Thiên thạch có đem lại nước và sự sống không?
Các chuyên gia hóa học tiền sinh rất nhạy cảm với giả thuyết này. Khoảng 5% số thiên thạch hạt có cacbon. Một trong những thiên thạch nổi tiếng nhất đã thu được ngày 15 tháng 5 năm 1864 ở Orgueil, gần Montauban (Tarn-et-Garonne, Pháp). Người ta liền so sánh nó với than bùn và cho rằng nó có thể có nguồn gốc hữu cơ. Việc phân tích thiên thạch rơi ở Murchison (Australia) ngày 28 tháng 9 năm 1969 đã cho thấy có hydrocacbua và hơn 70 axit amin - những viên gạch của phân tử thuộc thế giới sinh vật. Chỉ có một vướng mắc nhỏ: các axít này là một hỗn hợp của hai dạng quay phải (hữu tuyền) và quay trái (tả tuyền), trong khi toàn bộ chất hữu cơ có nguồn gốc sinh học đã biết trên Trái đất chỉ có dạng quay trái. Nhưng cũng phải nhấn mạnh là một số axit amin của Murchison có lẽ giàu dạng quay trái hơn. Việc phân tích những thiên thạch được coi là của Sao Hoả cũng không chứng tỏ có sự sống nguyên thủy trên hành tinh đỏ này (xem bài Sao Hỏa). Những nghiên cứu về thiên thạch ALH 84001 từng được NASA làm rùm beng trước khi phóng con tàu Người quan sát Sao Hỏa (Mars Observer) mùa hè năm 1996, cũng không giúp đưa ra một kết luận chắc chắn. Hiện nay vẫn không có gì chứng tỏ rằng những dấu vết tìm thấy ở thiên thạch gốc Sao Hỏa này là những hóa thạch của đời sống vi khuẩn.
Về nước, câu trả lời cũng không dứt khoát. Các SNC chứa các vật liệu ngậm nước, phần lớn thiên thạch hạt có cacbon cũng vậy. Rất có thể trận oanh tạc thiên thạch dữ dội đã xảy ra trong khi hành thành hệ mặt trời, do đó Trái đất đẫ đóng góp lượng nước mà nó đã có vào đó khi nó đang hình thành. Từ đó nếu cho rằng toàn bộ nước của Trái đất đều bắt nguồn từ các thiên thạch, thì không một chuyên gia nào dám quả quyết.