LẠC TÂN VƯƠNG
(640? - 684)
Người Nghĩa Ô, tỉnh Triết Giang, nổi tiếng thơ hay từ năm bảy tuổi. Ông ra làm quan đời Vua Cao Tông, Võ Hậu nhưng bất mãn xin thôi. Khi Từ Kính Nghiệp nổi lên chống lại triều đình có dùng ông làm chức Phủ thuộc. Ông có thảo bài hịch kể tội Võ Hậu. Cuộc biến loạn thất bại, ông bỏ trốn và mất tích. Theo Cựu Đường thư thì ông bị giết năm 684.
DỊCH THỦY[1] TỐNG BIỆT
Thử địa biệt Yên đan,
Tráng sỹ[2] phát xung quan.
Tích thời nhân dĩ một,
Kim nhật thủy do hàn.[3]
Dịch nghĩa:
TIỄN BIỆT Ở SÔNG DỊCH
Chỗ đất này khi từ biệt Thái tử Đan nước Yên,
Tóc kẻ tráng sỹ dựng đứng lên sát mũ.
Người thời xưa đã mất rồi,
Nước sông dịch ngày nay vẫn còn lạnh.
Dịch thơ:
SÔNG DỊCH TIỄN BIỆT
Đất này biệt chú Yên Đan
Tóc anh tráng sỹ tức gan dựng đầu.
Người xưa nay đã đi đâu,
Lạnh lùng sông nước cơn sầu chưa tan.
Ngày nay, số 120,
24 - 7 - 1938
Tản Đà