Các Người Khắc Biết Tay Tôi Chương 27


Chương 27
Lễ sinh nhật tại gia

Tôi không ngờ lễ sinh nhật Tosia lại vui như vậy. Tosia hét lên sung sướng khi nhìn thấy dàn âm thanh. Agnieszka và Grzesiek tặng con bé chiếc máy quay đĩa cổ thứ thiệt mua ở Portobello và được mang từ Anh về. Tôi nghĩ bụng, Tosia sẽ thích chiếc máy này hơn dàn âm thanh là cái chắc, vì con bé vốn rất chuộng đồ cổ. Mẹ tôi trịnh trọng tháo chiếc nhẫn ngọc thạch và trao cho Tosia, còn bố tôi lặng lẽ dúi cho nó chiếc phong bì. “Để cháu thích mua gì thì mua.” Dì Hanka kiêu hãnh nhìn chúng tôi khi Tosia mở gói quà của dì. Đó là một chiếc kèn đồng.

“Cháu yêu quý!” Dì Hanka trịnh trọng nói. “Chiếc kèn đồng này là do ông bác của cháu để lại, nó đã từng bôn ba tận vùng Nô-vô-xim xa xôi rồi trở về tổ quốc.” Hai mắt dì rớm lệ, còn Tosia dè dặt hôn bà dì.

Piotrus vồn vã chúc mừng tôi và Tosia. Nó hôn vào má tôi, điều nó chưa bao giờ làm, còn cô cháu Honorata thì hỏi một câu bất ngờ: “Thế bây giờ chị Tosia có thể ngủ với đàn ông được chưa ạ?” May mà Agnieszka kịp quát nó, cho nên cả bố mẹ tôi đều không nghe thấy.

Tất cả chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Mặc dù ban đầu tôi lo ngại không khí buổi lễ sinh nhật sẽ gò bó vì có mặt Cựu Chồng, nhưng hóa ra không hề gò bó chút nào. Cựu Chồng cùng Gzesiek kéo nhau vào phòng bếp hàn huyên, ôn lại kỷ niệm xưa. Hồi trước họ cùng học đại học với nhau. Tôi chẳng cần nhớ chuyện đó làm gì, vứt ra khỏi đầu là hay hơn cả. Tôi không biết Cựu Chồng sẽ cầm lái như thế nào nếu uống quá nhiều, nhưng tôi không còn là vợ anh ta cho nên chẳng thèm bận lòng. Adam không bao giờ uống nếu phải lái xe.

Sâm banh bắn tung tóe cùng tiếng nổ, chúng tôi nâng cốc chúc mừng. Sau đó Cựu Chồng mang một bó hoa hồng từ ngoài tiền sảnh vào:

“Tặng mẹ của con gái tôi, nhận dịp ngày lễ hết sức trọng đại này.” Rồi anh ta hôn vào tay và má tôi. Anh ta làm tôi cảm động.

Tôi cần phải nói thêm rằng, trước kia không bao giờ tôi được anh ta tặng hoa, cho dù sinh nhật Tosia hay sinh nhật tôi. Nhưng chẳng sao, trong quá trình tiến hóa, tất cả chúng ta đều tự đổi thay. Jola đào tạo anh ta không đến nỗi tồi. Tôi đã không làm nổi. Tôi đi vào bếp, lần lượt cắt ngắn các cành hồng.

Nữ độc giả thân mến,

Để cho hoa hồng tươi lâu ta nên cắt đoạn cuối rồi đập nát. Một số cuốn cẩm nang gia đình còn dạy cách làm như thế này: cắm hoa ngay vào nước sôi. Nhưng tôi phải thú nhận là tôi không có gan làm vậy. Tôi nghĩ, cách an toàn nhất là ra hàng hoa mua một loại dung dịch đặc biệt dành cho hoa hồng.

“Nó vẫn tiếp tục trả lời các bức thư.” Lời bố tôi từ ngoài phòng ập vào tai tôi. “Anh biết không, toàn những câu trả lời theo kiểu: không, bạn sai rồi, lính thủy đánh bộ không đi bộ trên biển.”

Bố tôi say sưa nói chuyện với chàng rể cũ và nhạo báng tôi. Cũng tốt thôi. Tôi tách bó hoa ra, vì không cắm vừa vào lọ. Cũng như Tosia, tôi được tặng mười tám bông hồng, thật dễ thương. Thậm chí tôi không nghe thấy chuông điện thoại reo. Phải đến hồi thứ bảy hoặc thứ tám tiếng chuông mới bứt tôi ra khỏi đám hoa hồng:

“Tosia, con nghe điện thoại đi!” Tôi hét to về phía phòng.

Sau chốc lát Tosia mang ống nghe lại cho tôi.

“Chú Adam gọi mẹ.”

Tôi sướng rơn người. Hai cốc sâm banh làm tôi lâng lâng, lại thêm người yêu gọi, anh khỏi cần phải nhắc hôm nay là sinh nhật Tosia và đang muốn nói chuyện với tôi.

“Judyta đó phải không?”

“Adam ơi, em nhớ anh lắm!” Sâm banh làm tôi thoải mái đến nỗi, tôi không muốn nói dối. “Viết cho em một bức thư thật dài đi! Sao anh ít viết thư thế?” Tôi nũng nịu. “Em muốn anh về nước lắm rồi!”

 “Anh cũng nhớ em, anh vẫn viết đấy chứ.” Tôi nghe tiếng anh vang lên như tiếng nhạc. “Tiệc sinh nhật vui không em?”

“Tosia đề nghị chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình.”

“Có bố nó không?”

Tôi do dự giây lát.

“Có. Nhưng...” Tôi định giải thích với anh, chuyện các ông bố đã ly dị có mặt trong tiệc sinh nhật con mình là chuyện bình thường, nhất là một ngày lễ trọng đại như thế này.

“Judyta, thế thì tuyệt!” Adam, người tôi tôn sùng, nói. “Anh đã sợ là có khi anh ta không đến, Tosia sẽ buồn... Anh sẽ gọi điện và em phải viết thư cho anh, viết thư cho anh nhé! Anh nhớ em nhiều lắm. Gãi tai con Borys giùm anh em nhé! Không còn lâu nữa đâu em ạ! Anh yêu em.” Người đàn ông của đời tôi nói và chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện.

Tôi yêu Adam bằng cả trái tim mình, tôi mừng vui tột độ vì anh gọi cho tôi trong ngày trọng đại như thế này! Tôi bước vào phòng như vừa được thay da đổi thịt. Một buổi tối mới tuyệt diệu làm sao! Được quây quần với những người thân trong gia đình, người yêu của tôi gọi điện cho tôi, con gái tôi hôm nay trở thành người lớn trong khi tôi thấy mình như vẫn còn xuân. Tosia mở nhạc, Cựu Chồng đứng dậy và với bộ điệu gò bó nom đến buồn cười, anh ta mời tôi nhảy. Tôi chẳng việc gì phải từ chối. Tôi nghĩ bụng, đời mình thế mà gặp lắm cái may. Dù Cựu Chồng có đáng ghét thế nào, nếu tôi không lấy anh ta thì làm gì có Tosia trên đời này.

Sau đó cả nhà ngồi quây quần quanh bàn, ăn món bíp tết mẹ tôi làm và các món ngon lành khác.

“Người chồng linh thiêng của bà.” Dì tôi cất lời. Tôi đợi đoạn thoại tiếp theo mà theo như tôi nhớ, đại loại thế này: Người chồng linh thiêng của dì, một vị tướng… “Người chồng linh thiêng Genio của bà, vị anh hùng của hai cuộc chiến, từng bảo rằng trẻ con lớn rất nhanh về thể chất, chỉ có trí não là lớn chậm. Thế nhưng cháu giống hệt mẹ bà, Tosia ạ.” Dì nâng cao ly rượu vàng óng. “Mẹ bà là một người phi thường.”

“Tosia, giấy ăn!” Tôi thì thầm vào tai Tosia, bởi bây giờ tôi mới nhận ra trên bàn còn thiếu một thứ gì đó. Dì nhìn tôi bằng ánh mắt quở trách. Dì đã nghe thấy.

“Judyta, cháu yêu quý, thời xưa, khi dì hỏi mẹ dì, giấy ăn dùng để làm gì…”

“Cách đây phải đến hai thế kỷ.” Piotrus lẩm bẩm, tôi quắc mắt nhìn nó, nhưng rất may là dì đang bận bịu với những hồi ức. Tuy nhiên tôi đã nhầm, vì dì nhìn tôi rất dữ.

“Judyta, cháu yêu quý, dì được dạy dỗ ở cái thời không được ngắt lời người lớn tuổi. Cho nên khi dì hỏi mẹ dì, giấy ăn dùng để làm gì, mẹ dì đã trả lời…” Dì tôi ngừng giây lát. “Đối với đàn bà thì chẳng để làm gì cả. Cho nên, trước tiên hãy để cho dì nói xong cái đã, sau đó cháu hẵng nói đến những chuyện thường nhật...”

Tôi cảm thấy như mình mới tuổi mười lăm. Đã lâu lắm rồi không ai quở mắng tôi.

“… chúc sức khỏe của mẹ dì, người mà cháu, Judyta yêu quý, không thể nhớ, thật đáng tiếc.”

Tôi hoàn toàn không thấy tiếc là tôi mới trên ba mươi, chứ không phải hai trăm tuổi như mẹ của dì, ấy là nếu bà ấy còn sống. Tuy nhiên tôi ngoan ngoãn nâng cốc, cho dù đây là lễ sinh nhật Tosia chứ không phải sinh nhật mẹ của dì. Tôi với tay lấy chai vang đưa cho Grzesiek, người đảm đương vai trò nếm rượu. Thế nhưng cái gã đang ở với Jola vội đứng dậy một cách lịch sự, lấy chai rượu từ tay tôi, miệng nói:

“Judyta, em cho phép anh, được không?”

Không, tôi không cho phép, anh ngồi xuống đi, vì ở đây anh chỉ là khách, chứ không phải ông chủ nhà này. Anh đừng làm cái việc không phải phận sự của mình. Tôi tự làm được. Hồi trước, đây từng là việc duy nhất thuộc bổn phận của anh, thế mà anh không hề mó tay vào. Chỉ có tôi phải phục vụ tất cả, cho nên bây giờ anh đừng có khoe mẽ!

Tôi mở mắt cố kìm nén không buông ra những lời đó.

“Tất nhiên là cho phép rồi!” Dì Hanka cười và chìa cốc của mình ra.

“Xin mời!” Tôi nói bình thản.

Adam ơi, sao hôm nay anh lại không ở đây?

Grzesiek gõ nĩa vào cốc. Tosia tỏ vẻ thích thú.

“Tôi, với tư cách là cha đỡ đầu, xin nói rằng: Tôi vẫn còn nhớ chính xác ngày này, ngày Tosia ra đời. Judyta nhờ tôi và Agnieszka mua tã vải xô dày ba lớp…”

“Tã vải xô là cái gì vậy? Sao lại ba lớp?” Piotrus thông minh, cậu cháu tôi, buột miệng hỏi.

Đám người lớn bật cười.

“Làm gì có tã lót như vậy! Sao bố không mua bỉm? Sao hồi đó toàn dùng cái thứ lạ lùng vậy?” Thằng nhóc nói chen vào. Có lẽ nó nhớ tới những màn quảng cáo bỉm trẻ em thấm nhanh như chớp và cọ xát êm ái chứ không phải thứ vải xô cổ lỗ.

“Cháu ơi!” Mẹ tôi nói. “Xô là một thứ vải mềm.”

“Bằng vải ạ?” Piotrus nhăn mặt. “Thế thì tốn lắm, ngày nào cũng thay mới…”

“Giặt chứ!” Tôi xúc động nhớ lại, còn Tosia nhăn mặt.

“Mẹ ơi, đừng nói chuyện đó lúc đang ăn.”

“Các vị có cho tôi nói nốt không nào?” Grzesiek đứng phắt dậy. “Thế là khi đó tôi bèn đem mấy phiếu mua xà phòng ba tháng đổi lấy…”

“… em cũng vậy!” Agnieszka tiếp lời. “Em cũng đưa phiếu của em cho anh!”

“… lấy một phiếu xăng, phiếu xăng sau đó đem đổi lấy ba phiếu rượu. Ba phiếu rượu ấy tôi đổi lấy tã xô và còn xin giữ được chỗ xếp hàng giặt máy. Tuy nhiên theo lời của bố Tosia…” Grzesiek nhìn Cựu Chồng, “… bây giờ có lẽ tôi có thể tiết lộ được rồi. Lúc đó bố Tosia bảo rằng, thực ra anh thích quà tặng là phiếu mua rượu cơ, vì tã xô anh có thể mua hạ giá ở Radom.”

“Ở Kielce chứ!” bố Tosia nói, đoạn mỉm cười với tôi.

“Có thể là ở Kielce. Cho nên nhân dịp này, em muốn hôm nay anh bồi thường cho em, bởi vì sự hy sinh mà chúng em đã làm được hồi đó sẽ không bao giờ có cơ hội lặp lại nữa.”

Tôi mỉm cười với Cựu Chồng. Tôi nhớ rằng khi ấy chúng tôi được nhận tới một trăm hai mươi chiếc tã, nhiều đến mức hai vợ chồng không biết làm gì cho hết. Tôi lấy một phần trong số đó may một chiếc váy độc nhất vô nhị rồi nhuộm đen, một phần nữa chúng tôi đem chia cho các ông bố bà mẹ trẻ khác, chỗ còn lại đem cất lên tủ tường.

“Tem phiếu gì vậy?” Tosia hỏi. “Hồi đó rượu và xăng được phát không cơ mà? Sao lại tem phiếu? Mọi người kêu ca chủ nghĩa xã hội phải không?”

“Cháu ơi, cho dì nói!” Dì tôi ngồi lại ngay ngắn, nâng ly rượu lên cao. “Ở nước Anh, bảy năm sau chiến tranh vẫn còn tem phiếu, thế mà nước Anh đã đứng vững được, nhanh hơn cả Ba Lan. Mỗi người mỗi năm chỉ được phân phối mua một đôi giày, nhiều hơn không có đâu, mặc dù vậy, bây giờ nước Anh là cường quốc trên thế giới đó.”

“Tem phiếu là những tờ giấy nho nhỏ, cháu mang đến cửa hàng để mua những thứ hàng cháu được phân phối, số lượng chẳng là bao.”

“Ông có nhớ không?” Mẹ tôi nói xen vào, hướng về phía bố tôi. “Hồi đó chúng ta đã phải xếp hàng ba giờ đồng hồ để mua thịt?”

“Tôi chỉ đứng thay cho bà thôi.” Bố tôi nói.

“Nhưng lúc gần đến lượt tôi tới quầy thì ông mới đến.” Mẹ tôi dịu dàng nói tiếp. “Lúc đó cô nhân viên bán hàng đưa cho chúng ta một miếng thịt bò ôi… Tôi bèn nói: ‘Chị ơi, chị có thể đổi cho tôi miếng thịt ít xanh hơn được không?’ Cô nhân viên đáp lại: ‘Chị mà bị treo trên móc sắt từ sáng đến giờ thì chị cũng xanh như thế thôi!’”

Bố mẹ tôi mỉm cười với nhau, dì Hanka đá vào chân tôi dưới gầm bàn.

“Judyta này!” Dì thì thầm vào tai tôi. “Từ chỗ bột này vẫn còn có thể gột nên hồ đấy…” Nói đoạn dì uống cạn ly rượu.

“Bà ơi, bà có thể không mua cơ mà!” Tosia nói. “Cô nhân viên bán hàng có thể bị đuổi việc, bà nói nhã nhặn như vậy thì sao cô ta có quyền bốp chát.”

“Và bà có thể đến cửa hàng khác biết cạnh tranh hơn.” Piotrus bổ sung.

Sau mười một giờ đêm Grzesiek chở hai đứa con về nhà. Lúc quay lại anh ta ghé vào trạm xăng mua bia. Bố mẹ tôi về nhà bằng chuyến xe lửa nội đô cuối cùng. Bố tôi sẵn lòng đi cùng mẹ vì bà sợ đi đêm. Tosia đem dàn âm thanh lên phòng. Cựu Chồng giúp nó với mớ giắc cắm. Tôi cùng Agnieszka ngồi trong bếp nhanh chóng rửa bát đĩa. Tôi khui chai rượu vang. Dì tôi từ nhà tắm chạy vào trong phòng. Agnieszka nhìn tôi hỏi:

“Chị còn nhớ không?”

Tôi mỉm cười. Từ “nhớ” lôi ra hàng triệu thứ từ mọi ngóc ngách trong não bộ ta: những ký ức vốn chẳng cần gì cho cuộc sống thường nhật, nhưng một khi ta nói về chúng thì chúng bỗng trở nên sặc sỡ đủ màu, sống động và thậm chí tỏa hương. Bỗng dưng phòng bếp hiện lên đầy những con người mà chúng tôi từng gặp gỡ và những sự việc đã xảy ra cách đây nhiều năm. Những chuyến đi nghỉ của chúng tôi ở tận vùng xa, khi gã đang ở với Jola vẫn còn là chồng tôi, và các con nhỏ của chúng tôi (bé Tosia, cô cháu gái, rồi thằng Piotrus). Vợ chồng Agnieszka là nhân chứng trong cuộc sống của tôi, chẳng những bây giờ mà cả ngày xưa.

“Chị còn nhớ, xe ô tô của chúng em bị hỏng hồi mùa đông cái năm chết tiệt ấy?” Agnieszka nói, miệng nở nụ cười nồng thắm với tôi.

Tôi trở về phố Krakowskie Przedmiescie vào một ngày tháng Giêng cách đây mười lăm năm. Toàn Warszawa chìm trong buốt giá, tuyết trắng xóa khắp nơi. Chiếc xe Yugo cũ của hai vợ chồng Agnieszka bị hỏng nặng, giữa đêm thâu họ gọi cho chúng tôi từ một bốt điện thoại nào đó dọc đường. Hai vợ chồng tôi ngồi vào ô tô, để Tosia cho bố mẹ tôi trông. Hai giờ đêm, phố xá vắng tanh, tuyết dày như ở Disneyland, cần gạt nước không kịp gạt đi lớp tuyết bám trên kính. Hai anh chàng hì hục một hồi lâu với chiếc móc sắt, trời lạnh thấu xương, tôi cùng Agnieszka ngồi trong xe. Nhớ lại cảnh này làm chúng tôi cười chảy nước mắt. Tôi không còn nhớ làm thế nào để buộc được dây kéo vào xe, bởi hai chiếc xe ô tô của chúng tôi khi ấy chẳng khác gì hai tác phẩm điêu khắc bằng tuyết của Nhật Bản.

Tôi cùng gã đang ở với Jola ngồi vào xe ô tô và xe từ từ chuyển bánh, ô tô của hai vợ chồng Grzesiek lăn bánh theo xe của chúng tôi cùng với tiếng gõ chát chúa.

“Sao lại là tiếng gõ?” Gã ở với Jola đứng ở cửa bếp từ lâu mà tôi không hề để ý. Anh ta bá vai Tosia. “Đó không phải tiếng gõ, mà là tiếng va đập mạnh...”

“Chỉ trong giây lát rồi im bặt.” Tôi bổ sung.

“Bia đây!” Grzesiek đặt bia lên bàn, đoạn đứng ngay giữa bếp phủi tuyết khỏi giày. “Thoạt tiên anh lệnh cho chúng em lau sạch kính, rồi anh lao đi thẳng! Em dùng chân đá mạnh vào ô tô nhằm bảo anh dừng lại mà không được!”

Tất cả chúng tôi cùng cười. Tosia ngơ ngác nhìn, con bé hoàn toàn không hiểu tại sao chúng tôi lại cười như vậy.

“Các cậu chưa kịp ngồi vào xe ô tô!” Gã ở với Jola cười ngặt nghẽo, tôi e đà này bà dì sẽ không ngủ được. “Khỉ thật, tớ kéo xe không!”

“Đúng lúc anh phanh ngay trước đèn đỏ, xe tụi em liền bị văng lên phía trước, thậm chí vượt cả xe anh, anh nhớ chứ? Rất may khi ấy không có ai ở quanh đó, xe của tụi em bị quay ngang. Còn anh chui ra ngoài xe, mặt hầm hầm, chạy lại chỗ xe em và mở cửa...”

“Hóa ra xe trống không!”

Grzesiek vỗ tay vào hai bên hông, còn tôi phì cười. Bộ mặt lúc đó của gã ở với Jola mãi mãi in sâu vào tâm trí tôi. Trong đời tôi chưa thấy ai sửng sốt đến như vậy.

“Bọn em cứ chạy đuổi theo hai anh chị mãi.” Agnieszka lấy tay bịt miệng cười để không đánh thức bà dì.

Grzesiek mở bia, đưa cho gã ở với Jola. Chúng tôi ngồi trong phòng bếp đến tận bốn giờ sáng. Hai mắt Tosia díp chặt vì mệt mỏi, nhưng nó không chịu lên phòng đi ngủ. Chúng tôi kể lại cuộc chơi bài hồi nào. Lần đó nhân lúc bố mẹ mải chơi bài, ba đứa trẻ con (Tosia, Piotrus và Honorata) đã lôi hết rong biển nhồi trong đệm giường ra chỉ qua một cái lỗ nhỏ xíu. Đã thế chúng tôi còn lấy làm lạ vì tưởng rằng bọn trẻ ngoan đột xuất. Rồi chúng tôi nhắc lại chuyện hồi Tosia lên mười. Vào kỳ nghỉ hè ở vùng hồ Mazury, con bé đưa Piotrus và Honorata vào rừng nhằm giúp chúng dễ mường tượng truyện cổ tích về Jacek và Malgosia, thế nhưng lúc sau nó lại quên béng đã để hai đứa nhỏ ở chỗ nào. Khi chúng tôi giận điên lên đi tìm chúng, thì đám trẻ đã ngoan ngoãn về trại từ lúc nào và cứ lặng lẽ chơi với nhau. Phải đến khi cảnh sát đến (Agnieszka cuống quá nên gọi cảnh sát) thì chúng mới ló mặt ra. Mấy viên cảnh sát quát tháo ầm ĩ rằng chúng tôi dám đùa bỡn với chính quyền, vân vân và vân vân.

Khi chia tay nhau, gã đang ở với Jola ôm tôi. Còn tôi lần đầu tiên từ nhiều năm nay có thể ôm anh ta như ôm một kỷ niệm tốt lành, chứ không phải ôm người đàn ông đã ruồng bỏ mình. Agnieszka và Grzesiek ôm chặt tôi rất thân tình. Tosia thì tỏ ra thích thú vì hôm nay nó được biết thêm bao nhiêu chuyện về nó hồi bé và cả về chúng tôi.

“Hôm nay thật rôm rả!” Tosia ôm bố. “Con đã có một lễ sinh nhật tuyệt vời, thích hơn cả lễ sinh nhật của Anka, con rất biết ơn mẹ.”

Khi con gái đứng giữa hai chúng tôi, tôi nghĩ bụng: thật đáng tiếc, gã ở với Jola không được như Adam. Nếu được vậy thì mọi chuyện có lẽ đã khác.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27902


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận