TÂY DU KÝ - PHO TIỂU THUYẾT THẦN THOẠI VĨ ĐẠI,
BẢN TRƯỜNG CA LỚN NHẤT VỀ ĐẠO PHẬT
Tây Du Ký - tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân, một pho tiểu thuyết kiệt xuất trong văn học Trung Quốc, dài một trăm hồi chia làm 4 tập.
Bộ tiểu thuyết thần thoại này là thiên trường ca lãng mạn vĩ đại. Quá trình ra đời cũng giống như Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử. Gốc gác của truyện đã lưu truyền lâu đời trong dân gian từ trước; sau đó một hoặc vài tác giả dựa trên cơ sở sáng tác lập thể của nhân dân, lại sáng tạo thêm thành sách.
Tây Du Ký sở dĩ rạng rỡ chủ yếu dựa trên hình tượng nghệ thuật Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không là hình tượng anh hùng lý tưởng rất giàu màu sắc thần kỳ, tỏa sáng ra bốn phía trong phòng tranh văn học cổ điển Trung Quốc.
Tôn Ngộ Không là đứa trẻ của tự nhiên, đứa trẻ từ một khối đá Tiên sinh ra. Nó nhờ ở dũng cảm và trí tuệ của mình mà làm chúa đàn khỉ ở Đông Thuỷ Liêm, Núi Hoa Quả. Tác giả tả Động Thủy Liêm, Núi Hoa Quả được mười phần tươi đẹp như là một lạc viên lý tưởng. Một bầy khỉ ở trong khoảng trời đất, tự do tự tại, ''không chịu kỳ lân trông coi, không chịu phượng hoàng cai quản, cũng không chịu Vua ở nhân gian ràng buộc''. Nhưng Tôn Ngộ Không lại phải chịu sự quản thúc của Vua Diêm Vương; vận mệnh của Tôn lại không phải do chính Tôn nắm lấy được. Đối với một việc không thể nào chịu được ấy, Tôn Ngộ Không bèn rèn luyện tài nghệ của mình náo động Long Cung, lấy của Đông Hải Long Vương cái gậy gọi là ''gậy như ý bịt vàng trấn đáy sông trời” nặng 13.500 cân, múa gậy đánh xuống âm phủ ''làm cho quỷ đầu trâu kia sợ phải trốn Đông, trốn Tây, quỷ mặt ngựa kia sợ phải chạy Nam, chạy Bắc''. Ngay cả Vua Diêm Vương cũng sợ hãi phải lên tiếng ''Xin thượng Tiên cho biết tên!", phải đem sổ sinh tử ra để Tôn Ngộ Không xóa bỏ tên tuổi loài khỉ ở trong ấy. Rõ là Tôn Ngộ Không phản kháng bất cứ sự áp bức nào, Tôn khiêu chiến một cách táo bạo với số mệnh! Tôn Ngộ Không náo động Long Cung, khuấy rối âm phủ; Long Vương và Diêm Vương không làm sao được, đành phải kêu với chúa tể của họ là Ngọc Hoàng, kẻ thống trị cao nhất của Thế giới hữu thần. Kẻ thống trị ở thiên đình ấy cũng lại chẳng cao minh gì hơn Long Vương, Diêm Vương; nhưng biết không thể đối phó được với Tôn, bèn bày ra kế đánh lừa Tôn Ngộ Không lên trời. Tôn Ngộ Không lên đến thiên đình, với thái độ một người thắng thế, vào yết kiến Ngọc Hoàng, Thái Bạch Kim Tinh hướng vào Ngọc Hoàng lạy, Tôn Ngộ Không cứ thẳng người đứng ở cạnh. Đến lúc Ngọc Hoàng hỏi ''Ai là Tiên yêu quái''', Tôn Ngộ Không chỉ cúi mình trả lời một tiếng là ''Chính lão Tôn đây!''. Thái độ ngang tàng của Tôn ở trước mặt Ngọc Hoàng trong thế giới thần thoại đã phản ánh một cách khái quát sự phản kháng của nhân dân lao động đối với chế độ đẳng cấp trong xã hội phong kiến, phản ánh yêu cầu và nguyện vọng của họ: dân chủ, bình đẳng. Khi Tôn Ngộ Không biết rằng việc mình được phong làm ''Bật mã ôn'' chỉ là một việc lừa dối, Tôn bèn bừng bừng lửa giận, đánh ra cửa Nam Thiên. Thiên đình điều binh khiển tướng đến đánh, kết quả bị Tôn Ngộ Không đánh cho tơi bời, tán loạn như hoa trôi nước chảy. Từ đấy, Tôn Ngộ Không lặng lẽ dứt khoát dựng cờ hiệu, tự xưng là ''Tề Thiên Đại Thánh'', việc ấy chứng tỏ rõ rằng là Tôn tự coi mình ngang với trời, quyết không chịu sự cai quản của thế lực thống trị trên “nước trời”. Tinh thần phản kháng của Tôn Ngộ Không lúc bấy giờ so với lúc náo động Long Cung, náo động âm phủ lại tiến lên một bước nữa, là dám chống đối lại với thiên đình. Kẻ thống trị ở trên trời sợ uy lực lớn lao của Tôn Ngộ Không không thể không thừa nhận Tôn là “Tề Thiên Đại Thánh'' được. Ấy là lần thứ hai trời lừa Tôn Ngộ Không lên thiên quốc. Tôn Ngộ Không ở trên thiên cung, vẫn hiềm vì bị người quản thúc, cuộc sống không được tự do, cho nên giả ngây giả dại. Không lâu Tôn lại náo động ngay thiên cung một mẻ rối tung phèng nữa, sau đó lại ra khỏi cửa trời. Thiên đình tốn hết sức lực mới được Tôn Ngộ Không. Tây Du Ký là đỉnh cao của các sáng tác về chủ nghĩa lãng mạn trong lịch sử phát triển tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Thể loại này đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của thần thoại Cổ đại Trung Hoa, đã thể hiện sức sống sáng tạo vĩ đại là sức tưởng tượng phong phú của truyền thống dân gian. Tây Du Ký chính là một bộ tiểu thuyết thần thoại trường thiên vĩ đại, lãng mạn tích cực. Thông qua hình thức ảo tưởng thần kỳ là nội dung bắt nguồn ở hiện thực mà cao hơn hiện thực, Tây Du Ký đã phản ánh đầy đủ, khúc chiết, lý tưởng cao quý và đời sống hiện thực của nhân dân Trung Quốc.
Cái được tả trong Tây Du Ký là một thế giới thần thoại kỳ diệu. Nhân vật trong đó tuyệt đại đa số không phải là người trong xã hội hiện thực, mà nơi hoạt động của họ cũng không phải là hoàn cảnh của đời sống xã hội loài người. Tây Du Ký mở rộng hết kho tưởng tượng phong phú không gì sánh được có đủ tình tiết truyện đưa người ta vào cảnh Tiên giới, Bồng Lai thú vị như: đời sống vui vẻ, tự do tự tại của bầy khỉ ở núi Hoa Quả, việc đại náo Thiên cung, Đại phủ và Long Cung, 72 phép biến hóa, 81 nạn trên đường đi Tây Trúc lấy Kinh; cho đến chỗ chiến trường tung đá bay cát, sự thần kỳ đi mây về gió và những cuộc chiến đấu thần diệu kỳ dị, v.v…
Tất cả những cái ấy đã đưa người ta tiến vào một thế giới ảo tưởng thần diệu. Khi sáng tác ra thế giới ảo tưởng ấy, tác giả đã viết rất chi tiết về bối cảnh khiến ta như thấy ngay ở trước mắt. Tả nhân vật cũng có thanh có sắc. Nhưng hoàn cảnh và nhân vật ở đây lại không phải là bộ mặt của bản thân đời sống xã hội loài người; lối viết chi tiết như thế chỉ có thể hợp lý trong cái lôgic phát triển của tự thân câu chuyện thần thoại. Nó là cái hợp tình hợp lý của thần thoại.
…Tây Du Ký có nội dung bắt nguồn ở hiện thực mà lại cao hơn hiện thực. Nó thông qua hình tượng nhân vật mà biểu hiện ra. Hình tượng nhân vật của Tây Du Ký đều có đầy đủ ý nghĩa hiện thực, nhưng đều không na ná hoặc đơn giản bắt chước hiện thực, cũng không khái quát chung chung, mà cao hơn hiện thực trên một mức độ rất lớn. Ở đây thiện thì càng thiện, ác thì càng ác, các nhân vật đều vượt cao hơn hiện thực mà đi vào phạm vi lý tưởng hóa. Trong Tây Du Ký, hình thức thần thoại hóa kết hợp với nội dung hiện thực lớn lao, đã đạt tới sự thống nhất tài tình khéo léo. Chính vì thế sự tưởng tượng của Tây Du Ký mới được biểu hiện ra có ý nghĩa biết bao, khỏe khoắn tốt đẹp, sinh động và thú vị biết bao! Hợp tình, hợp lý khiến người đọc phục và tin, thấm đậm chất trí tuệ sáng ngời. Uy lực lớn mạnh và khí phách hùng vĩ của Tôn Ngộ Không trước thiên nhiên, phản ánh nguyện vọng tha thiết của nhân dân lao động muốn chinh phục thiên nhiên. Bởi Tôn Ngộ Không là một hình tượng anh hùng của thần thoại gọt giũa trong thế giới ảo tưởng, tất cả điều ấy càng làm nổi bật cái đặc trưng của bản chất hình tượng sáng tạo kỳ vĩ.
Hình tượng Tôn Ngộ Không đã được lý tưởng hóa cao độ. Trong các cuộc chiến đấu, lúc nào Ngộ Không cũng vẫn là một anh hùng đội trời đạp đất, không sợ gì cả. Cái đó thể hiện lý tưởng chủ nghĩa anh hùng của nhân dân lao động thời Cổ đại, thông qua hình tượng rực rỡ ấy của Tôn Ngộ Không, đã thấy được sức mạnh và lý tưởng của mình, đã cổ vũ ý chí phấn đấu của mình.
Tây Du Ký là đỉnh cao nhất của chủ nghĩa lãng mạn trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc. Truyện ấy đã mở ra phong trào tiểu thuyết thần thoại của một thời đại, có rất nhiều ảnh hưởng đối với tiểu thuyết Thánh Thần ma quỷ sau này. Sau khi Tây Du Ký ra đời khá nhiều người bắt đầu coi trọng việc thu thập và chỉnh lý những truyện Thần quái ở dân gian. Lại xuất hiện ra nhiều Tây Du Ký tục thư nhưng những quyển ấy đều còn kém xa mức Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.
Truyện Tây Du Ký lưu truyền rộng rãi ở dân gian, có ảnh hưởng rất sâu xa. Nhân dân rất thuộc, yêu thích truyện và nhân vật trong Tây Du Ký, cơ hồ nhà này nhà khác đều hay, người trẻ người già đều biết. Đặc biệt là hình tượng Tôn Ngộ Không có ảnh hưởng tốt và tác dụng tích cực đối với tinh thần nhân dân.
Tây Du Ký cũng ảnh hưởng đến những hình thức văn nghệ khác - đặc biệt là hí kịch, đã lấy từng đoạn trong Tây Du Ký ra viết thành bản. Nhiều gánh tuồng địa phương và tạp hý dân gian (múa rối, chiếu bóng v.v. . . ) đến nay vẫn còn giữ nhiều tiết mục truyền lại về Tây Du Ký. Kinh kịch ''Náo thiên cung'' không những là một tiết mục được nhân dân nhiều nước yêu thích, mà còn được nhân dân thế giới nhiệt liệt hoan nghênh. Nhất là trong những năm gần đây, Tây Du Ký đã được dựng thành phim chiếu nhiều tập trên vô tuyến truyền hình các nước; nó là món ăn tinh thần vô giá, được nhân dân rất ưa thích.
Trích trong tác phẩm TÂY DU KÝ, NXB Văn học