sai vào làng mua nước mắm và chanh. Nó quay về với nước mắm và quên chanh, mẹ nó cười và ôm con vào lòng. Một thằng bé chín tuổi mà quên mua nước đá sẽ bị chửi té tát và bợp vào gáy - đối với nó, cuộc sống nghiêm túc đã bắt đầu.

Cuộc sống chung trong gia đình được ấn định bởi sự vâng lời vô điều kiện đối với người lớn tuổi hơn, đó là một điều rất lạ với tôi. Các anh chị bắt em dọn nhà và giặt quần áo. Trẻ con chấp hành mệnh lệnh mà không phàn nàn hoặc cãi lại. Bậc trên cùng là ông bác. Ông ngồi xếp bằng tròn trên sàn gỗ, tiếp khách, ăn ếch chiên và cùng khách uống rượu thốt nốt.

Đôi khi tôi bất bình vì sự tuân thủ thứ bậc ngặt nghèo đó. Ví dụ: Sreykeo có một cậu em họ tên Keo, một người đàn ông rắn rỏi, thon thả, lúc nào cũng cởi trần để lộ những bắp cơ cuồn cuộn. Người ta luôn gọi Keo khi cần một người đàn ông khỏe, đốn cây, lôi ô tô khỏi vũng lầy, hay có ai đó lăng mạ chị em cậu. Mặc dù vậy Sreykeo vẫn sai cậu chạy ra chợ mua giấy vệ sinh cho tôi, và cậu chạy ngay đi như một đứa bé ngoan ngoãn - chỉ vì cậu kém Sreykeo hai tuổi và do đó đứng dưới một bậc.Truyen8.mobi

Gia đình hoạt động như một cơ thể: các cơ quan chỉ có thể tồn tại khi kết hợp vận hành. Tôi thường tự hỏi, vì sao Sreykeo vẫn trở thành một người bình thường trong cuộc sống của cô. Làm sao chịu đựng được một người mẹ coi mình như máy in tiền, đánh đập hoặc trừng phạt bằng cách coi mình như chết rồi - mà vẫn thành một người đáng yêu, thích chơi với trẻ con và nhất là cũng muốn có một gia đình? Chẳng phải người ta dễ dàng trở thành một người tàn ác và vô cảm hay sao? Câu trả lời: đại gia đình. Bao giờ cũng có ai đó giang tay đón cô, giấu giếm dúi cho ít tiền đi học, đùm bọc ở nhà riêng một thời gian nếu cô muốn tránh mặt mẹ, hòa giải khi xung đột lên đến đỉnh điểm và nêu một tấm gương sáng.

Giữa đêm tôi thấy bụng đau nhâm nhẩm. Thoạt tiên người ta hay nghĩ là cứ hít một hơi thật sâu rồi mọi thứ sẽ qua - nhưng tôi đã linh cảm lần này không thế. Tôi gập người lại trong bóng đêm, sờ lần tìm đèn pin, vấp vào một đứa nhỏ đang nói mớ. Người Tây vốn quen là nơi nào cũng có ít nhất một chút ánh sáng le lói: đèn đường chiếu qua cửa sổ, đèn hiệu trên đầu video, đồng hồ báo thức. Nhưng ở đây là bóng đêm tuyệt đối. Tôi trách mình tối qua không nhớ đèn pin ở đâu. Rốt cuộc tôi cũng chạm tay vào bật lửa, tìm ra cửa, lao xuống cầu thang và nôn cạnh tường nhà.

Nhà vệ sinh là một cầu ao ngắn bắc đến giữa sông, ghép từ hai mảnh ván. Tôi ngồi thụp xuống, mỗi chân đặt lên một ván, bên dưới là nước. Cả đêm tôi ngồi đó, trên đầu là chòm sao Nam Tào và Lạp Hộ, ngẫm nghĩ xem mình làm gì xấu xa trong tiền kiếp để bị trừng phạt dường này.

Sreykeo vơ lỗi vào mình. Cô xin tôi thứ lỗi hàng trăm lần vì đã không nấu cơm cho chín kỹ. Cô vào bếp và cố dỗ tôi ăn đủ thứ: cháo, chuối, bánh mì gối tẩm trứng và mật ong rán... Nhưng tôi chỉ lợm giọng quay đi. Tôi ưa được cô chạm tay vào mình như thứ gì đó cực kỳ quý giá và dễ vỡ, một thứ độc nhất vô nhị.

Quả thật tôi cũng cảm thấy mình cực yếu ớt. Sốt cao. Thậm chí tôi không kìm được tiểu, và ngửi mùi cơm là muốn ọe. Kiết lị đã không là chuyện đùa, nhưng kiết lị kèm sốt - khi nằm ngủ trên sàn gỗ và nhà vệ sinh phải chạy hai trăm thước băng qua đồng và kênh rạch - là một bệnh mà tôi thậm chí không mong cho kẻ thù ác nhất của mình mắc phải.Truyen8.mobi

Ông bác hiểu căn nguyên bệnh tôi. Trước cửa nhà có một cây si với tán lá khổng lồ, đường kính mấy thước, rủ dây chằng chịt xõa xuống đất như một tấm áo dài. Cạnh cây có một am nhỏ lợp tôn, chứa một tượng ngồi thiền bị mất đầu. Tượng làm bằng sa thạch và có lẽ từng ở trong một ngôi đền Khmer cổ. Sreykeo bảo tôi, đó là tượng một Neak Ta, một vị thần hộ mệnh.

Vâng, đó chính là các “dị biệt văn hóa”. Có lẽ chúng ta sống trong hai thế giới song hành với các mối quan hệ nhân quả khác nhau về cơ cấu. Trong thế giới của tôi, các định lý về nhiệt động học và định luật Murphy làm thống soái: cái gì có thể xảy ra thì sẽ xảy ra. Còn thế giới này do ma quỷ và thần linh làm chủ, chung sống theo quy luật của tiền kiếp và tái sinh. Theo logic của tôi, tôi ốm vì đã tiếp nhận một lượng vi trùng Escherichia coli quá mức mà dịch vị dạ dày và hệ thống miễn dịch có khả năng chống đỡ. Logic của họ cho rằng bệnh tật của tôi sinh ra vì tôi không tôn kính một vị thế nào đó cao hơn trong thứ bậc kiếp người. Tôi hay bảo Sreykeo phải rửa tay trước khi ăn. Thường thì cô trả lời là hôm nay đã rửa tay rồi. Đến một lúc nào đó tôi hiểu ra rằng cô cho bệnh nghiện rửa tay của tôi là một kiểu sùng bái kỳ quái của dân châu Âu, sùng bái Escherichia coli! Và cô tin mỗi ngày một lần tôn kính Escherichia coli là đủ. Tôi thì ngược lại, tôi tin vào định luật Murphy. Ví dụ: tôi tin là một lúc nào đó có thể bị tai nạn khi đi xe máy, vậy thì nên đội mũ bảo hiểm. Còn Sreykeo thì tin là ý nghĩ tiêu cực sẽ thu hút sự kiện tiêu cực. Cứ mỗi lần tôi nói chữ “tai nạn” là cô lại chặn một ngón tay lên mồm tôi.

Neak Ta là một thần hộ mệnh hùng mạnh, có thể bảo vệ cả làng hay cả một khu vực lớn. Neak Ta của chúng tôi tên là Ta On, một ông già choàng áo dài trắng, đầu thai lên đây trước hàng trăm năm để làm thần hộ mệnh. Rõ ràng Ngài thấy mình không được tôn kính đúng mức, Sreykeo tin rằng Ngài bực mình vì tôi đã không tự giới thiệu. “Anh là người Tây đầu tiên đến đây. Có một người lạ đến đây, khác hẳn những người khác,” cô nói. Cô không tin là thần ghét người lạ, mà chỉ muốn người đó tự giới thiệu với Ngài và có thể dâng cúng chút gì đó. Tôi cũng thấy vậy.

Cả nhà ông bác lo lắng vì tôi. Họ tận dụng mọi khả năng chữa bệnh dân gian để vực tôi dậy. Sreykeo thông báo là họ chuẩn bị cho tôi xoa bóp. Tôi tưởng tượng xoa bóp là người ta bật một đĩa CD tiếng cá voi, châm nến thơm và nhẹ nhàng nắn lưng tôi. Nhưng sự thật hơi khác: ông bác rỗ hoa dụi tắt điếu thuốc và tiến lại phía tôi. Ông nắm cánh tay tôi và giật một nhát thật nhanh khiến trong đầu tôi phát một tiếng kêu đánh rắc. Ông lặp lại động tác đó với đầu, ngón tay, với mọi vị trí trên người tôi. Sau đó ông bám vào ngực tôi và giật lên, tưởng như tất cả các đốt sống đều bị rời ra và lại lắp vào chỗ cũ. Cuối cùng ông đặt tôi xuống nền nhà và giậm chân lên một hồi.

“Anh có thấy khá hơn không?“ Sreykeo hỏi.

“Khá hơn nhiều,” tôi nói dối.

Tôi không hình dung được là còn phải chịu đựng gì tệ hơn nữa. Trước đó tôi thường ngạc nhiên tại sao nhiều người ở Campuchia có những vệt đỏ bầm trên người. Bây giờ tôi đã biết thêm: đó là một phương pháp truyền thống mà người ta cho rằng để chữa bệnh, rất đau. Sreykeo bảo tôi cởi hết quần áo, nằm xuống đất. Rồi cô lấy chìa khóa xe máy miết mạnh lên da cho đến khi hiện ra những vệt máu tụ. Tôi rú lên. Khủng khiếp nhất là khi chìa khóa quẹt lên từng xương sườn đau điếng. Cô tạo ra đủ hình vẽ bầm máu dưới da, giờ đây trông tôi như một con ngựa vằn bị cạo lông. “Anh sắp khỏi bệnh rồi,” cô háo hức thông báo.

Để chắc chắn, gia đình gọi bác sĩ làng. Nửa tiếng sau một người Tàu đi xe máy Honda Daelim đến. Ông mặc sơ mi, đeo đồng hồ tích hợp máy tính - ở Campuchia có lẽ thế là đủ minh chứng cho một bác sĩ. Ông nắn bóp tôi rồi lôi trong túi ra một hộp thiếc đầy những ống thủy tinh giống nhau. Ông lục lọi một lát trong đó, quyết định rút một ống ra và tiêm tôi ba phát, một vào mông và hai vào bụng. Giá tổng cộng tám đô la.Truyen8.mobi

Tôi chú ý xem ông ta làm gì với kim tiêm đã sử dụng. Ông chụp một mũ nhựa lên và cẩn thận xếp vào các ống tiêm khác, chứng tỏ sẽ dùng lại. Thú vị đấy. Có lẽ tôi sẽ phải đi thử HIV và viêm gan siêu vi trùng. Dạo ấy tôi rất thờ ơ khi nghĩ đến khả năng bị nhiễm các bệnh đó. Nghe có vẻ khủng khiếp, nhưng người ta hòa nhập vào hoàn cảnh sống xung quanh nhanh hơn vẫn tưởng. Chỉ mới cách đây hai tháng, nghĩ đến chuyện ấy là tôi có thể phát điên. Nhưng người địa phương không có bác sĩ nào khác, cớ gì cho phép tôi mong được ưu tiên hơn, chỉ vì tôi là một người da trắng? Cái chết ở châu Âu là một chuyện trừu tượng, ở Campuchia thì không. Ở đây tổng số các quyết định sai lầm để cùng đưa đến cái chết nhỏ hơn nhiều so với ở Đức. Tôi sống cùng những người ấy, vậy thì tôi cũng chung sống với các rủi ro của họ. Tôi đã quen.

Tôi bỏ lỡ buổi lễ. Tôi nằm trên chiếu trải dưới sàn, chốc chốc lại tỉnh khỏi cơn sốt li bì. Tôi nhìn gia đình sửa soạn liên hoan như từ một nơi xa lắc. Họ trải chiếu ra, đặt các đĩa thức ăn và hoa quả lên. Những nén nhang cắm trên đó vẽ hình khói mờ ảo. Cả đêm Sreykeo cạnh tôi trong khi gia đình đi chùa làm lễ Pchum Benh. Tôi nghe tiếng nhạc vẳng tới từ đó và không nghĩ ngợi gì. Tôi không mường tượng ra người ta đang chơi nhạc cụ nào. Tiếng nhạc hòa vào nền âm thanh của đêm đen như chấm màu trên tranh. Ếch nhái ộp oạp không nghỉ khiến tôi chỉ nhận ra khi cố ý lắng nghe. Phải đến hàng nghìn con. Tôi nghe tiếng mấy con bò thở và động cựa trước nhà. Tiếng hàng xóm chuyện trò. Cây lá lao xao. Nước giếng róc rách khi có người tắm rửa. Xa xa có tiếng đàn chó sủa. Người Âu chúng ta ưa có cửa. Ưa ý nghĩ có cửa chặn giữa mình và thế giới bên ngoài. Ta có thể đóng cửa lại, lúc đó vũ trụ chỉ còn mình ta và căn phòng. Ở đây không có cửa.Truyen8.mobi

Không rõ do cúng bái Neak Ta hay nhờ thứ thuốc tiêm kỳ quái mà hôm sau tôi khỏe hơn.

Tôi thức giấc khi trời đang mưa. Vài đám mây trôi như những người khổng lồ cau có, chiều nào cũng gây úng ngập. Mưa không rơi từ từ: tôi nhìn nó kéo đến như một bức tường ầm ầm trống trận, dần dần nuốt hết cây cối nhà cửa. Có mưa là lũ trẻ ầm ĩ lao ra ngoài, cởi T-shirt ra, đứng dưới giọt gianh uống nước và xem bùn phòi lên giữa các ngón chân. Chúng lấy một quả bóng nhựa non hơi ra chơi ngoài bãi, bùn bắn lên quá đầu. Phụ nữ đem đủ thứ nồi chậu ra hứng nước mát.

Sreykeo yêu trời mưa Campuchia. Cô nắm tay kéo tôi ngoài trời, tôi bám vào khung cửa cưỡng lại. Nhưng rồi nước mưa tuôn thành dòng xuống gáy tôi, chảy dọc lưng và ngực xuống đến chân làm tôi ngộp thở. Chỉ có nước thôi. Nhưng nó có vị riêng ngọt ngào lẫn chút hương đất. Thực ra khi vòng tay ôm tôi Sreykeo chỉ đứng đến cổ tôi, nhưng cô siết chặt làm tôi ngạt thở. Cô nắm tay tôi chặt đến nỗi móng tay cô hằn vết trắng trên da tôi. Chúa Trời có mùi mưa - tôi đã nghe trong một phim nào đó. Tôi tin vậy.

Mưa đến tận đêm. Cửa nhà mở toang, tôi có thể thấy mưa và gió vẽ những họa tiết trên vũng nước lúc chạng vạng. Tôi lắng nghe tiếng thở và ngáy pho pho của trẻ con ngủ trên sàn gỗ.

Tôi có cảm tưởng như nằm quấn trong một tấm khăn lớn. Ở một nơi xa cách tất cả, không ai biết đến. Và quyết định không cho ai biết nơi này ở đâu.

Cảm giác khi yêu luôn giống nhau. Ta làm quen một người và phát hiện ra mâu thuẫn với cá nhân mình. Ta lấy nguyện vọng riêng ra lấp đầy sự hụt hẫng ấy. Những điểm khác biệt của Sreykeo là: cô là gái mại dâm và trong một hoàn cảnh mà mỗi hy vọng là một ảo tưởng. Nhưng cô sống với niềm tin sắt đá, một ngày nào đó sẽ vượt qua được, sẽ đạt được gì đó tốt hơn mà cô xứng đáng được hưởng. Khi yêu, người ta đặt kỳ vọng rằng người ta yêu sẽ làm ta thành một mẫu người như ta mong muốn. Người ấy sẽ thách thức ta, thay đổi ta. Kỳ vọng của tôi là gì? Tôi không rõ. Nó quá mang tính nguyên lý để tôi có thể miêu tả bằng lời. Có thể tôi muốn là một mẫu người độc nhất vô nhị, vượt phạm vi một mẫu lý lịch đơn thuần. Một mẫu người không luôn luôn phải lánh trong vỏ bọc trớ trêu. Tôi chỉ biết thế này: ta phải cẩn trọng với những cảm nhận tận đáy lòng mình mà ta không diễn tả bằng lời được. Hầu như nó luôn luôn thành sự thật. Và khi đó mọi chuyện sẽ khôn lường.

Mấy hôm sau chúng tôi chia tay bác. Hai chúng tôi đi xe máy trở lại Phnom Penh. Tóc Sreykeo vương vào mặt tôi. Cô quay đầu lại nhìn tôi và cố át tiếng gió: “Em hỏi anh một câu được không?“ Đó thường là cách cô hỏi khi muốn biết một chuyện hệ trọng hoặc khó nói. Tôi hồi hộp đợi nghe.

“Tại sao không bao giờ anh gọi em là Rose?”

Chính tôi cũng chẳng rõ tại sao tôi không bao giờ gọi cô với tên Rose. Đơn giản chỉ vì tôi nghĩ Rose là tên bịa, còn Sreykeo là tên thực của cô.

“Anh có biết không? Em tự nhủ, em không bao giờ ở lại với một người đàn ông gọi em là Rose. Nếu người ấy không muốn cưới em thì em sẽ không đi với họ.”Truyen8.mobi

Tôi cho đó là lời khen.

Tôi cũng có một câu hỏi.

“Tại sao em bắt chuyện với anh ở Heart of Darkness?“ tôi hỏi cô.

“Vì anh chỉ uống nước khi em thấy anh. Anh không nhảy với ca ve. Em không ưa đàn ông đi tìm ca ve.”

Tất nhiên tôi không cho cô biết lý do tôi uống nước chỉ vì ma túy làm miệng tôi khô đắng.

Chúng tôi sắp phải chia tay rồi. Thị thực đã quá hạn, mấy hôm nữa có chuyến bay về Đức. Quê hương mà tôi quên bẵng một thời gian, nay hiển hiện trong trí óc. Tôi tự hỏi: một khi tôi đã về đến Đức thì sự việc sẽ tiếp diễn ra sao.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọ 34 c truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25562


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận