Vũ Điểm Cô Thiên Chương 29. Họa Chữ Tặng Cho Ai ?

Chương 29. Họa Chữ Tặng Cho Ai ?
Biến Loạn Phủ Tổng Đốc

Quan tổng đốc hỏi xong không chờ Tử Hoa đáp. Hắn quay sang nhìn tên Công Tôn Bàng kia, gằn giọng:

- Ngươi có thật lòng thật dạ yêu Tử Hoa hay không?

Tên kia sợ hãi cuống cuồng đáp:

- Có..có! ta thật lòng thật dạ!

Quan tổng đốc liền hỏi:

- Vậy sao năm xưa người nỡ để nàng tự bán mình vào thanh lâu?

Tử Hoa liền nói:

- Năm xưa Công Tôn huynh chỉ là nho sinh nghèo khó, đến kinh phí để lên đường thi cữ cũng không sao lo nỗi. Cho nên thiếp mới bán mình vào thanh lâu để giúp huynh ấy! Là do Tử Hoa tự nguyện, không phải là Công Tôn huynh ép buộc!

Quan tổng đốc đại nhân các đây mấy năm vô tình thấy Tử Hoa được bọn phu kiệu công kênh đi khắp phố mà rao là ngọc bảo của Nhị Hồng Viện. Nhi Hồng Viện là thanh lâu lớn nhất của Hàng Châu ai ai cũng biết. Quan tổng đốc đối với việc bán phấn buôn hương vốn không có thiện cảm nhưng cũng không thể dẹp bỏ. Thành ra ông ta ngoài mặt vẫn nhận tiền đút lót nhưng ngấm ngầm ép các thanh lâu khác phải dần đóng cửa chỉ để lại một mình Nhi Hồng Viện. Không thể cấm được chi bằng thu gọn để quản lý, cách này cũng có thể nói là thượng sách.

Quan tổng đốc ở lầu cao ăn uống nghe bọn khiên kiệu luôn miệng tung hoa Tử Hoa vẫn không thèm quan tâm. Tuy nhiên, lúc kiệu ngang qua trước mặt, ông ta nhìn thấy Tử Hoa tự nhiên lại đâm ra mê mẫn. Đêm đó tổng đốc đại nhân đã đến Nhi Hồng Viện. Ông ta ra giá mười ngàn lượng vàng để được Tử Hoa phục vụ chăn gối. Ả tú bà vốn muốn trả treo thêm bớt nên nhất mực thề thốt mà nói:

- Đại nhân minh xét! Nàng ta vừa là mỹ nhân xinh đẹp nết na, lại còn trinh tiết! Bảo vật quý như vậy e mười ngàn lượng vàng vẫn còn hơi ít!

Quan tổng đốc liền hừ nhạt đáp:

- Được! Vậy để ta đem ấn quan tổng đốc cho ngươi! Như vậy chắc đủ!

Ả tú bà biết đã chọc giận nên liền không dám đôi co. Mụ đang kinh doanh ở Hàng Châu phải nương nhờ phủ tổng đốc để làm ăn yên ổn. Mụ dù gan lớn đến đâu nào dám trêu ngươi tổng đốc đại nhân được. Thành ra mụ cười giả lả rồi ưng thuận.

Đêm đó Tử Hoa gặp quan tổng đốc cứ nghĩ là hạng phong lưu quen thói trăng hoa. Nàng nghĩ đến cảnh tấm thân sẽ bị làm ô nhục không tránh được hờn tủi mà bật khóc. Quan tổng đốc thấy lạ liền tra hỏi. Nàng thành thật trả lời. Nghe xong, tổng đốc đại nhân liền lớn tiếng gọi ả tú bà. Mụ ta cứ nghĩ tổng đốc đại nhân đang say sưa trên vu sơn nên khi bị gọi tới, trong bụng liền chắc Tử Hoa không phục vụ chu đáo. Mụ vừa bước vào toan tính quát mắng Tử Hoa để vui lòng quan tổng đốc thì ông ta đã hỏi:

-Ta muốn chuộc thân cho cô nương này, ngươi ra giá đi?

Tử Hoa từ lúc tự bán mình cứ ngỡ suốt đời suốt kiếp phải chịu cảnh ô nhục. Cho nên quan tổng đốc nói, nàng nghe cũng không tin vào tai mình.

Ả tú bà giật thỏm người liền cung kính hỏi lại. Quan tổng đốc thản nhiên đáp:

- Ta muốn chuộc thân cho cô nương này! Ngươi mau nói giá đi!

Mụ ta đoán chừng quan tổng đốc đã si mê thì mừng thầm trong bụng. Mụ dông dài kể lể liên hồi cuối cùng ra cái giá mười vạn lượng vàng. Tử Hoa nghe vậy liền giật mình nói:

- Ta lúc bán mình chỉ có hai trăm lạng. Sao bây giờ lại hơn gấp vạn lần?

Quan tổng đốc mặc kệ mụ than vãn, chỉ cười nhạt hỏi:

- Ngươi đang ở đất nào?

Mụ ta đáp:

- Bẩm đại nhân, đang ở Hàng Châu!

Tổng đốc đại nhân nói:

- Ngươi có biết vì sao Nhi Hồng Viện lại thành thanh lâu lớn nhất nơi này?

Mụ cười giả lả đáp:

- Là nhờ đại nhân chiếu cố dẹp bỏ hết các thanh lâu khác chỉ chừa lại một mình Nhi Hồng Viện!

Quan tổng đốc lúc này mới đập bàn quát:

- Ngươi biết vậy còn dám giở giọng con buôn trước mặt ta? Có tin ta đem hết thân quyến của ngươi ra chém đầu hay không?

Mụ sợ đến run chân liền lắp bắp van nài không ngớt. Rốt cuộc đêm đó, quan tổng đốc chuộc thân cho Tử Hoa không tốn một nén bạc nào. Quan tổng đốc đem Tử Hoa về phủ lại cho xây biệt lầu để an trí, suốt năm năm qua kính cẩn giữ lễ không chút xằng bậy. Chuyện luyến ái trong thiên hạ có lẻ si tình đến như quan tổng đốc Hàng Châu không còn mấy ai.

Bây giờ ông ta nghe Tử Hoa nhắc lại chuyện cũ vẫn nhất dạ không oán hận tên Công Tôn Bàng thì biết nàng vẫn còn chung tình. Quan tổng đốc trong lòng chua xót không sao tả xiết nhưng vẫn cố không hiện trên nét mặt. Quan tổng đốc lại hỏi Công Tôn Bàng:

- Ngươi thật lòng thật dạ yêu thương nàng. Nàng lại vì ngươi mà hi sinh phẩm hạnh. Vậy tại sao bây giờ ngươi mới đến tìm?

Công Tôn Bàng sợ hãi ấp úng không nói nên lời. Tử Hoa vội vàng đáp thay:

- Công Tôn huynh vì không đổ đạt khoa bảng nên thẹn không dám gặp thiếp!

Quan tổng đốc cười nhạt:

- Hạng người như hắn sao lại biết hổ thẹn? Nàng có biết hắn vì sao không đỗ khoa bảng?

Tên Công Tôn Bàng nghe quan tổng đốc nói đến đây thì mồ hôi bắt đầu tuôn ra lạnh lưng. Tử Hoa thấy nét mặt hốt hoảng của hắn đoán bên trong có ẩn tình liền đáp:

- Thiếp thực sự không biết!

Quan tổng đốc nghiến răng nói:

- Tên vô lại này lấy tiền của nàng đi đến kinh thành. Hắn thay vì ôn luyện lại la cà thanh lâu tửu điếm. Hắn chỉ vì quá chén mà trể giờ không thể vào kịp khoa trường!

Tử Hoa sửng sốt. Nàng ta bật khóc ngước nhìn Công Tôn Bàng hỏi:

- Chuyện đó.. chuyện đó có thật không?

Công Tôn Bàng vừa sợ vừa thẹn cúi gầm mặt xuống. Tổng đốc đại nhân ngày trước sợ Tử Hoa biết chuyện nên đã giấu kín. Bây giờ trong lòng quan tổng đốc đang đau đớn nên nói ra hết:

- Ta sau đó giận chỉ muốn giết chết hắn. Tuy nhiên, nếu ta làm vậy nàng nhất định sẽ hận ta suốt đời suốt kiếp. Ta bèn thu xếp cho hắn làm việc ở một nha phủ ngoại thành. Mong hắn có được chút danh phận. Nào ngờ hắn vẫn không bỏ được tật cũ, thường xuyên trộm tiền đến thanh lâu tìm vui!  Cuối cùng hắn đã gom mấy ngàn lượng vàng mà trốn đi biệt!

Công Tôn Bàng nghe đến đây thì chân đã run lẩy bẩy không sao đứng vững được. Tử Hoa ôm mặt khóc nghẹn ngào. Nàng ta năm xưa tin tưởng Công Tôn Bàng nên đã tự bán mình vào lầu xanh lấy ngân lượng giúp hắn. Nàng hi sinh tiết hạnh chỉ mong hắn được công danh khoa bảng. Bao nhiêu năm, Tử Hoa vẫn một mực tin tưởng, đến giờ đã biết Công Tôn Bàng chỉ là kẻ không ra gì, nàng vừa tủi nhục vừa đau đớn như dao cắt trong lòng.

Văn Viễn nấp trên mái nhà nghe chuyện cũng đùng đùng nổi giận chỉ muốn nhảy xuống tát cho tên Công Tôn kia mấy bạt tai.

Tuy nhiên Tử Hoa khóc lóc một hồi lại quỳ lạy nói:

- Dầu gì cũng đã có ước hẹn với Công Tôn huynh từ trước, xin đại nhân đừng làm khó dễ! Cho thiếp cùng Công Tôn huynh có thể được sáng tối kề cận!

Quan tổng đốc khổ não đến rơi lệ:

- Nàng vẫn muốn bỏ ta mà đi theo hắn ư? Nàng vẫn muốn đi ư?

Quan tổng đốc cười thê thảm một tràng dài không dứt. Văn Viễn trên nóc nhà lắng nghe biết ông ta lòng dạ có lẽ đã tan nát thành muôn vạn mảnh. Tổng đốc đại nhân cười xong rồi nhìn Tử Hoa khuôn mặt cũng đang đầm đìa lệ, trong lòng lại như có dao cắt.

 Quan tổng đốc quay lưng lại nói:

- Mau! Mau! Mau đi theo hắn. Đi cho khuất mắt ta! Đời này kiếp này ta không còn muốn thấy nàng nữa!

Văn Viễn trên mái nhà thấy dáng bộ của quan tổng đốc mà tự nhiên thương cảm. Ông đã từng nhỏ lệ với chuyện đại tiểu thư đên chết vẫn chung tình với Cầm Điệp Cuồng Sinh. Tuy nhiên nhiều lúc ông nghĩ, ví như Cuồng Sinh kia thật sự không thèm đoái hoài đến mà có nữ nhân khác, đại tiểu thư chưa chắc còn giữ tình chung. Còn tổng đốc đại nhân đây suốt năm năm dùng chân tình đối đãi với Tử Hoa dầu biết trong lòng nàng không hề yêu thích. Tấm si mê ấy nào mấy ai bì được. Giờ quan tổng đốc lại chấp nhận để Tử Hoa theo tình lang mà đi. Văn Viễn tự nhiên trong lòng thầm phục. Ông nghĩ nếu ngược lại là ông, chưa chắc có thể hành động thoáng đạt như vậy.

Tử Hoa dập đầu lạy tạ mấy cái, đáp:

- Ơn của đại nhân, thiếp sẽ tạc dạ ghi lòng. Kiếp sau nhất định sẽ báo đáp! Đại nhân bảo trọng, thiếp xin dập đầu từ biệt tại đây!

Nàng vội vàng đứng dậy tiến ra cửa, đầu không dám quay lại nhìn. Tên Công Tôn Bàng cũng vội vàng đi theo. Tuy nhiên hắn ngang qua quan tổng đốc thì vung kiếm lên đâm thẳng một cái. Quan tổng đốc đang tan nát cõi lòng không hề phòng bị. Lưỡi kiếm lập tức xuyên vào lưng quan tổng đốc.

Tên Công Tôn Bàng chưa kịp vui mừng thì nghe từ trên đầu có một luồng khí lạnh dội xuống. Hắn ngước mặt lên nhìn đã thấy Văn Viễn cung tay giáng một chưởng. Văn Viễn vốn nghĩ chuyện riêng của người khác thì không nên can thiệp. Tuy nhiên, ông thấy quan tổng đốc nặng tình nhưng nữ nhân kia lại nhất mực cự tuyệt thì trong lòng đã thấy ngậm ngùi bất mãn. Cho nên tên Công Tôn Bàng đâm lén một kiếm, Văn Viễn tức thì phá ngói nhảy xuống.

Công Tôn Bàng trúng chưởng, mặt mũi tê buốt văng qua một bên kêu la như chết cha chết mẹ.Tử Hoa mặc kệ hắn vội vã chạy vào đỡ lấy quan tổng đốc, nước mắt ràn rụa hỏi:

- Ngài…ngài có sao không?

Văn Viễn nhìn thấy lưỡi kiếm đã xuyên vào hơn một tấc, máu tuôn ra chốc lát đã ướt đẫm quan bào tổng đốc đại nhân. Ông điên tiết nhìn Công Tôn Bàng quát:

- Đã tha cho ngươi đi, ngươi lại còn giở thói tiểu nhân vô lại!

Ông xấn tới túm lấy ngực áo nhấc tên Công Tôn kia lên. Văn Viễn đang giận nên hàn nhiệt tuôn ra ào ạt. Công Tôn Bàng thấy trước ngực lạnh toát nhanh chóng đóng một lớp băng mỏng thì hồn vía đã lên chín tầng mây. Hắn luôn miệng kêu van tha thứ. Văn Viễn nghiến răng định đánh một quyền cho hắn chết nhưng quan tổng đốc nói:

- Mau…thả hắn ra đi! Hạng người như hắn chỉ làm…chỉ làm bẩn tay ngươi mà thôi!

Văn Viễn ngoái đầu lại nhìn, thấy quan tổng đốc không có vẻ gì nguy hại tính mạng. Trong lòng ông cũng nguôi giận bèn thả tay. Tên Công Tôn Bàng vội vã cắm đầu cắm cổ mà chạy đi không dám nói thêm lời nào.

Quan tổng đốc nhìn Tử Hoa vẫn đang đỡ lấy mình, hỏi:

- Nàng sao còn chưa đi theo hắn? Nàng đã muốn bỏ ta đi kia mà?

Tử Hoa nước mắt ngắn dài đáp:

- Thiếp sao có thể bỏ ngài đi lúc này cho đành! Năm năm qua tâm ý của ngài thiếp cảm kích bất tận. Nhưng thiếp thân phận thấp kém, sao còn dám mơ màng chuyện được danh thất với ngài!

Tử Hoa nói hết những lời trong lòng. Quan tổng đốc nghe xong mặc kệ Văn Viễn đang đứng gần đó, choàng tay ôm lấy nàng mà mỉm cười hạnh phúc

Tên Công Tôn Bàng đâm lén một kiếm một giết tổng đốc đại nhân ngờ đâu thành ra tác hợp cho tấm chân tình. Văn Viễn ngẫm nghĩ thấy chuyện đời đúng là biến đổi không ngờ được.

Quan tổng đốc  lúc này hỏi:

- Ta mười hai năm dài làm quan, mười hai năm lòng đã chán chường! Ta nếu còn ở quan trường nhất định không thể giữ được lòng nhân của mình! Nàng có muốn cùng ta đến một nơi hẻo lánh mà sống cảnh bần nông hay không?

Tử Hoa gật đầu lia lịa đáp:

- Chỉ cần ngài cho phép thì thiếp nhất định sẽ đi theo ngài đến cùng trời cùng đất. Dầu có cực khổ đến đâu cũng cùng ngài cam chịu!

Văn Viễn từ lúc thấy bức tranh vẽ nơi hậu viện, lại biết quan tổng đốc là Văn Thiên Tú, đã sớm đoán người này lòng muốn đi ở ẩn. Ông đoán chừng còn nguyên nhân bên trong khiến quan tổng đốc do dự, hóa ra là vì nữ nhân đây. Ông bây giờ nghe thấy đôi bên ý tình thông tỏ thì mừng rỡ. Văn Viễn lo lắng cho thương tích quan tổng đốc nhưng thấy hắn vẫn thản nhiên nói chuyện không có chút gì khác thường thì biết đã không nghiêm trọng.

Tổng đốc đại nhân lúc này mới nhìn Văn Viễn mà nói:

- Nhờ có văn nhân này ta mới không phải chết thảm!

Ông ta cùng Tử Hoa liền cúi đầu vái tạ Văn Viễn. Văn Viễn vái đáp lễ mà hỏi thương thế. Tổng đốc đại nhân liền cười đáp:

- Chỉ là vết thương ngoài da! Ta mấy chục năm luyện công đâu thể để vết thương như vậy nguy hiểm tính mạng được!

Văn Viễn thủy chung lúc ở sảnh đường viết chữ vẫn đội mũ lớn nên quan tổng đốc không thấy được mặt mũi. Văn Viễn nửa đêm đang ngủ rồi âm thầm bám theo tên Công Tôn Bàng nên không che mặt được. Tổng đốc đại nhân nhìn ông liền ngập ngừng. Chỉ Tử Hoa liền kêu lên mừng rỡ:

- Hóa ra là Phùng văn nhân! Chẳng phải là Phùng văn nhân đây sao?

Văn Viễn nghe Tử Hoa nhận ra mình thì ngạc nhiên. Tổng đốc đại nhân lúc này mới nhớ ra mà nói:

- Ngươi là Phùng…Phùng Văn Viễn! Ta đã nhớ ra rồi! Thật sự không ngờ có thể gặp lại ngươi!

Tổng đốc đại nhân vỗ vai Văn Viễn liền mấy cái cười rất thân thiện như thâm giao lâu ngày. Văn Viễn thấy cả hai đều tỏ ra thân mật với ông thì càng ngơ ngác không hiểu. Quan tổng đốc nói:

- Lẻ ra lúc ngươi bàn luận về tham quan đại hiền ta phải nhận ra! Nếu không phải là ngươi thì thiên hạ còn ai mà biết được chuyện này!

Tử Hoa khom mình nói với Văn Viễn:

- Bao năm không gặp, Phùng văn nhân vẫn rất tráng kiện. Tử Hoa vô cùng vui mừng!

Văn Viễn vội chắp tay nói:

- Đại nhân và phu nhân có lẻ đã nhầm lẫn. Vãn sinh chưa từng gặp hai vị bao giờ!

Tổng đốc đại nhân liền đáp:

- Năm năm trước, ngươi trong một đêm đến xin gặp ta! Ngươi còn đem chuyện đại hiền, chuyện tiểu nhân, tham quan, trung quan ra suy luận với ta! Chính ngươi còn nói làm đại hiền rất dễ, làm tham quan rất dễ, nhưng có thể làm một tham quan đại hiền thì không dễ chút nào! Lẽ nào ngươi đã quên rồi sao?

Văn Viễn càng nghe càng như tơ rối. Ông đoán chắc rằng năm năm trước có một người giống ông đã đến bàn luận về đạo làm quan với tổng đốc đại nhân. Nhưng năm năm trước, Văn Viễn mới bị trùng độc cắn còn đang sống dở chết dở ở Ứng Kê xa xôi làm sao có thể tỉnh táo mà luận bàn được.

Quan tổng đốc dường như nhớ ra mà hỏi:

- Ngươi lần đó nói sẽ lên kinh ứng thí khoa bảng! Vì sao cuối cùng không tham dự? Ta năm năm qua cho người tìm cũng không làm cách nào ra được tung tích của ngươi! Cuối cùng đã xảy ra chuyện gì?

Văn Viễn thở dài nói:

- Vãn sinh thật sự tên Phùng Văn Viễn nhưng quả thật chưa hề gặp mặt đại nhân bao giờ, làm sao nói đến chuyện cùng ngài bàn luận? Đây là lần đầu tiên vãn sinh đến Hàng Châu!

Tổng đốc đại nhân nghe vậy liền ngẫm nghĩ. Tử Hoa lúc này liền nói:

- Dường như không phải là văn nhân đó. Người kia ngạo khí rất lớn lại không hề biết võ công. Còn vị này lại cung kính ôn nhu, một thân tuyệt kỹ!

Tổng đốc đại nhân chau mày nghĩ ngợi rồi lắc đầu:

- Không thể tin trên đời có chuyện người giống người đến vậy! Thật sự như một khuôn đúc ra, kể cả giọng nói cũng không có khác biệt!

Văn Viễn không muốn phá hỏng đêm mộng đẹp của quan tổng đốc nên vội vã cáo từ lui về phòng.

Ông trên đường đi cứ suy ngẫm những lời tổng đốc đại nhân cùng Tử Hoa nói, ruột gan cứ rối bời:

- Như vậy là ta và tên xú tử Phùng Văn Viễn giống nhau như khuốn đúc. Xú tử kia năm xưa đã gặp mặt tổng đốc đại nhân cùng Tử Hoa. Thành ra hai người này thấy ta liền nhìn lầm! Nhưng theo lời tổng đốc đại nhân, tên xú tử kia còn tính dự thi khoa bảng. Hắn đã xảy ra chuyện gì để rồi gặp bà bà thần tiên cuối cùng chết mất xác ở dưới vực sâu Mai Hoa Trang?

Văn Viễn càng nghĩ càng lâm vào ngõ cụt.

Ông nghĩ một hồi chợt nhớ đến đại tiểu thư cùng bà bà thần tiên, tự nhiên đáy lòng chua chát. Ông lại nhớ đến Ân Ân chết thảm thương, bất giác thở một hơi dài ngao ngán. Ông tính lưu lại phủ tổng đốc, đợi sáng mai sẽ bái biệt lên đường. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, cứ đi bây giờ là vẹn toàn hơn hết.

Văn Viễn không quay về phòng thu dọn hành trang. Ông dùng  Du Ảnh Biến nhảy lên một nóc nhà khác rồi đi mất. Ông thi triển khinh công mau lẹ, chốc lát đã bỏ phủ tổng đốc lại phía sau lưng. Văn Viễn phân vân giữa đêm tối không biết nên đi đâu về đâu. Ông thấy tinh lực trong người sung mãn bèn nhắm trước mặt mà đi bừa.

Văn Viễn đi một hồi đột nhiên lại thấy có mấy bóng người thấp thoáng nơi mái lầu của một trang viện lớn. Ông liền nấp kỹ quan sát. Tất cả có bốn tên đang chạy về hướng tây. Tên nào trên vai cũng vác một bao vải. Văn Viễn đoán chừng không trộm cũng cướp liền tức tốc đuổi theo. Bốn người này xem ra khinh công rất kém. Bọn họ nhảy đi nhảy lại một chút đã phải dừng lại nghỉ liên hồi. Văn Viễn không rõ thực hư nên cứ âm thầm theo sau quan sát. Ông thấy cả bọn hướng ra ngoại thành rồi nhảy xuống một ngôi miếu thổ địa bỏ hoang bên đường vắng.

Văn Viễn đợi cả bọn vào hẳn trong miếu mới nhẹ nhàng nhảy vọt một cái lên trên mái. Ngôi miếu này hoang phế lâu năm nên mái ngói vỡ loang lổ. Văn Viễn nhìn theo ánh trăng mờ tỏ thấy cả bốn tên đang ngồi thở dốc. Lát sau một tên liền mở từng bao ra mà kiểm tra. Bên trong các bao toàn vàng nén. Văn Viễn thấy vậy chắc nịch là trộm đạo lộng hành. Ông nhìn thấy người kia sau khi kiểm tra xong liền thở phào một cái nhẹ nhỏm, hóa ra lại là nữ nhân. Nàng ta nói:

- Mau! Mau! Chúng ta phải nhanh tay lên, kẻo bọn kia tìm đến thì hỏng việc!

Văn Viễn nghe tiếng nói, ngửi mùi hương thấy quen thuộc liền nhận ra chính là bọn người ở quán trọ ngoại thành bàn tính chuyện trộm vàng phủ tổng đốc đi tiếp tế. Có lẻ bọn họ thấy vào phủ tổng đốc khó khăn nên chuyển sang trộm một phú hộ nào đó.

Văn Viễn nghe người nữ nói xong lập tức ba người kia liền đứng dậy vác bao lên vai. Một người nói:

- Chúng ta bắt đầu từ thôn Yên Hà! Số ngân lượng này đủ chia đều cho hơn hai trăm hộ! Các ngươi chớ có nổi lòng tham mà giấu bớt bỏ túi riêng. Ta mà biết nhất định sẽ chặt tay!

Mấy người kia dạ lớn rồi ra khỏi miếu thổ địa nhằm hướng tây đi tiếp. Văn Viễn thấy thú vị, lập tức theo sau bén gót. Cả bọn đi thêm một chốc đã đến thôn trang heo hút, chỉ toàn là là nhà tranh sơ sài. Các căn nhà này từ cổng đến bờ rào tường đất đều xiêu vẹo, đủ biết dân chúng ở đây không mấy ai được khá giả.

Bọn người kia đến nơi liền tuần tự chia ra bốn bên mà đi. Bọn chúng cứ leo lên nóc nhà vạch mái lá rồi thả một thỏi vàng xuống. Cứ như vậy hơn canh giờ sau, bao vàng trên lưng tên nào cũng vơi cạn. Văn Viễn nhìn động tác cả bọn đoán chừng võ nghệ không giỏi nhưng lại dám liều mạng trộm vàng bạc chia cho người nghèo, trong lòng liền cảm kích tính hiệp nghĩa.

Ông toan bỏ đi bất chợt nghe bên tai tiếng người rên yếu ớt. Ông giật mình ngửi thử trong gió, quả nhiên là có mùi máu. Văn Viễn không chút nghĩ ngợi liền theo tiếng rên kia mà đi tới. Chừng được hai dặm, Văn Viễn nhận ra có tổng cộng ba người đang lấp ló trong một căn nhà bỏ hoang ở cuối thôn. Ông không dám cẩu thả làm bừa, bèn nhẹ nhàng ém khí nhảy lên thân cây cao gần đó. Văn Viễn dõi mắt qua mái tranh đổ nát nhìn vào trong chỉ thấy hai tên cao lớn che đang đứng quay ra cảnh giới. Sau lưng chúng là một người đang thoi thóp. Vì bóng trăng mờ tỏ nên Văn Viễn nhìn không rõ ràng. Ông phân vân suy tính rồi dùng Du Ảnh Biến nhảy xuống đất đến sát bờ tường xiêu đổ

Văn Viễn nheo mắt qua khe nứt lớn mà nhìn vào. Ông thấy rõ người đang thoi thóp là một nam nhân. Người này trên ngực bị thủng mấy lỗ lớn máu cứ chảy tràn ra ngoài. Văn Viễn ước chừng hắn khó mà sống nổi. Ông lén nhìn hai tên cao lớn đang che mặt đứng gác. Thì ra cả hai tên đều đeo  mặt nạ quỷ màu đen, rõ ràng là người U Minh Cung. Văn Viễn thấy vậy càng đoán người nam đang hấp hối kia nhất định đã gây thù oán gì với U Minh cung mới bị đối xử như vậy.

Văn Viễn vốn mấy lần thấy người trong giang hồ toàn lấy mạng nhau để mà đền thù đền oán. Chính ông ở Gia Lăng cũng đã giết không biết bao nhiêu mạng người. Văn Viễn sợ lại can dự vào chuyện chém giết nên toan âm thầm bỏ đi. Tự nhiên ông nghe bên tai có tiếng thều thào:

- Người…người ở ngoài…là bạn hay thù?

Văn Viễn không ngờ còn có người khác đang dùng thuật truyền âm mà hỏi. Ông ngửi trong gió mấy lần thì quả quyết xung quanh đây chỉ có ông cùng ba người trong căn nhà hoang đây. Văn Viễn nghe người kia hỏi một lần nữa liền hiểu ra chính là nam nhân đang nằm thoi thóp. Văn Viễn trong lòng kinh hãi. Ông âm thầm đến cạnh, hai tên U Minh Cung khỏe mạnh cũng không biết nhưng người nam đang sắp chết lại phát hiện được. Văn Viễn run run vận công nói thầm:

- Tại hạ…tại hạ…chỉ là văn nhân!

Người nam liền nói:

- Văn nhân thì lại càng hay! Nhưng ta chưa bao giờ thấy văn nhân nào có khinh công cao như vậy! Nội lực của ngươi ít nhất cũng đã năm sáu chục năm tu luyện. Thiên hạ có văn nhân như vậy hay sao?

Văn Viễn lúng túng đáp:

- Tại hạ…tại hạ thật sự chỉ là văn nhân, chỉ nhờ duyên kỳ ngộ may mắn nên mới được như vậy!

Người kia im lặng không còn nói nữa. Văn Viễn nhìn vào trong thì thấy người nam đang ôm ngực đau đớn. Ông thầm đoán hắn dùng cách truyền mật âm nên lao lực làm vết thương bị chấn động. Văn Viễn lúc này cũng không nỡ lòng bỏ đi đành cứ nép bên ngoài chờ đợi.

Một lát sau một tên mang mặt nạ quỷ nói:

- Ngươi canh gác cẩn thận! Ta đi kiếm cái gì đó để ăn!

Tên kia đáp:

- Ta cũng đã đói lắm! Chi bằng chúng ta cùng đi!

Hắn quay lại nhìn người nam đang đau đớn thì nói:

- Tên này đã gần chết, cần gì phải canh gác cẩn thận!Hắn đâu thể mọc cánh mà bay đi đâu cho được!

Hai tên suy tính một hồi rồi yên dạ mà bỏ đi.

Văn Viễn đợi hai tên đã khi khuất hơn mấy dặm mới vội vàng nhảy vào trong mà đến gần. Ông thấy người nam toàn thân máu đã cô đặc biết hắn không còn sống được lâu nữa. Văn Viễn nhìn hắn đoán chừng chỉ mới hơn ba mươi tuổi, không hiểu vì sao lại bị U Minh Cung hạ độc thủ.

Hắn lúc này cũng gắng gượng hé mắt nhìn Văn Viễn rồi thều thào:

- Ngươi có thể giúp ta một chuyện được hay không?

Văn Viễn ngồi xuống hỏi:

- Là…chuyện gì?

Người này nói:

- Trong thành Hàng Châu có một nơi là Song Minh Các bao gồm Vọng Nguyệt Lâu và Thính Vũ Đài! Ta muốn nhờ ngươi đến Thính Vũ Đài thay ta làm một việc!

Hắn nói xong liền ho mấy tiếng khó nhọc. Văn Viễn thấy hắn gần chết vẫn muốn giao phó đoán chừng việc trọng đại nên đáp:

- Chỉ cần không làm hại ai, tại hạ nhất định sẽ giúp!

Người này liền thều thào:

- Ngươi hãy đến Thính Vũ Đài viết một dòng chữ thật lớn mà treo ở đó là…là được rồi!

Văn Viễn thấy lạ lùng. Ông cứ nghĩ người này nhờ ông đến nhắn gửi hay gặp một ai khác, ngờ đâu chỉ là đến để treo chữ. Ông liền hỏi:

- Không biết phải treo dòng chữ gì?

Người này đáp:

- Ngươi viết…viết…trên một bàn tay có…có năm ngón…

Hắn nói đến đây liền trợn mắt đau đớn không sao nói tiếp được. Văn Viễn sợ hắn bất ngờ lăn ra chết liền hỏi dồn:

- Có phải là trên một bàn tay có năm ngón ngắn dài hay không?

Người kia liền gật đầu xác nhận. Văn Viễn tâm cơ nhanh nhạy đoán chừng là lời trối mà hắn muốn nhắn cho người khác. Ông liền nói:

- Huynh đài an tâm! Tại hạ nhất định sẽ giúp! Không biết có còn chuyện gì nữa không?

Người kia thở mạnh mấy hơi thều thào nói:

- Không…không còn gì nữa! Đa.. đa tạ ngươi đã giúp! Ta chết làm ma nhất định…nhất định sẽ phù hộ ngươi!

Văn Viễn biết hắn đang trăn trối nên cũng mủi lòng. Ông không nỡ để hắn chỉ có một mình nên đành ở lại bên cạnh. Văn Viễn tinh thông y thuật biết đã vô phương cứu chữa nhưng cũng không đành nhìn hắn đau đớn chết đi. Ông liền vận âm hàn lên tay mà áp lên vết thương trên ngực hắn. Quả nhiên một lúc sau hắn đã bớt mấy phần đau đớn.

Hắn nhìn Văn Viễn mà nói:

- Đa tạ ngươi tuy không quen biết nhưng đã hết lòng giúp đỡ!

Văn Viễn cười thảm đáp:

- Phàm ai gặp thế này cũng đều làm như tại hạ mà thôi! Huynh không cần để bụng làm gì!

Người này im lặng một lúc lại thều thào nói:

- Công lực âm hàn không phải do ngươi tu luyện mà có, hình như do kỳ ngộ nào đó mới được như vầy!

Văn Viễn không ngờ hắn chỉ cần thông qua nội lực ông truyền lên vết thương đã nhận ra được chân nguyên bên trong. Văn Viễn gật đầu xác nhận.

Hắn thở mạnh một chút rồi nói tiếp:

- Ngươi giúp ta treo chữ! Lại giúp ta trước khi chết được nhẹ nhàng! Ta đâu thể không cảm ơn ngươi được! Mau mau tháo chiếc giày bên chân trái ta ra!

Văn Viễn tuy không hiểu hắn muốn gì nhưng vẫn ngoan ngoãn tháo giày cho hắn. Hắn nói:

- Ngươi mở đế chiếc giày ra!

Văn Viễn nghe vậy liền nhìn kỹ. Thì ra chiếc giày này được làm hai lớp. Ông thấy có một vết nhỏ bên hông bèn theo đó giật mạnh quả nhiên đã tháo rời đế giày. Lập tức có một vật rơi xuống.

Văn Viễn nhặt lên xem thử. Vật này được bao bọc bên ngoài bằng mấy lớp giấy thấm dầu để chống bị ẩm mốc. Người kia liền thều thào nói:

- Ngươi…ngươi tuy có nội công lớn nhưng lại không biết cách tu dưỡng! Không sớm thì muộn cũng hao hụt tinh lực! Chỉ cần ngươi theo những trang ghi chép bên trong mà tập luyện, nhất định sẽ có được một thân nội công…thâm hậu! Xem như…xem như …ta đền ơn…cho ngươi!

Văn Viễn nghe hắn nói vậy thì biết bên trong vật này phải chứa đựng phương pháp luyện công gì đó. Ông thấy tên này lại đem cất dưới đế giày tất nhiên là sợ người khác đoạt lấy. Không cần suy đoán cũng biết vật này quý như thế nào.

Văn Viễn liền lắc đầu nói:

- Tại hạ giúp huynh chỉ chút việc mọn đâu dám nhận hậu lễ như vậy! Huynh còn có thân thuộc nào không? Tại hạ nhất định sẽ thay huynh mà đưa đến cho họ!

Người kia nghe Văn Viễn nói liền nhìn ông chăm chú. Hắn đang gần chết nhưng vẫn cố bật cười mà nói:

- Thiên hạ kẻ nào nghe đến thần công chi bảo cũng đều mặt mày sáng rỡ, trong bụng bày mưu tính kế để làm của riêng. Chỉ có ngươi là không màng đến! Ngươi quả nhiên là văn nhân có tấm lòng nhân hậu! Hay lắm! Mau cởi chiếc gày bên phải của ta ra!

Văn Viễn răm rắp làm theo. Ông cũng mở đế giày bên phải, lại có một vật rơi xuống. Vật này là một tấm da đã được thuộc kỹ lưỡng. Trên đó có ghi chép chữ chi chít, còn có vẽ hình người đang ngồi thiền.

Người kia nói:

-Đây mới là chi bảo thật sự. Vật kia chỉ là đồ giả. Nếu vừa rồi ngươi hấp tấp đem đi mà luyện nhất định sẽ tẩu hỏa nhập ma mà điên loạn. Ta vì bị thiên hạ đuổi giết nên không thể không phòng bị! Mong ngươi…ngươi đừng trách!

Văn Viễn nghe hắn nói mà đổ mồ hôi lạnh. Ông vừa rồi nếu có lòng tham thì đã tự chuốc họa cho mình. Văn Viễn nói:

- Không được! Huynh cất nó kỹ như vầy tất nhiên là yếu quyết luyện công hiếm có. Tại hạ đâu thể nhận được! Huynh còn có thân thuộc không để tại hạ chuyển đến!

Người này nắm lấy tay Văn Viễn mà thều thào:

- Ta…tặng nó cho ngươi! Ngươi cứ nhận lấy! Ngươi sau này nhất định…nhất định là một trang tuyệt thế!...Chỉ tiếc là ta không còn…không còn thấy được phút đó!

Văn Viễn từ chối mấy lần nhưng thấy hắn hết sức van nài nên đành nhận. Hắn lại hỏi:

- Ngươi đã từng nghe…từng nghe…Hoa Sơn Thất Hiệp chưa?

Văn Viễn gật đầu đáp:

- Tại hạ may mắn được nghe Sa tiểu thư luận bàn nên có biết!

Người kia cười thảm nói:

- Ta …ta chính là…Phan Khôi Diện! Ta …ta đứng hàng thứ sáu trong…trong Hoa Sơn..Thất Hiệp!

Văn Viễn nghe liền giật mình hiểu ra:

- Thảo nào huynh bị U Minh Cung truy sát! Vậy thứ này có phải là Tử Hà Thần Công gì đó?

Phan Khôi Diện khẻ gật đầu rồi nói tiếp:

- Ta chuyên nghiên cứu các loại nội công tâm pháp trong thiên hạ. Sa..Sa tiểu thư tuy kiêm thông võ học các môn phái nhưng…nhưng về nội công tâm pháp không thể hiểu biết bằng ta được. Thành ra giang hồ mới đặt cho ta ngoại hiệu là Thâu Công Thiên!

Văn Viễn nghe vậy thì đoán hắn lúc còn khỏe mạnh nhất định đã tu luyện một thân nội công vô cùng thâm hậu. Đến bây giờ dầu sức lực suy kiệt vẫn có thể gắng gượng cầm cự được. Hắn có ngoại hiệu Thâu Công Thiên tất nhiên rất thông thuộc các nội công. Thảo nào Văn Viễn chỉ dồn hàn nhiệt vào tay áp lên ngực hắn thì hắn đã nói không một chút sai lệch.

Phan Khôi Diện dặn dò:

- Ngươi cứ chiếu theo thủ pháp trên tấm da này mà tập luyện. Tuy chỉ là bảy trang của Tử Hà Thần Công nhưng lại là bảy trang trọng yếu nhất! Chỉ cần ngươi kiên trì sẽ có thành tựu. Nhớ là phải giấu kín không cho ai biết kể cả thân thuộc! Bằng không sẽ tự chuốc họa vào thân giống…giống như ta đây!

Văn Viễn nghe liền gật đầu.

Phan Khôi Diện thở dài u uất nói tiếp:

- Không may sư môn có biến…lòng người…đen trắng…lẫn lộn. Ta không phòng bị nên trúng tử thương. Chết…chết như thế này thật không sao…nhắm mắt cho đành được!

Hắn nói xong liền chảy dài hai dòng lệ bi phẫn. Hắn nắm chặt tay Văn Viễn mà nói:

- Nhờ ngươi…ngươi hãy đến Thính Vũ Đài thay ta…thay ta treo chữ. Ta …ta …chết cũng không quên ơn…ơn đức này!

Hắn nói đến đây liền trừng mắt đau đớn rồi nghẻo đầu qua một bên. Văn Viễn run run sờ lên trên mạch cổ của hắn không nghe nhịp đập thì biết hắn đã tuyệt khí. Văn Viễn thấy hắn chết còn mở trừng mắt thì bất nhẫn liền đưa tay vuốt mặt hắn. Văn Viễn phải vuốt bốn năm lần hắn mới nhắm mắt lại.

Vừa lúc đó, Văn Viễn nghe có tiếng gió từ xa đến. Ông đoán chừng hai tên U Minh Cung đang chạy tới. Ông vội vàng nhét tấm da vào trong người rồi mang giầy lại cho Phan Khôi Diện. Ông cúi đầu lạy mấy cái, tức thì dùng Du Ảnh Biến nhảy ra ngoài. Văn Viễn náu người trên cây cao nghe ngóng. Chừng tàn nửa nén hương, hai tên U Minh Cung kia quay lại. Bọn chúng vào trong thấy Phan Khôi Diện đã chết liền nói:

- Tứ đường chủ đã ra tay quá nặng! Bây giờ cứ đem hắn về mà trình diện! Cứ ngỡ bắt hắn sẽ tra khảo được gì! Xem như uổng công một chuyến!

Hai tên đối đáp qua lại một hồi liền vác xác Phan Khôi Diện lên vai mà chạy đi. Văn Viễn không dám khinh suất. Ông cứ nép mình trên cây chờ cả hai tên đi khuất mới thở phào mà ngầm khấn vái:

- Phan huynh xin hãy yên nghỉ! Tại hạ nhất định sẽ theo lời huynh mà hành sự!

Văn Viễn toan bỏ đi nhưng sợ quanh đây còn người của U Minh Cung lai vãng. Ông thấy tán cây này vừa cao vừa kín đáo bèn chọn một chảng ba cành vững chắc nằm xuống đó mà đợi trời sáng. Ngờ đâu mắt vừa nhắm lại đã chìm vào giấc ngủ dài.

Nguồn: truyen8.mobi/t114156-vu-diem-co-thien-chuong-29-hoa-chu-tang-cho-ai.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận