Tài liệu: Thủy Hử - bộ tiểu thuyết đồ sộ trên 2000 trang

Tài liệu
Thủy Hử - bộ tiểu thuyết đồ sộ trên 2000 trang

Nội dung

THỦY HỬ - BỘ TIỂU THUYẾT ĐỒ SỘ

TRÊN 2000 TRANG

 

Trong kho tàng 300 bộ tiểu thuyết chương hồi Minh, Thanh, Thủy Hử là một trong những tác phẩm nổi tiếng được bạn đọc nhiều nước quen biết. Một tác phẩm đồ sộ trên 2000 trang đã từng làm say mê nhiều thế hệ bạn đọc, từng gây ra nhiều cuộc tranh cãi. Vậy thì đâu là giá trị đích thực của tác phẩm? Cái gì đã làm lên sức cuốn hút diệu kỳ? Bạn đọc hãy bình tâm tìm dần lời giải đáp.

Thủy Hử  tức Thủy Hử truyện (câu chuyện nơi bến nước)[1] ra đời cách đây đã 600 năm, viết về cuộc khởi nghĩa nông dân cuối thời Bắc Tống (thế kỷ XII) do Tống Giang lãnh đạo. Đó là một cuộc khởi nghĩa có thực trên lịch sử. Quy mô và tác động của nó rất to lớn, các sử gia phong kiến mặc dù rất căm ghét cũng không thể không ghi chép lại. Nhưng chung quy, họ chỉ viết dăm ba dòng ngắn ngủi, không tương xứng với vai trò lịch sử của nó. Tống sử quyển 22 chép: ''Bọn cướp ở Hoài Nam là Tống Giang xâm phạm quán quân ở Hoài Dương, lại xâm phạm Kinh Đông, Giang Bắc, xâm nhập địa phận Hải Châu đất Sở, nhà Vua hạ lệnh cho tri châu Trương Thúc Dạ chiêu hàng”[2] còn nhân dân thì lại khác. Câu chuyện các hảo hán đã thêm vào chuyện Tống Giang uống thuốc độc tự sát rồi biến thành Thần. Đó âu cũng là chỗ khiếm khuyết có thực, một ví dụ thường thấy về cách giải quyết ''đoàn viên'' của tiểu thuyết”[3].

Bản Thủy Hử mà chúng ta được đọc thuộc loại 70 hồi, do Kim Thánh Thán - một nhà phê bình nổi tiếng đời Thanh soạn lại. Ngoài phần phê bình văn chương, Thánh Thán đã cắt bỏ đoạn ''anh hùng Lương sơn phân chia ngôi thứ, phân công trách nhiệm'' của nguyên bản 71 hồi mà tạo ra một ''giấc mộng kinh hoàng'', của Lư Tuấn Nghĩa, ông ta mơ thấy 108 anh hùng bị giết sạch và giữa trời đất xuất hiện 4 chữ ''thiên hạ thái bình''. Chúng ta dịch lại bản Thánh Thán, vì đó là bản phổ biến nhất, giữ được tinh hoa cốt truyện, văn chương được gọt dũa, nhuận sắc.

Có thể tóm tắt 71 hồi Thủy Hử như sau: Từ hồi 1 đến hồi 19 chủ yếu nói về nguyên nhân phát sinh cuộc khởi nghĩa. Mở đầu tác phẩm là một câu chuyện huyền hoặc, nhằm giải thích con số 108 hảo hán:

Vào đời Tống Nhân Tôn ôn dịch hoành hành, nhà Vua bèn hạ chỉ sai Hồng thái úy đến Núi Long Hổ mời Thiền sư Trương Chân Nhân về Kinh đô làm lễ tống ôn. Xong nhiệm vụ Hồng thái úy đến núi du lãm bỗng thấy một cung điện, trên cửa lớn có đề mấy chữ ''Phục ma chi điện”. Thái úy lấy làm lạ, mở toang cửa, thì thấy hàng chục đạo kim quang tỏa đi bốn phương. Đó là 72 ngôi sao địa sát và 36 ngôi sao thiên cung bị Thiền sư lão tổ trấn giữ trong điện, sau này đầu thai xống trần gian thành 108 hảo hán Lương Sơn Bạc.

Tiếp đó tác giả nói đến sự thối nát của Vua quan, sự nhũng nhiễu của địa chủ cường hào - nguyên nhân trực tiếp phát sinh khởi nghĩa. Đương kim Hoàng thượng Tống Huy Tôn là một tên Vua ngu độn và vô đạo. Hắn chỉ thích có món đá cầu và sưu tầm kỳ hoa dị thạch (hoa hiếm, đá lạ). Vì thích đá cầu mà hắn cất nhắc tên vô lại Cao Cầu lên đến chức Thái uý điện soái phủ. Có chức, có quyền, Cao Cầu bắt đầu trả thù Vương Tiến, một võ quan chính trực, rồi dùng mưu ma chước quỷ để hãm hại Lâm Xung, một giao đầu dạy cấm quân ở Kinh đô, hòng cướp đoạt người vợ trẻ đẹp của ông ta. Thế là Vương Tiến phải cùng mẹ trốn đĩ biệt xứ. Côn Lâm Xung thì nhẫn nhục chịu thích chữ vào mặt đi đầy đợi dịp ân xá, nhưng bọn chúng vẫn không buông tha, dồn chàng đến bước đường cùng phải trốn lên Lương Sơn Bạc. Tống Huy Tôn còn ham mê sưu tầm đá lạ. Vì trò chơi này mà cuộc đời Dương Chí gặp biết bao éo le. Anh ta phụng chỉnh Vua đi tìm đá hoa thạch, dọc đường qua Hoàng Hà thuyền bị đắm nên đành bỏ trốn. Nay nghe tin đại xá lại trở về Kinh đô, rồi nhân chuyện giết tên côn đồ mà bị đày đến phủ Đại Danh làm lao dịch dưới trướng Tri Phủ Lương Trung Thứ. Họ Lương đang chuẩn bị món quà 10 vạn quan tiền mừng sinh nhật bố vợ là Thượng thư Sái Kinh ở Kinh Đô. Hắn bèn sai Dương Chí đi hộ tống. Nhưng nửa đường bị cướp sạch. Vốn là Tiều Cái cùng các hảo hán giang hồ đã tổ chức cướp món quà phi nghĩa chia cho dân nghèo.

Vì việc này Tiều Cái bị triều đình truy nã, nhưng Tống Giang, một thư lại ở huyện đường đã mật báo cho ông ta, ông ta đành đốt sạch trang ấp trốn lên Lương Sơn Bạc. Dương Chí sau khi bị cướp cũng tìm đường trốn lên núi. Anh ta gặp Lỗ Trí Thâm một hảo hán giang hồ đã từng hộ vệ Lâm Xung trên suốt chặng đường đi đày rồi vì bênh vực hai bố con ông lão hát rong, đâm chất tên cường hào Trịnh Đồ mà bị tróc nã. Họ rủ nhau cùng lên sơn trại. Tên chủ trại Vương Luân hẹp hòi, đố kỵ, không muốn dung nạp, Lâm Xung bèn giết đi rồi mời Tiều Cái lên làm thủ lĩnh. Họ phân chia ngôi thứ tổ chức lại sơn trại.

Từ hồi 20 đến hồi 41 chủ yếu nói về sự hình thành và phát triển của lực lượng nghĩa quân. Tiều Cái nhớ ơn cứu mạng của Tống Giang nên tìm mọi cách mời ông lên làm chủ sơn trại. Nhưng Tống Giang vẫn nặng tư tưởng trung hiếu nên một mực không theo. Không may, thư Lương Sơn Bạc lọt vào tay người tỳ thiếp là Diêm Bà Tích, ả ta dọa tố giác nên Tống Giang giết ả. Và vì thế, Tống Giang bị bắt bị thích chữ vào mặt đi đầy ở Giang Châu. Trên đường đi đày, Lương Sơn Bạc cho người mời lên sơn trại, Tống Giang một mực từ chối. Rồi Lương Sơn Bạc tổ chức cướp đường, đưa ông lên làm đầu lĩnh, ông vẫn không nghe. Ông thà chịu đi đầy, mãn hạn về nhà tôi trung con hiếu chứ không chịu mang tiếng giặc cỏ. Nhưng một lần trên bến Tầm Dương, rượu ngà ngà say, ông không tự chủ cất bút đề lên tường bài thơ ngụ y phản nghịch. Thế là bị tội chém. Khi ra pháp trường, Lương Sơn Bạc cử nghĩa binh đến cứu. Từ đó, ông mới quyết tâm làm phản và lên sơn trại. Rồi Võ Tòng, Lý Quỳ, v.v... cũng nghe tiếng Tống Giang mà lên nhập bọn. Hảo hán đã đủ mặt. Tiều Cái nhường chức chủ trại cho Tống Giang. Họ dựng cờ ''thế thiên hành đạo" (thay trời thực hiện đạo lý), thiết lập “trung nghĩa đường”, ban bố pháp lệnh, bàn bạc kế hoạch.

