ĐẠO TẠNG
Đạo Tạng là tên gọi bộ Kinh sách của Đạo giáo Trung Quốc. Đạo nghĩa là Đạo giáo. Tạng nghĩa là chứa đựng, dung hợp. Không nên nhầm với Đại Tạng là một bộ kinh điển Phật giáo. Đạo giáo ra đời rất sớm. Đến thời Đông Hán (thế kỷ I - II) xuất hiện Ngũ Đấu Mễ Đạo và Thái Bình Đạo. Ngũ Đấu Mễ Đạo do Trương Đạo Lăng lập ra. Thái Bình Đạo do Trương Giác lập ra. Kinh điển hai đạo này là Đạo Đức Kinh, Lão Tử Tưởng Nhĩ Chú, Thái Bình Kinh.
Đạo Đức Kinh là tác phẩm của Lão Đam (Lão Tử) vốn là Kinh điển Lão giáo, một lý luận triết học. Đến Trương Đạo Lăng bèn xem là Kinh điển của Đạo Ngũ Đấu Mễ (Đạo này yêu cầu tín đồ nộp 5 đấu gạo mới được công nhận), dùng quan điểm tôn giáo giải thích Đạo Đức Kinh.
Lão Tử Tưởng Nhĩ Chú, tương truyền là tác phẩm của Trương Đạo Lăng. Thực chất là chú thích Đạo Đức Kinh theo quan điểm tôn giáo. Dùng âm - dương, ngũ hành giải thích Vũ trụ. Dùng khí công (thổ nạp đạo dẫn) và quan hệ giới tính (phòng trung thuật) để dưỡng sinh đạt đến trường sinh bất tử...
Thái Bình Kinh có nhiều tên gọi khác nhau, thông thường chỉ bộ Thái Bình Thanh Lĩnh Thư 170 quyển của Vu Cát hay Thái Bình Động Cực Kinh 144 quyển của Trương Đạo Lăng đã mất mát, chỉ còn 50 quyển (vốn có 170 quyển). Sách này nói về âm - dương, ngũ hành, bói toán, nguyên khí, thái hòa,… bàn về quan hệ trời, đất, nam-nữ, Vua-tôi...
Đến thời Nam Bắc triều (thế kỷ III-V) xuất hiện một số đạo sĩ nổi tiếng với nhiều tác phẩm. Đáng lưu ý có tác phẩm của Cát Hồng (284-364). Khấu Khiêm Chi (365-448), Lục Tu Tịnh (406-477), Đào Hoẵng Cảnh (436-536).
Cát Hồng là một đạo sĩ luyện đan nổi tiếng, một nhà y học. Hiện nay còn lưu lại các tác phẩm: Bão phác Tử nội ngoại thiên, Thần Tiên truyện, Trữu Hậu Yếu Cấp phương... Bão phác Tử nội thiên 20 quyển bàn luận thuốc tiên, quỷ Thần biến hóa, dưỡng sinh trường thọ, trừ tai diệt họa. Tuy có nhiều điều quỷ quái nhưng có nhiều phương pháp dưỡng sinh đáng lưu ý và nhất là về mặt bản thể luận đưa ra khái niệm Huyền làm bản thể Vũ trụ, là một cống hiến lý luận mới. Bão phác Tử nội thiên bàn về khả năng thành tiên (trường sinh bất tử) của con người, đúc kết các kinh nghiệm luyện đan, thực chất là nghiên cứu hóa học thời cổ mà ngày nay các nhà hóa học rất coi trọng. Bão phác tử ngoại thiên 50 quyển chủ trương kết hợp Đạo tu tiên với ứng xử xã hội theo Nho giáo, kêu gọi quân Vương chiêu hiền đãi sỹ Riêng Trữu Hậu Yếu Cấp phương thì chủ yếu là sách thuốc.
Khấu Khiêm Chi giả danh được Thái Thượng Lão Quân ban bộ Vân Trung Âm Tụng Tân Khoa Chi Giả 20 quyển, giả danh được phong Thiền Sư. Họ Khấu mượn danh nghĩa Thái Thượng Lão Quân làm ra bộ sách đó để cải tạo Đạo giáo của ba ông họ Trương (Trương Đạo Lăng, Trương Giác, Trương Lỗ là những lãnh tụ khởi nghĩa nông dân) đề cao Nho giáo. Sau đó, họ Khấu lại mượn danh Thượng sư Lý Phổ Văn giáng lâm ban cho Lục Đồ Chân Kinh đưa ra Vô Cực Chí Tôn là Thần tối cao của Đạo giáo, phù trợ Vương triều...
Lục Tu Tịnh sáng tác rất nhiều nhưng đa số đã thất truyền. Các tác phẩm quan trọng là Đạo Đức Kinh Tạp Thuyết 1 quyển, Linh Bảo Kinh Mục Tự 1 quyển, Tất nhiên luận 1 quyển, Vinh ấn Luận 1 quyển, Minh pháp Luận 1 quyển, Quy Căn Luận 1 quyển... Nhưng công lao lớn nhất của ông đối với Đạo giáo là thu thập 1228 Kinh, chỉnh lý, phân loại, biên soạn Tam Đông Kinh Thư Mục Lục, cơ sở hình thành bộ Đạo Tang sau này. Bộ mục lục chia thành ba thừa (hay là tam động tức ba động). Thượng thừa Động Chân Bộ gồm các Kinh văn nhân danh Nguyên Thỉ Thiên Tôn. Trung thừa Động Huyền Bộ gồm những Kinh văn nhân danh Thái Thượng Đạo Quân. Tam thừa Động Thần Bộ gồm Kinh văn nhân danh Thái Thượng Lão Quân. Tam Động là ba bộ lớn mỗi bộ chia thành 12 loại: Kinh văn, Thần Phù, Bảo quyết, Linh đồ, Phả lục, Giới luật, Uỷ nghi, Phương pháp, Chứng thuật, Ký truyện, Tán tụng, Chương biểu. Về sau Mạnh Pháp Sư Tri Châu thêm Tứ Phụ: Thái huyền, Thái bình, Thái Thanh, Chính Nhất; đã đưa các bộ Kinh Thái Huyền Kinh, Thái Bình Kinh, Kim Đan Chư Kinh, Chính Nhất Kinh vào tùng thư. Hình thành Tam Động Tứ phụ Tổng Mục hoàn thiện, đưa ra phương pháp phân loại Tam Động Tứ Phụ Thập Nhị Loại. Đó là một phương pháp phân loại tùng thư đặc biệt vừa mang tính chất thư mục học vừa mang tính chất phân tầng đẳng cấp tín đồ theo một tôn ti trật tự tùy theo loại Kinh mà tín đồ đó tu luyện. Đó là một phương pháp phân loại đặc thù không những trong thư tịch học Trung Quốc mà cả trong thư tịch học thế giới. Một phương pháp phân loại kết hợp thư mục với nội hàm tôn giáo. Cũng có tư liệu cho rằng, toàn bộ phương pháp phân loại này là sáng tạo của Lục Tu Tịnh, Mạnh Pháp Sư chỉ là người kế tục.
Đào Hoằng Cảnh là một nhà tư tưởng Đạo giáo tinh thông y học, dưỡng sinh, thiên văn, địa lý, văn học. Ông biết hơn 80 loại sách. Nổi tiếng nhất là Chân Linh Vị Nghiệp Đồ.
Chân Linh Vị Nghiệp Đồ tập hợp hơn 700 vị Thần Đạo giáo của nhiều chi phái, nhiều địa phương, hệ thống hóa thành 7 bậc tức 7 đẳng cấp theo một tôn ti trật tự nhất định. Mỗi bậc gồm có một vị Thần chính cùng nhiều vị Thần khác cai quản một Cảnh (thế giới). Bậc thứ nhất, vị Thần chính là Nguyên Thỉ Thiên Tôn với 29 Thần cai quản Ngọc Thanh Cảnh. Bậc thứ hai, vị Thần chính là Huyền Hoàng Đại Đạo Quân với 104 Thần cai quản Thượng Thanh Cảnh. Bậc thứ ba, vị Thần chính là Thái Cực Kim Cương Đế Quân Lý Hoằng (tức Thái Bình Chân Quân) cai quản Thượng Thanh Thái Cực Kim Khuyết. Bậc thứ tư, vị Thần chính là Thái Thượng Lão Quân với 174 Thần cai quản Thái Thanh Cảnh. Bậc thứ năm, vị Thần chính là Cửu Cung Cung Thượng Thư Trương Phụng với 36 Thần cai quản Thiên tào tiên quan. Bậc thứ sáu, vị Thần chính là Hữu Cấm Lang Định Lục Chân Quân Mao Cố (tức Trung Mao Quân) với 173 vị thần cai quản chư vị địa tiên. Bậc thứ bảy, vị Thần chính là Phong Đô Bắc Âm Đại Đế với 88 vị Thần cai quản địa ngục. Hệ thống đó hình thành một hòn núi thiêng thường cho là Núi Thái sơn. Đạo giáo vốn hỗn tạp cho nên danh hiệu các Thần đôi khi khác nhau nhiều ít, Thần phả cũng nhiều dị bản. Nhưng Chân Linh Vị Nghiệp Đồ vẫn là cơ sở Thần điện Đạo giáo.
Đến thời Đường, niên hiệu Khai Nguyên (713-741), Vua Huyền Tông ra lệnh biên tập bộ Tam Động Quỳnh Cang (tức Khai Nguyên Đạo Tạng) gồm 3744 quyển. Đây là bộ Đạo Tạng đầu tiên. Vua Đường họ Lý, tự nhận là con cháu Lý Đam tức Thái Thượng Lão Quân của Đạo giáo. Cho nên Đạo Đức Kinh được nghiên cứu, đề cao chú giải, đưa vào thi cử... Vì vậy mới biên soạn bộ Khai Nguyên Đạo Tạng.
Đời Tống, 6 lần biên soạn Đạo Tạng. Lần thứ nhất, Tống Thái Tông hạ lệnh sưu tầm chỉnh lý được 3737 quyển. Lần thứ hai, năm 1016 Tống Chân Tông ra lệnh Vương Khâm Nhược chủ trì biên tập bộ Bảo Văn Thống Lục 4359 quyển. Chẳng bao lâu sau đó, Chân Tông lại sai Trương Quân Phòng chủ trì biên tập bộ Đại Tống Thiện Cung Bảo Tạng 4565 quyển. Trương Quân Phòng trích yếu bộ Bảo Tạng này soạn thành sách Vân Kíp Thất Tiêm 122 quyển. Lần thứ tư, thời Tống Huy Tông sai Lưu Đạo Nguyên chủ trì biên soạn bổ sung bộ Bảo Tạng thành bộ Sùng Ninh Trùng Hiệu Đạo Tạng (tức bộ Đạo Tạng hiệu đính năm Sùng Ninh 1102-1106). Đến niên hiệu Chính Hòa (1111-1118) lại sưu tầm thêm, tăng bổ cho bộ trước thành bộ Vạn Thọ Đạo Tạng hay còn gọi là Chính Hòa Đạo Tạng 5481 quyển. Lần thứ sáu, năm 1117, Tống Hiếu Tông thấy bộ Chính Hòa Đạo Tạng bị thất lạc bèn ra lệnh sưu tầm biên soạn bộ Quỳnh Chương Bảo Tạng 5481 cuốn. Hai bộ Chính Hòa Bảo Tạng và Quỳnh Chương Bảo Tạng là căn cứ của các bộ Đạo Tạng sau này.
Trong thời Tống có nhiều đạo sĩ nổi tiếng như Trần Đoàn, Trương Bá Đoan với nhiều tác phẩm Đạo giáo nổi tiếng như Vô Cực Đồ, Ngộ Chân Thiên.
Triều Kim dưới thời Chương Tông (1190-1208), Tôn Minh Đạo phụng chiếu biên soạn Đại Kim Huyền Đô Bảo Tạng 6455 quyển. Trong thời Nguyên (thế kỷ XIII- XIV) đã bổ sung thêm cho bộ sách này lên đến 7800 quyển. Nhưng chính cũng trong thời Nguyên các năm 1258, 1281, 1284, 1291 bốn lần tiêu hủy Đạo Tạng.
Cho nên đến đời Minh, thời Chính Thống (1436 - 1449), Vua hạ lệnh sưu tầm biên soạn bộ Chính Thống Đạo Tạng 5305 quyển. Đem khắc in phát cho các đạo quán. Đến thời Thần Tông năm Vạn Lịch thứ 35 (1607), Trương Quốc Tường phụng mệnh khắc in bộ Vạn Lịch Tục Đạo Tạng tăng thêm 180 quyển. Thành ra cả hai bộ Đạo Tạng gồm 5485 quyển của 1476 loại Kinh sách.
Do hai bộ Đạo Tạng thời Minh quá đồ sộ cho nên trong thời Thanh niên hiệu Khang Hy (1662- 1722), Bành Định Cầu bèn tuyển chọn soạn ra Đạo Tạng Nhiếp Yếu 28 tập hơn 200 sách. Niên hiệu Gia Khánh (1796-1820), Tưởng Nguyên Đình soạn Đạo Tạng Nhiếp Yếu Mục Lục.
Năm 1924 - 1926, nhà xuất bản Hàm Phấn Lâu ở Thượng Hải (Trung Quốc) ảnh ấn bản Đạo Tạng tàng trữ lại Bạch Vân Quán (Bắc Kinh) thành bộ Chính Tục Đại Tạng gồm 1467 loại sách, cả thảy 5485 cuốn sách đóng thành 1120 tập. So với bộ Tam Động Quỳnh Cang thời Đường thì tăng lên 1700 cuốn sách. Năm 1935, Ông Độc Kiện làm Đạo Tạng Tử Mục Dẫn Đắc chia thành bốn mục: phân loại, tên Kinh, tên soạn giả, sử truyện. Đó là một thư mục hiện đại, tiện ra cứu cho một Tùng thư mà cách phân loại độc đáo - Tam Động Tứ phụ - của Đạo Tạng.
Đạo Tạng không phải chỉ bao gồm các Kinh bản cơ bản như Tam Hoàng Kinh, Linh Bảo Kinh, Thượng Thanh Kinh, Tam Động Chân Kinh... mà còn bao gồm nhiều sách khác. Một phần, các sách của Mặc Tử, Công Tôn Long, Hàn Phi Tử, Tôn Tử... hoặc nguyên tác hoặc chú giải. Một phần là các sách bùa chú thư Linh đồ, Khẩu ngộ, Tiên thi, Bi minh, Tiên Phố,… Một phần sách của Lão Tử, Trang Chu. Một phần sách luyện đan tìm thuốc trường sinh bất tử.
Đạo Tạng vừa phong phú vừa hỗn tạp, vừa bác học vừa dân gian, vừa khoa học vừa tôn giáo... Quá trình hình thành Tùng thư này lại lâu dài, nhiều lần biên soạn, cho nên nội dung không thống nhất. Không phải tất cả những sách trong bộ trước đều được đưa vào bộ sau, càng không nhất thiết cùng một tên sách thì trong bộ nào nội dung cũng nhất quán. Do đó nhiều khi người ta dẫn tên sách khác nhau hay dẫn tư liệu khác nhau của cùng một tên sách. Cho đến hiện nay, tuy các học giả Trung Quốc và Nhật Bản đã viết nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học, song việc giám định văn bản Đạo Tạng vẫn còn là việc chưa ai làm một cách toàn diện.
Trong Đạo giáo có các học thuyết của Lão Tử, Khổng Tử, Phật giáo... nhưng đều đã Đạo giáo hóa. Một số người đã lầm lẫn Lão giáo (học thuyết của Lão Tử) với Đạo giáo, đồng nhất hai thuật ngữ mang nội hàm khác nhau này. Lão Tử là một con người có thật, dù tiểu sử cuộc đời chưa thật rõ ràng chính xác, còn Thái Thượng Lão Quân là hình ảnh Thần hoá của Lão Tử trong Đạo giáo.
Phần đáng nghiên cứu nhất trong Đạo Tạng là phần y dược (nội đan, ngoại đan) và dưỡng sinh (khí công... ). Phần tôn giáo rất có giá trị cho nghiên cứu văn hoá Cổ đại. Tất nhiên còn nhiều phần lạc hậu, không thích dụng hiện nay.
PGS. NGUYỄN DUY HINH