Hình Phạt Nhân Đôi Chương 8


Chương 8
Gần đến cuối ngày, những đám mây đen dày đặc kéo đến nuốt chửng mặt trời ốm yếu.

Đại lộ Richard-Lenoir chìm trong một thứ ánh sáng xám xịt và đáng lo ngại, dấu hiệu của một thảm họa sắp xảy ra. Người qua đường vội vàng chạy trốn, một người chủ hàng xếp những hộp rau quả vào trong cửa hàng. Bỗng một cơn mưa như trút đổ sập xuống cửa kính xe ôtôtôi. Thật là đúng lúc! Tôi chẳng có áo mưa cũng chẳng có ô. Chỉ còn cách là lấy cặp da che đầu và chạy thật nhanh đến cửa nhà bố mẹ tôi ở cách chỗ tôi đỗ xe khoảng 100 mét.

- Bác sĩ Cabral!

 Anh ta chờ tôi dưới thềm cửa hàng bán đồ y tế ở sát tòa nhà nơi bố mẹ tôi ở. Cổ áo khoác che mưa màu đen kéo cao xung quanh cái cằm vẫn còn râu lởm chởm. Anh ta rời khỏi nơi trú và đến đứng chắn trước mặt tôi, hoàn toàn không để ý tới nước mưa đang chảy dài trên mặt. Tôi nhìn anh ta sững sờ:

- Trung úy Salem à? Làm sao mà anh lại biết là tôi...? Là bố mẹ tôi...?

 Mà hỏi để làm gì cơ chứ! Tôi không biết người này cần gì ở tôi, nhưng tôi bắt đầu hiểu ra rằng anh ta sẽ không dễ dàng để tôi yên trước khi đạt được mục đích. Tôi có ý định đuổi anh ta đi, nhưng nước bắt đầu chảy vào giày cùng lúc với một ý nghi ngờ nảy sinh trong óc tôi. Vậy nếu anh ta có thể giúp tôi thật thì sao nhỉ?

- Anh lại đây, - tôi nói và quay ngược lại đoạn đường


lúc nãy.

 Một phút sau, chúng tôi ngồi trong xe của tôi, im lặng để nước chảy dần từ quần áo xuống và nghe mưa rơi sầm sập xuống thùng xe dòng Clio của hãng Renault. Tôi lấy hộp khăn giấy lau tay và mặt, rồi chìa ra cho anh ta. Nhưng anh ta thậm chí không thèm để ý đến điều đó bởi đang quá bận rộn quan sát phía trong xe.

- Tại sao chị lại mua xe hãng Renault nhỉ?

 Tôi kịp giữ mình lại, nếu không tôi đã cho anh ta một bài học về việc ngồi trên xe của tôi rồi, và đây không phải là lúc để dạy dỗ tôi nhờ việc đọc số tạp chí Chọn hàng gì? mới nhất có hồ sơ về các dòng xe ôtô. Tôi chỉ nói:

- Anh có gì bực mình với Renault à?

 Anh ta tiếp tục quan sát không gian xung quanh, xem cái bật lửa, mở hộp đựng đồ lặt vặt. Chỉ có hai cách giải thích cho thái độ này: Một là anh ta quyết tâm làm cho tôi mất bình tĩnh hoàn toàn, hoặc là anh ta cảm thấy ngượng ngùng vì phải ngồi gần tôi thế này trong cơn mưa. Tôi cảm thấy là từ lần trước, có cái gì đó không thể nắm bắt được, không thể đo đếm được, đã thay đổi.

 

- Cũng không đến nỗi, - anh ta kết luận. – Nhưng nói thật là xe Renault, cũng như xe Fiat hoặc Passat, được hôm trước hôm sau rồi thế nào cũng hỏng...

- Trung úy Salem...

- Thanh tra. Người Pháp đã cải tổ hệ thống cảnh sát, chứ chúng tôi thì không. Bên chúng tôi mọi việc đều ổn cả, cám ơn chị.

 Không thể nào biết được anh ta nói đùa hay nói thật. Không thể nào đoán được anh ta nghĩ gì, cảm thấy gì. Tôi hỏi, gần như thầm thì:

- Anh muốn gì ở tôi nào?

 Anh ta liếc nhìn tôi, rút một điếu thuốc lá từ trong hộp ra. Tôi cảnh cáo trước khi anh ta châm thuốc:

- Xin anh mở cửa xe ra!

- À, đúng rồi. Chị không thích có người hút thuốc
trong xe.

 Nhưng tại sao người đàn ông này lại có tài bắt tôi thể hiện hết những cái xấu trong tôi? Tôi đành thở dài chấp nhận:

- Xin lỗi anh. Anh đóng cửa vào. Không thì anh sẽ ướt hết bây giờ.

 Anh ta quan sát tôi với nửa nụ cười luôn thường trực:

- Chị thích ra lệnh nhỉ?

 Thật là không thể tưởng tượng nổi. Anh ta làm thần kinh tôi căng thẳng đến cực độ. Trong mấy năm làm việc, tôi chưa bao giờ gặp ai có tài kiểu như vậy.

 

- Xin lỗi nếu tôi để anh có cảm giác như vậy. Bình thường tôi không thế bao giờ.

 Anh ta lại liếc nhìn.

- Bà thẩm phán nói là chị đến gặp ông bà Leguerche. – Anh ta bảo. - Họ có nói gì về con trai của Giselle Leguerche không? Đứa con mà cô ta có với Amar Zitoun ấy.

- Cô ta chưa bao giờ có con.

 Và để chứng tỏ rằng mình không có ý định giữ thông tin quí giá cho bản thân, tôi nói thêm:

- Mà cũng dễ kiểm tra thôi. Anh chỉ cần xem lý lịch.

 Một bên mắt nhắm lim dim vì khói thuốc lá, anh ta rút từ ví ra một bức ảnh và đưa cho tôi xem:

- Thế còn cái này thì sao? - Anh ta hỏi.

 Bức ảnh này được chụp trộm. Ba người đàn ông ngồi xung quanh bàn và nhìn một người đàn bà đứng trước họ, cô ta có mang cũng phải đến tháng thứ tám. Người thứ tư, người mà dường như cô ta đang hỏi gì đó, là người duy nhất tiếp tục ăn như không có chuyện gì xảy ra và như cô ta không hề có mặt. Tôi sững sờ nhận ra ngay lập tức mái tóc đen dày và dáng người đàn bà này. Mặc dù dáng người nặng nề hơn bởi đang mang thai, rõ ràng đó là Giselle Leguerche.

 Tôi quay sang hỏi, vô cùng bối rối:

- Anh lấy ảnh này ở đâu ra?

- Chị không nhận ra quán cà phê này à?

- Có, đấy là quán cà phê tối hôm nọ anh dẫn tôi đến. Quán cà phê với người phục vụ người Nam Tư... Anh ta là người chụp ảnh này à?

 Không có câu trả lời. Có vẻ như anh ta không nghe thấy câu tôi hỏi. Nhưng bù lại, anh ta giải thích:

- Một hôm cô này đến tìm Amar Zitoun. Điều làm chúng tôi để ý là cô ta không những là người Pháp mà còn đang có mang. Người làm việc cho chúng tôi đã chụp ảnh cô ta ngay lập tức. Điều này giúp cho chúng tôi biết thời điểm Zitoun gia nhập mạng lưới...

 Tôi chỉ vào người vẫn ngồi ăn khi cô ta đang nói:

- Anh ta là Zitoun à?

- Không, Zitoun đã đi tham gia một trại tập huấn ở Afghanistan. Nhưng điều đó thì cô ta không thể nào biết được. Cô Giselle Leguerche đến gặp mấy người này vì cô ta tin rằng họ là bạn của Zitoun. Cô ta muốn tìm anh ta, cô ta cần tiền. Họ đuổi cô ta về và không cho đồng nào. Đối với họ thì cô ta cũng chẳng hơn gì một con chó.

- Chính vì những người này mà Zitoun đã cắt đứt với cô ta à?

- Cũng có thể có. – Anh ta trả lời vẻ trầm tư. – Cũng có thể không. Cách đây mười năm, Afghanistan có giá lắm. Rất nhiều người thầm mơ đến Afghanistan.

 Không còn hiểu gì nữa, tôi chỉ người trong ảnh với cái bụng mang thai:

- Đến giai đoạn này thì cô ta không thể nào nạo thai được rồi. Cô ta chắc chắn đã phải sinh dưới chế độ X không tên bố mẹ và bỏ con ngay từ khi mới đẻ ra.

 Một nụ cười tỏa sáng trong khoảnh khắc trên nét mặt mệt mỏi của người đối thoại với tôi. Như một ánh sáng chiếu lên hàm răng trắng, đối lập với nước da rám nắng. Trời quá tối nên tôi không nhìn thấy biểu hiện gì trong ánh mắt của anh.

- Chị chắc hiểu tại sao tôi lại cần đến chị, - anh nói một cách giản dị. - Đó là chuyện của phụ nữ. Chắc chắn là chẳng có ai muốn nói với tôi về điều đó.

 Đúng là anh ấy chẳng có cơ hội gì thật. Mặc dù sẵn lòng giúp anh, tôi vẫn cần có thêm một vài thông tin.

- Tôi không hiểu việc biết cô ta có con hay không thì giúp gì được cho các anh? Có thể là những người trong ảnh cũng không thèm nói với Zitoun rằng cô bạn cũ của anh ta có mang?

- Họ có nói cho anh ta biết.

- À... Thế thì anh ta biết là mình đã trở thành bố mà không bao giờ thấy đứa trẻ. Có nghĩa là anh ta có thể thù Giselle... Căm thù đến độ cô ta cảm thấy mình bị nguy hiểm và không muốn ra tù...

- Theo tôi thì không phải thế. Đối với anh ta thì cô ta không còn tồn tại nữa. Điều duy nhất có thể làm anh ta quan tâm là đứa bé.

 Mưa rơi xuống kính ôtô tạo thành một tấm màn che mềm mại như lụa xung quanh chúng tôi. Mặc dù mùi thuốc lá vốn làm tôi khó thở, nhưng lần này tôi lại có cảm giác dễ chịu. Tôi lén quan sát khuôn mặt với những vết hằn mà trong bóng tối tôi chỉ có thể nhận thấy lờ mờ. Nhiều vết nhăn, nhưng chắc anh vẫn còn khá trẻ. Khoảng bốn mươi tuổi, hoặc hơn một chút. Có thể đoán được nếu không nhìn đôi mắt.

 Lần đầu tiên tôi nhìn anh mỉm cười thẳng thắn:

- Như vậy là anh muốn tìm ra đứa bé này trước những người khác.

- Nói thật là càng nhanh càng tốt.

- Còn những người trong ảnh? Anh đã điều tra về hướng ấy rồi chứ?

- Họ chết cả rồi.

 Tôi nuốt nước bọt:

- Cả bốn người à?

- Tất cả bốn người. Trong mười năm vừa rồi, Amar Zitoun đã kịp lên chức... Bây giờ anh ta là một nhân vật quan trọng.

 

 Anh không chờ mưa tạnh rồi mới ra khỏi xe. Cũng không chờ cho tôi có thời gian đặt một loạt câu hỏi đang lộn xộn trong đầu tôi. Anh mở cửa xe và biến mất trong khoảnh khắc, không hề cho tôi một cuộc hẹn, không để lại số di động hoặc bất kỳ một cái gì đó. Tôi cũng ra khỏi xe, trong lòng cảm thấy ngạc nhiên, thất vọng, nhưng không biết bởi cái gì?

 Lần này tôi không cần giơ cái cặp da lên đầu để chạy đến cửa nhà bố mẹ nữa. Tôi không để ý đến mưa nữa. Thái độ bình tĩnh của người đàn ông này có cái gì đó dễ lây sang người khác.

 

Đã đến giờ ăn tối trong gia đình Cabral. Hôm nay mẹ tôi mời cha Joaquim ở nhà thờ Notre-Dame-de-la-Bonne-Mort là nhà thờ của cộng đồng người Bồ Đào Nha, đến ăn cơm. Mẹ tôi rất tích cực với việc của xứ đạo, đến nỗi bố tôi bây giờ chỉ xem lễ trên vô tuyến.

 Trừ cha Joaquim đang nhấm nháp một ly rượu porto và mỉm cười với tất cả mọi người thì cả nhà tôi đều có vẻ căng thẳng. Không có gì là lạ, bởi trong những dịp mời khách thế này, mẹ tôi làm cả nhà chịu stress bởi bà muốn mỗi người đều phải hoàn hảo ở một mức độ không thể đạt tới được.

- Xin chào mừng đến với Tchernobyl! – Anh Gilles nói nhỏ vào tai tôi.

- Có chuyện gì vậy?

- Rosemarie có một ông bạn mới và thằng José mới đi xỏ lỗ mũi để đeo vòng. Có lẽ chỉ có thế thôi.

 Tôi ngước mắt lên nhìn José, con trai lớn của bà chị cả Karine, và thấy một vòng bạc lủng lẳng trên mũi phải của cậu cháu. Khó có thể nói rằng nó đẹp trai hơn hay có vẻ thông minh hơn, nhưng nó đấu tranh để được quyền tự do. Tôi quá biết chị Karine nên có thể đoán được rằng vụ xỏ lỗ mũi này làm cho chị ấy điên lên. Chỉ cần nhìn ông chồng của chị ấy là đủ rõ. Ông ấy trông tái xám lại. May mà mẹ tôi mang món xúp ra làm mọi người chuyển hướng chú ý.

 

 Quanh cái bàn bằng gỗ màu đen trông giống như một cái quan tài cao cấp rất thời thượng ở Lisbonne những năm 1950, có một ghế trống. Đó là ghế của Alexis. Tôi đang chuẩn bị chen vào ngồi giữa anh Gilles và một cậu cháu thì mẹ tôi làm hiệu cho tôi ra bếp. Rosemarie ngước mắt lên trần nhà, nhưng rồi lại cam phận ngồi xuống ghế đối diện với cha Joaquim. Theo một quy tắc bất thành văn thì cha không bao giờ bị lôi kéo vào những chuyện gia đình tôi. Thật ra thì mẹ tôi đến nhà thờ thường xuyên đến nỗi tôi nghĩ rằng cha biết hết mọi chuyện trong gia đình, nhưng theo tục lệ ở đây thì mỗi khi cha đến chơi, chúng tôi phải chạy vào bếp để giải quyết các loại xung đột. Chị Karine tỏ vẻ vô cùng bực bội bởi hy vọng bố mẹ tôi sẽ gây áp lực để bắt cậu con tháo vòng mũi ra. Còn tôi thì chẳng có cách nào khác là phải theo mẹ tôi vào bếp.

Vừa ra khỏi ngưỡng cửa phòng ăn, mẹ tôi đã tấn công:

- Tôi phải nói rằng tôi rất thất vọng. Tôi vẫn tưởng ít ra là còn có cô trong số mấy anh em...

- Nhưng có gì cơ chứ?

- Không có gì cả, - mẹ tôi nói với vẻ cay đắng.- Chỉ có điều là Rosemarie cặp bồ với một lão lang thang.

- Ông lái xe tải ấy à? À, không phải, ông hầu bàn ấy à?

- Mà đã thế lão ta lại già hơn nó đến ba mươi tuổi! Đi với lão ấy thì còn gì là tương lai nữa! Cô có ý kiến gì nào?

Ảnh hưởng từ Hakim Salem lúc nãy vẫn còn chưa rời bỏ tôi hoàn toàn. Tôi mỉm cười độ lượng:

- Mẹ quá lo đấy thôi. Chỉ là chuyện vớ vẩn thôi mà.

- Vớ vẩn là thế nào? Nó dù sao cũng có mấy con! Nhưng cô làm sao ấy nhỉ! Tôi biết rằng chúng nó đến nhà cô! Tôi tìm thấy chìa khóa nhà cô trong phòng nó!

- Thật đáng đời, ai bảo lục lọi đồ đạc của người ta! – Rosemarie vừa mang nồi xúp vào, vừa đáp lời.

- Nếu mày biết dọn phòng thì tao đã chẳng phải vào!

 Tôi bắt đầu thấy được mức độ bực bội, lo lắng, thất vọng của mẹ tôi. Tôi giận Rosemarie đã không xử sự một cách tế nhị hơn. Tôi hứa với mẹ tôi rằng tôi sẽ lấy lại chìa khóa, mặc dù điều đó chẳng thay đổi gì được nhưng ít ra là làm mẹ tôi dịu xuống một chút. Tất nhiên là tôi hứa hẹn với một giọng thầm thì để Rosemarie không nghe thấy. Quả thật là tôi không có ý định làm hỏng cả buổi tối làm gì.

 Alexis đến đúng lúc làm chúng tôi có dịp đổi đề tài. Cậu ta ôm hôn tôi, nhưng rõ ràng là có ý thức rằng giữa chúng tôi vẫn có điều khó nói. Tôi hỏi lấy lệ:

- Thế Luân Đôn thế nào?

- Cũng ướt nhèm như Paris thôi, - Alexis vừa trả lời vừa cởi áo khoác hàng hiệu Burberry và đôi giày đóng theo số đo riêng.

 Cậu em vui vẻ nhìn tôi cười. Tôi biết rằng đáng lẽ tôi phải trả lời bằng một câu nói đùa để nhớ lại thời thơ ấu của hai chúng tôi. Nhưng tôi không đủ sức làm thế. Tôi mỉm cười trả lời chậm mất một giây và Alexis hiểu rằng tôi vẫn giận việc cậu ta đã lợi dụng tôi trong một số vụ việc không được rõ ràng lắm. Cậu ta quay lại phía phòng ăn và nói to:

- Chào cả nhà!

 Tôi ở lại trong bếp nhìn mưa rơi xuống ô cửa kính.

 Tôi nghĩ về gia đình chúng tôi, về tôi hồi trước. Tôi không nhận thấy rằng tất cả đã dần dần thay đổi. Liệu bây giờ có hơn trước không? Hay là nhà Markovich đã có ảnh hưởng tới tôi? Và liệu Rosemarie có lý hay không? Có lẽ là chúng tôi không còn cùng chung một giá trị nữa?

 Giọng của Rosemarie kéo tôi về với hiện thực:

- Cô có cần chìa khóa không?

Tôi cúi xuống kéo khay khoai tây nướng ra khỏi lò. Tôi cảm thấy Rosemarie nhìn chằm chằm vào lưng mình, nghe thấy tiếng vòng tay lắc rắc giận dữ. Tôi thận trọng quay lại, tập trung cao độ vào khay khoai tây bốc khói.

- Không! Tại sao chị lại hỏi thế?

- Bởi vì mẹ vừa làm ầm lên và bởi vì cô là con gái yêu của mẹ.

- Em mà là con gái yêu á? Chị thật nhầm rồi!

- Thế thì là con gái rượu vậy!

 Chúng tôi ra khỏi bếp. Ngoài phòng ăn, cha Joaquim đang nghe Alexis kể về cuộc sống ở Luân Đôn. Karine nhìn mũi cậu con trai như có vẻ phải kiềm chế lắm mới không giật cái vòng ra. Mẹ tôi nhướn lông mày nhìn tôi, ra ý hỏi xem tôi đã giải quyết xong vụ chìa khóa chưa. Tôi trả lời bằng một cái gật đầu gần như bí mật. Mẹ tôi tỏ ra bớt căng thẳng hẳn và mỉm cười với mọi người. Cơ hội có một buổi tối tốt đẹp của chúng tôi lại được nhân lên hàng nghìn lần. Tôi nhìn các anh chị em với một vẻ khiêm tốn, dường như muốn nói: Đừng cảm ơn tôi làm gì, chuyện nhỏ ấy mà.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87391


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận