Tài liệu: Bí sử Mông Cổ

Tài liệu
Bí sử Mông Cổ

Nội dung

BÍ SỬ MÔNG CỔ

 

Là nguồn thông tin duy nhất đương đạt viết về Gengis Khan (Thành Cát Tư Hãn) và đế quốc mà ông sáng lập (Thành Cát Tư Hãn) và đế quốc mà ông sáng lập, cuốn sử thi về dân tộc Mông Cổ, vừa mang tính văn học dân gian vừa mang tính truyền thuyết, miêu tả sinh động xã hội thảo nguyên ở các thế kỷ XII và XIII.                                                             

Cuốn Bí sử Mông Cổ (Mongyol – un Niúed Tobcanán) là tác phẩm văn học cổ xưa nhất của dân tộc Mông Cổ còn truyền đến ngày nay. Tác phẩm này chưa rõ tác giả là ai, và tuy được nhiều người cho rằng đã viết vào năm 1240 song niên đại chính xác cũng như tên sách ban đầu là những vấn đề còn bàn cãi.

Nhưng rõ ràng đây là một tài liệu lịch sử và văn học có tầm quan trọng lớn. Tác phẩm này không chỉ là truyện về dòng dõi các Hãn dầu tiên của Mông Cổ cũng như về cuộc đời và thời đại của Gengis Khan (Thành Cát Tư Hãn), người sáng lập Nhà nước Mông Cổ thống nhất, mà còn là một bức tranh miêu tả sinh động và chính xác cuộc sống du mục của dân Mông Cổ, đồng thời là nguồn tài liệu rất quý báu để tìm hiểu xã hội Mông Cổ thế kỷ XII và XIII.

Viện sỹ Liên Xô Boris Vladimirtsov đánh giá cuốn Bí sử này là một ''cuốn sử biên niên'' viết theo thể sử thi và “đượm hương thơm của thảo nguyên”. Một nhà nghiên cứu Anh, David Morgan, nhận xét rằng, cho dù các nhà sử học còn ngần ngại khi cho tác phẩm này ghi lại tuyệt đối trung thành các sự kiện lịch sử, nó cũng đặc biệt làm sáng tỏ lối sống, các hình thái tư duy và tín ngưỡng của người Mông Cổ ở thế kỷ XIII.

Gengis Khan, người thống nhất các bộ lạc Mông Cổ.

Cuốn Bí sử gồm ba phần viết về tổ tiên của Gengis Khan, cuộc đời ông và cuộc đời con trai kế vị ông là Ogodei (Oa Khoát Đài).

Phần một kể lại lịch sử Mông Cổ theo truyền thuyết được tập hợp những truyện truyền miệng từ thời xa xưa gồm các huyền thoại và truyền thuyết, truyện kể và truyện các sự kiện lịch sử. Theo truyền thuyết, tổ tiên người Mông Cổ là “một con sói xanh lam sinh ra với một số phận Thiên định và cô vợ là một con nai các hoang''(!). Hình ảnh con sói còn thấy trong truyện thần thoại của nhiều dân tộc ở đại lục Âu Á, đi liền với việc thờ cúng cổ tiên của thủ lĩnh bộ lạc hoặc người sáng lập bộ tộc. Tiếp đến là phần miêu tả chi tiết dòng dõi các Hãn Mông Cổ làm vẻ vang cho ''Hoàng tộc'' và là nền tảng của công việc nghiên cứu lịch sử sơ khai của dân tộc Mông Cổ.

 

 

Đến đầu thế kỷ XIII, Thiết Mộc Chân, quý tộc bộ lạc Mông Cổ dần dần thống nhất các bộ lạc. Năm 1206, thủ lĩnh các bộ lạc đến họp ở một đại hội gọi là đại hội “Khunlintai”, cử Thiết Mộc Chân làm chủ soái với danh hiệu là Thành Cát Tư Hãn, nước Mông Cổ thống nhất hình thành.


Chủ đề chính được phát triển trong phần hai, trong đó huyền thoại và truyền thuyết nhường chỗ cho những sự kiện lịch sử đáng tin cậy hơn. Mặc dù, vẫn viết theo thể sử thi, song chuyện kể bắt đầu mang dáng dấp sử biên niên. Một hệ thống sử biên niên Cổ đại phương Đông. Dựa trên chù kỳ một giáp mười hai năm, được dùng để ghi lại ngày tháng các sự kiện lịch sử của nhiều bộ lạc Mông Cổ và việc Gengis Khan thống nhất các bộ lạc thành một Nhà  nước duy nhất.

Trong tác phẩm, Gengts Khan được mô tả như một anh hùng và một võ tướng huyền thoại, hiện thân của ''tầng lớp quý tộc thảo nguyên''; đồng thời là một nhà chính trị và chính khách kiệt xuất, bằng “ý chí sắt đá” của mình đã chấm dứt thời kỳ phân chia nhiều bộ lạc.

Dân tộc Mông Cổ đã sống ở ngã ba các dòng thác thông tin của thế giới, và sẽ sai lầm nếu cho rằng thiên anh hùng ca này đã ra đời biệt lập với các nền văn minh khác. Chữ viết trong tác phẩm thuộc hệ chữ viết Phénicie, Aramê và Xôcđi. Nghiên cứu kỹ văn bản, người ta thấy dấu vết các quan niệm tôn giáo và huyền thoại của các dân tộc Cổ đại phương Đông, đặc biệt là ảnh hưởng của việc thờ Thần ánh sáng bắt nguồn từ bái hỏa giáo và giáo phái nhị nguyên thiện và ác. Việc thờ này được phản ánh trong truyền thuyết Mông Cổ về sự hoài thai đồng trinh của Alanqua, người mẹ sinh ra bộ tộc của Gengis Khan, với ''người cha Ánh sáng” được Alanqua kể lại trong sử thi như sau:

''Đêm đêm,trong một vầng ánh sáng màu vàng rực rỡ, một người đàn ông lọt vào căn lều qua lỗ thông hơi ở mái lều hoặc lỗ cửa tới vuốt ve bụng ta. Vầng sáng của con người ấy thấm vào tận đáy lòng ta. Rồi, trông tựa như một con chó vàng, người ấy bò ra khỏi căn lều, dường như bị cuốn hút bởi ánh sáng Mặt trời hoặc Mặt trăng”.

Truyền thuyết năm mũi tên

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng một vài mẩu chuyện trong Bí Sử có nguồn gốc rất xa xưa và rất giống các truyền thuyết của đại lục Âu - Á và Trung Á. Chẳng hạn truyền thuyết năm mũi tên kết thành bó gợi lại một câu chuyện được nhiều người biết đến của các dân tộc Iran ngày xưa, đặc biệt là người Scythes:

''Một ngày mùa Xuân nọ, giữa lúc nấu thịt cừu sấy khô, bà mẹ bảo năm người con trai của mình ngồi thẳng hàng, đưa cho mỗi người một mũi tên và bảo: ''Con bẻ đi!”. Năm người con trai lần lượt bẻ gãy mũi tên quăng xuống đất. Bà lại lấy năm  mũi tên khác kết thành một bó, đưa cho từng người và nói ''Con bẻ đi!”. Năm người con trai lần lượt ra sức bẻ bó tên mà không được”.

Bà bèn nói; ''Các con ơi, các con cùng sinh ra từ một mẹ. ''Nếu các con sống riêng rẽ như mỗi mũi tên lẻ này thì mỗi người các con sẽ bị bất kỳ ai đó bẻ gãy. Nếu các con chung sức chung lòng tựa năm mũi tên kết thành một bó thì không kẻ nào bẽ gẫy các con được!”.

Còn nhà văn Hy Lạp Plutarque thì kể chuyện Vua người Scythes là Sktlur (thế kỷ II - I Tr.CN) trước khi chết đã gọi tất cả các con trai lại bảo mỗi người con bẻ gãy một bó lao. Khi những người con chịu không bẻ được thi Skilur bẻ gãy từng chiếc lao một và nghiêm khắc bảo các con rằng, đoàn kết lại thì họ sẽ trở nên vô địch.

Nguồn sử liệu cho các nhà viết sử phương Đông

Từ khi ra đời, cuốn sử được biết đến ở khắp phương Đông và trong 750 năm, đã là một trong các nguồn viết sử chủ yếu của các dân tộc khác ở Trung Á và Mông Cổ. Nó đã được dùng làm nguồn gốc cho các tác phẩm lịch sử cơ bản ở phương Đông như Jami al - tawarikh, Lịch sử toàn cầu do nhà viết sử Ba Tư Rachid - al - Din (1247 -1318) biên soạn và cuốn Yua shih (Lịch sử Triều Nguyên), cuốn sử biên niên nổi tiếng của Trung Quốc viết về đế quốc Mông Cổ ở Trung Quốc (thế kỷ XIII - XIV).

Nhờ công trình của Rachid - al - Din, phần lớn các thông tin đương đại ghi trong Bí sử đã được dẫn ra và diễn giải lại trong nhiều sách sử quan trọng của các nước Trung Á, kể cả các nước thuộc đế quốc Moghol ở Ấn Độ.

Akhamameh, cuốn sử biên niên về Hoàng đế Akbar và các tiên vương của Abu -I -Fazt (1551 - 1602) đã kể lại chi tiết chuyện về Alanqua mà ông so sánh với Đức Mẹ đồng trinh, tôn bà làm mẹ của Thượng đế và khuyên; ''Nếu như các người nghe kể chuyện Đức mẹ đồng trinh thì các người cũng hãy tin vào câu chuyện về Alanguwa (Alanqua)''. Ngoài ra, tác giả cố gắng chứng mình rằng Akbar thuộc dòng dõi tổ tiên truyền thuyết của người Mông Cổ.

Bí sử cũng đã được đánh giá cao ở Trung Quốc coi như một nguồn sử liệu giá trị của Mông Cổ và các nhà hâm mộ sách ở Trung Quốc thế kỷ XIV đã giúp vào việc giữ gìn bản sử thi cho đời sau bằng cách ghi lại bằng chữ Hán văn hóa nguyên thủy bằng tiếng Mông Cổ đã bị thất truyền và thực hiện những bản dịch nguyên văn hoặc tóm tắt. Năm 1866, bản dịch đầu tiên cuốn Bí Sử Mông Cổ sang tiếng Nga đã thực hiện từ bản dịch tóm tắt bằng tiếng Hán, và từ đó cộng đồng các nhà nghiên cứu của thế giới biết đến tác phẩm Mông Cổ này.    

SHAGRADYN BIRA[1]




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1056-02-633389231438003278/Nhung-tac-pham-do-so-bat-hu-cua-Nhan-loai...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận