Vũ Điểm Cô Thiên Chương 21. Rể Quý Ngô Gia

Chương 21. Rể Quý Ngô Gia
Chừng nửa canh giờ sau, Văn Viễn liền thấy hàn nhiệt không còn bị ứ trệ, chạy theo kỳ kinh bát mạch thật sự là thông suốt hết.

Ông hít nhẹ mấy cái thử vận khí. Nội hàn liền tích tụ căng đầy tại các huyệt đạo khiến cơ thể không còn mệt mỏi. Văn Viễn cúi xuống nhìn thì thấy Ân Ân đã ngủ mất tự lúc nào, trên môi hồng đào còn điểm nụ cười mỉm ý nhị. Văn Viễn cười thầm:

- Cô nương này ngay lúc nguy khốn vẫn an nhiên mà ngon giấc được. Chắc cũng là một vị tiểu thư quen được chiều chuộng!

Văn Viễn ngửi trong gió liền giật mình kinh hãi:

- Kẻ nào? còn kẻ nào ở đây nữa?

Vốn ban đầu Văn Viễn chỉ chăm chăm đề phòng Lãnh Diện Lãng Ông. Bất chợt một cơn gió ngược thổi đến Văn Viễn mới biết còn có người đang ẩn mình cách đó không xa. Văn Viễn thầm nghĩ:

- Không biết y có thấy ta nấp trong hẻm đá này không? Nếu y đã ở đó từ lâu thì tất nhiên là thấy ta cùng Ân Ân nấp ở đây. Y không lên tiếng hoặc là sợ Lãnh Ông, không thì chỉ chờ Lãng Ông ra đi để một mình hưởng lợi. Hoặc giả y chỉ là người qua đường!

Văn Viễn đang lo lắng chưa biết làm thế nào thì Lãnh Diện Lãng Ông đã hô lớn:

- Bằng hữu sao lại lấp ló bên ngoài?

Người kia liền lên tiếng đáp:

- Chỉ là kẻ qua đường muốn tìm một góc nghỉ đêm. Không cần các hạ phải bận tâm chào hỏi! Các hạ cứ đi tìm hai con rùa nhỏ, chúng chạy không xa đâu!

Văn Viễn nghe hai con rùa nhỏ biết người kia hàm ý chỉ ông và Ân Ân thì đổ mồ hôi hột. Rõ ràng người kia từ đầu đã chứng kiến chuyện ông cùng Ân Ân trốn trong hẻm đá. Lãnh Diện Lãng Ông nghe đối phương đối đáp thì nói:

- Các hạ có biết hai con rùa nhỏ đó trốn ở đâu không? Ta đã tìm nhưng chưa tìm thấy!

Người kia liền khinh khỉnh đáp:

- Tại sao ta phải nói cho các hạ biết?

Lãnh Diện Lãng Ông cười gằn:

- Các hạ không nói cũng không được!

Người kia nghe vậy liền cười một tràng sảng khoái. Y nói lớn:

- Hay lắm! Hay lắm! Lâu rồi ta mới nghe được câu vừa tai. Hăm dọa rất hay. Hăm dọa rất hay. Ta cũng muốn xem các hạ bắt ta phải nói như thế nào?

Văn Viễn nghe giọng cười này liền nhớ ra:

- Hắn chẳng phải là tên Nhị Đường Chủ U Minh Cung Lạc.. Lạc cái gì đó sao?

Lãnh Diện Lãng Ông nghe đối phương nói vậy thì không cần kiêng nể. Lão nhằm hướng phát ra tiếng nói phóng liền mấy đợt ám khí. Lão là đại trưởng lão của Đường Môn Tả Khí thành thử xuất thủ mà tay chân không chút lay động. Người kia thản nhiên trong bóng tối chắp hai tay sau lưng ưỡn ngực ra đón đỡ. Y chờ ám khí của Lãnh Ông vừa tới thì khua tay một vòng bắt lây hết nhân tiện ném trả lại. Lượt ám khí sau bay đến bị mớ ám khí người kia ném trả đánh rơi hết xuống đất. Lãnh Ông xuất thủ thần tốc. Người kia bắt lấy ném trả cũng chính xác như đặt. Thật sự cả hai quả nhiên tám lạng nửa cân không hơn không kém.

Lãnh Ông hừ nhẹ:

- Thì ra có chút bản sự, thảo nào dám ngông cuồng!

Người kia cũng phóng vọt ra đứng ngay trên tảng đá mà Văn Viễn đang ngồi nấp đáp:

- Ra là trưởng lão Đường Môn! Chúng ta nước sông không phạm nước giếng, có phải ngươi muốn phá lệ!

Lãng Ông nhìn đối phương thân hình cao lớn mặc trường bào màu đen. Khuôn mặt giấu sau một chiếc mặt nạ quỷ đỏ như máu. Người kia đích thực là Nhị Đường Chủ U Minh Cung Lạc Tín Phủ. Lãnh Ông nhìn thân thủ đã biết họ Lạc không phải tay vừa nhưng lão nghe lời nói ngông cuồng thì gằn giọng đáp:

- Ta có phá lệ hay không cũng chưa đến lượt tiểu tốt như ngươi lên tiếng! Khôn hồn mau xéo đi!

Lạc Tín Phủ cười khà khà:

- Ngươi càng đuổi ta thì ta lại càng muốn ở lại!

Lãnh Diện Lãng Ông sa sầm nét mặt quát:

- Tự ngươi chuốc khổ!

Lạc Tín Phủ thấy lão ma động thủ liền cười hà hà:

- Hay lắm! Hay lắm! Để xem bản lãnh ngươi thế nào!

Lãnh Ông muốn một chiêu áp đảo nên vận đến tám phần công lực đánh chưởng thế nặng đến dời non lấp bể. Là Càn Khôn Hoán Thế Công, lão bỏ nửa đời luyện Ma Công Bí Pháp nên không cần bàn cũng biết đây là công phu tâm đắc nhất của lão. Tên họ Lạc tuy ngoài miệng ngông cuồng nhưng vẫn chủ tâm phòng bị. Thấy đối phương ra chưởng y liền tự phân nặng nhẹ mà tay phải xuất một chưởng đón đỡ.

Chỉ nghe ầm một cái, cả hai đều bị dư chấn hất văng ngược trở lại. Lãnh Ông thấy hai tay tê buốt liền trừng mắt:

- Thiết Thủ! Ngươi đứng thứ mấy trong Tứ Đại Đường Chủ U Minh Cung!

Lạc Tín Phủ đáp:

- Ta họ Lạc!

Lãnh Ông chau mày nghĩ ngợi liền giật mình:

- Ngươi...ngươi là Nhị Đường Chủ U Minh Cung?

Vốn năm xưa có lần Đường Môn xảy ra hiềm khích với U Minh Cung. Là một trận đại chiến ở núi Phong Tây. Đường Môn khi đó đem mấy trăm người vây kín phân đà của U Minh Cung. Hai bên chém giết hơn hai ngày vẫn không bên nào nắm được lợi thế bèn tự đề cử các trưởng lão ra đấu với nhau. Chính tên họ Lạc đã một mình dùng Thiết Thủ đánh bại trưởng lão Đường Môn. Hắn ra tay vừa nhanh vừa hiểm, không một kẻ nào chết được toàn vẹn thân thể. Lãnh Ông năm đó cũng một phen khốn đốn đành trơ mắt nhìn đồng môn chết thảm không thể làm gì. Lạc Tín Phủ cũng chực nhớ ra trận ác chiến năm xưa:

- Hóa ra là đại trưởng lão Đường Môn! Mấy năm không gặp thật sự đã có tiến triển. Lý thú lắm! Lý thú lắm!

Lãnh Ông nói:

- Ta chỉ muốn bắt hai con rùa nhỏ không muốn dây dưa với ngươi!

Họ Lạc cười đáp:

- Cứ tự nhiên! Nhưng xem ra kế ôm cây đợi thỏ của ngươi không dụ được hai con rùa xuất đầu lộ diện. Ta thích nhất là xen vào chuyện kẻ khác. Kẻ nào càng ngăn cản ta càng thích thú xen vào!

Lãnh Diện Lãng Ông nghiến răng ken két:

- Ngươi đừng ép người thái quá!

Lạc Tín Phủ cười khà khà đáp:



- Lão nếu đem tận mạng ra đánh chẳng qua cũng chỉ gây trọng thương cho ta. Nhưng nếu ta đem toàn lực ra đánh thì chưa chắc lão đã sống nổi. Ta giết lão, Đường Môn cùng lắm chỉ dám chửi rủa ngoài cửa miệng. Nhưng nếu lão đánh trọng thương ta, U Minh Cung nhất định sẽ làm cỏ Đường Môn. Nếu ta là lão tự khắc sẽ lùi một bước để giữ hòa khí!

Họ Lạc nói lời nào cũng toàn là cuồng ngôn. Lãnh Diện Lãng Ông nghe xong lửa hận bốc lên tận mặt. Lão nén giận suy ngẫm rồi quay lưng bỏ đi không đáp trả nửa lời.

Lúc này Lạc Tín Phủ mới nói lớn:

- Hai con rùa nhỏ còn không chịu chui ra?

Ân Ân đã thức dậy từ lâu. Nàng ta thấy họ Lạc chỉ một chưởng đã đẩy lùi Lãng Ông thì sợ hãi thì thầm hỏi:

- Hắn...chàng cũng bị hắn truy sát?

Văn Viễn khẻ đáp:

- Ta.. ta cũng không biết! Nhưng rõ ràng hắn đã biết chúng ta trốn ở đây rồi!

Ông thở dài bèn bế Ân Ân mà chui ra khỏi hẻm đá. Lạc Tín Phủ thấy vậy liền gật gù:

- Khá lắm! Cái kế dương đông kích tây gạt lão già kia cũng không phải là tệ. Ta rất sảng khoái. Ta chỉ cần lệnh ái của Du Ảnh Tử Ngô Ứng Bình, những kẻ không liên can có thể tự nhiên đi!

Ân Ân giật nảy người:

- Ta.. ta với hắn không thù không oán. Sao hắn lại nhè ta mà đòi bắt?

Văn Viễn cứ nghĩ họ Lạc đón lõng đường để bắt ông. Giờ nghe y đòi lệnh ái của Du Ảnh Tử gì đó liền ngẩn người. Du Ảnh Tử kia tên Ngô Ứng Bình thì lệnh ái của hắn tất nhiên phải mang họ Ngô. Rõ ràng người họ Lạc ám chỉ chính là Ân Ân. Lạc Tín Phủ dường như đã nhận ra Văn Viễn liền cười lớn ha hả. Y đến gần khom mình vái chào kính cẩn:

- Không ngờ lại gặp được ân công ở đây. Nếu biết là ân công thì vừa rồi ta không nên nhẹ tay với lão ma kia! 

Văn Viễn biết y còn cảm kích việc ông đã tận tình chỉ dẫn ở ngoài rừng mai của Mai Hoa Trang thì đã bớt mấy phần lo lắng. Văn Viễn cũng vòng tay cúi chào:

-  Không dám! Không dám! Tại hạ cùng cô nương này bị lão ma kia truy sát. May mà có Nhị Đường Chủ ra tay giúp đỡ!

Lạc Tín Phủ cau mày nhìn Ân Ân đang run lập cập sau lưng văn Viễn, hỏi:

- Không biết ân công với lệnh ái của Du Ảnh Tử quan hệ thế nào?

Văn Viễn tất nhiên không biết Du Ảnh Tử là ai. Ông đáp:

- Là bạn hữu! Không biết vì sao Nhị Đường Chủ lại muốn bắt cô nương này?

Lạc Tín Phủ nói:

- Là U Minh cung muốn mời lệnh ái của Ngô gia trang lưu lại bản cung mấy ngày!

Ân Ân run run đáp:

- Ta không quen ngươi, cũng không quen biết U Minh Cung. Ta..ta không đi. Có chết ta cũng không đi!

Văn Viễn lờ mờ đoán U Minh Cung hẳn đang tính toán ép Du Ảnh Tử gì gì đó nên cho người đón đường bắt thân thuộc để uy hiếp. Văn Viễn liền nói:

- Nhị Đường Chủ thân thủ hơn người sao lại phải ép buộc nữ nhân chân yếu tay mềm? Tại hạ...tại hạ...

Văn Viễn định nói cứng nhưng nhớ tới lần trước họ Lạc đã thị uy mà bẻ gãy hết xương vai mấy chục kẻ ngoài Mai Hoa Trang tự nhiên ớn lạnh không sao nên lời. 

Họ Lạc trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Người thì ta nhất định sẽ phải bắt đi. Nhưng ân công thì ta cũng sẽ không làm tổn hại! Được, ta sẽ đợi ân công đưa lệnh ái Du Ảnh Tử về Ngô gia trang. Sau đó ta sẽ ra tay. Như vậy là bắt người từ tay Ngô gia trang không phải từ tay ân công. Ân công cũng không khó xử. Ta cũng thuận tiện hành sự khỏi vướng mắc!

Văn Viễn biết y không muốn làm khó dễ ông tự nhiên trong lòng cảm kích. Ông định lên tiếng thì trong tai đã nghe mật âm truyền của họ Lạc:

- Ân công đến Ngô gia nên cẩn thận! Ta thấy tên Du Ảnh Tử kia cũng không phải hạng tốt lành gì! Ta sẽ bên ngoài Ngô gia trang, đợi ân công đi rồi mới ra tay!

Văn Viễn khẻ gật đầu. Lạc Tín Phủ liền thản nhiên ngó lơ đi chổ khác. Văn Viễn biết ý vội cõng Ân Ân trên lưng mà chạy thẳng. Có họ Lạc đoạn hậu nên không cần phải sợ hai lão ma thừa cơ đuổi theo sau. Ân Ân cứ ôm chặt lấy cổ Văn Viễn. Chờ khi đi được hơn mười dặm, nàng ta mới nói:

- Chàng làm sao lại quen được người của U Minh Cung?

Văn Viễn cười gượng gạo đáp:

- Chỉ là ta vô tình giúp hắn một vấn đề nan giải!

Ân Ân nói:

- Thảo nào ta thấy hắn rất mực cung kính với chàng!

Văn Viễn hỏi:

- Nàng là con gái của Du Ảnh Tử Ngô Ngô.....gì đó?

Ân Ân đáp:

- Cha là Du Ảnh Tử Ngô Ứng Bình ngoại hiệu Nam Hiệp. Môn khinh công ta dạy chàng vừa rồi là Du Ảnh Biến, là tuyệt học nhất mạch đơn truyền của Ngô gia. Nếu như khi ta về đến nhà, cha ta không chịu thì sẽ bắt chàng phế bỏ khinh công đó!

Nàng nói hai má ửng đỏ. Nhất mạch đơn truyền có nghĩa không phải người họ Ngô thì không thể truyền thụ được. Ân Ân hàm ý muốn Văn Viễn cầu thân để có thể thành người của Ngô gia. Ngờ đâu Văn Viễn nào hiểu tâm ý. Ông nghe vậy liền đáp:

- Chỉ là khi nguy biến nên nàng mới phải dạy cho ta. Về đến Ngô trang không cần cha nàng phế bỏ thì ta cũng không thể dùng được. Ta chỉ nhờ phát độc nên trong người mới có nội lực mà thi triển. Chỉ cần qua khỏi tuần trăng ta sẽ lại là người thường!

Ân Ân nghe ông nói tự nhiên cụt hứng liền nổi giận đánh ông liên hồi:

- Cái chàng này chỉ được lúc nguy khốn, thường ngày vẫn chỉ là chàng khờ!

Văn Viễn tự nhiên bị mỹ nhân đánh mắng không hiểu vì sao đành im lặng cúi đầu mà chạy, bụng than thầm:

- Ta..ta có làm gì đâu?

Ân Ân đánh mắng một hồi cũng mõi mệt mà ngủ gục trên lưng Văn Viễn. Văn Viễn lại không dám ngơi nghỉ cứ theo hướng nàng chỉ chạy đến trời sáng thì đã thấy  đường cái lớn. Ông vòng vèo thêm nửa canh giờ thì đến trước  một trang viện rộng lớn đề ba chữ Ngô Gia Trang. Văn Viễn dừng lại thở dốc. Ông nhìn bề ngoài đồ sộ liền ước thầm trong bụng so với Mai Hoa Trang chỉ có hơn chứ không kém. Ân Ân cũng đã tỉnh dậy đang ngáp dài ngáp ngắn trên lưng Văn Viễn.

Văn Viễn liền nói:

- Không ngờ Ngô Gia Trang lại là trang viện lo lớn thế này!

Ân Ân vênh mặt lên đắc ý:

- Nhà họ Ngô của ta vốn là một thế gia. Chàng khờ này đã thấy trang viện nào to lớn như Ngô Gia chưa?

Văn Viễn thật thà đáp:

- Ta đã gặp rồi!

Ân Ân nghe vậy liền xụ mặt xuống:

- Cái chàng này chỉ giỏi làm người khác mất hứng!

Văn Viễn chưa kịp đáp thì cửa trang viện lập tức mở rộng. Một lão bá chừng ngoài sáu mươi thong thả đi ra. Lão thấy Ân Ân liền vội vàng đến gần hớn hở:

- Tiểu thư! Tiểu thư đã về!

Ân Ân ngượng đỏ mặt liền nhảy xuống khỏi lưng Văn Viễn. Nàng ta cao giọng:

- Chu tổng quản, cha mẹ ta đâu rồi?

Chu tổng quản cung kính đáp:

- Trang chủ cùng phu nhân đang ở phòng khách dùng buổi sáng!

Văn Viễn nhìn Ân Ân đi lại nhanh nhẹn như sáo thì biết nàng ta chân đã lành lặn từ lâu. Ông nghĩ thầm:

- Cô nương này thật khéo đóng kịch mà hành hạ ta!

Ân Ân lại nói tiếp:

- Chu tổng quản, vừa rồi ông có thấy gì không?

Chu tổng quản mấy chục năm nhìn sắc mặt người mà sống nên hiểu ý. Lão biết tiểu thư không muốn chuyện kề cận nam nhân lạ mặt bị nhiều người biết. Lão liền làm bộ ngơ ngác nói:

- Lão có tuổi nên mắt kém, chỉ thấy tiểu thư một mình một ngựa mà đi về. Không biết vị công tử này có phải chỉ là khách ngang qua bổn trang?

Ân Ân nghe lão đối đáp ưng bụng bèn kéo Văn Viễn vào trang:

- Cái chàng khờ này còn không chịu vào sao?

Văn Viễn chưa kịp vái chào Chu tổng quản thì đã bị Ân Ân lôi vào bên trong. Ngô gia bao đời là trang viện dạy võ thành thử bài trí uy nghiêm vô cùng. Tượng đá, giả sơn theo lớp lang thứ tự mà bày biện không chút lộn xộn. Văn Viễn đi chừng mấy chục bước đã nghe bên trái tiếng hò hét của gần một trăm người đang luyện võ. Kẻ nào cũng đứng một chân trên cọc cao không ngừng múa quyền. Văn Viễn nhìn ai ai cũng cơ bắp lực lưỡng toàn thanh  niên khỏe mạnh. Ân Ân thấy Văn Viễn sửng sốt trước cơ ngơi của Ngô gia thì thích chí lắm. Nàng ta nắm tay lôi Văn Viễn đi vào một biệt viện bên trái. Nơi này lại trang trí tao nhã, vừa có vườn hoa ngào ngạt vừa có cầu gỗ bắt ngang dọc, lại có thêm một căn thủy tạ ngay giữa hồ cá rộng.

Ân Ân liền hỏi:

- Chàng có thích nơi này không?

Văn Viễn vốn là văn nhân ưa họa cảnh ngâm thơ thành ra gật gật đầu đáp:

- Nơi này rất tao nhã. Thật là khéo xây dựng!

Ân Ân dẫn Văn Viễn đến căn thủy tạ giữa hồ rồi nói:

- Chàng cứ ở đây! Để ta tìm cha mẹ ta xong sẽ đến gặp chàng! Chàng liệu bề mà tính toán!

Văn Viễn nhìn Ân Ân càng nói hai má cứ càng ửng hồng thì lại không biết ông cần tính toán chuyện gì. Ân Ân thẹn quá vội vàng quay lưng đi. Văn Viễn riêng chuyện hiểu tâm ý người khác thật sự không có chút tiến triển nào.

Văn Viễn nhìn trời ngắm mây một hồi mới liếc thấy trên bàn đá đặt giữa ngôi thủy tạ có để một chiếc đàn. Ông cả đêm cõng Ân Ân chạy đến cuồng chân nên đã thấm mệt. Văn Viễn liền ngồi xuống so dây. Ông hít thở mấy hơi khoan khoái rồi chậm rãi đánh đàn. Là một khúc nhạc trong kỳ phổ của Cầm Điệp Cuồng Sinh. Văn Viễn thấy trong người lập tức khỏe mạnh như người bệnh được ngủ một giấc dài tỉnh dậy.

Văn Viễn liền lẩm bẩm:

- Không đúng! Đây chỉ là cây đàn thường không phải là ngọc cầm của Cầm Điệp Cuồng Sinh. Tại sao khúc nhạc vẫn có tác dụng?

Văn Viễn suy ngẫm một hồi liền hiểu ra. Vốn Cầm Điệp Cuồng Sinh không hề có nội công nên muốn phát huy tinh hoa trong kỳ phổ thì phải cần có đàn ngọc. Riêng ông trong thân đã có sẳn mấy chục năm nội công do hàn độc bộc phát. Thành thử dù chỉ là đánh một cây đàn tầm thường vẫn không khác gì đang  đánh ngọc cầm.

Văn Viễn thống chí cười mừng hớn hở. Ông cao hứng lại lôi khúc Bách Lạc Phong của Tào Thực ra mà dạo đàn. Họ Tào đương thời thoái chí thường xuyên rượu chè. Trong một phút cao hứng giữa tiết lập đông, Tào Thực đã viết nên khúc Bách Lạc Phong truyền lại cho đời sau. Khỏi nói cũng biết âm điệu thoải mái phóng túng như thế nào. Văn Viễn thường ngày không bao giờ dám đánh khúc nhạc này vì không thể lột tả được hết tinh hoa của Bách lạc Phong. Nay vừa trải qua một đêm đầy tai kiếp lại tự nhiên giữa cảnh trời nước hữu tình cao hứng liền phóng tay theo nhạc mà khảy.

Văn Viễn ở Ứng Kê thường được bạn hữu xưng tụng là Ưng Kê Tứ Tuyệt. Nhiều kẻ không biết tưởng chỉ là ám chỉ cầm nghệ của ông. Thật sự Văn Viễn cả cầm kỳ thi họa đều được liệt vào hạng tài danh hiếm có. Tuy nhiên Ứng Kê chỉ là biên đồn không phải thị tứ náo nhiệt. Thành thử thường ngày chỉ có tài đánh đàn của ông là phát lộ. Ông mấy lần định dọn đến các trấn lớn để đua cầu danh lợi. Nhưng ngẫm lại vẫn thấy không đâu hơn vùng thảo dã thành thử cũng có thể xem là một kẻ cầu an ở ẩn.

Bất chợt có tiếng vỗ tay sau lưng khiến Văn Viễn giật mình ngoái nhìn lại. Chỉ thấy một vị phu nhân chừng đã hơn năm mươi, khuôn mặt phúc hậu đang đứng cười ôn nhu nói:

- Tiếng đàn thật hay! Chỉ là một cây đàn bình thường vẫn có thể trỗi được những cung âm diễm tuyệt như vậy thật sự là kỳ nhân hiếm có!

Văn Viễn vội vàng đứng dậy chỉnh trang y phục rồi vái chào:

- Vãn bối không dám nhận! Chỉ là một chút cao hứng đã phá mất sự yên tĩnh của phu nhân. Mong phu nhân lượng thứ!

Phu nhân nọ nhìn ông mấy lượt liền gật đầu ra vẻ ưng bụng:

- Ngươi tên gọi là gì?

Văn Viễn liền đáp:

- Tại hạ họ Phùng tên Văn Viễn, người ở Ứng Kê!

Phu nhân nọ thấy ông cử chỉ đường hoàng ra dáng văn nhân lại càng thêm thích chí nói:

- Xem ra Phùng công tử là kẻ biết nhiều chữ nghĩa. Kẻ biết nhiều chữ nghĩa nhưng phụ bạc thì trong đời ta thấy đã nhiều. Kẻ biết nhiều chữ nghĩa lại trọng tình thì ta không thấy được mấy người. Quý lắm! Quý lắm!

Văn Viễn liền cúi đầu luôn miệng nói không dám. Ông hỏi:

- Vãn bối mới tới quý trang không thông thuộc quy tắc. Không biết phải xưng hô với phu nhân như thế nào?

Phu nhân kia đáp:

- Ân Ân không nói cho ngươi biết sao? Ta chính là mẹ của nha đầu bướng bỉnh đó!

Văn Viễn nghe vậy có chút hơi giật mình liền đáp:

- Vãn bối chỉ vừa mới có duyên gặp được Ân Ân nên vẫn chưa nghe nàng kể về gia thế!

Ngô phu nhân nghe ông nói vậy liền che miệng cười ý nhị:

- Đã gọi bằng Ân Ân! Đã gọi bằng Ân Ân! Chắc hẳn cũng đã thâm tình!

Văn Viễn ngơ ngác còn chưa hiểu thì Ngô phu nhân đã quay lưng thong thả nói:

- Ngươi mau theo ta vào trong!

Văn Viễn không dám do dự liền lẻo đẻo đi theo Ngô phu nhân. Trên đường đi gặp không biết bao nhiêu kẻ hầu người hạ. Kẻ nào thấy cũng đều dừng lại cúi chào rất trịnh trọng. Văn Viễn lần đầu tiên được đến trang viện phú hộ nên lòng có chút bất an lo lắng. Chừng nguội một chén trà Ngô phu nhân đã dẫn ông đến trước một gian phòng lớn. Bà ta đẩy cửa bước vào. Bên trong chừng ba bốn người đã ngồi sẳn chờ đợi.

Văn Viễn nhìn thấy Ân Ân mặt đỏ như gấc đang đứng cạnh một người chừng sáu mươi mặt vuông trán lớn. Người này thân hình quắc thước tóc điểm sợi bạc, râu rồng tua tủa. Văn Viễn thấy Chu tổng quản cũng đang đứng hầu sau lưng nên đoán người này chắc là Du Ảnh Tử Ngô Ứng Bình. Văn Viễn chưa kịp vái chào thì thanh niên ngồi cạnh đó liền bật dậy tiến lại gần. Thanh niên này đi đi lại lại ngắm nghía Văn Viễn rồi lại tiện tay xoa vai bóp tay ông, đầu cứ gật gù lia lịa. Ngô phu nhân ngồi xuống bên cạnh phu quân mà nói:

- Là một văn nhân rất biết giữ lễ, ăn nói lại vừa tai. Quý lắm! Quý lắm! Ngô gia cũng nên có một văn nhân. Để toàn đám võ phu suốt ngày chỉ nghe hò hét quyền cước đến nhức đầu nhức óc!

Du Ảnh Tử Ngô Ứng Bình nghe vậy biết lòng phu nhân đã vừa ý nên cũng thích chí cười mỉm. Thanh niên kia sau một hồi ngắm nghía sờ nắn liền quay lại nói:

- Cốt cách rất tốt, nếu chịu khó rèn luyện thì có thể đào tạo được. Con nha đầu này đã đem về một em rể quý!

Ân Ân ngượng đến đỏ hồng khuôn mặt như trái đào chín tới. Văn Viễn nghe mấy từ em rể quý lòng có chút hoảng liền lắp bắp:

- Tại hạ...vãn bối...

Thanh niên kia liền nói:

- Tại hạ vãn bối cái gì. Khỏi khỏi chào hỏi! Ta là Ngô Kế Xương. Kia là thân phụ của ta Du Ảnh Tử Ngô Ứng Bình. Kia là mẹ ta ngươi cứ gọi là Ngô phu nhân. Chu tổng quản chắc ngươi đã biết. Còn nha đầu Ân Ân thì ngươi muốn gọi thế nào tùy thích!

Ngô Kiến Xương vốn là kẻ học võ nên không màng lễ nghĩa cứ kể vanh vách từng người trong phòng xong liền cười ha hả đắc ý. Chàng ta quay lại phía Ân Ân không ngừng xoa tay:

- Con nha đầu này cuối cùng cũng có thể đem được hỷ sự về. Phận đại ca như ta thấy rất vui. Ta nhất định sẽ chọn một món quà thật lớn để tặng!

Ân Ân cứ cúi đầu ngượng ngùng lí nhí cảm tạ. Ngô Ứng Bình thong thả nói:

- Ta nghe Ân Ân nói đã truyền thụ Du Ảnh Biến cho ngươi?

Văn Viễn liền cúi người vái lễ đáp:

- Ân Ân cô nương lúc nguy cấp đã có truyền cho vãn bối!

Ngô Ứng Bình nói:

- Vậy ngươi mau thi triển cho ta xem. Chu tổng quản sẽ đấu với ngươi mấy đường!

Chu tổng quản bước nhanh ra đứng đối diện với Văn Viễn rồi chấp tay:

- Mong công tử nương tay!

Văn Viễn liếc thấy Ân Ân đôi mắt sáng rỡ chờ đợi thì chỉ biết thở dài trong lòng mà vái lễ:

- Mong Chu tổng quản chỉ giáo!

Ông lẩm nhẩm nhớ lại khẩu quyết rồi vận nội hàn luân chuyển tuần tự theo các huyệt đạo. Trong một chốc cả gian phòng tự nhiên có gió se se lạnh. Văn Viễn đảo bộ qua lại thân hình chỉ mờ mờ ảo ảo không sao trông rõ được. Chu tổng quản không kiêng nể ra quyền thật lực hơi gió vù vù. Ban đầu Văn Viễn còn lúng túng chút nữa đã nguy khốn. Dần dần ông bĩnh tĩnh cứ theo đúng khẩu quyết vận công. Chu tổng quản đánh một chút đã hơn hai mươi quyền nhưng không quyền nào trúng được Văn Viễn. Ân Ân cứ vỗ tay hò reo cổ động. Ngô Ứng Bình cứ vuốt râu gật gù tâm đắc.

Chu tổng quản đánh hơn năm mươi quyền vẫn không làm được gì Văn Viễn liền thu đòn. Văn Viễn chắp tay hành lễ:

- Đa tạ tổng quản đã nhường!

Chu tổng quản đáp:

- Không phải lão hữu nhường, là công tử thân thủ bất phàm mà thôi!

Du Ảnh Tử Ngô Ứng Bình liền hét lớn:

- Tiểu tử! Nhìn đây!

Văn Viễn vừa ngước nhìn theo thì Ngô Ứng Bình chỉ còn là làn khói mờ ảo. Ông giật thót người khi thấy họ Ngô đã đứng sau lưng tự lúc nào. Rõ ràng là Du Ảnh Biến nhưng hỏa hầu cao hơn Văn Viễn rất nhiều. Ngô Ứng Bình vỗ vỗ vai Văn Viễn nói:

- Khá lắm! Khá lắm! Chỉ trong một đêm mà Chu tổng quản đã không thể làm gì được ngươi thì quả nhiên kỳ tài. Ta đây tự cho là hậu nhân kiệt xuất mấy trăm năm của Ngô gia vẫn phải rèn luyện mười năm mới được như ngươi. Thật sự con nha đầu đã đem một hỷ sự về cho ta!

Văn Viễn nghe người nào của Ngô gia cũng đều nói ông chính là hỷ sự mà Ân Ân mang về thì có chút khó hiểu. Ông bạo gan định mở miệng hỏi thì Ngô Ứng Bình đã quay ra ngoài cửa nói lớn:

- Các người cũng đã thấy rồi đó! Xem như ta không cần phải có câu trả lời!

Văn Viễn ngơ ngác nhìn ra thì thấy một lão già ốm tong ốm teo đang hầm hầm nét mặt. Cạnh lão già là mấy tên ăn vận ra dáng công tử thế gia. Tên nào nhìn Văn Viễn cũng như muốn ăn tươi nuốt sống. Văn Viễn chưa hiểu cớ sự gì bèn đứng qua một bên không dám lên tiếng. Ngô phu nhân bước đến cầm lấy tay Văn Viễn dắt đến chiếc ghế cạnh bà ta mà ngồi xuống. Ngô Ứng Bình cũng yên vị bên cạnh phu nhân. Văn Viễn ngầm hiểu Ngô phu nhân hành xử như vậy có nghĩa là xác định ông đã thành người của Ngô gia. Văn Viễn hiểu ra liền đổ mồ hôi hột:

- Không xong rồi! Bọn họ luôn miệng nói ta là hỷ sự. Chẳng phải... chẳng phải có ý ta đã thành con rể nhà họ Ngô đó sao?

Lão già ốm tong cùng mấy công tử kia vội vã bước vào trong mà hỏi dồn:

-  Ngô trang chủ xin giải thích cặn kẻ!

Ngô Ứng Bình đáp:

- Du Ảnh Biến của Ngô gia là nhất mạch đơn truyền. Ngô Kế Xương, Ngô Ân Ân là con ta, ta đã truyền thụ. Nay Ân Ân truyền cho đại công tử họ Phùng, tất nhiên Phùng đại công tử đã thành rể quý của Ngô gia. Con gái đã chọn. Phận làm cha như ta tất nhiên không phải phản đối. Mong các vị mang lễ vật đi về. Ngày đại hôn ta nhất định sẽ gởi thiệp!

Ngô trang chủ cao hứng nên gọi luôn Văn Viễn là Phùng đại công tử. Văn Viễn nghe đại lễ tiệc cưới rồi lễ vật thì mồ hôi cứ ra ướt áo như tắm. Ông than trời:

- Vậy là đã rõ. Lão già cùng mấy công tử kia đem sính lể đến cầu hôn. Ta lại thành rể quý của Ngô gia. Hỏi làm sao những người kia không hận ta cho được!

Lão già ốm tong teo liếc nhìn Văn Viễn rồi khinh khi nói:

- Lẻ đời phụ mẫu quyết định cho con cái, chưa nghe con cái tự qua mặt song thân mà quyết định. Ngô trang chủ nói vậy có phải khinh thường Hoa Gia Trang sính lể thô thiển?

Lão là tổng quản nhà họ Hoa, nhìn Văn Viễn cùng lắm chỉ là văn nhân trói gà không chặt nên không thèm để vào trong mắt. Mấy tên công tử Hoa gia nhìn Văn Viễn liền cười rộ lên:

- Chỉ là một tên đầy chữ nghĩa. Ngô gia bao đời toàn anh tài võ học rước lấy của nợ này không sợ ảnh hưởng đến tiếng tăm trên giang hồ hay sao?

Ngô phu nhân cau mày. Bà cầm lấy một chiếc tách rồi phất tay một cái. Chiếc tách cứ nhè huyệt Thanh Trì nơi khóe miệng các vị công tử của Ngô gia mà đánh tới. Bay vừa đủ nửa vòng tròn liền quay về lại tay Ngô phu nhân. Thủ pháp nhanh nhẹn đến thần tốc. Văn Viễn chưa kịp thán phục thì năm vị công tử nhà họ Hoa đã ôm lấy miệng kêu đau đớn. Ngô phu nhân từ tốn nói:

- Chổ trưởng bối nói chuyện các ngươi dám nói leo vào? Không phân lớn nhỏ. Phùng đại công tử đây đã thành con rể nhà họ Ngô. Tên nào dám miệt thị thì coi chừng cái mạng!

Ngô phu nhân nói năng chậm rãi nhưng sắc mặt nghiêm nghị tự nhiên có thần uy. Đừng nói mấy vị công tử nhà họ Hoa, đến Văn Viễn cũng thấy sợ hãi. Văn Viễn than thầm trong bụng:

- Sao các vị tiểu thư phu nhân ta gặp không có ai hiền vậy?

Mấy vị công tử im lặng không dám lên tiếng. Hoa tổng quản ngẫm nghĩ rồi nói:

- Ngô Gia Trang cùng Hoa Gia Trang cũng đều là thế gia. Con cháu đời sau kẻ nào cùng dùng võ lập thân. Ta thấy chi bằng cứ cho đôi bên tỷ thí một trận. Là tỷ võ định thân. Ngô Trang Chủ sau này cũng không phải sợ điều tiếng giang hồ nói có lòng tư ái!

Lão thấy Văn Viễn chỉ là văn nhân nên muốn tỷ thí để làm bẽ mặt họ Ngô. Ngô trang chủ nghe vậy làm như đang đắn đo mà truyền âm vào tai Văn Viễn:

- Con rể quý! Ngươi đấu với mấy tên công tử Hoa gia nắm được mấy phần thắng thế?

Văn Viễn nghe Ngô Ứng Bình gọi bằng con rể quý thì mếu máo không biết nên cười hay khóc. Ông vận công bắt chước truyền âm đáp lại:

- Vãn bối...vãn bối không biết!

Vừa lúc đó Ngô phu nhân cũng truyền âm nói:

- Con rể quý đừng sợ! Mấy tên công tử kia chỉ là ba cái thế mèo cào không đáng lo ngại. Chỉ là Ngô Công Bí Lục bọn chúng luyện cũng đã mấy phần hỏa hầu!

Ngô trang chủ truyền âm lại nói:

- Không phải lo. Ngô Công Bí Lục chí cương chí dương sợ nhất các môn nội công thuần âm. Trong người con rể quý của chúng ta đã có nội lực âm hàn. Con rể quý cứ tận lực thi đấu. Có nhạc phụ nhạc mẫu ở đây ngươi đừng lo thiệt thòi!

Văn Viễn nghe phu phụ Ngô trang chủ kẻ tung người hứng hết con rể quý lại thành nhạc phụ nhạc mẫu thì chỉ biết than thầm trong bụng. Ân Ân lúc này liền điềm nhiên bước đến khoác lấy tay ông mà thì thầm:

- Chàng cứ đánh bọn chúng, dầu chàng có bại thì muội vẫn là người họ Phùng!

Nguồn: truyen8.mobi/t113685-vu-diem-co-thien-chuong-21-re-quy-ngo-gia.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận