Động vật nào cũng có tai chăng?
Không, nhưng mọi động vật đều có khả năng cảm nhận những thay đổi của áp suất không khí hoặc nước, tức là sóng. Ở loài ong, sóng âm được râu (ăng ten) thu nhận, nhờ lông cứng nối với các tế bào cảm giác. Ở các loài côn trùng khác, những tế bào cảm giác này, nhạy với sự dãn ra, được nối với một màng rung tức là ''màng nhĩ''. Vị trí của màng này khác nhau theo loài, ví dụ có thể nằm ở chân hoặc bụng. Màng nhĩ thường kết hợp với mạng lưới hô hấp có các ống chứa đầy khí giúp khuếch đại âm thanh. Nhưng chỉ động vật có xương sống mới có tai thật sự, với thính giác là tai trong gồm các tế bào có khả năng biến đổi tín hiệu rung thành tín hiệu điện để hoạt hoá tế bào thần kinh.
Cấu tạo của tai không giống nhau ở tất cả các động vật có xương sống. Cá chỉ có tai trong thu trực tiếp sóng âm đã đi qua da, xương và cơ. Động vật bốn chi có cả tai giữa và tai ngoan. Vai trò của tai giữa là truyền sóng âm từ môi trường không khí vào môi trường lỏng tẩm ướt tai trong. Hiện tượng truyền này diễn ra nhờ một chuỗi xương con, bên này tiếp xúc với màng nhĩ, bên kia với tai trong. Về mặt tiến hoá, xương con bắt nguồn từ sự biến đổi xương hàm của cá. Tai giữa của bò sát và chim chỉ có một xương con, của ếch nhái là hai và của động vật có vú là ba (xương búa, xương đe và xương bàn đạp). Còn tai ngoài với vành tai chỉ có ở động vật có vú, nhằm hướng sóng âm tới màng nhĩ.