Thầy Lang (Znachor) Chương 1

Chương 1
Trong phòng mổ hoàn toàn yên lặng. Thảng hoặc mới có tiếng lanh canh của những dụng cụ phẫu thuật bằng kim loại va vào khay thủy tinh.

Không khí được sấy nóng đến ba bảy độ Xen-xi-uyt, mang đẫm mùi clo-rô-phoóc ngọt lợ và mùi máu tươi, được đưa qua thiết bị hô hấp, khiến phổi đầy ứ một thứ hỗn hợp hết sức khó chịu. Một nữ y tá đang ngất xỉu trong góc phòng, song không một ai trong số những người còn lại có thể rời bàn mổ để giúp cô hồi tỉnh. Cả ba phụ mổ không hề rời mắt khỏi cái hốc màu đỏ đã mở phanh, nơi những ngón tay thô ráp của giáo sư Vin-tru-rơ đang cử động dường như vụng về. Mỗi cử động nhỏ bé nhất của đôi bàn tay ấy rất cần phải được hiểu ngay tức khắc. Mỗi một tiếng ầm ừ thi thoảng bật ra từ dưới khẩu trang là những mệnh lệnh được các phụ mổ hiểu và và thực hiện trong nháy mắt. Bởi lẽ đây không chỉ là chuyện liên quan đến tính mạng của người bệnh mà còn là một điều gì khác nữa, quan trọng hơn nhiều. có quan hệ thành bại của ca mổ vô vọng, điên rồ này, ca mổ có thể trở thành một thành tựu vĩ đại của khoa giải phẫu, mang lại vinh quang to lớn, hơn nữa không chỉ cho giáo sư, không chỉ cho bệnh viện và học trò của ông, mà còn là toàn thể giới khoa học Ba Lan.



Giáo sư Vin-tru-rơ đang mổ một khối u trong tim. Ông đang cầm trái tim ấy trong lòng bàn tay trái và bằng những cử động nhịp nhàng, các ngón tay không ngớt xoa bóp nó, bởi nó có xu thế yếu dần đi. Qua lần găng tay cao su mỏng tang, ông cảm nhận được mỗi sự mỗi sự rung động, mỗi tiếng óc ánh rất khẽ, khi những vách ngăn không chịu vâng lời, để bằng những ngón tay đã mỏi dừ bắt nó hoạt động trở lại. Ca mổ đã kéo dài bốn mươi sáu phút. Bác sỹ Ma-rơ-trép-xki theo dõi mạch đã sáu lần phải đâm mũi kim tiêm long não và a-trô-pin vào da người bệnh.

Chốc chốc, bàn tay phải của giáo sư Vin-tru-rơ lại làm loáng lên ánh lấp lánh của những chiếc dao chích và thìa múc nhỏ bằng những động tác lanh lẹn. May thay, khối u không ăn quá sâu vào cơ tim, mà chỉ tạo thành một hình nón cân đối, ăn nông. Mạng sống của người này có thể được cứu thoát. Chỉ cần ông duy trì được tám, chín phút nữa mà thôi.

"Ấy vậy mà không một ai đủ can đảm!" - Giáo sư tự hào nghĩ thầm. Phải, không một ai, không một nhà phẫu thuật nào ở Luân Đôn, Pa-ri, Bec-lin hay Viên, dám làm việc ấy. Họ từ bỏ cả vinh quang lẫn số tiền thù lao khổng lồ, đành đưa người bệnh đến Vac-sa-va. Mà số tiền thù lao đó sẽ có nghĩa là việc xây dựng một khu nhà nữa cho bệnh viện, và điều quan trọng hơn, sẽ là chuyến du lịch suốt mùa đông của Bê-a-ta cùng cô con gái nhỏ đến quần đảo Ca-na-ri. Vắng cả hai ông sẽ cảm thấy nặng nề biết bao, nhưng chuyến đi sẽ là một điều tuyệt diệu cho cả hai mẹ con. Trong thời gian gần đây, thần kinh của Bê-a-ta...

Cả buồng phổi màu xám hồng, bỗng nhiên phồng lên trong một hơi thở giật rồi co rúm lại. Một, hai, ba lần. Mẩu thịt có hồn run lên trong lòng bàn tay trái của giáo sư. Từ vết thương nhỏ trên màng tim màu tím ngắt rịn ra vài giọt máu. Trong mắt tất cả những người có mặt ánh lên nỗi kinh hoàng. Một tiếng rít khẽ của bình ô-xy, một mũi kim tiêm lại một lần nữa chọc vào da người bệnh. Những ngón tay to tướng của giáo sư vẫn nhịp nhàng bóp lại và xòe ra.

Chỉ vài giây sau, vết thương lại sạch. Giờ đã đến lúc sợi chỉ khâu mảnh mai hoàn thành kiệt tác. Một, hai, rồi ba mũi khâu. Thật không tài nào ngờ được rằng đôi bàn tay thô ráp kia lại có thể có những động tác chính xác đến nhường ấy. Giáo sư thận trọng đặt trái tim vào khoang ngực và chăm chú theo dõi hồi lâu. Nó phồng lên, co lại theo những nhịp chưa đều, nhưng phút nguy hiểm đã qua. Bác sỹ Xku-gien lấy từ trong những tấm vải đã vô trùng che phần lồng ngực bị cắt. Vài thao tác cần thiết nữa rồi giáo sư trút một hơi thở dài. Phần còn lại thuộc về những người phụ mổ. Ông hoàn toàn tin ở họ. Ông ra vài mệnh lệnh nữa rồi bước sang phòng thay quần áo.

Nơi đây, khoan khoái thở hít làn không khí bình thường, ông bỏ khẩu trang, găng mổ, tạp dề và blu bắn đầy máu rồi ưỡn người. Đồng hồ chỉ hai giờ ba lăm phút. Thế là ông lại muộn giờ ăn trưa vào một ngày như hôm nay! Chắc hẳn Bê-a-ta biết hôm nay ông có ca mổ quan trọng thế nào, song sự muộn màng trong ngày lễ này không khỏi khiến nàng phật ý. Buổi sáng, khi bước ra khỏi nhà, ông cố tình không tỏ ra nhớ ngày hôm nay: ngày kỷ niệm tám năm ngày cưới của họ. Song Bê-a-ta hiểu rằng ông không thể nào quên được. Hàng năm, vào đúng ngày hôm nay, nàng đều nhận được một món quà tuyệt vời nào đó, càng ngày càng đẹp hơn, ngày càng đắt tiền hơn, theo đà tăng của vinh quang và tài sản của ông. Và lúc này, chắc chắn rằng trong văn phòng ở tầng một đã lại có một món quà mới. Người Người thợ chuyên may đồ lông thú sáng nay chắc đã gửi đến rồi...

Giáo sư vội vàng thay quần áo rất nhanh. Song ông còn phải thăm qua hai người bệnh trên gác hai và xem lại người vừa mới mổ nữa. Bác sỹ Xku-gien đang theo dõi bệnh nhân báo cáo ngắn gọn:

- Nhiệt độ ba mươi lăm độ chín, huyết áp một trăm bốn mươi, mạch rất yếu và hơi loạn nhịp, sáu mươi đến sáu mươi sáu.

- Ơn chúa, - giáo sư mỉm cười với bác sỹ.

Người bác sỹ trẻ đưa mắt đầy ngưỡng mộ nhìn dáng người to cao, hơi giống một con gấu của sếp. Anh vốn là một sinh viên của ông ở trường Đại học. Anh hỗ trợ ông trong việc chuẩn bị tài liệu cho các công trình khoa học của ông trong thời gian ông còn hoạt động khoa học thuần túy; còn từ khi ông mở bệnh viện tư, bác sỹ Xku-gien tìm thấy nơi đây một đồng lương xứng đáng và một phạm vi hoạt động rộng rãi. Có thể trong thâm tâm anh hơi tiếc vì sếp đã từ bỏ quá đột ngột niềm tự hào của một nhà khoa học, chỉ tự hạn chế trong hoạt động giảng dạy đại học và trong việc kiếm tiền, song điều đó cũng không hề làm anh đánh giá ông thấp đi chút nào. Cũng như những người dân Vac-sa-va khác anh hiểu rõ rằng giáo sư làm việc đó không phải vì bản thân ông, rằng ông lao động chẳng khác gì tên nô lệ, rằng ông không bao giờ ngần ngại nhận trách nhiệm về mình và đã nhiều phen thực hiện những chuyện thần kỳ như ca mổ hôm nay.

- Giáo sư quả là thiên tài, - anh thốt lên đầy chân thành.

Giáo sư Vin-tru-rơ khẽ mỉm cười hiền dịu, nụ cười luôn mang lại niềm tin và sự yên tâm cho các bệnh nhân của ông.

- Chớ quá lời, anh bạn đồng nghiệp ạ, chớ quá lời thế! Rồi cả anh nữa cũng sẽ làm được việc đó. Nhưng thú thực là tôi rất hài lòng. Nếu có việc gì, anh bảo gọi điện cho tôi, mặc dù tôi nghĩ rằng sẽ chẳng có việc gì đâu, và tôi rất mong thế, bởi vì hôm nay tôi có... một buổi lễ gia đình. Chắc hẳn người ta đã gọi điện báo rằng bữa trưa đã chuẩn bị xong...

Và giáo sư không nhầm. Trong phòng làm việc của ông máy điện thoại réo chuông đến vài lần rồi.

- Yêu cầu báo ngay cho giáo sư, - người hầu phòng nói - để ngài về nhà càng nhanh càng tốt.

- Giáo sư đang ở trong phòng mổ, - lần nào cũng vậy, nữ thư ký - cô Ja-nô-vi-trúp-na - đều trả lời bằng giọng thản nhiên bất di bất dịch.

- Sao họ cứ tấn công liên hồi thế, quỷ quái thật chứ?! - Bác sỹ trưởng, tiến sỹ Đô-bra-nhe-xki vừa nói vừa bước vào.

Cô Ja-nô-vi-trúp-na vặn trục máy chữ, rút bức thư vừa đánh máy xong ra, trả lời:


- Hôm nay là ngày kỷ niệm lễ cưới của ông bà giáo sư, ông quên à? Ông đã được mời đến dự buổi khiêu vũ kia mà.

- À, quả có thế thật. Tôi nghĩ là sẽ có một buổi tối không đến nỗi nào... Bao giờ ở nhà họ cũng có mặt một dàn nhạc hảo hạng, một bữa tối sang trọng và cử tọa tốt nhất.


- Lạ thật, không hiểu sao ông lại quên nói về những người phụ nữ xinh đẹp, cô gái lưu ý với vẻ châm biếm.

- Tôi đâu có quên, một khi mà cô có mặt tại đó... Bác sỹ trả miếng.

Hai gò má gầy gò của nữ thư ký chợt ửng hồng.

- Chẳng hay ho gì, - cô nhún vai. - Dù tôi có là người đẹp nhất, tôi cũng chẳng hòng được ông để mắt đến cơ mà.


Cô Ja-nô-vi-trúp-na không thích Đô-bra-nhe-xki. Cô ưa anh với tư cách một người đàn ông, bởi quả thực anh đẹp trai, với cái mũi chim ưng và vầng trán cao đầy tự hào, cô biết anh là một nhà phẫu thuật tuyệt vời, bởi chính giáo sư đã giao phó cho anh những ca mổ khó nhất và đưa anh lên cương vị phó giáo sư, song cô coi anh là một người hám danh vọng, lạnh lùng, chỉ săn tìm một tiểu thư nhà giàu, hơn nữa cô không tin mấy vào lòng biết ơn của anh với giáo sư, người người mà nhẽ ra anh phải mang ơn về tất thảy những gì có được.

Tiến sỹ Đô-bra-nhe-xki khá tinh ý nên nhận thấy ngay sự ác cảm ấy. Song vốn không muốn gây sự với bất kỳ ai có thể làm hại anh bằng cách nào đấy, anh bèn trỏ chiếc hộp để trên bàn hỏi lấy lòng:

- Cô mới sắm áo lông đấy à? Tôi thấy đây là hộp của hiệu Pô-rai-xki.

- Tôi hoàn toàn không có khả năng dùng quần áo của hiệu Pô-rai-xki, lại càng không có khả năng sắm một chiếc áo lông thế này.


- Đến "thế này" kia à?

- Ông cứ thử nhìn xem. Lông hắc điêu thử đấy.

- Phiu... phiu. Phu nhân Bê-a-ta thật là người sung sướng. - Anh gật gù rồi nói thêm:

- Ít nhất cũng về phương diện vật chất.


- Ông nói thế nghĩa là thế nào?

- À, không.

- Ông phải biết xấu hổ chứ, - cô phẫn nộ. - Người phụ nữ nào cũng có thể ghen với phu nhân về một người chồng như thế, lại yêu thương như thế.

- Hẳn rồi.

Cô Ja-nô-vi-trúp-na chĩa vào anh cái nhìn giận dữ.


- Phu nhân có tất cả những gì mà một người phụ nữ ước ao! Tuổi trẻ, sắc đẹp, một đứa con gái xinh xắn, một người chồng đầy vinh quang và được mọi người kính trọng, đang làm việc cả ngày lẫn đêm để bảo đảm cho phu nhân có đầy đủ tiện nghi, phong lưu, có địa vị trong đời. Tôi cam đoan với ông, thưa tiến sỹ, rằng phu nhân đánh giá đúng tất cả những điều ấy.

- Tôi không chút nghi ngờ, - anh khẽ nghiêng đầu, có điều, tôi hiểu rằng phụ nữ đánh giá cao nhất...


Anh không nói hết lời vì bác sỹ Bang chợt lao vào phòng, kêu lên:

- Thật đáng kinh ngạc! Thành công rồi! Ông ta sẽ sống!

Rất hào hứng, ông đầu thuật lại diễn biến của ca mổ mà ông đứng phụ.

- Chỉ có giáo sư của chúng ta mới dám làm chuyện ấy!... Giáo sư đã chứng tỏ được khả năng của mình, - cô Ja-nô-vi-trúp-na thốt lên.


- Thôi, không nên quá lời như thế, - tiến sỹ Đô-bra-nhe-xki lên tiếng. - Các bệnh nhân của tôi không phải bao giờ là cũng là những vị huân tước hay triệu phú, không phải bao giờ cũng ngoại lục tuần, song lịch sử cũng từng có hàng loạt những ca mổ tim thành công, thậm chí là lịch sử ngành y của nước ta. Nhà giải phẫu Vac-sa-va, tiến sỹ Krai-ép-xki, đã nổi tiếng thế giới bằng chính một ca mổ như thế. Mà đó là ba mươi năm về trước!

Trong phòng tụ tập thêm mấy người nữa cũng thuộc về phía nhân viên bệnh viện, và lát sau, khi giáo sư xuất hiện, họ chào đón ông bằng hàng tràng những lời chúc mừng.

Với nụ cười mãn nguyện nở trên khuôn mặt hồng hào phương phi của mình, ông nghe họ nói, song chốc chốc vẫn đưa mắt liếc nhìn đồng hồ. Mãi hơn hai mươi phút sau ông mới xuống được tầng dưới, ngồi vào chiếc xe du lịch màu đen to tướng của ông.

- Về nhà thôi, - ông bảo người tài xế và ngả người thoải mái trên ghế. Sự mệt mỏi qua đi nhanh chóng. Ông là một người khỏe mạnh, đầy sức lực, và mặc dù có vẻ hơi đứng tuổi vì người hơi đậm, song thực ra ông mới chỉ hơn bốn mươi ba, vẫn cảm thấy hoàn toàn trẻ hơn tuổi. Nhiều khi ông nghịch ngợm như một cậu thiếu niên. Ông biết cách chơi đùa, vật lộn với cô bé Ma-ri-ô-la ngay trên thảm, hoặc chơi trốn tìm với con, không phải chỉ để thỏa mãn ý thích của con mà cả ý thích của chính ông nữa.


Bê-a-ta không tài nào hiểu nổi chuyện ấy, nhìn thấy ông trong những lúc như thế, trong ánh mắt nàng chợt hiện lên vẻ gì như ngượng nghịu và sợ sệt.

- Anh Ra-phao, - nàng bảo - nhỡ người ta trông thấy anh nghịch như thế này thì sao?

- Thì có thể người ta sẽ phong cho anh chức cô bảo mẫu chứ sao, - ông vừa cười vừa đáp.

Thực ra, những lúc như thế ông cảm thấy hơi khổ tâm. Không nghi ngờ gì nữa, Bê-a-ta là người vợ tốt nhất trên đời. Chắc chắn là nàng yêu ông. Song tại sao đối với ông nàng vẫn giữ vẻ kính trọng không cần thiết đến mức gần như thành kính kia? Trong niềm ân cần và âu yếm của nàng vẫn có thứ gì như thể nàng đang hành lễ. Trong những năm đầu, ông cho rằng nàng e sợ và ông đã cố làm tất thảy những gì có thể để xua tan đi điều ấy. Ông kể cho nàng nghe những chuyện buồn cười nhất về bản thân, thổ lộ với nàng những điều lầm lỗi cùng những chuyện phiêu lưu không mấy thanh cao trong đời sinh viên của ông, ông cố gắng tẩy rửa khỏi đầu óc nàng từng ý nghĩ nhỏ bé nhất về việc họ không hoàn toàn tương xứng với nhau. Ngược lại, trên từng bước đường, ông đều cố gắng nhấn mạnh rằng ông sống chỉ vì nàng và chỉ nhờ nàng ông mới được hạnh phúc mà thôi. Vả chăng, điều đó hoàn toàn là sự thật.

Ông yêu Bê-a-ta đến điên cuồng và biết rằng nàng cũng đền đáp lại ông một tình yêu như thế, dù lặng thầm và ít bồng bột hơn. Bao giờ nàng cũng tinh tế và dịu dàng như một đóa hoa. Bao giờ nàng cũng dâng cho ông nụ cười và những lời tốt lành. Và hẳn ông sẽ nghĩ rằng nàng không biết sống cách nào khác thế, giá như nhiều khi ông không thấy nàng tươi vui hớn hở, bật lên những tràng cười giòn tan, hài hước và tinh nghịch, mỗi khi đám thanh niên trẻ trung vây quanh nàng và nàng không biết rằng ông đang nhìn mình. Ông sẵn sàng đi đầu xuống đất để thuyết phục nàng rằng, hơn ai hết, kể cả những người trẻ tuổi nhất, ông là người hết sức sẵn sàng tham gia trò chơi vô tư ấy, nhưng chỉ vô ích mà thôi. Rốt cuộc, với thời gian, ông đành phải thừa nhận chuyện ấy và từ bỏ mong muốn cải thiện hơn nữa niềm hạnh phúc dẫu sao cũng là vô cùng to lớn của mình.

Và giờ đây đã là ngày kỷ niệm tám năm của cuộc sống chung chưa bao giờ bị vởn một lần cãi cọ nào, dù là nhỏ bé nhất, chưa hề có một mâu thuẫn hay thậm chí một bóng đen thiếu tin cậy nào, mà đã biết bao lần sáng bừng lên những giờ vui tươi, âu yếm, tâm sự...

Tâm sự... Thực ra chỉ một mình ông tâm sự cùng nàng những cảm xúc, suy nghĩ, kế hoạch của mình mà thôi. Bê-a-ta hoặc là không biết, hoặc là không biết làm điều ấy, hoặc cuộc sống nội tâm của nàng quá ư đơn điệu, quá ư giản dị... Có lẽ là hơi quá - giáo sư Vin-tru-rơ tự chỉ trích mình vì ý nghĩ này - quá ư nghèo nàn. Ông cho rằng đó là điều xúc phạm đến Bê-a-ta, rằng nghĩ như thế về nàng là ông đã lăng nhục nàng rồi. Song nếu như điều đó là sự thực đi chăng nữa thì chỉ càng khiến trái tim ông thêm ngập tràn niềm ưu ái mà thôi.

"Chính ta đã khiến nàng choáng váng, - ông tự nhủ, - đã khiến nàng choáng váng vì bản thân ta. Nàng thông minh, tinh tế xiết bao. Chính vi thế mới nảy sinh sự nhạy cảm và nỗi lo ngại, giữ đừng cho ta thấy rằng những vấn đề của riêng nàng là vụn vặt, thường ngày và thông tục."

Đi đến kết luận như thế, ông cố gắng đền bù cho nàng sự không tương xứng, đã đụng chạm đến nàng kia. Ông hết sức để ý và thành tâm đi sâu vào những chi tiết nhỏ nhặt nhất của gia đình, ông lưu ý đến từng kiểu phục trang nàng mặc, từng loại nước hoa nàng hay dùng, ông lắng nghe để nắm bắt ngay từng lời nàng thổ lộ về dự định thù tiếp bạn bè hay đề cập đến căn phòng riêng của con, và bao giờ cũng cân nhắc chúng với sự tận tâm như đó là những vấn đề vô cùng quan trọng.

Bởi quả thực, đối với ông, chúng rất quan trọng, quan trọng hơn tất thảy, ông tin rằng, cần phải nuôi dưỡng hạnh phúc một cách ân cần nhất, ông hiểu rằng, những giờ phút ít ỏi dứt ra khỏi công việc mà ông có thể dành cho Bê-a-ta cần phải chứa đựng một nội dung giàu có nhất, sự ấm cúng lớn lao nhất...

Nguồn: truyen8.mobi/t110300-thay-lang-znachor-chuong-1.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận