Tài liệu: Học thuyết nguyên khí giải thích nguồn gốc sự vật

Tài liệu
Học thuyết nguyên khí giải thích nguồn gốc sự vật

Nội dung

                 HỌC THUYẾT ''NGUYÊN KHÍ'' GIẢI THÍCH NGUỒN GỐC SỰ VẬT 

Các vật thể trong tự nhiên, to lớn như Mặt Trời, Mặt Trăng, các vì tinh tú, nhỏ như các vi sinh vật v.v. . , suy cho cùng được tạo thành từ cái gì? Câu hỏi này đã kích thích sự tò mò của không biết bao nhiêu người. Vào đầu thời Tây Chu, người ta đã đề ra vạn vật tạo thành từ sự tổ hợp của 5 loại nguyên tố ''kim, mộc, thuỷ, hỏa, thổ'' đó là thuyết “Ngũ hành”. Sau đó có người cho rằng ''nước'' là gốc của muôn loài, thuyết đó được gọi ''lấy nước làm gốc''. Thế nhưng nếu đi từ các vật cụ thể để giải thích thì thuyết đó không làm người ta đủ tin. Sau này người ta mới nghĩ cách lấy một vật trừu tượng để đưa ra một sự vật cụ thể tự nhiên, từ đó xuất hiện thuyết ''Nguyên khí''. Từ thời Chiến Quốc đến cuối đời Minh, thuyết Nguyên khí là tư tưởng chủ yếu của Trung Quốc cổ đại về kết cấu vật chất, điều này cũng giống vai trò của thuyết nguyên tử của các nước châu Âu về cấu tạo vật chất.

Sống vào thời Chiến Quốc thuộc thế kỷ thứ IV trước CN, Tống Hình và Tư Văn cho rằng tinh khí là nguồn gốc của thế giới, chính do sự kết hợp của tinh khí đã sinh ra vạn vật. Vương Sung đời Đông Hán đã phát triển thuyết Nguyên khí thành ''Nguyên khí tự nhiên luận'', cho rằng vạn vật trong trời đất đều do sự kết hợp tự nhiên của nguyên khí tạo nên, ví như do nguyên khí giữa vợ và chồng kết hợp với nhau mà sinh sôi nảy nở ra các đời con cháu. Liễu Tông Nguyên, Lưu Võ Tích đời Đường đã tiếp thu tư tưởng của Vương Sung tiếp tục giảng giải sự vận động của nguyên khí, các trạng thái dừng, ổn định, biến hoá, đấu tranh, suy tàn, tan vỡ không liên quan gì đến ý muốn của quỷ, thần, người - đó chính là quan điểm phản đối mê tín. Trương Tải đời Tống (thế kỷ XI) và Vương Phu đời Thanh (thế kỷ XVII) thấm nhuần tư tưởng nguyên khí là nguồn gốc của vật chất, sự vận động của nguyên khí chính là cơ sở cho sự sinh diệt của vạn vật càng thâm nhập sâu sắc hơn vào luận thuyết nguyên khí. Các ông cho rằng hai loại khí âm dương lấp đầy cả không gian vũ trụ, ngoài điều đó ra trong vũ trụ không có gì khác, trong nguyên khí không hề có chỗ hở. Về cơ chế vận động của nguyên khí, hai ông Trương, Vương cho rằng do tính âm dương của nguyên khí thúc đẩy nhau mà đưa đến sự chìm – nổi, lên - xuống, động – tĩnh, đó là sự vận động tự thân của mâu thuẫn nội tại, không phải do tác dụng của quỷ thần, thượng đế - đó là tư tưởng của chủ nghĩa vô thần. Liên quan đến tư tưởng vật chất bất diệt, từ thực tế cuộc sống, Vương Phu đã chỉ ra rằng khi đốt cháy, củi không hề biến mất đi mà biến thành lửa, khói, tro bụi. Khi đốt cháy cây thì nước sẽ bay hơi, tro bụi bị tán phát đi mất, đó chỉ là việc biến thành những vật vô cùng nhỏ, mắt không hề nhìn thấy. Các vật hữu hình khác đều như vậy, vì vậy cái gốc làm nên vạn vật là nguyên khí, không sinh, không diệt. Trong tư tưởng vật chất của Trương Tải và Vương phu còn bao hàm ý tưởng vật chất chuyển Hóa tương hỗ. Tư tưởng này xuất hiện vào thời cổ đại lúc mà khoa học tự nhiên còn chưa phát triển thì quả là hết sức tiên tiến.

Học thuyết Nguyên khí là một học thuyết khoa học tự nhiên hết sức có giá trị, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển khoa học thời Trung Quốc cổ đại. Nó cũng có tác dụng khởi phát sự lý giải về cấu tạo vật chất. hiện đại ở các nước phương Tây. Có người đem thuyết Nguyên khí của Trương Tải so với thuyết xoáy nước của R.Descarter (nhà khoa học Pháp thế kỷ XVII) qua phân tích tỉ mỉ đã tìm thấy các điểm giống nhau của hai lý thuyết. Các lý thuyết khoa học hiện đại về điện trường, từ trường,. trường hấp dẫn cho đến các khái niệm điện tử, proton, nơtron đều không thể tách rời sự ''mở rộng''. Người ta còn cho rằng nếu muốn giải thích sâu sắc tri thức về trường, lý thuyết nguyên khí cổ đại cũng cho phép đặt nhiều điểm khởi phát. Ngày nay ở các nước khoa học phát triển như Mỹ và các nước châu Âu có rất nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu các vấn đề bao quát trong thuyết nguyên khí. Nhờ sự giao lưu văn Hóa Đông Tây đã thúc đẩy việc lý giải cấu tạo vật chất.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/529-02-633336786211841250/Nhung-tu-tuong-khoa-hoc-ky-thuat-doc-dao/H...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận