Tài liệu: 500 nhân vật trong chiến tranh và hòa bình, một bộ tiểu thuyết sử thi lớn nhất thế giới

Tài liệu
500 nhân vật trong chiến tranh và hòa bình, một bộ tiểu thuyết sử thi lớn nhất thế giới

Nội dung

500 NHÂN VẬT TRONG CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH,

MỘT BỘ TIỂU THUYẾT SỬ THI LỚN NHẤT THẾ GIỚI

 

“Tôi là người học trò nhỏ của nhà văn vĩ đại Tônxtôi”.

HỒ CHÍ MINH

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như?

NGUYỄN DU

(Không biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng)

 

            Nguyễn Du từng băn khoăn, không biết ba trăm năm sau có ai khóc mình không.

            Tolstoi cũng đã từng băn khoăn: “Thú thật tôi hoàn toàn không biết một trăm năm sau liệu có ai đọc các tác phẩm của tôi không”…(Thư ông gửi cho nhà nghiên cứu người Anh Uyliam Rôtxơn ngày 27 – 12 - 1878).

            Lenine đã giải đáp nỗi băn khoăn đó của nhà văn: “Tolstoi đã mất rồi và nước Nga trước cách mạng đã chìm vào dĩ vãng. Nhưng trong di sản của ông có cái không chìm vào dĩ vãng, có cái thuộc về tương lai. Di sản đó, giai cấp vô sản Nga đón lấy và nghiên cứu nó”.

            Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoi chính là loại tác phẩm thuộc về tương lai[1]

            Aragon (Aragông) cho biết: ''Đã có một thời ở Pháp, người ta  không thể đi trên xe lửa mà không thấy những người đọc Chiến tranh và Hòa bình của Tolstoi. Cuốn tiểu thuyết này có lẽ là tác phẩm lớn nhất, chưa từng thấy, được người Pháp say mê vào những năm l942-1943”.

Năm 1943, một nhà thơ lớn, một người cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu dịch nửa đầu Chiến tranh và Hòa bình ở trong tù. Và kỳ diệu thay, năm 1943, giữa lòng Thành phố Lêningrad đang bị giặc Đức vây hãm ngặt nghèo, Chiến tranh và Hòa bình được in lại với số lượng 100.000 cuốn.

Năm 1960, một nhà văn Pháp đã nói về sức sống của tác phẩm Tolstoi ''Khi đọc lại Chiến tranh và Hòa Bình tôi cảm thấy trước mắt tôi không phải là một giai đoạn đã qua mà là một bí mật đã mất”.

… Từ 1863 đến 1869 sau nhiều năm lao động kiên trì liên tục, Tolstoi đã hoàn thành tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình được chia làm 6 quyển đồ sộ, lúc đầu nó được in dần từng phần trên nhiều số tạp chí Người thông tin Nga. Tác phẩm này miêu tả một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước Nga từ 1805 đến 1820.

I. Gontsharov (Gônsarốp tác giả tiểu thuyết Ôblômôp nổi tiếng) cho rằng trong Chiến tranh và Hòa bình, Tolstoi đã thể hiện một sức mạnh khổng lồ trong văn học Nga lúc đó chưa từng có một cái gì giống như thế và do đấy Lev Tolstoi đã trở thành ''con sư tử thực sự của văn học Nga”.

 

Tiểu thuyết anh hùng ca

Tolstoi rất có ý thức trong việc tìm tòi một thể loại thích hợp cho Chiến tranh và Hòa bình. Bởi thể loại không phải chỉ là chuyện hình thức. Chính Tolstoi cũng thấy từ Puskin đến Đôxtôievxki không một nhà văn Nga nào chịu bó mình trong khuôn khổ của những thể loại sẵn có như truyện trường ca, tiểu thuyết. Trong một bản thảo lời nói đầu, ông viết; ''Chiến tranh và Hoà bình là gì? Đó không phải là tiểu thuyết cũng không phải là trường ca hay sử biên niên. Chiến tranh và Hòa bình là cái mà tác giả muốn và có thể diễn tả trong hình thức cái đó nó đã được diễn tả”. Và khi tác phẩm in thành sách riêng, dưới nhan đề của nó, tác giả chỉ ghi: ''Sáng tác của Bá tước L.N Tolstoi''.

Do miêu tả cuộc chiến tranh yêu nước 1812 chống quân xâm lược Napoléon I, tác phẩm đã diễn tả nhân dân là nhân vật chính, là bức tranh hiện thực tái hiện nước Nga những năm đầu thế kỷ XIX. Tác phẩm đã ghi lại cuộc đời của nhiều quý tộc tiến bộ và sự phát sinh tư tưởng từ cao trào cách mạng yêu nước thúc đẩy. Và tư tưởng cơ bản chi phối nhà văn là tư tưởng nhân dân. Cuộc chiến tranh ái quốc ấy như biến cố trung tâm, có ý nghĩa quyết định không chỉ vận mệnh nước Nga mà toàn Châu Âu: miêu tả số phận của cả dân tộc, nhiều tầng lớp xã hội rộng rãi trong một thời điểm nghiêm trọng của lịch sử đất nước. Chiến tranh và Hòa bình mang dáng dấp rõ rệt của một thiên anh hùng ca.

Rất nhiều nhà văn Nga cùng thời L.N Tolstoi đã thấy rõ chất anh hùng ca của Chiến tranh và Hòa bình; ''Đó thật sự là Illiade Nga'' (I.Gontsharov). ''Đó là anh hùng ca của chiến tranh nhân dân vĩ đại (Leckov Nikolai Semionovits). ''Đó là một tác phẩm rộng lớn phảng phất tinh thần anh hùng ca”. (Turgeniev loan Sergeievitsh).

Nhận xét về thể loại anh hùng ca, Hégel viết: ''Tất cả những anh hùng ca thật sự độc đáo đều đưa ra cho chúng ta bức tranh của tinh thần dân tộc qua các nền móng đạo đức của sinh hoạt gia đình, qua những hoàn cảnh xã hội trong tình trạng chiến tranh và hòa bình, qua nhiều nhu cầu về nghệ thuật phong tục, những mối quan tâm của dân tộc đó nói chung và đưa ra hình ảnh về toàn bộ trình độ và trạng thái ý thức”.

Như thế Hégel không chỉ chú ý đến tính chất đồ sộ và tầm vóc sử thi rộng lớn của anh hùng ca, ông quan tâm trước hết đến tầm tư tưởng cao, đến ''bức tranh của tinh thần dân tộc'' trong anh hùng ca.

Chiến tranh và Hòa bình chính là bức tranh tinh thần dân tộc Nga bất khuất đã chiến thắng quân xâm lược Napoléon năm 1812. Nhưng anh hùng ca Cổ đại đã một đi không trở lại, tuy nó còn giữ nguyên vẻ hấp dẫn, tươi mát của tuổi thơ nhân loại và ý nghĩa của mẫu mực nghệ thuật tuyệt vời.

Thời đại mới đòi hỏi hình thức diễn đạt mới. Chính Hégel cũng từng nói: ''Tiểu thuyết là anh hùng ca của thời đại tư sản''.

Chiến tranh và Hòa bình có dáng dấp anh hùng ca, nhưng nó khác anh hùng Cổ đại bằng quãng cách hơn hai thiên niên kỷ. Nhà phê bình Nga Belinxki đã nói về sự khác nhau giữa anh hùng ca và tiểu thuyết: ''Anh hùng ca của thời đại ta là tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết có tất cả mọi dấu hiệu thể loại căn bản của anh hùng ca, nhưng chỉ có điều khác là tiểu thuyết bị chi phối bởi những nhân tố khác và màu sắc khác. Ở đây đã không còn những kích thước thần thoại của cuộc đời anh hùng, không còn những gương mặt khổng lồ của các anh hùng, ở đây Thần thánh không ngừng hoạt động, nhưng những hình tượng của cuộc đời bình thường được lý tưởng hóa và nâng lên điển hình chung”.

Xét theo ý nghĩa đó, Chiến tranh và Hòa bình là một tiểu thuyết hiện đại, lấy việc xây dựng những tính cách điển hình làm nhiệm vụ trung tâm.

Nhưng Chiến tranh và Hòa bình lại không phải là một tiểu thuyết theo quan niệm thông thường. Nó dường như chứa đựng nhiều truyện ngắn, truyện vừa và thậm chí cả nhiều nội dung cốt truyện tiểu thuyết nữa[2].

Hơn thế nữa, Chiến tranh và Hòa bình xứng đáng được xem là cuốn sử biên niên hay (các sử gia quân sự Xô Viết vẫn tỏ lòng khâm phục tài miêu tả các trận đánh của Tolstoi. Trong Chiến tranh và Hòa bình, Tolstoi miêu tả gần như đủ mọi loại hình chiến đấu trong thế kỷ trước). Đó là một tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn. Nó không thua kém bất cứ một tiểu thuyết tình yêu nào. Nó có đầy đủ điều kiện của một tiểu thuyết tâm lý xã hội, triết lý xã hội. Và bạn đọc ưa loại tiểu thuyết trinh thám ly kỳ sẽ tìm thấy trong Chiến tranh và Hòa bình nhiều “pha” hấp dẫn, gay cấn. Còn ai thích tiểu thuyết phong tục hẳn sẽ không phật lòng bởi về mặt này, Chiến tranh và Hòa bình chan chứa phong vị Nga, bản tính Nga, thiên nhiên Nga, tập tục Nga.

Thế nhưng Chiến tranh và Hòa bình không nằm trong khuôn khổ của bất cứ loại nào trong số những thể loại tiểu thuyết kể trên. Nó cũng không phải là số cộng đơn giản của nhiều thể loại đó. Chiến tranh và Hòa bình là tiểu thuyết - anh hùng ca.

Tiểu thuyết - anh hùng ca tạo ra những khả năng rộng rãi cho việc tái hiện các biến cố lịch sử lớn, những thời kỳ lịch sử trọng đại của vận mệnh một hay anh nhiều dân tộc, đề cập tới nhiều vấn đề xã hội và lịch sử, triết học và đạo đức lớn, vẽ ra tính cách con người vô cùng đa dạng, sinh động, sâu sắc. Do đó chất sử thi rông, sức khái quát cao, dung lượng tác phẩm dường như ít hạn chế, tiểu thuyết – anh hùng ca có khả năng dựng nên một bức tranh xã hội toàn cảnh theo không gian và thời gian, diễn đạt được tinh thần của cả một dân tộc, một thời đại.

Cho nên chúng ta dễ dàng tán thành nhận xét của nhà văn Anh Jôn Ganxuôictthy: ''Nếu muốn nêu một cuốn tiểu thuyết xứng danh là vĩ đại nhất trong số những tiểu thuyết đã viết. . . thì tôi sẽ chọn Chiến tranh và Hòa bình''[3]

Tác giả của các tiểu thuyết - anh hùng Xô Viết nổi tiếng như M.Gorki, A.Tolstoi, M. Sholokhov v.v. . . đều tiếp nối truyền thống của Chiến tranh và Hòa bình và đều nhất trí thừa nhận Tolstoi là bậc thầy vĩ đại đỉnh cao tuyệt vời.

Tiểu thuyết - anh hùng ca là thể loại tổng hợp. Đó là bản nhạc giao hưởng của văn học. Nó chứa đựng cái vĩ đại, sức mạnh, sự chuyển động vươn lên không ngừng của cuộc sống.

Khâm phục thiên tài miêu tả tâm lý của tác giả Chiến tranh và Hòa bình, nhà văn hiện thực Pháp G.Flaubert Gustave viết: ''Đó là tác phẩm hạng nhất. Thật là một nghệ sĩ! Thật là một nhà tâm lý (…). Tôi thấy dường như có những đoạn xứng với Shakespeare. Trong khi đọc tôi phải kêu lên vì phấn khởi và phấn khởi lâu. Phải, mãnh liệt quá! Rất mãnh liệt!”.

Dựa theo lời đánh giá của Lênine chúng ta có thể nói: ''Chiến tranh và Hòa bình chính là một trong những bức tranh vô song về cuộc sống ở Nga, tác phẩm bậc nhất của nền văn học Thế giới được viết bằng chủ nghĩa hiện thực tỉnh táo nhất của Tolstoi, nghệ sĩ thiên tài”.

Chiến tranh và Hoà bình là đỉnh cao tuyệt vời trong lịch sử tiểu thuyết thế giới. Với trên 500 nhân vật Tolstoi đã khắc hoạ tính cách, số phận cuộc đời của mỗi nhân vật với nhiều cảnh ngộ éo le rất khác nhau. Đúng là một bộ óc phi thường mới làm được điều ấy. Quả vậy, thời đại và dân tộc đã tạo ra thiên tài và thiên tài đó làm rạng rỡ dân tộc và thời đại mình. Không có thiên tài siêu thời đại và phi dân tộc. Đó là ý nghĩa sâu sắc trong lời đánh giá của Lénine đối với sự nghiệp sáng tác của Tolstoi: ''L. N Tolstoi đã là một nghệ sĩ vĩ đại ngay từ thời kỳ nông nô. Trong một loạt tác phẩm thiên tài sáng tác và già nửa thế kỷ văn Tolstoi đã miêu tả chủ yếu là nước Nga cũ trước cách mạng, nước Nga mà sau năm 1861 cũng vẫn còn ở trong tình trạng nửa nông nô, nửa nông thôn, nước Nga của địa chủ và cả nông dân. Mô tả thời kỳ đó trong lịch sử của nước Nga, L.Tolstoi đã đề ra biết bao vấn đề to lớn, ông đã có thể đạt tới sức mạnh nghệ thuật khiến tác phẩm của ông đã chiếm lĩnh một vị trí hàng đầu trong văn học thế giới. Nhờ sự soi sáng thiên tài của Tolstoi mà thời kỳ chuẩn bị cách mạng ở một trong những nước bị bọn chủ nông nô áp bức đã biểu hiện ra như là một bước tiến trong sự phát triển nghệ thuật của toàn thế nhân loại”.

Lénine rất yêu mến L.Tolstoi, M. Gorki đã viết trong hồi ký của ông về Lénine: ''Một lần tôi đến thăm Người thấy trên bàn có một tập “Chiến tranh và Hòa bình”. Và người nói với tôi: '''Phải Tolstol đấy, tôi rất muốn đọc lại cảnh đi săn, nhưng chợt nhớ là cần phải viết thư cho một đồng chí. Thật chẳng còn chút thì giờ nào mà đọc nữa. Mãi hồi tối tôi mới đọc được cuốn sách nhỏ của anh về Tolstoi”.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1056-02-633389233348628278/Nhung-tac-pham-do-so-bat-hu-cua-Nhan-loai...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận