Tài liệu: Truyện Kiều - Bản trường ca thiên thu tuyệt diệu từ, mang trái tim nhân loại

Tài liệu
Truyện Kiều - Bản trường ca thiên thu tuyệt diệu từ, mang trái tim nhân loại

Nội dung

TRUYỆN KIỀU

BẢN TRƯỜNG CA THIÊN THU TUYỆT DIỆU TỪ,

MANG TRÁI TIM NHÂN LOẠI

 

Trong xã hội phong kiến Việt Nam rối ren, mục nát vào thế kỷ XVIII -XIX, thời kỳ cuối Lê sang Nguyễn, Truyện Kiều không chỉ là tiếng kêu thương đau đớn cho thân phận một người con gái tài sắc, mà còn là lời tố cáo đanh thép những bất công tàn ác của một xã hội buôn thịt bán người. Nó là niềm ước mơ tha thiết giải phóng kiếp người bị đầy đọa. Truyện Kiều còn đọng lại trong lòng chúng ta cho đến nay nỗi đau nhân tình của một tâm hồn u ẩn. Có lẽ ít có nhà thơ nào đã gửi gắm vào tác phẩm của mình một tâm sự khó hiểu như Nguyễn Du, khóc người rồi lại đặt câu hỏi về mình

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như.

(Không biết hơn ba trăm năm sau.

Thiên hạ ai người khóc Tố Như?)

(ĐỘC TIỂU THANH KÝ)

Từ khi Truyện Kiều ra đời, đã có biết bao người cảm thương cho thân phận nàng Kiều; nhưng cũng không phải không có những người chê trách nàng... và, nỗi lòng u ẩn của Nguyễn Du cũng đã được lý giải khác nhau từ các góc độ khác nhau. Người thì cho rằng, Nguyễn Du khóc Thúy Kiều là khóc cho thân phận mình chìm nổi, lắm cảnh éo le, ba đào mang mối cô trung với nhà Lê, mà vì thời thế bắt buộc, lại phải theo nhà Nguyễn. Người thì bảo khó mà cho rằng, nỗi niềm đau xót cho nàng Kiều chỉ là phản ánh cái tâm trạng của ông nhớ thương nhà Lê. Phải chăng tâm sự của Nguyễn Du là tâm sự của một người suốt đời bất đắc chí, từ thương thân phận mình đến mang nỗi đau đớn trần thế, thương người mà chẳng tìm thấy lối thoát?

Tâm sự của Nguyễn Du quả là một tâm sự đầy mâu thuẫn, khó hiểu. Nếu không có một sự phân tích đầy đủ lý tính về các tác phẩm và con người Nguyễn Du trong điều kiện xã hội rối ren phức tạp của giai đoạn cuối Lê sang Nguyễn, thì khó mà tìm hiểu cho ra lẽ tâm sự của nhà thơ, khó mà đánh giá đúng đắn về mọi mặt Truyện Kiều, một viên ngọc quý, một đỉnh cao trong nền văn học cổ điển phong phú và độc đáo của dân tộc Việt Nam. Đó là việc làm rất công phu, đòi hỏi sự đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu.

Ở đây như chúng ta đã biết, trong biết bao cuốn truyện của Trung Quốc, Nguyễn Du đã chọn một cuốn truyện thường ít người chú ý đến là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, để rồi dựa vào đó mà sáng tạo theo quan điểm của mình, để dựng thành một tác phẩm vĩ đại của nền văn học cổ điển nước ta. Đó không phải là một việc làm ngẫu nhiên. Chắc chắn là Nguyễn Du đã tìm thấy ở cuốn truyện này những điều phù hợp với tâm sự của mình, phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam đương thời. Tác giả đã bắt gặp ở cuộc đời chìm nổi lênh đênh của nàng Kiều tựa hồ như niềm đau khổ của chính Nguyễn Du. Bởi vậy khi mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du đã cất lên tiếng kêu xé lòng chua xót:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Truyện Kiểu vĩ đại là vậy, nhưng khi kết thúc Truyện Kiều. Nguyễn Du chỉ nói bằng hai câu thơ khiêm tốn đến cảm động:

Lời quê góp nhặt dông dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh.

Quả vậy, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trở thành niềm tự hào lớn nhất của nền văn chương dân tộc. Nói tới sức sống kỳ lạ của Truyện Kiều, nhà học giả Đặng Thai Mai so sánh nó với Mục Ca của Viếcgin thời La Mã Cổ đại. Truyện Kiều là chuyện về mối tình lý tưởng giữa Thúy Kiều và Kim Trọng mà rồi tan vỡ. Gia cảnh Kiều bị vu oan. Kiều phải bán mình chuộc cha và trao duyên cho em là Thúy Vân, để bước vào cuộc đời mười lăm năm lưu lạc: "Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần'', làm lẽ Thúc Sinh và bị Hoạn Thư đánh ghen hiểm độc, làm vợ Từ Hải nhưng Từ lại bị Hồ Tôn Hiến đánh lừa giết chết. Cùng đường Kiều đành phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Truyện dừng ở cảnh Kim Kiều tái hợp mà với Kiều là "bâng khuâng duyên mới” nhưng lại “ngậm ngùi tình xưa” chỉ muốn ''đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”.. Rõ ràng là qua thiên tình sử này, Nguyễn Du bằng thiên tài đã cảm nhận và phản ánh sâu sắc chân thực cái bi kịch của thời đại mình. Bao trùm lên toàn bộ Truyện Kiều là cả một cuộc vật lộn giằng co hầu như không phân thắng bại giữa hai thế lực của cuộc đời trên thân phận một kiếp người: Thúy Kiều. Một bên là sự trỗi dậy của tình yêu đôi lứa, của quyền sống con người, của giá trị nhân bản mà Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải. . . là hiện thân. Một bên là chế độ phong kiến bất lương, vạn ác mà Hồ Tôn Hiến ''Tổng đốc trọng thần'' lật lọng. đểu cáng và ''cũng ngây vì tình'', mà ông quen thói ''có ba trăm lạng việc này mới xong'', ''họ Hoạn danh giá” có nàng Hoạn Thư ''Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao'', với tên Mã Giám Sinh ''quen mối lại kiếm ăn miền nguyệt hoa''; một Tú Bà ''quanh năm buôn bán hương dã lề'', một tên Sở Khanh ''bạc tình nổi tiếng lầu xanh, một tay chôn biết bao cành phù dung''; mà thằng bán tơ “xưng xuất”; mà lũ sai nha ''đầu trâu mặt ngựa”; mà bon Ưng, Khuyển, Bạc Hạnh, Bạc Bà... tất cả là con đẻ cụ thể của thời ấy. Mà nạn mãi dâm, nạn đa thê, nạn cướp của đốt nhà, bắt cóc người ... đủ thứ đã thành chuyện đời thường. Nguyễn Du trong khi phản ánh cái bi kịch đó của thời đại, một mặt, hết lòng ủng hộ, vun đắp, thăng hoa những giá trị nhân bản, những sức sống mới; một mặt ra sức tố cáo, nguyền rủa các thế lực bất nhân, trong đó có đồng tiền, đã chà đạp quyền sống của con người, chà đạp nhân bản. Nhưng đến cuối cùng Nguyễn Du vẫn bế tắc, chưa tìm thấy lối ra cho xã hội. Cái bi kịch của thời đại đã trở thành cái bi kịch trong thế giới quan của tác giả Truyện Kiều. Nguyễn Du đề cao chữ tình say sưa là thế mà cuối cùng lại phải nói ngược: ''Tu là cõi phúc tình là dây oan''. Nguyễn Du biểu dương khát vọng công lý và tự do nồng nhiệt là thế mà rồi ra lại phải buột lời phủ nhận: ''Ngàn năm ai có khen đâu Hoàng Sào”. Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều và Từ Hải là hai nhân vật thể hiện lý tưởng nhân văn, lý tưởng xã hội của Nguyễn Du trực tiếp nhất. Thấy Kiều đẹp, đa tài và đa tình, mà nói như nhà phê bình Hoài Thanh đa tài cũng là đa tình và đa tình cũng không chỉ là tình yêu trai gái, mà còn là tình đôi tình người. Thúy Kiều rất khát khao hạnh phúc riêng tư nhưng Thúy Kiều cũng là người vị tha hơn ai hết. Đi trảy hội thanh minh: “Ngựa xe như nước áo quần như nêm” (nghĩa là đông lắm) mà có ai thấy gì. Riêng Kiều thì thấy. Thấy một nắm đất ''sè sè'' bên đường và từ đó là một nấm mồ vô chủ, một Đạm Tiên, và tất cả số kiếp “đoạn trường” của người phụ nữ xưa, để rồi vút lên một tiếng kêu mà trước đó hàng ngàn năm trong văn chương Việt Nam chưa đâu kêu nổi. Trong tiếng đó thực ra không chỉ cho ''phận đàn bà'' mà cho mọi kiếp người đau khổ, không chỉ cho một thời mà cho muôn đời:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Thúy Kiều là hình tượng hội tụ của bao nhiêu giá trị nhân bản cao quý. Nhưng tính chất bi kịch của thời đại cũng đã in đậm dấu ấn lên toàn bộ hình tượng Thúy Kiều, không riêng gì ở quãng đời mười lăm năm lưu lạc. Kiều đẹp. Đẹp gì mà đến nỗi ''hoa ghen, liễu hờn''. Kiều chủ động, táo bạo trong tình yêu, mà sao vẫn nơm nớp lo sợ tan vỡ: ''Bây giờ rõ mặt đôi ta. Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao''. Hình tượng Thúy Kiều trong mười lăm năm lưu lạc không chỉ là hình tượng đau khổ mà còn là hình tượng phản ánh bi kịch vật lộn giữa hai thế đời: nhân bản và phản nhân bản. Tâm trạng Thúy Kiều trong cảnh tái hợp cũng vậy là tâm trạng đầy bi kịch...

Truyện Kiều của Nguyễn Du đã kết tinh nghệ thuật trên cơ sở nội dung hiện thực và nhân đạo như trên. Nói về nghệ thuật Truyện Kiều, hầu như ý kiến từ xưa tới nay đã thống nhất coi đó là một tập đại thành, mà tựu trung nổi lên với mấy đặc điểm cơ bản là: có một thế giới ngôn ngữ phong phú, kỳ diệu, dựa trên sự cân bằng và kết tinh từ hai luồng Bác học và bình dân với hai phong cách ước lệ và hiện thực. Có một thế giới nhân vật, người nào ra người ấy, điển hình sinh động hấp dẫn, dựa trên khả năng thiên tài về sự khám phá, phân tích, miêu tả tâm lý con người. Có một thế giới thiên nhiên, lung linh, lắm màu vẻ, có sức hỗ trợ lớn cho việc miêu tả thế giới con người... Truyện Kiều, của Nguyễn Du đúng là viên ngọc quý nhất của nền văn chương Việt Nam từ xưa tới ray. Theo thời gian, nó mãi mãi lấp lánh.

(Trích N.M.V, P.Đ)

 

THI SỸ VÀ HỌC GIẢ VỚI TRUYỆN KIỀU

Đọc lại Truyện Kiều, tôi lại giác ngộ thêm một lần nữa về cái lợi hại của những phép văn cổ điển, cổ truyền. Tôi không bênh vực tuyên truyền cho loại văn đối dài, nhưng tôi rất khen loại văn đối ngắn, và tôi lấy những đoạn tiểu đối với Nguyễn Du ra làm ví dụ điển hình. Thi sĩ đã khéo dùng câu thơ tám chữ cắt đôi làm hai phần đối nhau: hai vế bốn chữ rất ngắn, song song với nhau, đối lập nhau về bằng trắc âm dương, là để càng khớp liền nhau cao độ: nhờ vậy mà nghĩa chứa tối đa trong một số chữ tối thiểu:

Có nghe lời trước, chẳng đà lụy sau

Đã dơ bụng nghĩ, lại bia miệng cười.

Đã tin điều trước, đi nhằm điều sau.

(Chữ nhằm nghĩa là đúng, là nói theo tiếng Trung Kỳ)

Trước người đẹp ý, sau ta biết tình

Còn nhiều nợ lắm, sao đà thác cho.

Dùng tiểu đối để kể việc, thì đỡ cho văn luộm thuộm dài dòng. Mã Giám Sinh đến trao tiền và nhận nàng Kiều:

Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao

Trong sự kể việc, có tả cả cái sự chặt chịa, cái sự nắm đằng chuôi của tên con buôn họ Mã. Nàng Kiều khi báo ân, báo oán, gặp Giác Duyên và bà quản gia.

Thoát đưa đến trước, vội mời lên trên.

Những động tác cử chỉ xương xẩu như vậy nói gọn trong hai tiểu đối.

Khi đã bị bắt quả tang đang gặp riêng nàng Kiều, Thúc Sinh nói chống chế bằng hai tiểu đối:

Tìm hoa quá bước, xem người viết Kinh,

Giọng vẫn phong lưu, do văn liền nhau thoải mái. Đến như cặp tiểu đối:

Cho người thấy mặt, là ta cam lòng,

 

Thì đã được bấy lâu nay mọi người tán thưởng, vì một khía cạnh tâm lý như vậy, không thể nói một cách nào tế thị hơn.

Còn câu:

Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng,

Hai tiểu đối một mọc thì một lặn, một đi tới thì một rút lui, nói sự giao ước rất tài tình. Với hai tiểu đối trong câu:

Từ phen đá biết tuổi vàng,

Tình càng thấm thía, dạ càng ngẩn ngơ.

Thì hai trạng thái tâm tư cùng phát triển song song là dần dà chậm chậm yêu mến nhau phát triển đến đâu, thì phải lòng nhau sâu xa đến đó; khi đã thấu hiểu đánh giá được nhau, ăn ý nhau, thì tình cảm cứ lớn dần trong tâm hồn, nhưng dưới hai khía cạnh, thấm thía và ngẩn ngơ. Cách nói sóng đôi, hai trạng thái cùng tồn tại, vừa đứt vừa dính, lột được biện chứng của sự vật của tâm hồn, không gì bằng cặp tiểu đối này:

Dẫu lìa ngỏ ý, còn vương tơ lòng

Và một câu nói cái tính giai cấp đại phong kiến của Hoạn Thư

Trộm nghe kẻ lớn trong nhà,

Ở: vào khuôn phép, nói: ra mối rường

Chữ vào và chữ ra, sắc sảo đối nhau, thực chất là đế nhau; giai cấp thống trị phong kiến bắt người ta phải ở vào khuôn vào phép, mở miệng ra là nhân danh đạo lý, chống đỡ rường cột; trường hợp hai tiểu đối ở đây viết thật chính xác, không đối thừa một chút nào, sắc lẻm như cái khuôn phong kiến, như cái miệng nhà quan có gang có thép; đâu vào đấy, đâu ra đấy, kẻ lớn ấy thật đáng kính!

Tóm lại khi đọc văn Truyện Kiều, người ta không ngần ngại áp dụng cho văn Truyện Kiều tám chữ ''Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu'' mà Nguyễn Du đã viết: Có người gọi Truyện Kiều là ''thiên thu tuyệt diệu từ”. Ai hãy viết cho chúng ta 3254 câu thơ đi, mà dính liền nhau như thế, mà mỗi câu chất chứa bao nhiều tâm hồn như thế. Dưới ánh sáng mới của chủ nghĩa xã hội, đây là một tác phẩm, công trình mang tính nhân dân cao độ; mà đã mang tính nhân dân, thì là của chúng ta, chúng ta có thể không tiếc lời, khen tác phẩm hay, tác phẩm đẹp của chúng ta.

XUÂN DIỆU

 

* Truyện Kiều của Nguyễn Du theo bài tựa của Mộng Liên Đường chủ nhân đề thời Minh Mệnh thì vốn tên là Đoạn trường tân thanh. Tương truyền tên Kim Vân Kiều tân truyện là do Phạm Quý Thích là bạn của Nguyễn Du đổi lại khi đem khắc in lần đầu, sau đó các bản in chữ Nôm phần nhiều đều dùng theo tên ấy và các bản Quốc ngữ cũng phần nhiều lấy tên ấy hoặc bỏ chữ tân hay tân truyện. Ở quê hương Nguyễn Du là Làng Tiên Điền người ta đều quen gọi là Truyện Thúy Kiều (người ta cũng thường gọi Nguyễn Du là ông Thúy Kiều). Bản Quốc ngữ của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim lấy tên ấy và chú thêm chữ Đoạn trường tân thanh. Xét trong nhân dân, người ta thường gọi quen là Truyện Kiều nên chúng tôi cũng lấy tên ấy như bản của Viện Văn học.

ĐÀO DUY ANH

 

            * Nghìn thu vọng mãi

Truyện Kiều từng là một niềm say mê lớn trong hàng trăm năm, đối với hàng triệu người. Truyện Kiều cũng sẽ mãi mãi là một niềm say mê lớn.

Chúng ta biết cái nhìn của Nguyễn Du là một cái nhìn bế tắc. Nhưng Truyện Kiều không chỉ là một cái nhìn bế tắc. Truyện Kiều trước hết là một tiếng kêu thương, một lời nguyền rủa, một giấc mơ, tất cả bắt nguồn từ một tấm lòng yêu thương vô hạn đối với con người, từ một chủ nghĩa nhân đạo rất đẹp và rất sâu. Chính chủ nghĩa nhân đạo ấy làm nên cái phần cốt yếu trong chất say người của câu chuyện. Chúng ta say sưa với những lời thơ khi ngọt ngào, khi đau xót, luôn luôn âu yếm, nâng niu những khi nói về Kiều. Chúng ta say sưa với những lời thơ sung sướng, hả hê khi hình ảnh Từ Hải vung lên, quét đi bao nhiêu xấu xa, dơ dáy. Say sưa ở đây trước hết là say sưa với tấm lòng Nguyễn Du, một lấm lòng đến giờ đây như vẫn còn bồi hồi, thổn thức trước những đau khổ của con người bị đày đọa, bị chà đạp. Một tấm lòng không dừng lại trong xót thương mà còn chan chứa kính yêu, hơn nữa, đã vươn tới một đỉnh rất cao là dứt khoát đòi trả thù và trị tội.

Viết về Kiều, về Từ Hải, tuy vậy, chưa phải là điều khó nhất đối với Nguyễn Du vì đó cũng tức là đi sâu vào tâm tư của chính mình. Điều khó hơn nhiều là đi sâu vào tâm tư của những người có phần là mình, có phần không phải là mình. Trường hợp Thúc Sinh là thế. Thúc Sinh là một anh chàng hèn nhát. Những điều Thúc Sinh thề thốt hoàn toàn không thể tin. Nhưng mối tình của Thúc Sinh đối với Kiều, Nguyễn Du vẫn xem là tình thật. Cả cái cảnh:

Long lanh đáy nước in trời,

Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.

Nguyễn Du cũng đã gửi cả tình vào trong con mắt ngắm cảnh của Thúc Sinh. Lúc này, Thúc Sinh đang trên đường trở lại Lâm Tri, lòng mừng khớp khởi. Anh ta có dè đâu giữa cảnh trời Thu tuyệt vời ấy, những phong ba dữ dội đang ùn ùn nổi dậy. Thúc Sinh trước sau vẫn là người cạn nghĩ. Nhưng chỉ riêng cái việc dành cho Thúc Sinh cảnh đẹp ấy và những lời ấy cũng đủ nói lên cái lượng lớn, đồng thời cũng là sức chân thực lớn của ngòi bút Nguyễn Du.

Ngay khi viết về cái dáng lặng ngồi lẩm nhẩm gật đầu của Sở Khanh, hay về cái mặt sắt cũng ngây tình của Hồ Tôn Hiến, ngòi bút của Nguyễn Du căm giận không để đâu cho hết nhưng vẫn chính xác đến kinh người.

Suốt trong câu chuyện, qua một lối kể không chút vội càng mà rất gọn, sự việc mà nhất là tâm tư cư diễn ra cơ hồ y như trong cuộc đời thật. Biến hóa khôn cùng mà lại hình như tất nhiên phải thế. Lời thơ cũng biến hóa khôn cùng và hình như cũng tất nhiên là phải thế. Từng chữ, từng câu đều đứng đúng tình, đúng cảnh, đúng lúc, đúng nơi; và vì vậy đều có một hương vị riêng, đều như gọi dậy đúng những gì vẫn có sẵn không biết tự bao giờ trong tâm trí chúng ta. Người đọc cũng có cái khoan khoái như được thấy ''mực muốn múa mà bút muốn bay, chữ hay phô mà câu hay nói” (Đào Nguyên Phổ).

Không có một tâm hồn kỳ diệu như tâm hồn Nguyễn Du, không một bài thơ kỳ diệu như bài thơ Nguyễn Du, không thể có Truyện Kiều. Nhưng không có những lầm than, căm giận, khao khát, ước mơ của nhân dân ta trong một thời kỳ lớn lao của lịch sử, không có đời sống lớn lao của lịch sử, không có đời sống văn hoá phong phú và đậm đà tình nghĩa cả một dân tộc rất mực tài hoa cũng không thể có Truyện Kiều.

Những lời thơ kết tinh trong vui buồn, cả trong máu và nước mắt của cha ông như thế, làm sao con cháu có thể không ra sức kế thừa và gìn giữ. Đành rằng chúng ta trăm công nghìn việc. Trừ một số người nghiên cứu, còn thì chúng ta không thể đi sâu vào các điển tích, các biện pháp tu từ. Nhưng cha ông ta ngày xưa say theo lời thơ Nguyễn Du nói cũng đâu có phải vì những điển tích cùng biện pháp tu từ. Cái chính vì cha ông ta đã nghe được trong đó một tiếng nói đồng tình, đồng điệu. Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta có điều kiện để nghe rõ, nghe đúng tiếng nói ấy của Nguyễn Du.

Thế giới của Nguyễn Du rất khác thế giới của chúng ta. Trong thế giới ấy, còn nhiều sương mù, nhiều bóng ma, nhiều thần tượng trước đây đã từng có tác dụng không hay. Nhưng ánh sáng lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại chúng ta, trên đất nước chúng ta sẽ xua tan đi hết thảy, khiến cho hòn ngọc vô giá truyền lại từ thời xa xưa, ngày sẽ càng thêm sáng ngời và trong suốt.

Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du được tổ chức trong cả nước và theo đề nghị của Hội đồng Hòa bình thế giới, lần đầu tiên một danh nhân văn hóa Việt Nam được kỷ niệm ở nhiều nước Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ. Trong một bài thơ viết vào dịp ấy, Tố Hữu đã hết lời ca ngợi tấm lòng nhân ái của nhà thơ và đối với tiếng thơ Nguyễn Du, đã có một sự đánh giá cao, xưa nay chưa từng thấy:

Tiếng thơ ai động đất trời,

Nghe như non nước vọng lời nghìn Thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du,

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

Hỡi người xưa của ta nay,

Khúc vui xin lại so dây cùng người.

(KÍNH GỬI CỤ NGUYỄN DU)

Tố Hữu đã nói lên tất cả tấm lòng yêu quý và biết ơn của chúng ta đối với nhà thơ cổ điển lớn nhất trong văn học Việt Nam. Đúng là trong thơ ấy, yêu thương như tiếng ru của mẹ, tha thiết như tiếng gọi của quê hương, nghìn năm sau sẽ còn vọng mãi.

HOÀI THANH




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1056-02-633389233860503278/Nhung-tac-pham-do-so-bat-hu-cua-Nhan-loai...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận