TAM QUỐC DIỄN NGHĨA
TIỂU THUYẾT SỬ THI ĐẦU TIÊN CỦA TRUNG HOA
Tiểu thuyết Cổ điển Trung Quốc như Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây du ký, Chuyện làng Nho, Hồng lâu mộng đã được liệt vào kho tàng văn hóa của Trung Quốc, đồng thời cũng là tài sản văn hóa của Thế giới. Tam Quốc diễn nghĩa (thường gọi tắt là Tam Quốc) là một trong những bộ tiểu thuyết ra đời sớm nhất được phổ biến rộng rãi, và được nhân dân Trung Quốc và Thế giới ưa thích. Tác phẩm xuất hiện vào cuối Nguyên đầu Minh (thế kỷ XIV). Xã hội Trung Quốc phát triển tới đời Minh có những thay đổi tạo điều kiện cho tiểu thuyết chương hồi ra đời. Sau khi quét sạch quân Nguyên Mông, nhà Minh ban hành nhiều chính sách kinh tế mới như khuyến khích khai khẩn đất hoang, giảm thuế cho nông dân v.v... Do đấy, nền nông nghiệp được khôi phục nhanh chóng, nông sản phẩm dồi dào, công thương nghiệp phát triển, thành phố mọc lên nhiều. Những công trường thủ công như luyện thép, đóng tàu, làm đồ sứ, dệt tơ lụa... xuất hiện khắp nơi. Tầng lớp thị dân và thợ thủ công ở các thành thị đòi hỏi món ăn tinh thần mới; nghề in đã đạt tới trình độ có thể in được chữ chì; văn bạch thoại đã được dùng xen lẫn văn ngôn. Những bộ tiểu thuyết dài hàng chục vạn chữ có điều kiện xuất bản dễ dàng. Đương thời có những nghệ nhân chuyên đi kể chuyện ở các chợ, các phố phường. Một trong những đề tài kể chuyện là “tam phân (Tam Quốc)”. Sử sách đã ghi lại rằng, đời Đường (thế kỷ VII-X) người ta đã kể những sự tích của các nhân vật Lưu Bị, Tào Tháo, Quan Vũ, Trương Phi, Gia Cát Lượng... Đến Tống, Nguyên (thế kỷ X-XIV) đã xuất hiện những chuyện dân gian và vở kịch dân gian về đề tài Tam Quốc. Dựa vào những cuốn sử biên niên như Hậu Hán thư (Phạm Vĩ), Tam Quốc Chí (Trần Thọ), Tam Quốc chí chú (Bùi Tùng Chi) và đặc biệt dựa vào những tác phẩm văn học dân gian, nhà văn La Quán Trung, với tài năng sáng tạo của mình đã viết lên bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ này.
Có rất ít tư liệu nói về cuộc đời nhà văn. Ta chỉ biết ông tên Bản, tự là Quán Trung, biệt hiệu là Hồ Hải Tản nhân. Ông người Sơn Tây, sau chuyển xuống sống ở Tiền Đường thuộc thành phố Hàng Châu (Triết Giang), một trong những trung tâm văn hóa thời bấy giờ. ông sinh và mất vào khoảng cuối Nguyên, đầu Minh (1330?-1400?). Giả Trọng Minh, bạn ông cho biết La Quán Trung tính tình “Ít hòa hợp với mọi người vì thời thế nhiễu nhương nhiều biến cố” nên ông đi phiêu bạt khắp nơi, về sau ''không biết đời ông kết cục ra sao''. ''Ít hòa hợp với mọi người nên hiểu là ông không thích hợp với những người thuộc giai cấp thống trị, và cuối đời vì tìm nơi vắng vẻ để sáng tác văn học nên mọi người không biết ông đi đâu. Có thuyết nói rằng ông "có trí đồ vương" và có quan hệ với Trương Sỹ Thành, một người khởi binh chống lại nhà Nguyên. Ngoài bộ Tam Quốc ông còn viết những tiểu thuyết khác như: Tùy Đường diễn nghĩa, Tân Đường ngũ đại sử diễn nghĩa, Bắc Tống tam loại bình yêu Truyện... Rất tiếc những tác phẩm này đều đến với chúng ta dưới hình thức bị thay đổi và sửa chữa rất nhiều, cho nên bây giờ khó xác định tác giả thực sự của chúng. Có thuyết nói rằng ông là đồng tác giả viết Thủy Hử. Nhưng theo chúng tôi, phong cách của Thủy Hử khác hẳn Tam Quốc, nên ý kiến trên không có căn cứ.
Tam Quốc của La Quán Trung có nhiều bản khác nhau. Một trong những bản sớm nhất hiện nay, Trung Quốc còn giữ được là bản in năm 1522 (niên hiệu Gia Tĩnh đời Minh). Bản này gồm 24 tập, có 240 hồi với tên gọi là Tam Quốc chí thông lục diễn nghĩa.. Về sau người ta in nhiều bản Tam Quốc khác, có tới 20 bản. Các bản sau này có thay đổi chút ít, song nội dung cơ bản vẫn không khác bản in năm 1522 là mấy. Mãi đến đời Thanh, Mao Tôn Cương (người dựa vào bản in 1522 chỉnh lý lại các hồi mục, thêm bớt sử liệu, và hoàn thành vào khoảng năm Khang Hy thứ XVIII - 1678) hoặc sớm hơn một chút. Mao Tôn Cương bắt chước Kim Thánh Thán bình cải Thủy Hử và Tây du ký, ông sửa chữa thêm bớt nhiều chi tiết, đổi tên hồi thành những câu thơ biền ngẫu 7, 8 chữ; đặc biệt sau mỗi hồi viết thêm vào những lời bình và dồn 240 hồi thành 120 hồi. Từ đó, bản do Mao Tôn Cương chỉnh lý với tên gọi là Tam Quốc diễn nghĩa - đã thay bản gốc của La Quán Trung lưu truyền mãi cho tới ngày nay.
Tam Quốc là tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của Trung Quốc. Nếu như ở tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Anh W.Scott (1771-1832), lịch sử chỉ là cái nền, còn nhân vật là hư cấu; thì ở tiểu thuyết lịch sử Tam Quốc “bảy thực ba hư”, là nói thành phần hư cấu rất ít. Phần hư cấu là của tác giả sáng tạo hoặc lấy từ các tác phẩm văn học dân gian, còn phần '''thực'' lấy từ sử biên niên. Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa có nghĩa là diễn giảng một cách nôm na dễ hiểu về cuộc chiến tranh của ba Vương quốc Ngụy, Thục, Ngô. Do tính chất phức tạp và phong phú của chất liệu đời sống, do bao quát một thời kỳ lịch sử dài với nhiều sự kiện; mặt khác do nó thể hiện được nhiều số phận nhân vật lịch sử một cách nghệ thuật, nên giới nghiên cứu Xô Viết gọi Tam Quốc là bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ.
Tiểu thuyết sử thi bao quát cả một thời kỳ lịch sử gần một thế kỷ (từ 184 đến 280 S.CN). Tác giả vay mượn những câu chuyện cá biệt từ các tác phẩm lịch sử và dân gian tạo thành một cốt truyện thống nhất hoàn chỉnh, các biến cố được xâu chuỗi với nhau bởi mối liên hệ nhân quả.
Ba nước Ngụy, Thục, Ngô hình thành thế chân vạc trong quá trình đánh dẹp cuộc khởi nghĩa nông dân và trong cuộc hỗn chiến giữa các chư hầu với nhau.
Cuối triều Hán, Trung Quốc bị phân chia thành nhiều Vương quốc độc lập do các chư hầu cát cứ. Vua nhà Hán hũ bại, không chăm lo đến triều chính, bọn ngoại thích và hoạn quan tàn ác lộng hành, bọn chúa đất ra sức cướp đất của nông dân, nhiều nơi dân chúng chết đói ''xương trắng chất đầy đồng'', do đấy ''giặc giã nổi lên như ong''. Cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em Trương Giác - lịch sử gọi là cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân (khăn vàng) – làm cho triều đình nhà Hán có nguy cơ sụp đổ. Nhà Vua sợ hãi, phát lệnh gọi quân các châu quận về trấn áp Hoàng Cân. Nhưng việc trấn áp nông dân không đưa lại hòa bình cho đất nước. Năm 189, cuộc xung đột đấu đá giữa ngoại tộc Hà Tiến và hoạn quan Kiến Thạc dẫn đến việc Đổng Trác kéo quân vào thành Lạc Dương. Đổng Trác phế Thiếu đế Lưu Biên, lập Hiến đế. Lưu Hiệp đồng thời cho quân cướp bóc, chém giết lương dân. Do đấy hình thành đội ''quân Quan Đông'' gồm 17 nước chư hầu, đứng đầu là Viên Thiệu, kéo quân về kinh đô đánh Đổng Trác. Sau khi diệt xong Đổng Trác, các chư hầu lại quay ra thanh toán lẫn nhau. Cuối cùng còn lại Ngụy, Thục, Ngô, là ba nước mạnh hơn tất cả. Diệt xong các chư hầu phương Bắc, nước Ngụy (Tào Tháo) lại kéo xuống phương Nam, định vượt qua sông Trường Giang tiêu diệt nốt hai nước Thục, Ngô thực hiện chí lớn thống nhất Bắc - Nam. Trải qua bảy Thập kỷ hỗn chiến nữa, Thục Ngô lần lượt bị diệt vong. Cuối cùng tướng nước Ngụy là Tư Mã Viêm (cháu Tư Mã ý) thống nhất được Trung Quốc lập nên nhà Tấn, kết thúc cục diện Tam Quốc phân tranh (năm 280).
Trong truyện tuy miêu tả cuộc đấu tranh của ba nước Ngụy, Thục, Ngô nhưng tác giả dành nhiều bút mực miêu tả cuộc đọ sức của hai phái Ngụy - Thục; còn phái Ngô, khi thì đứng về phía Thục chống Ngụy, khi thì ngả về phía Ngụy chống Thục. Do chưa thoát được ảnh hưởng của tư tưởng “chính thống”, tác giả cho Tào Tháo, không phải dòng dõi họ Lưu (Hán), đối lập với Lưu Bị là người dòng dõi ''Trung sơn Tĩnh vương''. Tư tưởng (ủng hộ Lưu Bị, phản đối Tào Tháo) theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, cũng có một ý nghĩa tích cực ở trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Dưới ách thống trị tàn bạo của nhà Nguyên - Mông, nhân dân Trung Quốc khao khát độc lập và thống nhất, họ mơ ước một ông Vua anh minh có thể tập hợp được lực lượng nhân dân đánh bại ngoại bang xâm lược. Tác phẩm ra đời trong bối cảnh ấy, nên cuộc đấu tranh của Lưu Bị chống lại Tào Tháo đang khôi phục lại nhà Hán, có giá trị nhất định trong việc thức tỉnh ý thức dân tộc.
Ảnh hưởng của Tam Quốc thật to lớn. Ở Trung Quốc bất cứ người nào từ thành thị đến nông thôn, biết chữ hay không biết chữ đều nhớ nội dung của truyện. Tác phẩm đã được các lãnh tụ khởi nghĩa nông dân ở Trung Quốc coi là cuốn sách gối đầu giường; giúp họ chiến lược, chiến thuật để tiến hành đấu tranh chống thế lực phong kiến. Tác phẩm đã và đang là nguồn đề tài lý thú của thiều vở ca kịch và điện ảnh. Từ khi lác phẩm ra đời, danh từ ''diễn nghĩa'' đã trở thành tên gọi có tính chất thể loại có nội dung loại sử thi Bác học. Trước Tam Quốc, trong lịch sử văn học Trung Quốc chưa hề có một bộ tiểu thuyết lịch sử có tầm cỡ nào, nhưng sau khi Tam Quốc ra đời đã có nhiều tác phẩm bắt chước nó. Ví dụ Đông Tây Tấn diễn nghĩa, Tiền hậu Đường diễn nghĩa, Nam Bắc Tống diễn nghĩa, Thanh sử diễn nghĩa v.v... Vào thế kỷ XX, người ta đã sáng tạo tác phẩm cuối cùng theo thể loại này là Trung Quốc cộng hòa diễn nghĩa, miêu tả về cuộc cách mạng tư sản 1911. Nhưng không một tác phẩm nào trong số đó có thể sánh cùng với Tam quốc diễn nghĩa. Vì thế, nó được đông đảo mọi người tìm đọc và có giá trị mãi mãi trong tương lai.
Tam Quốc là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên thực sự có một quy mô to lớn. Nó gồm những chuỗi vô tận các mưu mô quân sự, cho phép người ta dựng cả một tác phẩm hoàn chỉnh; về mặt cốt truyện dựa vào nòng cốt duy nhất là thời gian. Giống như các nhà văn Trung cổ khác, La Quán Trung không sáng tạo ra những cốt truyện mới mẻ, mà dường như chỉ kể lại một cách sáng tạo những câu chuyện, những mô típ của người xưa mà thôi. Các hồi ở đây không phải là đơn vị của cốt truyện. Ta phải xem đoạn mới là đơn vị của cốt truyện, mỗi đoạn tương ứng với một mưu mô (từ khi nghĩ ra mưu mô cho đến khi mưu mô được thực hiện; ví dụ, Vương Doãn dùng kế liên hoàn diệt Đổng Trác dài tới hai hồi (hồi 8 là 9); trận Xích Bích phải dùng tới năm hồi (hồi 45- 50). Phân chia cốt truyện ra từng hồi và cách kết thúc mỗi hồi. Với câu “hạ hồi phân giải” là đặc điểm có tính chất thể loại của tác phẩm. Nguyên tắc cắt đứt mỗi hồi và dừng lại vào lúc câu chuyện đang căng thẳng nhất để bắt buộc người đọc phải xem tiếp. Sau câu hỏi ''Muốn biết thế nào (cái gì, ai...) xem hồi sau sẽ rõ'' là tiếp ngay đến nhan đề của một hồi mới được tổ chức theo nguyên tắc nhưng câu thơ 7 hoặc 8 chữ, không vần và cắt nhịp theo 4-3 hoặc 3-5.
Tam Quốc là tiểu thuyết sử thi nên giọng điệu tác phẩm chủ yếu là ca ngợi, chất châm biếm hài hước đôi khi cũng được sử dụng để phê phán những nhân vật tiêu cực. Sử thi thường dùng phép khoa trương phóng đại để ca ngợi những kỳ tích của các anh hùng hảo hán. Tác giả phóng đại những khó khăn hiểm trở để thử thách tài riêng võ nghệ của các anh hùng. Nhân vật có vóc dáng khác người. Lưu Bị ''mình cao 7 thước rưỡi, hai tai chấm vai, hai tay dài quá đầu gối, mắt trông thấy được tai'' đó là quý tướng, xứng đáng được làm Vua. Trương Phi hét một tiếng trên Cầu Trường Bản, lui hàng vạn quân Tào, làm cho tướng Tào sợ quá vỡ mật ngã ngựa mà chết. Quan Vũ lấy đầu giặc nhanh đến nỗi chén rượu mời còn chưa nguội... Tâm hồn họ cũng khác với người thường; họ không hề vướng thê thi, chỉ biết xung trận lập chiến công, không hề biết sợ sệt, dao động là gì. Có lẽ vì thế, trong sử thi có nhiều trận đánh ác liệt, tử vong rất nhiều, nhưng không hề gây một không khí bi thảm xót xa. Sự phóng đại còn thể hiện ở chỗ tác giả so sánh các anh hùng hảo hán với các bậc hiền tài trong lịch sử như Trương Lương, Lã Vọng, Quản Trọng, Nhạc Nghị v.v... ở Trung Quốc, nếu như yếu tố phóng đại thể hiện ở khắp mọi nơi, thì chi tiết đời thường dường như vắng bóng. Điều này làm nên nét phân biệt giữa Tam Quốc với Thủy Hử.
Ngôn ngữ của Tam Quốc là sự kết hợp giữa văn ngôn và bạch thoại. Phần bạch thoại đã sử dụng ngôn từ thông dụng, sinh động của nhân dân. Ngôn ngữ kể lấn át ngôn ngữ miêu tả, và trong ngôn ngữ miêu tả rất ít sử dụng định ngữ và tính từ. Người Trung Quốc gọi loại miêu tả ngắn gọn như vậy là lối ''bạch miêu''. Nhưng nhờ lối kể chuyện khéo léo, đối thoại sinh động và sử dụng rộng rãi khẩu ngữ, các truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại, truyện lịch sử, v.v… nên đã tạo cho tác phẩm một vẻ đẹp hấp dẫn vừa bác học và dân dã. Tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa mãi mãi là sản phẩm tinh hoa ngự trị và sống vĩnh hằng trong tâm hồn nhân loại.