Từ hồi 42 đến hồi 71 chủ yếu nói về chiến công của Lương Sơn Bạc. Một mặt họ tiếp tục chiêu mộ nhân tài, bổ sung quân số, sửa sang doanh trại. Mặt khác, ra quân đánh các trang ấp địa chủ, và doanh phủ triều đình để phát huy thế lực. Ban đầu đánh Lý Gia Trang rồi Hỗ Gia Trang, Chúc Gia Trang, sau đến Phủ Cao Đường, Phủ Đại Danh về Tăng Đầu Thị. Thanh thế ngày một lớn, triều đình mấy lần sai quan quân đến đánh dẹp nhưng đều bị nghĩa quân đánh cho thất điên bát đảo. Một số tướng lĩnh triều đình như Hồ Diên Chước, Quan Thắng, Từ Ninh vì mến phục tài năng Tống Giang mà ly khai về với nghĩa quân. Kết thúc Thủy Hử 71 hồi là việc Tống Giang lập đàn tụng niệm oan hồn Tiều Cái, siêu sinh tịnh độ cho những kẻ bỏ mạng trong chiến đấu. Họ kéo cờ thế thiên hành đạo, cùng nhau chích máu ăn thề: "Không bao giờ sinh nhị tâm, nguyện sống chết có nhau, hoạn nạn cùng chia sẻ, đồng lòng giữ nước yên dân”.

Các bản Thủy Hử trên 70 hồi, 70 hồi đầu về cơ bản giống nhau, nhưng hồi sau có khác nhau chút ít về tình tiết, về ngôn từ, về độ ngắn dài do chỗ thơ từ ngâm vịnh nhiều ít,[4] nhưng chung quy sự việc diễn ra như sau: Lực lượng nghĩa quân ngày một lớn mạnh, nhà Tống không thể làm ngơ. Trong triều có hai chủ trương khác nhau. Thái úy Cao Cầu chủ trương đánh dẹp. Y đã ba lần mang quân lên LươngSơn, nhưng đều thất bại, tần cuối bị nghĩa quân bắt trói nộp ở Trung Nghĩa đường. Nhưng Tống Giang là người trung nghĩa, vốn chỉ mong ngóng triều đình chiêu an để thoát khỏi thân phận ''giặc cỏ'' điếm nhục cha ông. Ông ta thân hành đến cởi trói cho Cao Cầu rồi sai người hộ tống về tận Đông Kinh. Một chủ trương khác của Trần Tông Thiên, muốn dụ hàng nghĩa quân để tiêu diệt dần. Ông ta, mang Thánh chỉ Hoàng Thượng đến chiêu an, và mặc dù Võ Tòng, Lý Quỳ v.v... kiên quyết phản đối, Tống Giang đã nhận Thánh chỉ, 108 hảo hán về với triều đình. Họ được cung cấp lương thảo và phân đi đánh dẹp giặc Liêu đang xâm phạm bờ cõi. Chiến thắng trở về họ lại được điều đi trấn áp hai cuộc bạo loạn nông dân khác do Điền Hồ và Vương Khánh cầm đầu. Lần này 108 vẫn nguyên vẹn. Tiếp đấy triều đình sai họ đánh dẹp nghĩa quân Phương Lạp, trở về chỉ còn 27 người, 50 viên chánh phó tướng hy sinh trong trận huyết chiến huynh đệ tương tàn, trong đó, có Tần Minh, Từ Ninh, Đổng Bình, Lưu Đường, Sử Tiến, Trương Tuần, Nguyễn Tiểu Nhị, Nguyễn Tiểu Ngũ, Lôi Hoành v.v. . . 10 viên chánh phó tướng bị bệnh mà thác, trong đó có Lâm Xung, Dương Chí, Chu Quý, Bạch Thắng, Thời Thiên v.v… Còn Lỗ Trí Thâm thì tọa hóa ở chùa Lục Hòa, Võ Tòng bị chặt cụt tay trái, xuất gia đầu Phật. Một số Chánh phó tướng bỏ đi như Yến Thanh, Lý Tuấn (sang Xiêm La rồi lên làm Vua bên đó). Triều đình phong thưởng rất hậu cho 27 người còn lại. Tống Giang được nhận chức Tri huyện tại Sở châu, Lư Tuấn Nghĩa cũng nhận chức Tri huyện tại Lô Châu. Triều đình sai người giám sát rồi phao tin họ lại chiêu binh mãi mã chuẩn bị làm phản.

Nhà Vua triệu Lưu Tuấn Nghĩa về Kinh đô vấn an rồi ban cho cơm Vua có ngầm trộn thủy ngân, ăn xong trên đường về, lăn xuống sông đứt ruột mà chết. Lại sai người mang ''ngự tửu” (rượu Vua ban) đến vấn an Tống Giang. Tống Giang biết rượu có thuốc độc nhưng vì lệnh Vua không dám trái, khi biết sắp chết, ông ta gọi Lý Quỳ đến và bắt uống nốt phần rượu còn lại. Hai người được an táng cùng một chỗ ở phía Nam thành Sơ Châu. Các hảo hán khác như Ngô Dụng. Hoa Vinh tìm đến thắt cổ chết trên cành ngô đồng hai mộ[5].

Với một cốt truyện như vậy, giá trị của Thủy Hử là ở đâu? Cái gì đã tạo nên sức cuốn hút nhiều thế hệ bạn đọc?

Mở đầu Thủy Hử chúng ta gặp ngay hai nhân vật mà bóng đen của nó cơ hồ bao trùm toàn bộ tác phẩm. Đó là Hoàng đế Tống Huy Tôn và Thái úy Cao Cầu. Làm vua mà chỉ biết mỗi việc đá cầu và sưu tầm kỳ hoa dị thạch, thảo nào mà chẳng dùng tên du côn, đầu trộm đuôi cướp Cao Cầu làm Thái úy coi việc quân sự trong cả nước? Một bộ truyện về những người nổi loạn sống ngoài vòng pháp luật, nhưng mở đầu lại nói chuyện thăng quan tiến chức của Cao Cầu; đúng như Kim Thánh Thán[6] nhận xét là có dụng ý nói: ''dột từ nóc dột xuống'' - nguyên nhân nổi loạn trước hết là sự thối nát của triều đình. Triều đình nhà đại Tống quả là một mái nhà dột từ nóc dột xuống. Cao Cầu chính là hình bóng tập trung của triều đình này. Hắn là đầu mối của cái lưới trời chăng bủa khắp nơi mà các mắt rút là bọn quan tham ô lại, bọn địa chủ cường hào từ Trung ương đến địa phương. Xái Kinh, Đồng Quán là bè đảng của hắn trong triều. Cao Nha Nội là anh em chú bác, lại là con nuôi của hắn. Cao Liêm, Tri phủ Cao Đường cũng là anh em chú bác của hắn. Xa hơn một chút Thái Đắc Chương, Tri phủ Giang Châu lại là con trai Xái Kinh; Lưu Thế Kiệt, Lưu thủ Bắc Kinh, là con rể Xái Kinh. Còn Tri phủ Thanh Châu Mộ Dung, Chánh trại Thanh Phong Lưu Cao là gia nhân tôi tớ của hắn. Cái lưới trời vô hình đó đã vây bắt một Lâm Xung, một Vương Tiến, một Dương chí… khiến cho họ chỉ ''chọc rách lưới trời về Thủy Hử mới có con đường sống”.

Trong số 108 hảo hán Lương Sơn, có đến hơn một nửa là những tôi trung con hiếu – những người vốn sẵn lòng thờ phụng triều đình, nhưng ''muốn làm nô lệ mà vẫn không được''[7]. Họ phải đứng dậy, làm việc bất đắc dĩ ''bức thướng Lương Sơn" (buộc phải lên Lương Sơn Bạc). Sự có mặt của họ đã là lời tố cáo nghiêm khắc chính quyền nhà Tống hủ bại. Thủy Hử còn miêu tả một bọn người áp bức bóc lột khác. Chúng không cầm quyền, nhưng nhiều  tiền, to thế, cấu kết với quan Phủ, quan Huyện đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Đó là cái võng đất, kết liền với cái lưới trời thành một ''thiên la địa võng'' vây kín những người dân lương thiện. Tên tài chủ Tây Môn Khánh quyến rũ Phan Kim Liên, bỏ thuốc độc giết chết Võ Đại, nhưng vẫn vô sự. Tên cường hào Trịnh Đồ lừa phỉnh cô gái hát rong Kim Thúy Liên, chơi chán rồi đuổi đi, còn đòi tiền chuộc thân 3.000 quan có ghi trong văn tự bán mình, nhưng bản thân cô không được một hào. Tên địa chủ Mao Thái Công cướp không con cọp trúng tên của hai anh  em phường săn Giải Trân, Giải Bảo rồi đổ tội cho họ là ăn cướp mà giải lên quan. Còn biết bao nhiêu bọn Chúc gia, Hỗ gia, Tăng Trưởng giả... xưng hùng, xưng bá một phương. Thân phận người dân chẳng khác gì kiến nằm trên chảo. Họ phải ''lật tung địa võng thướng Lương Sơn" để tìm đường sống, đó là lẽ tất nhiên. Lý Quỳ lên đường về quê đón mẹ lên Lương Sơn Bạc, mẹ hỏi ''Con đưa mẹ đi đâu?”; Lý Quỳ đáp: ''Mẹ đừng hỏi nữa, cứ đến chỗ sung sướng là được rồi”. Có đến non một nửa hảo hán Lương Sơn đã tìm về Thuỷ Hử một cách tự nhiên như vậy. Họ là người dân thấp cổ bé họng, không nuôi ảo tưởng gì đối với con đường công danh sự nghiệp phong kiến, sự phản kháng của họ chỉ nhằm tìm đường sống. Sự có mặt của họ đã chứng minh cho chân lý có áp bức, có đấu tranh.

Bằng những câu chuyện sinh Động về các số phận éo le, Thủy Hử một mặt đã tố cáo xã hội phong kiến đầy bất công ngang trái, mặt khác đã lý giải đúng đắn nguyên nhân phát sinh bạo động nông dân khởi nghĩa.

Từ hồi 41 đến hồi 70 một mặt nghĩa quân vẫn tập hợp lực lượng, mặt khác đã bắt đầu xuất quân đánh phá các Châu, Phủ để bảo vệ căn cứ địa, để lấy lương thực, bổ sung quân số và vũ khí. Ba lần đánh thắng Cao Cầu, ba lần đánh Chúc Gia Trang, Hỗ Gia Trang rồi Phủ Cao Đường, Phũ Đại Danh, Tăng Đầu Thị, đều nhằm mục đích như vậy. Đến đây nghĩa quân đã phát triển thành một lực lượng lớn, có quân đội riêng, có cơ sở rèn đúc vũ khí, có bộ máy hành chính như một giang sơn đối lập với triều đình. Hồi 71 là cao điểm huy hoàng của cuộc khởi nghĩa. Họ phân chia ngôi thứ, phân công trách nhiệm, hùng cứ một phương. Thật là: “Tám phương cùng cõi lớn, khác họ một nhà chung… Đủ hạng người dòng tốt giống thiêng, phú hào tướng lại; gồm có cả cửu lưu tam giáo, liệp hộ ngư ông. Nào đồ tể, nào tiều phu, chẳng phân quý tiện; xưng đại ca, xưng tiểu đệ, hoà hợp khoan dung,… Nay biết các vì tinh tú liền như chuỗi ngọc, tên họ nằm trong . . . chớ cho rằng tụ tập binh hùng, sơn lâm đông mũi, thực có thể mưu đồ nghiệp lớn, Vương, Bá thành công''.

Quả vậy, sự nghiệp của họ chỉ có thể là mưu đồ Vương, Bá, lý tưởng chính trị của họ chỉ có thể là xây đựng một triều đình phong kiến khá hơn triều đình nhà Tống mà thôi. Điều đó cũng dễ hiểu. Trước họ chưa hề có một tấm gương nào khác về một chính quyền nhân dân. Càng quan trọng hơn, lực lượng nông dân, không tiêu biểu cho một sức sản xuất mới của xã hội, họ không đề ra được một cương lĩnh chính trị mang tính cách mạng triệt để, quan hệ sản xuất do họ xây dựng nên cũng sẽ không có gì mới hơn quan hệ sản xuất phong kiến. Đó là sự quy định của lịch sử.

Tóm lại giá trị cơ bản của Thủy Hử là giá trị nhận thức. Bằng những cuộc đời chân thực, sinh động, đầy sức thuyết phục. Thủy Hử giúp chúng ta thấy được đúng đắn nguyên nhân phát sinh, quá trình phát triển và thất bại của một cuộc khởi nghĩa nông dân dưới chế độ phong kiến, từ đó càng nung nấu thêm ý chí đấu tranh chống áp bức bóc lột, cũng từ đó nhận thức được rằng nông dân và nhân dân lao động muốn tự giải phóng phải có một lý tưởng chính trị sáng suốt và triệt để của một giai cấp tiên tiến soi đường cho lịch sử. Trong thời hiện đại, đó chính là giai cấp vô sản cách mạng.

Cũng có người cho rằng, giá trị cơ bản của Thủy Hử là ở chỗ đã xây dựng được hàng loạt nhân vật hảo hán Trung Hoa võ nghệ cao cường, giàu lòng vị tha, xả thân vì nghĩa cả. Bản dịch ra tiếng Pháp tên là Les chevaliers chinois (Hiệp sĩ Tàu), bản dịch ra tiếng Anh của nữ văn sĩ Pearl Buck lấy tên là All men are brothers (Mọi người đều là anh em) chính đã hiểu Thủy Hử trên tinh thần đó. Người ta đã hết lời đề cao các hảo hán Lương Sơn Bạc nào là tượng trưng cho ước vọng muôn đời của quần chúng nông dân thấp cổ bé họng, nào là những ông Tiên ông Phật có xương, có thịt hẳn hoi v.v. . .

Sự xuất hiện của các hảo hán Thủy Hử là có lý là đúng. Giữa xã hội đẳng cấp phong kiến tàn bạo, hành động của họ nhiều lúc rất có ý nghĩa. Nhưng coi họ như những anh hùng, coi tư tưởng và hành động của họ là chuẩn mực, là tấm gương cho người đời noi theo thì lại hoàn toàn sai; họ không thể là ''Bó đuốc soi đường cho nhân dân trong đêm trường Trung cổ phong kiến”. Trên thực tế tác phẩm, đúng như Lỗ Tấn nhận xét, họ trả thù quan lại, địa chủ, cường hào, nhưng cũng thường xuyên quấy nhiễu nhân dân. Thảng hoặc có những người dân gặp may được họ cứu giúp (như bố con cô Kim Thúy Liên, như Thi Ân) nhưng cũng có không ít trường hợp bị họ chặt đầu vô cớ (19 người trong nhà Trương Đô Giám, những người dân ra pháp trường xem hành hình Tống Giang, những người vô tình đi qua Lương Sơn Bạc bị các hảo hán chặt đầu để làm lễ ra mắt). Họ giết người như ngoé và có lúc đã mở quán bánh bao nhân thịt người. Điều đặc biện là ở đây có những phụ nữ kỳ hình dị dạng, có tư tưởng và hành động rất xa lạ với giới tính (Hỗ Tam Nương, Tôn Nhị Nương, Cố Đại Tẩu). Nhà Hán học Xô Viết VI Xêmanốv đã nhận xét: ''Các nhân vật trong Thủy Hử làm ta nhớ đến những tên kẻ cướp cao thượng kiểu Rôbinbađơ, nhưng ý nghĩa xã hội của những hoạt động của họ rõ ràng hơn: họ thực hiện sự công bằng nhân danh trời, họ cướp của bọn giàu, họ giúp đỡ người nghèo và dần dần tổ chức tấn công cả huyện, cả vùng''[8].

Tính chất vô nhân đạo trong hành động của không ít hảo hán Lương Sơn Bạc đã làm hoen ố cương lĩnh chính trị mà họ đề ra. Lắm lúc, tư tưởng và hành động của họ không khác bọn kẻ cướp là mấy. Họ phản kháng và trả thù hoàn toàn tự phát, chưa có một lý trí tỉnh táo sáng suốt dẫn dắt, bởi vậy thường sa vào tình trạng manh động, thô bạo vô Chính phủ. Không thể chấp nhận quan điểm của Mao Trạch Đông đánh đồng khởi nghĩa nông dân là cách mạng nông dân trong xã hội phong kiến, cũng không thể coi Tống Giang là ''lãnh tụ cách mạng nông dân trong xã hội phong kiến''[9], Lý Quỳ là ''hình tượng điển hình có tinh thần cách mạng kiên định nhất của nhân dân lao động”[10]. Thực ra, từ lâu Lỗ Tấn đã chỉ rõ tính chất vô nhân đạo của những hành động manh động, tự phát của các nhân vật Thủy Hử. Ông viết: ''Tôi rất quý Trương Phi, thẳng thắn, không biết sợ cái gì . . . nhưng tôi căm thù Lý Quỳ, người giống Trương Phi nhưng đã không phân biệt trắng với đen và là kẻ sẵn sàng chặt đầu hàng loạt bằng cây rìu của mình'' (Toàn tập 7, trang 372).

Sức hấp dẫn kỳ lạ của Thủy Hử chủ yếu do tài năng văn chương của Thi Nại Am. Kim Thánh Thán, một người bảo hoàng đã phải thốt lên: ''Những tên sao Thiên Giang, Địa Sát xét ra không hợp Đạo làm người, sao lại có áng văn viết ra lạnh lùng dễ mê hoặc lòng người đến thế? Ta muốn dựng dậy Thi Nại Am mà hỏi cho ra?” (Lời bàn hồi 70).

Trước hết, Thủy Hử có một lối sắp xếp câu chuyện (kết cấu) đặc biệt. Đó là sự liên kết các mẩu chuyện nhỏ có ý nghĩa độc lập thành một câu chuyện lớn thống nhất. Chuyện này tiếp chuyện kia như các móc xích nối liền với nhau. Tách riêng ra, mỗi chuyện có thể đứng riêng làm thành một truyện ngắn độc lập, nhưng nó lại có vị trí không thể thiếu trong cốt truyện chung, giống như những mắt xích trong toàn bộ dây xích. Các truyện Ba cú đấm chết Trịnh Đồ, Đại náo rừng lợn lòi... tự nó có thể trở thành những truyện ngắn về một Lỗ Trí Thâm hào hiệp và nóng nảy.

Các truyện Nổi giận giết Diêm Tích Bà, Ngâm thơ phản trên lầu Tầm Dương, Tay không giết cọp trên đồi Cảnh Dương, Núi Nghi Lĩnh phút chốc trừ bốn hổ,… cũng có giá trị như những truyện ngắn độc lập viết về một Tống Giang bắt đầu đi vào con đường phản nghịch, một Võ Tòng sức khoẻ có thừa, ra tay trừ bạo. Nhưng truyện ngắn đó lại được móc xích với nhau thành một truyện dài xoay quanh xương sống của tác phẩm, là sự bức bách với bọn thống trị và sự phản kháng của hảo hán. Công lao của Thi Nại Am trước hết là ở chỗ đã sắp đặt những mẩu chuyện vốn có, sao cho hợp tình hợp lý, lại có sức hấp dẫn độc giả. Lấy ví dụ, trong truyện kể đời Tống, trước khi tụ nghĩa Lương Sơn Bạc, Lâm Xung và Lỗ Trí Thâm chưa hề gặp nhau. Thi Nại Am đã khéo sắp xếp để trong khi kể chuyện, Lâm Xung mắc nạn thì Lỗ Trí Thâm xuất hiện, rồi bẵng đi mấy hồi, chúng ta lại gặp nhà sư hổ mang vung đao cứu Lâm Xung ở Rừng Lợn Lòi để cuối cùng hai người gặp nhau trên núi Nhị Long. Chuyện Dương Chí cũng vậy. Anh ta phụng mệnh Vua qua Thái Hồ chở hoa thạch cương về Kinh đô, dọc đường bão lớn chìm thuyền, đang lang thang tìm kế thoát thân thì chẳng may đi qua Lương Sơn Bạc. Bấy giờ Lâm Xung đã lên núi Nhị Long, nhưng chủ trại Vương Luân buộc phải lấy một đầu người làm lễ ra mắt mới thu nhập. Đón đường chờ mãi mấy hôm, mới gặp một người qua đường. Người đó lại chính là Dương Chí. Thế là vung đao đánh nhau hàng trăm hiệp bất phân thắng bại, rồi phục tài mà kết nghĩa làm anh em. Nhưng nếu để Dương Chí theo ngay về sơn trại thì câu chuyện sẽ đơn giản và mất hết sức hấp dẫn. Dương Chí chỉ ngủ một đêm rồi nhân nghe có lệnh ân xá liền cáo từ về Kinh đô vận động phục chức. Anh ta được Tri phủ Đại Danh là Lương Trung Thứ che chỗ rồi phái đi hộ tống món quà mừng sinh nhật bố vợ trên Biện Kính. Thế là xảy ra vụ cướp quà mừng sinh thật để cuối cùng Dương Chí tuyệt đường về và nhập bọn Lương Sơn Bạc. Cứ như thế, Thủy Hử cuốn hút người đọc bằng những mẩu chuyện liên tiếp, móc xích với nhau, tạo nên thế mạnh của lối kết cấu ''đoản thiên liên hoàn tiểu thuyết”. Lối kết cấu này về sau tác giả Chuyện Làng Nho cũng sử dụng, nhưng có lẽ dụng ý của Ngô Kính Tử là nhằm nêu lên hai tấm gương phản diện và chính diện về các nhà Nho, cho nên nó mạnh về tính chất luận đề và yếu về tính chất cố sự; lại do chỗ không có một mạch lạc chính quán xuyến tác phẩm như Thủy Hử nên rời rạc và kém hấp dẫn hơn.

Từ những câu chuyện về các số phận đầy éo le trắc trở, như những dòng suối tuôn chảy về sông, Thủy Hử đã dựng dậy vô số nhân vật có phong tục tập quán cũng như lời ăn tiếng nói của vùng thượng lưu và trung lưu sông Hoàng Hà. Trong số hơn 400 nhân vật của tác phẩm, có nhân vật được tác giả dùng liền mấy hồi để giới thiệu (Tống Giang, Lâm Xung, Võ Tòng, . . .) có nhân vật chỉ được bàn giao rải rác xen kẽ trong câu chuyện về các nhân vật khác (Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm...). Nhà văn đã để lại cho độc giả những ấn tượng sâu sắc về các nhân vật điển hình Tống Giang, Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Lý Quỳ v.v… Họ giống nhau mà lại khác nhau. Nếu Tống Giang (một thư lại còn nhiều ảo tưởng ngoi lên bằng con đường công danh phong kiến) coi việc làm phản là tội tày đình đáng diệt chín họ; thì Lý Quỳ (một kẻ cố cùng) lại coi là đương nhiên, không có gì phải bận tâm suy nghĩ. Con đường lên Lương Sơn Bạc của Tống Giang quanh co khúc khuỷu bao nhiêu thì của Lý Quỳ thẳng tuột bấy nhiêu. Hai anh em Võ Tòng cùng một mẹ, một hoàn cảnh xuất thân nhưng người anh thì nhu nhược hèn đớn, rơi vào số phận hẩm hiu, còn em thì cứng cỏi quả quyết đến tàn bạo. Con người chịu nhẫn nhục Lâm Xung lại là con người khởi nghĩa tích cực hơn cả Võ Tòng, mặc dù ông ta ở tầng lớp được biệt đãi. Phải dụng công lắm tác giả Thi Nại Am mới xây dựng được những nhân vật không những ''suy nghĩ và hành động phù hợp với giai cấp xuất thân và địa vị xã hội'' còn có cá tính muôn màu muôn vẻ cũng như hình dáng và lời ăn tiếng nói chẳng ai giống ai trong thực tế cuộc đời. Có người nói Thi Nại Am đã vẽ ra 108 chân dung khác nhau rồi dựa vào đó mà sáng tạo nhân vật. Có thể đó chỉ là một huyền thoại. Dẫu sao cũng không nên quá cường điệu ưu điểm của tác phẩm sự thực để điểm mặt đủ số 108 hảo hán, nhiều nhân vật mới chỉ là phác nét (theo Lý Hy Phàm thì nhân vật Lư Tuấn Nghĩa chỉ là thêm cho đủ số 108). Mặt khác tính cách các nhân vật thường xuất hiện lần thứ 2 thì không có gì thay đổi nữa... Bởi vậy, Thủy Hử đã phải kết thúc với nhân vật này khi viết sang nhân vật khác.

Để khắc họa tính cách nhân vật, cũng như các tác phẩm bắt nguồn từ chuyện kể (Tam Quốc, Tây Du Ký) tác giả Thủy Hử không giới thiệu, thuyết minh dài dòng về diễn biến tâm lý nhân vật mà chủ yếu để hành động và ngôn ngữ nhân vật (chủ yếu là đối thoại, một phần rất ít được độc thoại) tự bộc lộ. Cách này có cái hay là nhân vật tự nó trỗi dậy câu chuyện tự nó phát triển, người đọc ít cảm thấy sự dẫn dắt của một nhân vật thứ ba - nhân vật người kể chuyện. Nhưng nói cho thật khách quan thì, đặc điểm này vốn bắt nguồn từ chuyện kể. Khi kể chuyện, nghệ nhân không thể dừng lại phân tích tâm lý dài dòng, cũng như về kết cấu, phải theo trình tự thời gian, có trước nói trước, có sau nói sau. Không thể theo diễn biến tâm lý phức tạp như trong tiểu thuyết hiện đại (chủ yếu để đọc, không phải để kể). Có thể chấp nhận quan điểm của V.I. Xêmanốv coi Thủy Hử (cũng như Tam Quốc, Tây Du Ky) về mặt thể loại là “trung gian giữa truyện kể sử thi và tiểu thuyết”. Không nên quá cường điệu đặc điểm này của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, coi đó là con đường đầy triển vọng, có thể tránh được  lối phân tích tâm lý quá rườm rà của tiểu thuyết phương Tây như Lý Hy Phàm chủ trương.

Văn chương Thủy Hử không ''dệt gấm thêu hoa'' như Tây Sương Ký, không ''nhả ngọc phun châu'' như Hồng Lâu Mộng mà là ''nhạc trỗi chuông ngân'', hùng hồn, dồn dập. Có thể Kim Thánh Thán đã quá lời khi so sánh Thủy Hử với Sử ký: ''Ta thường nói Thủy Hử hơn cả Sử Ký, người đời không tin... Thực ra, Sử ký là đem văn minh mà viết vào việc, còn Thủy Hử là nhân văn mà sinh ra việc". Văn Sử Ký là văn thực lục, chỗ mạnh của nó là sự chọn lọc sắp xếp sự kiện chặt chẽ, tác giả không hư cấu tưởng tượng mà để cho sự kiện tự bốc men tạo nên cảm hứng của người đọc Thủy Hử cũng có những đoạn như thế. Nhưng nhìn chung văn Tư Mã Thiên là văn chương bác học, còn văn chương Thủy Hử thì vẫn gần gũi với chuyện kể dân gian. Chung quy, Thủy Hử vẫn giữ được tính chất sống động của cuộc đời trong tư tưởng và hành động của nhân vật, trong ngôn ngữ gần gũi với đời sống hàng ngày, trong lối hành văn chân chất ít trang sức tô điểm, và bao quát hơn cả, trong âm hưởng trần tục của nó.

Đã 600 năm nay, Thủy Hử vẫn được bạn đọc ưa chuộng, được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Nhật v.v... Tùy nơi, tùy lúc, bạn đọc sẽ có những cách thưởng thức tác phẩm khác nhau. Và đó là quyền của bạn đọc. Có điều, hiểu Thủy Hử thế nào cho đúng tinh thần nguyên tác, cho khỏi phụ tấm lòng của nhà văn nhân dân Thi Nại Am thì đó là điều cần bàn. Đương nhiên, Thủy Hử không phải là sách dạy võ, càng không phải là sách khuyến khích kẻ cướp như các nhà Nho cổ hủ vẫn nói, cũng không phải là sách ''tuyên truyền cách mạng'' như những người Maoít vẫn khẳng định. Đọc Thủy Hử cũng không phải để thưởng thức lối nhậu nhẹt ''thịt thái miếng to, rượu đong bát lớn'', không phải để bắt chước cách tụ nghĩa chích máu ăn thề, càng không phải để thỏa mãn cái tức khí cá nhân. Thủy Hử là một tác phẩm văn học, nó trưng bày cho chúng ta một bức tranh cuộc sống sinh động là có phần dữ dội về nước Trung Quốc. Thế kỷ XII cũng là nước Trung Quốc thế kỷ XIV của tác giả, qua đó có thể rút ra nhiều bài học nhận thức về con đường giải phóng nông dân dưới chế độ phong kiến. Hiểu như vậy Thủy Hử mới thực sự trở thành món ăn tinh thần bổ ích cho chúng ta ngày này.

(Trích trong lời giới thiệu tác phẩm Thủy Hử,

NXB Văn học, 1988)

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1056-02-633389231135972028/Nhung-tac-pham-do-so-bat-hu-cua-Nhan-loai...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận