KATHA SARITSAGARA (ĐẠI DƯƠNG TRUYỆN)
TẬP TRUYỆN CỔ ĐỒ SỘ CỦA ẤN ĐỘ
Katha saritsagara mở đầu bằng truyền thuyết về nhà thơ Gunátthya người viết nên câu chuyện vĩ đại như sau:
Parvati, vợ của Thần Shiva, muốn nghe một câu chuyên lạ mà mình chưa được nghe. Thần Shiva bèn kể cho vợ nghe câu chuyện về các thiên nhân Viđiathara. Để không lộ chuyện ra ngoài, Shiva sai bò Thần Nanđin canh giữ căn phòng của mình. Nhưng khi Thần bắt đầu kể thì người đầy tớ yêu của Thần là Púcpađanla lọt được vào phòng và nghe hết câu chuyện. Về nhà, người đầy tớ kể lại cho vợ mình là Gaia nghe. Vì là đàn bà nên Gaia không thể giữ bí mật được, và vì thế câu chuyên lộ ra ngoài. Biết chuyện đó, Thần Shiva bắt mấy người hầu phải đầu thai xuống trần làm người: Púcpađanla thành nhà thông thái vĩ đại Vararusi, Maliavan thành nhà thơ Gunathia. Vararusi có người bạn thân tên là Kanaphuti. Một hôm, nhà thông thái Vararusi kể hết cho bạn nghe về kiếp trước của mình. Sau đây, nhà thơ Gunathia lại trở thành bạn thân của Kanaphuti. Kanaphuti kể cho nhà thơ nghe tất cả câu chuyện mà Vararusi kể cho mình. Nhà thơ Gunathia quyết định truyền câu chuyện vĩ đại đó cho mọi người biết. Suốt bảy năm trời, nhà thơ chép câu chuyện bằng tiếng Paisasi, thành một tập dày gồm 700.000 câu thơ kép. Gunathia sai học trò đem tập sách dâng cho đức Vua Satavahara. Vì chỉ coi trọng những gì viết bằng tiếng Phạn, đức Vua không nhận tập sách viết bằng tiếng Paisasi. Buồn rầu, nhà thơ vào rừng, xé sách ra từng tờ rồi đốt. Trước khi đốt, nhà thơ đọc lại cả tập sách cho chim, thú nghe. Hầu hết tập sách đã bị đốt. Sau, do chiều ý học trò, nhà thơ chỉ để lại cho họ phần truyện về Hoàng tử Naravahanađatta.
Đúng lúc đó nhà Vua Satavahara ốm nặng. Các vị lang y cho biết, vua bị ốm vì đã ăn phải thịt khô. Nhà vua hỏi những người nấu ăn, họ nói rằng, chim thú bị khô thịt vì suốt nhiều ngày liền chúng không đi đâu kiếm ăn chỉ quẩn quanh một nhà thơ, nghe ông ta đọc truyện. Nhà Vua thấy lạ bèn vào rừng, và nghe lõm bõm được từng phần của câu chuyện vĩ đại. Phần truyện về Hoàng tử Naravahanađatta do không bị đốt nên còn nguyên vẹn. Bộ Katha Sarítsagara (đại dương những dòng sông của những câu chuyện kể) đã ra đời Như vậy.
Về sau, vào thế kỷ XI, nhà thơ Sômađeva, người gốc Casơmia đã viết lại câu chuyện vĩ đại đó bằng tiếng Phạn. Là thi sĩ cung đình của nhà Vua Ananta xứ Casơmia, Sômađeva được lệnh viết truyện để mua vui cho Hoàng hậu Suryamati. Nhà thơ đã mượn cốt truyện ở một tác phẩm cổ đầu công nguyên - tác phẩm Phirat Katha (câu chuyện lớn) của Gunathia để viết thành tập Đại dương truyện mà nhân loại ngày nay được đọc.
Katha Saritsagara của Sômađeva là một sưu tập truyện dân gian viết bằng văn vần lớn nhất, xưa nhất của nhân loại. Tập sách gồm 22 nghìn khổ thơ (dầy gấp đôi hai trường ca IIiade và Odyssée của Hy Lạp cộng lại), có 124 đoạn gọi là Taranga (đợt sóng). Câu truyện chính kể về một Hoàng tử xứ Vatsa đi tìm người vợ của mình bị một kẻ lạ mặt bắt cóc. Trải qua biết bao gian truân, cuối cùng Hoàng tử đã gặp được vợ mình. Thế nhưng nội dung chính của tập sách là 350 chuyện thuộc đủ mọi thể loại đan cài vào câu chuyện chính. 350 chuyện đó là những truyện phiêu lưu mạo hiểm, yêu đương tình tứ và truyện ngụ ngôn. . .
Trong kho tàng văn học thế giới có không ít những tác phẩm xâu chuỗi những câu chuyện như kiểu Đại dương truyện. Đó là Nghìn lẻ một đêm, là Đêcamêrôn... Thế nhưng kết cấu của Đại dương truyện chặt chẽ hơn nhiều và là một tác phẩm có cốt truyện. Ở Đại dương truyện, hàng trăm câu truyện dân gian đã hòa kết chặt chẽ vào một cái khung chung, câu chuyện về những cuộc phiêu lưu của Hoàng tử Naravaharlađatta. Chính vì thế mà Đại dương truyện là tác phẩm tiêu biểu của cảm hứng thi ca đặc trưng Ấn Độ. Ngoài những tư tưởng luân lý và tôn giáo, Đại dương truyện còn là một bức tranh sinh động, muôn màu muôn vẻ về xã hội Ấn Độ.
Từ khi ra đời đến nay, Katha Santsagara đã chinh phục được trái tim của người Ấn Độ và nhiều dân tộc ở các quốc gia khác. Ngay từ thế kỷ XI, khi Đại dương truyện được biên soạn xong, nó lập tức trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao người kể chuyện ứng tác ở khắp đất nước Ấn Độ, ở Trung Đông, ở Châu Á và cả Châu Phi.
PTS. NGÔ VĂN DOANH