Nghe để làm gì?
Trước hết là để giao tiếp. Giao tiếp bằng âm thanh có vai trò quan trọng trong sự sinh sản. Hươu đực kêu lên để quyến rũ hươu cái. Chim sẻ ngô mái đầu đen chọn chim trống có tiếng hót đa dạng nhất v.v… Sự giao tiếp này cũng là cần thiết để duy trì mọi liên hệ giữa các cá thể, như giữa mẹ và con, nhất là khi không dễ nhìn (chủ yếu ở dưới nước hoặc trong rừng rậm). Một số tiếng kêu cũng có chức năng báo động sự nguy hiềm ở gần, như tiếng kêu báo nguy khác nhau của khỉ trán trắng khi một con đại bàng, con báo hoặc rắn đến gần. Tiếng kêu cũng giúp động vật bảo vệ lãnh thổ hoặc thông báo cương vị thứ bậc của chúng. Chó biển ở Nam cực ''hát" hàng giờ để cấm các con đực khác không được đến gần lãnh thổ của nó vì lũ chó cái đang ở đấy.
Hai là tín hiệu âm thanh cũng được một số loài động vật sử dụng để định hướng và săn mồi. Loài dơi là đỉnh cao của cấp độ chính xác về mặt này. Năm 1940, hai nhà khoa học người Mỹ, Donald Griffin và Robert Galambos đã chứng minh rằng loài động vật có vú này phát hiện được tiếng dội của siêu âm mà nó phát ra, không những để định vị các vật chướng ngại khi nó di chuyển, mà còn xác định cả khoảng cách, kích thước, vị trí và tốc độ tương đối của con mồi. Loại dò tìm này có tên là định vị trung đội, cũng có ở cá voi hoặc cá heo.