Gia Lăng là một hồ nước rộng chừng năm mươi dặm vuông thuộc về Thiên Đao Trang. Trang chủ Thiên Đao Trang Vương Nhất Chính đã bỏ nhiều tiền của xây dựng hơn hai mươi căn nhà thủy tạ nổi trên mặt nước theo hình bát quái. Vương Nhất Chính còn cho xây rất nhiều cầu đá để khách vãn lai có thể thoải mái đi lại. Thành ra trong vòng hai mươi năm, không một tao nhân mặc khách nào lại không biết địa danh này.
Cách đây hai ngày, bái thiệp của Phùng Văn Viễn đã được Điền Viên Ngoại cho người gởi đến Gia Lăng. Cái tin Cầm Điệp Cuồng Sinh bất ngờ tái xuất giang hồ đã như lửa lớn đốt cháy lá khô. Trong vòng một ngày, khắp nam bắc đông tây, các phái lớn nhỏ đều bàn tán xôn xao không ngớt. Thành ra Văn Viễn chưa đến nhưng Gia Lăng đã đông nghịt kẻ thuyền kẻ ngựa đến dự hội. Thương thuyền của Điền viên ngoại chỉ đến cách Gia Lăng chừng ba mươi dặm thì không sao nhích được. Văn Viễn đành phải từ biệt Điền viên ngoại lên bờ. Ông mua một con ngựa rồi theo chỉ dẫn họ Điền mà đi. Văn Viễn cưỡi ngựa đi được một canh giờ thì gặp ngã ba trước mặt. Ông ngạc nhiên lẩm bẩm:
- Điền viên ngoại đã nói chỉ cần thẳng một đường mà đi. Bây giờ ta biết rẽ hướng nào đây ?
Ông do dự một hồi định rẽ phải đi bừa thì tự nhiên có tiếng cười khúc khích:
- Văn nhân cưỡi ngựa lòng phân vân đường không thẳng!
Văn Viễn nghe nửa giống trêu đùa, nửa lại giống một vế đối liền quay lại. Chỉ thấy trong ngôi thủy tạ hoang nát cạnh mé sông gần đó có một nữ nhân mặc toàn y phục bằng lụa trắng đang ngồi. Nữ nhân lại đội một chiếc mũ vải rộng vành che kín khuôn mặt. Văn Viễn vội cúi chào rồi định cưỡi ngựa nhằm hướng phải đi tiếp thì giật mình vội kiềm cương:
- Văn nhân cưỡi ngựa không phải là đang nói ta hay sao ? Lòng phân vân đường không thẳng chẳng phải đang nói đến khúc mắc đang rối bời trong lòng ta ? Người này không phải trêu chọc mà là đang nhắc nhở ta!
Ông vội vàng xuống ngựa chạy đến vái lễ rồi nói:
- Không ngờ cao nhân chỉ một câu nói đã biết được tâm tư của hậu bối. Xin hãy chỉ cho đường đi!
Nữ nhân liền cười khanh khách:
- Ta cũng có thể được gọi là cao nhân nhưng chưa đến mức ngươi phải hạ mình là hậu bối!
Văn Viễn lần này nghe kỹ giọng nói liền nhận ra nữ nhân cùng lắm chỉ là cô nương không quá hai mươi. Ông liền cung kính:
- Không biết phải xưng hô với tiểu thư như thế nào?
Tiểu thư áo trắng không đáp chỉ nói:
- Ta chỉ là một người qua đường!
Văn Viễn biết nàng ta không muốn lộ danh tính nên cũng không gặng hỏi thêm mà nói:
- Tại hạ đang có vấn đề không giải quyết được, không biết phải làm như thế nào?
Tiểu thư áo trắng đáp:
- Ngươi phải chăng họ Phùng?
Văn Viễn ngạc nhiên gật đầu:
- Tại hạ thật sự họ Phùng!
Nữ nhân kia lại hỏi:
- Ngươi đang đến một nơi để biết ngươi là ai?
Văn Viễn giật mình:
- Quả thật …quả thật là như vậy. Tiểu thư sao lại biết?
Tiểu thư áo trắng chỉ cười nói tiếp:
- Trong lòng ngươi như ngã ba đường này, tại sao lại cứ muốn rẻ sang trái hoặc phải. Sao ngươi không quay lại?
Văn Viễn lần này hoang mang tột độ. Quả thật mấy ngày hôm nay ông đều phân vân không biết mình là Cầm Điệp Cuồng Sinh hay là Xú Tiểu Tử. Tuy nhiên tối qua sau khi uống rượu với Điền viên ngoại, Văn Viễn bỗng nhiên tự hỏi tại sao càng ngày ông càng muốn biết thân thế của mình. Tiểu thư áo trắng kia chính là một câu nói như mũi tên xuyên thẳng tâm cang Văn Viễn. Văn Viễn run run đáp:
- Tại hạ cũng không biết vì sao!
Tiểu thư áo trắng nói:
- Trong lòng ngươi chẳng phải đã có câu trả lời. Ngươi là vì nữ nhân nào?
Văn Viễn tự nhiên la hoảng mà nhìn trân trân tiểu thư nọ. Nàng ta vẫn thản nhiên hỏi:
- Nữ nhân nào trong lòng ngươi quan trọng hơn ?
Văn Viễn liền hỏi:
- Thật sự tiểu thư là ai sao lại biết rõ ta?
Tiểu thư áo trắng hừ nhẹ đáp:
- Ngươi nhờ ta vạch đường đi cho ngươi nhưng ngươi không chịu nói thật lòng, ta làm sao giúp đây?
Văn Viễn mấy phen khốn đốn vì tin người liền nghiêm nét mặt:
- Tiểu thư không biết vì lẻ gì lại thấu hiểu được tại hạ nhưng nếu tiểu thư không nói tên, thứ lỗi tại hạ mạn phép!
Tiểu thư áo trắng thấy Văn Viễn quay lưng đi thì nói:
- Thôi bỏ đi! Bỏ đi! Ta lần trước bói một chữ đã cứu ngươi một mạng. Ta lại đưa một phong thư giúp ngươi ở Vu Giang. Ta muốn cứu ngươi thêm một lần nữa e đã thành ra kẻ nhiều chuyện rồi!
Văn Viễn nghe nàng nói xong liền mừng rỡ quay lại:
- Hóa ra tiểu thư chính là vị Đại Sỹ đoán việc như thần đó sao?
Văn Viễn vái liền mấy cái rất trịnh trọng:
- Nhờ tiểu thư bói chữ mà giúp tại hạ một phen không mất mạng. Ơn này tại hạ không biết đền đáp thế nào!
Tiểu thư áo trắng cười mỉm:
- Ta chẳng qua giúp Điền viên ngoại mà thôi, vô tình cứu được ngươi!
Văn Viễn lúc này không chút e dè liền đến cạnh nàng ta mà nói:
- Thật sự tiểu thư thấy rõ lòng dạ tại hạ. Nhưng tại hạ cũng không hiểu vì sao càng ngày lại càng muốn tìm rõ thân thế của mình!
Tiểu thư áo trắng đáp:
- Điều đó phải xem trong lòng ngươi nữ nhân nào được coi trọng hơn. Ngươi mau mau nhắm mắt lại tĩnh tâm mà nghĩ!
Văn Viễn lập tức nhắm mắt lại. Tiểu thư áo trắng liền lấy một lọ đồng nhỏ đặt trước mặt Văn Viễn. Nàng ta lấy một ít cỏ khô bỏ vào lọ đồng rồi đốt lên. Lát sau Văn Viễn ngửi thấy mùi hương nhẹ dịu. Ông định mở miệng hỏi thì tiểu thư áo trắng đã nói trước:
- Đây là Cải Mệnh Thảo, rất tốt cho trí óc, ngươi mau mau tịnh tâm mà suy nghĩ đi!
Văn Viễn không dám cải lời. Ông hít mấy hương Cải Mệnh Thảo thì đầu óc chợt tỉnh táo rất lạ. Tuy nhiên Văn Viễn lại chỉ nghĩ tới bà bà thần tiên và đại tiểu thư. Lúc này tiểu thư áo trắng mới hỏi:
- Ngươi đang nghĩ đến ai?
Văn Viễn liền đáp:
- Là thần tiên bà bà, thỉnh thoảng lại có đại tiểu thư!
Thực sự nàng tiểu thư nay đang dùng mê tông pháp, lợi dụng Văn Viễn chú tâm vào làn khói Cải Mệnh Thảo mà thôi miên. Văn Viễn kinh nghiệm còn non nớt nên không biết phòng bị thành ra đã trúng phải, ngoan ngoãn nói không giấu diếm điều gì.
Tiểu thư áo trắng lại hỏi:
- Ngươi đối với bà bà thần tiên như thế nào?
Văn Viễn đáp:
- Trước là kính trọng, sau là yêu thương!
Tiểu thư áo trắng ngạc nhiên:
- Ngươi gọi người đó là bà bà chắc rằng đã bảy tám chục tuổi, kính trọng thì ta hiểu nhưng sao lại còn yêu thương?
Văn Viễn đáp:
- Tại hạ bao nhiêu năm sống rất yên bình ở Ứng Kê, vừa vào Giang Nam đều bị nhìn nhầm thành kẻ khác. Người nào gặp tại hạ không đòi chém cũng đòi giết, không thì cũng là bị lợi dụng. Chỉ có bà bà thần tiên ngoài miệng la mắng nhưng trong lòng thật sự rất quan tâm.Tại hạ càng ngày đã càng đặt nặng bà bà trong lòng. Nhờ có bà bà thần tiên cuộc sống của tại hạ thật có ý nghĩa sống! Chỉ là.. chỉ là..
Tiểu thư áo trắng thấy ông ấp a ấp úng không nói liền biết mê tông pháp đang mất tác dụng. Nàng vội vàng cầm lấy tay Văn Viễn định sẽ truyề nội lực vào. Nào ngờ vừa chạm đến vội vàng nhăn mặt la oái. Thì ra Văn Viễn nhờ mấy phen sống chết ở Ngô gia trang khiến hàn nhiệt trong người thuần tính. Ông bị mê tông pháp khống chế nhưng hàn nhiệt trong người tự bộc phát hóa giải. Tiểu thư áo trắng chính là chạm vào người ông đã thấy đầu ngón tay lạnh toát, là bị hàn nhiệt của Văn Viễn phản kháng. Văn Viễn bất giác như nhập định miệng lẩm bẩm bài từ trên mộ tên xú tiểu tử dưới vực sâu:
- Trời phụ lòng chí sĩ
Ông cứ nhắc đi nhắc lại mỹ nhân mặc áo lụa mấy lần rồi chợt thốt lên mở trừng mắt:
- Ta.. ta đã biết ta là ai!
Văn Viễn thấy lòng nhẹ nhõm liền nói:
- Nhờ tiểu thư đã giúp ta giải quyết được uẩn khúc bấy lâu nay! Xin hãy chỉ dùm đường đến Gia Lăng!
Tiểu thư thấy ông mặt hớn hở liền nói:
- Ngươi đến Gia Lăng sẽ chết sao còn muốn đến!
Văn Viễn đáp:
- Tại hạ muốn gặp được một người!
Tiểu thư áo trắng nói:
- Trong lòng ngươi chỉ có bà bà thần tiên. Bà bà đó đã bảy tám chục tuổi, ngươi không thấy bất tiện sao?
Văn Viễn nào biết vừa rồi đã trúng mê tông pháp tự miệng nói ra chân tình trong lòng. Giờ nghe tiểu thư áo trắng hỏi thẳng liền đỏ ửng mặt ấp úng:
- Sao.. Sao lại bất tiện. Tại hạ đối với bà bà vẫn là hết mực tôn kính!
Tiểu thư áo trắng cười khanh khách nhìn xoáy vào Văn Viễn:
- Cái gì là tôn kính? Ngươi thật sự chỉ có tôn kính thôi sao?
Văn Viễn ú ớ mặt đỏ ửng không đáp. Tiểu thư áo trắng liền cười rộ lên:
- Ngươi không chỉ tôn kính. Ngươi là ban đầu tôn kính sau là yêu thương. Ngươi thật sự đã yêu bà bà thần tiên của ngươi dầu chưa bao giờ thấy mặt. Bà bà thần tiên chắc cũng đã bảy tám chục tuổi. Ngươi chỉ mới ba mươi. Ngươi không thấy bất tiện sao? Chưa kể biết đâu bà bà thần tiên của ngươi mặt mũi xấu xí già nua. Ngươi làm sao có thể yêu được một bà lão như vậy ?
Văn Viễn ngượng chín mặt nhưng vân thở dài tự đáp:
- Dầu bà bà thần tiên có như thế nào ta vẫn nhất mực yêu thương tôn kính. Nhờ có bà bà mà cuộc sống của ta thật có ý nghĩa. Ta …ta làm sao không yêu cho được!
Ngờ đâu tiểu thư áo trắng đều nghe được hết thảy. Nàng ta lắc đầu:
- Ngươi thật sự là kẻ đa tình. Thiên hạ kẻ đa tình không ít nhưng yêu một kẻ lớn hơn mình đến mấy chục tuổi lại chưa một lần thấy mặt thì ta lần đầu được nghe!
Văn Viễn thở dài thườn thượt rồi bất giác giật mình hỏi:
- Tiểu thư chưa bao giờ gặp bà bà thần tiên thì làm sao biết ta chưa thấy mặt bà bà?
Tiểu thư áo trắng đáp:
- Có khó gì, ta có thể thấu được tâm tư của ngươi. Ngươi chẳng phải còn nặng tình với đại tiểu thư gì đó sao?
Văn Viễn nghe nàng nhắc đến đại tiểu thư thì càng sợ hãi, nhất mực cho rằng nàng ta thực sự nhìn rõ tâm cang người khác. Tiểu thư áo trắng hỏi:
- Trong lòng ngươi, bà bà thần tiên và đại tiểu thư ai quan trọng hơn?
Văn Viễn đáp:
- Là..là bà bà thần tiên quan trọng hơn. Tại hạ thực sự chỉ vì sự nhờ cậy của bà bà thần tiên nên mới thân cận đại tiểu thư! Ta … ta.. trong lòng ta vẫn chỉ là bà bà thần tiên mà thôi!
Tiểu thư áo trắng nói:
- Vậy trong lòng ngươi muốn mình sẽ là kẻ nào? Trong lòng ngươi đã có câu trả lời vậy tại sao còn muốn đến Gia Lăng?
Văn Viễn nghe nàng ta nói liền ngớ người không trả lời được. Ông thật sự mấy đêm qua suy nghĩ đã phần nào lờ mờ đoán được thân phận của mình nhưng rốt cuộc ông vẫn muốn đến Gia Lăng. Ông lẩm bẩm tự nói:
- Ta muốn mình thành xú tiểu tử để có thể được bà bà yêu thương hay muốn thành Cầm Điệp Cuồng Sinh để tạ tội với đại tiểu thư đây?
Văn Viễn thở dài nghĩ:
- Dầu là ai đi nữa ta cũng phải đến Gia Lăng một chuyến, nếu ta là xú tiểu tử thì kẻ được chôn dưới mộ là ai? Ta từ đâu lại lưu lạc đến Mai Hoa Trang?
Văn Viễn liền đứng dậy vái lễ:
- Đa tạ tiểu thư đã chỉ điểm. Tại hạ không dám quên. Mong tiểu thư chỉ cho lối đi đến Gia Lăng!
Tiểu thư áo trắng thở dài:
- Văn nhân cưỡi ngựa lòng phân vân đường không thẳng. Ngươi đã phân vân mà vẫn muốn tìm đường chết thì ta cũng không cản. Ta tặng ngươi cái này!
Tiểu thư áo trắng nói xong liền lấy một bọc vải bên cạnh đưa cho Văn Viễn. Văn Viễn đón nhận toan mở ra thì tiểu thư nọ đã cản lại:
- Chỉ là một cây đàn! Ngươi hãy mang theo để tự bảo vệ. Ngươi cứ rẽ phải đi thêm một canh giờ nữa sẽ đến nơi!
Văn Viễn cúi tạ ơn rồi lên ngựa đi. Ông theo hướng tiểu thư đã chỉ mà đi, trong lòng không thôi thắc mắc:
- Vị tiểu thư Đại Sỹ này sao lại dùng nhiều mùi son phấn đến vậy? Ta cố ngửi mấy lần nhưng vẫn không nhận được một mùi nào. Hình như Đại Sỹ sợ ta nhận ra mùi hương. Ngay cả tiếng nói cũng hình như cố gắng giấu đi. Thật sự Đại Sỹ là ai đây?
Văn Viễn thúc ngựa chạy được đúng một canh giờ quả nhiên đã đến được bờ Gia Lăng. Ông xuống ngựa thấy kiến trúc lộng lẫy cầu kỳ được dựng trên mặt hồ rộng xanh như ngọc thì không khỏi tấm tắc khen. Gia Lăng bây giờ đã đông nghẹt người đủ các loại binh khí. Trên khắp mặt sông cũng chật cứng thuyền neo đậu. Ông liếc nhìn ngang dọc thấy đủ cờ hiệu. Nào là Thiên Hạc Trang, Bá Đao Trang, Bích Kiếm Trang, Thiên Đao Trang rồi còn thêm cờ hiệu mấy môn phái mà Văn Viễn không biết. Một tên nô dịch của Thiên Đao Trang thấy Văn Viễn cứ loay hoay nhìn ngó liền tiến tới hỏi:
- Không biết công tử là người của môn phái nào? Có bái thiếp hay không?
Văn Viễn thực thà đáp:
- Tại hạ đã gửi bái thiếp cách đây hai ngày!
Tên nô dịch nghe vậy lại thấy Văn Viễn đang ăn mặc quần áo thượng hạng nên đoán ông là người có vai vế liền vội vã mời lên hàng ghế đầu ngồi. Tên nô dịch dẫn Văn Viễn vòng vèo qua nhiều căn thủy tạ đến tận giữa hồ mới xếp một chổ. Văn Viễn liền cảm tạ mà ngồi xuống. Ông nhìn quanh thấy người nào cũng có khí tướng thì tự biết đều là bậc trang chủ không chí ít cũng là anh hào. Ông tự nhiên hỏi:
- Nếu lát nữa ta đường đột như vầy bước lên thì không phải sẽ bị cả bọn đánh sao?
Ông do dự chưa biết làm sao thì tự nhiên nhìn xuống bọc vải mà Đại Sỹ đã tặng. Ông tò mò mở thử ra xem thì há hốc miệng sửng sốt. Bên trong quả nhiên là một cây đàn bằng ngọc xanh biếc. Là cây ngọc cầm của Cầm Điệp Cuồng Sinh. Ông hoảng hốt:
- Ta lúc cùng đại tiểu thư rơi xuống vực sâu đã làm rớt mất nó. Sao Đại Sỹ lại có được? Nàng ta thật sự là ai?
Ông nhìn lại thì thấy bên hông cây đàn còn có một chiếc mặt nạ nhỏ đủ che kín nửa trên khuôn mặt. Rõ ràng là Đại Sỹ đã chuẩn bị trước. Văn Viễn trong lòng càng kinh động:
- Vực sâu đó chỉ có ta, đại tiểu thư cùng bà bà thần tiên biết. Tuy nhiên lối ra thông qua hồ nước chỉ là có mình ta phát hiện ra. Dầu đại tiểu thư có sống dậy cũng không sao mà thoát ra được. Bà bà thần tiên càng không thể nào biết việc ta làm rớt đàn ngọc. Đại Sỹ về vóc dáng đều có khác biệt với bà bà thần tiên cùng đại tiểu thư. Làm sao nàng ta xuống được vực sâu mà nhặt đàn ngọc trả lại cho ta?
Văn Viễn đang mãi nghĩ ngợi thì một hồi trống vang lên. Chỉ thấy một người chừng năm mươi tuổi bước ra. Người này ăn vận toàn gấm vóc thượng hạng. Tướng mạo có khí phách địa chủ. Người này là trang chủ của Thiên Đao Trang Vương Nhất Chính. Vương Nhất Chính vòng tay chào lễ bốn phía rồi nói:
- Các đồng đạo giang hồ đều biết cách đây hai ngày Cầm Điệp Cuồng Sinh đã gởi bái thiếp mời họp mặt tại Gia Lăng! Bổn trang biết hắn từng gây nợ máu khắp nơi nên đã cho gởi thiệp mời các lộ anh hùng về đây hòng thanh toán sạch sẽ một lần!
Bốn phía đều đồng thanh hô vang như sấm dội. Vương Nhất Chính liền giơ tay ra hiệu chờ tất cả im lặng mới nói tiếp:
- Thiên Đao Trang tuy không có thù oán gì với Cầm Điệp Cuồng Sinh nhưng vì đại nghĩa nhất định cùng võ lâm trừ gian diệt bạo. Hôm nay lại vừa đúng đại hội các trang viện. Kẻ nào giết được Cầm Điệp Cuồng Sinh tất nhiên sẽ được làm minh chủ mười trang viện lớn trong giang hồ!
Bốn phía lại đồng thanh hô chém giết khiến Văn Viễn phải lo âu trong bụng. Ông càng kinh hãi khi nhận ra các trang chủ của Cao Đào Trang, Nhã Hoa Trang, Phương tiêu cục đều đang ngồi phía trên một hàng ghế. Văn Viễn nhớ lại ở rừng mai ngoài Mai Hoa Trang, các vị trang chủ này vì hận tình đã muốn giết. Ông càng nghĩ tự nhiên càng thấy ớn lạnh. Lần đó nếu không phải các vị tiểu thư Mai trang cứu thì Văn Viễn khó mà sống nổi. Văn Viễn tự nhủ:
- Nếu bọn họ vô tình quay lại thấy ta tự nhiên sẽ đùng đùng thịnh nộ mà ra tay thì nguy biết bao?
Ông nhẩm đi nhẩm lại bèn lợi dụng lúc không ai để ý mà lấy mặt nạ Đại Sỹ đã chuẩn bị sẵn đeo lên. Văn Viễn thấy không ai tò mò nhìn mình mới an tâm nghe ngóng tiếp. Lúc này một người chừng gần sáu mươi mới lên tiếng:
- Vương Nhất Chính ngươi nói ai giết được Cầm Điệp Cuồng Sinh sẽ làm minh chủ các trang viện lớn. Có phải là muốn dành công đầu? Ai không biết Gia Lăng là đất của ngươi. Ngươi tất nhiên đã chuẩn bị trước. Còn ai có thể qua mặt ngươi mà giết Cuồng Sinh? Ghế minh chủ trang viện không phải đã lọt vào trong túi ngươi rồi sao?
Người này nói xong liền cười ha hả. Vương Nhất Chính bị mỉa mai vẫn thản nhiên đáp:
- Công đạo trên đời kẻ mạnh được tất cả, sao trang chủ Bá Đao Trang lại nói như Vương mỗ đang bày kế hạ tiện đoạt ngôi vị?
Người vừa nói là Ôn Thiếu Thiên. Lão là trang chủ Bá Đao Trang. Vương Nhất Chính là trang chủ Thiên Đao Trang. Cả hai trang viện này đều tinh thông về đao, người nam kẻ bắc tất nhiên không nói cũng biết trong bụng chẳng vừa nhau. Ôn Thiếu Thiên nói:
- Vương huynh chớ nổi giận. Là ta chỉ theo lời của huynh mà nói nào có thêm bớt gì!
Lúc này có một người cũng khập khễnh đi lên. Văn Viễn nhìn theo thì nhận ra là trang chủ Ngô Gia Trang Ngô Ứng Bình. Ngô Ứng Bình bước đến cạnh Vương Nhất Chính rồi cũng vái chào bốn bên mà nói giọng uất ức:
- Các vị bằng hữu đã biết Ngô gia trang vừa xảy ra một trận đại biến. Tên Cầm Điệp Cuồng Sinh kia không những lôi kéo bọn người U Minh Cung đến giết hại người họ Ngô. Hắn còn đang tâm bắt cóc tiểu nữ là Ân Ân rồi cưỡng bức đến chết rồi vùi xác ở đoạn sông Vu Giang!
Lập tức các phía đều ồ lên bàn tán. Có kẻ còn nặng lời thóa mạ, là lôi tổ tiên mấy mươi đời của Cuồng Sinh lên mà chửi rủa. Văn Viễn nghe Ngô Ứng Bình nói liền bừng lửa giận:
- Lão này.. lão này sao dám thêm thắt bịa đặt. Ta có bao giờ làm chuyện này đâu?
Nhân lúc thiên hạ đang phỉ báng, trang chủ của Cao Đào Trang cũng đứng lên. Họ Cao nói:
- Tên Cuồng Sinh này thật sự là cầm thú. Hắn đã để mắt đến phu nhân của ta nhưng không được nàng đoái hoài nên nổi cơn tà dâm. Hắn nhân lúc ta đi vắng mà xông vào trang làm trò hạ lưu với mấy nữ hầu. Ta nhất định phải băm vằm hắn thành muôn mảnh!
Họ Cao một lời. Họ Nhã một lời. Lại thêm Phương tổng tiêu đầu thành ra trong chốc lát mọi người lại đua nhau chửi rủa Cầm Điệp Cuồng Sinh xem như là kẻ đại dâm tặc. Văn Viễn nghe cả bọn đồng loạt chửi rủa mà không nén được giận. Ông liền vận công dùng Du Ảnh Biến nhanh chư chớp vọt lên đứng cạnh Ngô Ứng Bình. Ngô Ứng Bình vừa thấy đã biết là chàng rể hụt, hoảng hốt lùi xa xa. Vương Nhất Chính cũng nhảy lùi về sau mấy bước. Thiên hạ anh hùng đều ngạc nhiên trơ mắt nhìn.
Văn Viễn nhìn ba vị trang chủ của Cao, Nhã, Phương gia trang mà hỏi:
- Là ta dụ dỗ thê tử các người hay các người bị thê tử hất hủi rồi trút hận lên đầu ta? Ta xem da mặt các người thật dày, bị phu nhân tát liên tục vẫn không thấy xấu hổ!
Ba vị trang chủ đã biết là tình địch liền nghiến răng ken két. Văn Viễn lại quay sang Ngô Ứng Bình mà nói:
- Ngô trang chủ đã chính miệng nhận ta làm con rể, lại còn để quý nữ truyền Du Ảnh Biến cho ta. Ta gian dâm đánh chết ái nữ của ngài hay là hai vợ chồng ngài đã tự tay đánh chết. Có muốn ta nói hết cho mọi người ở đây nghe không?
Ngô Ứng Bình tái mặt không còn chút máu. Vương Nhất Chính lúc này mới nói:
- Các hạ đây không biết phải xưng hô thế nào?
Văn Viễn thản nhiên bế đàn ngọc rồi khảy nhẹ một khúc. Ba phần hào kiệt đang tụ tập ở Gia Lăng đều bị chấn động phải bịt tai lại la oai oái. Văn Viễn thản nhiên đáp:
- Hai ngày trước chẳng phải ta đã gởi bái thiếp? Ta chính là kẻ các người muốn chém giết.
Bọn giang hồ liền tự nhiên đồng thanh:
- Cầm…Cầm Điệp Cuồng Sinh?
Văn Viễn thản nhiên ngồi xuống ghế đặt đàn lên đùi mà nói:
- Ta hôm nay đến nạp mạng cho các người. Các người có nợ nần gì cứ thanh toán với ta!
Lập tức phải hơn năm mươi người có cả đạo lần tăng đều đồng loạt nhảy ra vây quanh. Văn Viễn liếc nhìn cả bọn rồi hỏi:
- Cầm Điệp Cuồng Sinh ta có ân oán gì với các ngươi?
Một đạo nhân nói:
- Ngươi đại náo Côn Lôn cướp sách còn lại hỏi sao?
Văn Viễn sực nhớ có lần bà bà thần tiên đã nói Cầm Điệp Cuồng Sinh đã lẻn đến các môn phái giết người mà trộm đi sách. Ông nhìn lại năm mươi người này đoán chừng toàn là người của các môn phái bị Cuồng Sinh gây náo loạn lần đó. Văn Viễn thản nhiên đáp:
- Sách đúng là ta đã trộm. Nhưng các sách đó không phải yếu quyết võ công, cũng không phải là chân kinh chi bảo. Tại sao các ngươi lại nhất quyết đòi về? Là vì danh dự môn hộ hay vì bí mật bên trong có liên quan đến Tử Hà Thần Công?
Bọn giang hồ tụ tập quanh Gia Lăng nghe mấy lời này liền nhỏ to xì xầm bàn tán. Một lão tăng giận dữ bước ra chỉ thẳng mặt Văn Viễn mắng:
- Ngươi đánh thương người trong Thiếu Lâm Tự lại còn hàm hồ loạn ngữ. Nếu ngươi chịu giao ra sách kinh thì bọn ta nhất định sẽ không làm khó!
Văn Viễn thấy lão tăng nộ hung quang liền cười nhạt:
- Cho hỏi hòa thượng đã tu Phật được bao nhiêu năm?
Lão tăng đáp:
- Đã bốn mươi năm!
Văn Viễn à lớn một tiếng rồi hỏi:
- Ngài theo Phật bốn mươi năm cuối cùng cũng như đạo sĩ dưới gốc bồ đề bên sông Hằng mà thôi. Bốn mươi năm có ích gì
Lão tăng bị Văn Viễn mắng trong lòng càng tức giận hỏi:
- Ngươi nói nhăng cuội gì? Cái gì có đạo sĩ ở đây?
Văn Viễn cười nhạt đáp:
- Nghe kể có lần đức Phật thấy một đạo sĩ ngồi tu đạo dưới thân cây bồ đề lớn bên bờ sông. Đức Phật hỏi, ngài làm gì ở đây? Đạo sĩ đáp, tôi ngồi tu đạo! Đức Phật lại hỏi, ngài tu đã bao nhiêu năm rồi? Đạo sĩ đáp, tôi đã tu bốn mươi năm ròng!
Lão tăng nghe Văn Viễn kể về ngoại truyện của Phật thì trong lòng tự nhiên xấu hổ
Văn Viễn kể tiếp:
- Đức Phật lúc đó lại hỏi, ngài tu bốn mươi năm đã chứng được điều gì? Đạo sĩ đáp, tôi chứng được phép đằng thủy! Đạo sĩ nói xong liền đứng dậy ung dung đi trên mặt sông Hằng rộng lớn. Lát sau đạo sĩ quay trở lại, đức Phật liền nói, ngài chỉ cần bỏ hai hào, thuyền nhân đã đưa ngài qua bên kia bờ, ngồi chi đến bốn mươi năm vậy?
Văn Viễn nhìn lão tăng hỏi:
- Hòa thượng tu phật bốn mươi năm lòng còn nặng đấu đá với người, tu chi đến bốn mươi năm vậy?
Lão tăng bị Văn Viễn mượn tích mai mỉa thì xấu hổ trước mặt quần hùng. Lão tăng gằn giọng:
-Ngươi đừng hòng loạn ngôn! Mau mau giao kinh sách ra đây cho ta!
Văn Viễn thấy hòa thượng vẫn nóng giận thì lắc đầu ngao ngán. Tuy nhiên, ông hôm nay đã quyết chí làm loạn nên thản nhiên cười đáp:
- Ta không giao ra thì sao? Các ngươi có làm khó được ta?
Lão tăng giận quá liền vọt tới tống một chưởng ngay ngực Văn Viễn, khoảng cách lại gần mà nhà sư ra tay thần tốc. Thành ra trong chớp mắt chưởng lực đã ép sát đến ngực Văn Viễn. Văn Viễn không dám khinh suất vận hết hàn nhiệt trong người chịu một chưởng. Nhà sư liền la oai oái nhảy lùi lại hơn năm bước. Bàn tay lão sư đã bị hàn nhiệt xâm nhập đóng một lớp băng trắng xóa. Bọn giang hồ không biết Văn Viễn đã dùng bí pháp gì liền không dám manh động. Tên nào cũng thúc giục đồng bọn lao lên nhưng chân vẫn chỉ đứng yên tại chổ.
Văn Viễn liếc nhìn bốn phía ngạc nhiên khi không thấy người của U Minh Cung. Ông đoán chừng hay tin Cầm Điệp Cuồng Sinh tái xuất thì bọn chúng phải đến để mà bắt lấy hòng biết được bí ẩn bên trong Tử Hà Thần Công. Văn Viễn đang do dự thì từ bốn phía có bốn người đồng loạt nhảy ra. Là Cao Trang Chủ, Nhã Trang Chủ, Phương tổng tiêu đầu cùng Ôn Thiếu Thiên, trang chủ Bá Đao Trang. Bốn người không nói một tiếng nào đồng loạt phát chưởng đánh tới. Văn Viễn liền dùng Du Ảnh Biến nhanh chóng né tránh. Du Ảnh Biến là khinh công thành danh của Du Ảnh Tử Ngô Ứng Bình nhưng Văn Viễn bây giờ đã dùng nhuần nhuyễn còn hơn hẳn Ngô Ứng Bình một bậc.
Bốn vị trang chủ vây đánh liên hồi không trúng được Văn Viễn liền càng đánh dữ dội hơn. Mấy kẻ còn lại sau chốc do dự liền cùng hùa vào. Văn Viễn cứ như con vụ xoay đi nhảy lại né tránh trong một vòng tròn bị chưởng khí vây kín tứ bề. Văn Viễn tránh né liên hồi thì thấy không xong. Ông âm thầm vận nội công lên hay tay rồi bất ngờ phát chưởng. Bọn trang chủ đang vây đánh Văn Viễn tự nhiên thấy ngạt thở rồi hàng loạt chưởng quan màu xám đen chụp tới. Cả bọn chưa hiểu chuyện gì thì có mấy kẻ nội lực yếu bị đánh sưng cả mặt văng ra xa. Hắc Mai Thủ là võ công chí cương. kẻ nào nội lực càng cao dùng nó càng hiệu quả. Văn Viễn nhất định không thể bì được với bà bà thần tiên. Tuy nhiên, ông lại nhờ đã thuần được nguồn hàn nhiệt trong người nên bây giờ lực tùy ý phát, dùng Hắc Mai Thủ không thua kém bà bà thần tiên Mai Chiêu Anh là mấy.
Văn Viễn nhân cả bọn đang hỗn loạn liền xếp bằng ngồi xuống rồi đặt đàn lên đùi mà đánh. Ông không muốn dây dưa nên chọn ngay khúc nhạc đoạn hồn. Tiếng đàn âm u hoang vắng đến rợn người như ma quỷ tru tréo. Bọn giang hồ tụ tập ở Gia Lăng thi nhau ôm tai mà lăn lộn dưới đất. Văn Viễn vừa đánh đàn vừa liếc nhìn thì thấy chỉ còn không quá hai mươi người đang trụ được. Ông liền dùng hết nội công mà chuyển qua khúc Xuân Nhị. Khúc nhạc này âm điệu mơn man như gió nhẹ nhàng như gió mùa xuân. Bọn giang hồ vừa bị tiếng đàn ma quỷ của đoạn hồn làm điên đảo tự nhiên nghe khúc Xuân Nhị lại thấy khỏe khoắn liền hồ hởi. Tuy nhiên chỉ chưa được bao lâu thì nhiều kẻ hộc máu mà nôn mửa. Phương tổng tiêu đầu không chịu nổi. Lão dồn hết nội lực mà rống lên cắt đứt tiếng đàn của Văn Viễn. Họ Phương nhanh chóng lao thẳng về ông như tên bắn.
Văn Viễn thản nhiên đệm đàn chờ đợi. Phương tổng tiêu đầu dồn nội lực lên cả hai bàn tay mà nhè đỉnh đầu Văn Viễn đánh xuống. Chỉ nghe tưng một tiếng, họ Phương đã bị đáng văng trở lại trước ngực bị thủng một lỗ lớn máu tuôn xối xả. Lúc này bọn giang hồ mới bàng hoàng hoảng sợ. Thì ra khắp hồ lớn của Gia Lăng hơn năm mươi dặm vuông đã ngợp trời bươm bướm đủ màu sắc. Văn Viễn chính là đã chuyển sang dùng khúc nhạc gọi bướm.
Văn Viễn lần trước bị bại trong tay Quỷ Công Tử vẫn không hiểu là vì sao. Ông nhân mấy ngày thư thả trên thuyền Điền viên ngoại để suy ngẫm, cuối cùng đã biết nguyên do. Không phải là ông dùng Hồ Điệp Khúc kém, chỉ là nội công của ông cùng Quỷ Công Tử đều là âm hàn. Quỷ Công Tử thuần tính âm hàn lâu hơn nên bao nhiều nội lực của Văn Viễn phát ra đều bị trung hòa mà tự nhiên hóa giải. Văn Viễn rút kinh nghiệm nên lần này dùng khúc nhạc gọi bướm thì vận luôn âm hàn mà lồng vào tiếng đàn. Quả nhiên chỉ một lát sau đương trường chỉ còn không quá mười kẻ đang trụ lại được.
Lúc này tự nhiên có một tràng cười lanh lảnh vang lên trước mặt. Văn Viễn dừng đàn ngước nhìn. Quỷ Công Tử, Nhị Đường Chủ Lạc Tín Phủ cùng mấy chục tên đeo mặt nạ quỷ đã xuất hiện tự lúc nào. Văn Viễn liều hiểu trong khi ông đang công kích bọn người kia thì U Minh Cung đã kéo đến. Quỷ Công Tử gật gù nói:
- Chỉ trong mấy ngày mà ngươi đã thăng tiến mấy bậc!
Văn Viễn đáp:
- Các người muốn đến bắt ta?
Quỷ Công Tử liền nói:
- Ngươi chớ hiểu lầm. Ngươi được Hắc Quan Âm bảo trợ, U Minh Cung nào dám kiếm chuyện phiền phức. Bọn ta chỉ là đến xem náo nhiệt. Tuy nhiên nếu ngươi bị người khác vây hãm đánh trọng thương thì ta nhất định nể mặt Hắc Quan Âm mà đem ngươi về cung để tịnh dưỡng!
Quỷ Công Tử nói vậy chính là muốn thủ lợi, đợi Văn Viễn cùng bọn người các trang viện đánh nhau kẻ chết kẻ sống mới ra tay. Lúc này ở Gia Lăng chỉ còn lại Vương Nhất Chính, Ôn Thiếu Thiên lại thêm mấy người Văn Viễn không biết mặt. Ông chợt nhìn thấy một nhà sư trong lòng kinh hãi. Nhà sư này thân hình khôi vỹ trông rất dữ tợn. Chính là Nhất Cang đại sư của Đại Lý Tự. Văn Viễn đã gặp nhà sư một lần cùng đàm luận phật học trong lòng mến phục. Tuy nhiên ông không hiểu Nhất Cang đại sư sao lại đến Gia Lăng.
Nhà sư Nhất Cang lúc này mới tiến đến gần Văn Viễn mà nói:
- Xem ra lần này đã không uổng công đi, thí chủ cùng lão đây còn một món nợ chưa tính. Đã năm năm dài, lão nạp không sao yên lòng được!
Văn Viễn biết nhà sư không nhận ra ông bèn chỉ ậm ừ. Nhất Cang đại sư tháo bọc vải đeo trên lưng lấy ra một thanh đao được chạm trổ rất công phu. Nhà sư nói:
- Lão ngày xưa đã thua dưới Hồ Điệp Khúc của thí chủ. Hôm nay lão vẫn muốn được lãnh giáo thêm một lần nữa!
Nhất Cang đại sư múa đao một lượt, đao ảnh rợp trời. Quỷ Công Tử thấy vậy liền gật gù:
- Từ Bi Đao! Ta đã mấy lần muốn lãnh giáo đao pháp này. Lão sư không phải vô lý được Sa tiểu thư xếp hạng cao thủ nhất nhì về đao pháp!
Nhất Cang đại sư nhìn Văn Viễn mà nói:
- Xin mời thì chủ xuất chiêu!
Văn Viễn không hiểu nhà sư có ân oán gì với Cầm Điệp Cuồng Sinh, tuy nhiên biết không thể tránh khỏi nên liền đánh đàn. Nhất Cang đại sư vận công hộ thể rồi múa đao chém tới. Chiêu đao rất chậm nhưng trong chớp mắt lại hóa thành bốn năm chiêu có chém, có đâm chụp. Tuy nhiên, đao thức cách Văn Viễn chừng bốn bước chân thì lập tức bị hàng loạt cánh bướm phế đi. Văn Viễn không chần chừ đánh liền mấy tiếng tưng tưng. Lập tức hàng loạt cánh bướm nhè nhà sư mà lao đến. Nhất Cang đại sư hoành đao chống đỡ. Qua lại mấy bận đã hơn năm sáu chục chiêu. Vương Nhất Chính, Ôn Thiếu Thiên nhân cơ hội chia hai hướng tập kích Văn Viễn.
Văn Viễn đã có phòng bị nên vừa thấy hai trang chủ kia nhấc chân lên thì lập tức chuyển Hồ Điệp Khúc nhanh hơn hai nhịp. Lập tức đàn bướm chia ba hướng mà đánh. Nhất Cang Đại Sư dùng dao. Ôn Thiếu Thiên cùng Vương Nhất Chính cũng dùng đao, tuy nhiên chênh lệch dễ dàng thấy rõ. Nhà sư đánh gần trăm chiêu vẫn điềm nhiên. Ôn Thiếu Thiên chỉ đỡ được không quá mươi chiêu đã bắt đầu luống cuống. Vương Nhất Chính cũng không khá hơn. Văn Viễn liếc thấy còn mấy kẻ chưa ra tay thì không dám kéo dài.
Ông lúc này đã đàn dồn dập. Hàng loạt cánh bướm liền công kích nhanh như chớp, chỉ còn thấy từng đốm màu bay ra ba phía. Nhất Cang Đại Sư năm xưa đã từng có dịp đụng độ nên không bất ngờ. Chỉ hai lão trang chủ họ Ôn, họ Vương thì hoảng hốt tột độ múa đao loạn xạ chống đỡ. Chưa nguội nửa tách trà đã nghe mấy tiếng la thê thảm vang lên. Ông Thiếu Thiên bị đánh văng ra xa hơn hai trượng, khắp người không đâu là không có vết thương sâu hoắc trào máu đỏ. Vương Nhất Chính cũng không thoát khỏi. Tuy nhiên, Vương Nhất Chính nhờ có bộ Hộ Pháp Đao nhiều chổ kỳ diệu. Trong lúc thập tử nhất sinh, Vương Nhất Chính đã kịp múa đao phòng thủ thành ra chỉ bị thủng ba lỗ trước ngực, vết thương dầu không chí mạng nhưng cũng khiến hắn một phen khiếp đảm.