ĐÔNG CHU LIỆT QUỐC – MỘT BỘ CỔ SỬ MÔ TẢ
500 NĂM NƯỚC TRUNG HOA CỔ ĐẠI
Một tác phẩm văn học tiêu biểu, xứng đáng của một dân tộc cũng là một tác phẩm hàm chứa những tính phổ biến và sâu xa của nhân loại.
Đông Chu liệt quốc là một pho cổ sử, một áng văn tuyệt tác của nền văn học Cổ đại Trung Hoa mà sự thâm thúy của các nhà du thuyết, tài ứng biến trong cách đối nhân xử thế; những lý và Đạo trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của các bậc Đế, Vương, Bách gia chu tử; của hàng chục Vương triều và hàng trăm tiểu quốc diễn ra trong suốt 500 năm lịch sử Tr.CN ở nước Trung Hoa Cổ đại đã trở thành những điển tích có ảnh hưởng lớn đến nền văn chương Trung Hoa, nhất là các Nho sĩ thời phong kiến.
Đông Chu liệt quốc được viết theo lối tả truyện chương, hồi, theo phương pháp tự sự, ghi chép khá chân thực lịch sử các cuộc chiến tranh, các mưu đồ Vương, Bá; mở đầu bằng nhà Đông Chu (Chu Tuyên Vương) và kết thúc bằng nhà Tần (Tần Thủy Hoàng) gồm thấu lục quốc (Triệu, Sở, Tấn, Tề, Ngụy, Hàn) thống nhất nước Trung Hoa ngày ấy.
Người xưa nói: ''Đọc bộ sách này bằng mấy mươi sách khác” thật không ngoa. Bởi vì sách đã phản ánh quá trình hình thành, tồn tại, phát triển và tiêu vong của biết bao triều đại trong năm thế kỷ với những cuộc chiến tranh triền miên; nạn chém giết, xâu xé, chiếm đoạt, tài ứng xử, thói ươn hèn của các bậc quân tử đến hàng tiểu nhân, từ những trí thức Nho gia đến hàng dân giả,… trong đó có cả tệ tham quyền, cố vị, đến mọi thủ đoạn gian xảo, từ các cách sống xa hoa, dâm loạn của các Đế, Vương đến cả đời thường cơ cực, những nạn nhân của thời ly loạn.
Tính hấp dẫn của cách tả truyện mang tính sử thi ở sách Đông Chu liệt quốc được chắt lọc từ những sự kiện lịch sử thâu tóm, không dài dòng kể lể, cũng không đi vào các chi tiết huyễn hoặc, ma quái, Phật trời kiểu Tây du ký, Đông Du bát tiên của Ngô Thừa Ân và các tác giả thời Tống.
Qua các chương, hồi của sách Đông Chu liệt quốc, sự thật được phơi bày qua từng lời nói và hành động của các nhân vật, các luận thuyết, rồi quyền biến bằng các lệnh truyền, phán quyết của các vị quân Vương, Công hầu, Khanh tướng với tài dẫn giải có lớp lang, trình tự trước, sau, trên, dưới, quyện chặt từ đầu đến cuối của cả bộ sách; khiến người đọc theo dõi say sưa và trọn vẹn, theo kiểu ghi chép khách quan của nhà làm sử.
Bao nhiêu kẻ sỹ, Khanh tướng, Công hầu, bao nhiêu nhà thuyết khách cỡ Trương Nghi, Tô Tần, Kinh Kha; từ những bậc chiêu hiền, đãi sỹ, sống mộ Đạo như Mạnh Thường Quân; cho đến những kẻ cơ hội đầy toan tính xảo quyệt con buôn, kể cả việc mua Vua, bán Chúa như Lã Bất Vi, Huyền Cao của hai nước Triệu, Trịnh đều được sao chép thật công phu, chu đáo, mà hữu ý một cách vô tình.
Với cách nhìn đổi mới trong việc đánh giá, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của loài người; việc tiếp thu các tinh hoa của nền văn minh Hán học với sự hiện diện của Bách gia chư tử từ các Vương triều Trung Hoa Cổ đại, được coi là sự gạn đục khơi trong trong việc chắt lọc những hạt ngọc của muôn đời làm giàu cho vốn tri thức của dân tộc Việt Nam nâng cao dân trí.