Tài liệu: Học thuyết giàu tưởng tượng về cấu tạo Vũ Trụ

Tài liệu
Học thuyết giàu tưởng tượng về cấu tạo Vũ Trụ

Nội dung

                         HỌC THUYẾT GIÀU TƯỞNG TƯỢNG VỀ CẤU TẠO VŨ TRỤ 

Trời có giới hạn không? Trung tâm của Trời ở đâu? Về vấn đề cấu tạo vũ trụ thời Trung Quốc cổ đại không ít người đề ra nhiều kiến giải, trong đó ảnh hưởng lớn nhất phải kể đến các thuyết: “Bầu trời”, thuyết “Hỗn thiên” thuyết “Tuyên dạ”.

Trong các thuyết ''Vòm trời'' (hay vung trời) xuất hiện sớm nhất vào khoảng thế kỷ thứ V trước CN, vào thời Đông Chu. Người ta cho rằng ''Trời tròn như cái vung, Đất vuông như bàn cờ'' hay còn gọi là thuyết ''Trời tròn Đất vuông''. Đồng thời người ta cũng cho rằng đất đứng yên, Mặt Trời, Trăng, Sao chuyển động xoay vần trên Vòm trời. Đến thời Chiến Quốc lại xuất hiện vòm trời thứ hai. Người ta cho rằng vòm trời như một cái nón to, đỉnh nón là Bắc cực. Trời lấy Bắc cực làm tâm xoay chuyển, Đất như một cái mâm lật ngược. Bắc cực là điểm cao nhất của vòm trời, bốn bên rủ xuống.

Từ chỗ xem mặt đất là một mặt phẳng lớn đi đến chỗ có hình vòng cung, thuyết Vòm trời ở đây đã có bước tiến lớn. Thế nhưng thuyết này chủ trương các thiên thể chuyển động quay quanh sao Bắc cực, có cái gần Trái Đất, có cái ở xa. Thiên thể ở gần tựa như ở trên đỉnh đầu, còn cái xa làm người ta tưởng như nó chui vào đất. Chúng ta dễ dàng nhận thấy các giải thích này về chuyển động của các thiên thể thực không thể chấp nhận. Vì vậy đến sau thời Đông Hán, thuyết Hỗn thiên đã thay thế thuyết Vòm trời.

Thuyết Hỗn thiên vốn bắt nguồn từ thời Chiến Quốc: Từ chỗ phản đối thuyết Vòm Trời cho rằng Trời chỉ là một bán cầu, thuyết Hỗn thiên chủ trương “Trời” là một hình cầu hoàn chỉnh và từ đó đưa đến giả định Đất là một quả cầu. Từ thời Tây Hán trở về sau, thuyết Hỗn thiên lại thêm một bước mới. Trương Hoành đời Đông Hán là một người đã hoàn thiện thuyết Hỗn thiên. Ông cho rằng bầu trời như một cái trứng gà, các thiên thể ở trên vỏ trứng, Trái Đất như lòng đỏ trứng ở giữa. Trời to lớn còn Đất thì nhỏ bé, Trời và Đất giống như vỏ trứng  với lòng đỏ trứng. Trời và Đất đều chịu sự  chống đỡ của khí như nổi trên mặt nước. Nam cực và Bắc cực cách xa nhau đúng nửa vòng tròn. Trời chuyển động lăn như bánh xe không lúc nào ngừng. Ông còn chỉ ra rằng các thiên thể chuyển động xoay vần vừa đúng một vòng; vũ trụ là không có biên giới. Hàm ý khái niệm khoảng không vô hạn. Trương Hoành còn chế tạo dụng cụ để diễn thị tư tưởng thuyết Hỗn thiên, có tác dụng to lớn trong việc truyền bá học thuyết Hỗn thiên. Có thể xem thuyết hỗn nhiên về tinh thần tương tự thuyết Địa tâm Ptoleme ở phương Tây, (xem Trái Đất là trung tâm của vũ trụ) về thời gian xuất hiện thì hầu như cùng thời. Đó cũng là học thuyết tiên tiến về vũ trụ ở vào thời kỳ đó.

Theo tương truyền, thuyết Tuyên dạ khởi đầu từ nhà Ân. Đến đời Đông Hán, đã có người cho lời giải thích khá rõ về học thuyết này. Học thuyết cho rằng Mặt Trời, Mặt Trăng, các vì tinh tú nổi trong không gian vũ trụ, nương vào khí mà chuyển động, không hề tồn tại một thiên cầu rắn nào. Trời có mầu xanh đó là do ở cách chúng ta quá xa. Mặt Trời, Mặt Trăng, Hành tinh, Định tinh thậm chí đến dải Ngân Hà đều là chất khí phát sáng, chúng chuyển động tự do nhờ sự thúc đẩy của chất khí, không can thiệp lẫn nhau. Thuyết Tuyên dạ có ý nghĩa nào đó trong lịch sử tư tưởng của loài người về vũ trụ, tuy nhiên thuyết này không cho những luận giải cần thiết về mùa, về sự biến đổi của nhiều hiện tượng trên bầu trời nên ít có ảnh hưởng như thuyết Vòm trời và thuyết Hỗn thiên.

Từ thế kỷ XVI trở về sau, các nghiên cứu về thiên văn, vũ trụ học ở Trung Quốc đi theo con đường của thuyết Nhật tâm Copecnic ở các nước phương Tây.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/529-02-633336790417466250/Nhung-tu-tuong-khoa-hoc-ky-thuat-doc-dao/H...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận