Thầy Lang (Znachor) Chương 2

Chương 2
Việc giáo sư Ra-phao Vin-tru-rơ biến mất khiến toàn thành phố xao động.

Trước hết, trong toàn bộ sự việc này, người ta cảm thấy có điều gì đó bí ẩn. Tất thảy những người từ nhiều năm nay được gặp gỡ giáo sư và hiểu biết ông kỹ đều cam đoan rằng mọi giả thuyết về khả năng tự vẫn của giáo sư đều là vớ vẩn. Giáo sư Vin-tru-rơ nổi bật lên bởi sức sống tràn trề sôi nổi, ông yêu công việc của mình, yêu gia đình mình, yêu cuộc sống. Tình hình sản nghiệp của ông rất tuyệt vời. Vinh quang của ông vẫn không ngừng tăng lên. Trong giới y học ông được thừa nhận là một nhân vật đặc sắc.

Khả năng ám hại cũng bị loại trừ vì lý do đơn giản là giáo sư không hề có kẻ thù. Cướp của là mô-tip tội phạm duy nhất có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ở đây cũng xuất hiện những nghi vấn đáng kể. Người ta dễ dàng khẳng định rằng, trong cái ngày xảy ra tai họa ấy, giáo sư có trong người chỉ độ hơn mười nghìn zuốt-ty, và ai cũng biết rằng ông chỉ dùng một chiếc đồng hồ đeo tay màu đen thường tình, thậm chí ông không đeo cả nhẫn vàng nữa. Do vậy một vụ tấn công ăn cướp có kế hoạch cũng như việc giết người là hậu quả của vụ tấn công kia hình như không có mấy khả năng hiện thực. Trường hợp bị tai nạn hay một vụ giết người ngẫu nhiên chắc hẳn người ta đã nhanh chóng tìm ra xác.



Chỉ còn lại một khả năng duy nhất: mất trí nhớ. Bởi lẽ trong năm vừa qua, cảnh sát đã tìm được năm người bị mất tích do bị mất trí nhớ đột ngột, nên trên đa số các nhật báo, trong nhiều bài, người ta đưa ra các giả thuyết ấy.

Và nếu như trong những bài báo ấy, người ta viết nửa kín nửa hở, còn trong những cuộc trò chuyện riêng tư người ta công khai bàn tán về những hoàn cảnh đầy bí mật của việc giáo sư Vin-tru-rơ bị mất tích, thì đó lại là những lý do hoàn toàn khác.

Các phóng viên hoài công tấn công biệt thự của giáo sư tại đại lộ Tử Đinh Hương. Quả thực họ phát hiện ngay không chút khó khăn rằng vợ giáo sư cùng con gái bảy tuổi của ông hiện không có mặt ở Vac-sa-va, song gia nhân chỉ lúng búng và từ chối cung cấp mọi thông tin chi tiết hơn. Những phóng viên hăng hái nhất được gia nhân chỉ đến chỗ anh họ của người mất tích, đến ngài chủ tịch tòa thượng thẩm Zich-mun-tơ Vin-tru-rơ. Với sự bình thản tuyệt đối, ông này chỉ nhắc đi nhắc lại:

- Cuộc sống của ông em họ tôi và vợ bao giờ cũng rất hạnh phúc. Trong mắt của đám đông bạn bè, họ được xem là một cặp vợ chồng mẫu mực. Do vậy, sự liên hệ giữa việc giáo sự bị mất tích, điều đang khiến tôi bị xúc động sâu sắc, với chuyện của gia đình ông ta, là một điều đang và sẽ không có căn cứ. - ông nhấn mạnh.

- Vậy ngài chủ tịch có thể cho chúng tôi rõ hiện nay bà Bê-a-ta Vin-tru-rơ đang ở đâu không ạ? Đám phóng viên hỏi.

- Vâng, tôi sẵn sàng nhắc lại với các ông điều tôi nghe được từ chính miệng ông em họ tôi trong cái ngày mà ông ấy bước chân khỏi nhà lần cuối. Ông ấy nói với tôi rằng đã cho vợ và đứa bé ra nước ngoài.

- Thế mục đích của chuyến đi?

Ngài chủ tịch đưa tay phác một cử chỉ mơ hồ.

- Xin thú thật với các ông, tôi đã không hỏi điều đó. Hình như đó là một chuyến đi chữa bệnh thì phải. Nếu tôi nhớ không nhầm thì em dâu tôi không chịu đựng nổi tiết thu u ám của chúng ta. Vả chăng cô ấy cũng rất hay ra nước ngoài.

- Tuy nhiên một chuyến đi đột ngột vào chính cái ngày - hay trước vài ngày - dự định tổ chức vũ hội mà giấy mời đã được gửi đi...

- Thưa các ông, mọi sự được an bài với người đời đa dạng lắm. Vả chăng hai chúng tôi cũng không quan hệ với nhau thân thiết đến mức tôi có thể biết rõ tất cả mọi động tĩnh của họ. Song nếu tôi có thể đề nghị với các ông điều gì, thì vì quan hệ gia đình, tôi có bổn phận mong các ông đừng thổi phồng chuyện này đến tầm cỡ một vụ giật gân. Đặc biệt, tôi hi vọng rằng sẽ không tìm thấy trong báo chí một ẩn ý nào đề cập tới đời tư của em họ tôi. Tôi rất mong điều đó. Phần tôi, tôi xin bày tỏ với các ông quan điểm riêng của tôi về sự việc này. Không loại trừ là giáo sư có ý định ra nước ngoài cùng với vợ. Ông ấy bị giữ lại Vac-sa-va vì cuộc giải phẫu vô cùng quan trọng mà tất cả các báo đều đã viết rất nhiều rồi. Khi cuộc giải phẫu thành công, ông em họ tôi có thể đã đi ngoại quốc với vợ.

- Đã qua bấy nhiêu ngày. - một trong các phóng viên nhận xét. - không thể nào thừa nhận việc giáo sư chưa nhận được tín hiệu báo động do toàn giới báo chí phát ra. Và chắc hẳn giáo sư sẽ phải lên tiếng chứ.


- Chắc hẳn vậy. Nếu như tín hiệu báo động đến được chỗ ông ấy. Song có biết bao nhiêu xó xỉnh hẻo lánh ở nước ngoài, những nhà nghỉ lặng lẽ trong vùng núi, những nơi nghỉ ngơi hoang vắng, mà các nhật báo của Vac-sa-va không thể đến được.

- Toàn thể báo chí ngoại quốc đều đưa tin về sự mất tích của giáo sư Vin-tru-rơ, - nhà báo vẫn khăng khăng một mực, - à, và cả đài phát thanh nữa.

- Người ta có thể không nghe ra-đi-ô. Thí dụ như tôi không thể chịu nổi. Vả chăng trong thời gian nghỉ ngơi có biết bao người không hề sờ đến báo. Tại Ty-rôn hay Đan-ma-xia không phải ai cũng có ý muốn đọc báo đâu.

- Đúng thế, thưa ngài chủ tịch. Nhưng còn một điều này. Giáo sư không hề có mặt tại Ty-rôn, tại Đan-ma-xia, và nói chung ở mọi nơi khác ở nước ngoài.

- Ông khẳng định điều đó bằng cách gì vậy? - Ngài chủ tịch mỉm cười hỏi lại.

- Điều đó không khó lắm. Đơn giản là tôi đã thẩm tra lại ở tòa thị chính rằng hộ chiếu xuất cảnh của giáo sư Vin-tru-rơ chỉ được cấp với thời hạn một năm mà thôi. Thời hạn đó đã hết cách đây vừa tròn hai tháng và không được gia hạn thêm.

Một sự im lặng bao trùm. Cuối cùng ngài chủ tịch dang tay.

- Hà, không nghi ngờ gì nữa, sự việc nay vẫn chưa rõ. Song hãy tin ở tôi. Tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách để làm rõ nó ra. Cả cơ quan cảnh sát cũng đang làm việc đó. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại với các ông lời đề nghị của tôi.

Chính nhờ có lời đề nghị này, được nêu ra bởi một người đang giữ một cương vị được mọi người kính trọng trong đời sống xã hội, cũng như nhờ thiện cảm mà vị giáo sư bị mất tích có được trong lòng người, giới báo chí đã từ bỏ một cơ hội đáng thèm muốn để tìm hiểu những vấn đề đời tư của ông. Thực tình thì điều đó cũng không ảnh hưởng gì đến những chuyện xầm xì đang lan truyền trong những người quen lẫn không quen, song không có tin tức gì mới, những chuyện bàn tán này cũng lặng dần đi.

Ngược lại, cảnh sát vẫn không ngừng quan tâm đến sự việc này. Viên thanh tra Gu-rơ-nưi, người được giao nhiệm vụ, chỉ trong vài ngày đã xác định được hàng loạt chi tiết. Việc điều tra các nhân viên của bệnh viện đã cho thấy rằng, trong ngày xảy ra sự việc, giáo sư trở về nhà trong tâm trạng rất vui vẻ, mang theo một chiếc áo choàng lông hắc điêu thử vừa mua để làm quà tặng vợ nhân kỷ niệm tám năm ngày cưới. Không hề có gì chứng tỏ rằng ông đoán trước chuyến đi đột ngột của vợ. Qua lời khai của gia nhân có thể suy ra rằng mãi tới khi đọc bức thư do vợ để lại, giáo sư mới được biết về chuyến đi ấy. Bức thư đã gây cho ông một ấn tượng như sét đánh. Ông có vẻ như người mất hồn, không ăn uống gì cả. Ông ngồi mãi trong phòng làm việc tối om.

Thực ra, người ta không tìm thấy lá thư. Song cũng chẳng khó khăn gì mà không đoán ra rằng nó mang đến cho giáo sư quyết định dứt tình. Ngay cả ngài chủ tịch Vin-tru-rơ cũng bày tỏ ý kiến như thế, ông không tiếc cơ quan điều tra những chi tiết nhỏ bé nhất, cung cấp một báo cáo hết sức tỉ mỉ về lần đến thăm của ông tại nhà người em họ.

Qua những lời khai tiếp đó của gia nhân không rút thêm được điều gì chắc chắn. Hàng ngày, vào ban sáng, phu nhân Bê-a-ta thường đi ô-tô đến dạo ở công viên Oa-zi-ên-xki. Tài xế và xe ở lại ngoài cổng, anh ta chưa bao giờ nhìn thấy có ai đi cùng phu nhân. Song khi được cho xem ảnh, những người gác công viên nhận ra ngay lập tức vị phu nhân ngày nào cũng gặp gỡ tại đây một chàng trai tóc vàng nhạt, gày gò, mặc quần áo khá tàng. Tuy nhiên diện mạo của chàng trai ấy không có nét gì thật nổi bật.

Việc nghiên cứu thư từ giấy má của giáo sư cũng không chỉ ra một dấu vết nào hết. Người ta khẳng định được rằng phu nhân đã để lại một số tiền lớn và đồ nữ trang. Bà cũng không mang theo các áo choàng lông thú hoặc những thứ đồ vật quí giá nào khác dễ dàng đổi thành tiền.

Thanh tra Gu-rơ-nưi tìm thấy trong bàn làm việc của giáo sư một khẩu súng lục đã nạp đạn.

- Điều này cho phép tôi kết luận, - ông ta nói với ngài chủ tịch Vin-tru-rơ,- rằng giáo sư không hề có ý định tự sát. Nếu không, hẳn ông ta đã mang theo súng. Ông ta cũng sẽ mang súng theo trong trường hợp ông ta định quyết đấu với kẻ đã quyến rũ vợ mình.

- Phải chăng ông thanh tra cho rằng ông ấy biết có thể tìm thấy kẻ kia ở đâu?

- Không. Tôi nghĩ rằng thậm chí giáo sư không thể ngờ đến sự tồn tại của y nữa kia. Chưa một ai trong đám gia nhân trong biệt thự tại đại lộ Tử Đinh Hương nhìn thấy người thanh niên có hình dáng như vậy cả. Song tôi tin rằng việc tìm thấy đôi trai gái này sẽ cho chúng ta lời giải đáp cho câu hỏi: cái gì đã xảy đến với giáo sư?

Theo đúng ý đồ này, ngài thanh ta đã tiến hành điều tra theo hướng tìm kiếm phu nhân Bê-a-ta. Sau nhiều vất vả, người ta đã đưa đến cho ông tài xế lái chiếc taxi mà phu nhân Bê-a-ta đã dùng để rời nhà giáo sư ngày hôm ấy. Nhưng anh chàng này cũng chẳng có gì nhiều để khai báo. Anh ta chỉ nhớ đã chở một phu nhân trẻ và đẹp cùng một em bé gái chừng vài tuổi từ đại lộ Tử Đinh Hương đến ga chính. Bà ta trả tiền, tự tay xách lấy va-li, rồi biến mất trong đám người. Việc nghiên cứu lịch chạy tàu cũng chẳng mang lại thành công gì đáng kể. Từ nhà ga chính, trong khoảng từ mười hai giờ trưa đến một giờ chiều có tới hơn mười đoàn tàu chạy về nhiều hướng khác nhau.

Thanh tra Gu-rơ-nưi đang cân nhắc việc gửi giấy truy tìm Bê-a-ta Vin-tru-rơ thì đột nhiên một phát hiện mới lại đẩy công cuộc điều tra theo một hướng khác hẳn.
Trong một cuộc kiểm tra thường kỳ tại nhà một trong những kẻ oa trữ đồ trộm cắp trên phố Cac-mê-li-xka, trong số nhiều đồ vật có nguồn gốc từ các vụ trộm hoặc cướp, người ta tìm thấy một áo bành tô màu đen, chiếc áo vét và chiếc gi-lê có cỡ rất lớn. Mặc dù nhãn hiệu của cửa hàng may đã bị cắt bỏ, người ta dễ dàng tìm ra hiệu may đã may những thứ quần áo ấy, và bằng cách đó khẳng định được rằng những thứ ấy thuộc về giáo sư Vin-tru-rơ đã bị mất tích. Bị ép vào tường, gã buôn lậu hàng cũ khai rằng đó là đồ mua của một tay Fê-lic-xơ Giu-brô-xki nào đó. Trái với những điều tiên đoán của viên thanh tra, Giu-brô-xki chưa bao giờ có tiền án tiền sự. Y ngụ tại phố Psư-vi-sơ-lơ-na cùng vợ và bốn con, chuyên nghề khai thác cát, y khai rằng sáng sớm tinh mơ hôm ấy, khi đi nhà thờ về, y nhặt được những thứ quần áo kia ngay trên bờ sông. Vài nhân chứng, có thể không đáng tin lắm, xác minh cho tình trạng ngoại án của y. Dù sao chăng nữa cũng không thể chứng minh thêm được điều gì ở đây và ba ngày sau người ta phải thả Giu-brô-xki. Một điều hỗ trợ thêm cho sự vô tội của y, là chính ở nơi ấy, sông Vi-xoa rất sâu, mà sự tự sát của giáo sư Vin-tru-rơ lại có rất nhiều khả năng thực tế.

Trong những ngày tiếp theo đó, người ta sục tìm dưới lòng sông suốt một khoảng vài cây số - nhưng không có kết quả gì hết. Sáu lần liền người ta đưa gia nhân ở đại lộ Tử Đinh Hương và ngài chủ tịch Vin-tru-rơ đến viện giải phẫu để nhận diện các xác chết vô thừa nhận, nhưng thực ra đó là chuyện quá thừa: vị giáo sư mất tích có tầm vóc to lớn, dễ nhận diện, với chiều cao một mét chín mươi và nặng gần một trăm ki-lô-gam.

- Chúng tôi vẫn chưa tìm thấy được xác, - viên thanh tra Gu-rơ-nưi thốt lên với vẻ ngã lòng - có thể sang xuân nó mới nổi lên cũng nên. Sông Vi-xoa có nhiều hố sâu và đã nhiều lần mãi sau vài tháng nó mới trả lại xác người chết.

- Có nghĩa là ông khẳng định những điều lo lắng của tôi? - Ngài chủ tịch hỏi.

- Có rất nhiều yếu tố nghiêng về phía tự sát. Tuy nhiên, tôi cũng đã gửi bản sao ảnh chụp giáo sư đi tất cả các đồn cảnh sát để phòng xa.

- Thế ra ông vẫn nghĩ đến khả năng bị mất trí nhớ?

- Thành thật mà nói, tôi không tin vào chuyện ấy. Nhưng một khi xác chưa nổi lên, tôi không được phép xem thường khả năng đó, cũng vì lẽ ấy, tôi cũng không từ bỏ hoàn toàn khả năng một vụ giết người. Mặc dù tôi gần như tin chắc rằng chỉ có thể nói về một vụ tự sát mà thôi. Chắc chắn là thế. Ông ấy bước chân ra khỏi nhà, hoàn toàn mất trí vì bất hạnh, và chắc chưa kịp đi đến một quyết định nào cả. Hẳn ông ấy đã lang thang rất lâu suốt thành phố, có thể cũng đã uống rượu giải phiền...

- Ông ấy chưa bao giờ uống rượu cả, - ngài chủ tịch ngắt lời. - Dù thế này hay thế khác, ông ấy cũng đã quyết định chấm dứt cuộc đời. Vả lại kẻ nào có thể giết ông ấy kia chứ?... Bọn cướp ư?... Chúng phải có ít ra từ ba đến bốn tên mới có thể đối phó được với ông ấy một cách êm thấm. Bởi lẽ giáo sư là một người có sức mạnh khác thường. Bắn ư?... À, cũng không loại trừ, nhưng một cuộc bắn nhau bao giờ cũng thu hút người khác kéo đến và nếu thế chúng phải hết sức vội vã trong khi thu dọn tử thi. Trong khi đó trên áo bành tô và áo vét lại không hề có một vết máu nào cả. Chỉ còn lại mỗi khả năng là ông ấy bị kéo vào bẫy rồi bị giết trong phòng kín. Nghĩa là một vụ giết người có chủ tâm. Nhưng ai có lợi trong chuyện ấy, ai mong muốn chuyện ấy cơ chứ?... Không ai biết. Giáo sư không để lại chúc thư. Theo luật thì toàn bộ những gì ông ấy có sẽ được chuyển cho vợ và con gái. Song chính ngài chủ tịch chả đã nói rằng người vợ góa kia là người phụ nữ ít vụ lợi nhất trên thế giới đó sao? Còn người tình của bà ta, kẻ mà xét đoán qua bề ngoài thì không phải được xuất thân từ một gia đình khá giả. Nhưng ngay cả điều này cũng chứa đựng một yếu tố gì đó át hẳn nỗi nghi ngờ. Nếu như y muốn kiếm tiền, y thừa khả năng để thuyết phục giáo sư phu nhân mang đi tiền bạc, những chiếc áo choàng lông thú cùng đồ nữ trang. Tất cả những thứ đó gộp thành một món tiền khó lòng chê nổi, tính sơ sơ cũng phải bẩy mươi nghìn. Mà một kẻ ranh ma thì hoàn toàn có đủ khả năng để xui một người đàn bà say mê hắn làm tất cả mọi việc.

- Chưa chắc, Bê-a-ta có những nguyên tắc riêng...

- Thưa ngài chủ tịch, với tư cách một vị quan tòa giàu kinh nghiệm, hẳn ngài hiểu rõ hơn tôi rằng khi mà người đàn bà bắt đầu yêu thì mọi nguyên tắc không còn tồn tại nữa. Nhưng, có thêm những việc khác chứng tỏ tính vô tội của đôi trai gái này. Thứ nhất: vị tất họ phải chạy trốn, vì chuyện đó chỉ khiến họ bị nghi ngờ mà thôi. Thứ hai: sau khi giáo sư bị mất tích, nhẽ ra họ phải xuất đầu lộ diện ngay: tất cả các báo đều làm rùm beng đến thế kia mà. Và chắc hẳn bọn họ phải là những kẻ ngu ngốc nhất mới có thể nghĩ rằng sớm muộn cảnh sát cũng không có khả năng tìm ra họ, một khi đã coi họ là thủ phạm của vụ này. Nếu như họ muốn "đánh bạc" với một số tiền đặt cọc lớn như tài sản được thừa kế của giáo sư, thì chỉ sau vài ngày họ đã phải xuất hiện ngay, trong khi đó bây giờ đã là tháng thứ hai rồi. Chắc chắn lương tâm của họ phải trong sạch.

- Tôi cũng nghĩ như thế.

- Và còn thêm điều này nữa! Qua kinh nghiệm tôi biết rằng bọn tội phạm thường không bao giờ kiên nhẫn được lâu. Tên nào cũng muốn vớ ngay lấy cái đã kích động hắn phạm tội. Và bao giờ hắn cũng chọn chiến thuật quanh quẩn ngay trước mũi cảnh sát. Hắn cảm thấy yên tâm khi trưng ra sự hiện diện của mình hơn là khi nấp vào bóng tối, điều dễ khiến người ta nghi ngờ hắn nhiều hơn.

- Đúng thế.

- Đó là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi còn nhìn thấy một lời giải đáp nữa. Khả năng ngộ sát. Ta hãy giả sử rằng giáo sư tìm được hai người kia và trong khi đụng độ ông bị giết chết. Trong trường hợp ấy, chúng ta lại cần phải lưu ý rằng giáo sư là một lực sĩ, hơn nữa trên áo quần ông không hề có vết của máu đã bị tẩy đi. Mà thật khó lòng chấp nhận giả thuyết rằng anh chàng trẻ tuổi gầy gò và khá yếu ớt kia lại có khả năng giết nổi một con người to lớn chừng ấy, không cần dùng vũ khí. Chính vì vậy tôi không muốn cố công tìm bắt hai người bọn họ.

Ngài chủ tịch tán đồng.

- Cũng có thể tốt hơn hết là ta không tìm ra họ... ít nhất cho đến lúc việc này được làm sáng tỏ hoàn toàn.

- Cũng có thể là tốt hơn... - viên thanh tra thừa nhận. Vả chăng ông ta cũng chẳng thể nói gì hơn, bởi cho đến nay cảnh sát chưa tìm ra dấu vết gì, dù là nhỏ nhất của cô Bê-a-ta, cùng đứa con gái và người thanh niên không rõ họ tên nọ.

Nhiều tháng trôi qua, và trong cái đu quay tít là đời sống của mỗi đô thị lớn, người ta dần dần quên đi giáo sư Vin-tru-rơ cùng sự mất tích đầy bí ẩn của ông. Hồ sơ điều tra trong các tủ của cơ quan hình sự dần dần đều bị bụi phủ. Sau đó, chồng chất lên nó là hàng đống những vụ việc tiếp theo. Rồi một năm sau, người ta buộc chúng thành bộ, mang vào kho lưu trữ.

Theo đúng luật, để xử lý tài sản của kẻ khiếm diện, Tòa án bổ nhiệm người ủy quyền quản lý, và luật sư Sren-cơ, kẻ được giao phó trách nhiệm ấy, không có lý do gì để than phiền cả. Tiền thù lao không ngớt chảy về, còn công việc thì chẳng có gì nhiều nhặn. Ông ta cho thuê cái villa ở đại lộ Tử Đinh Hương, vốn thì đầu tư vào các hối phiếu, quyền lãnh đạo bệnh viện ông ta trao vào tay tiến sĩ Đô-bra-nhe-xki, một người rất có tài, hoàn toàn đáng tin, người cộng sự thân tín nhất của vị giáo sư bị mất tích.

Vả chăng trong bệnh viện tất cả mọi việc đều trôi y hệt như ngày trước, theo nhịp điệu được chính giáo sư Vin-tru-rơ thiết lập. Trong vòng mấy tháng trời, người ta đã hoàn thành một tòa nhà mới, và lưu lượng bệnh nhân - sau một thời gian bị giảm đi đáng kể - lại quay trở về với mức cũ của mình. Những thay đổi do tiến sĩ Đô-bra-nhe-xki tiến hành chỉ là những chuyện vụn vặt. Có điều người ta đã xóa bỏ các giường không phải trả tiền vẫn dành cho trẻ em con nhà nghèo, và có vài người trong số nhân viên từ chức, điều mà thực ra cũng không hại gì đối với bệnh viện. Đầu tiên, bác sĩ tập sự Xku-gien đệ đơn thôi việc, sau một cuộc cãi cọ không mấy dễ chịu với sếp về chuyện những đứa trẻ kia, tiếp đó người ta cho thôi việc ông kế toán Mi-kha-lắc và cô thư ký Jan-nô-vi-trup-na, người đã sửng cồ lên (13) và tự ý can thiệp vào các quy định của tiến sĩ Đô-bra-nhe-xki, ngoài ra còn khiến ông bực mình vì cách cư xử thiếu phần kính trọng đối với ông.

Cách cư xử của cô càng gai mắt ông hơn, vì lẽ vị giáo sư mới nói chung hơi xiết chặt kỉ cương trong bệnh viện, nơi mà từ trước tới nay vẫn có một bầu không khí quá gia đình. Đồng thời, địa vị cá nhân của ông, không chỉ trong bệnh viện mà ông cai quản, cũng được nâng lên một cách đáng kể. Cuộc bầu cử mới trong Hội Giải Phẫu đã mang lại cho ông danh hiệu chủ tịch, và một năm sau, ông được giao chức chủ nhiệm khoa của người bị mất tích, với học hàm giáo sư, vốn là một bác sĩ có tài, một người cương nghị, ông vươn một cách chậm chạp nhưng chắc chắn tới vinh quang và sự giàu có.

Nhiều năm qua đi, cái tên gọi "Bệnh viện của giáo sư Vin-tru-rơ" càng ngày càng trở nên không hợp vì thiếu cơ sở. Vì vậy, cũng không ai ngạc nhiên khi rốt cuộc, được sự đồng ý của người được ủy quyền quản lý tài sản, người ta thay nó bằng cái tên "Bệnh viện mang tên giáo sư tiến sĩ Vin-tru-rơ". Nhân dịp này đã xuất hiện một bản tiểu sử do giáo sư tiến sĩ K. Đô-bra-nhe-xki viết, nhan đề "Giáo sư Ra-phao Vin-tru-rơ - nhà giải phẫu thiên tài".

Công trình ấy kết thúc bằng những lời sau đây:

"Bày tỏ lòng tiếc nhớ không thể bù đắp nổi đối với một Con Người tốt đẹp nhất, Người Thầy thông tuệ và Nhà Khoa Học vĩ đại, giới y học Ba Lan khoác chiếc áo tang sau việc mất tích đầy đau xót của ông, sự việc mà tiếc thay sẽ mãi mãi còn bị bao phủ trong bóng tối của một điều bí ẩn đau lòng".

-------------------------------
(13) Nguyên văn: sửng cồ như một con ngỗng xám. (N.D

Nguồn: truyen8.mobi/t110301-thay-lang-znachor-chuong-2.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận