HỒNG LÂU MỘNG - MỘT BỘ TIỂU THUYẾT BÁCH KHOA
SINH ĐỘNG VỀ XÃ HỘI TRUNG QUỐC THỜI XƯA
Trong lịch sử văn học Trung Quốc, Hồng Lâu Mộng có một vị trí đặc biệt. Người Trung Hoa say mê đọc nó, bình luận về nó, sáng tác về nó, đến nỗi nói: "Khai đàm bất thuyết Hồng lâu mộng, Độc tận thi thử diệc uổng nhiên''. (Mở miệng nói chuyện mà không nói Hồng lâu mộng thì đọc hết cả thi thư cũng vô ích!). Có một ngành học chuyên nghiên cứu về Hồng lâu mộng, gọi là Hồng học; gần đây nhất vẫn thấy Trung Quốc in chuyên san Hồng lâu mộng nghiên cứu. Có lẽ trên thế giới chỉ có Shakespeare là có một vinh dự lớn lao như thế, vì có một ''Shakespeare học''.
Cái gì làm người Trung Quốc say Hồng lâu mộng “như điếu đổ” vậy? Trước hết, đó là do tác phẩm đáp ứng những nhu cầu sâu xa của thời đại. Thời nhà Thanh, dưới thời các Hoàng đế Ung Chính, Càn Long (1723-1795) là thời kỳ kinh tế phồn vinh, chẳng những nông nghiệp, thủ công nghiệp, mà cả khai thác mỏ, thương nghiệp. . . cũng phát triển mạnh mẽ. Các thành thị lớn như Nam Kinh, Dương Châu, Võ Xương, Nhạc Châu. . . buôn bán, sản xuất sầm uất, là những đô thị lớn. Chỉ kể một thị trấn như Thanh Giang bên bờ Vận Hà thôi mà thời đó đã có hơn nửa triệu dân! Nền kinh tế tự phát tư bản chủ nghĩa đó trong lòng xã hội phong kiến chuyên chế mọt ruỗng và đang trên đà tan rã, đã đẻ ra một tầng lớp người thành thị, lớp người này có những nhu cầu thẩm mỹ mới. Tây Sương ký, Mẫu đơn đình Cổ kim tiểu thuyết, Liêu trai... là những tác phẩm tả tình yêu, những số phận, nỗi buồn vui cá nhân...chính là sự ''thăng hoa'' của cuộc sống đã bắt đầu khác trước về chất của người thành thị.
Hồng lâu mộng là sự thể hiện tư tưởng của thời đại: tinh thần dân chủ, tinh thần phê phán đời sống xã hội phong kiến mục nát, phê phán những giáo điều truyền thống đã ăn sâu bén rễ hàng ngàn năm, đòi tự do bình đẳng, khát khao một lý tưởng cho cuộc sống... Tất cả cái đó có những mặt kế thừa tư tưởng dân chủ thời Minh và thời đầu Thanh, nhưng nó chính là sản phẩm của ý thức tư tưởng thị dân đương thời. Nó là niềm khát vọng sâu xa của con người thời đại; và khát vọng ấy biểu hiện ra một cách nghệ thuật, qua cuộc hẹn hò tuyệt diệu với Hồng lâu mộng.
Tào Tuyết Cần để mười năm viết 80 hồi đầu Hồng lâu mộng: ''Xem ra chữ chữ toàn bằng huyết, Cay đắng mười năm khéo lạ lùng''; năm lần sửa chữa, trong cảnh cùng khốn, ốm đau không có tiền mua thuốc, trong cảnh đứa con yêu của ông bị chết. Và ông đã lìa đời trong cảnh khổ đau dồn dập đó. Bình sinh, ông vẽ giỏi, hay thơ, thích rượu, cuồng phóng. Người ta chỉ biết được về ông có thế thôi!...
Hai mươi tám năm sau khi ông mất, Cao Ngạc viết tiếp 40 hồi, đến khoảng 1792-1793 thì Hồng lâu mộng được in và lưu truyền khắp Trung Quốc. Những hồi Cao Ngạc viết tiếp thì không thể hay bằng các hồi Tào Tuyết Cần viết; nhưng cũng phải nói là Cao Ngạc đã sống với tác phẩm và tri âm tác giả, nên đã hoàn thành dự định của Tào Tuyến Cần và tiếp nối bút lực của người đi trước; hoàn thành và bộc lộ trọn vẹn tư tưởng của tác phẩm, khiến cho tác phẩm vẫn giữ được vẻ hấp dẫn mãnh liệt. Hồng lâu mộng không những đã đưa lại một nội dung mới mang ý nghĩa thời đại; nó còn làm được một việc vĩ đại nữa là đổi mới thi pháp tiểu thuyết Trung Quốc. Lỗ Tấn nói: ''Từ khi Hồng lâu mộng ra đời, tư tưởng và cách viết truyền thống đã bị phá vỡ”. Tiểu thuyết Trung Quốc trước đây, chủ yếu là tiểu thuyết chương hồi như Tam quốc, Thủy Hử, Tây Du Ký . . . thiên về mô tả hành động, miêu tả hoạt động bề ngoài và lời nói của nhân vật. Con người trong các tiểu thuyết đó, là sản phẩm của một nền kinh tế nông nghiệp mang tính chất phương thức sản xuất Châu Á, có bề giản đơn, nhất quán ở một tính cách, rạch ròi trung, nịnh đôi đường. Những truyện ngắn ''truyền kỳ'', truyện ngắn trong Liêu trai chí dị đã bắt đầu thấm đẫm màu sắc con người thị dân với những khát vọng nồng nhiệt hơn, phức tạp hơn, nhưng vẫn chưa có một thi pháp tiểu thuyết thực sự phản ánh một cách nhìn mới về con người.
Hồng lâu mộng đã làm được việc đó. Dĩ nhiên, nó còn nhiều hạn chế gay gắt của thời đại. Thi pháp của tiểu thuyết Hồng lâu mộng đã mang một số nhân tố mới của tiểu thuyết Cận đại phương Tây, nhưng nó không thể đi xa hơn nữa. Nó vẫn còn bị giam mình trong cái khung tiểu thuyết chương hồi truyền thống, lấy ''kể việc'' làm phương tiện chủ yếu khám phá con người.
Nhưng xét cho kỹ, thì phải ghi nhận những nhân tố mới ở Hồng lâu mộng là rất có ý nghĩa. Trước hết đó là cách nhìn con người trong sự phát triển đầy mâu thuẫn, sự phát triển biện chứng, có chiều sâu của kịch tính.
Số phận và tính cách của Giả Bảo Ngọc đã được tác giả miêu tả không đơn giản. Đó là mâu thuẫn giữa khát vọng tự do và sự ràng buộc nặng nề của gia đình và xã hội phong kiến. Đó là tình yêu chân thành và quý báu như chính sinh mệnh của anh ta và lạ thay, anh ta hầu như chẳng làm được gì chẳng chiến đấu dũng mãnh gì để đoạt lấy hạnh phúc! Mọi việc gần như được phó mặc! Trước khi chết, Lâm Đại Ngọc oán giận, đau buồn đốt khăn tặng, đốt tập thơ... không phải là không có lý! Anh ta chưa bao giờ xứng đáng là một trang “tu mi nam tử” có lý tưởng kiên định! Vấp phải những mẫu thuẫn nghiệt ngã của thời đại, anh ta sinh ra đau thần kinh, mắc chứng “ngây” cứ cười hì hì suốt ngày. Điều đó càng đẩy anh ta ra đi sâu vào bi kịch. Cuối cùng giải pháp “đi tu” – đã phản ánh sự từ chối, sự phản khác dầu yếu ớt – đã được anh ta lựa chọn. Đi thi và thi đỗ cao để an ủi gia đình, rồi bỏ trốn đi tu, Bảo Ngọc đã đi hết sự phát triển của tính cách một cách hợp lý, và quả là qua số phận anh ta, như một số nhà nghiên cứu nhận định, có sự gởi gắm, có sự thể hiện một phần nào bản thân tác giả. Đó đúng là một số phận tiểu thuyết theo ý nghĩa hiện đại của từ này.
Lâm Đại Ngọc là một tính cách thú vị khác. Nàng yêu Bảo Ngọc, nhưng do thân phận của nàng, mỗi khi Bảo Ngọc ngỏ lời, là nàng lại giận hơn, buồn tủi, làm ra vẻ tự tuyệt,…
“Bảo Ngọc cười nói: Tôi là người nhiều sầu, nhiều bệnh, cô là trang nghiêng nước, nghiêng thành”.
Đại Ngọc nghe thấy câu ấy, mặt và tai đỏ bừng bừng lên, lập tức dựng ngược lông mày, như cau lại mà không phải là cau, trố hai con mắt, nhìn trợn mà không phải là trợn. Má đào nổi giận, mặt phấn ngậm hờn, trỏ vào mặt Bảo Ngọc:
Anh nói bậy muốn chết đấy! Dám đem những lời lẳng lơ suồng sã, lăng nhăng để khinh nhờn tôi! Tôi về mách cậu mợ đấy!” (trang 52 – 53 tập I).
Điều đó làm cho nàng trở lên đáng yêu và yêu nghiệp, tăng thêm nữ tính ở nàng nhiều hơn. Không một nét giả dối, nàng là nhân vật đã hiện ra với một chiều sâu tâm lý đa dạng, được bộc lộ qua tình yêu, qua những quan hệ khác. Phút cuối cùng nàng nghe nói Bảo Ngọc sắp lấy vợ, và người được chọn là người trong phủ, nàng chắc mẩm đó sẽ là mình, trong ốm đau, nàng trở lại sống linh hoạt, tươi đẹp,… Những cảnh như vậy làm cho nhân vật thực, gần gũi, phong phú, hấp dẫn,… và về mặt soi rọi tâm lý nhân vật, đã đạt đến trình độ của nhân vật tiểu thuyết hiện đại.
Hồng lâu mộng có tất cả 235 nhân vật đàn ông, 213 nhân vật đàn bà (một khối lượng nhân vật khổng lồ! Trong Chiến tranh và hòa bình có chừng 500 nhân vật). Làm chủ chừng ấy nhân vật, miêu tả, cá tính hóa họ một cách có hiệu quả là một sáng tạo phi thường.
Trong số đó, nổi bật lên sự mô tả và xây dựng nhân vật Tiết Bảo Thoa. Tiết Bảo Thoa là một tính cách gần như đối nghịch với Lâm Đại Ngọc, Giả Bảo Ngọc; chính những nhân vật trong Hồng lâu mộng đã phát triển sự đối nghịch như vậy, làm cho cuốn tiểu thuyết có nhiều gương mặt, nhiều hợp âm. Tiết Bảo Thoa là một nhân vật phụ nữ lý tính. Nàng còn ít tuổi mà đầy bản lĩnh, ở nàng tất cả đều đúng mực, hợp lý, logíc, nàng là hiện thân của nguyên lý phong kiến. Bao giờ nàng cũng là một người con gái sống cho gia đình, sống cho ý định của người khác – và ý đó luôn được nàng chấp nhận vì nó cũng chính là của nàng. Sự hòa hợp giữa nàng và gia cảnh phong kiến là điều hoàn toàn tự nguyện. Nàng là người có học, xem nhiều sách, biết làm thơ, nhưng hay nghe nàng tâm sự (cũng là “răn đe” Đại Ngọc):
“Bọn con gái chúng ta không biết chữ càng tốt… ngay cả việc làm thơ viết chữ, đã không phải là phận sự chị em mình, mà cũng không phải phận sự của bọn con trai nữa. Người con trai đọc sách phải hiểu nghĩa lý để ra giúp dân trị nước mới đúng,…” (trang 31 – tập III).
Với Bảo Ngọc, một người không yêu nàng, nhưng nàng theo sự sắp đặt của bề trên, lấy Bảo Ngọc không một chút tự ái; nàng làm bổn phận của người vợ, khuyên giải chồng, “lý sự” với chồng: “…chứ bây giờ đời Vua Thánh, nhà ta mấy đời đội ơn triều đình, cha ông được hưởng biết bao sung sướng…” (trang 315 tập IV).
Nếu nói “bản chất” và “bản lĩnh” giai cấp thì quả nàng là hiện thân của giai cấp. Nàng có “ác” không? Có. Khi con hầu Kim Xuyến nhảy xuống giếng tự tử, Vương phu nhân cảm thấy lương tâm cắn rứt, nhưng nàng thì không; nàng tươi cười an ủi, đổ lỗi cho Kim Xuyến và nói: “Dì cũng chẳng lên lo lắng buồn bã làm gì, chỉ cần cho vài lạng bạc làm ma cho nó trọn tình chủ tớ”… Nàng có giả dối không? Có. Nàng đã bày kế “ve sầu lột xác” để đánh lừa bọn con hầu, tránh điều bất lợi cho mình. Bảo Thoa lúc nào cũng tỉnh táo, cũng lắm mẹo! Nhưng nàng có đáng thương không? Nàng ít nhiều cũng yêu Giả Bảo Ngọc mà tự kiềm chế, và cuối cùng, với tất cả sức lực, nghị lực và sự chân tình, nàng muốn có hạnh phúc với Bảo Ngọc; nhưng rút cục nàng cũng trở thành một nhân vật bi kịch. Bi kịch của nàng là bi kịch của một người trung thành với đạo đức phong kiến.
Gần với tính cách của Tiết Bảo Thoa là Vương Hy Phượng. Đó cũng là một nhân vật nữ hết sức đặc sắc nữa. Các nhân vật này làm chúng ta nhớ đến Hoạn Thư của Nguyễn Du. Đó là sự miêu tả trung thành với bản chất của hiện thực, bản chất của những mối quan hệ phong kiến, đồng thời đó là sự cá tính hóa hết sức sâu sắc.
Ngoài ra, còn biết bao nhân vật đáng lưu ý nữa của cái thế giới bao la Hồng lâu mông. Dường như đó là cả một nhân loại: ở đó có hàng trăm số phận, và mỗi số phận đưa đến cho chúng ta một mảnh đời, một suy nghĩa về nhân thế!
Nhà lý luận tiểu thuyết nổi tiếng Bakhtin có nói rằng, nhân vật tiểu thuyết phải có phần “dư thừa nhân tính”. Có nghĩa là nhân vật, ngoài vai trò xã hội (đẳng cấp, nghề nghiệp…) phải có cái phần dư thừa nhân tính, cái phần nhu cầu nhân tính, cái phần cá tính tự do mà tâm lý xã hội không chứa đựng hết. Nhân vật của Hồng lâu mộng vừa là giai cấp, xã hội vừa là những nhân vật mang tính người, tính toàn nhân loại; ở trong họ có cái phần “người” và những nhân vật như vậy bao giờ cũng là một phát hiện, có sức hấp dẫn rất mạnh.
Hồng lâu mộng là cả một thế giới của đời sống xã hội thông qua cuộc sống từ thịnh đến suy của một gia đình quý tộc. Tác giả đã làm hiển hiện sự băng hoại của xã hội phong kiến, của nhân tính phong kiến, đã cho thấy một xã hội như thế là không phương cứu chữa! Không phải chỉ vì cái bọn người ấy sống trên áp bức và bóc lột địa tô, mà cái chính là cuộc sống trống rỗng của bọn họ; ngày và đêm trong cái phủ họ Giả ấy chỉ toàn là nhưng chuyện giành giật, lừa gạt, dâm dật, tự tử, tội ác,… Một vài khuôn mặt lương thiện – trong đó phần nhiều là thuộc tầng lớp dưới, như già Lưu, như Tập Nhân… không cứu nổi sự sụp đổ tất yếu của nó.
Hồng lâu mộng đã đưa đến cho người đọc những hiểu biết sâu xa về xã hội và về con người với một cách viết chân thực, giản dị mà bao gồm nhiều bút pháp lớn kim cổ. Nó là một cuốn bách khoa sinh động về xã hội Trung Quốc thời xa xưa. Về mặt bút pháp nghệ thuật, thì đó là một bước tiến mới trong nghệ thuật tiểu thuyết của thế giới. Hồng lâu mộng xứng đáng đứng ngang với các kiệt tác của nhân loại.