Tại tòa soạn tình hình rất gay go. Ông tổng bặm môi đi đi lại lại trong phòng. Giám đốc xuất bản chỉ cho ông hai tháng để thực thi dự án mới. Nếu số lượng bản in của tạp chí tăng mạnh trong khoảng thời gian đó thì ông tự cứu mình, bằng không… nghĩ thôi cũng đủ hiểu.
“Hai tháng, hai tháng,” ông tổng lẩm bẩm, “hai tháng có thể tạo ra được một đứa trẻ, chứ tăng gấp đôi số lượng bản in thì không!”
“Vợ ông chắc phải sướng rơn…” Jagoda châm chọc. Trong đầu cô ta hẳn đang nghĩ, các con số thống kê cho biết, chỉ cần hai phút là có thể tạo ra một đứa trẻ, chứ không cần phải đến hai tháng.
“Ồ, cô Judyta! Đến đây, mời!”
Tôi đứng trong phòng ông tổng như một con ngốc. Dẫu sao, đó cũng là một lời mời thú vị: “Đến đây, mời!” Tôi cứ thử gọi ông ta như vậy mà xem. Xưng hô như thế đã phải là thóa mạ chưa? Liệu câu nói cụt lủn ấy có vi phạm quyền cơ bản, theo đó con người được tôn trọng hay không? Liệu ông tổng có đang vượt qua giới hạn mong manh này? Ông ta có hạ nhục và xúc phạm tôi hay không? Tôi tò mò quan sát sự cử động của quai hàm ông tổng. Tôi không thích cái cách quai hàm ông ta đảo qua đảo lại như vậy. Vì tôi chẳng biết người này đang bực với tôi hay bực chỗ thức ăn thừa sau bữa trưa.
“Hãy viết về những người đàn bà đã ly dị!”
“Viết về những người đàn bà đã ly dị ư?” Tôi điềm tĩnh hỏi.
“Về những người đàn bà đã ly dị, nhưng không khuôn sáo, không tư vấn, không phóng sự kiểu Mỹ. Sự thật sống động trăm phần trăm, tư duy cách tân. Nói tóm gọn, cô hãy viết về các vụ ly dị. Chân thực. Không đổ tội cho đàn ông, OK?”
“Dài bao nhiêu?” Tôi hỏi cộc lốc.
“Năm trang đánh máy.”
Ông tổng, cũng giống tôi, không tính số chữ. Lối đó cổ rồi. Đến nhà văn lớn như Bulhakow cũng không tính số chữ.
“Bao giờ em phải nộp bài?”
“Đúng ngày, như thường lệ.”
Vậy là tôi có nhiều nhất một tuần. Tôi tìm đâu ra cho ông ta những người đàn bà đã ly dị nhưng lại có hoàn cảnh khác thường? Đàn ông tưởng rằng có những sự thật về chuyện ly dị chưa được khám phá, trong khi vụ nào cũng như vụ nào: nàng yêu chàng, còn chàng thì không. Thậm chí nếu một người đàn bà chủ động đến với người khác, chẳng mấy chốc chị ta sẽ bất hạnh mà thôi. Nhưng câu chuyện cô bạn của Manka lại là một minh chứng hùng hồn bác bỏ thuyết này. Bỗng dưng Iwona bỏ chồng, đến ở với bạn gái mình và hai người đàn bà sống hạnh phúc với nhau. Cựu chồng của cô ta, người tôi đã gặp tại nhà Manka, đau khổ cho đến tận bây giờ. Bữa đó Manka tiêm cho con chó của anh ta, con Pitbul anh ta mua sau khi ly dị vợ để có cái an ủi. Lúc ấy tôi phải ngồi đợi Manka kê đơn thuốc tẩy giun sán cho mấy con mèo cưng ở nhà. Thường cứ ba tháng tôi làm vậy một lần. Cựu chồng của Iwona đã cầm tay tôi ta thán, dù đây mới là lần thứ hai trong đời anh ta gặp tôi:
“Chị Judyta ơi! Chị có tưởng tượng nổi không? Mấy người đàn bà đồng tính đang nuôi con của tôi!”
Đàn bà đồng tính? Nuôi trẻ con? Tôi giật nẩy người. Anh ta là một gã nham hiểm, dâm đãng và kinh tởm đến độ, tôi mà có một người chồng như vậy, không khéo tôi cũng phải đổi khuynh hướng tình dục và lo liệu để con tôi có thêm một người mẹ chăm sóc, thay vì một ông bố như thế này. Gã còn định nói gì đó nữa, nhưng lúc ấy con Pitbul đang quẫy mạnh chực cắn nát tay Manka, cựu chồng của Iwona bèn lao vào cố giằng con chó ra. Cả chủ lẫn chó thật giống nhau. Theo tôi, cả hai nên gia nhập một chính đảng mà tôi không tiện nêu tên.
Nhưng ông tổng chắc chắn sẽ không nuốt trôi bài báo về những người đàn bà đồng tính, với cả Iwona chắc sẽ không đời nào chịu thổ lộ chuyện riêng. Cô ta mà nói ra không chừng người ta sẽ ném đá cô ta ngoài phố. Theo con số thống kê, phần lớn mọi người đều bao dung, nhưng hay hơn cả là đừng có tin vào con số thống kê. Ở Ba Lan, chính khách nào được dân chúng ủng hộ và tin tưởng trong các cuộc trưng cầu ý kiến thì đều thất cử.
* * *
Adam tất tả ngược xuôi ngoài phố, cố gắng giải quyết tất cả mọi vấn đề lặt vặt. Anh mua nào là quần mới, nào là đồ dùng sinh hoạt để mang theo. Hình như anh chẳng hề biết bên Mỹ những thứ đó còn rẻ hơn ở Ba Lan. Tôi bắt đầu nhớ anh rồi đây.
Nhằm hoàn tất bài báo ông tổng yêu cầu, tôi cố gắng thu xếp và hẹn được bốn người phụ nữ đã ly dị.
Đúng ra tôi phải đa tạ Cựu Chồng về cái cách anh ta chia tay với tôi. Người ta không biết mình đang ở đâu chừng nào chưa nhìn ra xung quanh. Khi đến gặp người đàn bà đầu tiên (do Jagoda giới thiệu), tôi được chiêm ngưỡng một cô mới ba mươi tuổi rất xinh đẹp, chưa có con, sống trong một căn hộ độc thân ngăn nắp gọn gàng. Cô ta mở cửa, giọng nhỏ nhẹ mời tôi vào nhà. Sau khi mở chai nước cam, cô ta đặt hai tay lên đầu gối và nói:
“Thực sự thì em chẳng có chuyện gì để kể đâu... Anh ấy vẫn khó hiểu như mọi khi. Trước giờ anh ấy luôn lạnh lùng như vậy. Mọi chuyện vẫn bình thường đến tận lễ Giáng sinh vừa rồi. Khi anh ấy vào phòng, khoác lên mình chiếc áo sơ mi mới là cùng bộ com lê, thường thì anh ấy rất khó chịu khi mặc com lê, và mỉm cười với em… ngay lập tức em linh cảm có chuyện chẳng lành. Chúng em ngồi thoải mái bên bàn ăn, cùng bố mẹ em và bố mẹ anh ấy. Sau khi tiễn bố mẹ ra xe taxi, anh ấy quay vào nhà giúp em dọn bàn, còn tặng em một chiếc ghim cài áo rất đẹp nữa. Xong xuôi, chúng em điềm tĩnh ngồi cạnh nhau trên đi văng, bên cây thông Noel đặt ở chỗ này.” Cô chỉ vào góc phòng, giữa cửa sổ và bức tường, còn tôi hăng say ghi chép. “Rồi anh ấy bảo, anh ấy ra đi vì có người đàn bà khác. Tình yêu của anh ấy dành cho em đã hết, và rằng anh ấy không thể tiếp tục làm em đau khổ, vì anh ấy...” Giọng cô gái nghẹn ngào nức nở, còn tôi không ghi nổi vì xúc động.
“Đúng dịp Giáng sinh?” Tôi hỏi, giọng không có vẻ chuyên nghiệp chút nào, người run bắn lên vì phẫn nộ.
“Vâng… đúng dịp lễ Giáng sinh… Và em đã hỏi, tại sao anh lại nói chuyện này với em trong ngày Giáng sinh?” Giọng cô lí nhí và méo mó, còn tôi nghĩ mình nên đổi nghề. “Anh ấy nhìn em và bảo, vì em bận chuẩn bị cho ngày lễ, anh không muốn làm phiền em…”
Tôi bước khỏi nhà người đàn bà bị chồng bỏ đúng ngày lễ Giáng sinh. Một cô gái điềm đạm, dễ thương và xinh đẹp. Phải chăng đó là lý do để tôi không ngồi với cô ta nữa. Sao tôi lại phải viết thật khác thường về các vụ ly dị?
Tôi lên toa xe lửa nội đô hầu như không người. Tôi không thích đi về buổi tối. Tất nhiên tôi không muốn nghĩ rằng thế giới này đầy rẫy hiểm nguy. Tôi tin vào những gì vị vua La Mã Marek Aureliusz đã phát hiện: “Chúng ta là người mà bản thân chúng ta nghĩ là như thế.” Tôi mở rộng câu này theo ý mình, rằng: “Thế giới hiện hữu như cách ta nhìn nó.” Dù tự nhủ, chuyến tàu này sẽ rất dễ chịu và an toàn, tuy có hơi muộn và trời rất tối. Nhưng thực ra, tôi không vừa lòng cho lắm. Thật sự không thoải mái. Tôi không thích đi xe lửa ban đêm. Ban đêm tôi thích làm việc khác.
Rất may là Adam đang đợi tôi trên sân ga.
* * *
Tối thứ Năm. Hai chị đã ly dị chồng ngỏ lời từ chối, thế là tôi mất toi hai trang báo. Hôm nay họ mới gọi điện yêu cầu hủy cuộc hẹn. Tôi chỉ có câu chuyện Giáng sinh (để cho đàn ông biết đừng nên cư xử như vậy) và chuyện một cô vợ bị chồng bỏ dù anh ta vẫn viết thư cho cô với những lời như “anh yêu em nhất trần đời.” Lạ ở chỗ anh chàng vốn chẳng phải loại người thích viết thư. Thế nên kể từ lần đầu tiên bắt gặp mảnh giấy như vậy để trên gối, cô vợ bắt đầu cảm thấy rất bất an. Đáng ra phải mừng mới đúng, vậy mà chuyện đó khiến cô ta cảm thấy ngược lại. Cô không biết chuyện gì đang xảy ra với mình. Cứ bán tín bán nghi mãi, cô đâm ra lẩn thẩn. Tình trạng nghiêm trọng tới mức cô phải đến gặp bác sĩ tâm lý. Bác sĩ phán rằng luôn cảm thấy bất an là triệu chứng mãn kinh (cô mới ba mươi ba tuổi). Có những người mà kỳ mãn kinh đến rất sớm, cho nên bác sĩ yêu cầu cô trước tiên phải làm xét nghiệm hoóc môn, rồi sau đó ông ta mới kê một đơn thuốc nhằm giúp nâng cao tinh thần. Cứ căng thẳng mãi như vậy, cô tưởng mình phát điên thật. May sao anh chồng đã đề nghị cô vợ ly dị, vì “từ ít lâu nay, em hiểu không, anh đã có chỗ khác.”
Khi đã qua cơn sốc, cô vợ hỏi anh chồng:
“Sao hôm qua anh vẫn còn có thể viết thư nói rằng anh yêu em?”
“Vì đó không phải là lời thổ lộ,” anh chồng nói, “đó chỉ là cách giữ tinh thần cho em mà thôi.”
Chắc bác sĩ cũng nghĩ vậy khi nói rằng sẽ kê cho cô một đơn thuốc giúp giải tỏa tâm lý.
Tôi sẽ vẫn giữ ý kiến cho rằng, những người đàn ông giống các mắt xích trong một dây chuyền, họ giống hệt nhau, bản thân họ ra sao tùy thuộc vào việc ta nhìn họ từ góc độ nào, đàn bà thì không như vậy.
Chỉ hai câu chuyện thôi thì còn quá ít để rút ra kết luận, đã thế hai câu chuyện này lại hoàn toàn trái ngược với yêu cầu của ông tổng. Đã mười hai giờ đêm, tôi đang định viết lại bài báo không chịu vượt quá bốn trang đánh máy. Gục mặt xuống bàn vì mệt mỏi, tôi không nghĩ thêm được gì nữa.
Tosia lặng lẽ đứng ở cửa.
“Mẹ ơi, sao mẹ không đi ngủ?”
Tôi quay mặt lại. Tại sao giờ này con gái tôi vẫn chưa ngủ?
“Con đi ngủ đi,” tôi nói.
“Con giúp mẹ được gì không?”
Tôi tỉnh táo hơn, nhưng vẫn mệt. Tôi chỉ muốn gác công việc lại.
“Con không giúp được đâu.”
“Mẹ tin con đi,” Tosia con gái tôi nói như trong phim.
“Làm sao con viết bài thay cho mẹ được nào? Ông tổng sẽ sa thải mẹ mất thôi, mẹ kiệt sức rồi. Không viết nổi năm trang thì mẹ chết mất thôi! Chẳng bao giờ mẹ chứng tỏ được mình. Mẹ chẳng làm nổi việc gì cả! Chẳng bao giờ mẹ thành công...”
“Mẹ ơi!” Tosia ra đứng sau lưng tôi và đọc bài viết đang mở trên màn hình. “Hay đấy chứ,” Tosia nói chắc nịch. “Con có thể kể cho Isia nghe câu chuyện Giáng sinh được không?” Con gái tôi di chuyển con trỏ một cách thành thạo.
“Hay, nhưng mà ngắn quá.”
“Ta có thể làm cho bài báo dài thêm.” Tosia gạt tôi ra, di con trỏ và bôi đen toàn bộ văn bản. Tiếp đó con bé cho khoảng cách dòng lên gấp đôi và tăng cỡ chữ từ mười hai lên mười bốn. Sau đó Tosia nhấp chuột một lần nữa, văn bản bốn trang của tôi biến thành năm trang chữ to rõ ràng.
“Xong rồi!” Tosia nói và nhấn lệnh in.
Bài báo năm trang của tôi tuôn ra trên khay máy in. Lợi dụng thời cơ tôi đang mừng rỡ, Tosia huyên thuyên:
“Mẹ cho rằng đàn bà chỉ hạnh phúc với người chồng đầu tiên?”
“Nếu người đó tốt...” Tôi lẩm bẩm, mắt nhìn bài báo. “Bài báo này không có ý như vậy! Mẹ chỉ muốn nói rằng, chúng ta có thiên hướng lặp lại những sai lầm cũ. Với người mình am hiểu thì dễ cư xử hơn. Duy trì mối quan hệ vợ chồng khăng khít là công việc nhọc nhằn.” Tôi đến loạn ngôn mất, tôi biết giảng giải cho con gái thế nào về những chuyện hệ trọng đến thế.
Để nó đừng noi theo gương tôi. Nó phải lấy một tấm chồng chung chăn gối trọn đời, một người chồng tốt, người mà nó sẽ thích chuyện trò, người không phản bội nó.
“Con người ta phải trò chuyện với nhau và…”
“Cả cãi nhau nữa chứ gì?”
“Tất nhiên. Các cuộc tranh cãi đều rất sáng tạo. Con đi ngủ được rồi đấy.”
“Vậy liệu con người ta có thể quay lại với chính mình?” Tosia hỏi. Đúng lúc đó tôi phát hiện ra có hai đoạn cần sửa lại, cả mấy chỗ bị đảo chữ, nếu để đến mai chắc tôi quên mất. “Mẹ ơi, mẹ biết không, giống như con với Jakub…”
“Con đã cãi nhau với Jakub chứ gì?” Tôi lo sợ hỏi.
“Chút xíu thôi…” Tosia nói. “Tuần vừa rồi hai đứa không gặp nhau, bây giờ anh ấy muốn gặp…”
“Con ngốc lắm,” tôi xoa đầu con bé, “Tất nhiên là có thể. Giữa con người với nhau thường xảy ra lắm chuyện, nhưng cái quan trọng nhất là giải thích, tha thứ và tiếp tục ở bên nhau. Từ mỗi cuộc chia tay ta đều có thể rút ra kết luận, để lần sau không phạm phải chính sai lầm đó nữa… và chỉ thế thôi. Khôn ngoan là ở chỗ đó. Có lẽ…” Tôi do dự nói tiếp.
Tosia quay về phòng mình ở tầng trên, còn tôi sửa lỗi trên bài viết. May phúc làm sao, con gái tôi rất có tài! Trước đây chưa bao giờ trong đời tôi làm cái việc biến con chữ cỡ mười hai thành mười bốn. Nhưng thôi, tôi chẳng hơi đâu nghĩ xem làm vậy có đúng với lương tâm không. Tôi đặt lưng xuống cạnh Adam và ngay lập tức chìm vào giấc ngủ của một người có lương tâm.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!