Tài liệu: Ấn Độ - Công nghiệp Ấn Độ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Từ lúc độc lập, việc công nghiệp hóa ở Ấn Độ được coi như động cơ của sự tăng trưởng cho phần còn lại của nền kinh tế và là nguồn cung ứng việc làm để giâm bớt nghèo đói.
Ấn Độ - Công nghiệp Ấn Độ

Nội dung

CÔNG NGHIỆP ẤN ĐỘ

Từ lúc độc lập, việc công nghiệp hóa ở Ấn Độ được coi như động cơ của sự tăng trưởng cho phần còn lại của nền kinh tế và là nguồn cung ứng việc làm để giâm bớt nghèo đói. Vào đầu thập niên 1990, nhiều tiến bộ quan trọng đã được thực hiện, nhưng sự tăng trưởng công nghiệp không đạt được mức dự kiến. Việc sản xuất công nghiệp gia tăng bình quân 6,1% trong thập kỷ 1950, 5,3% trong thập kỷ 1960, và 4,2% trong thập kỷ 1970. Việc tập trung vào những ngành công nghiệp qui mô lớn, được đầu tư nhiều đã tạo ra số việc làm ít hơn hẳn so với con số 10 triệu chỗ làm đã dự kiến. Do đó tình trạng thất nghiệp và bán thất nghiệp vẫn là một vấn đề đối với Ấn Độ.

Tuy nhiên, trong thập kỷ 1980 sản xuất công nghiệp đã gia tăng trung bình 6,6%. Chính quyền Ấn Độ đã đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp kể từ ngày độc lập. Trong thập kỷ 1980 và đầu thập kỷ 1990, Ấn Độ bắt đầu tăng cường bãi bỏ những sự kiểm soát về công nghiệp. Tuy nhiên, vào giữa thập kỷ 1990, đã có sự độc quyền của nhà nước đối với hầu hết các hoạt động sản xuất và dịch vụ về năng lượng và truyền thông, và nhà nước chi phối các ngành công nghiệp về thép, kim loại phi sắt, dụng cụ máy, đóng tàu, hóa chất, phân bón, giấy và than.

Trong năm 1992, các công ty nhà nước có doanh thu 1,7 ngàn tỉ Rs. Trên 50% của tổng số này là từ 10 công ty, trong đó quan trọng nhất là các công ty về dầu mỏ, thép và than. Tất cả các công ty nhà nước thu được lợi nhuận ròng sau thuế là 2,4% so với số vốn đầu tư trong năm 1992, nhưng trong đó 3 công ty lớn về dầu mỏ đã chiếm 95%. Thực tế là đã có 106 trong số 133 công ty nhà nước bị thua lỗ. Một số nhà phân tích tin rằng sự thiếu hiệu quả của bộ phận nhà nước trong ngành công nghiệp Ấn Độ đã được che giấu bằng cách đổ lên đầu người tiêu dùng những chi phí lớn trong các sản phẩm độc quyền.

SẢN XUẤT VẢI SỢI

Ngành dệt bông ở Ấn Độ là một ngành công nghiệp được xây dựng tốt và huy động một lực lượng lao động lớn hơn tất cả những lĩnh vực khác. Sản lượng trong năm 1992 là 19 tỉ mét vuông vải. Tỉ lệ của ngành này trong các ngành sản xuất đã giảm từ 79% của năm 1951 xuống còn 30% trong đầu thập kỷ 1990 do sự hạn chế về việc tăng cường công suất và thiết bị mới, cùng với nhiều loại thuế khác nhau đánh vào mặt hàng này. Thị trường xuất khẩu chính là Nga và những nước cộng hòa khác ở Liên Xô cũ. Các máy dệt đã chiếm một tỉ lệ lớn trong công cụ sản xuất của ngành dệt. Số lượng máy dệt đã tăng từ 24.000 cái của năm 1951 lên 800.000 cái năm 1989. Máy dệt đã chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp xuất khẩu quần áo. Ngoài ra có một bộ phận quan trọng các khung cửi, chủ yếu thu hút lao động ở các vùng nông thôn.

THÉP VÀ NHÔM

Sau ngày độc lập, chính quyền đã quan tâm rất nhiều vào việc phát triển một ngành công nghiệp thép cho Ấn Độ. Trong năm 1991, 6 nhà máy lớn, trong đó có 5 nhà máy thuộc dạng nhà nước, đã sản xuất 10 triệu tấn thép. phần còn lại của sản lượng thép là 4,7 triệu tấn được sản xuất từ 180 nhà máy nhỏ, hầu hết là của tư nhân. Sản lượng thép của Ấn Độ đã tăng gấp đôi trong thập kỷ 1980 nhưng vẫn không đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường của năm 1991, với 2,7 triệu tấn phải nhập khẩu. Trong khoảng giữa thập kỷ 1990, chính quyền nhắm vào việc đầu tư của bộ phận tư nhân cho những nhà máy thép mới. Việc sản xuất đã gia tăng đáng kể với kế hoạch lập một nhà máy có công suất 1 triệu tấn và ba nhà máy gang với tổng công suất 600.000 tấn tại Tây Bengl, với sự hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư tài chính của Trung Quốc. Ngành công nghiệp nhôm của Ấn Độ đã gia tăng từ sản lượng 5.000 tấn năm vào thời kỳ độc lập lên 483.000 tấn vào năm 1992, trong số đó có 113.000 tấn đã được xuất khẩu. Các nhà phân tích tin rằng ngành công nghiệp này có một tương lai tốt đẹp lâu dài vì Ấn Độ có một trữ lượng bauxit rất lớn.

ĐIỆN TỬ VÀ Ô TÔ

Lĩnh vực kỹ thuật của Ấn Độ rất lớn và đa dạng, đã cung ứng một tỉ lệ xuất khẩu là 12% trong khoảng giữa thập niên 1990. Trong đó hai lĩnh vực nhỏ là điện tử và ô tô là năng động nhất.

Các công ty điện tử của Ấn Độ đã được hưởng lợi từ chính sách tự do hóa kinh tế trong thập kỷ 1980, bao gồm việc nới lỏng các hạn chế trong việc nhập khẩu công nghệ và phụ tùng, bãi bỏ giấy phép, đầu tư nước ngoài và giảm các loại thuế. Sản lượng của các nhà máy điện tử đã tăng từ l,8 tỉ Rs của năm 1970 lên 8,1 tỉ Rs của năm 1980 và lên đến 123 tỉ Rs của năm 1992. Hầu hết sự mở rộng sản xuất là ở ngành máy tính và đồ điện tử tiêu dùng.

Sản lượng máy tính của Ấn Độ đã tăng tư 7.500 bộ vào năm 1985 lên 60.000 bộ vào năm 1988 và khoảng 200.000 bộ vào năm 1992. Trong khoảng thời gian này, những tiến bộ lớn trong ngành công nghiệp máy tính nội địa đã dẫn tới doanh thu cao hơn.

Hàng điện tử tiêu dùng sản xuất ở Ấn Độ chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng điện tử. Trong năm 1990, lượng hàng sản xuất bao gồm 5 triệu ti vi, 6 triệu radio, 5 triệu băng từ, 5 triệu đồng hồ điện tử, và 140.000 đầu máy video.

Một sự mở rộng tương tự cũng được thực hiện đối với ngành công nghiệp ô tô. Cho đến thập kỷ 1980 chính quyền vẫn còn quan niệm rằng ô tô là loại xa xỉ không thiết yếu và ngăn trở việc sản xuất cũng như tiêu dùng mặt hàng này. Sau đó sản lượng đã tăng tư 30.000 chiếc của năm 1980 lên 181.000 chiếc trong năm 1990.

Công ty lớn nhất, Maruti, thuộc sở hữu nhà nước, đã xuất khẩu một số loại ô tô sang Đông Âu và Pháp. Việc sản xuất các loại ô tô khác cũng được mở rộng. Trong năm 1990 Ấn Độ đã sản xuất 176.000 xe thương mại, chẳng hạn như xe tải và xe buýt, và 18 triệu xe máy hai bánh. Với sự bãi bỏ hệ thống giấy phép sản xuất của chính quyền vào tháng 3 năm 1993, các nhà sản xuất Anh Quốc, Pháp, Đức, Ý và Mỹ, cùng với những cơ sở ở Nam Triều Tiên, tuyên bố rằng họ sẽ tham gia cùng với những công ty của Nhật Bản và những công ty khác của Nam Triều Tiên đã hoạt động tại Ấn Độ trong việc liên doanh sản xuất xe khách vào năm 1995. Sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ đã duy trì sự mở rộng công nghiệp và buộc những công ty nội địa sản xuất theo lối cũ, chẳng hạn như Hindustan Motors, trở nên có sức cạnh tranh hơn.

NĂNG LƯỢNG

Ấn Độ sản xuất được 90% nhu cầu năng lượng của mình, trong đó 65% được đáp ứng bằng than. Mặc dù việc sản xuất năng lượng thương mại đã được mở rộng đáng kể kể từ ngày độc lập việc cung ứng không đủ năng lượng cho nhu cầu trong nước đã trở thành một mối thúc ép trong sự tăng trường công nghiệp. Nhu cầu năng lượng ở Ấn Độ đã gia tăng nhanh chóng vào đầu thập kỷ 1990, tuy nhiên việc tiêu thụ năng lượng thương mại vẫn ở mức thấp nhất trên thế giới. Nhiều nguồn năng lượng sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt, chẳng hạn như việc dùng củi và phân thú vật là chưa thể thống kê được. Hầu hết các hoạt động sản xuất và phân phối năng lượng đều thuộc về các bộ phận nhà nước, nhưng từ giữa thập kỷ 1990 chính quyền Ấn Độ đã khuyến khích việc đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực này.

Ngành công nghiệp về than của Ấn Độ là một bộ phận chính của nền kinh tế. Những mỏ than có nhiều ở Bihar, Madhya Prađesh, Orissa, và Tây Bengal. Trữ lượng về than sẽ còn nhiều trong thế kỷ 21. Trong thập kỷ 1980, sự phát triển các mỏ lộ thiên vượt trội hơn các mỏ ngầm, vì tốc độ khai thác nhanh hơn. Hầu hết ngành công nghiệp này đã được quốc hữu hóa vào đầu thập kỷ 1970. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Than Ấn Độ được thành lập năm 1975, 1à một công ty cổ phần của chính quyền có nhiều chi nhánh hoạt động. Việc sản xuất bị đình đốn vào thập kỷ 1970 với sản lượng chỉ ở mức 105 triệu tấn, sau một cuộc bột phát lúc đầu theo sau việc quốc hữu hóa. Vào cuối thập kỷ 1970 và suốt thập kỷ 1980, ngành công nghiệp than của Ấn Độ gặp nhiều khó khăn do các mỏ bị ngập lụt, sự thiếu điện năng, sự trì hoãn trong việc khai thác những mỏ mới, sự không ổn định về lao động, thiếu chất nổ, vận tải kém, và những vấn đề về môi trường.Giá than do chính quyền định đã không bù mại được chi phí sản xuất đối với những mỏ gặp khó khăn về kỹ thuật.

Trong suốt thời gian cuối thập kỷ 1970 và cả thập kỷ 1980, ngành than của Ấn Độ, cùng với ngành điện và vận tải, là chỗ đình trệ của nền kinh tế. Theo Kế hoạch Năm năm lần thứ 7, chỉ tiêu đặt ra cho sản lượgng than là 226 triệu tấn cho năm 1989, nhưng thực tế chỉ đạt được 214 triệu tấn. Sau đó, đến năm 1991 sản lượng đã tăng lên đến mức 241 triệu tấn và đến năm 1992 và 251 triệu tấn. Nhu cầu hàng năm về than vào giữa thập kỷ 1990 là khoảng 320 triệu tấn, một mức độ ở ngoài tầm tay nếu như không có những bước nhảy vọt về hiệu quả và một sự đầu tư ở qui mô lớn.

DẦU MỎ VÀ KHÍ THIÊN NHIÊN

Ấn Độ có một trữ lượng đáng kể về dầu mỏ và khí thiên nhiên. Bốn trong số 6 công ty làm ra lợi nhuận hàng đầu của Ấn Độ và những doanh nghiệp về dầu mỏ và khí thiên nhiên. Ấn Độ có nguồn dầu mỏ bản xứ đáp ứng được 60% nhu cầu trong nước và đã làm việc tích cực để khai thác các dạng năng lượng khác nhằm bù đắp 40% nhu cầu còn lại. Trữ lượng thương mại về dầu mỏ của Ấn Độ được phát hiện lần đầu tiên tại Assam năm 1889. Hội đồng Dầu mỏ và Khí Thiên nhiên được thành lập năm 1954 như là một bộ phận của cơ quan Khảo sát Địa lý của Ấn Độ. Tuy nhiên đến năm 1959 một đạo luật của quốc hội đã biến hội đồng này thành một công ty dầu mỏ quốc gia. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dầu mỏ Ấn Độ, trước đây được nhà nước sở hữu một phần ba, cũng được thành lập năm 1959 và khai thác một mỏ đầu do công ty Dầu mỏ Burmah phát hiện. Năm 1981 nhà nước đã mua tất cả tài sản trong nước của Công ty Dầu mỏ Burmah và sở hữu hoàn toàn Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dầu mỏ Ấn Độ.

Những mỏ dầu đầu tiên phát hiện được ở Ấn Độ có trữ lượng khá khiêm tốn. Sản lượng dầu ở Ấn Độ là 200.000 tấn năm 1950 và 400.000 tấn năm 1960. Đến đầu thập kỷ 1970, sản lượng này đã tăng lên đến mức 8 triệu tấn. Năm 1974 Hội đồng Dầu mỏ và Khí Thiên nhiên Ấn Độ đã phát hiện một mỏ lớn - gọi là mỏ Bombay Cao - ở ngoài khơi Bombay. Sản lượng dầu mỏ của Ấn Độ từ mỏ này đã tạo ra một sự tăng trưởng nhanh chóng trong tổng lượng dầu sản xuất được vào cuối thập kỷ 1970 và suốt thập kỷ 1980. Năm 1989, sản lượng dầu lên đến mức cao điểm là 34 triệu tấn, trong đó sản lượng của mỏ Bombay Cao chiếm 22 triệu tấn. Vào đầu thập niên 1990, những giếng dầu ở ngoài khơi đã bị đóng cửa trong những mỏ khai thác kém hiệu quả, và sản lượng giảm xuống còn 27 triệu tấn vào năm 1993. Số lượng đó không đủ đáp ứng nhu cầu của Ấn Độ, và 30,7 triệu tấn dầu thô đã được nhập khẩu vào năm 1993.

Ấn Độ có 35 mỏ dầu lớn trên bờ biển (chủ yếu là ở Assam và Gujarat) và bốn mỏ lớn ở ngoài khơi (gần Bombay, phía Nam Pondicherly, và ở vịnh Palk). Trong số 4.828 giếng dầu, năm 1990 có 2.514 giếng sản xuất ở mức 664.582 thùng một ngày. Mỏ dầu với sản lượng lớn nhất là mỏ Bombay Cao, với sản lượng 402.797 thùng một ngày vào năm 1990, lớn gấp 15 lần so với mỏ lớn thứ hai. Toàn bộ trữ lượng được ước tính vào khoảng 6,1 tỉ thùng.

Chính quyền đã phê chuẩn những kế hoạch khai thác đầy tham vọng nhằm nâng sản lượng lên hầu đáp ứng cho nhu cầu trong nước và để khai thác những mỏ mới phát hiện càng nhanh càng tốt. Vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 có những phát hiện đáng khích lệ ở Tamil Nadu, Gujarat, Andhra Pradesh, và Assam; trong số này có nhiều mỏ nằm ngoài khơi. Đến khoảng giữa thập niên 1990 những mỏ mới này đã cho sản lượng từ 15 đến 20 triệu tấn, nâng tổng sản lượng của cả nước lên 51 triệu tấn. Đầu thập niên 1990 chính quyền đã phục hồi những nỗ lực, vốn đã bắt đầu từ đầu thập niên 1980, để thu hút các công ty dầu mỏ nước ngoài mua các hợp đồng thăm dò và sản xuất dầu mỏ. Những nỗ lực này chỉ đem lại một sự đáp ứng khiêm tốn bởi vì những điều kiện đưa ra rất khó khăn, và những công ty nước ngoài vẫn còn hoài nghi về môi trường đầu tư ở Ấn Độ. Một trong những đáp ứng đó là vào tháng Giêng năm 1995, khi một liên doanh Ấn Độ - Kuwait được thành lập để đầu tư vào một nhà máy lọc dầu tạo bờ biển phía Đông Ấn Độ.

Một số lượng quan trọng khí thiên nhiên ở Ấn Độ đã được sản xuất cùng với dầu thô. Cho đến thập niên 1980, hầu hết lượng khí này đều bị thải đi vì không có đường ống dẫn hay các phương tiện chế biến để mang nó đến cho người tiêu dùng. Vào đầu thập niên 1980, những cuộc đầu tư lớn đã được thực hiện để đưa dầu từ mỏ Bombay Cao và các mỏ ngoài khơi khác lên bờ để sử dụng làm nhiên liệu và cung cấp cho các nhà máy chế biến phân bón và hóa dầu. Đến giữa thập niên 1990, một đường ống xuyên Ấn Độ dài 1.700 km đã được xây dựng để dẫn khí thiên nhiên từ Bombay và Kandla đến hàng lọat những nhà máy chế biến phân bón và các trạm năng lượng. Một kế hoạch thực hiện một mạng lưới đường ống bao trùm chiều dài 1l.500 km sẽ được thực hiện vào năm 2004, sẽ cung ứng mỗi ngày 120 triệu khối khí thiên nhiên. Tổng sản lượng của năm 1992 là 18,1 tỉ khối.

Nhu cầu về các sản phẩm từ dầu mỏ của Ấn Độ vào khoảng 40 triệu tấn mỗi năm - vượt xa công suất sản xuất là 28 triệu tấn vào đầu thập niên 1990. Căn cứ vào sự phụ thuộc của Ấn Độ đối với nguồn tài nguyên ở vịnh Ba Tư, đã có những đề xuất vào đầu thập niên 1990 để phát triển những đường ống dẫn khí thiên nhiên từ Iran, Qatar và Oman, chạy qua dưới biển Ả Rập để đến một hoặc nhiều đầu cuối ở bờ biển phía Tây. Để hỗ trợ cho việc khai thác dầu và khí thiên nhiên, năm 1992 chính quyền đã mở đường cho các nhà phát triển tư nhân ở ngoài khơi. Vào tháng 2 năm 1994, các hợp đồng đã được ký kết cho 3 mỏ dầu ngoài khơi trong biển Ả Rập với các nhóm công ty Ấn Độ - Mỹ, và một hợp đồng khác được ký cho mỏ dầu ở vịnh Bengl với nhóm công ty Ấn Độ - Úc. Vào tháng 6 năm 1995, một thỏa thuận đã đạt được để thành lập một liên doanh xây dựng chặng đầu của đường ống từ Iran đến Pakistan.

NĂNG LƯỢNG HẠT NHÂN

Sự phát triển năng lượng hạt nhân ở Ấn Độ thuộc phạm vi của Công ty Năng lượng Hạt nhân Ấn Độ, một cơ quan của chính quyền trực thuộc Cục Năng lượng Nguyên tử Ấn Độ. Công ty này chịu trách nhiệm việc thiết kế, xây dựng và vận hành những nhà máy năng lượng hạt nhân. Trong năm 1995 có 9 nhà máy hoạt động với tổng công suất 1.800 megawatt, chiếm khoảng 3% mức năng lượng sản xuất trong nước. Ở Tarapur, Bắc Bom bay; ở Rawatabhata tại Rajasthan; ở Kalpakkam gần Madras tại Tamil Nadu; và ở Narora tại Uttar Pradesh, mỗi nơi có hai đơn vị sản xuất năng lượng hạt nhân; và ở Kakrapur tại miền Nam Gujarat có một đơn vị.

Tuy nhiên, cả 9 nhà máy hạt nhân này đều phải đương đầu với những vấn đề về an toàn nên phải đóng cửa, mỗi lần từ vài tháng đến một năm. Trạm Năng lượng Nguyên tử Rajasthan ở Rawatbhata đã phải đóng cửa vô thời hạn từ năm 1995. Thêm vào đó, những vấn đề về môi trường do sự rò rỉ phóng xạ, đã ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư gần Rawathhata. Những nhà máy khác chỉ hoạt động với một phần nhỏ công suất, và một số chuyên gia nước ngoài đã coi những nhà máy này là những nhà máy năng lượng hạt nhân kém hiệu quả nhất thế giới.

Ngoài 9 nhà máy đã được thành lập còn có 7 lò phản ứng đang được xây dựng vào giữa thập niên 1990: một ở Kakrapur và 6 lò ở 3 địa điểm khác. Khi hoàn tất, các lò phản ứng này sẽ tạo thêm một công suất 2.320 megawatt. Thêm vào đó có 10 lò phản ứng đang được lên kế hoạch xây dựng ở Kaiga, Rawathhata, và Kudangulam tại Tamil Nadu, sẽ cung ứng thêm 4.800 megawatt.

Kế hoạch chung của Ấn Độ là nâng công suất về năng lượng hạt nhân lên 10.000 megawatt. Nước này đã vượt qua được tình trạng thiếu uranium để hoạt động ở các trạm tại Tarapur bằng cách nhập khẩu nguyên liệu này từ Trung Quốc.

NGÀNH MỎ

Mặc dù đất nước rộng lớn như vậy, Ấn Độ không có nhiều tài nguyên về mỏ. Nghề mỏ ở Ấn Độ chỉ chiếm dưới 2% trong tổng sản phẩm nội địa vào năm 1990. Tuy nhiên, sắt và bauxit đã được tìm thấy với trữ lượng đủ để thiết lập hoạt động khai thác và chế biến. Việc đánh giá các nguồn tài nguyên của Ấn Độ vẫn chưa được hoàn tất, và những nhà quan sát vẫn không loại bỏ khả năng có những phát hiện quan trọng về các nguồn tài nguyên này.

Năm 1992, trữ lượng về quặng sắt ở Ấn Độ đã được đánh giá là vào hàng lớn nhất thế giới, với 19,2 tỉ tấn. Công suất khai thác là 67 triệu tấn mỗi năm. Khoảng 60% sản phẩm này đã được xuất khẩu chủ yếu là sang Nam Triều Tiên và Nhật Bản. Dự án mỏ sắt lớn nhất là ở Kudremukh, thuộc huyện Chikmagalore, Karnataka. Ấn Độ cũng có nhiều quặng bauxit, một khoáng chất chính để chế tạo thành nhôm. Trữ lượng hoại quặng này được ước tính vào khoảng 2,7 tỉ tấn, chiếm 8% tổng trữ lượng thế giới. Trong năm 1991 đã có 512.000 tấn nhôm được chế biến, trong đó l61.000 tấn đã được xuất khẩu. Hầu hết các mỏ bauxit đều ở Bihar và Karnataka. Ấn Độ là nước lớn thứ ba trên thế giới trong sản xuất mangan. Những mỏ này đã được khai thác mỗi năm khoảng 1,4 triệu tấn vào thập niên 1990, từ trữ lượng chung là 180 triệu tấn. Ngoài ra Ấn Độ cũng có một trữ lượng đáng kể về đồng, ước tính khoảng 422 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng đông năm 1991 là 46.000 tấn đã thiếu nhiều so với nhu cầu trong nước. Hầu hết các mỏ đồng nằm ở Bihar và Rajasthan. Thêm vào đó, một số lượng nhỏ về chì, kẽm và mica cũng đã được sản xuất.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1954-02-633468732804218750/Kinh-te/Cong-nghiep-An-Do.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận