Tài liệu: Ấn Độ - Rừng

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Ấn Độ có những nét cá biệt riêng, không những chỉ vì tính chất địa lý, lịch sử và văn hóa, mà còn là vì sự đa dạng của môi trường sinh thái tự nhiên.
Ấn Độ - Rừng

Nội dung

RỪNG

Ấn Độ có những nét cá biệt riêng, không những chỉ vì tính chất địa lý, lịch sử và văn hóa, mà còn là vì sự đa dạng của môi trường sinh thái tự nhiên. Toàn cảnh rừng núi của Ấn Độ được xếp loại từ rừng mưa nhiệt đới luôn xanh ở vùng đảo Andaman và Nicobar, vùng Tây Ghat, và các bang ở phía Đông Bắc; đến rừng cây bụi ở vùng núi khô cằn tại dãy Himalaya về phía Bắc. Giữa hai thái cực đó, đất nước này có rừng mưa nửa xanh, rừng gió mùa rụng lá sớm, rừng cây gai, rừng thông cận nhiệt đới, và rừng vùng núi ôn đới.

Các khu vực rừng mưa nhiệt đới chính có thể tìm thấy ở vùng đảo Andaman và Nicobar, vùng Tây Ghat và vùng Assam ở phía Đông Bắc. Số còn lại của rừng mưa nhiệt đới được tìm thấy ở bang Orissa. Rừng mưa nửa xanh thì rộng lớn hơn rừng mưa luôn xanh, một phần vì rừng mưa luôn xanh có khuynh hướng thoái hóa thành rừng mưa nửa xanh do sự can thiệp của con người. Có những sự khác biệt quan trọng cả về thực vật lẫn động vật giữa ba vùng rừng mưa chính. Rừng gió mùa Tây Ghat có một số cây có giá trị thương mại rất lớn (chẳng hạn như gỗ hồng sắc Ấn Độ Dalbergia latifolia, cây Pterocarpus marsupium, gỗ tếch và cây Terminalia crenulata), nhưng hiện nay ở nhiều khu vực đã bị phát quang. Trong vùng rừng mưa có một số lượng lớn các loài cây. Có ít nhất 60% các loài cây ở tầng phía trên thuộc các giống đóng góp vào không tới 1% của tổng số cây. Các bụi tre có mặt dọc theo những dòng suối hoặc ở những vùng trũng rút nước chậm trong khắp các khu nông luôn xanh và nửa xanh ở vùng Tây Nam Ấn Độ.

Thảm thực vật ở vùng Đông Bắc Ấn Độ (bao gồm các bang Assam, Nagaland, Manipul, Mizoram, Tripura và Meghalaya cũng như các vùng đồng bằng của Arunachal Pradesh) thường ở độ cao 900 mét. Thảm thực vật này bao trùm các khu rừng luôn xanh và nửa xanh, rừng gió mùa ẩm ướt rừng ven sông, các đầm lầy và các vùng đồng cỏ. Rừng mưa luôn xanh được tìm thấy ở thung lũng Assam, chân núi phía Đông của dãy Himalaya và phần dưới của dãy đồi Nga, các vùng Meghalaya, Mizoram, và Manipur, nơi lượng mưa vượt quá 2.300 mm mỗi năm. Trong thung lũng Assam các loại cây khổng lồ Dipterocarpus macrocarpus Shorea assamica mọc đơn độc, đôi khi đạt đến chu vi 7 mét và chiều cao 50 mét. Những rừng gió mùa chủ yếu là rừng ẩm ướt có cây chai Shorea robusta, hiện diện rộng khắp trong vùng này.

Vùng đảo Andaman và Nicobar có rừng mưa nhiệt đới luôn xanh và rừng mưa nhiệt đới nửa xanh cũng như rừng gió mùa nhiệt đới ẩm ướt. Rừng mưa nhiệt đới luôn xanh ở đây chỉ kém đôi chút về tầm vóc hùng vĩ và sự phong phú các chủng loài thực vật so với đất liền. Loài chiếm đa số ở đây là Dipterocarpus grandif1orus ở các vùng đồi, trong khi đó loài Dipterocarpus kerrii chiếm đa số một số đảo ở vùng phía Nam của quần đảo.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1953-02-633468727234218750/Dia-ly/Rung.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận