Vũ Điểm Cô Thiên Chương 44. Lệ Rơi Trên Mắt Ngọc

Chương 44. Lệ Rơi Trên Mắt Ngọc
Giải Oan Tình Thâm Sâu

Văn Viễn cõng Đại Sỹ trên lưng quay nhìn Vương Tố Tâm, Sa tiểu thư đang sa sầm nét mặt. Ông toan tìm đường tẩu thoát. Đại Sỹ đoán được ý của Văn Viễn liền thì thầm:

- Ngài không được để bọn họ có quạt lụa! Bằng không sẽ khiến giang hồ sanh ra một trận chém giết kinh hoàng! Ngài mau bỏ ta xuống để khỏi vướng bận! Với bản lãnh của ngài, đánh bại hai ả này dễ như trở bàn tay! Chỉ cần quạt lụa không rơi vào tay U Minh Cung, ta có chết cũng nhắm mắt an nghỉ!

Văn Viễn thấy Đại Sỹ vì quan tâm đến quạt lụa, tính mạng bản thân cũng không cần. Ông đã thấy lạ nhưng cũng không muốn hỏi. Ông nhìn Sa tiểu thư chỉ muốn đánh một trận cho hả dạ. Tuy nhiên, Văn Viễn tự biết bản thân không thể địch lại Vương Tố Tâm cùng Sa tiểu thư liên thủ. Ông hậm hực nói:

- Tại hạ sẽ đền cho tiểu thư cây quạt lụa khác! Giữ tính mạng là quan trọng nhất!

Lúc này, Vương Tố Tâm cũng truyền âm nói với Sa tiểu thư:

- Chúng ta lấy được quạt lụa! Không nên sanh thêm rắc rối với Bạch gia trang! Chi bằng mau về U Minh Cung thì hơn!

Sa tiểu thư khẽ gật đầu đồng ý.

Đại Sỹ biết cả hai đang tính việc bỏ đi mà Văn Viễn vẫn rề rà không chịu ra tay. Nàng ta liền nghĩ:

- Cái tên khờ này, không làm hắn đau lòng là không được!

Nàng ta liền la lớn:

- Ai cần ngươi quan tâm đến ta? Ta có bắt ngươi phải quan tâm đến ta không? Ngươi là tên văn nhân vừa ngu ngốc vừa nhát gan! Ta lợi dụng ngươi làm đủ chuyện, ngươi tốt với ta làm gì? Còn Sa nha đầu kia đã hại chết bà bà thần tiên của ngươi! Ngươi không muốn tính sổ với ả hay sao? Người mở miệng thề thốt với bà bà thần tiên đủ lời, hóa ra chỉ là nói suông! Ngươi là tên bạc tình bạc nghĩa vong ơn!

Lời này của Đại Sỹ chẳng khác gì gió lớn thổi bùng than hồng âm ỉ trong thâm tâm Văn Viễn. Ông ta có thể nín nhịn chuyện trả thù cho đại tiểu thư, nhưng bà bà thân tiên lại có địa vị rất lớn. Văn Viễn nghe nhắc đến, tự nhiên mắt nổi hung quang, nghiến răng trèo trẹo:

- Tiểu thư mắng hay lắm! Ta làm sao có thể bỏ qua cho ả được!

Văn Viễn cõng Đại Sỹ lạng tới chặn trước mặt Sa tiểu thư. Chân vừa chạm đất, Văn Viễn đã gom hàn nhiệt tống thẳng một chưởng tới trước. Sa tiểu thư vội vàng đảo người né tránh. Vương Tố Tâm liền múa kiếm vun vút hướng vào Văn Viễn. Kiếm pháp của Vương Tố Tâm có thể vô dụng đối với Tam Ác Thánh nhưng Văn Viễn chưa quen ứng phó, cho dù hàn nhiệt trong người cuồng cuộn, ông liền bị ép vào thế yếu. Sa tiểu thư nhãn quang tinh nhạy, nhận ra được điểm này. Nàng ta dùng chưởng tấn công trước mặt làm rối loạn Văn Viễn. Vương Tố Tâm múa kiếm vây sau lưng khốn. Văn Viễn cõng Đại Sỹ đứng giữa luống cuống, chưởng pháp đánh ra cũng rối loạn.

Vương Tố Tâm nghe Đại Sỹ mấy lần nhỏ to nói về quạt lụa, đoán chừng Đại Sỹ đã biết được căn nguyên bên trong. Vương Tố Tâm nhân cơ hội này cũng muốn giết bỏ để yên tâm. Nàng ta múa kiếm tưởng chừng như công kích Văn Viễn, thật ra đều nhắm vào Đại Sỹ. Sa tiểu thư lại đánh rát phía trước. Văn Viễn đâm ra sơ suất đằng sau. Đại Sỹ trên lưng ông liền bị Vương Tố Tâm cắt cho một kiếm. Vết thương tùy không nặng nhưng máu nhỏ thành dòng lên tuyết. Văn Viễn nghe Đại Sỹ kêu la ú ớ càng thêm hoảng loạn. Ông không biết làm cách nào bèn dồn công lực xuống tay phải, theo yếu quyết Hắc Mai Thủ đánh ra bốn phía. Sa tiểu thư liền la hãi:

- Là Hắc Mai Thủ…!

Vương Tố Tâm giật mình, kịp định thần đã thấy vô vàng bóng chưởng màu đen quạt tới. Sa tiểu thư cũng lâm tình huống tương tự. Cả hai đồng loạt dựng chưởng đón đỡ. Hắc Mai Thủ là nội công thuần nội lực. Nội lực kẻ xuất thủ càng cao thì uy thế càng mạnh mẽ. Văn Viễn không rành chuyện giao chiến qua lại nhưng nội lực trong người ông dào dạt như biển lớn. Dùng Hắc Mai Thủ là hợp lẻ nhất. Đại Sỹ bị trúng một kiếm kêu khóc vô tình giúp Văn Viễn tìm ra phương cách hữu hiệu đối phó. Ông tâm trí nhanh nhạy không kém, bụng bảo dạ:

- Ta thật ngốc không nghĩ ra ngay từ đầu! Hai ả này dầu có giỏi biến hóa đến đâu nếu bắt ép nội lực sẽ phải lộ ngay ra thực học!

Trong đầu Văn Viễn lại hiện cảnh Ngọc Thủ Trần Quang một mình đối phó với nhiều cao thủ ở miếu thổ thần. Lần đó, Trần Quang giữa bốn bề cường địch vây khốn đã ép cả bọn đấu nội lực, kết cục đánh bại hết thảy cao thủ U Minh Cung.

Văn Viễn liền định thần, theo yếu quyết Tử Hà Thần Công điều chuyển hàn nhiệt. Toàn thân ông tức thì có luồng khí tím bao bọc. Vương Tố Tâm cùng Sa tiểu thư sửng sốt:

- Hắn…hắn biết Tử Hà Thần Công?

Văn Viễn ngoái đầu thì thầm với Đại Sỹ:

- Xin tiểu thư bám chắc! Tại hạ nhất định không để bọn chúng làm hại đến tiểu thư!

Đại Sỹ hừ thầm trong bụng:

- Tên khờ này sao lại cứu ta? Ai cần ngươi cứu làm gì?

Bụng nghĩ vậy, nhưng nàng cũng vòng tay bá cổ Văn Viễn.

Văn Viễn vận hàn nhiệt đến cực đỉnh. Màn khí tím bao bọc xung quanh ông tức thì sẫm đặc. Vương Tố Tâm cùng Sa tiểu thư đoán chừng Văn Viễn sắp dùng Hắc Mai Thủ nên thủ thế chờ đợi. Ngờ đâu, ông bỗng cất lên tràng cười khóc điên loạn. Văn Viễn đã thầm tính nếu chỉ dùng Hắc Mai Thủ có thể gây nguy khốn cho Sa tiểu thư nhưng chưa chắc làm khó Vương Tố Tâm được. Ông bèn dùng Loạn Tiếu Mệnh trước. Quả nhiên cả hai đều bị tiếng cười chấn động tâm mạch, khổ sở vận công chống đỡ. Sa tiểu thư có nội lực kém hơn hẳn. Nàng ta chỉ chịu nổi hai trận cười của Văn Viễn, mặt mũi càng lúc càng nhăn nhó khó coi vô cùng. Văn Viễn thấy Vương Tố Tâm tuy gương mặt vân bình thản nhưng mồ hôi đã ra ướt trán. Ông đoán chừng đã đến thời cơ chín muồi bèn gom hàn nhiệt xuống hai lòng bàn tay đồng loạt tung ra Hắc Mai Thủ.

Hắc Quan Âm nếu nhìn thấy cảnh này nhất định sẽ tát Văn Viễn đến tối tăm mặt mũi. Loạn Tiếu Mệnh cùng Hắc Mai Thủ đều là nội công thượng thừa rất dễ gây hao tổn khí lực thân thể. Hắc Quan Âm đối địch cũng chưa sử dụng cùng lúc hai môn này bao giờ, để tránh khí huyết vắt kiệt quá sức tự gây nội thương cho bản thân. Văn Viễn nào có biết chuyện đó. Ông ta chỉ muốn càng nhanh càng tốt nên dùng Loạn Tiếu Mệnh trước cho đối phương bị suy giảm nội lực, rồi bất ngờ dùng Hắc Mai Thủ để đánh bại. Lý ra theo lẽ thưởng, Văn Viễn dùng Hắc Mai Thủ thì nhất định đan điền sẽ bị đau nhói khôn kể. May nhờ, Văn Viễn vô tình có được yếu quyết vận khí của Tử Hà Thần Công, chưa kể đến việc Phan Khôi Diện đem tinh hoa cả đời nghiền ngẫm nội công để chỉnh sửa. Nhờ vậy, hàn nhiệt trong người Văn Viễn được Tử Hà Thần Công luân chuyển từ các đại huyệt lớn nhỏ không ngừng bơm đầy đan điền, tưởng như con sông không bao giờ cạn nước cứ ào ào trút về hạ nguồn.

Phùng Bất Nghiêng lúc này đang đứng trên một đụn tuyết lớn dõi mắt quan sát. Lão cũng giật mình kinh hãi:

- Phùng nhi sao lại biết võ công của Hắc Quan Âm? Nó có can hệ gì với bà ta?

Phùng Bất Nghiêng vốn định ngay khi Văn Viễn cứu được Đại Sỹ thì ra tay. Tuy nhiên, lão một phần không muốn chèn ép hậu bối, một phần lại muốn khảo nghiệm võ học của Văn Viễn. Cho nên, lão cứ đứng bàng quan một bên. Ví thử Phùng Bất Nghiêng muốn động thủ, Vương Tố Tâm, Sa tiểu thư nào chịu được nổi. Lão tự nghĩ, ân oán của hậu bối cứ để hậu bối giải quyết là vẹn toàn nhất. Tam Ác Thánh nổi tiếng hành xử độc ác cùng cực. Nhưng Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng lại không thích chuyện chèn ép người khác. Thành thử, lão vân ung dung đợi. Nếu Văn Viễn lâm nguy thì ra tay giải cứu là hợp tình hợp lẽ. Không kẻ nào oán hận lão được.

Vương Tố Tâm cùng Sa tiểu thư không ngờ Văn Viễn liều mạng đến vậy. Thành thử, Hắc Mai Thủ xuất ra, cả hai chỉ còn nước đứng chôn chân gắng gượng chống đỡ. Vương Tố Tâm lúc ở Bạch gia Trang đã bị Phùng Nghi Văn đánh đến thần trí hoảng loạn, lại bị Loạn Tiếu Mệnh của Văn Viễn công tâm. Nàng ta bản thân đã trúng nội thương không sao trúng nổi Hắc Mai Thủ. Sa tiểu thư còn thê thảm hơn gấp bội. Sa tiểu thư vốn không chịu được Loạn Tiếu Mệnh, giờ trúng một loạt Hắc Mai Thủ, thân hình như con diều đứt dây bị cuốn văng đi hơn mười trượng nằm bất động trên tuyết. Vương Tố Tâm chưa đến nỗi thảm hại đến vậy. Nàng ta chỉ bị đẩy lùi hơn mười bước chân nhưng mạch tượng trong người đã rối loạn cùng cực không khác gì tơ vò.

Văn Viễn thấy đã đánh bại được cả hai thì vui sướng vô kể. Ai dè, Đại Sỹ bị dư chấn của Hắc Mai Thủ phản ngược rơi bịch xuống tuyết nhăn mặt kêu đau. Văn Viễn vội vàng xoay người lại để đỡ nàng ta ngồi dậy. Vương Tố Tâm tức thì liếc xéo mắt căm phẫn. Vương Tố Tâm bản chất cao ngạo không hề chịu khuất phục trước kẻ khác. Tam Ác Thánh thuộc hàng cao thủ thiên ngoại, vai vế lại lớn nên dẫu thua, nàng còn cam tâm được. Đằng này lại bại trong tay Văn Viễn, Vương Tố Tâm hận không sao kể hết. Nàng ta kịp thấy Văn Viễn đỡ Đại Sỹ không hề phòng bị liền gom hết nội lực còn lại phóng một kiếm thẳng tới. Văn Viễn đang lúi cúi nâng Đại Sỹ đứng dậy thì nghe có tiếng gió rút sau lưng. Ông hoảng hồn quay lại. Vương Tố Tâm đã phóng kiếm đâm đến chỉ còn cách chưa được hai tấc.

Văn Viễn thừa sức nhảy qua một bên né tránh. Nhưng nếu làm vậy, vô tình sẽ khiến Đại Sỹ nguy to. Ông không còn cách nào đành nhắm mắt đưa ngực ra chịu kiếm. Đại Sỹ hoảng hồn run rẩy:

- Tên khờ này…tên khờ này…sao không né đi?

Vương Tố Tâm nhìn Văn Viễn cam chịu thì đắc thắng trong bụng. Lưỡi kiếm vừa chạm tới áo ngoài của Văn Viễn thì nàng ta cảm giác toàn thân chới với giữa không trung. Ra là Phùng Bất Nghiêng thấy tình thế hung hiểm. Lão đã lao đến từ phía sau túm lấy cổ Vương Tố Tâm mà nhấc lên. Phùng Bất Nghiêng cao lớn nhấc Vương Tố Tâm như nắm một đứa trẻ giơ lên trời. Vương Tố Tâm hoảng loạn trở kiếm đâm bừa vào Phùng Bất Nghiêng. Lão hừ nhạt chụp lấy lưỡi kiếm khẽ siết chặt tay. Thanh kiếm của Vương Tố Tâm liền bị bẻ gãy thành mấy đoạn nằm lăn lóc trên tuyết.

Văn Viễn bấy giờ mới dám mở mắt ra nhìn. Ông thấy Vương Tố Tâm đã bị Phùng Bất Nghiêng khống chế thì thở phào nhẹ nhỏm. Văn Viễn vội vàng đỡ Đại Sỹ đứng dậy rồi cùng cúi đầu vái:

- Đa tạ cha đã ra tay ứng cứu!

Đại Sỹ qua một phen hoảng hồn cũng tự nhiên thuận miệng nói theo Văn Viễn. Phùng Bất Nghiêng cười ha hả:

- Con ngoan! Con ngoan! Đúng là đứa dâu tốt rất biết lễ nghĩa!

Đại Sỹ lỡ lời không hồi kịp, đành đỏ bừng mặt không dám ngước lên nhìn lão. Nàng ta thấy Văn Viễn đang gãi đầu gãi tai cười hì hì ra chiều tâm đắc thì tức giận giáng một tát. Văn Viễn trúng tát ngay má ngỡ ngàng không hiểu vì sao. Ông thường bị các nữ nhân đánh nên đã biết thân phận chỉ im lặng xoa má không dám ho he điều gì.

Phùng Bất Nghiêng ném Vương Tổ Tâm về phía Sa tiểu thư đang nằm dài trên tuyết. Lão nói với Văn Viễn:

- Con ngoan! Oán thù của con con nên đích thân trả! Tuy nhiên, phàm một lúc đã ra tay thì đừng để sau này ân hận!

Văn Viễn trừng mắt nhìn Sa tiểu thư, ngấm ngầm vận lực. Hai bàn tay ông tức thì đóng một lớp băng mỏng.Văn Viễn chậm rãi bước đến. Sa tiểu thư lúc này đã hoàn hồn trở lại. Nàng ta nhìn Văn Viễn, trong lòng sợ hãi tột độ.

Văn Viễn nói:

- Ngươi bày kế để đại tiểu thư chết đi oan uổng! Cũng chính vì ngươi bày kế, khiến bà bà thần tiên bị U Minh Cung Chủ đánh tử thương mà mất mạng! Sa nha đầu ơi là Sa nha đầu! Ngươi giết đi hai người ta thương yêu nhất! Ta hôm nay sẽ bắt ngươi đền tội đã gây ra!

Văn Viễn càng nói, hàn nhiệt càng bộc phát ra bên ngoài. Sa tiểu thư ban đầu còn nằm trên lớp tuyết mềm, giờ đây lớp tuyết đã đóng cứng lại thành băng đá. Phùng Bất Nghiêng nghe Văn Viễn nói, bất giác nghĩ thầm:

- Bà bà thần tiên mà Phùng nhi gọi lẽ nào là Hắc Quan Âm? Không ổn, Hắc Quan Âm tám năm trước đã qua đời còn đâu?

Vương Tố Tâm nằm bên cạnh thấy Văn Viễn khí thế hùng hổ nhè vào Sa tiểu thư. Nàng ta muốn cứu nhưng thân thể cũng kiệt quệ, chỉ đành bất lực. Văn Viễn giơ cả hai tay toan đánh chưởng xuống. Sa tiểu thư liền thét lớn:

- Khoan đã! Ta nói cho ngươi một bí mật! Chỉ cần ngươi chịu tha chết cho bọn ta lần này! Ta sẽ nói cho ngươi một chuyện quan trọng!

Văn Viễn cau mày đáp:

- Ngươi còn muốn tính kế thoát thân ư?

Sa tiểu thư khẩn khoản nói:

- Không, không! Là sự thật, bà bà thần tiên của ngươi chưa chết, đại tiểu thư của ngươi cũng chưa chết!

Văn Viễn đang giáng chưởng xuống, nghe thấy, vội vàng đẩy chếch kình lực qua một bên. Hơn mười trượng dài đầy tuyết sau lưng Sa tiểu thư liền bị thổi bay như trận bão lớn. Ông run giọng:

- Bà bà thần tiên chưa chết ư?

Sa tiểu thư liếc nhìn thấy khoảng tuyết rộng phía sau bị Văn Viễn đánh tan nát, hồn vía đều bấn loạn. Nàng ta ngoan ngoãn đáp:

- Đại tiểu thư chưa chết! Bà bà thần tiên của ngươi cũng chưa chết! Ngươi thông mình, nhất định sẽ đoán ra được mọi chuyện bên trong!

Văn Viễn đứng sững sờ lẩm bẩm:

- Lạc Tín Phủ cũng nói là U Minh Cung Chủ không hề giết bà bà thần tiên! Nhưng nếu là sự thật, vì đâu Bạch Mi bà bà cùng Ác Hòa Thượng lại nói dối với ta? Bà bà thần tiên chưa chết sao lại không muốn gặp ta?

Sa tiểu thư liền nói:

- Ngươi thông minh hay đang giả vờ ngu ngốc! Ngươi nghĩ vì sao sau trận ngươi náo loạn ở Gia Lăng, U Minh Cung lại không truy sát ngươi nữa?

Văn Viễn nhất thời khó nghĩ thông suốt được. Ông lẩm bẩm:

- Nếu đúng đại tiểu thư cùng bà bà thần tiên chưa chết! Ta giết Sa nha đầu đã là không phải rồi!

Văn Viễn thở dài một hơi nhẹ nhỏm. Ông nhìn Vương Tố Tâm, Sa tiểu thư mà nói:

- Ta tạm tin lời người! Các ngươi mau để lại quạt lụa rồi đi đi! Tuy nhiên, nếu ta biết lời hôm nay là giả dối! Ta nhất định sẽ tìm các ngươi để tính sổ!

Sa tiểu thư mừng rỡ tột độ. Nàng ta vội vàng trả lại quạt lụa cho Văn Viễn rồi dìu Vương Tố Tâm đứng dậy. Phùng Bất Nghiêng lúc này mới thong thả hỏi Vương Tố Tâm:

- Ngươi chính là tam đường chủ của U Minh Cung?

Vương Tố Tâm chỉ khẻ gật đầu không đáp. Phùng Bất Nghiêng nói:

- Ngươi về nói lại với tên cung chủ kia! Bảo hắn phải tự biết xử việc, đừng để ta phải đích thân ra tay!

Phùng Bất Nghiêng nói mấy lời nhẹ như không nhưng Vương Tố Tâm rùng mình như nghe phải tiếng sấm. Nàng ta phen này cùng Sa tiểu thư trà trộn đến Bạch gia trang đều cố tránh gây hiềm khích với Tam Ác Thánh. Sau cùng, chẳng những không lấy được quạt lụa của Phùng Ân Khổ, cả hai còn bắt cóc con dâu, mưu hại con ruột độc nhất của Tam Ác Thánh. Tam Ác Thánh nào bỏ qua cho được. Chuyện Tam Ác Thánh chọc trời khuấy nước mấy mươi năm trước kia không mấy ai tận mắt chứng kiến còn sống sót. Tuy nhiên, chuyện của mười mấy năm gần đây, Tam Ác Thánh đến Mai Hoa Trang cầu thuốc giết hại phần đông cao thủ trung nguyên, không kẻ nào lại không rõ. Nhờ trận chiến năm đó, cao thủ chánh đạo mười phần hết tám đều chết dưới tay Tam Ác Thánh, U Minh Cung mới dễ dàng khếch trương có được uy thế ngày hôm nay. Bản thân U Minh Cung Chủ, nhắc đến Tam Ác Thánh thì kính nể không biết để đâu cho hết. Vương Tố Tâm tự biết phen này đã chuốc họa lớn vào thân. Tam Ác Thánh nếu ra tay, đừng nói là nhân lực của U Minh Cung, dầu đem hết mười đại cao thủ đứng đầu bảng anh hùng đương thế cũng khó bề địch nổi.

Vương Tố Tâm càng nghĩ càng sợ. Nàng ta vội vàng dắt díu Sa tiểu thư gắng gượng xuống núi.

Phùng Bất Nghiêng nhìn cả hai đi khuất liền vỗ vai Văn Viễn ra chiều đắc ý:

- Không ngờ con lại có được tuyệt học của Hắc Quan Âm! Con đúng là gặp được nhiều kỳ ngộ! Mau mau, đi về trang viện kẻo hai mẹ của con ngóng chờ!

Lão quay sang Đại Sỹ mà nói:

- Con dâu thương thế chắc không nặng! Chờ đến khi về Bạch gia trang, ta sẽ dùng công lực giúp con điều thương! Nhất định mau chóng hồi phục!

Đại Sỹ trong lòng tự nhiên thấy ấm áp. Nàng ta lí nhí hỏi:

- Tiểu nữ bịa chuyện để lừa gạt ngài cùng hai vị phu nhân! Ngài…sao lại tốt với tiểu nữ đến vậy?

Phùng Bất Nghiêng đáp:

- Ta sống đến từng tuổi này tất nhiên phải phân biệt được kẻ gian trá! Con tuy có nói gạt bọn ta nhưng thật tâm vẫn là hiền lành! Bọn ta sao trách con được! Ta vừa nhìn đã thấy con với Trương Phi Yến có nhiều điểm giống nhau! Nhất định là máu mủ thân thích! Chuyện Trương Phi Yến có hiềm khích với hai phu nhân ta, tính ra là oán thù đời trước, nào thể trách con được!

Đại Sỹ bất chợt ngước lên nhìn thẳng vào Phùng Bất Nghiêng. Nàng bạo gan run giọng hỏi:

- Ngài…ngài có phải là cha ruột của tiểu nữ không?

Văn Viễn đang xoay lưng tính cõng Đại Sỹ, nghe thấy liền quay lại nhìn nàng ta sửng sốt. Phùng Bất Nghiêng ngạc nhiên không kém. Lão hỏi:

- Ta làm sao lại thành cha ruột của con được?

Đại Sỹ không muốn giấu, bèn nói thật:

- Âm Dương Thủ Trương Phi Yến là mẹ ruột của tiểu nữ! Tiểu nữ từ lúc biết chuyện, ngày nào cũng nghe mẹ oán trách cha bạc tình bạc nghĩa! Tiểu nữ lần này đến Bạch gia trang, ngoài việc muốn lấy quạt lụa, còn muốn tìm cách hại hai vị phu nhân để thay mẹ trả thù! Ngài …ngài nhất định là cha ruột của tiểu nữ! Chính miệng mẹ đã nói như vậy!

Văn Viễn hồi hộp trống ngực đập thình thịch. Ông liền ngó nhìn Phùng Bất Nghiêng chờ đợi. Văn Viễn biết Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn vì chuyện Trương Phi Yến mà nảy sanh hiềm khích với Đại Sỹ. Nếu hai bà biết Đại Sỹ là con ruột của Trương Phi Yến cùng Phùng Bất Nghiêng, nhất định sẽ nổi trận lôi đình khó mà cứu vãn được.

Phùng Bất Nghiêng nghiêm giọng đáp:

- Không thể có chuyện đó được! Năm xưa tuy Trương Phi Yến có lòng yêu thích ta, nhưng ta chưa hề để ý tới, cũng chưa từng làm chuyện vô luân trái lý nào với bà ta! Ta làm sao có thể là cha ruột của con được? Nếu ta có một đứa con gái vừa xinh đẹp lại thông minh như con, ta nhất định không chối từ! Tuy nhiên, ta thật sự không phải là cha ruột của con!

Đại Sỹ ôm mặt khóc nức nở:

- Vậy là tiểu nữ đã đoán đúng! Mẹ tiểu nữ vì ôm lòng oán hận nên mới nói như vậy, còn bắt tiểu nữ phải trả thù! Cuối cùng cha của tiểu nữ là ai đây?

Nàng khóc lóc thê lương. Phùng Bất Nghiêng lòng dạ sắt đá cũng phải đồng cảm. Văn Viễn thì thở phào nhẹ nhỏm. Ông sợ quả thật Đại Sỹ là em ruột của mình, không biết Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn sẽ đối xử với nàng ta như thế nào.  Ông đoán chừng, Trương Phi Yến năm xưa không được Phùng Bất Nghiêng đáp lại tình ý, còn bị Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn biết chuyện mà bày ra ghen tuông nên trong lòng oán hận. Ông sực nhớ chuyện bà bà thần tiên cũng vì có tình ý với Phùng Bất Nghiêng rồi phát sinh vô vàn hiềm khích về sau. Ông bất giác nghĩ thầm:

- Cha ta như vậy trách sao các nữ nhân gần gũi ông ấy không si mê cho được! Nhưng rốt cuộc ta nào có làm gì mà họa phong lưu lại tìm đến ta mà trút lên?

Văn Viễn ngẫm lại mọi chuyện xảy ra từ lúc giáp mặt Ác Ma Song Tẩu nơi ngoại thành Phụng Bì đến nay, giống như một giấc mộng. Ông bất giác cảm khái:

- Ta ít ra cũng đã tìm được cha mẹ ruột! Không còn làm một kẻ hồ đồ chẳng biết gốc gác của mình!

Đại Sỹ khóc lóc thỏa thê liền quay lưng lủi thủi đi xuống núi. Phùng Bất Nghiên liền chận nàng ta lại:

- Con không muốn về Bạch gia trang hay sao?

Đại Sỹ ủ rũ đáp:

- Tiểu nữ lừa gạt công tử của ngài! Còn toan tính mưu hại hai vị phu nhân! Tiểu nữ còn mặt mũi nào mà ở lại!

Phùng Bất Nghiêng cười hà hà. Lão chộp lấy Đại Sỹ rồi đặt lên lưng Văn Viễn, rồi nói:

- Con ít ra cũng phải chào hai phu nhân của ta rồi hãy đi cũng không muộn! Hai phu nhân ta đã chọn con làm dâu họ Phùng! Hai bà ấy không chịu cho con đi, thì ta không thể để con đi được!

Lão nói rồi liền dùng khinh công đi trước. Văn Viễn lật đật cõng Đại Sỹ theo sau. Đại Sỹ đang bị nội thương hành hạ. Nàng ta không còn cách nào khác đành cam chịu về lại Bạch gia trang. Nàng ta nghĩ lại cảnh Văn Viễn đưa người hứng kiếm thì cười mỉm sung sướng. Đại Sỹ tự nhiên gõ lên đầu Văn Viễn một cái. Văn Viễn tưởng nàng ta ra hiệu liền ngoái lại nhìn. Đại Sỹ cười khúc khích:

- Ta chỉ muốn nghe thử ngài chứa gì trong đầu?

Nàng ta lại gõ thêm mấy cái. Văn Viễn ngơ ngác không hiểu vì sao. Ông cũng không dám hỏi cứ cặm cụi đi tiếp. Phùng Bất Nghiêng ngó thấy không nhịn được liền cười thành tiếng:

- Đứa con khờ của ta từ nhỏ đã không biết hiểu ý người khác! Tâm ý người khác, nó càng không biết tới!

Lão nói đúng ngay ruột gan của Đại Sỹ. Nàng ta đỏ bừng mặt thẹn thùng. Phùng Bất Nghiêng cũng không muốn trêu ghẹo thêm. Lão hỏi Văn Viễn:

- Phùng nhi! Vừa rồi con nhắc đến bà bà thần tiên, phải chăng là Hắc Quan Âm Mai Chiêu Anh?

Văn Viễn không dám giấu bèn kể thật sự tình chuyện ông gặp Hắc Quan Âm. Phùng Bất Nghiêng nghe đến việc Hắc Quan Âm trúng mai phục của U Minh Cung Chủ mà tử thương thì lắc đầu nói:

- Con nhất định đã lầm lẫn! Hắc Quan Âm đã chết cách đây tám năm! Lẽ nào bà ta còn có thể đội mồ sống dậy để rồi chết thêm lần nữa!

Văn Viễn giật mình:

- Bà bà thần tiên đã chết cách đây tám năm rồi ư? Nhưng rõ ràng con đã gặp bà bà mấy bận, lẽ nào chuyện này còn có điều mờ ám!

Phùng Bất Nghiêng liền kể:

- Chuyện của mười năm trước, Hắc Quan Âm bất ngờ quay lại Bạch gia trang ám hại con! Ta không kềm được đã dùng Cuồng Tâm Đại Di mà đánh bà ta một chưởng! Bà ta khi đó trọng thương rất nặng! Hai mẹ con đều muốn giết nhưng ta niệm tình bà ấy từng cứu mạng con nên đã thả đi! Hai năm sau đó, ta đã âm thầm đến Mai Hoa Trang để thăm viếng, âu cũng chỉ muốn xóa đi hiềm khích cũ! Tuy nhiên, lúc đó Hắc Quan Âm đã qua đời! Là tận mắt ta thấy, sao có thể sai được! Hắc Quan Âm chết tám năm trước! Tro cốt được rải ở vườn mai trước Mai Hoa Trang! Không có chuyện bà ta sống dậy!

Đại Sỹ thấy Văn Viễn đứng bần thần vội thì thầm vào tai ông:

- Ngài không nghĩ ra được ư? Nếu cha ngài nói đúng, Sa tiểu thư cũng nói đúng! Chỉ có một khả năng xảy ra, có người đã đóng giả Hắc Quan Âm! Nhưng người này đóng giả vì mục đích gì, tiểu nữ không đoán ra được!

Văn Viễn ngẫm nghĩ lời của nàng ta là hợp lẽ nhất. Ông cũng thể thấu đáo nỗi ẩn khuất bên trong nên thở dài mấy bận mà cõng Đại Sỹ theo Phùng Bất Nghiêng về lại Bạch gia trang. Phùng Nghi Văn, Phùng Ân Khổ đã đứng đợi ở cổng trang viện. Cả hai thấy Phùng Bất Nghiêng đưa Văn Viễn cùng Đại Sỹ lành lặn trở về thì vui mừng khôn kể. Tuy nhiên, Phùng Nghi Văn nhìn vết thương trên người của Đại Sỹ tức thì quay sang trách mắng Phùng Bất Nghiêng. Phùng Ân Khổ cũng không để yên. Bà ta nghe Phùng Bất Nghiêng kể lại thì mắng thêm một hồi dài.

Đại Sỹ cứ ngấm ngầm sợ hãi hai bà phát hiện ra thân thế của nàng sẽ làm khó dễ. Ai dè, dầu Phùng Bất Nghiêng kể rõ ràng Đại Sỹ là con của Âm Dương Thủ Trương Phi Yến, hai bà vẫn làm như không nghe thấy, còn đồng loạt hỏi han Đại Sỹ. Nàng ta xấu hổ quá bèn lí nhí hỏi:

- Hai vị…hai vị không giận tiểu nữ hay sao? Tiểu nữ dối gạt các vị hết lần này đến lần khác, vì sao vẫn tốt với tiểu nữ?

Phùng Nghi Văn liền xoa đầu nàng ta mà bảo:

- Đứa trẻ khờ này! Xem ra còn khờ khạo hơn cả đứa con của ta! Lẽ nào bọn ta không biết con nói dối hay sao? Con vì ân oán của mẹ mà liều mình để tìm cách trả thù! Bọn ta sao có thể giận đứa con chí hiếu được! Nếu con là kẻ gian trá, nhất định con sẽ không bao giờ tự nói ra hết mọi chuyện! Một đứa trẻ vừa chí hiếu lại hiền lành tốt bụng, bọn ta sao có thể hờ hững được!

Đại Sỹ nghe vậy không tránh khỏi tủi thân bật khóc. Vốn Trương Phi Yến từ lúc bị Phùng Bất Nghiêng khước từ tình cảm, còn bị Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn nổi cơn ghen mà nhục mạ, bà ta ngày này cũng khóc lóc oán hận. Kết cuộc lại đem bao nhiêu oán hận đó trút lên hết Đại Sỹ. Tuy là con ruột sanh ra, nhưng Đại Sỹ từ nhỏ đến lớn chưa một lần được mẹ yêu thương gần gũi. Nàng ta tự nhiên cũng theo sự oán hận của mẹ mà căm giận Tam Ác Thánh, nhất là Phùng Nghi Văn, Phùng Ân Khổ. Trương Phi Yến lúc nào cũng nhất mực khẳng định Phùng Nghi Văn, Phùng Ân Khổ vì sợ Phùng Bất Nghiêng yêu thích bà ta hơn nên đã bày kế để chia loan rẽ thúy. Thâm tâm của Đại Sỹ cũng bị lời căm giận đó mà oán ghét. Ngờ đâu hôm nay được giáp mặt, Đại Sỹ mới biết tuy mang danh ác thánh nhưng Phùng Bất Nghiêng, Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn đều là người rộng lượng bao dung, lại thấu hiểu tình lý. Nàng ta ngẫm lại đến mẹ ruột cũng không đối xử tốt như vậy thành ra càng tủi thân hơn mà khóc lóc.

Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn nào thấu được ẩn khúc trong lòng Đại Sỹ. Hai bà lại chắc mẩm, do bản tính nghiêm trực của Phùng Bất Nghiêng, khiến lão lỡ lời điều gì đó đã làm cho nàng ta tủi hổ. Tức thì hai bà một người vỗ về dỗ dành Đại Sỹ, một người quay sang trách mắng Phùng Bất Nghiêng. Văn Viễn vừa mở miệng định nói đỡ cho lão, tự nhiên cũng bị vạ lây. Phùng Bất Nghiêng đã biết tính khí hai vị phu nhân. Lão cười hà hà vỗ vai Văn Viễn:

- Mẹ lớn, mẹ nhỏ của con có cái tính vui kỳ lạ! Hai mẹ con vui cũng đem cha ra mà mắng dỗi! Hai mẹ con buồn lại cũng đem cha ra mà trút hờn! Chúng ta mau mau đi đừng làm mất hứng hai mẹ của con!

Lão nói giọng hoạt kê, hóm hỉnh. Văn Viễn không nhịn được phải bật cười. Đại Sỹ đang khóc tủi cũng che miệng cười khúc khúc. Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn bị lão đem ra nói mát càng nổi giận dữ hơn. Hai bà toan cạnh khóe thêm thì Phùng Bất Nghiêng đã lôi Văn Viễn đi mất như gió cuốn. Bọn người trong Bạch gia trang hay tin Văn Viễn đã bình yên trở về nên bày sẵn rượu thịt để tiếp tục cuộc vui. Văn Viễn được Phùng Bất Nghiêng cho phép ngồi bên cạnh nhận không biết bao nhiêu chén rượu chúc tụng. Ông đang cao hứng nên uống cạn. Phùng Bất Nghiêng kể lại chuyện Văn Viễn dùng nội công đánh bại Vương Tố Tâm, Sa tiểu thư. Lòng cha mẹ nào chẳng tự hào về con, thành ra lời lão kể có thêm mấy phần tâng bốc. Bọn người trong đại sảnh không rõ hư thực, nhưng cả bọn thấy Văn Viễn uống rượu như rồng ngậm nước thì đều thán phục. Cuộc rượu kéo đến gần sáng mới vãn. Văn Viễn tuy nội hàn đầy người vẫn bị say mèm không biết trời trăng gì nữa.

Mấy ngày tiếp theo ở Bạch gia trang đối với Văn Viễn, Đại Sỹ không khác gì giấc mộng. Cả hai được Tam Ác Thánh yêu chiều hết mực. Văn Viễn càng hết lòng hiếu kính phụng dưỡng. Đại Sỹ so về đánh đàn, vẽ tranh, thi phú hay chơi cờ đều thông làu. Nàng lại biết bói chữ, còn biết làm vui lòng người khác. Phùng Nghi Văn, Phùng Ân Khổ lúc nào cũng bắt nàng theo bên cạnh để chuyện trò. Nàng cứ đợi hai bà viết ra một chữ thì theo đó mà đoán tâm trạng, mười phần hết mười đều không sai lệch. Hai bà vì vậy càng yêu thích nàng hơn cả. Văn Viễn buổi sáng cùng Phùng Bất Nghiêng, Trương Thị Song Hùng, Bạch Đầu Tứ Yêu săn bắn chồn sói, tối lại cùng cả bọn uống rượu luận võ, thú vị không sao tả nổi. Đại Sỹ được Phùng Bất Nghiêng truyền công dưỡng thương. Thật sự chỉ mất nửa ngày, nàng đã khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, Phùng Nghi Văn, Phùng Ân Khổ nhất mực bảo phải tịnh dưỡng thêm năm ngày mới khỏi. Năm ngày rồi lại năm ngày, cứ thế kéo dài hơn một tháng, chớp mắt là hai tháng trôi qua, Đại Sỹ đã bị giữ lại Bạch gia trang.

Nàng hiểu thâm ý hai bà luyến tiếc không muốn để nàng đi. Đại Sỹ được hai bà yêu chiều, thật dạ, cũng không nỡ rời bỏ. Nhưng nàng với Văn Viễn chẳng có quan hệ gì, lại đem ra bì với Tam Ác Thánh càng không thân không thích. Đại Sỹ nhắm chừng ở lại khó tránh được lời nói ra vào nên quyết liệt nói lời bái biệt. Phùng Bất Nghiêng không tiện giữ lại nên để cho hai phu nhân xử lý. Phùng Nghi Văn, Phùng Ân Khổ ban đầu còn nhẹ nhàng mời mọc. Đại Sỹ vẫn cương quyết muốn đi. Phùng Nghi Văn không thèm nặng nhẹ. Bà ta một hôm đứng trước cửa phòng Đại Sỹ, vờ lớn tiếng bàn với Phùng Ân Khổ:

- Chúng ta muốn giữ cũng không giữ được con dâu này! Chi bằng muội lỡ tay làm nó bị thương! Tỷ cũng lỡ tay làm nó bị thương! Sau đó, cả hai chúng ta lại thay phiên mà chăm sóc nó! Thay vì chữa dứt, chúng ta cứ kéo dài từ ngày này qua tháng nọ, sợ gì không giữ được chân nó ở lại!

Phùng Ân Khổ cũng lớn tiếng hùa theo:

- Muội nói phải lắm! Ta không muốn để hụt mất đứa dâu tốt này! Để lát nữa chúng ta vào hỏi nó, nó vẫn nhất định đòi đi, ta xua tay một cái, muội hất tay một cái! Nhất định nó sẽ ngã lăn ra đất!

Phùng Nghi Văn lại làm bộ can ngăn:

- Không được! Không được! Nếu cả hai chúng ta cùng ra tay, con dâu nhất định khó sống nổi! Chi bằng chúng ta nên thử trước!

Nói rồi bà ta phất tay một cái. Đại Sỹ từ phong liếc nhìn ra, hồn vía đều treo mấy tầng mây. Cột đá vừa hai người ôm trúng chưởng của Phùng Nghi Văn in dấu bàn tay sâu hơn tấc. Phùng Ân Khổ cũng nhẹ nhàng áp tay lên cột để lại một dấu tay sâu cũng không kém. Hai bà thấy không thể dùng lời lẽ mà giữ chân Đại Sỹ nên đành phải dọa nạt. Quả nhiên, Đại Sỹ không dám hé miệng đòi đi, ngoan ngoãn ở lại Bạch gia trang. Thật tâm nàng được Tam Ác Thánh đối xử như ruột thịt nên cũng muốn ở lại. Ngặt nổi, Tam Ác Thánh lúc nào mở miệng cũng đều gọi là dâu tốt. Đại Sỹ tránh sao không thẹn thùng được. Mỗi lần ngồi cùng bàn với Văn Viễn, Tam Ác Thánh lại không ngừng tác hợp. Văn Viễn thấy cha mẹ vui vẻ nên cũng cười hì hì không dám phản đối. Đại Sỹ vì vậy càng ngượng ngùng vô kể.

Nguồn: truyen8.mobi/t114610-vu-diem-co-thien-chuong-44-le-roi-tren-mat-ngoc.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận