Tài liệu: Ấn Độ - Quản lý tài chính

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Theo dòng lịch sử, chính quyền Ấn Độ đã theo đuổi một chính sách cẩn trọng đối với ngân sách tài chính, chỉ cho phép một mức bội chi rất nhỏ.
Ấn Độ - Quản lý tài chính

Nội dung

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH

Theo dòng lịch sử, chính quyền Ấn Độ đã theo đuổi một chính sách cẩn trọng đối với ngân sách tài chính, chỉ cho phép một mức bội chi rất nhỏ. Mức bội chi đã gia tăng trong thập kỷ 1980, và sự cần thiết phải tài trợ cho sự bội chi bằng cách vay tiền nước ngoài đã góp phần vào cuộc khủng hoảng cán cân chi phó năm 1990. Mức bội chi của chính quyền trung ương đã lên đến mức 8,4% tổng sản phẩm nội địa trong năm tài chính 1990, so với 2,6% năm 1970, 5,9% năm 1980, và 7,8% năm 1989. Mức bội chi này đã được cắt giảm xuống mức 5,9% trong năm 1991 và 5,2% trong năm 1992, nhưng lại gia tăng lênn thành 7,4% trong năm 1993.

Mức bội chi của chính quyền trung ương trong thập kỷ 1980 đã làm gia tăng một cách nhanh chóng tổng nợ nhà nước trong năm tài chính 1991 với số tiền 3,9 ngàn tỉ Rs. Gánh nặng của món nợ này đổ lên đầu nhân dân và các cơ sở doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là ngân hàng trung ương. Những người đọc các số liệu về tiền tệ của Ấn Độ nên cảnh giác với những thuật ngữ như lanh (mười vạn) và crore (mười triệu), được dùng để diễn đạt những con số lớn.

TIỀN TỆ ẤN ĐỘ

Những yếu tố căn bản của hệ thống tài chính của Ấn Độ đã được hình thành từ thời kỳ thực dân Anh (1757 - 1947). Đồng tiền của đất nước này, đồng rupee, đã được dùng trong nội địa từ lâu trước ngày độc lập và thậm chí còn lưu hành ra nước ngoài, chẳng hạn như khu vực vịnh Ba Tư. Những ngân hàng nước ngoài, chủ yếu là của người Anh và của Hồng Kông, đã cung ứng các dịch vụ ngân hàng và những dịch vụ khác. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ được hình thành từ năm 1935, là một ngân hàng tư nhân, nhưng nó cũng thực hiện một số chức năng của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên hệ thống ngân hàng thực dân này được hướng vào việc phục vụ cho mậu dịch và các khoản nợ ngắn hạn. Hoạt động ngân hàng tập trung ở những thành phố cảng.

Ngân hàng Dự trữ được quốc hữu hóa năm 1949 và được giao quyền hạn rộng rãi hơn. Đó là ngân hàng phát hành tất cả những đồng rupee có mệnh giá lớn hơn 1 rupee; là đại diện của Bộ Tài chính trong việc kiểm soát hối đoái; và là một chủ ngân hàng đối với chính quyền trung ương và địa phương, các ngân hàng thương mại, các ngân hàng hợp tác nhà nước, và những cơ sở tài chính khác. Ngân hàng Dự trữ hình thành và quản trị các chính sách tiền tệ để xúc tiến cho việc bình ổn giá cả. Ngân hàng này ngày càng được trao thêm nhiều trách nhiệm trong việc phát triển ngành ngân hàng và tín dụng, và việc kết hợp ngành ngân hàng và tín dụng với những kế hoạch năm năm. Ngân hàng Dự trữ có một số công cụ để tác động đến tín dụng thương mại ngân hàng.

Sau ngày độc lập chính quyền đã tìm cách áp dụng hệ thống ngân hàng để xúc tiến sự phát triển và hình thành một số cơ sở chuyên môn nhằm cung cấp tín dụng cho công nghiệp, nông nghiệp và các cơ sở kinh doanh nhỏ. Ngành ngân hàng thâm nhập vào những vùng nông thôn, và những sự hợp tác tín dụng về nông nghiệp và công nghiệp đã được xúc tiến. Sự bảo hiểm tiền gửi và một hệ thống các ngân hàng và văn phòng tiết kiệm bưu điện đã được hình thành cho những người gửi tiết kiệm với số tiền nhỏ. Tín dụng trợ cấp được cung cấp cho những nhóm cụ thể hay những hoạt động xét ra cần thiết và xứng đáng với sự trợ giúp đó. Một công ty bảo hiểm tín dụng chịu trách nhiệm về những món nợ của các ngân hàng thương mại đối với những nhà mậu dịch nhỏ, những người điều hành vận tải, những người làm việc tự do, và những người vay nợ khác mà các cơ sở tài chính lớn không thể phụ trách một cách hiệu quả được. Hệ thống này đã đến với tất cả những người gửi tiết kiệm nhỏ và cung cấp tín dụng cho nhiều khách hàng khác nhau.

Chính quyền đã quốc hữu hóa 14 ngân hàng thương mại lớn vào năm 1969 và thêm 6 ngân hàng nữa vào năm 1980. Việc quốc hữu hóa đã buộc các ngân hàng thương mại ngày càng đáp ứng nhiều hơn cho những nhu cầu về tín dụng của các tầng lớp yếu kém trong xã hội và xóa bỏ sự độc quyền từ sự hưởng lợi từ các ngành công nghiệp lớn, từ mậu dịch và nông nghiệp.

Hệ thống ngân hàng của Ấn Độ đã bành trướng nhanh chóng sau cuộc quốc hữu hóa. Chẳng hạn như số chi nhánh của các ngân hàng đã gia tăng từ 7.000 của năm 1969 lên 60.000 của năm 1994, hai phần ba những chi nhánh này ở các khu vực nông thôn. Tiền gửi gia tăng từ 50 tỉ Rs năm 1969 lên khoảng 3,5 ngàn tỉ Rs năm 1994. Tuy nhiên lượng tiền mặt chiếm hơn 50% trong tổng lượng tiền lưu hành trong cả nước. Năm 1992 những ngân hàng quốc hữu hóa đã giữ 93% tổng số tiền gửi.

Trong năm tài chính 1990 có 23 ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Ấn Độ. Những ngân hàng quan trọng nhất là Ngân hàng Grindlays ANZ, Citibank, Công ty Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải.

Các ngân hàng nhà nước được yêu cầu dành 40% trong số tiền gửi để cho vay đối với những bộ phận ưa tiên, đặc biệt là nông nghiệp, với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, 35% trong tổng số tiền gửi phải được giữ dưới dạng vốn luân chuyển để đáp ứng cho khả năng thanh toán, và 15% cần cho nhu cầu dự trữ của Ngân hàng Dự trữ. Vào cuối năm 1994, mức lãi suất trong các khoản nợ ngân hàng được bãi bỏ, nhưng lãi suất tiền gửi vẫn ở mức trần.

Hơn 50% số lượng cho vay của ngân hàng và để đáp ứng cho các bộ phận của chính quyền. Với việc thực thi cải tổ kinh tế, những ngân hàng Ấn Độ phải chịu sự thua lỗ lớn về tài chính do năng suất thấp, những món nợ khó đòi và nghèo nàn về vốn. Nhằm ổn định nền công nghiệp ngân hàng, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã phát triển một hình thức báo cáo mới và đã tiếp quản hoặc sát nhập những ngân hàng nhỏ đang bị thua lỗ.

Ấn Độ có một thị trường chứng khoán bành trướng nhanh chóng đến độ năm 1993 trong danh sách có tới 5.000 công ty trong 14 sở giao dịch chứng khoán, mặc dù chỉ có cổ phiếu của 400 công ty trong số này là thực sự được giao dịch. Những cơ sở tài chính và các cơ quan chính phủ kiểm soát khoảng 45% trong số tư bản được liệt kê. Vào tháng 4 năm 1992, thị trường chứng khoán Bom bay, vốn là thị trường lớn nhất nước với số vốn lên tới 65,1 tỉ USD, bị sụp đổ, một phần vì sự phát hiện những hoạt động phi pháp về tài chính lên tới 2 tỉ USD. Sau đó, Ban An toàn và Giao dịch của Ấn Độ, là cơ quan điều tiết thị trường vốn của chính quyền, đã thực hiện những cải tổ nhằm tăng cường sự tin tưởng của người đầu tư trong thị trường chứng khoán. Vào giữa thập kỷ 1990, những nhà đầu tư nước ngoài đã có được lợi tức nhiều hơn bao giờ hết trong các thị trường chứng khoán của Ấn Độ; những người này đã đầu tư 2 tỉ USD vào năm tài chính 1993.

Bất kể sự tăng giá năng lương và những áp lực khác từ nền kinh tế thế giới, trong hầu hết giai đoạn từ ngày độc lập, Ấn Độ chưa hề chịu một sự lạm phát nghiêm trọng nào. Tuy nhiên mức lạm phát bình quân có khuynh hướng tăng lên. Giá các mặt hàng tiêu dùng tăng bình quân hàng năm khoảng 2,1% trong thập kỷ 1950, 6,3% trong thập kỷ 1960, 7,8% trong thập kỷ 1970, và 8,5% trong thập kỷ 1980.

Có ba nhân tố đằng sau sự ổn định tương đối về giá cả của Ấn Độ. Thứ nhất, chính quyền đã can thiệp, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, để bình ổn giá của một số sản phẩm chủ lực bao gồm lúa mì, gạo, vải vóc và đường. Thứ hai,  sự quy định về tiền tệ đã hạn chế sự gia tăng về nguồn cung ứng tiền. Thứ ba, ảnh hưởng của các liên đoàn lao động về tiền lương là nhỏ vì sự yếu kém của các liên đoàn này trong nền kinh tế Ấn Độ.

MẬU DỊCH CỦA ẤN ĐỘ

Bất kể quy mô lớn của mình, Ấn Độ đã đóng một vai trò tương đối nhỏ trong nền kinh tế thế giới. Cho đến thập kỷ 1980, chính quyền Ấn Độ vẫn không dành quyền ưu tiên về xuất khẩu. Trong những thập kỷ 1950 và 1960, những quan chức của Ấn Độ tin rằng mậu dịch chỉ có hướng bất lợi cho các nước đang phát triển và triển vọng về xuất khẩu là rất hạn chế. Do đó chính quyền tập trung vào chế độ tự cung tự tiêu trong hầu hết các sản phẩm, với lượng xuất khẩu chỉ vừa đủ trang trải chi phí nhập khẩu.

Mậu dịch với nước ngoài phải lệ thuộc vào những sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền, bao gồm một hệ thống về ngoại thương và kiểm soát trực tiếp đối với nhập khẩu và xuất khẩu. Kết quả là Ấn Độ phải chịu một sự co rút về mậu dịch quốc tế từ 2,4% trong năm tài chính 1951 xuống còn 0,4% trong năm tài chính 1980. Phần lớn là vì giá dầu gia tăng trong thập kỷ 1970 đã góp phần thêm vào những khó khăn về chi phó, chính quyền đã tập trung nhiều hơn vào việc xúc tiến xuất khẩu vào thập kỷ 1970 và 1980. Nhà nước hy vọng rằng xuất khẩu sẽ tạo ra một nền mậu dịch quốc tế cần thiết cho việc nhập khẩu dầu và các mặt hàng công nghệ cao. Tuy nhiên vào đầu thập kỷ 1990, mức mậu dịch quốc tế của Ấn Độ cũng chỉ đứng ở mức 0,5%. Trong năm tài chính 1992, nhập khẩu chiếm 9,3% tổng sản phẩm nội địa và xuất khẩu chiếm 7,7%.

Việc tăng giá dầu năm 1979 đã tạo ra mức bội chi 58,4 tỉ Rs cho năm tài chính 1980, chiếm gần 5% tổng sản phẩm quốc gia. Mức bội chi này đã giảm trong 5 năm sau đối với đồng rupee, mặc dù nó đã chiếm một phần trong tổng sản phẩm quốc gia (2,3% trong năm tài chính 1984) và chiếm một phần lớn đối với đồng Đô la (7,4 tỉ USD trong năm tài chính 1980 và 4,3 tỉ USD trong năm tài chính 1984). Sức ép về cán cân mậu dịch vẫn tiếp tục trong thập kỷ 1980 và còn tệ hại hơn nữa khi Irag muốn sát nhập Kuwait vào năm 1990, dẫn đến việc tăng giá dầu tạm thời nhưng rất đột ngột.

Trong năm tài chính 1990, sự bội chi về mậu dịch của Ấn Độ đã tăng đến mức kỷ lục đối với đồng rupee (106,5 tỉ rupee) và đối với đồng Đô la (6 tỉ USD). Sự kiểm soát nhập khẩu và việc giảm giá đồng rupee đã làm cho sự bội chi về mậu dịch giảm xuống còn l,6 tỉ USD trong năm tài chính 1991. Tuy nhiên mức bội chi này đã tăng lên 3,3 tỉ USD trong năm tài chính 1992 trước khi giảm xuống còn khoảng l tỉ USD trong năm tài chính 1993. Tuy nhiên, một dấu hiệu lạc quan do Bộ Tài chính Ấn Độ ghi nhận được trong năm 1995, là xuất khẩu đã chiếm tỉ lệ tài chính 90% so với nhập khẩu, so với 60% trong khoảng giữa thập kỷ 1980.

Không có một sản phẩm riêng lẻ nào chiếm ưa thế trong xuất khẩu của Ấn Độ. Trong năm 1993, đồ thủ công, ngọc và đồ nữ trang hình thành bộ phận quan trọng nhất trong xuất khẩu và chiếm trị giá khoảng 4,9 tỉ USĐ (22%). Kể từ đầu thập niên 1990, Ấn Độ trở thành nơi xử lý kim cương lớn nhất thế giới (nhập khẩu kim cương thô từ nam Phi và chế biến thành nữ trang để xuất khẩu). Cùng với những mặt hàng bán quý như vàng, ngọc và đồ nữ trang của Ấn Độ chiếm tỉ lệ 11% trong mậu dịch quốc tế trong đầu năm 1993. Vải sợi và quần áo may sẵn cũng là mặt hàng quan trọng, chiếm trị giá 4.l tỉ USD trong xuất khẩu.

Những mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác gồm có máy công nghiệp, đồ da, hóa chất và các sản phẩm có liên quan. Những mặt hàng nhập khẩu chiếm ưu thế là sản phẩm xăng dầu, chiếm trị giá 5,8 tỉ USD vào năm 1993 (24,7% tổng lượng nhập khẩu), và tư liệu sản xuất, chiếm trị giá 4,2 tỉ USD (21,8% tổng lượng nhập khẩu). Những mặt hàng nhập khẩu quan trọng khác có hóa chất, thuốc nhuộm, plastic, thuốc tây, đá quý thô, sắt và thép, phân bón, kim loại phi sắt, bột giấy và các sản phẩm từ giấy.

Đối tác mậu dịch quan trọng nhất của Ấn Độ là Mỹ, Nhật, khối Liên minh châu Âu, và các quốc gia thuộc về Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Từ thập kỷ 1950 đến năm 1991, Ấn Độ có mối quan hệ mậu dịch chặt chẽ với Liên Xô, nhưng việc chia nhỏ quốc gia này thành 15 nước độc lập đã dẫn đến chỗ suy thoái về mậu dịch với khu vực. Trong năm 1993, khoảng 30% tổng lượng nhập khẩu đến từ khối Liên minh châu Âu, 22,4% từ OPEC, 1l,7% từ Mỹ, và 6,6% từ Nhật Bản. Cùng năm đó, trong hoạt động xuất khẩu có 26% được xuất sang khối Liên minh châu Âu, 18% sang Mỹ, 7,8% sang Nhật, và 10,7% sang OPEC.

Mậu dịch và đầu tư giữa Mỹ với Ấn Độ đã có nhiều tiến bộ sau tháng Giêng năm 1995 với phái đoàn mậu dịch của Mỹ do bộ trưởng Thương mại Ronald H. Brown dẫn đầu và bao gồm cả những người lãnh đạo của 26 công ty của Mỹ. Trong thời gian một tuần viếng thăm của phái đoàn, khoảng 7 tỉ USD các hợp đồng kinh doanh đã được thỏa thuận, hầu hết trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, vận tải, năng lượng và hệ thống truyền đi thông, chế biến thực phẩm, dịch vụ y tế, bảo hiểm và các dự án tài chính. Để đổi lại, các quan chức Ấn Độ cũng tìm được một thị trường lớn hơn ở Mỹ cho các mặt hàng của ấn ĐỘ.

Vào tháng 2 năm 1995, trong một cuộc đấu thầu nhằm cải tiến triển vọng thương mại ở Đông Nam Á, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận bốn bên với Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN). Bản thỏa thuận bao trùm các mặt về mậu dịch, đầu tư, khoa học và kỹ thuật, và du lịch, và có triển vọng cho những thỏa thuận tiếp theo về liên doanh, ngân hàng và hàng không dân dụng.

Cán cân chi phó của Ấn Độ có liên quan chặt chẽ với cán cân mậu dịch. Tuy nhiên viện trợ từ nước ngoài và tiền gửi về nước của người Ấn Độ đi lao động ở nước ngoài đã làm cho cán cân chi phó thuận lợi hơn cả cán cân mậu dịch ở Ấn Độ.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1954-02-633468731575625000/Kinh-te/Quan-ly-tai-chinh.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận