Ngôi Nhà Ma Truyện ngắn 4


Truyện ngắn 4
Chính danh

Lẽ ra lão Từ nghỉ hưu từ ba năm trước, khi lão tròn một hoa giáp. Tôn lên hàng lão cho oai, chứ mỗi tháng lão nhuộm tóc hai lần, khối cô còn gọi bằng anh. Sáu mươi ba tuổi mới nghỉ hưu, chẳng phải lão Từ khai man lý lịch như khối kẻ thích làm trò ma bùn. Cũng chẳng phải tổ chức nhầm lẫn. Ông viện trưởng cơ quan lão, một giáo sư - tiến sĩ trẻ tuổi, biết nhìn xa trông rộng, trọng vốn kiến thức uyên thâm và mối quảng giao của lão (học trò lão nhiều người làm quan to ở Trung ương và các Bộ, Tỉnh), mời lão ở lại để hoàn thành dự án phi vật thể: “Bảo tồn kho tàng phi vật thể tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến”, quê hương của ông viện trưởng, để trình lên tổ chức UNESCO.

Cái vùng Cổ Hến ấy cũng lạ. Con gái đàn bà từ lọt lòng trở lên đều gọi là Hến, ví dụ Hến Thúy, Hến Mộng Tuyết, Hến Mai, v.v… Còn đàn ông thì gọi là Cu, thằng Cu Sửu, anh Cu Tuấn, chú Cu Bòi, bác Cu Luận, v.v… Giống như làng Gabrovo của Bungari, cả vùng nói trạng, ai cũng nói kiểu tiếu lâm, cười vỡ bụng. Hầu hết các câu ca dao, tiếu lâm hiện đại được lưu truyền đều phát tích từ vùng Cổ Hến. Ví dụ, câu ca dao có hơi hướng thơ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương này: “Một đoàn ngô ngọng đến Ngọ Môn/ Chúng bảo nhau rằng ỬA Ọ ÔN”. Hoặc chuyện “Thi bơi”: Vùng Cổ Hến mở hội thi bơi truyền thống. Thể lệ cuộc thi là vận động viên nào bơi qua hồ cá sấu dài năm trăm mét sẽ được giải thưởng là một cô gái đẹp nhất vùng làm vợ. Hàng nghìn kình ngư khắp địa cầu kéo nhau về thi tài. Nhìn hàng nghìn con cá sấu chúa cỡ vài tạ, con bơi lội như những chiếc tàu ngầm, con nằm giả vờ ngủ, kềnh càng trên bờ, các nhà vô địch Nauy, Italia, Nhật Bản, Brazin, Anh, Mỹ… đều chắp tay xin hàng. Bỗng từ đích xuất phát, một vận động viên lao xuống nước như mũi tên bắn, và chỉ năm giây sau đã về đích ở bờ hồ bên kia. Tiếng vỗ tay như sấm rền. Hàng trăm phóng viên trong và ngoài nước xô đến phỏng vấn nhà vô địch. Hóa ra nhà vô địch là một thanh niên còi của vùng Cổ Hến. Phóng viên hỏi: “Động cơ nào khiến anh vượt qua hồ cá sấu đoạt chức vô địch?”. Nhà vô địch, mặt xanh như đít nhái, chân còn run cầm cập, nhớn nhác nhìn quanh như tìm ai đó: “Mẹ cha đứa nào chơi đểu tôi, chứ tôi có dự thi đâu. Tôi đang đứng xem thì từ phía sau, nó đẩy tôi xuống nước…” Đại loại như vậy. Tiếu lâm cười ra nước mắt. Tự trào, thâm thúy mà sâu cay.

Dự án “Tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến” tiến hành trong ba năm, các chuyên gia đi về hàng trăm lượt. Đăng ký đề tài. Vận động hành lang. Xin tài trợ. Điền dã. Viết đề cương. Thẩm định. Phản biện. Bảo vệ cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp quốc gia, rồi đệ trình lên UNESCO ở Liên hợp quốc... Nghe nói Công trình văn hóa phi vật thể “Tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến” được UNESCO đặc biệt chú ý, được xếp hàng top 10 trong số 1948 hồ sơ toàn cầu. 

Sau thắng lợi của dự án, ông viện trưởng càng quý


lão Từ.

- Bác phải nghĩ giúp em tiếp một dự án nữa - Ông viện trưởng nói - Ví dụ dự án bảo tồn điệu hò “Giã gạo” quê em chẳng hạn. Giã gạo theo từng cặp. Đàn ông đứng dưới, đàn bà đứng trên. Mỗi lần dận chân nhún chày, đàn ông ưỡn người lên, cất giọng: “Hò ơ, ta giã mạnh vào…” Người nữ khom mông, cười khúc khích, hò tiếp: “Cho chày nện thủng cối, để em trao anh tình…” Ông viện trưởng vừa hò, vừa nhún nhảy thị phạm. Lão Từ ngượng tím mặt, nhưng viện trưởng lại tưởng lão cảm động.

- Bác thấy quê em có tuyệt vời không? Dự án “Tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến” vừa rồi khiến các anh ở trên càng tín nhiệm viện ta. Bác về nghỉ thì gay. Xong một dự án này nữa thì bác có thể yên tâm hồi hưu…

Trong câu nói chân tình của viện trưởng, không giấu giếm chất cơ hội, thực dụng và cục bộ địa phương. May mà trong lão còn cái chất kẻ sĩ, nó như cái cần ăng-ten nhạy cảm, nhận ra ngay bước sóng lạ.

- Nhảm.

Lão buông một câu rồi về.

Nhưng rồi cả đêm lão nghĩ ngợi. Nghĩ lung lắm. Đắn đo giữa danh và lợi, giữa bổng lộc và niêu cơm hàng ngày, giữa phẩm giá kẻ sĩ và sự thực dụng tầm thường… Suốt hai đêm lão mất ngủ. Lão mơ thấy thầy lão về. Thầy lão nối nghiệp ông nội làm hương sư ở làng. Ông cụ mặc áo the, quần trúc bâu, đi guốc mộc, cầm chiếc quạt giấy phết nhựa sung, chỉ mặt lão, giọng uất nghẹn: “ Giấy rách phải giữ lấy lề. Thầy buồn vì anh lắm. Kho tàng phi vật thể tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến thì có thể đệ trình lên UNESCO được, chứ cái điệu hò “Giã gạo” thì có gì đáng bảo tồn. Kẻ sỹ như anh mà ham a dua, tung hô những thứ phản văn hóa, háo danh, vào hùa với những kẻ dốt nát, cơ hội, tham nhũng… thì quốc nhục, dân khổ…” Rồi thầy phẩy chiếc quạt, bỏ đi.

Đã chục năm nay lão Từ không mơ thấy ông cụ. Báo mộng thế này là thầy lão đau lắm.

Chỉ hai đêm mà tóc lão Từ bạc xóa, râu đâm tua tủa.

Như đi guốc trong bụng chồng, vợ lão dường như đoán được giấc mơ của lão.

Vợ lão Từ là một người đặc biệt. Không nói chuyện bà từng là hoa khôi lớp văn K.12 trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày trước, mà hãy nói chuyện bây giờ. Bà kém lão bốn tuổi, nghỉ hưu ba năm rồi, nhưng hầu như chưa chịu qua tuổi mãn kinh. Đàn bà như thế là rất hiếm. Nhiều đêm bà làm tình làm tội lão đến khổ. Lão Từ lấy cớ làm việc trí óc, nghiên cứu khoa học…, mất khả năng sinh lý, xin bà tha. Vợ lão Từ thương tình, coi như lão xin “hưu”, xếp cho lão ngủ riêng. Ngủ riêng, nhưng bà biết hết. Hai đêm vừa rồi bà rình lão ở đầu giường, xem trong lúc ú ớ lão có nói tên cô Bích cô Hường nào không? Có phát rồ phát dại vì gái trẻ nào không?

Bà nói với lão Từ:

 

- Ông xin nghỉ hưu đi. Đừng nghe trẻ xui bốc cứt gà. Về mà dưỡng cái thân già cho nó thanh thản.

 Ơ cái bà này, hay nhể? Trẻ nào xui tôi bốc cứt gà? Người ta giáo sư tiến sĩ, bằng cấp đầy người chứ còn trẻ dại gì? Lão Từ định cãi vợ, nhưng lại thôi. Hóa ra vợ lão, chứ không phải ai khác, mới nhận ra nỗi đau và sự già nua của lão. Đau vì lão dối lương tâm mình, luôn dằn vặt, nhức nhối. Còn già nua thì rõ quá đi. “Lương tâm ông đang cắn rứt, đúng không? Ông thở dài, trở mình suốt đêm, làm tôi không ngủ được. Đã bất lực về thể trạng, lại dằn vặt về tâm hồn thì dễ tổn thọ lắm…” Bà ấy an ủi lão Từ như mẹ nựng con.

Lão Từ viết đơn xin nghỉ hưu.

Lão nói với ông viện trưởng:

- Tôi nghĩ kỹ rồi. Tôi khác anh. Anh là người của tầm vĩ mô… Tôi thì suốt đời chỉ gắng làm một công bộc cho nó ra hồn.       

 

*

*      *

 

Ông viện trưởng quả là người tình nghĩa. Mặc dù lão Từ không có bằng cao cấp chính trị, nhưng ông viện trưởng vẫn bảo bộ phận tổ chức cố chạy cho lão một chân chuyên viên cao cấp trước khi nhận quyết định hưu.

Tưởng qua thời kỳ bao cấp rồi, hòa cả làng. Hóa ra cái ngạch chuyên viên cao cấp vẫn rất giá trị. Lương cao hơn. Đi bệnh viện hưởng chế độ A, thuốc tốt, hai người một phòng chứ không phải chen chúc mấy người một giường như hưu trí bình thường.

Hôm đến Phòng Lao động Xã hội quận làm sổ hưu, cô nhân viên nhìn lão Từ tròn mắt.

- Bác không đi bộ đội, công an ngày nào mà lương
cao quá.

- Cháu giễu bác làm gì? Cử nhân loại ưu từ năm hai mươi hai tuổi. Bốn mươi năm dạy học, nghiên cứu, viết hơn hai chục đầu sách mà về hưu mỗi tháng chỉ đáng hơn hai trăm đô la, thảm hại chứ cao sang gì?

- Bố cháu cũng thầy giáo cấp ba mà về hưu lương có ba triệu, chỉ bằng nửa lương bác. Mà trông bác vẫn phong độ. Cháu tưởng bác còn chưa đến tuổi hưu cơ…

Lão Từ nóng bừng mặt, tưởng cô gái chế giễu mái tóc mới nhuộm của lão.

Có một bàn tay trắng mũm mĩm dúi một tập hồ sơ trên bàn. Đập vào mắt lão là một cái tên quá quen thuộc: Đào Thu Loan. Lão quay lại. Không tin ở mắt mình.
Kìa, Loan. Đúng là Loan rồi. Loan cũng đi làm chế độ hưu đấy ư?

Người đàn bà có bàn tay trắng mũm mĩm nhuộm tóc màu hạt dẻ, nhưng không giấu nổi hàng chân tóc trắng, lấy tay che miệng, như sợ bật lên tiếng kêu không kìm giữ.

- Trái đất tròn mà. Loan biết về Hà Nội thể nào cũng gặp anh…

Trong lúc chờ bà Loan làm thủ tục, lão Từ chợt nghĩ đến cái năm sinh của bà Loan ghi trên tờ quyết định nghỉ hưu mà lão vừa thoáng đọc được. Sao Loan lại sinh năm 1956? Học cùng khóa đại học với nhau, sao kém lão tới tám tuổi?

Những kỷ niệm của cái thời “nhất quỷ nhì ma” ấy bỗng ào ạt hiện về. Năm ấy trường đại học của lão Từ sơ tán về Hưng Yên. Loan là hoa khôi của lớp. Má cô nàng lúc nào cũng đỏ hây hây như táo chín, làm nhiều gã trong lớp thèm nhỏ dãi. Loan ngồi bàn trên, nhưng rất thích nói chuyện và hỏi bài bọn con trai bàn dưới. Tất nhiên trong bốn gã cùng bàn, Loan mê nhất anh chàng Dũng tóc xoăn, có bộ râu quai nón và đôi mắt sâu hút hồn.

- Đúng là Từ “phẫn” chẳng thay đổi là mấy - Bà Loan ngoái lại hàng ghế sau, nói với lão - Tội các ông to tày đình, hôm nào phải tụ hội với nhau để tôi trừng trị…

Bà Loan làm lão Từ nhớ lại cái húy danh ngày đại học. Quê lão gọi cái vung nồi là cái “phẫn”. Trực nấu cơm chủ nhật ở bếp tập thể, Từ cứ kêu: “Lấy cho tớ cái phẫn”. Chẳng ai hiểu gì. Đến khi Loan phát hiện ra “phẫn” là “vung”, thì nồi cơm đã trương phềnh. Từ đó lão được đặt cho biệt danh là Từ Phẫn.

Loan có vẻ đẹp đài các rất quyến rũ bọn con trai. Nhưng Từ Phẫn thì bị hê ra rìa. Loan chỉ thích anh chàng Dũng râu quai nón, kỳ thủ bóng bàn.

- Mày có thấy cái Loan nó nhìn như muốn nuốt chửng mày không? - Từ Phẫn khích Dũng.

- Nhưng kiểm chứng bằng cách nào? - Dũng háo hức.

- Dễ thôi. Mày hãy gửi cho cô nàng vật làm tin…- Từ Phẫn ghé tai Dũng nói nhỏ - Món ấy như một thứ bùa ngải. Một bà mế trên rừng cho tao bí quyết này. Nó sẽ làm cho cô nàng say mày như điếu đổ.

Anh chàng Dũng râu đỏ bừng mặt, nhưng cũng làm theo. Một lá “tình thư” được dán kín, cả nhóm cử Từ Phẫn trao cho Loan và bảo: “Dũng nhờ bọn mình gửi cho Loan”. Cả bọn hồi hộp rình xem cô ả phản ứng ra sao. Giờ giải lao, Loan lẻn ra sau trường rất lâu, khi vào hai mắt đỏ mọng, mặt cúi gằm không thèm nhìn bọn Từ, Dũng, Luận, Hưng, Đạo, Việt… Cả bọn hoảng hốt. Chắc Loan đã đoán ra đó là chùm lông… của Dũng. Nếu Loan mang báo cáo khoa “lá tình thư” này thì cả bọn có thể bị đuổi học.

Một tuần liền Loan không thèm quay xuống bàn dưới bắt chuyện. Nhưng đến ngày thứ tám thì Dũng râu kéo mấy thằng bạn ra một góc, khoe:

- Tao hôn được Loan rồi. Môi nàng mềm ngọt và thơm mùi chuối tiêu chúng mày ạ.

- Nói phét. Làm sao mày hôn được Loan? - Hưng bĩu môi đầy ngờ vực.

- Tao nói với nàng rằng đừng hiểu lầm. Tóc của Dũng trong phong bì đấy… Dũng muốn cắt tóc để chứng tỏ tình yêu với Loan... Nàng mở tròn mắt, thế a, thế a? Tao ôm ghì lấy nàng và… hôn.

Trời đất quỷ thần ơi. Không ngờ chuyện tục tĩu nhố nhăng nhất thế giới mà lại là duyên cớ tác thành…

Tình yêu của Dũng - Loan là cuộc tình xứng đôi vừa lứa nhất của lớp Từ Phẫn, đẹp như tiểu thuyết.

Vậy mà số phận trớ trêu. Máy bay Mỹ rải bom B.52 Hà Nội, Tổng thống Mỹ muốn biến Việt Nam trở lại thời đồ đá. Lệnh tổng động viên toàn quốc. Năm sau, Dũng râu vượt Trường Sơn, vào chiến trường Đông Nam Bộ.

Tốt nghiệp, Loan vào dạy học ở tuyến lửa Nghệ An, được phân tít lên huyện miền núi Quế Phong, giáp biên giới Việt - Lào. Như nàng Tô Thị, Loan chờ Dũng suốt bốn năm. Rồi tin sét đánh: Dũng râu đã hy sinh trước cầu Bình Triệu ngày quân ta tiến vào Sài Gòn.

 

*

*      *

 

Có nên nói với Loan về cái bức “tình thư” của Dũng râu ngày ấy không? Lão Từ bỗng cười thầm nghĩ lại cái trò tinh nghịch quỷ quái của lũ học trò ngày xưa. Chắc chắn rằng, khi yêu nhau, Dũng cũng không dám lộ trò chơi chết người ấy. Và, ngay cả bây giờ, có khi Loan vẫn giữ “mớ tóc xoăn” của Dũng như một kỷ vật thiêng liêng?

- Anh cười gì vậy? Lại cười cái trò nghịch ngợm phải gió thời ấy phải không?

Mặt lão Từ nóng bừng. Có thể Loan đã biết cái phong thư tai quái ấy. Nhưng lão lại nói lảng:

- Loan có biết không, hồi ấy cả bốn đứa bàn dưới chúng mình đều yêu Loan. Nhưng chỉ có Dũng là toại nguyện…

- Toại nguyện ư? - Bà Loan thở dài. Hình như bà đang hồi tưởng lại mối tình ngày xưa - Giá như Dũng còn...? Ban đầu Loan tính chuyện ở vậy. Anh Từ biết không, ngôi trường Quế Phong nơi Loan dạy ngày ấy, là chốn rừng sâu heo hút, học trò còn nhiều tuổi hơn cô giáo, nhiều cậu học trò đã có vợ… Sống ở khu tập thể trường mà chẳng khác gì ở chùa. Tuổi trẻ, tình yêu đều là chuyện phù phiếm. Nhưng rồi không ai chống trả được số mệnh. Ông Bí thư huyện góa vợ, nhờ người mối manh. Đắm đò thì giặt mẹt luôn. Loan đồng ý về làm vợ kế, nuôi giúp ông Bí thư đàn con lít nhít bốn đứa. Rồi thêm hai đứa của mình. Ông chồng Loan là một người, biết nhìn xa trông rộng. Ông ấy bảo Loan: “Trông chờ nghề dạy học thì chết đói, làm sao nuôi nổi sáu đứa con?...” Ông ấy bảo Loan sửa lý lịch, thêm một nét móc vào số không, biến năm sinh 1950 thành 1956, rồi bắt Loan bỏ lũ học trò, chuyển lên Hội Phụ nữ tỉnh… Mười năm sau ông ấy về Trung ương thì Loan cũng về theo… Nhờ ông chồng có chức, có quyền mà Loan về hưu chậm sáu năm và được hưởng ngạch chuyên viên cao cấp như anh đấy…

Loan vẫn giữ vẻ thật thà, thơ ngây như thời đại học. Kể về sự trí trá, biển lận, cơ hội… mà vẫn hồn nhiên vô can như chuyện của ai.

Từ hôm ấy, lão Từ và bà Loan hay gặp nhau ở phòng khám bệnh viện.

Chao ôi, tuổi già và bệnh viện, như người tri âm và chốn tương ngộ. Đến phòng khám bệnh viện, lão gặp hầu hết người quen, bạn bè. Những mái đầu bạc trắng, những gương mặt nhăn nheo đụng nhau chan chát trong dãy hành lang phòng khám. Nhiều lão nghiện gặp bạn như gặp người tình. Có mấy lão già góa vợ còn tìm được “người yêu” là những bà lão góa chồng, bỏ chồng. Họ rủ nhau ra công viên, hẹn nhau đi tập dưỡng sinh, tập nhảy đầm… Căn phòng chờ xếp sổ khám bệnh thành câu lạc bộ. Trong lúc chờ lấy số, mấy lão già hăng hái bàn chuyện thời sự, chuyện Quốc tế, sôi nổi quá, nhiều khi phun cả nước bọt vào mặt nhau.

Có một ông già chống cái ba-toong bốn chân, mặt vênh váo như cái diệp cày, người như muốn đổ về phía sau mặc dù đang lê chân về phía lão Từ, khiến lão bỗng chú ý. Trời ạ. Dương Hanh, tay trưởng phòng biên tập Tạp chí của lão. Ngày ấy, ông Bộ trưởng nọ muốn ra tờ báo Ngư trường, rủ lão Từ về làm Tổng Biên tập. Lão Từ tạm phụ trách tờ Tạp chí để chờ xuất bản tờ báo Ngư trường. Trưởng phòng Dương Hanh, vốn học Đại học Ngư nghiệp, từ lâu đã muốn nhảy lên chức Tổng Biên tập tạp chí, thấy lão Từ về, lồng lộn lên như hổ mất mồi, tìm mọi cách chống phá lão. Ba năm sau, sáp nhập Bộ, việc xuất bản tờ báo Ngư trường không thành. Lão xin chuyển về Viện X. Trước khi ký quyết định cho lão Từ chuyển công tác, ông Bộ trưởng an ủi lão bằng một chuyến đi dự hội nghị nghề cá bên Mỹ. Dương Hanh tức muốn phát điên, tìm mọi cách phá đám. Cuối cùng, một người khác lấy suất của lão đi Mỹ, lão Từ đành phải đi Hội chợ thủy sản Thanh Đảo, Trung Quốc.

Buồn thay, trong khi lão Từ đi Thanh Đảo, Dương Hanh phá khóa phòng lão, kê bàn ghế chễm chệ ngồi. Hanh vẫn hy vọng được thay lão làm Tổng Biên tập. Rõ thảm hại! Đồ đạc, sách vở của lão Từ bị Dương Hanh ném ra ngoài hành lang - bỉ ổi và trắng trợn.

 

Nhưng rồi tham thì thâm. Tổ chức đời nào cho Dương Hanh ngồi vào cái ghế Tổng Biên tập Tạp chí ? Hanh uất, huyết áp tăng 200, rối loạn tiền đình, nằm bệt một năm, giờ phải đi gậy chống bốn chân thế kia.

- Thế mới biết cái ghế quyền lực nó mê hoặc người ta ghê gớm anh ạ - Bà Loan rỉ tai lão Từ - Anh có thấy ông già mắt lồi ngồi đầu dãy ghế kia không? Tổng Cục trưởng Trần Liêu, bạn với nhà tôi đấy. Nhận quyết định về hưu, mà cả tháng trời, cứ bảy giờ sáng là ông ấy lại xách ca táp ra đứng chờ ở đầu phố. Thấy chiếc xe Toyota đen nào đi qua, ông ấy lại giơ tay. Quen tài xế đưa đón đến cơ quan rồi mà. Một lần, chiếc Toyota đen quen thuộc và tay lái xe của ông đến thật. Ông vẫy tay và chạy theo xe. Nhưng chiếc xe vụt qua. Và ông nguyên Tổng Cục trưởng Trần Liêu ngã sấp mặt xuống hè đường, trượt đi một đoạn dài. Tội nghiệp, lần ấy ông gãy bốn răng cửa, phải khâu tám mũi ở mặt và nằm viện hai tháng…

Lão Từ thở dài, nghĩ sao giống cảnh ngộ ông giám đốc Quy Hòa, sát nhà lão. Nhận quyết định hưu rồi, nhưng ông giám đốc không muốn vợ và hàng xóm biết mình phải về vườn. Ông gặp lãnh đạo mới, xin chiếu cố hoàn cảnh, cho ông tiếp tục thuê xe và điều lái xe cơ quan một tuần đến đón hai lần, như đi làm việc. Chỉ cần đúng giờ đến đón, rồi thả ông xuống chỗ nào cũng được. Chiều ông sẽ hẹn một chỗ nào đó để đưa về. Ông hứa trả tiền xăng và bồi dưỡng lái xe chu tất.

- Nhiều chuyện về hưu tức cười lắm - Bà Loan lại kể - Nghe nói, có ông giám đốc nhà hát về hưu, tối nào cũng đến công viên, đứng trên bục sân khấu ngoài trời hàng giờ. Ông tưởng tượng như mình đang sắm vai nghệ sĩ, hoàng đế, thi nhân… Và dưới kia là bạt ngàn người xem, với hoa tươi và những tràng vỗ tay, hoan hô cuồng nhiệt…

 

*

*      *

 

Lão Từ bắt đầu “nghiện” bệnh viện. Hai tuần không đến phòng khám là lão lại thấy nhớ.

Nhưng rồi, lão chẳng phải mong ngóng lâu. Một cơn gió lạ làm lão đột quỵ, phải vào nằm viện, phòng cấp cứu.

Bỗng nhớ câu thơ Đỗ Phủ: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Lão sáu ba tuổi, còn bảy năm nữa mới đạt tới câu thơ của người xưa. Vào nằm viện để ngẫm nghĩ cái sự đời. Như Abutalip của Gamzatốp khuyên phải đến bệnh viện để chiêm nghiệm lại đời mình. Hóa ra con người, dù kinh bang tế thế đến đâu cũng không cưỡng được quy luật
sinh học.

Cuối đợt điều trị, bác sĩ chuyển lão về bệnh viện Đông y để kết hợp trị liệu, hồi phục sức khỏe. Lão như qua một cuộc đại tu. Như chiếc xe bò được lắp động cơ, muốn vận động và thử gân cốt.

Một ngày đẹp trời, lão Từ chống cây thiền trượng, một loại ba-toong hiện đại do đứa cháu đi hội chùa Yên Tử mua tặng, dạo bộ quanh khu phố viện Đông y. Ơ, cơ quan lão kìa, quá gần với viện Đông y. Lão Từ đứng tần ngần một hồi, nhớ lại những ngày làm dự án, xây dựng đề tài… Nghe nói dự án bảo tồn “Kho tàng tiếu lâm dân gian phi vật thể vùng Cổ Hến” sắp được UNESCO đưa ra xét duyệt… Như một phản xạ tự nhiên, như cảm thấy mình còn gắn bó máu thịt với cơ quan, đôi chân đưa lão vào cổng tòa nhà, mới được tân trang, như một tháp ngà. Kia, trên tầng hai ngôi nhà cổ kiến trúc từ thời Pháp kia, là căn phòng lão từng có một chiếc bàn nhỏ. Cái bộ phô-tơi bọc da nâu bóng chắc vẫn chỗ cũ. Cái bàn gỗ gụ chân chạm đầu hổ phù, suýt nữa bị phòng hành chính bán đồng nát, may mà lão cứu được, chắc vẫn kê chỗ cửa sổ nhìn ra công viên… Và hàng ngày, bộ phô-tơi ấy, vẫn được phục vụ các “nguyên khí quốc gia”, căn phòng vẫn tràn ngập tiếng cười hào sảng và những bình phẩm khi thì tục tĩu như của bọn chợ giời, khi thì thâm thúy cao siêu như của các bậc hiền triết… Cái cơ quan Viện X của lão Từ hay thật. Ai cũng biết đó là một thứ trang sức, một thứ phù du, có cũng được, mà không có cũng chẳng sao. Nói trắng phớ ra, nó vô bổ. Tuyên truyền thì đã có cơ quan tuyên huấn, báo chí, xuất bản. Giáo dục đã có hệ thống các trường đại học, phổ thông, viện X không đến lượt. Phản biện thì không ai dám… Vậy nó tồn tại để làm gì nhỉ? Có trời mà biết được. Khối người đã kiến nghị với cấp trên xóa sổ nó đi cho đỡ tốn kinh phí. Nhảm. Xóa thế đếch nào được. Thử động vào coi?

Ban đầu lão Từ đi phăm phăm. Lão nhớ ra mình còn có một hòm thư lưu ở hành lang. Có thể lão có sách tặng, có thư mời họp…

 

- Ông cần gặp ai?

Một giọng lạnh và sắc, khiến lão giật bắn người.

- Đồng chí không biết tôi à? - Lão Từ nhìn anh nhân viên bảo vệ, cố nhớ xem đã gặp anh ta lần nào - Tôi… làm việc trên tầng hai kia mà…

Gã bảo vệ mới, mắt to trắng dã, cằm bạnh, mặt thâm như đồ tể, nhìn lão từ đầu xuống chân. Hình như gã đang thầm nhận xét lão: Một lão già gàn dở, kệch cỡm, nhố nhăng. Quần áo bệnh viện, mũ phớt, giày ba ta, gậy gỗ chẳng ra ba-toong, chẳng ra thiền trượng…

- Ông tâm thần rồi… Không nhìn thấy tấm biển cơ quan vàng chóe ngoài cổng à? Đây là Viện X, chứ không phải bệnh viện, càng không phải là cơ quan từ thiện nhà ông đâu nhá…

Lão Từ thấy đắng chát trong cổ họng. Bị đuổi ngay trước cổng cơ quan mình. Cái cơ quan mà mới mấy tháng trước lão còn uy quyền nghiêng thiên hạ, có lẽ chỉ dưới ông viện trưởng. Chữ ký của lão để lấy về sáu tỷ đồng cho dự án “Kho tàng phi vật thể tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến” vẫn còn tươi rói trong kia. Thế mới đau chứ!

Lão Từ bỗng nghĩ đến cái thuyết chính danh của đức Khổng Tử bên Tàu. Tiếm quyền để mà làm vua thì không chính danh. Không ai bầu mà tự coi mình là thủ lĩnh thì không chính danh. Lừa bịp, biển lận để làm lãnh đạo thì không chính danh. Quá qui định của tuổi sinh học mà vẫn tham quyền cố vị là không chính danh. Về hưu rồi mà vẫn muốn đến cơ quan làm việc là không chính danh… Không chính danh thì đến một người gác cổng cũng đuổi được lão ra ngoài. Lão Từ có thể nhờ ông viện trưởng ăn gian được ba tuổi mới chịu về hưu. Ba năm ăn gian ấy, lão không chính danh, nhưng vẫn nhơn nhơn làm dự án này đề tài kia, vì nghĩ mình vẫn chính danh. Nhiều lúc máu kẻ 529 sĩ nổi lên, biết mình ăn gian, thấy da mặt mình bì bì dày, nhưng lão còn tự an ủi vì có người bảo lãnh. Bây giờ, chính gã bảo vệ kia vừa cho lão một cái tát. Ông vào đây làm gì? Ông già khú đế thế kia, quần áo bệnh viện thế kia, lại chống gậy nữa… thì vào chốn thâm nghiêm này thế nào được?

Đau quá. Lão Từ chực khuỵu xuống. Lão chới với nhìn bầu trời và vòm cây quay cuồng…

Rất xa, như ở đâu đó, như thoảng trong gió, lão nghe thấy kêu:

- Kìa, gọi xe cấp cứu ngay… Người cơ quan ta đấy... Tôi mới ký giấy cho ông cụ về hưu…

Đúng là tiếng ông giáo sư tiến sĩ, viện trưởng của lão.

Hiếm có người trên đời tốt như thế.

 

Xuân Tân Mão 2011

Tết Nhâm Thìn 2012 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84024


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận