Tài liệu: Hoàng đế nội kinh - pho sách kinh điển bậc nhất của nền y học cổ truyền Trung Hoa

Tài liệu
Hoàng đế nội kinh - pho sách kinh điển bậc nhất của nền y học cổ truyền Trung Hoa

Nội dung

HOÀNG ĐẾ NỘI KINH – PHO SÁCH KINH ĐIỂN BẬC NHẤT

CỦA NỀN Y HỌC CỔ TRUYỀN TRUNG HOA

 

Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, khoảng thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ III Tr.CN, ở Trung Quốc xuất hiện pho sách y học đầu tiên tên là Hoàng đế Nội kinh; pho sách này được các nhà Đông y từ xưa tới nay coi là pho sách kinh điển bậc nhất của y học Trung Hoa cổ truyền. Câu nói truyền tụng từ xưa về bốn bộ sách Đông y kinh điển. Nội, Nạn, Thương, Kim thì từ Nội ở đây chỉ vào pho sách đứng đầu (Hoàng đế nội kinh).

Sách này lấy học thuyết Âm - Dương, Ngũ hành Thiên địa nhân hợp nhất làm cơ sở cho hệ thống lý luận của Đông y để giải thích quan hệ giữa con người và Vũ trụ; môi trường xung quanh, sinh thái, quan hệ giữa các tạng phủ trong cơ thể với nhau... theo nguyên tắc chỉnh thể, đã nêu lên những vấn đề của y học như Bệnh lý, chẩn đoán, phòng bệnh, dưỡng sinh tập luyện, điều trị,… do đó mà định ra cơ sở lý luận của Y học phương Đông. Có thể nói pho sách này đã đúc kết được nhiều kiến thức y học cả về lý thuyết, kiến thức y học và kinh nghiệm thực tiễn từ xưa cho đến thời đó.

Nội dung pho sách gồm có hai cuốn: Tố vấn Linh khu. Theo nhà Bác học Mã Nguyên Đài thì: Tố vấn do Hoàng đế cùng với sáu bày tôi là Kỳ Bá, Quỷ Du Khu, Bá Cao, Thiếu Sự và Lôi Công (chủ yếu là Kỳ Bá) lúc bình nhật cùng vấn đáp mà làm nên, và sách Linh khu thì soạn trước Tô vấn.

Đơn Ba Nguyên Giản, tác giả cuốn Linh khu thức cho biết khi người Nhật đọc cuốn sách này đều cho rằng các thiên trong cuốn Tố vấn thì viết theo lối vấn đáp, đầu mối bao la, còn cuốn Linh khu thì đại thể thuần nhất có thể sánh với cuốn Đại học của Nho Gia. Vì Linh Khu có nội dung chủ yếu là thuyết minh về sinh lý bệnh lý của kinh lạc, tạng phủ, nó hướng dẫn rõ ràng cụ thể về huyệt vị để vận dụng vào châm cứu, cho nên trong lịch sử y học các danh y gọi nó là Châm kinh.

Y gia các đời sau thường dựa trên cơ sở của Nội kinh mà phát triển, phát huy thêm Đông y như:

- Cuốn Hoàng đế 81 nạn kinh gọi tắt là Nạn kinh; tương truyền do Biển Thước soạn, nhằm giải thích nói thêm những điều thâm thúy của Nội kinh.

- Trương Trọng Cảnh (150 - 219) đã dựa trên cơ sở Nội kinh, phát triển thêm phép tắc biến chứng luận trị đã soạn ra bộ sách nổi tiếng Thương hàn tạp bệnh luận (bao gồm cả hai cuốn: Thương hàn luận Kim quỹ yếu lược).

Các nhà Y học nổi tiếng đời Kim, Nguyên, Minh đã phát huy thêm như:

- Lưu Hoàn Tố (1120 - 1200) soạn cuốn Tố vấn huyền cơ nguyên bệnh thức nêu cao lý luận Lục khí theo Hỏa mù hóa và lý luận Giáng Tâm Hoả, Ích Thận Thủy.

- Trương Tử Hỏa (1156 - 1230) đề cao phép Công hạ.

- Lý Đông Viên (1180 - 1251) soạn cuốn Tỳ Vị luận chú trọng bổ Thổ.

- Chu Đan Khê (1281 -1358) đề cao phép Tư Âm.

- Trương Cảnh Nhạc đời Minh đề cao phép Ôn bổ.

- Đại danh y Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông (1724 -1791) rất ca tụng Nội kinh, ví tầm quan trọng của Nội kinh đối với nhà Y cũng như Ngũ kinh đối với nhà Nho! Hải Thượng Lãn Ông đã lấy Nội kinh làm cơ sở, tham hợp với các sách kinh điển khác, phát huy bổ sung thêm kiến thức uyên bác, sáng tạo về Địa lý – Y học phương Nam, soạn ra bộ sách Đông y trứ danh Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh như trong lời phàm lệ:

            “… Bèn lấy sách Nội kinh làm gốc, sách Cẩm nang (của Phùng thị); sách Cảnh Nhạc (Toàn thư) để làm đề cương, tham hợp các sách khác… bổ sung những điều còn thiếu, nêu rõ cái tâm đắc của mình, vắt gan, vắt ruột soạn nên pho sách này…”

Và trong pho sách đồ sộ đó gồm 28 tập, 66 quyển thì Hải Thượng Lãn Ông đã trân trọng soạn riêng một tập và xếp lên sau quyển thủ (đầu) đó là cuốn Nội kinh yếu chỉ nêu lên ý nghĩa, những điều chủ yếu của pho Hoàng đế Nội kinh.

Giáo sư - Bác sĩ NGUYỄN VĂN THANG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1056-02-633389221190659528/Nhung-tac-pham-do-so-bat-hu-cua-Nhan-loai...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận