Phạm Bố, Lục Kiến Bân được Văn Viễn giải độc trong lòng vui mừng khôn kể. Cả hai đối đãi Văn Viễn cung kính nhất hạng. Phạm Bố sợ Văn Viễn không quen thủy tính, lại hai lần trích máu làm tổn hao tinh lực. Thành ra hắn lập tức nhường phòng lớn của mình trên thuyền cho ông. Còn cử người hầu hạ chu đáo. Văn Viễn từ chối không được đành vái tạ cảm ơn. Ông vào phòng nghỉ ngơi đầu cứ suy tính cách hóa giải độc dược của Thiên Hồ Bang. Lục Kiến Bân bên ngoài hô hào bọn thuộc hạ trại Phi Hổ ra sức chèo thuyền hết lực mau chóng về lại thủy trại. Hắn còn cho sáu người chia làm ba nhóm dùng thuyền nhỏ phân ra đông nam bắc mà đi truyền tin đến Hoàng Long Trại, Kim Quy Trại, Chu Tước Trại. Thuyền của trại Phi Hổ chở Văn Viễn chưa kịp về tới thì thuyền soái của ba trại trên đã tề tựu ở thủy doanh của Phi Hổ Môn nóng lòng đón đợi.
Chừng một canh giờ sau, Văn Viễn nghe bên ngoài có tiếng reo hò ầm ĩ. Ông đoán chừng đã đến được thủy doanh của trại Phi Hổ. Ông vội vàng ra khỏi phòng mà lên trước thuyền. Phạm Bố, Lục Kiến Bân thấy Văn Viễn đều vái chào cung kính:
- Đã đến trại Phi Hổ, mời ngài vào trong nghỉ ngơi!
Văn Viễn vội vái đáp lễ rồi theo hai người họ bước lên bờ. Thủy doanh Phi Hổ nằm trên một gò đất lớn nỗi giữa sông. Văn Viễn nhìn bốn bề thấy mặt nước mênh mông như biển lớn không đoán được đang ở địa phận nào. Văn Viễn cả đời chưa từng thấy biển. Tuy nhiên, ông đoán rằng biển chắc hẳn cũng không rộng hơn mặt sông này là bao.
Trại Phi Hổ bao bọc bên ngoài là những thân gỗ lớn kết lại với nhau rồi được đóng thẳng xuống đáy sông chống đỡ. Chu vi ít nhất phải mấy trăm bước chân. Văn Viễn theo Phạm Bố, Lục Kiến Bân vào trong thấy kiến trúc đơn giản được dựng theo hình bán nguyệt, trung tâm là một sàn gỗ rộng. Trên sàn gỗ lúc này đã có ba nhóm người ngồi đợi sẵn. Nhóm người bên trái mặc toàn y phục màu vàng. Nhóm người bên phải mặc toàn y phục màu đen. Nhóm người ở giữa lại mặc y phục màu thiên thanh. Cả ba nhóm này thấy Phạm Bố, Lục Kiến Bân đều đứng lên vái chào. Văn Viễn ước chừng Phi Hổ Trại có thanh thế lớn nhất trong Thiên Hồ Bang nên các trại khác đều phải cung kính.
Phạm Bố ngồi xuống ghế lớn bọc da hổ rất oai vệ đặt ở giữa sàn gỗ. Hắn nói dõng dạc:
- Ta có chuyện quan trọng cần thương nghị nên mới cho mời các trại chủ đến đây! Những kẻ không liên can hãy lui hết ra ngoài!
Hắn nói xong, ba nhóm kia liền lập tức đứng dậy dạ lớn. Trừ ba người ngồi ở hàng ghế đầu, còn bao nhiêu đều quay lưng đi hết. Lúc này, Lục Kiến Bân mới chỉ một trung niên ngồi bên trái mà mà giới thiệu với Văn Viễn:
- Đây là trại chủ trại Hoàng Long, Công Tôn Bạch!
Công Tôn Bạch đã ngoài bốn mươi tuổi. Lão có nước da đen nhẻm, râu rồng tua tủa nhìn dữ tợn vô cùng. Văn Viễn thấy bên phải của lão có một cây đại đao bản lớn bằng bàn tay chừng cũng năm sáu chục cân. Ông đoán chừng lão Công Tôn Bạch sức lực kinh người mới dám dùng thứ binh khí vừa to vừa nặng này.
Lục Kiến Bân quay sang trung niên ngồi bên phải, nói:
- Đây là trại chủ trại Kim Quy, Chu Tất Niên!
Chu Tất Niên đã gần năm mươi tuổi. Lão mặt mày trầm nghị nước da trắng trẻo như công tử nhà thế phiệt. Lão phe phẩy chiếc quạt lớn điệu bộ an nhàn tự tại. Văn Viễn nhìn lão đoán chừng cũng là người thông thạo chữ nghĩa. Ông thấy trên quạt lớn bằng lụa của Chu Tất Niên có chép đôi câu đối theo lối thảo tự, mỗi đường mỗi nét đều thoáng đạt thoát tục. Văn Viễn nhìn kỹ thì cả kinh. Hóa ra mỗi nan quạt đều được làm bằng sắt. Đầu nan được mài nhọn. Chu Tất Niên chính là dùng quạt sắt này làm binh khí. Văn Viễn thấy thân quạt vừa to vừa rộng không hiểu làm sao Chu Tất Niên vẫn thản nhiên phe phẩy.
Lục Kiến Bân chỉ vào thiếu phụ chừng ba mươi tuổi ngồi ở giữa, nói:
- Đây là trại chủ trại Chu Tước, Cao Bạch Vân!
Cao Bạch Vân thì ăn mặc xiêm y hời hợt. Nàng ta chỉ choàng một chiếc áo lụa lớn bên ngoài cột ngang hông để lộ phần ngực căng đầy lấp ló sau tiểu yếm màu thiên thanh. Văn Viên thấy nàng ăn mặc hở hang thì không dám nhìn thẳng sợ bất kính. Ông cúi gằm mặt xuống vái chào:
- Vãn sinh họ Phùng, tên Văn Viễn! Đã nghe danh ba vị trang chủ từ lâu! Hôm nay mới được diện kiến! Thật là hạnh ngộ!
Công Tôn Bạch thấy Văn Viễn vái lễ mà mặt vẫn không ngẩng lên liền hừ nhạt:
- Ngươi nghe danh bọn ta ở đâu mà hôm nay lại nói hạnh ngộ?
Lão biết Văn Viễn chỉ nói cho có lệ chứ chắc gì đã thật sự mến mộ uy danh. Văn Viễn bị lão làm khó đành ấp úng cúi mặt không biết phải đối đáp làm sao. Lão Công Tôn Bạch cười hà hà tiến đến vỗ vai Văn Viễn mấy cái nói:
- Ngươi thấy tứ muội của bọn ta ăn mặc hở hang nên không dám ngước mặt lên nhìn! Nghĩ ra cũng là kẻ trọng lễ nghĩa! Ta thì thô lậu không rành chữ nghĩa như lão tam! Nhưng lão tam thỉnh thoảng thấy tam muội còn động tình! Chỉ có ngươi là vẫn thủ lễ! Hay lắm!
Lão Chu Tất Niên nghe Công Tôn Bạch nói liền đáp:
- Lão nhị chớ nói xằng bậy! Ta động tình với tứ muội bao giờ?
Phạm Bố ngồi trên ghế liền cười ha hả:
- Lão nhị nói không sai! Ngươi đôi lúc vẫn liếc mắt nhìn tam muội còn gì! Không trách ngươi được, có trách là trách tam muội nhan sắc diễm tuyệt, phàm là nam nhân thì khó mà không ngước nhìn cho được!
Văn Viễn nghe ba người nói qua nói lại thì đoán chừng cả bọn đều là anh em kết nghĩa. Phạm Bố làm lão đại thành ra được ba ngươi kia cung kính. Văn Viễn ban đầu thấy Công Tôn Bạch khuôn mặt hung ác thì có phần sợ sệt. Ông lúc này nghe lão ăn nói sang sảng đầy thoáng đạt thì tự nhiên thấy yên bụng. Ông chưa kịp đáp lời thì Cao Bạch Vân đã đến trước mặt. Nàng ta cố tình đứng sát cách chưa tới một gang tay. Văn Viễn vốn cao hơn. Ông đang cúi mặt xuống thành thử dù không muốn cũng đã thấy hết phần ngực căng tròn của Cao Bạch Vân.
Văn Viễn luống cuống vội lùi lại. Cao Bạch Vân càng thích chí mà tiến đến. Nàng ta còn buông thỏng xiêm y ưỡng cao bờ ngực để Văn Viễn trông thấy rõ ràng hơn. Văn Viễn biết nàng ta đang cố ý liền vội vàng quay mặt qua một bên mà nói:
- Xin cô nương tiểu thư đừng có trêu ghẹo tại hạ! Xin cô nương tiểu thư tự trọng!
Cao Bạch Vân cười khanh khách:
- Ta không còn là cô nương, ta cũng chẳng phải là tiểu thư cành vàng lá ngọc thì cần gì phải tự trọng! Ngươi nói chỉ có cô nương tiểu thư là mới cần tự trọng phải không?
Văn Viễn sợ nàng ta trách tội càng cuống tay cuống chân vái lạy đáp:
- Không! Không! Tại hạ không hề có ý đó!
Cao Bạch Vân lúc này đã đứng áp chặt thân người vào lòng Văn Viễn. Văn Viễn nhận thấy khuôn ngực mềm mại của nàng thì liền sợ hãi lạng người qua một bên né tránh. Ông dùng Du Ảnh Biến nhấc chân một cái đã qua trái hơn năm bước. Tuy nhiên, ông chưa kịp vui mừng thì Cao Bạch Vân đã đứng ngay trước mặt. Văn Viễn kinh hãi la thầm trong bụng. Văn Viễn càng cố dùng khinh công chạy đi, Cao Bạch Vân càng như chiếc bóng mà theo sát không rời nửa bước. Du Ảnh Biến được Văn Viễn sử dụng thành thạo. Ông nội hàn trong người cũng sung mãn. Cao Bạch Vân nhất định không thể bì lại. Tuy nhiên, dầu ông có đảo bộ qua trái hay sang phải, Cao Bạch Vân vẫn cười khanh khách mà đứng ngay trước mặt. Căn bản không phải khinh công Văn Viễn yếu kém, chỉ là khinh công của Cao Bạch Vân quái lạ khác thường. Nàng ta cứ lắc lư qua lại như một tấm rèm vô hình. Văn Viễn không sao thoát ra được. Kết cục người ngoài đứng nhìn cứ tưởng Văn Viễn đang ôm sát lấy Cao Bạch Vân mà chạy qua chạy lại.
Phạm Bố sợ Cao Bạch Vân đùa quá trớn liền lên tiếng:
- Tứ muội! Ngươi đừng trêu chọc Phùng văn nhân!
Cao Bạch Vân nghe vậy liền cười khanh khách mà dừng lại. Văn Viễn cùng thở phào nhẹ nhõm. Ông không dám ở gần nàng nên dùng Du Ảnh Biến chạy cách hơn mấy chục bước chân mà đứng riêng một góc. Công Tôn Bạch, Chu Tất Niên, Phạm Bố, Lục Kiến Bân đều nhìn Văn Viễn mà cười ha hả. Cao Bạch Vân kéo lại xiêm y mà nói:
- Lão đại, lão nhị, lão tam! Các người mau mau đánh tên này cho ta! Hắn giả vờ thủ lễ lại ôm ta mà nhảy qua nhảy lại, còn ép ta hôn lên má hắn nữa!
Văn Viễn nghe vậy thì cả kinh. Ông bất giác sờ lên má phải quả nhiên có dấu son còn âm ấm. Vốn Cao Bạch Vân đã nhón chân hôn lên má Văn Viễn một cái. Chỉ là nàng ta hôn lúc nào thì không ai thấy được. Đến Văn Viễn cũng không sao nhớ nổi. Ông nghe nàng ta vạch tội thì hoảng sợ xua tay lia lịa:
- Không phải! Không phải! Tại hạ không hề…không hề làm như vậy!
Cả bọn thấy ông luống cuống càng cười ầm lên. Cao Bạch Vân lúc này đã mặc lại xiêm y kín kẽ. Nàng ta chăm chú nhìn Văn Viễn rồi hỏi:
- Lão đại có phải vì thương xót ta một thân lạnh lẽo nên định đem tên khờ này về làm bạn chăn gối với ta đó chăng?
Phạm Bố biết tính Cao Bạch Vân ưa bởn cợt thái quá. Hắn liền nghiêm giọng:
- Tứ muội chớ nói sằng! Hôm nay chúng ta có thoát được khỏi Thiên Hồ Bang hay không thì phải nhờ vào Phùng Văn Nhân đây!
Cả ba người nghe vậy liền giật mình hỏi:
- Lão đại nói vậy ám chỉ tên văn nhân này biết cách giải độc hay sao?
Phạm Bố gật đầu:
- Ta và Lục Kiến Bân đều được Phùng văn nhân giải trừ hết độc dược rồi!
Phạm Bố nói xong liền vận công nhè thân cột lớn bằng hai người ôm cạnh bên mà chụp tới. Chỉ nghe rắc một tiếng, thân cột đã bị trảo của Phạm Bố bẻ đi một mảng lớn. Phạm Bố siết mạnh tay. Phần gỗ bị tách ra liền nát thành vụi rơi vãi xuống sàn. Phạm Bố nói:
- Bây giờ đã gần đến ngày phải uống thuốc giải! Bình thường vào mấy ngày này công lực của ta đều bị ngưng trệ không sao dùng được! Nhưng các ngươi xem, ta lúc này vẫn bình thường! Tất cả là nhờ Phùng Văn Nhân đây!
Côn Tôn Bạch, Chu Tất Niên liền chăm chăm nhìn Văn Viễn. Bọn họ ban đầu chỉ thấy ông là văn nhân nên trong lòng có chút khinh khi. Lúc Văn Viễn dùng khinh công chạy trốn Cao Bạch Vân đã khiến cả hai cũng nể nang mấy phần. Hai lão thấy Phạm Bố đã thoát khỏi được độc dược khống chế thì càng ngạc nhiên ra mặt. Kể cả Cao Bạch Vân cũng không ngờ, vấn đề nan giải bao nhiêu năm nay lại được Văn Viễn giải quyết gọn.
Công Tôn Bạch là kẻ lên tiếng trước hết. Lão đến cạnh Văn Viễn vái lễ nói:
- Thì ra chân nhân bất lộ tướng! Công Tôn Bạch đã khinh khi mạo phạm! Xin thứ lỗi! Chỉ cần ngài giúp bọn ta giải trừ hêt độc dược! Ngài muốn gì bọn ta cũng đều đền đáp!
Chu Tất Niên cũng đến vòng tay mà nói:
- Chỉ cần ngài chịu giúp, dầu là chuyện khó khăn gì bọn ta cũng nhất định không từ nan! Ngài muốn bao nhiêu vàng bạc cũng được!
Văn Viễn thấy hai lão chực muốn quỳ xuống dập đầu van nài liền vái lễ đáp:
- Không, không! Tại hạ chỉ muốn giúp các vị thoát khỏi độc dược! Chuyện đền đáp tại hạ không dám nhận! Chỉ mong các vị sau này đừng làm thủy tặc, sống lương thiện là được!
Chu Tất Niên và Công Tôn Bạch nhìn nhau ngơ ngác. Cả hai liền đinh ninh Văn Viễn lúc giải độc cho Phạm Bố chắc đã đòi hỏi lợi ích gì đó. Hai lão nhìn về phía Phạm Bố chờ đợi. Phạm Bố biết ý liền nói:
- Các ngươi chớ nghi ngờ xằng bậy! Phùng văn nhân đây tấm lòng trượng nghĩa chỉ muốn giúp đỡ chúng ta thôi! Lúc Phùng văn nhân giải độc cho ta cùng Lục Kiến Bân cũng không đòi hỏi gì!
Văn Viễn biết bọn họ vẫn có lòng nghi ngờ nên cung kính nói:
- Tại hạ thấy các vị toàn là anh hùng hào kiệt bị kẻ tiểu nhân khống chế mà làm việc ác! Thiết nghĩ bản thân các vị chưa chắc đã muốn như vậy! Tại hạ chỉ mong sau khi các vị thoát khỏi độc tính thì đừng làm thủy tặc cướp của hại người nữa! Tại hạ thực lòng chỉ mong như vậy mà thôi!
Chu Tất Niên đã để bụng quan sát Văn Viễn từ lúc ông mới bước vào thủy doanh trại Phi Hổ. Lúc Văn Viễn phát lộ nội lực thi triển khinh công, lão đã đoán thầm có đem nội lực của cả bốn người cũng chưa chắc bì lại được. Lão nghĩ Văn Viễn với một thân võ công như vậy không đâu lại giả vờ cung kính nhún nhường. Thành thử, lão cho rằng những lời Văn Viễn nói đều là thật lòng thật dạ.
Văn Viễn nói tiếp:
- Tại hạ bây giờ chỉ có thể giải độc cho bốn năm người mà thôi! Muốn giải độc hết mọi người ở các trại thì đành phải chờ tại hạ điều chế ra thuốc giải!
Công Tôn Bạch không hiểu nguyên do bên trong. Lão liền hỏi:
- Ngài giải độc được cho bốn năm người thì cũng có thể giải độc được cho bốn năm trăm người, tại sao lại phải chờ đợi?
Phạm Bố ngồi trên ghế cao vội nói đỡ:
- Lão nhị ngươi không biết rồi! Phùng văn nhân chính là dùng máu để cho ta cùng Lục Kiến Bân uống mới giải trừ được độc tính! Nếu Phùng văn nhân chữa cho bốn năm trăm người ở các trại theo lối này thì khác gì là bắt Phùng văn nhân tự vẫn!
Chu Tất Niên nghe lão Phạm nói xong thì ngơ ngác:
- Sao lại có chuyện uống máu mà giải được độc?
Lão họ Chu kiến thức rộng lớn nhưng chưa từng nghe cách giải độc lạ lùng như vậy, nói gì đến Công Tôn Bạch và Cao Bạch Vân. Văn Viễn không nói không rằng bèn lấy ba chén rượu trên chiếc bàn gần đó mà đặt sát nhau. Ông cắn ngón trỏ của mình một cái, ép hàn nhiệt chiết dẫn cho máu chảy đều ra các chén. Công Tôn Bạch, Chu Tất Niên, Cao Bạch Vân đều nhìn không chớp mắt. Văn Viễn trích máu xong liền nói:
- Tại hạ ngày trước bị một con trùng độc cắn may mắn không chết! Sau đó tại hạ không còn sợ bất kỳ chất độc nào nữa! Chỉ cần các vị uống máu của tại hạ, nhất định sẽ khỏi!
Ba người đều nhìn nhau do dự. Công Tôn Bạch lập tức tiến lên cầm lấy bát máu mà uống sạch. Lão cho rằng bản thân đã bị độc vây khốn mấy năm trời, oán hận chỉ muốn đập đầu tự vẫn. Dầu Văn Viễn có lừa dối cho uống thêm độc nữa cũng không đáng kể gì. Công Tôn Bạch vốn luyện nội công thuần dương từ nhỏ, thành ra tác dụng nhanh gấp bội lần. Lão nghe trong người có luồng hàn nhiệt chạy loạn, lưng lại đổ mồ hôi đầm đìa thì tự nhiên sợ hãi thả rớt chén xuống sàn gỗ vỡ tung thành mấy mảnh. Chu Tất Niên cùng Cao Bạch Vân thấy lão khác lạ liền căng mắt hồi hộp quan sát. Chừng không quá mấy cái nháy mắt, lão Công Tôn Bạch tự nhiên bật lên tràng cười ha hả. Tiếng cười của lão vừa lớn lại vừa chói tai, sàn gỗ dưới chân đều kêu răng rắc. Văn Viễn thấy lão công lực dồi dào tự nhiên thấy sợ hãi.
Phạm Bá ngồi trên ghế cao liền quát:
- Lão nhị! Ngươi định phá thủy trại của ta hay sao?
Công Tôn Bạch nghe vậy không dám cười nữa. Lão vận khí thấy kỳ kinh bát mạch đều thông suốt thì mặt mày rạng rỡ. Lão liền dập đầu quỳ lạy với Văn Viễn liền chín cái. Văn Viễn vội vã đỡ lão đứng dậy mà nói:
- Tại hạ nhỏ tuổi hơn Công Tôn trại chủ nhiều, sao dám nhận đại lễ được!
Chu Tất Niên thấy Công Tôn Bạch quả nhiên đã khỏi độc thì không chần chừ cầm chén máu đưa lên miệng uống cạn. Cao Bạch Vân cũng uống theo. Một lát sau, cả hai đều như lão Công Tôn Bạch vui sướng tột độ. Chu Tất Niên không kềm nỗi hứng khởi liền xòe quạt mà múa liên hồi. Sàn gỗ rộng lớn trong phút chốc nơi nào cũng thấy bóng quạt che rợp. Mấy thân trụ lớn đều bị quạt sắt chém loạn không đếm được bao nhiêu vết. Phạm Bá vội quát mắng:
- Lão tam! Ngươi định phá tan thủy trại của ta mới vừa bụng hay sao! Có muốn ta sang đốt sạch trại của ngươi không?
Phạm Bá tuy quát mắng nhưng khóe mắt lại chảy dài lệ vui mừng. Lão cùng Công Tôn Bạch, Chu Tất Niên, Cao Bạch Vân vốn kết tình anh em từ lâu. Mỗi người đều có sở trường riêng đủ để xưng hùng một cõi. Ngờ đâu, cả bốn người bị ép uống độc dược phải luồn cúi vào Thiên Hồ Bang làm tay sai. Phạm Bá làm lão đại nên cố giữ cốt cách không nói ra miệng nhưng lão biết các anh em đều chán nản chỉ muốn đập đầu tự vẫn. Cả bốn người nhiều năm tìm trăm phương ngàn kế để giải độc tưởng chừng như lụi tàn hi vọng. Ai ai cũng chán chường ảo nảo. Kết cuộc không ngờ may mắn được Văn Viễn hào hiệp trích máu mà khai giải.
Phạm Bá thấy Công Tôn Bạch, Chu Tất Niên, Cao Bạch Vân đều nhìn mình thì hiểu ý. Lão cùng Lục Kiến Bân vội bước đến. Cả năm người toan đồng loạt quỳ xuống trước Văn Viễn mà dập đầu. Văn Viễn hoảng hốt liền la lớn:
- Các vị về tuổi tác đều hơn tại hạ! Tại hạ không nhận đại lễ được! Xin các vị đừng quỳ lạy nữa!
Cả bọn nghe Văn Viễn nói vậy thì không biết phải làm sao. Cao Bạch Vân vốn cơ trí lanh lẹ. Nàng đến gần Văn Viễn, nói:
- Thiếp chắc chắn nhỏ tuổi hơn ngài! Vậy thiếp xin thay mặt cho lão đại, lão nhị, lão tam mà khấu đầu tạ ơn ngài!
Nói rồi nàng quỳ xuống dập đầu không đợi Văn Viễn phản ứng. Văn Viễn liền nâng nàng ta dậy mà nói:
- Không dám! Tại hạ không dám nhận đại lễ như vậy đâu!
Cao Bạch Vân ban đầu ăn mặc hở hang phô bày nội thể làm Văn Viễn không dám nhìn thẳng. Ông lúc này dìu nàng ta đứng dậy, thuận mắt liền quan sát. Cao Bạch Vân chỉ nội làn da đã đẹp một cách kỳ lạ, như tấm lụa trắng thượng hạng phủ lên khối hồng ngọc trân quý, làn da trắng mịn lại ửng hồng, Văn Viễn vừa nhìn đã không muốn rời mắt. Ông thấy Cao Bạch Vân ngẫng mặt lên thì hồn vía càng bất định. Đôi mắt của Cao Bạch Vân như chứa ánh sáng bên trong. Văn Viễn thấy thứ ánh sáng lạ lùng ấy tự nhiên bất giác cười ngây ngô. Ông thấy Cao Bạch Vân không đẹp đài các như Mai Kim Anh tiểu thư. Nàng ta cũng không đẹp thùy mị như Mai Vương Anh hay đại tiểu thư. Nàng cũng không đẹp theo lối hồn nhiên của Ngô Ân Ân. Nhưng Văn Viễn nhìn kỹ thì quả nhiên, tất các các nàng tiểu thư trên cộng lại mới ra được bì được nhan sắc của Cao Bạch Vân.
Văn Viễn hai tay vẫn đang nâng Cao Bạch Vân mà vừa cười ngô nghê vừa không thôi nhìn ngắm. Phạm Bá, Công Tôn Bạch, Chu Tất Niên thấy vậy đều không kềm được tấm tắc khen ngợi:
- Quả nhiên là người tốt! Quả nhiên là người tốt!
Văn Viễn nghe mấy lời này tự nhiên giật mình như kẻ tỉnh mộng. Ông vội vàng buông Cao Bạch Vân ra mà vái lễ:
- Tại hạ…tại hạ đã mạo phạm! Xin cô nương tiểu thư tha thứ!
Cao Bạch Vân nghe ông xưng cô nương tiểu thư loạn lên thì khúc khúc cười nói:
- Ngài không hề mạo phạm! Ngài là kẻ duy nhất nhìn vào mắt thiếp mà không bị kích động lòng dục! Ngài nhất định phải là kẻ có tấm lòng ngay thẳng chân thật mới có thể chịu được ánh mắt Nhiếp Hồn Dục Ảnh của thiếp! Thiếp vốn chỉ muốn thử ngài cho nên thiếp mới là người đã mạo phạm!
Cao Bạch Vân có ngoại hiệu là Nhiếp Hồn Ma Nữ, ám chỉ ánh mắt làm khơi dục tính của nàng. Đây không phải là tà công dị pháp, vốn Cao Bạch Vân từ bé ánh mắt đã liêu trai quái lạ. Đến khi nàng mười sáu lại thêm nhan sắc diễm lệ càng khiến ánh mắt thêm thiêu đốt lòng dục của nam nhân. Phàm kẻ nào nhìn thấy ánh mắt của Cao Bạch Vân đều hồn điên phách tán mà chỉ muốn lao tới cưỡng đoạt. Cao Bạch Vân chỉ chờ vậy mà ra tay hạ thủ. Nàng chưa cần đến dùng đến võ công cao thâm, chỉ cần ánh mắt là đã đủ giết chết người khác. Thành thử ở giữa đám thổ phỉ, nàng vẫn thản nhiên ăn mặc hở hang vì biết sẽ chẳng có kẻ nào dám chán sống mà nhìn trộm.
Văn Viễn không rành rẽ về chuyện này. Tuy nhiên ông nghe nàng ta nói thì cũng đã lờ mờ đoán ra được. Văn Viễn tự nhiên than thầm trong bụng:
- Hóa ra cô nương tiểu thư này lại có cách thử người quái lạ! Nếu vừa rồi ta lại động lòng mà mạo phạm nhất định đã làm trò cười cho bọn họ rồi!
Công Tôn Bạch cười hà hà vỗ vai Văn Viễn:
- Ngài thật sự rất tốt! Như lão đây không dám nhìn vào mặt tứ muội chút nào hết! Đến lão tam tự cho mình thanh cao nho nhã cũng không chịu thấu được!
Lão quay sang Chu Tất Niên mà châm chọc:
- Chu lão tam! Ngươi mau mau khấu đầu nhận sư phụ, để Phùng văn nhân dạy cho ngươi cách thanh cao tao nhã gì gì đó! Về khoản này ngươi cũng còn kém lắm!
Chu Tất Niên bị lão Công Tôn nói mỉa vẫn không lấy làm giận. Lão còn gật gù tán đồng:
- Lão nhị nói phải lắm! Ta tự cho mình thanh cao nhưng cũng không chịu nổi ánh mắt tứ muội! Là do lòng ta vẫn còn ham mê nhục tính! Phùng văn nhân đây mới đúng là văn nhân thanh cao, lòng dạ tốt!
Văn Viễn nghe hai lão thi nhau khen ngợi mình thì xấu hổ chỉ biết gãi đầu cười hì hì. Cao Bạch Vân thấy vậy càng long lanh hai mắt nhìn ông trìu mến. Trong các vị trại chủ Thiên Hồ Bang, chỉ có một mình Phạm Bá là có thể thản nhiên nhìn Cao Bạch Vân mà không bị Nhiếp Ảnh công tâm. Lão Phạm vốn luyện Đồng Tử Công nên biết phép cai sắc dục. Thành thử dầu Cao Bạch Phượng có dùng trăm phương ngàn cách khêu gợi cũng không hút hồn được. Vì vậy năm xưa, nàng ta mới cam chịu tôn lão Phạm lên làm lão đại.
Lão Phạm vốn có cảm tình với Văn Viễn ngay từ đầu. Lão thấy Văn Viễn không bị ánh mắt nhiếp hồn của Cao Bạch Vân mà dậy lòng dục càng thêm mến phục. Lão bao năm nay tuy lo lắng việc giải độc là chính nhưng trong thâm tâm vẫn canh cánh tìm một đấng lang quân cho Cao Bạch Vân. Chỉ là bao nhiêu anh hùng thấy Cao Bạch Vân đều nổi thú tính rồi giở trò sàm sỡ, khiến lão phải giết đi vô số. Lão lúc này thấy ánh mắt long lanh của Cao Bạch Vân nhìn Văn Viễn chắc thầm tứ muội cũng đã có tình ý. Lão nghĩ:
- Giá như Phùng văn nhân ưng tứ muội thì phúc phần cho tứ muội biết bao? Ta phải sắp xếp mới được!
Lão Phạm nghĩ vậy nên cười đắc ý. Văn Viễn không hiểu lão cười gì. Ông thấy bốn người cứ vừa tung vừa hứng mình lại càng bối rối mà gãi đầu lia lịa. Văn Viễn nói:
- Không biết ở đây có phòng chứa thuốc hay không? Tại hạ muốn được đến đó để chế thuốc!
Lão Phạm Bá liền đáp:
- Ở thủy doanh của ta có phòng chứa thuốc! Từ bốn năm nay ta đã gom gần hết các loại thuốc tốt trong thiên hạ về! Ngài đến xem nếu có món nào thiếu thì cứ nói ta! Ta nhất định sẽ tìm về cho ngài! Trong bốn anh em ta, tứ muội là người rành về thuốc hơn hết! Muội mau theo giúp Phùng văn nhân một tay!
Chu Tất Nhiên không nhịn được phá lên cười hà hà. Lão Công Tôn Bạch cũng cười ngặt nghẻo. Các lão biết Phạm Bá cố tình gán ghép nên mới nói như vậy, chứ Cao Bạch Vân làm gì biết điều chế thuốc. Cao Bạch Vân thấy lão đại phán trúng tâm ý của mình liền mặc kệ các lão mà vội nắm lấy tay Văn Viễn lôi đi:
- Ngài mau mau theo ta!
Cao Bạch Vân kéo Văn Viễn đi, còn cố ngoái lại liếc nhìn hai lão Công Tôn Bạch, Chu Tất Niên một cái sắc lẹm. Hai lão thấy vậy lật đật xoay mặt đi hướng khác không dám châm chọc tiếp.
Văn Viễn bị Cao Bạch Vân lôi đi nửa muốn đẩy tay ra, nửa thì không nỡ. Cao Bạch Vân nước da bắt mắt, vẻ mặt lại khiến người khác thích nhìn. Văn Viễn còn ngửi được trên thân thể nàng ta mùi hương dịu nhẹ. Ông suy ngẫm mãi vẫn không biết Cao Bạch Vân đã dùng phấn son loại nào. Cao Bạch Vân biết Văn Viễn đang ngắm nhìn mình. Nàng càng thích thú mà nép sát vào người ông, chỉ tiếc từ sàn gỗ vào đến phòng thuốc vòng vèo chưa đến sáu mươi bước chân. Cao Bạch Vân đến nơi đành phải buông tay Văn Viễn ra, trong lòng tự nhiên ấm ức.
Văn Viễn bước vào phòng thuốc liền tự nhiên giật mình. Quả đúng như lời Phạm Bá nói, Văn Viễn nhìn một lượt toàn thấy thứ nào cũng là thuốc quý hiếm. Văn Viễn gật gù thích chí. Ông lập tức bắt đầu chế giải dược. Trong ba ngày liền, Văn Viễn cứ ở lỳ trong phòng thuốc. Cao Bạch Vân cơm dâng nước rót tận tụy không chút sơ sót. Mấy ngày đầu, các vị trại chủ đều thay phiên đến thăm hỏi. Nhưng cả bọn đều không lựa giờ cứ chọn đúng lúc Cao Bạch Vân cùng Văn Viễn đang nói chuyện mà xen ngang. Cao Bạch Vân ấm ức không chịu được bèn chờ lúc Văn Viễn đi tắm gội, mắng ba vị trại chủ một trận. Cao Bạch Vân tuy là tứ muội nhưng lão nhị, lão tam vốn sợ hãi nàng ta nên không dám hé răng cải lại nửa lời. Chỉ có lão đại Phạm Bố thì dám lên tiếng. Tuy nhiên, lão Phạm thấy Cao Bạch Vân mới ở cạnh Văn Viễn vài ngày, từ tâm tính đến cử chỉ cũng đã đoan chính hiền thục không còn phóng túng như trước thì mừng vui khôn kể. Lão liền ra lệnh cấm bất kỳ kẻ nào bén mảng đến phòng thuốc mà phá đám. Cao Bạch Vân hiểu lão có ý kết hợp tình duyên nên trong bụng thầm mang ơn dạ thưa luôn miệng. Hai lão Công Tôn Bạch, Chu Tất Niên lần đầu tiên nghe nàng ăn nói chừng mực đều tròn mắt kinh hãi.
Đến ngày thứ tư, Văn Viễn đã chế được thuốc giải. Mấy vị trại chủ mừng vô kể. Lão đại Phạm Bố liền chọn một tên tiểu tốt tin cẩn cho hắn thử thuốc. Ngờ đâu, hắn uống vào lại nôn mửa một trận thừa chết thiếu sống. Văn Viễn phải vội vàng trích máu cho hắn uống mới cứu mạng được. Văn Viễn thấy kết quả thất bại thì trong bụng sầu nảo. Các vị trại chủ nhìn ông buồn bã đều lựa lời khuyên nhủ. Văn Viễn biết cả bọn tuy nói vậy nhưng trong bụng đều lo lắng. Vốn chỉ còn bảy ngày đã đến hạn độc tính phát tác. Nếu Văn Viễn không chế được thuốc giải thì mấy trăm thuộc hạ của bốn trại chỉ còn nước cúi đầu lạy lục Thiên Hồ Bang. Văn Viễn nghĩ vậy liền cố làm ra vẻ mặt mày tươi tỉnh để trấn an bọn họ. Ông tức tốc quay lại phòng thuốc để tiếp tục bào chế giải dược.
Cao Bạch Vân nhìn ông ảo nảo trong dạ cũng đau xót. Nàng không biết làm sao đành nhè ba lão trại chủ mà mắng. Cả ba lão biết đang thành bia trút giận nên chỉ đành im lặng lắng nghe. Cao Bạch Vân chửi xong quả nhiên thấy hả hê liền đi xuống hầm lục lấy mấy vò rượu ngon của Công Tôn Bạch. Lão Công Tôn thấy nàng ta bê mất hai vò rượu quý ủ hơn bốn chục năm thì tiếc đứt gan đứt ruột. Nhưng lão đành ngậm bồ hòn làm ngọt mà thở dài ngao ngán. Lão đại Phạm Bố thấy vậy liền cười hà hà:
- Lão nhị ngươi chớ có tiếc của! Biết đâu nhờ hai vò rượu của ngươi lại tác hợp được nhân duyên cho tứ muội? Đợi khi chúng ta đều có cháu bồng bế rồi sau này ngày nào cũng có đứa thăm hỏi vấn an không phải diễm phúc lắm sao?
Lão Công Tôn Bạch nghe vậy thì xoa tay đắc ý:
- Phải lắm! Phải lắm! Đến lúc đó ta bắt con của tứ muội ngày nào cũng phải vấn an ta hai mươi lần! Coi như đền bù số rượu đó! Xem ra vẫn lời chán!
Chu Tất Niên cũng chen vào:
- Phải lắm! Lúc đó ta sẽ đem hết chữ nghĩa mà dạy cho nó thành thiên hạ đệ nhất tài danh! Chúng ta phải tìm mọi cách giúp tứ muội! Phùng văn nhân kia bào chế được giải dược càng hay, nếu không cũng chẳng có chuyện gì! Chúng ta sáu người mai danh ẩn tính sống vui vầy có phải hơn không? Điều cần thiết phải xem trong lòng Phùng văn nhân có tứ muội hay là không thôi?
Ba lão trại chủ tuổi tác đều đã có tuổi nhưng chưa có ai lập gia thất. Lão đại Phạm Bá luyện Đồng Tử Công thành thử buộc phải cai sắc dục. Lão nhị Công Tôn Bạch thì quen tính phiêu dạt nên vẫn đơn thân đến giờ. Lão tam Chu Tất Niên vốn là văn nhân thoái chí nên chẳng thiết kiếm vợ sanh con, đến lúc nhớ ra thì lại bị Thiên Hồ Bang khống chế, còn đâu tâm trạng mà tính toán. Ba lão trại chủ thấy Cao Bạch Vân cùng Văn Viễn rất đẹp đôi. Ba lão được Văn Viễn lấy máu giải độc chưa biết đền đáp cách nào nên nhất trí phối với Cao Bạch Vân. Các lão nghĩ đến chuyện Cao Bạch Vân lấy Văn Viễn sau này sanh con đàn cháu đống thì đều thích chí nét mặt tươi rói.
Lục Kiến Bân vốn làm quân sư của Phạm Bố. Hắn tất nhiên là hiểu khổ tâm của ba lão trại chủ. Hắn liền nói:
- Tại hạ có một kế mọn…!
Phạm Bố, Công Tôn Bạch, Chu Tất Niên lập tức ghé sát tai nghe Lục Kiến Bân thì thầm. Lát sau cả ba lão đều bật cười ha hả gật gù lia lịa. Phạm Bố hồ hởi nói:
- Quả nhiên là quân sư lúc nào cũng sáng suốt! Đợi hai ngày nữa chúng ta sẽ thực hiện!
Các lão lại ngửa mặt cười vang đắc ý. Mấy tên tiểu tốt nghe thấy cho rằng mấy vị trại chủ vừa toan tính được một vụ cướp bóc hời nên thầm truyền tai nhau. Lập tức hơn hai trăm thủy tặc đều rục rịch chuẩn bị đợi cơ hội phát tài.