Rõ ràng, Văn Viễn đã nghe được cái tên này lúc lão đang diễn giải cho đám ăn mày kia rồi theo đó kể ra. Gậy ông lại đập lưng ông, lão không giận sao cho đặng. Lão ăn mày chửi rủa một tràng không đầu không đuôi rồi quát:
- Ngươi cút đi ngay cho ta! khôn hồn đừng để lão tử ta gặp lần nữa!
Văn Viễn nhìn vẻ mặt tức tối của lão ăn mày không nén được đắc ý phải bật lên tiếng cười ha hả. Ông khom mình kính cẩn nói:
- Đa tạ tiền bối đã nhường đường!
Nói rồi, Văn Viễn ra vẻ ung dung thư thái mà đi nhưng vẫn ngoái đầu lại xem có bị đám ăn mày đuổi theo không. Chỉ khi thấy Miếu Quan Âm đã ở xa sau lưng, ông liền co chân chạy thẳng một mạch không dám nghơi nghỉ. Vừa chạy Văn Viễn vừa cười tươi như gặp được chuyện mừng. Nhớ tới khuôn mặt tức tối của mấy tên ăn mày làm ông đắc ý quên cả mỏi mệt. Chợt một tiếng nói khàn khàn vang lên khiến Văn Viễn giật mình:
Văn Viễn cung kính đáp:
- Dạ, là Bà Bà!
Nữ nhân bật cười khanh khách:
- Bà Bà! được, vừa tôn kính vừa không phải chê ta già! Nghe hay lắm!
Văn Viễn nghĩ thầm trong bụng:
- Lão bà này thật cổ quái! Tiền bối hay Bà Bà có khác gì nhau?
Bà bà áo đen có vẻ như ưng dạ nên thôi khóc lóc. Bà ta hỏi:
- Ta nghe giọng ngươi không phải là người vùng này! Ngươi tên gì?
Văn Viễn cung kính đáp:
- Vãn bối họ Phùng tên Văn Viễn!
Bà bà áo đen như bị kiến đốt giật mình đứng bật dậy:
- Ngươi là Phùng Văn Viễn?
Thấy thái độ kỳ lạ của nữ nhân nọ, Văn Viễn đinh ninh rằng có thêm một tiền bối cổ quái lại nhận ra ông giống ai đó:
- Tại hạ thật sự là Phùng Văn Viễn!
Chữ Viễn vừa dứt thì ông nhận ra bà bà áo đen đã ở trước mặt. Từ nơi ông đứng cách gốc cây bà bà áo đen ngồi hơn hai mươi bước chân. Văn Viễn không hiểu làm sao vị bà bà này chỉ khẻ nhấc mình là đã đứng trước mặt ông được. Bà bà áo đen đưa đôi tay nhăn nheo ôm lấy khuôn mặt ông lẩm bẩm:
- Giống quá! Giống quá! Giống như khuôn đúc!
Văn Viễn đành đứng yên mặc cho bà ta sờ mó. Ông biết mình đã gặp thêm một cao thủ, dầu có muốn phản kháng cũng không phản kháng được. Hơn nữa, cú đá của lão ăn mày vẫn còn đau trước ngực, Văn Viễn sợ bà bà này nổi cơn thịnh nộ một chưởng đánh chết mình cũng nên. Thành ra, ông cứ im lặng chịu trận là tốt nhất. Bà bà này nghe giọng nói xem ra tuổi tác cũng đã ngoài tám chục thì giống như bậc trưởng bối xoa đầu con cháu, ông không xét nét gì tiểu tiết.
Bất ngờ bà bà áo đen cung tay tát một cái bốp vào má Văn Viễn. Ông bị đánh văng ra gần mười bước. Mắt nổi cả đom đóm. Ông vừa đứng dậy vừa xoa má liên tục nhưng tuyệt nhiên không dám trách móc nửa lời. Ông nghĩ:
- Ta vừa rồi chọc giận bà bà này khóc la thì giờ chịu một tát xem như vẫn nhẹ!
Bà bà áo đen thấy ông xoa má liên hồi mà không tỏ ra tức giận thì lắc đầu thở dài:
- Không phải! Không phải hắn! Nếu là hắn, ăn một tát của ta nhất định sẽ giận mà bỏ đi! Không phải là hắn! Không phải là hắn rồi!
Bà ta than thở một hồi, lại hỏi Văn Viễn:
- Có đau không?
Văn Viễn cung kính đáp:
- Vừa rồi vãn bối chọc giận bà bà! Bà bà khiển trách nào dám kêu ca!
Ông cúi đầu rất thành kính. Vừa ngẫng lên lại thấy bà bà áo đen đã đứng sát trước mặt mình. Bà bà áo đen hỏi:
- Ngươi thật sự ngoài một chút căn cơ của Thiếu Lâm Tự thì tuyệt nhiên không có bản lãnh nào đáng kể! Ai là ân sư của ngươi ?
Văn Viễn nghe bà ta nói thì kinh hãi. Ngay cả Bạch Mi Bà Bà lẫn Ác Hòa Thượng vẫn chỉ cho rằng ông không hề biết võ công. Vậy mà bà bà đây chỉ tát một cái đã nhận ra ông từng học qua căn bản nội công Thiếu Lâm Tự. Văn Viễn không dám giấu diếm bèn đáp:
- Vãn bối thụ nghiệp hai năm nơi Vô Sách Đại Sư ?
Bà bà áo đen lại hỏi:
- Có phải lúc mới gặp, hắn đã động tay động chân với ngươi ?
Văn Viễn ngạc nhiên:
- Làm sao bà bà lại biết? Đúng là lần đầu gặp mặt, ân sư đã lầm tưởng vãn bối là một người khác nên đã đánh trọng thương vãn bối!
Bà bà áo đen trầm ngâm rồi hỏi tiếp:
- Hắn là cao thủ nhất nhì Phật môn, sao ngươi lại không có chút bản lãnh nào? Hai năm hắn dạy ngươi những gì?
Văn Viễn thấy bà ta càng hỏi càng giống như tra cung phạm nhân, lại hỏi những chuyện riêng tư nên ngập ngừng:
- Chuyện này…chuyện này …!
Bà bà áo đen liền nổi giận:
- Ngươi lại so đo với già này phải không? Người trẻ tuổi như ngươi sao lòng dạ hẹp hòi..
Văn Viễn nghe giọng bà bà dường như nghẹn lại, sợ thêm một trận khóc la nữa bèn vội vã nói không cần đắn đo do dự:
- Ân sư chỉ dạy một bộ tâm pháp nội công tên là Tác Quang Thiền Thổ ngoài ra không dạy thêm gì! Vãn bối không dám dối trá nửa lời!
Bà bà áo đen cười nhạt:
- Thảo nào ngươi hai năm không chút tiến triển gì! Bắt một con mọt sách nhất thời học lấy nội công chuyên tu thì dù có là trăm năm cũng không thành tựu được!
Bỗng nhiên bà bà áo đen trầm ngâm nghĩ nghợi rồi bất ngờ chộp lấy cổ tay trái của Văn Viễn. Thủ pháp còn nhanh hơn Bạch Mi Bà Bà gấp mấy lần. Văn Viễn từ đầu thấy bà bà này không hề có ý làm hại mình nên dầu bà ta có làm chuyện quái lạ gì cũng nhất định không phản kháng.
Bà bà áo đen cứ cầm cổ tay Văn Viễn mà nói:
- Thảo nào! Thảo nào!
Bà ta lại hỏi:
- Ngươi có phải cứ độ trăng tròn đều thấy hai huyệt Tiêu Thương và Đốc Châm đau nhức dữ dội? Lại thêm huyệt Nhâm Thương nơi sau gáy và huyệt Bách Hội đỉnh đầu nóng ran như lửa đốt?
Văn Viễn nghe tự nhiên trán lấm tấm mồ hôi. Ông nghĩ:
- Lão bà bà bày nếu không phải là thần tiên biết trước được mọi chuyện thì cũng phải là người có kiến văn sâu rộng mới dễ dàng nói ra được bệnh tình kỳ lạ của mình!
Đích thực từ năm mười lăm tuổi, Văn Viễn bị một con trùng độc cắn, hễ mỗi khi trăng rằm đều đau nhức thân thể mấy ngày liền mới hết. Đến giờ bệnh tình tuy thuyên giảm nhưng vẫn cứ theo đúng kỳ trăng là tái phát, có lúc dữ dội vô cùng ngỡ chết đi sống lại. Tuy nhiên cứ sau một trận phát bệnh, Văn Viễn lại thấy người khỏe mạnh hơn trước nhiều. Sau lại được Vô Sách Đại Sư truyền cho bộ tâm pháp nội công phật môn, ông cứ theo đó mà chuyên tâm tu luyện thành ra mười phần cũng đã đỡ đi ba bốn.
- Không phải! Không phải! – Bà bà áo đen lại nói – Bệnh tình của ngươi đã thuyên giảm đi nhiều rồi! Xem ra sư phụ ngươi cũng đã tặng cho ngươi một món quà tốt!
Văn Viễn nghe lời nói món quà tốt của bà ta hàm ý mỉa mai thì không hiểu vì sao. Ông thán phục:
- Bà bà là thần tiên tái sinh hay sao mà biết rành vãn bối như thân thuộc?
Bà bà áo đen cười khanh khách:
- Người trẻ tuổi, ta không phải thần tiên gì đâu! Chẳng qua thân già này ăn hơn ngươi mấy nắm cơm nên cũng biết đôi chút!
Văn Viễn cũng cười theo mà cung kính:
- Không biết bà bà tên gọi là chi để vãn bối tiện việc xưng hô!
Vừa lúc đó có tiếng bước chân chạy đến dồn dập. Văn Viễn ngửi được mùi hôi nồng quen thuộc đoán ngay là đám ăn mày ở miếu Quan Âm. Ông hốt hoảng đứng chắn ngang trước mặt bà bà áo đen mà nói:
- Không xong rồi bà bà ơi! Vãn bối vừa rồi có đắc tội với mấy tên khiếu hóa tử! Bọn chúng đã đuổi theo đến nơi! Bọn này thô lỗ không nói lễ nghĩa gì, bà bà cẩn thận!
Văn Viễn nói rồi mới sực nhớ lại. Bà bà này võ công cao siêu cần gì mà ông phải bảo vệ. Bản thân ông lo thân mình còn chưa xong . Văn Viễn ngoái nhìn phía sau thì không thấy ai. Vị bà bà áo đen thần bí đã biến đi mất tự lúc nào. Ông trong lòng bấn loạn:
- Là người thì không thể thoắt ẩn thoắt hiện như thế, chắc hẳn là thần tiên hay ma quỷ hiện hình! Ta nghe nói giang hồ nhiều kẻ chết oan uổng! Phải chăng bà bà này là một vong hồn vô định không đầu thai được? Thánh hiền dạy, người ngay nửa đêm nghe tiếng gõ cửa cũng không sợ! Ta nào đã phạm lỗi lầm gì sao ma quỷ lại hiện hồn trêu ghẹo?
Ông nhớ tới cảm giác lúc bà bà áo đen dùng tay sờ lên mặt, bất giác gai óc nổi cùng người.
Tiếng bước chân càng lúc càng dồn dập đến gần. Văn Viễn giật mình khi nghe được mùi máu tanh ập vào mũi. Chỉ thấy lão ăn mày đã đá ông một cước trong miếu Quan Âm cùng mấy tên ăn mày khác mình bê bết máu chạy thục mạng. Văn Viễn kịp nghe mấy tiếng kêu thất thanh. Ba tên ăn mày chậm chân chạy sau đã gục xuống mà chết. Văn Viễn thường ngày chưa bao giờ tận mắt chứng kiến cảnh giết người. Nay một ngày thấy liên tục mấy vụ thảm sát không khỏi rùng mình chân đứng không vững. Tuy nhiên, tâm trí ông lại tỉnh táo vô cùng như thể trước đây đã quen với cảnh giết chóc. Lại thêm một tên ăn mày gục xuống. Lúc này, ông mới nhìn thấy hai kẻ mang mặt nạ quỷ một đen một trắng đương đuổi sát sau lưng cả bọn.
Tên mang mặt nạ quỷ màu đen nghiến răng tàn độc:
- Chạy đâu cho thoát! – nói rồi y như đại bàng hứng gió vọt bỗng lên không hơn ba trượng. Thanh kiếm trong tay y vẽ một loạt ánh quang xám bạc chụp xuống đầu mấy tên ăn mày đang tháo chạy. Cả bọn hoảng loạn vung gậy lên chống đỡ loạn xạ. Văn Viễn tuy đứng ở ngoài nhưng vẫn bị kiếm khí ép đến ngạt thở phải lùi lại mấy bước không may vấp phải một mô đất té bật ngửa ra sau.
Những tiếng gào thét thay nhau vang lên thảm thiết. Văn Viễn lồm cồm đứng dậy đã thấy một bãi đất đầy máu tươi. Đám ăn mày mười phần chết hết tám chín. Lão ăn mày vẫn còn cầm cự được nhưng trên người lão dọc ngang nhiều vết thương, máu theo đó không ngừng tuôn ra xối xả. Lão ăn mày nói giọng hổn hển không còn bao nhiêu hơi sức:
- Cái Bang bọn ta và các ngươi không thù oán! Sao các ngươi lại truy giết bọn ta?
Tên mang mặt nạ quỷ màu trắng cười gằn:
- Hắc Bạch Song Sát ra tay cần gì phải có lý do!
Tên này vừa nói tay trái đã tung ra một chưởng. Văn Viễn chỉ kịp nhìn luồng khí màu đen nhắm thẳng đến lão ăn mày. Lão ăn mày trúng chưởng như con diều đứt dây bay ra hơn năm trượng nằm im không còn động đậy. Văn Viễn hoảng hốt lắp bắp:
- Các ngươi….các ngươi ban ngày ban mặt sao lại vô cớ giết người ? Ta…ta…
Tên mang mặt nạ quỷ màu đen nhìn Văn Viễn từ đầu đến chân một lượt rồi quay sang hỏi tên mang mặt nạ quỷ màu trắng:
- Còn tên này?
Gã kia nói:
- Hắn đã hại mấy giáo đồ thiệt mạng! Thôi cứ thành toàn cho hắn!
Văn Viễn nghe vậy hiểu ra hai tên Hắc Bạch Song Sát cùng mấy chục tên mang mặt nạ quỷ bị Bạch Mi Bà Bà, Ác Hòa Thượng đánh đuổi là một bọn. Ông liền nghĩ phen này mình đã chết chắc. Lão ăn mày võ công cao như vậy còn phải bỏ mạng dưới tay hai gã này thì ông làm sao mà sống được. Bất ngờ một tiếng pháo hiệu nổ lên.
Hóa ra lão ăn mày vẫn chưa chết. Lão gom chút hơi tàn mà bắn pháo hiệu cầu cứu. Tiếng nổ phải vang hơn một dặm còn nghe thấy. Hắc Sát thấy vậy thì hừ nhạt:
- Hỏng rồi! Hắn gọi đám ăn mày khác đến!
Bạch Sát liền tiếp lời:
- Ngươi mau thành toàn cho cả hai tên! Hoàng Kỳ còn chưa đi xa! Chúng ta nhanh chân vẫn sẽ bắt kịp!
Lão ăn mày gắng gượng đứng dậy. Lão mất quá nhiều máu nên khuôn mặt tái xanh trông rất thảm não. Lão nói:
- Ta võ công không bằng các ngươi, chết cũng không hận gì! Ta chỉ muốn hỏi có phải các ngươi đã theo được dấu Hoàng Kỳ mà tới đây?
Bạch Sát thủng thẳng đáp:
- Không sai! Bọn ta mất hai năm mới lần ra được tông tích của hắn. Ta không nhầm Cái Bang bọn ngươi cũng vẫn đang tầm sát Hoàng Kỳ!
Lão ăn mày nói:
- Vậy là Hoàng Kỳ vẫn còn sống! Tốt! Tốt lắm! Các ngươi muốn giết ta cũng được, nhưng hãy để cho ta minh bạch không làm một con quỷ hồ đồ!
Văn Viễn nghe lão ăn mày đối đáp biết lão ta đang tìm cách kéo dài thời gian chờ đồng bọn đến cứu. Văn Viễn cũng đang liệu đường thoát thân nhưng vẫn không tìm ra cách nào đành đứng nguyên một chổ mà nghe.
Hắc Sát hỏi:
- Chuyện gì mà ngươi cần minh bạch?
Lão ăn mày nói:
- U Minh Cung các ngươi tại sao lại truy tìm tung tích Hoàng Kỳ ?
Bạch Sát cười mai mỉa hỏi lại:
- Vậy Cái Bang bọn ngươi sao cũng truy tìm tông tích Hoàng Kỳ ?
- Bọn ta tìm hắn để thanh toán thù cũ!
Hắc Sát cười khanh khách:
- Thù cũ? Bọn chánh phái các ngươi có khác gì bọn ta. Các ngươi không chỉ truy lùng Hoàng Kỳ. Hoa Sơn Thất Hiệp cả bảy người đều bị các ngươi truy sát cho đến thừa sống thiếu chết không đất dung thân! Thần Chưởng Ngọc Thủ Trần Quang ngộ nạn ở Lạc Dương. Tiêu Hàn lâm nguy nơi núi Thái Sơn. Châu Tuệ Nhã bị rơi xuống vực Thiên Tích. Các ngươi có cần ta minh bạch nói ra hết không? Cái Bang, Nga Mi, Thiên Sơn, Tung Sơn, Võ Đang, các đại môn phái đều không ngừng cho người đi lùng Hoa Sơn Thất Hiệp. Thủ đoạn các ngươi còn hạ tiện hơn bọn ta nhiều! Truy sát vì thù cũ nghe thật nực cười!
Văn Viễn nghe đôi bên đối đáp đoán chừng đang thi nhau kể ân nợ giang hồ. Ông ở ải Ứng Kê nếu trừ cái nạn chống ngoại xâm lấn ải hàng năm của nước Tống thì kể ra rất an bình, có thể gọi là chốn an nhàn hưởng thú tiêu dao cùng trời đất. Chẳng ngờ chỉ chưa đến nửa ngày đã mắt thấy tai nghe bao chuyện chém giết ở phương bắc, Văn Viễn không khỏi có phần ngán ngẩm.
Văn Viễn nghe tên Bạch Sát lại nói:
- Đừng tưởng ta không biết ngươi đang kéo dài thời gian chờ đồng bọn đến! Bọn ta cũng không gấp. Cái Bang phân đà Hàng Châu cũng đã gây rắc rối cho U Minh Cung không ít. Hắc Bạch Song Sát ta cũng muốn tính sổ một lần!
Văn Viễn nghe đến đây thì bất giác thở dài tuyệt vọng. Ông định bụng chờ các khiếu hóa tử đến cứu lão ăn mày, nhân tình hình lộn xộn mà tẩu thoát. Nào ngờ hai tên Song Sát không hề tỏ ra sợ sệt chứng tỏ bọn này đã nắm chắc phần thắng mới tự tin như vậy. Ông ngao ngán nghĩ:
- Võ lâm thật sự chỉ có chém giết thế này ư? Mình không may sao lại can dự vào các ân oán không đầu không đuôi như vầy! Phen này phải bỏ mạng nơi đây thật là không cam tâm được!
Văn Viễn nghe trong gió có nhiều mùi khác nhau. Ông đoán được là các tên ăn mày xung quanh nhận được pháo hiệu mà đến ứng cứu. Chỉ trong chốc lát, hơn bảy mươi tên ăn mặc rách rưới kẻ kiếm đao, người gậy gộc bao quanh lấy hai tên Song Sát. Bọn ăn mày này không nói gì mau chóng bố trận. Văn Viễn thấy họ chia ra sáu nhóm nhỏ bên trong, lại thêm hai vòng người vây ngoài, di chuyển theo các hướng khác nhau. Ông nhận ra chỉ huy của các vòng đều là những lão ăn mày đeo trên người bốn túi vải nhỏ. Văn Viễn đã được Vô Sách Đại Sư nói qua về thứ bậc trong Cái Bang. Hạng thường thì một hoặc hai túi. Túi vải đeo càng nhiều thì thứ bậc càng cao. Các vị trưởng lão, chấp pháp và bang chủ thì không cần đeo túi vải. Bọn họ lại ăn vận bình thường. Văn Viễn nhìn kỹ thấy người nào cũng ăn mặc rách rưới. Kẻ cao nhất thì chỉ bốn túi liền nghĩ trong bụng:
- Hai tên Song Sát này nắm được tình hình phân đà Cái Bang ở Hàng Châu rõ ràng là không có kẻ nào địch lại chúng, mới ngông cuồng như vậy! Giá như có Bạch Mi Bà Bà Bà hay Ác Hòa Thượng ở đây thì ta đâu khổ sở như vậy? Ở lại cũng dở, mà bỏ chạy lại không xong. Hai mươi mấy năm chuyên cần sách thánh hiền thành ra uổng phí như thế này đây!
Văn Viễn lại tự trấn an:
- Thánh nhân có nói, cùng tất biến, biến tất thông. Ta cứ đợi tàn cuộc. Dù gì cũng còn một bộ cầm phổ hộ thân. Ta tuy chưa thể nói là lâm vào hiểm cảnh nhưng nếu đám ăn mày này không thể cản được hai tên ma đầu thì ta cũng xem như chết chắc. Lúc đó dùng cầm phổ cứu mạng nào đã phạm lời thề năm xưa!
Nghĩ vậy, tâm trạng ông an định hơn, lại thấy đám đệ tử Cái Bang nhanh chóng chiếm thượng phong nên cũng mừng thầm trong bụng.
Hai tên Song Sát bị gần trăm người vây hãm vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì. Bọn ăn mày tuy đông nhưng chỉ biết cậy vào trận đồ mà dồn ép. Tuy nhiên Hắc Sát một kiếm, Bạch Sát một chưởng trong chớp mắt đã giết đi không ít người Cái Bang. Trận đồ theo đó cũng lộn xộn không còn quy cũ như trước. Bất chợt Bạch Sát hú lên lanh lảnh. Hắn dùng hai tay tung liên hồi chưởng lực bốn phương. Mấy luồng kình lực màu đen mang theo mùi tanh nhằm vào các lão ăn mày bốn túi mà đánh tới. Kình lực quét đến đâu, các tên ăn mày ngã xuống đến đó. Tên nào chết thất khiếu cũng đều ra máu, miệng sùi bọt trắng co giật như trúng tà. Mấy lão ăn mày bốn túi la lớn:
- Các anh em cẩn thận, chưởng này có độc!
Bọn khiếu hóa tử nghe vậy liền đua nhau mà dẫm đạp lên các tên ăn mày khác né tránh. Trận thế vỡ tan không nhìn ra gì. Văn Viễn cũng hoảng sợ lùi ra xa. Ông tự nhiên nghe bên tai mình văng vẳng tiếng nói của bà bà áo đen nọ:
- Con mọt sách như ngươi sao không nhân cơ hội này mà trốn chạy còn chần chừ gì?
Văn Viễn cảm thấy một luồng nhu lực nhấc bổng thân thể lên mà ném đi xa hơn ba chục trượng. Văn Viễn bị té một cái như trời giáng nhưng không còn màng tới đau đớn. Ông cắm đầu chạy thục mạng miệng không ngừng nói:
- Đa tạ thần tiên bà bà! Đa tạ thần tiên bà bà!
Văn Viễn như kẻ chết đuối vớ được cọc gỗ. Ông cứ chạy mãi không ngơi nghỉ đến chân mõi nhừ mới dừng lại. Mặt trời đã xế trưa, ông nhìn quanh nhận ra mình đã lạc đường, không còn biết trấn Ngô Phong nằm ở hướng nào. Ông ngửi thử mấy lần trong gió đều không nghe mùi máu tanh hay mùi của hai tên Hắc Bạch Song Sát cung U Minh liền thở phào nhẹ nhõm. Văn Viễn lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt thầm nói:
- Thật là may mắn! Thật là may mắn!
Ông sực nhớ ra:
- Thôi rồi! Ta đã quên cảm ơn thần tiên bà bà! Lẽ ra ta phải hỏi danh tính quê quán mà theo dịp cúng để trả lễ. Không có thần tiên bà bà tốt bụng giúp đỡ, ta giờ hóa ra đã gặp Diêm Vương rồi!
Văn Viễn cho rằng bà bà áo đen nọ là bậc thánh thần hiện hồn. Theo ông, chỉ thần tiên có phép thuật quảng đại mới dễ dàng nhấc bổng một người ném đi nhẹ nhàng đến vậy. Ông liền quỳ xuống theo hướng Đông mà vái tạ miệng không ngớt khấn:
- Vãn bối Phùng Văn Viễn người đất Ứng Kê nay được thần tiên bà bà giúp đỡ thoát nạn, lòng cảm kích bất tận! Xin bà bà chứng giám lòng thành này! Nếu bà bà hiển linh xin báo mộng để vãn bối biết danh tánh mà giỗ lễ đều đặn! Ơn cứu mạng lần này, cả đời vãn bối nhất định không quên!
Văn Viễn lại lạy thêm ba lạy rồi đứng lên, xoay người theo các phương mà vái tạ kính cẩn. Chợt có tiếng vó ngựa khua dồn. Văn Viễn ngẫng mặt nhìn thì thấy một tốp nhân mã đang từ xa phi đến. Ông liền vội vã chạy ra chặn đường. Một thanh niên tuấn tú cưỡi con ngựa màu trắng liền kìm cương ngựa lại mà hỏi:
- Văn nhân như ông làm gì ở chốn hẻo lánh này?
Văn Viễn liền vòng tay thi lễ rồi nói:
- Tại hạ họ Phùng, tên Văn Viễn, là người từ Ứng Kê đến đây không may lạc đường! Cho hỏi không biết trấn Ngô Phong phải đi hướng nào ?
Thanh niên nọ liền đáp:
- Tại hạ họ Khúc tên Anh, giáo đầu của Phương Uy Bảo Cục!
Văn Viễn nhìn người này, mắt sáng mày thanh, lưng đeo trường kiếm, kỳ thực phong thái uy nghi con nhà võ liền nảy sinh mến phục:
- Thì ra là Phương giáo đầu! Vạn hạnh! Vạn Hạnh!
Khúc Anh thấy Văn Viễn quần áo nhếch nhác, tóc tai rối bời, trong dạ đoán chừng văn nhân này gặp phải chuyện không may nên hào sảng nói:
- Chốn này trộm đạo lục lâm nhiều, văn nhân như Phùng huynh không nên ở đây lâu. Bọn ta cũng đang trên đường đến trấn Ngô Phong. Phùng huynh không chê xin hãy lên ngựa đi cùng!
Văn Viễn vội vàng khấu tạ. Phương giáo đầu đưa tay ra hiệu. Một tên tiểu tốt vội vã chạy lên. Khúc Anh nói với hắn:
- Ngươi mau bẩm báo với Thái Phu Nhân có một văn nhân họ Phùng tên Văn Viễn lỡ đường xin quá giang!
Tên tiểu tốt dạ một tiếng rồi vội vàng chạy về phía sau. Văn Viễn thấy hắn đứng cạnh một cổ xe sang trọng sáu ngựa kéo bẩm báo. Lát sau, mã tài liền đánh xe lên cạnh Văn Viễn rồi dừng lại. Trong xe vang ra giọng nói êm như rót mật:
- Ngươi họ Phùng tên Văn Viễn?
Văn Viễn liền chấp tay đáp:
- Vãn bối đích thật tên Văn Viễn, xin ra mắt Phu Nhân!
Ông thấy rèm cửa hé lên một chút rồi nghe tiếng thở nghẹn bên trong xe. Ông lại nghe vị Thái Phu Nhân bên trong lẩm bẩm:
- Quả báo! Quả báo! Thật là trời cao trêu người!
Văn Viễn chưa hiểu gì thì thấy từ trong xe một lưỡi kiếm đâm thẳng tới ngực ông. Văn Viễn hốt hoảng:
- Phu nhân sao lại…?
Ông định nói phu nhân sao lại vô cớ ra tay nhưng lưỡi kiếm đã đến sát ngay tim nên tâm thần bấn loạn khiến lưỡi tự nhiên cứng đờ không nói trọn được câu. Văn Viễn chỉ kịp nghe đau nhói ở ngực trái, miệng thầm than trời:
- Ta sao lại hết bị ăn mày đánh rồi đến ma đầu đuổi giết. Nay ngay cả một phu nhân không quen không biết cũng đòi lấy mạng? Phen này thì thần tiên bà bà cũng không cứu được ta rồi!
Lưỡi kiếm vừa chạm vào da thịt trên ngực Văn Viễn liền dừng lại. Tiếng Thái phu nhân bên trong xe lẩm bẩm:
- Không phải hắn! Không phải hắn! Nếu là hắn bị ta đâm một kiếm nhất định sẽ chộp lấy bẻ đi rồi đùng đùng nổi giận! Không phải hắn! Thật sự không phải là hắn rồi!
Văn Viễn hoảng hồn thoát chết trong gang tấc. Ông nghe mấy câu nói của Thái phu nhân không khỏi mắng thầm trong bụng:
- Lúc thần tiên bà bà tát ta một cái cũng đã nói y như vị phu nhân này! Xem ra cái gã giống ta như đúc chắc là phường đào hoa chuyên dụ dỗ khuê nữ! Không thì cũng là phường bạc bẻo vong tình phụ nghĩa! Thành ra ta đi đến đâu cũng đều bị các phu nhân đòi lấy mạng!
Thái phu nhân nhìn điệu bộ của Văn Viễn mà hỏi:
- Ngươi thật sự không biết võ công?
Văn Viễn vội vàng thưa:
- Vãn sinh chuyên tâm thi thư chưa từng luyện qua võ công, làm phu nhân chê cười!
Thái phu nhân nghe giọng điệu của ông vẫn cung kính liền nói:
- Vừa rồi có làm ngươi sợ không?
Văn Viễn tuy trong lòng tuy trách vị phu nhân này chưa gì đã dùng kiếm đòi lấy mạng người nhưng ông vẫn giữ lễ mà đáp:
- Vãn sinh có một chút hoảng sợ! Thái phu nhân nhơn từ độ lượng chắc chỉ muốn thử vãn sinh!
Ông nghe tiếng thở dài bên trong xe:
- Không phải hắn! Tên này ăn nói nho nhã hơn nhiều! Nếu là hắn, bị ta tự nhiên đâm một kiếm nhất định sẽ mắng ta không ngớt! Không phải hắn rồi!
Văn Viễn lần này chú tâm nghe mười phần chắc chắn vị Thái phu nhân đã lầm ông với tình nhân cũ nên mới đâm một kiếm . Ông bụng bảo dạ:
- Thần tiên bà bà tưởng ta là gã kia liền đánh ta một cái để thử! Ta sau đó bị hai tên ma đầu đuổi giết, chút nữa đã mất mạng! Nay phu nhân này cũng lầm ta với gã kia mà đâm một kiếm! Ta thật sự không biết sẽ gặp thêm tai kiếp gì? Lần trước còn có bà bà thần tiên ra tay giúp đỡ mới thoát thân được! Lần này mà gặp thêm nạn, thì biết lấy ai mà cứu đây? Chi bằng cứ hỏi đường rồi liệu bề mà tránh xa phu nhân đây thì hơn!
Ông cung kính nói:
- Vãn sinh không may lạc đường chỉ mong được chỉ hướng đến trấn Ngô Phong, tuyệt nhiên không dám cản trở xa giá của phu nhân. Mong phu nhân rộng lượng!
Vị Thái phu nhân như đoán được ý nghĩ trong đầu Văn Viễn nên nói:
- Ta đâm ngươi một kiếm cũng nên tặng ngươi một món quà để bồi hoàn!
Thái phu nhân vỗ tay một tiếng. Phương giáo đầu vội vàng quay ngựa lại hỏi:
- Không biết phu nhân có gì dặn dò?
Thái phu nhân nói:
- Ngươi mau đem con ngựa ta vẫn thường hay mang theo mà tặng cho Phùng văn nhân!
Phương giáo đầu nghe liền ngạc nhiên hỏi lại:
- Phu nhân, con ngựa đó…
Thái phu nhân cắt ngang:
- Ngươi cứ đem tặng cho Phùng văn nhân!
Phương giáo đầu nghe giọng nói Thái phu nhân đã động nộ liền không dám hỏi. Chàng đưa tay ra hiệu. Một tên tiểu tốt khác liền dắt con ngựa đen tuyền lên. Phương giáo đầu trao cương ngựa cho Văn Viễn mà trong đầu không khỏi thắc mắc:
- Thái phu nhân quý con ngựa này như thể thân thuộc! Mấy năm đều giữ nó bên cạnh nửa bước chẳng rời. Không hiểu tại sao hôm nay lại tặng cho gã văn nhân này? Thường ngày phu nhân không thích người nào mang họ Phùng, nay lại tự nhiên biệt đãi thoáng hậu? Thật là chuyện lạ lùng!
Văn Viễn tuy không rành về các loại ngựa quý, nhưng ông nhìn con ngựa đen bờm dày, bốn vó lực lưỡng, eo lại thon nhỏ liền biết ngay là loại tuấn mã hạng nhất nhì liền không dám nhận:
- Vãn sinh chỉ bị xây xát nhỏ, có đáng kể gì! Làm sao dám nhận trọng đãi của phu nhân!
Thái phu nhân liền hạ giọng:
- Ngươi chớ có lôi thôi. Ta hận nhất những kẻ mang họ Phùng. Ta càng hận những kẻ mang cái tên Văn Viễn!
Ông nghe phu nhân nói đầy sát ý thì sợ hãi không dám từ chối nữa. Vị phu nhân này bình thường còn dám lấy kiếm đâm vào tim ông mà thử, lúc nổi giận ai dám chắc bà ta không cao hứng lấy mạng ông thật. Thành ra Văn Viễn đành vâng lời. Phương giáo đầu chỉ Văn Viễn một lần nữa đường đến trấn Ngô Phong rồi bái biệt. Ông nhìn đoàn người ngựa đi xa liền thở phào nhẹ nhõm. Bỗng giọng Thái phu nhân lại vang lên lảnh lót:
- Ta tặng ngươi món này! Ngươi có thể vào bất kỳ tửu điếm nào mà ăn uống không cần phải bỏ một lượng bạc nào!
Lời vừa dứt thì một vật ánh kim bay thẳng tới Văn Viễn. Nó rơi xuống khoảng đất trước mặt ông như được đặt nhẹ nhàng. Đó là một tấm lệnh bài bằng vàng đúc nổi hình hai con phượng ôm lấy chữ Phương. Văn Viễn nhặt lên liền vái tạ một cái. Ông cất kim bài họ Phương vào trong người mà tự nhiên thở dài:
- Thật sự gã giống ta lai lịch thế nào? báo hại ta đi đâu cũng toàn bị người đòi lấy mạng? Thôi thì phải cẩn trọng hơn mới được. Chờ gặp ân sư Vô Sách xong, ta nhất định quay về Ứng Kê mà an nhàn điền thổ, không đi vào trung nguyên nữa!
Ông nhớ lại bao nhiêu chuyện đã xảy ra bất giác vuốt ve con hắc mã đang gõ vó bên cạnh mà nói:
- Ngựa tốt, ngựa tốt! Chỉ có ngươi gặp ta là không đòi đánh hay lấy mạng!
Văn Viễn nhìn kỹ hắc mã một lần nữa rồi không ngơi xuýt xoa:
- Đúng là tuấn mã!
Ông liền trèo lên để cưỡi. Ngờ đâu vừa đi được mấy bước nước kiệu, con hắc mã chợt dựng đứng lên bằng hai chân sau. Văn Viễn bị hất té chỏng chân lên trời toàn thân ê ẩm. Ông chưa bao giờ cưỡi ngựa nên đâu biết giống ngựa chiến thường gặp chủ lạ liền trở tính. Văn Viễn lòm cồm đứng lên. Ông leo cưỡi hắc mã lần nữa. Hắc mã hí vang rồi dựng ngược như trước. Văn Viễn lần này tuy phòng bị nhưng vẫn ngã thêm một cú đau đến nín thở. Ông nằm một lúc mới đứng dậy được.
Văn Viễn sau hai lần bị con hắc mã hất văng xuống đất không còn dám leo lên để cưỡi. Ông chỉnh sửa y phục rồi nắm lấy dây cương mà dắt ngựa đi. Có ngựa quý lại phải đi bộ, thật sự là chuyện khôi hài. Ông vừa đi vừa thở than:
- Vị phu nhân nọ tặng ta ngựa quý có ý tốt, hóa ra lại là hại ta phải dẫn theo nó mà đi. Đường vào trấn còn đến mấy chục dặm đường. Đi thế này đến tối vẫn chưa vào được cổng trấn! Than ôi! Tặng bảo mã cho văn nhân khác gì lấy ngọc quý đưa cho người mù!
Ông thở dài thườn thượt thêm mấy bận. Con hắc mã dường như trêu chọc hí vang trời ra chiều đắc ý. Văn Viễn phải vất vả lắm mới giữ được dây cương kìm lại. Bất chợt tiếng cười vang lên:
- Ngươi có ngựa lại không cưỡi mà dắt đi! Ngươi thật biết yêu thương ngựa!
Thì ra bà bà áo đen nọ đã ngồi bên vệ đường tự lâu theo dõi. Văn Viễn nghe biết ý châm chọc mình nên cười gượng gạo:
- Vãn bối thực sự chưa bao giờ cưỡi ngựa!
Bà bà áo đen lại nói:
- Ngựa tốt thường có thần tính lại không thích chủ tầm thường! Ngươi vừa leo lên ngựa chân đã kẹp chặt lấy hai bên hông! Con ngựa bị gò bó biết ngươi nhút nhát nên đã không thuần phục! Con Ô Phong Mã này lại là hạng tuấn mã quý nhất trong thiên hạ nên biết ngươi không có thuật hãn mã tốt thành ra trở chứng như vậy!