Văn Viễn ngủ một giấc say đến gần trưa hôm sau mới thức dậy. Ông vươn vai mấy cái liền nhảy xuống khỏi thân cây. Văn Viễn theo lối cũ mà đi lại vào thành Hàng Châu. Ông dùng khinh công chạy một lúc đã thấy nội thành ở trước mặt. Văn Viễn không thấy những người đói khổ tụ tập thì lấy làm lạ. Ông đoán chừng quan tổng đốc chắc đã mở kho cứu tế nên bọn người kia đã kéo đi hết.
Văn Viễn nghe trong bụng sôi sùng sục thì tấp vào một quán ven đường gọi thức ăn. Ông ngồi chưa yên chỗ đã nghe bàn bên cạnh đang có mấy người lao xao bàn tán. Văn Viễn nghe tiếng được tiếng mất nên cũng không hiểu cớ sự gì. Tên tiểu nhị thấy vậy liền nói:
- Nhìn ngài chắc là ở nơi khác đến!
Văn Viễn đáp:
- Quả thật như vậy! Không biết những người kia đang bàn tán chuyện gì!
Tên tiểu nhị liền đáp:
- Chuyện động trời vừa xảy ra ở Hàng Châu ngài không nghe thấy hay sao? Quan tổng đốc trong một đêm huy động hết sáu ngàn quân đến sửa sang con đê bị vỡ ở hai huyện Cao Lâm, Tịnh Đường. Tổng đốc đại nhân sau đó còn mở kho cứu tế. Tuy nhiên điều kinh thiên động địa nhất là sáng hôm nay, tổng đốc đại nhân đã treo ấn giữa sảnh đường trong phủ mà từ quan. Đi đâu thì không có ai biết!
Văn Viễn đoán tổng đốc đại nhân đã thỏa được khối tình si nên không còn thiết tha quan trường hỗn tạp. Ông ta nhất định đã dẫn Tử Hoa mà phiêu bạt thiên nhai tìm nơi ẩn mình. Văn Viễn thấy tổng đốc đại nhân trước khi từ quan vẫn còn hết sức chỉnh trang đê điều cứu tế thì càng khâm phục. Phàm đã ở ngôi cao danh vọng lâu mà trong một ngày có thể dễ dàng từ bỏ như quan tổng đốc, cổ kim rất hiếm.
Văn Viễn ăn uống vội vàng rồi hỏi tên tiểu nhị đường đến Thính Vũ Đài. Tên tiểu nhị tốt bụng chỉ dẫn vô cùng cặn kẽ. Văn Viễn liền lấy tờ ngân phiếu một ngàn lượng vàng ra đưa cho hắn. Hắn lập tức gãi đầu gãi tai mà nói:
- Khách quan chỉ ăn uống mất chưa đến hai lượng bạc! Ngài đưa như thế này thật sự làm khó tiểu nhân!
Văn Viễn liền hiểu quán nhỏ không thể đổi đâu ra được một ngàn lượng vàng. Ông vốn định dùng số ngân lượng mười ngàn lượng vàng của tổng đốc đại nhân mà cứu tế. Nay chuyện cứu tế cũng đã được quan tổng đốc lo. Ông cũng không biết dùng số ngân lượng lớn này làm gì. Ông thấy tên tiểu nhị này thật thà liền nói:
- Số còn dư coi như ta tặng cho ngươi đã chỉ đường cho ta!
Tên tiểu nhị vỗ tai mấy cái cứ ngỡ mình đang nghe lầm. Hắn thấy Văn Viễn tỉnh bơ đi ra khỏi quán mới biết là thật liền chạy theo sau dập đầu quỳ lạy, miệng tạ ơn rối rít. Trong đời hắn cần cù phục vụ có lẽ không ngờ mở miệng chỉ dẫn mấy câu đã thành ra được số ngân lượng lớn đến như vậy.
Văn Viễn theo lời tên tiểu nhị đi lòng vòng qua các phố sầm uất quả nhiên đã đến được Song Minh Các. Ông mừng rỡ định đến Vọng Nguyệt Lâu để hội ngộ bà bà thần tiên cùng Ác Ma Song Tẩu. Tuy nhiên nhớ lại lời nhờ cậy của Phan Khôi Diện, Văn Viễn liền đến Thính Vũ Đài trước.
Song Minh Các này được xây dựng bề thế trên hai mẫu vuông chia làm ba khu riêng biệt. Ở giữa là dành cho hạng thực khách trung lưu. Bên trái có một gác cao hơn mười tầng quay về hướng Tây gọi là Vọng Nguyệt Lâu. Bên phải lại có một đài lớn gọi là Thính Vũ Đài. Văn Viễn vừa bước vào đã nhờ tên tiểu nhị đưa đến Thính Vũ Đài. Tên chưởng quầy nghe vậy liền bước ra vái lễ, nói:
- Thông lệ khách lên Thính Vũ Đài phải bỏ ra trăm lượng vàng để làm lễ!
Văn Viễn nghe chỉ bước chân lên chưa kịp ăn uống mà phải bỏ ra trăm lượng vàng, đoán chừng nơi đây tất nhiên có điểm đặc sắc khác thường. Ông nhẩm cái tên Thính Vũ Đài vô cùng tao nhã nên bài trí nhất định sẽ thoát tục thành ra không do dự. Văn Viễn lấy trong người một tờ ngân phiếu ngàn lượng. Tên chưởng quầy thấy ngân lượng thì biết khách có tiền của dư dả. Hắn cười giả lả cầu tài nhận lấy mà nói:
- Không biết khách quan có muốn qua đêm ở tệ quán?
Văn Viễn đáp:
- Ta còn muốn sang Vọng Nguyệt Lâu gặp bạn hữu, chắc sẽ qua đêm!
Lão chưởng quầy nói:
- Vậy tiểu nhân xin giữ ngân lượng của ngài ở đây. Ngài cứ thoải mái ăn uống thăm viếng bạn hữu. Xong xuôi có thể xuống quầy mà lấy lại tiền thừa!
Văn Viễn thấy như vậy cũng tiện lợi liền ưng ý.
Tên tiểu nhị được lão chưởng quầy ngầm ra hiệu thì niềm nở tươi cười lấy lòng Văn Viễn. Hắn dắt ông theo hành lang bên phải mà đi.
Hóa ra Thính Vũ Đài đúng như tên gọi là nơi để nghe tiếng mưa. Cứ mỗi một tầng đài, hàng hiên đều chuẩn bị rất nhiều chén bạc lớn. Nước từ trên cao nhỏ giọt xuống kêu những tiếng tinh tang như nhạc điệu. Các chén này càng lên cao càng được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau nên âm thanh lại nghe khác nhau. Ba tầng dưới chén được làm bằng bạc. Ba tầng tiếp theo lại được làm bằng vàng. Lên trên cao chén lại được làm bằng ngọc bích. Văn Viễn đi một hơi lên chín tầng đài Thính Vũ nhưng không thấy mõi mệt. Ông nghe âm thanh phát ra thấy tinh thần sảng khoái thư thái vô cùng.
Văn Viễn gật đầu lẩm bẩm:
- Thảo nào khách bước chân lên đây phải đưa trước trăm lượng vàng. Trăm lượng vàng để nghe được âm điệu tao nhã như vậy quả nhiên là còn rẻ!
Văn Viễn chọn một chiếc bàn được kê sát hành lang mà ngồi. Ông gọi rượu thịt rồi nhờ tên tiểu nhị chuẩn bị cho bút mực cùng một khuôn giấy lớn. Tên tiểu nhị đã quen việc quan khách đến đây cao hứng mà làm thơ phú nên nghe Văn Viễn đòi giấy mực hắn không lấy làm lạ.
Tên tiểu nhị lui xuống. Lát sau hắn cùng một tên tiểu nhị khác bê rượu thịt đặt trên bàn, còn đặt thêm một khuôn giấy lớn có nguyên giá đỡ. Văn Viễn nghe mùi biết rượu hảo hạng. Ông uống mấy ly liền luôn miệng khen tấm tắc. Những thực khách gồi gần đó thấy ông mài mực chắc bụng là sẽ vẽ tranh hoặc làm thơ gì đó. Bọn họ nghĩ Văn Viễn dám đến nơi sang trọng mà trổ tài thi họa thì tất nhiên phải hơn người. Bọn họ liền chăm chú chờ đợi.
Văn Viễn mài mực xong theo lời của Phan Khôi Diện mà viết chữ. Ông tuy không cẩn trọng chăm chút nhưng vì quen thảo pháp thành ra chữ viết rất đẹp. Đám thực khách thấy ông viết câu trên một bàn tay có năm ngón dài ngắn rồi đem lồng vào khung treo lên thì ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì. Nhưng bọn họ thấy nét chữ thanh tú liền tấm tắc khen không ngớt. Có mấy văn nhân đứng dậy mời rượu. Văn Viễn liền vái tay đáp lễ rồi cũng nâng ly uống cạn.
Ông nhớ lại lời Phan Khôi Diện thì thầm đoán câu hắn nhắn gởi lại có ẩn ý bên trong. Văn Viễn nghĩ một hồi rồi lẩm bẩm:
- Hắn nói hắn tin người nên mới bị ám hại, còn để lại câu bàn tay có năm ngón dài ngắn không phải ám chỉ trong Hoa Sơn Thất Hiệp có kẻ làm phản ám hại đồng môn hay sao?
Văn Viễn phỏng đoán nhất định Phan Khôi Diện có hẹn với ai đó ở Thính Vũ Đài. Không may hắn bị ám hại dọc đường nên không thể tới phó hội. Văn Viễn nghĩ thầm:
- Hoa Sơn Thất Hiệp đều bị thiên hạ truy sát chắc chắn Phan Khôi Diện không tự tiện hẹn người ngoài. Nhất định người hắn hẹn phải là một người trong Hoa Sơn Thất Hiệp. Hắn nhờ ta viết câu này treo lên để nhắc người kia đề phòng coi chừng bị hại!
Văn Viễn liếc mắt ngang dọc nhìn thực khác xung quanh. Nếu không phải công tử nhà thế phiệt cũng là văn nhân đang say sưa thi họa, nhìn không ai ra dáng là kẻ học võ. Văn Viễn nhìn ngó một hồi liền tự nói:
- Trong Hoa Sơn Thất Hiệp ta chỉ biết có Ngọc Thủ Trần Quang, Sầu Thiên Thu. Ví như trong bọn người này có ai đó nằm trong Hoa Sơn Thất Hiệp, ta cũng không sao biết được!
Văn Viễn nghĩ vậy nên thản nhiên mà uống rượu.
Văn Viễn vừa uống vừa quan sát vẫn không thấy trong đám thực khách xung quanh có biến chuyển gì khác lạ. Hơn nửa canh giờ trôi qua vẫn không có động tĩnh gì, Văn Viễn nghĩ nếu người mà Phan Khôi Diện hẹn gặp đã tới không thấy hắn mà thấy dòng chữ kia thì nhất định đã bỏ đi. Nếu không bỏ đi cũng không dại dột lộ mặt cho mọi người thấy. Văn Viễn bèn không nghĩ đến nữa. Ông gọi tiểu nhị đem thêm một bình rượu khác.
Lát sau tên tiểu nhị liền bê rượu lên. Hắn càng đến gần, Văn Viễn càng ngửi được mùi son phân thì lấy làm quái lạ. Ông tự hỏi:
- Không lẻ ở đây cũng có nữ nhân phục vụ hay sao?
Tên tiểu nhị đến cạnh bên Văn Viễn đặt bình rượu lên bàn. Văn Viễn nhìn thấy quả thật là một nữ nhân. Người này chắc đã hơn hai mươi lăm tuổi. Nàng ta khuôn mặt nghiêm nghị thấy Văn Viễn nhìn liền thầm nói:
- Ai nhờ ngươi ghi những dòng này?
Văn Viễn đoán chừng nữ nhân là người đã hẹn với Phan Khôi Diện. Nàng ta hóa trang làm tiểu nhị thật sự là thuật che mắt hết tất cả thực khách. Văn Viễn nghe nàng ta hỏi mà miệng không hề hé mở thì biết là thuật truyền âm. Ông thầm đáp:
- Một người tên Phan Khôi Diện!
Nữ nhân lại hỏi:
- Hắn đã bị sao rồi?
Văn Viễn đáp:
- Phan Khôi Diện chết rồi!
Văn Viễn thấy nàng ta nghe họ Phan chết mà nét mặt không biểu lộ chút cảm xúc liền than thầm cho rằng đây là kẻ giả mạo. Thành ra khi nàng ta hỏi:
- Phan Khôi Diện có gởi lại vật gì không?
Văn Viễn liền đáp:
- Không có! Chỉ nhờ tại hạ đến đây viết dòng chữ này mà thôi!
Nàng ta liền chau mày hỏi lại:
- Thật sự không có gởi gì sao?
Văn Viễn lúc này nghĩ thầm:
- Ngươi đã thò cái đuôi cáo ra rồi. Ngươi nhất định là tên giả mạo. Cái ngươi muốn không phải là gặp Phan Khôi Diện. Ngươi chỉ muốn có Tử Hà Thần Công của Phan Khôi Diện mà thôi!
Văn Viễn cả quyết đáp:
- Không có! Phan Khôi Diện chỉ nhờ viết chữ này thôi! Không biết phải xưng hô với cô nương như thế nào?
Nàng ta không đáp lặng lẽ cúi đầu mà đi. Văn Viễn lúc này mới thấy một chuôi kiếm lộ ra dưới lớp áo. Ông thầm nghĩ nàng ta nhất định chuyên dùng kiếm.
Văn Viễn đang miêng mang suy nghĩ chợt nghe có giọng nói quen thuộc:
- Bằng hữu thật là không đúng! Có rượu ngon lại không gọi ta một tiếng!
Lời vừa dứt Văn Viễn đã thấy Thần Tửu đã gặp lần trước ở Phong Hoa Các trong trấn Ngô Phong đi tới. Chàng ta bê trên tay một vò rượu lớn. Chỉ cần nghe mùi thoảng ra cũng biết là rượu quý. Văn Viễn không ngờ còn được gặp chàng ta ở đây liền đứng dậy chấp tay vái lễ. Thần Tửu cười hà hà nói:
- Hôm này chúng ta phải uống cạn ba trăm chén mới được! Huynh đoán xem đây là rượu gì?
Văn Viễn ngửi xong liền nói:
- Chẳng phải là rượu bồ đào hay sao? Tại hạ đoán chắc đã được ủ ít nhất là năm sáu mươi năm! Đúng là rượu ngon!
Thần Tửu liền cười hà hà rót ra chén. Nước rượu sóng sánh màu đỏ au đẹp mắt. Văn Viễn không nề hà đưa chén lên nhấp môi rồi tấm tắc khen. Ông cao hứng ngâm một bài Đường Thi:
- Rượu bồ đào, chén lưu ly
Chưa mềm môi đã giục đi lên đường
Những ai say khướt sa trường
Cười chi, nào chắc cố hương được về?
Thần Tửu nghe ông ngâm vịnh cũng cao hứng mà cạn mấy chén liền mà nói:
- Rượu bồ đào, chén lưu ly quả nhiên là hợp lắm! Tráng chí sa trường càng bi phẫn hơn!
Cả hai cùng cạn liền mấy chén rượu. Thần Tửu lúc này mới hỏi:
- Huynh sao lại viết dòng chữ này?
Văn Viễn liền không nghi kỵ mà kể hết việc gặp gỡ Phan Khôi Diện ở nhà hoang ngoại thành Hàng Châu. Tuy nhiên, ông lại lấp liếm đi chuyện được tặng Tử Hà Thần Công và những lời trối của họ Phan. Thần Tửu nghe xong liền gật gù đáp:
- Có lẻ hắn thật sự muốn nhắn gởi cho ai nên mới nhờ viết như vậy!
Văn Viễn lúc này nhớ ra liền hỏi:
- Huynh dường như là người trong giang hồ. Không biết có rành về Hoa Sơn Thất Hiệp? Tại hạ chỉ được thấy mặt Ngọc Thủ Trần Quang và Sầu Thiên Thu! Không biết những người còn lại như thế nào?
Thần Tửu liền uống cạn một chén mà đáp:
- Ta chỉ biết cũng không rõ ràng. Nghe nói gồm có bảy người. Đứng đầu là Ngọc Thủ Trần Quang. Thứ hai là Thần Thương Sầu Thiên Thu. Thứ ba là một nữ nhân là Dạ Hành Phong Tuệ Nhã. Người thứ tư là Thiết Thủ Ân Thương Bá. Thứ năm là Bách Tửu Độc Hành Tiêu Hàn. Thứ sáu là Thâu Công Thiên Phan Khôi Diện. Người cuối cùng là Đế Khuyết Châu Thương!
Văn Viễn nghe Thần Tửu nói thì biết phần đứng trước tên gọi chính là ngoại hiệu dựa theo võ công thành danh của từng người trong Hoa Sơn Thất Hiệp. Ông nói:
- Ngọc Thủ Trần Quang chính là ám chỉ chuyên dùng nội lực! Thần Thương Sầu Thiên Thu nhất định giỏi dùng thương pháp. Sa tiểu thư cũng đã nói Bách Tửu Độc Hành Tiêu Hàn thì giỏi dùng đao nhưng mê rượu như mạng. Đế Khuyết Châu Thương lại giỏi dựng trận đồ. Vậy còn Thiết Thủ Ân Thương Bá cùng Dạ Hành Phong Tuệ Nhã thì kiêm thông võ công gì?
Thần Tửu đáp:
- Nghe nói Phong Tuệ Nhã khinh công rất cao cường nên mới có ngoại hiệu Dạ Hành! Ân Thương Bá thì chuyên luyện quyền thuật. Không biết hắn tập luyện được môn nội công gì mà hai tay cứng như sắt thép đao kiếm không bì được, vì vậy mới có ngoại hiệu Thiết Thủ!
Thần Tửu nghe Văn Viễn không hỏi về Phan Khôi Diện. Chàng ta ngầm hiểu nhất định ông đã biết họ Phan thành danh về thể loại nào. Tất nhiên là do họ Phan đã chính miệng nói ra khi nhờ cậy Văn Viễn viết chữ. Chỉ là Văn Viễn che giấu mà thôi. Thần Tửu đoán chừng lời kể của Văn Viễn về việc hội ngộ Phan Khôi Diện ở nhà hoang còn có chổ khuất tất. Tuy nhiên chàng không tiện tra khảo nên thuận miệng nói tiếp:
- Phan Khôi Diện thì lại chuyên đi nghiên cứu các môn nội công khắp thiên hạ. Nghe đồn về điểm này, Sa tiểu thư cũng không bì với hắn kịp. Vì vậy hắn mới có hiệu là Thâu Công Thiên, hàm ý nội công khắp thiên hạ hắn đều tường tận!
Văn Viễn liền rót rượu ra chén uống cạn một hơi mà nói:
- Huynh đài kiến thức thật sâu rộng! Tại hạ khâm phục!
Thần Tửu cười hà hà:
- Chỉ là nghe ngóng ở các tửu quán mà thôi!
Văn Viễn nhớ ra liền hỏi:
- Huynh được gọi là Thần Tửu! Tên Bách Tửu Độc Hành Tiêu Hàn cũng rất giỏi uống rượu, không biết là về tửu lượng ai hơn được ai?
Thần Tửu đáp:
- Cái đó phải thử mới biết! Chỉ là kẻ nào từng uống rượu với hắn đều không còn mạng! Ta chưa muốn chết!
Tửu Thần lại ép Văn Viễn uống liên hồi. Trong chớp mắt vò rượu năm cân đã cạn đến đáy. Thần Tửu liền kêu tiểu nhị bê lên mười cân rượu. Văn Viễn đang cao hứng nên không đành từ chối. Hai bên đẩy đưa qua lại hơn canh giờ sau đã ngỗn ngang không biết bao nhiêu vò rượu dưới chân bàn.
Tửu Thần thấy chỉ mấy ngày không gặp mà tửu lượng của Văn Viễn đã tăng cao mấy chục bậc. Chàng ta ước đoán bây giờ Văn Viễn không còn thua kém mình là mấy, trong lòng vừa ngạc nhiên vừa sợ hãi.
Văn Viễn vốn đã bằng kẻ mấy chục năm chuyên tu nội công. Hàn nhiệt sung mãn cứ cuộn trào trong mạch vị. Kẻ luyện nội công âm hàn mà uống rượu giống như lửa cháy củi khô, không biết bao nhiêu mới đủ được. Văn Viễn tất nhiên không rành về việc này. Ông uống với Tửu Thần hơn mấy chục cân rượu mà càng uống càng tỉnh táo. Văn Viễn cho rằng vì vui mừng cao hứng nên mới uống nhiều như vậy.
Văn Viễn thấy trời đã sụp tối liền đứng dậy nói:
- Tại hạ còn có cái hẹn với hai vị tiền bối! Đành hẹn huynh đài vào dịp khác, khi đó chúng ta phải uống bằng hết rượu ngon trong thiên hạ mới thôi!
Thần Tửu thấy ông nói chuyện không chút vấp váp, hàn khí lại man mác lan tỏa thì kinh sợ. Chàng ngầm đoán trong mấy ngày qua ông đã gặp được kỳ ngộ gì đó nên thành ra một thân dồi dào nội hàm. Thần Tửu cũng vội đứng lên bái biệt.
Văn Viễn gọi tiểu nhị tính hết tiền rượu cho mình rồi lại bái biệt Thần Tửu một lần nữa. Ông đi theo tên tiểu nhị rời khỏi Thính Vũ Đài.
Chưởng quầy thấy Văn Viễn liền cười tươi chấp tay hành lễ. Văn Viễn liền hỏi:
- Không biết ở Vọng Nguyệt Lâu có khách trọ nào có dặn chờ người họ Phùng không?
Lão chưởng quầy lật đật giở sổ ghi chép. Hắn tra môt hồi thì đáp:
- Có khách ở phòng thượng hạng dặn dò nếu có người họ Phùng đến hỏi thì mời lên!
Văn Viễn mừng rỡ bèn hỏi:
- Không biết tiền rượu vừa rồi hết thảy bao nhiêu?
Lão chưởng quầy vội vàng đáp:
- Dạ! Đã hết ba trăm hai mươi sáu lượng có lẻ!
Lão nói kê thêm trong bụng cứ sợ bị Văn Viễn tra hỏi. Nào ngờ ông lại lấy ra một tấm ngân phiếu một ngàn lượng vàng nói:
- Ngân phiếu trước xem như ta thanh toán tiền rượu. Phần dư nhờ chia cho các tiểu nhị đã nhọc công phục vụ! Ngân phiếu này sẽ thanh toán tiền phòng ở Vọng Nguyệt Lầu!
Lão chưởng quầy kinh doanh mấy chục năm chưa từng gặp khách hàng nào ra tay rộng rãi đến thế. Lão chắc mẩm trong bụng Văn Viễn phải là con nhà thế gia bậc nhất mới có thể hào sảng đến vậy. Lão liền tức tốc quát mấy tên tiểu nhị kia dẫn đường còn luôn miệng căn dặn phải quan tâm kỹ lưỡng.
Văn Viễn được mấy tên tiểu nhị kẻ trước người sau tận tình hộ tống rất lòng trọng. Ông thích chí nghĩ thầm:
- Quả nhiên tiền tài làm con người có giá trị! Nhưng cũng chỉ là giá trị ảo ảnh! Nếu ta không rộng rãi chắc gì đã được đối xử ân cần như vầy! Thảo nào người xưa đều dạy không nên coi trọng tiền tài, không sai chút nào!
Vọng Nguyệt Lầu kiến trúc bề thế hơn Thính Vũ Đài gấp mấy mươi lần. Mỗi một miếng gỗ một cây cột đều được chạm trổ vô cùng tinh xảo. Văn Viễn để ý cứ lên một tầng lầu lại thấy một bài thơ về Trăng được khắc trên một thân gỗ lớn đặ trang trọng ngay lối đi. Ông lẩm nhẩm đọc, hóa ra toàn là các bài cổ thi tuyệt tác. Có nhiều bài thơ Văn Viễn cũng chỉ là lần đầu được đọc đến.
Lúc này bóng trăng đã lưng chừng trời. Văn Viễn lên đến tầng mười của Vọng Nguyệt Lâu mới chợt hiểu ra. Lầu này xây theo đúng phương mặt trăng đi lại qua Hàng Châu. Thành ra ở bất kỳ vị trí nào của lầu, khách trọ vẫn có thể thỏa thích ngắm trăng. Ông cho rằng vì vậy mới có tên là Vọng Nguyệt Lâu. Văn Viễn ngẫm nghĩ khi xây dựng lầu này rõ ràng đã phải tốn nhiều năm nghiên cứu về chiêm tinh, xác định phương vị. Càng nghĩ ông càng khâm phục trong lòng.
Bọn tiểu nhị tận tình đưa Văn Viễn đến tận cửa phòng. Văn Viễn chưa kịp gõ cửa thì đã thấy Ác Hòa Thượng bước ra. Văn Viễn từ lúc ở Mai Hoa Trang đoán Ác Hòa Thượng gặp chuyện trong lòng vô cùng lo lắng. Giờ ông thấy lão vẫn khỏe mạnh không kèm được liền ôm lấy mà khóc lóc.
Bạch Mi Bà Bà lúc này cũng bước ra. Lão bà thấy Văn Viễn vừa mừng vừa tủi. Cả ba người cứ ôm nhau mà khóc trước cửa phòng khiến bọn tiểu nhị không dám làm phiền im lặng mà rút lui xuống.
Khóc lóc một hồi thỏa thê, Văn Viễn liền theo họ vào phòng. Bạch Mi Bà Bà nhìn ngắm ông kỹ lưỡng rồi nói:
- Từ lúc biệt tin nhau ở Mai Hoa Trang, ta cứ ngày đêm lo lắng không biết công tử tính mạng như thế nào? Nhờ trời phù hộ, công tử vẫn bình an vô sự!
Ác Hòa Thượng thì nói:
- Ta nghe chỉ muốn quay trở về Mai Hoa Trang để cứu công tử nhưng tiếc là thân thể bị thương không sao đi lại thuận tiện được!
Văn Viễn nghe vậy liền vội vàng bắt mạch cho lão. Ác Hoa Thượng khẽ liếc Bạch Mi Bà Bà một cái rồi đưa tay để Văn Viễn xem mạch. Văn Viễn nghe quả nhiên mạch đập bị loạn. Ông đoán chừng có mấy huyệt đạo đang bị tổn thương. Văn Viễn không chần chừ liền nắm chặt tay lão ma và vận công. Hàn nhiệt theo đó tuôn ào ạt vào trong người Ác Hòa Thượng. Ác Hòa Thượng thấy hàn nhiệt đi đến đâu thì cơ thể khỏe khoắn lạ thượng đến đó. Chỉ trong chớp mắt, mấy huyệt đạo bị tổn thương đều được thông tỏa.
Ác Hòa Thượng liền cảm tạ Văn Viễn rối rít. Lão thấy chỉ mấy ngày không gặp ông đã có được nội công bằng mấy chục năm tu luyện liền tò mò hỏi. Văn Viễn lại nhớ đến đại tiểu thư đã chết thảm ở vực sâu không kiềm lòng khóc thảm thiết. Hai lão ma không hiểu cớ sự gì bèn lựa lời khuyên bảo.
Văn Viễn nước mắt ngắn dài mà kể tại tất cả mọi biến cố xảy ra trong Mai Hoa Trang. Kể cả việc ông theo đường thủy mà thoát ra khỏi vực sâu ông cũng thành thật không chút che đậy. Hai lão ma biết đại tiểu thư đã chết cũng nhỏ lệ thương tâm. Tuy nhiên hai lão thấy ông tự trách mình hại chết đại tiểu thư thì nói:
- Đại tiểu thư dầu không rớt xuống vực sâu thì cũng không sống được mấy ngày nữa. Xin công tử đừng tự trách mình. Nhờ có công tử, đại tiểu thư có thể thanh thản mà nhắm mắt. Đại tiểu thư trên trời linh thiêng nhất định phù hộ cho công tử!
Hai lão ma phải khuyên nhủ mấy bận Văn Viễn mới nguôi ngoai được. Ông lúc này mới nhớ ra mà hỏi:
- Sao chỉ có hai vị tiền bối ở đây? Bà bà thần tiên đâu rồi?
Ác Hòa Thượng liếc nhìn Bạch Mi Bà Bà do dự. Bạch Mi Bà Bà cũng liếc nhìn lão mà chần chừ. Văn Viễn đoán có chuyện chẳng lành lại càng hỏi tới. Bạch Mi Bà Bà ngần ngại đáp:
- Mai cô cô không may trúng mai phục, bị thương đã…không qua khỏi!
Văn Viễn nghe như sét đánh ngang tai. Ông điếng người đứng dậy như trời trồng run run nói:
- Bà bà…bà bà tại sao…tại sao lại không qua khỏi?
Ác Hòa Thượng đáp:
- Mai cô cô nghe nói Thần Y Cư Bố xuất hiện ở Hàng Châu liền vội vã cùng lão lên đường. Mai Cô Cô mong có thể nhờ Cư Bố chữa chứng mất trí của công tử. Tuy nhiên khi đến Hàng Châu lại nghe Cư Bố đang ở Tô Châu. Mai cô cô cùng lại vội vàng đến đó. Ngờ đâu giữa đường gặp phải cường địch. Lão cùng Mai cô cô đều bị người đó đánh thương!
Văn Viễn bàng hoành hỏi:
- Bà bà thần tiên võ công cao như vậy còn bị ai đánh thương được?
Ác Hoa Thượng liếc nhìn Bạch Mi Bà Bà một cái. Lão bà khẽ gật đầu đồng ý, lão mới đáp:
- Là U Minh Cung Chủ! Người này không hiểu sao tự nhiên công lực lại cao cường! Lẽ ra hắn không thể hơn cô cô được. Chỉ là cô cô mấy ngày điều trị cho công tử nội công suy yếu thành ra bị hắn đánh bại!
Văn Viễn nghe vậy càng đau đớn tột độ. Ông nghĩ căn nguyên cũng do ông khiến bà bà thần tiên chết thảm. Văn Viễn bi thương quá đỗi tự nhiên ôm ngực ho ra một ngụm máu lớn. Hai lão ma thấy vậy liền kinh hãi. Văn Viễn run run giọng nói:
- Tại ta mà bà bà thần tiên mới bị kẻ khác làm hại. Nếu ta chịu suy nghĩ thấu đáo sớm mọi việc, bà bà thần tiên đâu trúng kế mà lâm nạn! Văn Viễn ơi là Văn Viễn!
Ông chua xót tự đấm vào ngực mình thình thịch rồi bật khóc.
Ông khóc thương cho đại tiểu thư một thì khóc thương cho bà bà thần tiên hơn trăm vạn lần. Hai lão ma nghe Văn Viễn ban đầu khóc đã thê thảm trong lòng bùi ngùi chua xót. Giờ họ lại nghe ông khóc thảm não hơn mấy chục lần tự nhiên không kềm được mà khóc theo. Họ khóc cho bà bà thần tiên thì ít nhưng khóc vì thương xót cho sự thống khổ của Văn Viễn mới là nhiều.
Văn Viễn liền nắm lấy tay Bạch Mi Bà Bà mà hỏi nghẹn ngào:
- Di thể…di thể của bà bà thần tiên ở đâu rồi?
Bạch Mi Bà Bà lau nước mắt mà đáp:
- Người của Mai Hoa Trang chết đi đều theo tục mà hỏa táng. Mai cô cô đã được hỏa táng cách đây ba ngày. Tro cốt cũng được rắc xuống sông!
Văn Viễn chỉ muốn được thấy bà bà lần cuối. Ông nghe vậy càng tuyệt vọng mà khóc não nùng hơn. Văn Viễn trong cơn thống thiết không thôi tự trách khứ mình. Hai lão ma ban đầu cho rằng nghe tin Hắc Quan Âm mất, cùng lắm Văn Viễn chỉ khóc la một hồi rồi thôi. Ngờ đâu ông kêu khóc hơn canh giờ vẫn không ngớt. Hai lão ma thấy vậy nhìn nhau ái ngại. Lão nào cũng thầm nghĩ:
- Biết vậy lúc đầu cứ giấu hắn thì hơn!
Văn Viễn chực nghiến răng đập mạnh tay xuống bàn một cái:
- Tất cả cũng từ ả Sa nha đầu cùng hai tiểu thư Phương, Kim mà ra!
Chiếc bàn bị hàn nhiệt bao phủ lập tức vỡ tung thành nhiều mảnh. Hai lão ba nhìn thấy mảnh vỡ nào cũng bị một lớp băng đóng trắng xóa thì cả kinh trong bụng. Bạch Mi Bà Bà nghe ông một hai kể tội cho Sa tiểu thư cùng nhị, tam tiểu thư Mai trang, liền hỏi:
- Xin công tử đừng quá đau thương! Nếu hận thì phải hận U Minh Cung Chủ, vì hắn mà Mai Cô Cô trúng thương mà chết!
Văn Viễn lắc đầu nói:
- Hắn thì không thể tha thứ nhưng không thể hận hắn! Vãn bối đoán chuyện thần y gì đó là Sa nha đầu đã dựng lên để dụ bà bà thần tiên đi tìm. Sa nha đầu biết bà bà vì dưỡng thương cho vãn bối nên công lực suy giảm. Ả dụ bà bà đi còn cho người báo tin để U Minh Cung Chủ chận đường ám toán! U Minh Cung Chủ cũng bị ả Sa nha đầu này lợi dụng mà thôi!
Hai lão ma không ngờ Văn Viễn đang bi thương vẫn còn sáng suốt nhìn ra chân tướng mọi việc bên trong như vậy. Bạch Mi Bà Bà ngần ngại nói:
- Mai cô cô trước lúc lâm chung có để một di vật cho công tử!
Lão bà lấy trong người một khuôn lụa đen đưa cho Văn Viễn. Ông nhận ra là khuôn lụa mà bà bà hay che mặt. Ông cầm lấy đưa lên mũi ngửi quả nhiên là mùi son phấn của bà bà thần tiên.
Văn Viễn không kềm sóng lòng nỗi mà khóc lớn:
- Vãn bối định xong việc sẽ đưa bà bà cùng hai vị tiền bối về Ứng Kê Quan mà suốt đời suốt kiếp phụng dưỡng, tránh xa khỏi giang hồ tục lụy này. Ngờ đâu,…ngờ đâu…bây giờ đã không thể được nữa rồi!
Văn Viễn nắm lấy tay Ác Ma Song Tẩu mà nói:
- Hai vị tiền bối tuổi tác đã lớn, lại không có thân thuộc con cái. Chi bằng hai vị tiền bối theo vãn bối về Ứng Kê vui vầy thảo dã có phải hơn hay không? Vãn bối nhất định sẽ cung kính như phụ mẫu!
Hai lão ma cả đời quen ngang dọc chưa từng được mấy ai dùng chân tình tử tế. Hai lão nghe Văn Viễn thành tâm nói tự nhiên trong lòng ứa lệ. Hai lão ban đầu chỉ muốn nhờ cậy Văn Viễn giả làm Cuồng Sinh. Ngoài miệng tuy cung kính nhưng luôn để dạ phòng bị. Nhưng càng gần gũi họ lại càng quý mến ông có phần còn hơn Hắc Quan Âm cùng đại tiểu thư. Hai lão ma đồng loạt không kềm nỗi mà ôm lấy Văn Viễn. Cả ba người cứ khóc lóc thống thiết đến gỗ đá e rằng cũng phải mềm nhũn.
Cả ba khóc hơn canh giờ mới nguôi ngoai. Hai lão ma thấy Văn Viễn nét mặt vẫn thảm não nên không dám khơi lại chuyện cũ sợ ông thương tâm. Ác Hòa Thượng liền gọi tiểu nhị bê lên hai mươi cân rượu thượng hạng. Lão ma ra sức ép Văn Viễn uống. Văn Viễn không từ chối. Ông uống như ruộng khô gặp nước. Hai mươi cân rượu quá ba phần đều chui vào cuống họng của Văn Viễn.
Văn Viễn cứ mỗi lần uống cạn, hàn nhiệt trong người liền trung hòa rượu mà bốc hơi lạnh ra ngoài. Cho nên dầu uống thế nào Văn Viễn vẫn bình thường. Ông liền ngửa cổ bê vò rượu hơn cân mà uống cạn rồi thở dài:
- Vãn bối ngày trước ở Ứng Kê chỉ cần nhắp môi ba ly đã say không còn biết trời đất gì nữa. Đồng hữu không thôi cười nhạo. Vãn bối lúc đó chỉ cầu có tửu lượng như thần tửu uống ngàn chung không say!
Bạch Mi Bà Bà đáp:
- Công tử bây giờ chẳng phải đã là ngàn chung không say rồi còn gì?
Văn Viễn cười thảm đáp:
- Bây giờ vãn bối dầu uống trăm ngàn cân rượu cũng khó bề mà say được như trước. Nhưng vãn bối lại ao ước được như trước chỉ cần ba chung là say túy lúy trời đất!
Ác Hòa Thượng nghe vậy liền hỏi:
- Thông thường có được tửu lượng như rồng, ai cũng vui mừng hớn hở. Vì sao ơn công lại muốn có lại tửu lượng tầm thường?
Văn Viễn âu sầu đáp:
- Khi đã có thể uống ngàn chung không say, vãn bối mới hiểu sự thống khổ của Lưu Linh tiên sinh!
Bạch Mi Bà Bà thấy Văn Viễn lại ngửa cổ trút rượu liên hồi vào miệng liền hỏi dồn:
- Nỗi thống khổ đó như thế nào?
Văn Viễn đáp:
- Người ta vì vui mà uống rượu, say cũng chỉ muốn thêm vui. Người ta buồn mà uống rượu, say là muốn vơi sầu. Tinh túy ở chổ uống rượu chính là cảm giác say mèm chếnh choàng trời đất, không còn biết mình là ai! Nếu uống rượu mà không còn biết say thì còn uống rượu để làm gì nữa? Ví như bây giờ vãn bối đang muốn say mèm để quên nỗi thương tiếc bà bà thần tiên nhưng nào có được đâu? Dầu uống có hết hầm rượu của Song Minh Các cũng có được đâu? Than ôi bi thảm lắm thay!
Hai lão ma thấy Văn Viễn càng nói càng nhắc bà bà thần tiên luôn miệng lại sợ ông động lòng mà thương cảm. Ác Hoa Thượng liền giục Văn Viễn uống. Lão gọi thêm hai mươi cân rượu chỉ để cho ông uống say sưa một mình.
Đến quá nửa đêm, tên tiểu nhị cũng không nhớ nỗi đang mang lên bao nhiêu cân rượu. Tuy nhiên Văn Viễn vẫn chỉ ngà ngà nét mặt. Bạch Mi Bà Bà thấy vậy liền âm thầm phóng một chỉ trúng ngay mê huyệt của Văn Viễn. Ông lập tức té sấp xuống bàn mà ngủ li bì. Ác Hòa Thượng thở dài vội dìu Văn Viên đặt ngay ngắn lên giường.
Hai lão ma nhìn ông say giấc tự nhiên lại thương cảm. Ác Hòa Thượng nói:
- Ngay từ đầu ta cũng không nhìn ra hắn lại là kẻ có lòng nhân hậu đến vậy!
Bạch Mi Bà Bà thở dài:
- Hắn còn muốn đem chúng ta về mà phụng dưỡng như phụ mẫu. Than ôi! Cả đời ta có lẻ chỉ gặp được duy nhất tên khờ này!
Ác Hòa Thượng nói:
- Ta tự nhiên thấy có lỗi với hắn! Chúng ta làm như vậy hóa ra đã phụ mất chân tình của hắn còn gì!
Bạch Mi Bà Bà đáp:
- Hắn vừa nghe Mai cô cô mất đã khóc thương đến như chết đi sống lại. Nếu hắn sau này biết rõ ràng mọi chuyện thì còn đau lòng như thế nào? Chúng ta làm vậy cũng là muốn tốt cho hắn!
Hai lão ma nhìn nhau rồi đồng loạt vái lạy Văn Viễn:
- Tấm lòng của ngài, hai lão già chúng tôi đều tạc dạ! Mong công tử mau chóng quay về Ứng Kê mà làm một văn nhân, đừng vào lại trung nguyên nữa! Xin bái biệt công tử ở đây!
Hai lão ma vái lạy Văn Viễn mấy cái rồi như làn khói tan biến mất.