MÔI TRƯỜNG BIỂN
Các vùng nước gần bờ của Ấn Độ là những khu đánh cá cực kỳ phong phú các loại hải sản. Tổng lượng cá thương mại đánh bắt được ở Ấn Độ trong mười năm vừa qua ổn định ở mức từ 1,4 đến 1,6 triệu tấn, với lượng cá thuộc nhóm cá trích chiếm 30%. Năm 1981, người ta ước lượng có khoảng 180.000 tàu phi cơ giới (chiếm khoảng 90% tổng lượng tàu đánh cá của Ấn Độ) đã thực hiện những hoạt động đánh bắt qui mô nhỏ ở những vùng biển này. Cùng lúc đó có khoảng 20.000 tàu cơ giới và 75 tàu đánh cá ngoài khơi hoạt động ở ngoài các cảng thuộc các bang Maharashtra, Kerala, Gujarat, Tamil Nadu và Kaarnataka.
Những vỉa san hô chỉ có ở một số khu vực lục địa, chủ yếu là tại vịnh Kutch, phía ngoài bờ biển phía Nam, và xung quanh một số đảo đối diện với Sai Lanka. Sự vắng bóng san hô này phần lớn là do sự có mặt của các hệ thống sông lớn và chế độ trầm tích ở thềm lục địa. Ngoài ra, san hô còn được tìm thấy ở Andaman, Nicobar, và nhóm đảo Lakshadweep, mặc dù các chủng loại ít hơn so với vùng Đông Nam Ấn Độ. San hô Ấn Độ là một nguồn tài nguyên có giá trị thương mại lớn. Việc khai thác san hô, mảnh vụn san hô và cát san hô rất phổ biến ở vịnh Mannar và vịnh Kutch. Trong khi đó các loại sò trang trí và ngọc trai là cơ sở của nền công nghiệp đá ngầm quan trọng ở miền Nam Ấn Độ. Rong biển ở đây được xuất khẩu để làm đồ trang trí, và có cả một nền công nghiệp đánh bắt tôm hùm gai dọc theo bờ biển phía Đông Nam, chủ yếu là ở Tuticorin, Madras và Mandapam.
Ở vịnh Mannar, giống tôm hùm xanh được thu hoạch cho thị trường xuất khẩu. Đáy biển ở đây cũng là môi trương quan trọng cho giống cá nược (dugong), cùng với một số loài rùa biển. Có năm loài rùa trong vùng biển Ấn Độ: rùa xanh Chelonta mydas, rùa Caretta caretta, rùa màu ôliu Lepidochely olivacea, đồi mồi Eretmochelys imbricata và rùa luýt Dermochelys corlacea. Hầu hết các giống rùa biển ở Ấn Độ đang bị suy thoái. Nguyên nhân chính của sự suy thoái này và thói quen ăn thịt của con người. Ở các bờ biển Ấn Độ rùa được bắt bằng lưới và bằng xiên. Chỉ riêng ở vùng Đông Nam Ấn Độ người ta ước lượng mỗi năm có khoảng 4.000 đến 5.000 con đã bị bắt, trong đó loài Chelonia mydas chiếm 70%. Các loài Caretta caretta và Lepidochely olivacea được thị trường tiêu thụ nhiều nhất. Loài Eretmochelys imbricata rất hiếm khi được ăn thịt vì có chất độc, nhưng người ta vẫn đánh bắt để lấy mai. Loài Dermochelys coriacea được dùng để nấu dầu xảm thuyền, chống xói mòn từ biển. Việc bắt rùa một cách ngẫu nhiên cũng rất phổ biến. Trong vịnh Mannar rùa rất nhiều, nơi có những tàu đánh bắt tôm hoạt động, và ngoài khơi vịnh Bengal những chiếc tàu cơ giới vẫn thường vô tình bắt được rùa với số lượng ngày càng nhiều.