MAHABHARATA BỘ SỬ THI CỔ ĐẠI LỚN NHẤT CỦA ẤN ĐỘ
Truyền thuyết kể lại rằng, theo yêu cầu của Thần Brahma, đạo sĩ Vyasa đã đọc câu chuyện mà ông sáng tác về những chiến công vĩ đại của dòng họ Bharata cho vị Thần Ganesa chép lại thành tác phẩm Mahabharata. Song theo các nhà nghiên cứu thì bộ sử thi đồ sộ Mahabharata chính là một tác phẩm được ra đời do tập thể các tác giả dân gian Ấn Độ sáng tác và được bổ sung trong nhiều thế kỷ (từ thế kỷ V Tr.CN đến thế kỷ V S.CN). Toàn bộ tác phẩm gồm 110.000 slôka (câu thơ đôi) chia làm 18 quyển, dài gấp bảy lần tổng số của cả hai bộ sử thi IIyade và OdysSée của Hy Lạp Cổ đại cộng lại. Nếu loại trừ những đoạn phụ ghép nối thì nội dung của sử thi Mahabharata là câu chuyện về cuộc nội chiến vĩ đại xảy ra tại Vương quốc Kuru. Toàn bộ nội dung của sử thi có thể tóm tắt như sau:
Họ Bharata có hai người con trai là Dritarastra bị mù từ bé và em là Panđu. Người anh Ditarastra có 100 người con trai được gọi chung là anh em Kôrava. Người con cả của Dritarastra là Đurgođana. Trong khi đó, Panđu chỉ có năm người con trai gọi chung là anh em Panđava. Năm anh em nhà Panđava đều là con cái các vị Thần: Yuđisthira (con Thần Dharma), Arjuna (con Thần Inđra), Bhima (con Thần Vayu), Nakala và Sahađeva (hai người con sinh đôi của Thần Surya). Vua cha chỉ định cho Panđu trị vì đất nước. Thế rồi sau khi Panđu qua đời, ngôi báu lại được truyền cho vị Vua mù Đritarastra.
Ghen tức trước tài nghệ của anh em Panđava, anh em Kôrava, đặc biệt là người anh cả Đuriôđana đã nhiều lần mưu giết hại những người anh em họ của mình như đánh thuốc độc, đốt nhà… Nhưng tất cả những âm mưu của anh em nhà Kôrava đều thật bại. Anh em nhà Panđava và bà mẹ Kunti đã theo một con đường hầm trốn vào rừng, giả dạng là những ẩn sĩ. Một năm sau, tại hội kén chồng cho công chúa Đrôpađi về xứ Pansala, Arjuna đã chiến thắng và nàng Đrôpađi xinh đẹp trở thành vợ chung của năm anh em Panđava.
Khi biết anh em Panđava còn sống và là đồng minh của Vương quốc Yađava hùng mạnh, ông vua mù cho mời họ về và chia cho họ nửa đất nước. Không hai lòng với việc chia đôi Vương quốc, Đuriôđana thách Yuđisthira đánh súc sắc với người chú của mình là Sakuni - một kẻ chuyên cờ bạc bịp. Yuđisthira đã bị thua phải lần lượt gán nợ từ tài sản, Vương quốc anh em đến bản thân và ngay cả nàng Đrôpađi xinh đẹp. Trước sự phản đối của mọi người và sự can thiệp của ông Vua mù, một thỏa thuận đã được chấp nhận: năm anh em Panđava cùng vợ phải vào rừng sống 13 năm ẩn tích. Nếu để lộ tung tích họ sẽ phải bị đầy tiếp thêm một thời hạn 13 năm nữa.
Hết thời hạn lưu đày, anh em Panđava đã nhiều lần thương thuyết với Kôrava để đòi lại nửa Vương quốc của mình, nhưng Đuriôđana không chấp nhận. Không còn cách nào khác, anh em nhà Panđava phải chuẩn bị cho cuộc chiến. Do có nhiều bạn bè là các Vua chúa, anh em Panđava đã tập hợp được một đạo quân đông đảo và hùng mạnh, Anh em Kôrava cũng ráo riết chuẩn bị cho cuộc chiến. Hầu như tất cả các Vua chúa Ấn Độ đều đứng về bên này hoặc đứng về bên kia và họ cùng kéo quân tới cánh đồng Kurusêtra để giao chiến.
Cuộc đại chiến vĩ đại kéo dài 18 ngày, cho tới khi tất cả các thủ lĩnh, trừ năm anh em Panđava và người bạn Krishna của họ là sống sót, còn tất cả đều thiệt mạng trên chiến trường. Sau cuộc chiến đẫm máu ở cánh đồng Kurusêtra, Yuđisthira lên ngôi và cùng các em mình trị vì Vương quốc. Sau nhiều năm cai trị đất nước trong hòa bình Yuđisthira nhường ngôi cho Parikshita, cháu của Arjúna. Năm anh em nhà Panđava cùng người vợ chung sau đó đi đến chân Núi Himalaya, từ đó họ lên Thần sơn Mêru để nhập vào thế giới của các vị Thần linh.
Nếu loại trừ những chi tiết phụ, thì có thể thấy phong cách của sử thi Mahabharata đơn giản và sống động, mặc dù trong tác phẩm có nhiều đoạn mô tả hoặc các tình tiết được lặp đi lặp lại nhiều lần vốn là một trong những đặc trưng của thể loại sử thi của nhiều dân tộc. Các nhân vật chính được khắc họa bằng nhiều nét đơn giản, nhưng mỗi người đều có một cá tính riêng. Ông Vua mù Dritarastha được mô tả thư một con người yếu đuối, muốn nghe theo lẽ phải, nhưng dễ ngả về phía ác. Người anh cả của anh em nhà Panđava là Yuđisthira trung thực, nhân hậu nhưng lại thường bộc lộ những cá tính tiêu cực. Arjuna là một chiến binh lý tưởng, dũng cảm, hào hiệp, trong khi đó thì Bhima lại rất tham lam, ăn rất khỏe, nhưng không tinh tế và hữu dũng vô mưu. Đuriôđana độc ác, còn các chiến hữu của anh ta được mô tả không phải chỉ bằng những sắc màu đen kịt mà đôi khi họ cũng tỏ ra can trường, dũng cảm, hào hiệp.
Những đoạn ghép nối của sử thi Mahabharata nhiều khi tạo thành các tác phẩm riêng rất có giá trị cả về văn học lẫn nội dung tư tưởng, Phần ghép nối lớn nhất trong sử thi là Santi Parva, một tác phẩm đồ sộ có ý nghĩa chính trị, đạo đức được diễn giải bởi Bhishma người trưởng lão có đầy uy tín của Vương quốc Kuru. Ông đọc lên tác phẩm này khi nằm chờ chết trên chiếc giường làm bằng các mũi tên sau trận chiến vĩ đại. Cuộc đối thoại triết học kỳ thú giữa Arjuna và Krishna trước cuộc chiến đã được ghi lại ở quyển bốn của bộ sử thi là bộ phận mang nội dung và ý nghĩa triết học cao siêu nhất của toàn bộ tác phẩm. Đó chính là Bhagavat Ghita (Chí Tôn ca) là bộ Kinh thánh điệu kỳ nhất của Đạo Hinđu. Nhiều đoạn ghép nối chỉ đơn thuần là những truyền thuyết về các vị Thần hoặc là những câu chuyện đời thường nhưng rất nổi tiếng, như truyện về Rama và Sita, truyện về Sakuntala và truyện về Savitri.
Trong số những tình tiết phụ ghép nối dài nhất và có giá trị văn học nhất là câu chuyện về Nala và Đamaianti như sau: ''Vua Nala chiến thắng trong hội kén chổng và lấy được nàng Đamaianti xinh đẹp. Nhưng vì đam mê cờ bạc mà Ngài mất tất cả, chỉ giành được Vương quốc và vợ sau bao thăng trầm nguy hiểm''. Sử thi Mahabharata không chỉ là tác phẩm văn học vĩ đại nhất của Ấn Độ và của nhân loại mà còn là một tác phẩm có giá trị như bộ Đại Bách khoa toàn thư về triết học, chính trị, đạo đức, đời sống, xã hội và văn hoá của đất nước Ấn Độ truyền thống. Không phải ngẫu nhiên mà cho đến nay, người dân Ấn Độ vẫn say mê nghe kể, xem kịch về những điều được ghi lại trong sử thi Mahabharata cách ngày nay gần 30 thế kỷ.
PTS. NGÔ VĂN DOANH