Tài liệu: Binh pháp Tôn Tử - một cuốn binh thư tuyệt tác

Tài liệu
Binh pháp Tôn Tử - một cuốn binh thư tuyệt tác

Nội dung

BINH PHÁP TÔN TỬ - MỘT CUỐN BINH THƯ TUYỆT TÁC

 

Là một cuốn binh thư cổ có giá trị nhất của Trung Quốc. Tên sách, theo Hán văn, là Tôn Tử binh pháp còn gọi là Ngô Tôn Tử binh pháp (binh pháp của Tôn Tử nước Ngô) hoặc Tôn Tử Sách gồm 13 thiên: Thủy kế, Tác chiến, Mưu công, Quân hình, Binh thế, Hư thực, Quân tranh, Cửu biến, Hành quân, Địa hình, Cửu địa, Hỏa công, Dụng gián, được viết bằng cổ văn tiền Tần, gồm hơn 5.900 chữ Hán.

Tác giả Tôn Vũ, người nước Tề, làm tướng nước Ngô[1] thời Xuân Thu (770 - 476Tr.CN). Tôn Vũ dâng sách này lên Vua Ngô Hạp Lư vào năm 512 Tr.CN. Sách được truyền bá vào khoảng 496 - 453 Tr.CN. Văn bản cổ nhất còn lại tới nay là bản thẻ đào được năm 1972 trong một ngôi mộ cổ thời Tây Hán ở Ngân Tước Sơn, huyện Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông.

Ngay sau khi được truyền bá, Binh pháp Tôn Tử đã được ca ngợi và tôn sùng rộng rãi. Học giả các đời đua nhau chú thích và bình luận. Đứng đầu trong số đó là Tào Tháo thời Tam Quốc. Tác phẩm được đánh giá cao vì tác giả Tôn Vũ, với thiên tài trác tuyệt của mình đã hệ thống hoá và khái quát hoá toàn bộ kho tàng kinh nghiệm chiến tranh từ thời Xuân Thu về trước, lần đầu tiên đưa ra một hệ thống lý luận hoàn chỉnh về chiến tranh và quân sự, trình bày một loạt các nguyên tắc chỉ đạo chiến tranh và chiến đấu, số lớn trong đó đã trở thành những danh ngôn có sức sống lâu dài.

Mở đầu tác phẩm, Tôn Tử viết: ''Chiến tranh là việc lớn của quốc gia. Nó có quan hệ đến sự sống chết của nhân dân, sự mất còn của đất nước, không thể không suy xét một cách thận trọng”. Tiếp đó tác phẩm nêu lên những nhân tố cơ bản quyết định thắng bại trong chiến tranh là Đạo, Thiên, Địa, Tướng, Pháp tức là các nhân tố: ''Tình hình chính trị, sự thống nhất ý chí giữa trên và dưới về mục đích tiến hành chiến tranh''; Thiên thời, Địa lợi, tài năng và đức độ của tướng soái, Pháp chế quân sự trên các mặt biên chế tổ chức, sắp xếp cấp chỉ huy, bảo đảm hậu cần. Năm nhân tố trên lại được triển khai thành 7 điều kiện so sánh giữa hai bên để làm căn cứ quyết định: ''Có hay không nên phát động chiến tranh”.

Tác phẩm phân tích sâu sắc mối quan hệ giữa chiến tranh với kinh tế để đi tới luận điểm: ''Chiến tranh cốt thắng lợi, không cốt kéo dài" làm tư tưởng chỉ đạo chiến tranh.

Trong thiên Mưu công, tác phẩm đã đề xuất nhiều lý lẽ toát lên tinh thần tổng quát là: phải tìm cách giành thắng lợi tối đa bằng một giá tối thiểu. Danh ngôn ''Người đánh trăm trận thắng cả trăm chưa thể kể là người giỏi nhất, không đánh mà buộc đối phương đầu hàng mới là người giỏi nhất" đã trở thành tiêu chuẩn hướng dẫn hành động của các nhà chiến lược chính trị và quân sự từ xưa tới nay.

Nguyên tắc thận chiến (thận trọng trong chiến tranh, chiến đấu) được nhấn mạnh không chỉ ở cấp độ chiến lược mà còn ở mọi cấp độ chiến dịch và chiến đấu với danh ngôn: ''Những quân đội đánh thắng đều phải có đủ điều kiện thắng lợi rồi mới giao chiến, những quân đội thất bại thì giao chiến rồi mới đi tìm thắng lợi”. Để đạt tới điều đó, tác phẩm yêu cầu người chỉ huy phải:

- Tìm hiểu kỹ tình hình đối phương, tình trạng địa hình, thời tiết và cả tình hình mọi mặt của phía mình: “Biết địch biết mình giành thắng lợi không gặp hiểm nguy. Biết thiên thời, địa lợi nữa, giành thắng lợi mới thật chắc chắn”.

- Triệt để lợi dụng yếu tố bất ngờ: “Đánh vào nơi địch không phòng bị, ra quân lúc địch không ngờ”.

            - Tranh thủ giành quyền chủ động trên chiến trường: “Điều động đối phương, mà không để đối phương điều động mình”.

- Nghi binh lừa địch, tránh “thực” đánh “hư”, kết hợp “kỳ” và “chính”.

Tác phẩm còn dành những thiên bàn về từng chuyên đề như Cửu địa (về địa hình), Địa hình, Hỏa công, Dụng gián. Đặc biệt là thiên Dụng gián (dùng gián điệp), được coi là chuyên luận sớm nhất, có hệ thống nhất trong lịch sử binh pháp học thế giới. Ngày nay, tuy việc dùng gián điệp đã đạt tới trình độ rất tinh vi nhưng Thiên Dụng gián trong Binh pháp Tôn Tử vẫn giữ nguyên giá trị của nó.

Xuyên suốt các nội dung cụ thể về quân sự, Binh pháp Tôn Tử còn nổi bật ở giá trị về triết học. Tư tưởng duy vật và phép biện chứng chất phác đã thấm vào mọi luận điểm, nguyên tắc trong 13 thiên. Điều đáng quý về giá trị triết học là tác phẩm luôn nhấn mạnh tới các điều kiện vật chất hiện thực, bài bác mọi việc bói toán, chiêm tinh, trông đợi ở quỷ thần để mong giành thắng lợi trong chiến tranh và trong chiến đấu; đồng thời nhấn mạnh mối liên hệ với sự tương tác giữa các yếu tố, các nguyên tắc, không trình bày chúng một cách rời rạc, cô lập mà đặt chúng trong chỉnh thể. Chính nhờ có tính khái quát triết học cao nên tác phẩm đã vượt qua được sự thử thách của thời gian, có sức sống trường tồn trong lịch sử. Điều này đã được Tôn Trung Sơn đánh giá: ''Mười ba thiên binh thư của Tôn Tử đã giải thích lý luận chiến tranh đương thời. Do có 13 thiên binh thư này, nền triết học quân sự của Trung Quốc đã được sáng lập”[2]

Đối với nước ta, Binh pháp Tôn Tử đã được truyền bá từ thời Lý. Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo đã hiểu sâu Binh pháp Tôn Tử và vận dụng một cách sáng tạo tác phẩm của Tôn Tử vào điều kiện cụ thể của nước ta, tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của phong kiến phương Bắc và ngoại bang nói chung.

Đầu những năm 40 của thế kỷ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biên dịch Binh pháp Tôn Tử làm tài liệu bồi dưỡng cán bộ của Đảng. Người trân trọng giới thiệu: ''ông Tôn Tử là một nhà quân sự có tiếng nhất ở Trung Quốc”.

''Ngày nay, chẳng những trường học Trung Quốc mà nhiều trường học quân sự các nước cũng lấy phép dùng binh của ông làm gốc và ra sức nghiên cứu. Vì phép ông Tôn Tử tuy đã lâu đời nhưng những nguyên tắc của ông đến nay vẫn là rất đúng.

Nguyên tắc dùng binh của Tôn Tử chẳng những dùng về quân sự, mà dùng về chính trị cũng rất hay[3]. Binh pháp Tôn Tử không những được tôn sùng ở Trung Quốc mà còn được truyền bá rộng rãi và được đánh giá rất cao trên thế giới.

Ở Nhật: Vào thời Võ Tắc Thiên đời Đường (684 - 704) một người Nhật là Cát Bị Châu Bị (Kinino Makibi) đã mang Binh pháp Tôn Tử về Nhật và truyền thụ lại cho giới quân sự Nhật. Từ đó phong trào học tập Binh pháp Tôn Tử liên tục diễn ra ở Nhật, còn sôi nổi, rầm rộ hơn cả Trung Quốc. Người Nhật bình luận: ''Khổng Phu Tử là Thánh Nho, Tôn Phu Tử là Thánh binh. Những nhà Nho ở đời sau không thế tìm thấy Đạo Nho đâu ngoài Khổng Phu Tử, những binh gia không thể quay lưng lại với Tôn Phu Tử mà tiến theo hướng khác”.

Giáo viên trường sĩ quan lục quân Nhật. Vĩ Xuyên Kính Nhị (Ogwa Keiji) nói: "Tôn Tử là thuỷ tổ của binh học phương Đông. Tác phẩm của Tôn Tử đứng đầu Vũ Kinh. Mọi binh pháp của phương Đông đều bắt nguồn từ Tôn Tử”.

Nhà bình luận quân sự nổi tiếng của Nhật Bản hiện đại Tiêu Sơn Nội Hùng (Koyama Uchihiro) đã nói về thất bại của Nhật trong đại chiến lần thứ hai như sau: ''Khi phát động chiến tranh, Nhật cho rằng chỉ cần dùng chiến thuật linh hoạt là có thể giành được thắng lợi. Kết quả, Nhật đã thất bại. Nếu lúc đó, Nhật nghiên cứu nghiêm túc Binh pháp Tôn Tử thì quyết không thể liều lĩnh phát động cuộc chiến tranh đó”. Ông ta đã dùng Binh pháp Tôn Tử làm tiêu chuẩn để tổng kết những bài học thất bại của Nhật.

Ở Nga và Liên Xô: Từ năm 1888, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nga đã bắt đầu viết bài giới thiệu Binh pháp Tôn Tử. Trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, Liên Xô đã dịch Binh pháp Tôn Tử từ Hán văn ra tiếng Nga. Năm 1957, Nhà xuất bản Bộ quốc phòng Liên Xô đánh giá: ''Trong thời Cổ đại Trung Quốc, lý luận quân sự được phát triển đặc biệt cao... Trong số những tác phẩm quân sự cổ nhất, ưu tú nhất là trước tác của Tôn Tử. . . Tôn Tử đã đặt nền móng cho khoa học quân sự Trung Quốc Cổ đại”.

Ở Anh: Năm 1905, Thượng úy pháo binh hoàng gia Anh Kasơ lần đầu tiên dịch Binh pháp Tôn Tử sang tiếng Anh. Nhà chiến lược nổi tiếng người Anh Lết đơn Hát trong cuốn sách Bàn về chiến lược viết: ''Chiến lược hoàn mỹ nhất, cũng chính là chiến lược không cần phải qua chiến đấu gay go mà vẫn đạt tới mục đích, đó chính là điều Binh pháp Tôn Tử đã  nói: Không đánh mà khuất phục đối phương mới là người giỏi trong những người giỏi vậy”. Nguyên soái Anh Mông Gô Mêry, trong cuộc hội kiến với Mao Trạch Đông năm 1961, đã đề xuất ý kiến lấy Binh pháp Tôn Tử của Trung Quốc làm giáo trình của Học viện Quân sự thế giới.

Ở Pháp: Năm 1772, linh mục Pháp P.Amiot đã dịch và cho xuất bản ở Paris tùng thư: Nghệ thuật quân sự thời cổ Trung Quốc gồm Binh pháp Tôn Tử và năm bộ binh thư khác. Đây là bản Binh pháp Tôn Tử được dịch sớm nhất ở phương Tây. Lúc đó một tạp chí lý luận Pháp viết: ''Nếu các tướng lĩnh chỉ huy quân đội Pháp đều được đọc những tác phẩm ưu tú như cuốn Binh pháp Tôn Tử này thì thật là phúc lớn cho nước Pháp”.

Tương truyền, Napoléon sau khi thất bại, bị đày ra đảo Saint Hélens, tình cờ đọc Binh pháp Tôn Tử đã vỗ bàn khen và thán phục nói: ''Nếu ta sớm được đọc bộ binh pháp này thì không thể bị thất bại.

Ở Đức: Năm 1910, xuất hiện bản dịch Binh pháp Tôn Tử sang tiếng Đức. Hoàng đế Đức Wilhem II, người phát động Đại chiến thế giới lần thứ nhất tâm đắc: "Vua không thể vì giận mà cắt quân, tướng không thể vì căm uất mà quyết chiến. Hợp với lợi ích thì hành động không hợp với lợi ích thì đình chỉ. Giận dữ có thể trở lại vui mừng, căm uất có thể trở lại bình thản; còn nước mất không dễ lấy lại, người chết không thể phục sinh. Cho nên, vị Vua sáng suốt cần phải thận trọng, người tướng giỏi giang cần phải răn mình. Đó là đạo giữ yên đất nước, bảo toàn quân đội vậy”. Đọc đến đây, nhà vua đã buông sách than rằng: ''Nếu sớm đọc Binh pháp Tôn Tử hai mươi năm trước thì quyết không gặp cảnh mất nước đau đớn như ngày nay”.

Mỹ: Sau Đại chiến thứ hai, việc nghiên cứu Binh pháp Tôn Tử mới được triển khai, nhưng đã nhanh chóng trở thành phong trào sâu rộng. Các trường đài học lớn đều dùng Binh pháp Tôn Tử làm tài liệu bắt buộc trong các giáo trình về chiến lược quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao. . . Trường Đại học Quốc phòng Mỹ xếp Binh pháp Tôn Tử trước cả tác phẩm Bàn về chiến tranh của Clausewitz. Huấn lệnh của Tư lệnh Hải quân lục chiến Mỹ năm 1989 viết: "Tư tưởng tác chiến của Tôn Tử vẫn thích dụng cho ngày hôm nay cũng như 2500 năm trước”. Nhà chiến lược Mỹ Giôn Klinxơ viết trong cuốn Chiến lược lớn của ông: “Mười ba thiên trong Binh pháp tôn tử có thể so sánh về sự hoàn mỹ với các danh tướng mọi thời đại, kể cả với Bàn về chiến tranh của Clausewitz được viết 2.200 năm sau”[4].

“… Phần lớn quan điểm của ông vẫn có ý nghĩa quan trọng trong hoàn cảnh hiện nay của chúng ta giống như trong thời đại của ông''.

Học giả Mỹ đã cộng tác với học giả Nhật, khai thác tư tưởng trong Mưu Công của Binh pháp Tôn Tử, đề xuất chiến lược mới để thay đổi thế cân bằng Mỹ -, gọi chiến lược đó là Chiến lược hạt nhân Tôn Tử.

Năm 1898, hội nghị học thuật quốc tế lần thứ nhất đã được tiến hành. Hầu như toàn bộ giới học thuật thế giới đều nhất trí đánh giá cao Binh pháp Tôn Tử cho rằng nó không chỉ hạn chế trong lĩnh vực quân sự mà có thể vận dụng vào mọi lĩnh vực đấu tranh xã hội: quân sự, chính trị, ngoại giao, công nghiệp, thương nghiệp, văn hoá, thể dục thể thao v.v. . . Binh pháp Tôn Tử là một viên ngọc ngời sáng trong kho tàng tri thức nhân loại.

Đại tá TRẦN NGỌC THUẬN




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1056-02-633389219263784528/Nhung-tac-pham-do-so-bat-hu-cua-Nhan-loai...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận