Văn Viễn lủi thủi theo ba nàng tiểu thư trở lại Mai Trang. Mai Phương Anh bên trái, Mai Kim Anh bên phải, Mai Vương Anh sau lưng, ba nàng tiểu thư cứ vịn tay ôm vai Văn Viễn miệng cười tươi còn hơn cả hoa đào chớm nở. Ông cũng làm bộ tươi cười nhưng trong lòng sầu thảm quá nổi.
Văn Viễn nghĩ các nàng hôm nay đều cho rằng ông là tình lang Cầm Điệp Cuồng Sinh. Đến bà bà thần tiên cũng đã bán tin bán nghi. Các nàng bây giờ cứ ấp ủ hi vọng đó thành sự thật càng cố sức chữa trị thương thế cho ông. Ông ngao ngán nghĩ đến một mai thực sự nhớ lại vẫn không phải là Cầm Điệp Cuồng Sinh, không biết các nàng sẽ bạc đãi như thế nào. Ba đấng trượng phu si tình còn bị các nàng tiểu thư đánh chút nữa đã mất mạng. Nếu các nàng ra tay với ông như vậy, dù có bao nhiêu cái mạng cũng không đủ cho cơn ghen hờn.
Văn Viễn liền nghĩ:
- Mai đây nếu ta may mắn nhớ lại. Dầu có bị cạy miệng cũng không được nói ra. Ta cứ giả vờ không biết gì là tốt nhất! Than ôi! Sao ta phải lâm vào cảnh này? Nếu biết trước như vầy, thà đừng nhận lời của Ác Hòa Thượng, Bạch Mi Bà Bà còn hơn!
Nghĩ vậy nên ông càng làm bộ tươi cười. Thật sự được ba tuyệt thế giai nhân vai kề má ấp mà trò chuyện, thiên hạ chắc không mấy ai được phúc phần như Văn Viễn. Văn Viễn tuy cũng nghĩ vậy. Nhưng ông trong lòng sợ hãi các nàng tiểu thư nên cũng chẳng còn lòng dạ nào hân hoan hưởng phúc.
Mai Phương Anh đang đi bỗng kéo tay ôm đến một bàn cờ vây. Đây là một thế cờ tàn, Văn Viễn thấy quân đen đang áp đảo vây hãm quân trắng bốn bề. Quân trắng rõ ràng không có lối thoát. Quân đen đang tập trung công kích góc trái, chỉ cần đặt thêm một quân, bên cờ trắng coi như thất thủ.
Mai Phương Anh hỏi:
- Nếu thiếp cầm quân đen! Chàng cầm quân trắng! Chàng có ăn được thiếp hay không?
Văn Viễn nghe nàng ta nửa nói giọng van nài, nửa lại đang khiêu khích. Ông vốn cũng đam mê đánh cờ nên chăm chú nhìn ngắm. Ba vị tiểu thư khẽ liếc mắt nhìn nhau hồi hộp chờ đợi.
Văn Viễn càng nhìn thế cờ càng ngạc nhiên mà lẩm bẩm:
- Rõ ràng quân đen chiếm ưu thế lớn như vậy thì quân trắng làm sao còn cửa để đảo ngược? Nhưng nếu như vậy thì đâu cần phải bày ra thế cờ này?
Văn Viễn đoán chắc còn có điểm chốt yếu bên trong. Ông vội hít mấy hơi dài để tinh thần thư thái rồi nhìn lại bàn cờ một lần nữa. Ông liền thốt lên:
- Cao siêu! Không ngờ trên đời còn có kỳ thủ cao siêu như thế!
Ông liền hỏi:
- Không biết ai đã bày ra thế cờ này?
Mai Phương Anh đáp:
- Lúc Tần vương toan đánh nước Sở. Ông ta đã cho triệu sứ thần nước Sở đến trước điện. Ông ta đã bày ra một bàn cờ. Quân đen ám chỉ nước Tần. Quân trắng ám chỉ nước Sở. Thế cờ quân đen áp đảo vây khốn quân trắng. Tần vương hàm ý nếu Tần quân tiến công, nước Sở nhất định bại vong! Ngờ đâu sứ thần nước Sở chỉ cười nhạt. Sứ thần này đã cầm quân trắng mà đi mấy nước đạnh bại quân đen, lật ngược tình thế thần kỳ!
Chuyện này Văn Viễn đã từng đọc các ngoại truyện Chiến Quốc nên biết đến. Nhưng ông vẫn chỉ cho rằng là chuyện thêu dệt. Ông liền hỏi:
- Dầu có viết trong ngoại truyện nhưng mấy ngàn năm sau chưa hề có ai biết được thực hư bên trong. Làm sao bây giờ có thể bày ra được thế cờ này?
Mai Vương Anh cười khúc khích đáp:
- Chàng khờ này! Chàng quên Sa nha đầu kiêm thông chuyện cổ kim hay sao? Nha đầu này một lần cho người lén quật mồ các trọng thần đời Tần may mắn tìm được một cuốn trúc thư còn nguyên vẹn. Thế cờ này chính là theo trúc thư đó mà bày ra!
Văn Viễn đoán Sa nha đầu mà nàng ta nói đến chắc hẳn là Sa tiểu thư kiêm thông võ học các nhà. Ông nhìn lại bàn cờ lần nữa cảm khái nói:
- Tần vương ngạo mạn lại bày cờ nên chổ nào cũng muốn cho quân đen chiếm lợi. Ngờ đâu tham lam quá thành ra lại hại chính quân cờ của mình. Quân trắng tuy bị vây hung hiểm nhưng vẫn có thể lật được tình thế. Sứ thần nước Sở năm xưa nhất định không hề run sợ mới có thể tĩnh tâm phá được thế cờ có một không hai này!
Văn Viễn cầm quân trắng liền nhè vào góc trái đặt một quân sát cạnh cờ đen. Ba nàng tiểu thư liền kêu lên:
- Chàng đánh như vầy chỉ cần bọn muội đặt thêm quân đen bên cạnh đã ăn mất toán quân trắng nơi góc trái mất!
Văn Viễn cười hì hì diễn giải:
- Các muội xem, thế cờ này cốt yếu là quân đen vây tứ bề dồn quân hết quân trắng vào góc trái. Kẻ nào không tỉnh táo sẽ hoảng sợ cứ chăm chăm ở đấy mà điên đầu tính cách giữ quân!
Ông chỉ xuống mấy quân cờ trắng đang nằm lẻ loi ở góc phải, nói:
- Các muội xem. Mấy quân cờ này nhất định là do Tần vương sau khi bày thế đã tiện tay mà đặt thêm vào. Tần vuong cho rằng quân đen đã chắc thắng cho nên đặt vài quân trắng nơi đây để tôn thêm khí thế quân đen. Ngờ đâu lại đặt dao ngay cổ họng mình!
Văn Viễn đang cao hứng nên thuận miệng cũng gọi lại các tiểu thư thân thiết. Mai Phương Anh run run đặt một quân đen. Quả nhiên đã ăn hết toán cờ trắng ở góc trái. Văn Viễn lúc này liền chuyển sang góc phải mà công kích. Ông chỉ đánh ba nước cờ đã ăn hết một phần ba quân đen. Sau đó, quan trắng quả nhiên có đất tung hoành, nhanh chóng áp đảo ngược lại.
Văn Viễn cảm khái nói:
- Quả thật do Tần vương háo thắng nên thế tàn cuộc này quân trắng mới có cơ hội xoay chuyển. Các bậc võ vương ngày xưa đều ôm mộng lớn nên hành xử thường gây sai sót. Âu cũng do lòng tham bất tận không chịu biết đủ để dừng!
Mai Phương Anh lúc này liền òa khóc mà ôm chầm lấy ông. Nàng ta nói:
- Chàng còn nói mình không phải là Cầm Điệp Cuồng Sinh ư? Nếu chàng không phải là tình lang của thiếp, làm sao có thể nhất thời mà lại nói không khác gì Cầm Điệp Cuồng Sinh năm xưa? Chàng đúng là Phùng lang của thiếp của thiếp rồi!
Thì ra nàng ta giả vờ dụ Văn Viễn đánh cờ, thật ra là đang kiểm chứng. Ai dè ông từ cách cầm quân đến lời diễn giải đều giống Cầm Điệp Cuồng Sinh ngày trước không chút sai lệch. Trong bốn nàng tiểu thư Mai Hoa Trang, chỉ có Mai Phương Anh là giỏi đánh cờ. Thành ra chuyện ngày xưa, Cầm Điệp Cuồng Sinh trong lúc đấu cờ làm gì hay nói gì chỉ có một mình nàng ta biết. Mai Kim Anh, Mai Phương Anh thấy nhị tỷ đã cả quyết thì trong bụng cũng thầm chắc rằng Văn Viễn chính là Cầm Điệp Cuồng Sinh.
Chỉ có Văn Viễn được người đẹp ngã vào lòng mà sầu thảm trong bụng cười mếu máo đáp:
- Ta…ta cũng không biết nữa!
Mai Phương Anh khóc lóc một hồi rồi thẹn thùng lau nước mắt. Ba nàng tiểu thư lại dẫn Văn Viễn đi tiếp. Chừng một đoạn Mai Kim Anh làm như sực nhớ ra liền hỏi:
- Chàng rất thông thuộc cầm âm phải không?
Văn Viễn thật thà gật đầu mà không đáp. Mai Kim Anh quay sang nhìn hai nàng tiểu thư còn lại mà nói:
- Trang chúng ta chẳng phải có một khúc phổ không ai đánh được hay sao? Sao không nhân cơ hội này để chàng xem thử nguyên do thế nào?
Văn Viễn vốn ham mê âm luật. Vừa nghe đến chuyện cầm phổ kỳ lạ liền tò mò hỏi:
- Không biết đó là khúc phổ gì mà không có ai đánh được?
Mai Kim Anh không đáp nắm tay lôi ông đi dọc theo hành lang bên trái. Chớp mắt cả bốn người đã đến một biệt viện khác. Biệt viện này được xây dựng theo lối thủy tạ nổi. Văn Viễn nhìn thấy xung quanh đều được đào ao dựng cầu thì biết năm xưa rất kỳ công mới xây được biệt viện này. Mai Kim Anh kéo ông đến ngôi nhà thủy tạ ở giữa biệt viện rồi bắt ông ngồi xuống cạnh bàn đá. Văn Viễn thấy trên bàn đã có một cây đàn sắt, bên cạnh đã có một bộ cầm phổ được để sẵn.
Văn Viễn tò mò đọc qua một lượt. Rõ ràng là khúc phổ bình thường không có gì quái lạ. Âm luật được ghi chú diễn giải cẩn thận. Văn Viễn hiếu kỳ đánh thử. Tuy nhiên ông đàn chưa hết một phân đoạn liền dừng tay lại. Thì ra khúc phổ tuy ghi chép chỉnh chu, nhưng khi đàn lên có mấy đoạn phải cùng lúc đánh ba cung âm khác nhau. Cầm nhân dầu là cao siêu đến thế nào cũng chỉ có hai tay, làm sao mà đánh được. Văn Viễn thử bốn năm lần mồ hôi liền ra ướt áo. Mai Kim Anh nhìn ông nghiền ngẫm trống ngực cứ đập liên hồi. Nàng ta lúc này thấy từ cách đánh đàn đến vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi, Văn Viễn giống Cầm Điệp Cuồng Sinh như tạc. Nàng là người giỏi chơi đàn nhất trong bốn tiểu thư Mai Hoa Trang. Cầm Điệp Cuồng Sinh ham mê tiếng đàn tất nhiên là thường gần gũi nàng nhất.
Bốn tiểu thư Mai Hoa Trang mỗi người đều có sở trường riêng. Tứ tiểu thư Mai Vương Anh giỏi thư họa. Tam tiểu thư Mai Kim Anh thông thuộc âm luật. Nhị tiểu thư Mai Phuong Anh lại giỏi đánh cờ. Tất nhiên nàng đại tiểu thư đang ốm o sầu héo giỏi thi phú thư pháp. Cầm Điệp Cuồng Sinh năm xưa chính là bị bốn biệt tài này thu hút. Hắn khi đó không hề biết đại tiểu thư còn có ba cô em gái. Thành ra khi các nàng tiểu thư kia thay phiên nhau đóng giả chị mình, Cầm Điệp Cuồng Sinh gần gũi lại cho rằng đại tiểu thư quả thật, cầm kỳ thi họa, ngón nào cũng tuyệt luân bất phàm.
Văn Viễn lúc này bị khúc phổ như trêu ngươi không sao lý giải được. Ông đánh đi đánh lại mấy lần đều thất bại liền nhăn nhó mặt mũi trông rất thảm não.
Mai Kim Anh hồi hộp hỏi:
- Chàng không đánh được sao?
Văn Viễn lắc đầu ngán ngẩm:
- Vị tiền bối sáng tạo ra khúc nhạc này sao lại chơi khăm hậu nhân? Con người chỉ có hai tay làm sao nhất thời đánh được ba cung âm một lúc được? Sao lại làm trái đi khuôn khổ thông thương…
Văn Viễn nói đến đây tự nhiên mắt sáng rỡ. Ông lẩm bẩm:
- Trái đi khuôn khổ thông thường ư?
Văn Viễn vội vàng đánh lại. Ông lần này theo âm luật ngược lại mà dạo đàn. Quả nhiên là trơn tru không một chút vấp váp. Hóa ra người sáng tạo khúc phổ đã chép ngược âm điệu. Kẻ nào cứ chăm bẳm theo tuần tự thông thường sẽ bị loạn trí những đoạn buộc phải đánh cùng lúc nhiều cung âm. Nếu kẻ nào càng cố chấp không suy nghĩ thông thoáng, bỏ cả đời cũng không sao đánh được khúc phổ này.
Văn Viễn đanh xong khúc phổ thì lệ đã rơi ướt má Mai Kim Anh. Văn Viễn hít một hơi dài nói:
- Khâm phục! Tiền bối sáng tạo khúc phổ muốn hậu nhân đời sau không nên việc gì cũng khăng khăng theo lề lối cũ dẫn đến cứng nhắc. Nếu cứ như vậy khó mà thăng tiến được. Không ngờ một khúc phổ lại chứa đựng thâm ý răn dạy sâu xa đến vậy! Không thể không khâm phục được!
Mai Kim Anh ôm chầm lấy Văn Viễn ngẹn ngào:
- Nhị tỷ nói chàng là Phùng lang thiếp không tin. Nhung bây giờ thiếp đã tin rồi! Chàng ngày xưa cũng nói những lời này, lẽ nào chàng không nhớ chút gì hay sao?
Mai Kim Anh được dịp ôm tình lang sau bao năm cách biệt. Nàng ta đem ân tình sầu thảm kể lể đến nổi hai nàng tiểu thư kia đứng cạnh không kềm được lửa ghen thoáng hiện trên mặt.
Văn Viễn lúc này mới biết đã bị nàng ta khảo tra. Ông thấy mình lâm vào thế kẹt thì chỉ còn biết khóc thầm trong bụng. Các nàng tiểu thư càng tin chắc Văn Viễn chính là Cầm Điệp Cuồng Sinh. Sau này sự thật vỡ lở thử hỏi Văn Viễn sẽ thê thảm như thế nào.
Văn Viễn bị hai nàng Phương Anh, Kim Anh mượn cớ khảo nghiệm. Ông chỉ nói thật lòng ngờ đâu lại khiến các nàng tiểu thư si tình càng lún sâu trong hi vọng đã tìm được tình lang. Văn Viễn liếc thầm Mai Vương Anh mà nghĩ:
- Nếu như nàng này lại mượn cớ mà tiếp tục khảo tra. Ta cứ thật lòng sẽ khiến cả bọn tin ta là Cầm Điệp Cuồng Sinh. Ta dầu có nhớ lại thì vẫn không thể là tên Cuồng Sinh kia được! Lúc đó các nàng đây dầu rộng lượng hải hà đến đâu cũng không thể để ta yên ổn mà sống. Chi bằng từ giờ ta dầu chết cũng không hé miệng nói bất cứ câu gì!
Văn Viễn nghĩ vậy nên trên đường trở lại phòng, mặc kệ các nàng tiểu thư hỏi gì ông cũng chỉ ậm ừ không đáp. Hai nàng Phương Anh, Kim Anh đã chắc chắn Văn Viễn là Cầm Điệp Cuồng Sinh nên trong lòng mừng vui khôn tả. Duy chỉ có Mai Vương Anh vẫn âm thầm chau mày ủ dột không nói gì. Gần đến phòng Văn Viễn, hai nàng tiểu thư kia vội vàng quay xuống bếp. Chỉ mình Mai Vương Anh đưa Văn Viễn đi tiếp.
Văn Viễn đinh ninh Mai Vương Anh sẽ thừa dịp mượn cớ mà tra khảo nên ông cố sức đi nhanh. Văn Viễn bước vào phòng vẫn không thấy Mai Vương Anh nói năng gì thì yên tâm trong bụng. Nàng ta cặm cụi dọn lại giường chiếu ngăn nắp cho ông đôi mắt sầu thảm không sao kể được. Văn Viễn nhìn thấy tự nhiên cũng mủi lòng.
Bất chợt Mai Vương Anh đến cạnh ông mà hỏi:
- Tỷ phu…tỷ phu có thể …cho muội ôm một lần được không?
Văn Viễn nghe nàng ta gọi mình là tỷ phu thì kêu khổ trong bụng. Mai Vương Anh rõ ràng cũng tin ông là Cuồng Sinh. Tuy nhiên, nàng ta lại thẳng thừng cầu khẩn chung đụng càng khiến Văn Viễn hoang mang cứng lưỡi không biết đối đáp thế nào. Mai Vương Anh ngước đôi mắt như mặt hồ thu trong suốt khẩn khoản nói:
- Muội biết mình cái gì cũng không bằng các tỷ! Muội cũng không có điểm nào vượt trội! Từ lúc tỷ phu ghé trang, thấy các tỷ ngày đêm kề cận chàng bàn chuyện âm luật thi phú cầm kỳ, muội trong lòng ê chề. Muội chỉ hận sao lại kém tài không có gì để cùng tỷ phu bàn luận!
Văn Viễn nghe đến đây liền tự nhiên xót xa. Ông nghĩ đến cảnh nàng lén lút nhìn các tiểu thư kia hớn hở bên cạnh Cầm Điệp Cuồng Sinh rồi tự thân khóc thầm. Ông ngậm ngùi thở dài, bỗng thấy cay cay khóe mi. Mai Vương Anh lúc này đã ngấn lệ trong mắt nói tiếp:
- Muội bèn ngày đêm tự mày mò tập tành vẽ tranh! Muội đã cố hết sức cũng không vẽ nổi nét nào ra hồn. Tuy nhiên, tỷ phu nhìn thấy lại không hề chê cười! Tỷ phu còn bỏ thời gian ra mà cầm tay muội để chỉ dẫn. Tam tỷ, nhị tỷ đóng giả đại tỷ thân cận với tỷ phu, tỷ phu không hề biết! Tuy nhiên khi muội đóng giả thì tỷ phu ôm vào lòng lập tức nhận ra ngay. Tỷ phu khi đó là trang anh hùng miệt thế nhưng thay vì mắng mỏ tiểu muội không đoan chính, tỷ phu lại tự tát vào mặt mình mà xin muội thứ lỗi vì nhầm lẫn. Tỷ phu biết không, chàng tự tát mình một cái thì trong lòng muội đã như ngàn vạn mũi dao cắt nát!
Văn Viễn lúc này thấy Mai Vương Anh lệ lăn hai dòng dài trên má thì ông cũng không kềm được khóc theo. Mai Vương Anh nói tiếp:
- Tỷ phu nhất mực giữ lễ. Muội lúc đó khờ dại lại càng cố dụ dỗ. Tỷ phu không giận còn diễn giải cặn kẽ cho muội nghe thiệt hơn! Muội khi đó chỉ hận tại sao muội lại không là đại tỷ để được tỷ phu thương yêu hết mực!
Văn Viễn chẳng biết làm thế nào đành giang tay ôm chặt nàng vào lòng. Mai Vương Anh gối mặt lên ngực ông khóc nức nỡ. Nàng ta hai tay siết chặt lấy Văn Viễn sợ buông ra ông sẽ tan biến mất.
Văn Viễn bị ba nàng tiểu thư làm đến điên đảo thần trí. Ông rốt cuộc cũng tự nghĩ không biết mình có phải là Cuồng Sinh hay không? Tuy nhiên qua lời Mai Vương Anh kể, Văn Viễn chắc hẳn Cầm Điệp Cuồng Sinh không phải loại phong lưu ong bướm. Ông lại càng tự thấy éo le chua chát. Hắn ngộ nhận các tiểu thư Mai Trang đã đành. Ai ngờ các tiểu thư Mai trang biết hắn ngộ nhận nhưng vẫn điên cuồng lao vào say mê. Văn Viễn bao năm ở Ứng Kê, mấy lần cha mẹ cũng định bụng dạm hỏi chuyện gia thất. Ông nghe chuyện liền nhất mực ngăn cản. Ồn chỉ thích tiêu diêu tự tại mà hiếu kính cha mẹ. Song thân ông thấy vậy cũng không làm khó. Thành ra tuy đã ba mươi nhưng Văn Viễn chưa một lần luyến ái.
Bây giờ ông thấy tình cảnh éo le của các nàng tiểu thư Mai Hoa Trang tự nhiên sợ hãi. Văn Viễn ngẫm nghĩ chuyện luyến ái nam nữ thường dễ sanh sầu khổ chi bằng ung dung tự tại một mình vui sướng biết bao. Dầu nghĩ vậy nhưng thấy các nàng chung tình với Cầm Điệp Cuồng Sinh, ông cũng chợt ước thầm được một tình nương như thế.
Mai Vương Anh đang khóc lóc nghe bên ngoài có tiếng bước chân. Nàng ta vội vàng buông Văn Viễn ra rồi lau nước mắt. Mai Phương Anh, Mai Kim Anh đã xô cửa bước vào. Trên tay mỗi nàng đều là thức ăn còn bốc khói nghi ngút. Hai nàng khẽ liếc mắt nhìn Mai Vương Anh. Mai Vương Anh liền khẽ gật đầu một cái. Văn Viễn thấy vậy liền hiểu ra vừa rồi tứ tiểu thư đã khảo tra mình.
Ông sầu thảm biết chắc bây giờ có nói gì, các nàng cũng đều cho ông đích thị là Cuồng Sinh. Thành ra Văn Viễn chỉ đành cắm cúi mà ăn uống. Hai nàng tiểu thư làm mấy món đều toàn thượng hạng nhưng ông chẳng còn tâm trí nào thưởng thức. Ba nàng tiểu thư cứ luôn tay gắp đầy chén thức ăn cho Văn Viễn. Văn Viễn gượng cười cố gắng nuốt trôi.
Chừng nửa canh giờ sau, Hắc Quan Âm bỗng bước vào. Văn Viễn nhìn thấy bà bà thần tiên thì vui mừng tột độ. Các nàng tiểu thư không dám nấn ná vội vàng cúi đầu chào rồi lần lượt đi ra ngoài. Nàng nào ra đến cửa cũng đều cố ngoái lại nhìn Văn Viễn một cái, mắt chao động lửa tình.
Văn Viễn bất giác cũng phải nhìn theo ngờ đâu liền trúng một tát bên má trái. Văn Viễn từ lúc gặp Mai Chiêu Anh thì chuyện bị tát là thường xuyên. Tuy nhiên lần này, Văn Viễn nhận thấy bà bà thần tiên ra tay nặng nhất. Ông đang ngồi trên ghế trúng tát liền văng xuống sàn tưởng chừng như đã gãy đôi xương cổ. Mai Chiêu Anh nghiến răng:
- Ngươi được các cháu ta ôm ấp hẳn rất vui sướng phải không?
Bà ta mắng Văn Viễn liên hồi nhưng thấy ông cứ ôm má nằm dưới đất mà rên rỉ thì sợ hãi. Mai Chiêu Anh cho rằng đã nặng tay khiến ông bị thương nên vội vàng cuối xuống xem xét. Bà ta ngồi bệch xuống sàn ôm Văn Viễn vào lòng mà hỏi:
- Ngươi có làm sao hay không?
Văn Viễn thều thào đáp:
- Vãn bối …vãn bối đau quá! Hình như cổ vãn bối bị trặc mất rồi!
Bà bà áo đen liền dùng tay xoa bóp liên hồi các huyệt đạo dọc theo sóng cổ không sót chổ nào. Văn Viễn lát sau đã không còn thấy đau nhức. Nhưng ông sợ lỡ như bây giờ đàng hoàng ngồi dậy lại bị ăn thêm mấy tát thì khó mà sống nổi. Văn Viễn đành giả vờ rên la như thể gần chết.
Bà bà áo đen liền thút thít khóc ôm chặt Văn Viễn vào lòng:
- Ta …ta chỉ lỡ tay! Vạn sự tại ta thường nóng tính! Nhưng sao ngươi không né đi? Ngươi biết ta gặp ngươi lần nào cũng đòi đánh mắng sao ngươi lại không né? Ngươi còn ngoan ngoãn chìa má cho ta tát!
Văn Viễn thấy nước mắt của bà bà áo đen nhỏ liên hồi lên mặt thì tự nhiên thấy ái ngại. Ông vội vàng nói:
- Vãn bối sợ bà bà sẽ đánh nữa nên mới nói dối như vậy! Vãn bối đã không sao rồi! Bà bà đánh tiếp đi!
Ông đinh ninh Mai Chiêu Anh nhất định giận dữ mà tát ông đến tối tăm mặt mũi. Ngờ đâu, bà ta thấy ông không sao liền mừng rỡ mà ông chặt ông vào lòng.
Văn Viễn lúc này biết Hắc Quan Âm thật tâm rất quan tâm đến ông. Bà ta dầu rõ ràng hiểu ông không phải Cầm Điệp Cuồng Sinh vẫn ra tay cứu ông mấy lần tưởng đã chắc chết. Vừa rồi ông giả vờ đau đớn chắc hẳn bà bà thần tiên trong lòng đau đớn lắm. Văn Viễn đã mấy lần nghe bà ta khóc, nhưng lần này có lẻ là khóc thật. Tuy nhiên dầu thật hay giả thì công phu nước mắt của bà bà thần tiên thê lương không sao thấu được. Các nàng tiểu thư Mai trang về điểm này không thể bì kịp.
Văn Viễn nghe các nàng tiểu thư khóc cùng lắm chỉ đồng cảm. Nhưng ông nghe bà bà khóc thì tráng chí nhuệ khí đều tan tành mây khói. Ông vội vàng dỗ dành:
- Là vãn bối không tốt làm hại bà bà phải lo lắng! Sau này dầu bà bà có đánh chết, vãn bối nhất định không kêu ca một tiếng!
Văn Viễn lúc này mới để ý thấy được làn da trắng nỏn nà nơi cổ của Mai Chiêu Anh. Ông lấy làm lạ, một bà bà đã hơn tám chục tuổi sao lại có được nước da như khuê nữ đương xuân. Ông càng nhìn chiếc cổ thon gọn càng mê mẫn mà hỏi:
- Bà bà sao lại dưỡng được nước da đẹp như vậy? Chắc chắn bà bà thần tiên có phép cải lão hoàn đồng phải không?
Bà bà áo đen nghe câu này liền giật mình hất Văn Viễn ra. Bà ta đứng dậy chỉnh lại y phục rồi tiện tay tát mấy cái lên má ông mà nói:
- Đôi mắt của ngươi thường ngày hay nhìn vào chổ kín của người khác hay sao?
Văn Viễn biết đã lỡ lời chọc giận, lại nhớ đêm ở Phong Hoa Các còn co ý cợt nhã với bà bà thần tiên trong lòng liền xấu hổ. Thành ra bị đánh mấy tát đau điếng, Văn Viễn cũng không dám kêu la một tiếng.
Mai Chiêu Anh nhìn khuôn mặt sầu thảm hối hận của Văn Viễn thì ưng bụng. Bà ta liền lôi ông đến giường bắt nằm dài xuống. Mai Chiêu Anh lúc này mới lấy trong người ra một túi vải. Bà ta nhón tay mở túi đem ra mấy sợi cỏ đã sấy khô được cắt gọn gàng bỏ vào trong đỉnh trầm đặt ở đầu giường. Lát sau khắp phòng đều tỏa ra mùi hương dễ chịu. Văn Viễn ngửi liền thấy tâm trí an tĩnh thoải mái. Ông nhắm mắt khoan khoái thở đều.
Mai Chiêu Anh nói:
- Sa nha đầu cũng không dám chắc nên ta không thể đem tính mạng của ngươi mà liều lĩnh thử thuốc. Đành phải nhờ Cải Mệnh Thảo. Biết đâu ngươi có thể khôi phục trí nhớ được!
Văn Viễn e dè rồi hỏi:
- Nếu vãn bối thật sự không phải là Cầm Điệp Cuồng Sinh thì bà bà sẽ đối xử với vãn bối thế nào? Bà bà có đánh chết vãn bối hay không?
Mai Chiêu Anh đáp:
- Nếu ngươi không phải Cầm Điệp Cuồng Sinh thì ta nhất định một tát mà đánh ngươi chết!
Văn Viễn nghe khẩu điệu biết bà bà thần tiên đang nói đùa liền cười đáp:
- Bà bà cứ tát chết vãn bối đi! Bằng không lọt vào tay các nàng tiểu thư si tình kia, vãn bối nhất định chết thê thảm lắm!
Mai Chiêu Anh hừ nhẹ nói:
- Bọn nam nhân đa tình các ngươi không phải thường nói, chết dưới mẫu đơn hoa làm ma quỷ cũng phong lưu đó sao? Các cháu gái ta đều xinh đẹp, ngươi chết dưới tay chúng cũng thỏa phong lưu rồi!
Văn Viễn cười đáp:
- Các tiểu thư kia dầu xinh đẹp nhưng chắc chắn không bằng bà bà được!
Mai Chiêu Anh liền nghiêm giọng:
- Hàm hồ! Ngươi đã thấy được mặt ta chưa mà dám bình phẩm?
Văn Viễn đáp:
- Các cháu gái của bà bà đều là bậc khuynh thành khuynh quốc. Vãn bối nghĩ bà bà khi trẻ nhất định là giai nhân diễm lệ không có bất kỳ ai sánh lại! Nếu mà được chết dưới tay bà bà mới đích thực là chết dưới mẫu đơn hoa!
Mai Chiêu Anh nghiêm giọng:
- Ngươi còn nói nhăng cuội thì dầu có phải là Cầm Điệp Cuồng Sinh hay không ta nhất định đánh chết ngươi tại chổ này! Ngươi bình thường cung kính giữ lễ, hóa ra cũng biết nói lời ong bướm!
Văn Viễn nghe bà bà giận thì liền im lặng. Ông chú tâm hít thở khói Cải Mệnh Thảo, chỉ chừng một chốc đã chìm vào giấc ngủ sâu.
Mấy ngày sau đó Văn Viễn được các nàng cung phụng không thua gì hoàng đế. Ông trừ mỗi ngày hai buổi sáng tối đóng giả Cầm Điệp Cuồng Sinh mà an ủi đại tiểu thư. Sau đó ba nàng Phương Anh, Kim Anh, Vương Anh hết lòng biệt đãi. Các nàng còn đem cao lương mỹ vị nấu hàng loạt thức ăn trân quý cho ông tẩm bổ. Văn Viễn ở lại Mai Hoa Trang được bốn ngày tưởng đâu đã thưởng thức hết rượu ngon thượng hạng cùng kỳ trân dị vật trong thiên hạ. Tuy nhiên, Văn Viễn cũng đề phòng các nàng tiểu thư si tình quá đổi đưa đẩy nên ông không tiếp riêng bất kỳ nàng nào.
Đại tiểu thư mấy ngày qua tự nhiên lanh lợi hoạt bát. Nàng đã chịu ăn uống lại cười tươi luôn miệng. Văn Viễn mỗi lần vào thăm nàng thấy người ngọc dẫu có biến chuyển nhưng vẫn héo khổ thì chua chát trong lòng. Ông lại càng có ác cảm mà thóa mạ Cầm Điệp Cuồng Sinh vong tình phụ bạc.
Bà bà thần tiên mỗi tối đều ở bên cạnh giường ông mà đốt Cải Mệnh Thảo. Văn Viễn thỉnh thoảng còn bị bà ta dùng tâm pháp gì đó khống chế mà hỏi. Văn Viễn cứ ngoan ngoãn trả lời. Tuy nhiên sáng hôm sau ông tỉnh dậy lại không nhớ ra được. Bà bà áo đen sau hai ba lần như vậy dường như an tâm nên không dùng tâm pháp khống chế nữa. Tuy nhiên Văn Viễn hơn tuần ngửi Cải Mệnh Thảo vẫn không có tiến triển gì. Ông càng chắc rằng mình không phải Cầm Điệp Cuồng Sinh.
Đến ngày thứ tám bỗng nhiên bà bà thần tiên buổi sáng đã đến phòng Văn Viễn. Bà ta chỉ nói ông không cần phải qua thăm đại tiểu thư nữa. Văn Viễn hốt hoảng hỏi mới biết đại tiểu thư đã phát bệnh nặng nên cần tịnh dưỡng. Văn Viễn nghe bà bà nói giọng ngậm ngùi không hiểu cớ sự vì sao.
Ông cả ngày hôm đó cứ hết đánh cờ với Mai Phương Anh lại đàn hát cùng Mai Kim Anh. Mai Vương Anh chỉ lặng lẻ ngồi cạnh bên trợ hứng không rời đi một bước.
Bỗng nhiên có tiếng gọi từ ngoài rừng mai dội vào tận biệt viện:
- Xin cầu kiến Mai Hoa Trang!
Tiếng thét này không lớn chỉ vừa đủ nghe, rõ ràng người nói sợ làm kinh động nên chỉ vận lực vừa đủ phát ra tiếng gọi rõ ràng.
Văn Viễn hiếu kỳ liền theo ba nàng tiểu thư chạy ra ngoài.
Bốn người ra khỏi rừng mai thì thấy một trung niên đã đứng đợi. Kẻ này thân cao dong dỏng. Tay mang trường thương. Đôi mắt tỏa ra ánh quang nhàn nhạt không ra vẻ thiện tâm cũng không ác ý. Y vái chào cả ba nàng tiểu thư Mai Hoa Trang lẫn Văn Viễn rồi nói:
Mai Phương Anh liền hỏi:
- Giao tình gì mà ngươi kể lễ? Toàn là lời lẽ ngông cuồng!
Chợt Mai Vương Anh nhìn chăm chăm vào cây thương y đang cầm trên tay liền a lên:
- Hai tỷ xem có phải là Kỳ Lân Thương đó chăng?
Mai Phương Anh, Mai Kim Anh nghe vậy vội nhìn theo rồi gật:
- Đúng là Kỳ Lân Thương rồi! Cha đã từng kể có rèn cây thương như vậy tặng cho một người!
Cây thương hán niên nọ có chạm trổ một loạt hoa văn dọc thân lại đính thêm bốn hình kỳ lân ôm lấy lưỡi thương trắng đục. Mai Hoa Trang chuyên chế tác binh khí. Thành ra các vị tiểu thư vừa nhìn đã nhận ra.
Mai Phương Anh gật gù:
- Thảo nào dám ngang nhiên đến đây đòi đồ vật thì ra ngươi có chút bản sự!
Y thấy các nàng tiểu thư đã nhận ra lai lịch cây thương nên cũng không cần dấu diếm đáp:
- Hoa Sơn Nhị Ca Sầu Thiên Thu chính là tại hạ! Muốn đến Mai Trang mượn một món đồ, mong ba vị tiểu thư suy xét!
Mai Phương Anh gật gù:
- Hoa Sơn Thất Hiệp thì được! Kể ra các ngươi với Mai trang thật sự có chút giao tình! Nói đi, ngươi muốn mượn món đồ gì!
Văn Viễn nghe y xưng danh liền biết y cùng Ngọc Thủ Trần Quang là đồng môn huynh đệ. Ông vốn có thiện cảm với Trần Quang nên tự nhiên cũng thiện cảm với y. Văn Viễn thấy Sầu Thiên Thu tuy không có nét chính trực ngạo khí như họ Trần. Bù lại, y có sự thâm trầm tỉnh táo. Văn Viễn được biết Hoa Sơn Thất Hiệp đều đang bị giang hồ đuổi giết phải giấu thân lánh nạn. Ông không hiểu vì cớ gì, Sầu Thiên Thu lại mạo hiểm xuất hiện đến Mai Trang.
Văn Viễn càng chú tâm nghe hai bên đối đáp.