Tài liệu: Sơ khảo lịch sử biên soạn Bách khoa thư

Tài liệu
Sơ khảo lịch sử biên soạn Bách khoa thư

Nội dung

SƠ KHẢO LỊCH SỬ BIÊN SOẠN BÁCH KHOA THƯ

 

I. Từ Đông sang Tây, trước bước ngoặt lịch sử

1.1. Bách khoa toàn thư (BKTT) do Diderot và D'Alembert chủ trì đã mở đầu cho bước ngoặt lịch sử của sự nghiệp biên soạn các công trình bách khoa (CTBK) - các bách khoa thư (BKT) và các từ điển bách khoa (TĐBK) của nhân loại. Nhưng thật là thiếu sót mà không công bằng nếu chúng ta không nói đến quá trình biên soạn các CTBK đã diễn ra trên 2500 năm trước khi BKT ra đời, trong đó có sự đóng góp của nhiều dân tộc từ Đông sang Tây.

Đúng là thuật ngữ BKT mà lâu nay chúng ta dùng là dịch từ thuật ngữ Encyclopaedia, Encyclopédie ... mà những từ Anh, Pháp,... này lại có nguồn gốc Hy Lạp; en ''trong'', kyklios ''vòng tròn, chu trình'' (so sánh thêm: cycle), paideia “giáo dục” (một) vòng tri thức)'' tức là ''sách dạy toàn bộ tri thức”. Song thuật ngữ Encyclopaedia…  mới chỉ xuất hiện, với nghĩa “BKT” như ta hiểu và dùng ngày nay, từ thế kỷ XVI. Người dùng nó đầu tiên là Thomas Elyot, ở Anh, trong tác phẩm The Boke named the Govemour (1531), rồi đến F.Rabelais ở Pháp, trong tác phẩm Pantagruel (1532). Còn người đầu tiên dùng thuật ngữ này để đặt tên cho tác phẩm có tính chất bách khoa, là Paulus Scalichus de Lika - người Hongarie - trong các tác phẩm Encyclopaedia, seuorbis disciplinarum epistemum (trong Latinh), có nghĩa là “BKT”, tức là một ''vòng bộ môn các tri thức'', (năm 1539). Còn ở Hy Lạp, La Mã cổ đại, để chỉ những CTBK, người ta dùng những từ khác, chẳng hạn ở La Mã: Disciplinae ''Các bộ môn”, Summa ''Tổng hòa, tổng thể”, ở Ấn Độ, Trung Quốc... thì người ta cũng dùng những thuật ngữ khác, chẳng hạn Purana (tiếng Phạn) ở Ấn Độ, “các sách cổ” hoặc “loại thư, toàn thư” (tiếng Hán) ở Trung Quốc.

Cũng xin nói thêm rằng: ngày nay, người ta phân biệt trong các CTBK:

BKT chuyên ngành (có cả BKT chuyên đề) trình bày tri thức về một ngành khoa học, kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật nhất định (hoặc một bộ môn của một ngành khoa học,... một chuyên đề nào đó);

BKT tổng hợp (trước đây gọi là BKTT) trình bày tri thức về mọi ngành khoa học, kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật.

Về cách sắp xếp các tri thức trình bày, người ta phân biệt:

BKT sắp xếp theo thứ tự chữ cái (theo chữ cái Latinh, là abc. . .).

BKT sắp xếp theo chủ đề (theo các ngành, các bộ môn. . .).

Lại có sự khác nhau giữa BKT và TĐBK:

TĐBK là sách - công cụ để tra cứu, tham khảo; nó cung cấp những thông tin khoa học cơ bản mà loài người đã tích lũy được về đối tượng (khái niệm, sự vật, nhân vật. . .).

BKT là sách - công cụ để nghiên cứu, học tập; nó truyền thụ một cách tổng quát, có hệ thống các tri thức khoa học mà loài người đã tích lũy được trong quá trình lịch sử, về đối tượng tự nhiên, xã hội.

Còn các từ điển khoa học thì chỉ có chức năng cung cấp những thông tin khoa học, mà người soạn chấp nhận về đối tượng.

1.2. Vào khoảng năm 800 Tr. CN, ở Ấn Độ ra đời bộ Satapatha-brahmana bằng tiếng Phạn (Sanskrit). Ngoài những tri thức về Đạo Bà La Môn ra bộ sách này còn trình bày những tri thức về Vũ trụ. Đặc biệt là các bộ Vedanga trong đó trình bày các tri thức về kỹ thuật, ngữ pháp, ngữ âm học, thơ văn, thiên văn . . .[1]

Trong bộ sử thi Mahabharata (ra đời vào khoảng thế kỷ thứ IV Tr C.N), có nhiều ''tiểu luận trọn vẹn về triết học, luật học, đạo lý, nghệ thuật chính trị và những bài trình bày về đủ mọi thứ, khiến cho người ta có thể nói rằng cái gì không có trong bộ Mahabharata thì không có ở Ấn Độ"[2]. các nhà Bách khoa thư học phải kể đến tác phẩm này trong lịch sử BKT là vì thế.

Trong các sách mang tên Purana “sách cổ” xuất hiện từ những thế kỷ xa xôi, ngoài những phần nói về tôn giáo ra, còn nhiều tri thức về chiêm tinh học, thiên văn học, chính trị, pháp luật, quân sự, y học, thú y, văn xuôi, tu từ học, triết học, thể thao, yoga, ... ''Tác phẩm BKT đầy đủ nhất là Agnipurana''[3].

Thế kỷ I đầu Công nguyên, một loạt tác phẩm có tính chất BKT ra đời, mang tên chung là Dharmasatra, trình bày các tri thức về vũ trụ học, xã hội, luật học, y học, (kể cả giải phẫu, bệnh học cơ thể và tinh thần, nội khoa), lôgic học,v.v...[4]

1.3. Ở Trung Quốc, ngoài bộ từ điển về ngôn ngữ mang tên Nhĩ Nhã, ra đời sớm nhất thế giới (đời Hán, thế kỷ II Tr C.N), trong đó các mục từ được trình bày theo 19 môn loại (như: nhà cửa, đồ dùng, âm nhạc, trời đất, núi, sông nước, cây cối, sâu bọ, cá, chim muông, gia súc. . . ), người ta cũng đã làm những bộ sách BKT từ rất sớm. Những bộ sách này đều có tính chất chuyên đề, nội dung phân theo môn loại.

Sớm nhất là bộ Hoàng lãm (sách để '' Vua xem''), ra đời vào năm 220 S. CN (thời Tam Quốc) tổng hợp các tri thức về văn, thơ Trung Quốc, 120 quyển, sau tăng lên tới 680 quyển.

Đời Đường có thể kể đến ''ba bộ BKT nổi tiếng''[5]: Bắc đường thư sao của Ngu Thế Nam (558 - 638) soạn, gồm 160 quyển 19 môn loại (nội dung khác với 19 môn loại của Nhĩ Nhã); Nghệ văn loại tụ của Âu Dương Tuân (557 - 641) gồm 100 quyển trình bày tổng hợp tri thức về văn học, nghệ thuật Cổ đại và Đương đại; Sơ học ký của Từ Kiên (659 - 729) - là một bộ sách các tri thức cần thiết về văn, thơ[6].

Bộ BKT về chính trị - pháp luật đầu tiên của Trung Quốc xuất bản vào đời Đường là bộ Chính điển do Lưu Trật (khoảng 710 - 770) soạn bộ; BKT này được Đỗ Hữu (735 - 812) bổ sung, chia thành 9 môn loại: kinh tế, thi cử, quan chế, nghi lễ, âm nhạc, tổ chức quân sự, tư pháp, địa lý hành chính, ngoại giao, và được gọi là Thông điển.

Từ đời Tống trở đi, các BKT chuyên đề càng nhiều hơn, soạn thảo công phu hơn.

Thái Bình hoàn vũ ký - một BKT về địa - được Nhạc Sử (930 - 1007) soạn gồm 100 quyển. Đồng thời, còn có Thái Bình ngự lãm do Lý Phong (925 - 996) soạn theo lệnh của Tống Thái Tông gồm 1000 quyển, tổng hợp các tri thức về văn chương, khoa học của Trung Quốc từ trước đến thời đó. Bộ sách này, năm năm sau được bổ sung thành Thái Bình Quảng ký (Thái Bình là niên hiệu của Tống Thái Tông).

Năm 1319, bộ Văn hiến thông khảo ra đời. Bộ này do Mã Đoan Lâm (1254 - 1323) soạn trong 20 năm, gồm 348 quyển, là một bộ BKT tổng hợp hơn các công trình đi trước, chia nội dung thành 25 môn loại, như: thi cử, quan chế, lễ nghi, âm nhạc, việc ăn mặc, tình hình quân đội, các Châu Quận, biên phòng, các kinh sách, các đời Hoàng đế, bói toán, các vật lạ trong nước,... Nguồn tài liệu của công trình này là những sách cổ (văn), những bản sớ tâu trình của các quan lại (hiến) và những lời bình luận của các nhà Nho trước tác giả.

Nổi tiếng nhất là bộ Vĩnh Lạc đại điển (Vĩnh Lạc là niên hiệu của Vua Minh Thành tổ). Bộ này soạn theo lệnh của Vua, vào năm 1403 (niên hiệu Vĩnh Lạc thứ nhất), do Giải Tấn tiến hành, tổng hợp tri thức về các sách kinh, sử, tử, các sách văn, thơ, thiên văn, địa lý, bói toán, thuốc men, tôn giáo, kỹ thuật, thoạt đầu mang tên là Văn hiến đại thành. Khi bộ sách này soạn xong, Minh Thành tổ chê là chưa đủ, liền giao cho Giải Tấn cùng Diêu Quảng Hiếu, Lưu Quý Trì tổ chức 2100 người bổ sung, sửa chữa trong 6 năm. Bộ sách này gồm 22.877 quyển, đóng thành 12000 tập, (riêng thể lệ biên soạn và mục lục đã gồm 60 quyển). Cần nói thêm về Giải Tấn: viên Tiến sĩ bác học này đã từng tâu lên Minh Thái tổ, phê bình nhà Vua này ''thay đổi mệnh lệnh quá nhiều, giết người quá nhiều'' và sau đó đã từ chức. Tám năm sau, ông lại được vời ra làm quan (sau khi Thái Tổ chết), làm ''học sĩ Viện Hàn lâm''. Cuối đời, ông bị kết vào một tội không đâu là ''thiếu lễ độ của bầy tôi”, bị hạ ngục rồi bị giết trong ngục. Bộ sách này bị liên quân 8 nước đế quốc, khi xâm lược Bắc Kinh cướp phá mất nhiều; đó là nguyên nhân chủ yếu khiến nó hiện nay không còn đủ như xưa (năm 1960, mới chỉ in lại được 730 quyển).

1.4. Ở Trung Đông, sau một thời gian dài kể từ khi đạo Islam được truyền bá ở đây tới thế kỷ IX - khi đó, người ta chỉ chú ý soạn những sách Tổng hợp về giáo lý, nghi lễ... của Đạo này - chịu ảnh hưởng không nhỏ của văn hóa Hy Lạp, người ta đã bắt đầu làm một số sách mang tính chất bách khoa.

Nửa đầu thế kỷ IX, nhà khoa học người Iraq là Djâhiz (?-868) cho ra đời Bộ sách về động vật. Nhận định về công trình này, một nhà khoa học Pháp đã viết: ''Chỉ một danh mục phân tích các dữ liệu chứa đựng trong phần còn lại của công trình này cũng là một BKT về những tri thức của thời đại tác giả, mà là một BKT lý giải, năng động, gợi mở, phong phú chứng tỏ tầm rộng của tin tức thu thập được ở Baghdad và Bassora nửa đầu thế kỷ IX…”.

Nhà triết học người Thổ Nhĩ Kỳ Fârâbi (?-950) mà người Ả Rập tôn vinh là ''người thầy thứ hai” (thứ nhất là Aristotles) ''là người thứ nhất đã thật sự bao quát tất cả các tri thức của nhân loại từ những cái thông thường nhất đến những cái cao cả...'' trong công trình ''Tống mục'' [7].

Nửa sau thế kỷ X, tập thể Ikhwânas-safâ in 52 tập Rasâ’il phản ánh tri thức thời Cổ đại đến đương thời, của Hy Lạp và Iraq: toán học (số học, hình học), âm nhạc, địa lý, lôgic và luân lý (14 tập đầu), khoa học, tự nhiên (kể cả triết học), các nguyên tố, khoáng vật, cây cỏ, động vật (T.15-30); siêu hình học sự sáng tạo ra các loài, các quy luật của Vũ trụ (T.31 - 42), tôn giáo, thần bí học, ma thuật (T.43-52). Giới chính thống trong Đạo Islam có phản ứng gay gắt với bộ sách này vì coi là những ''tư tưởng không thể chấp nhận được''.

Ngoài ra còn phải kể đến nhiều bộ BKT với nghĩa rộng như của Ibn Qutayba (?-889), nhan đề Adab al-Kâtib, trong đó có tri thức về 6 bộ môn: ngữ văn học, khoa học ứng dụng (số học, hình học, thiên văn học thực hành), kỹ thuật công chính pháp chế, truyện lịch sử, mỹ học.

Ibn Rabbih (860-940), nhan đề Iqd (chuỗi kiến thức). Và của Tha'âibi (?-sau 1446), với nhan đề tương tự nhưng mở rộng hơn công trình của Ibn Rabbih.

Hai công trình cuối cùng vừa kể gồm nhiều phần về giáo lý, đạo đức, cách xử thế và chỉ có một vài phần nói về ngôn ngữ Ả Rập, thi ca, âm nhạc, hoặc: Trái đất, nước, động vật, ốm đau...

1.5. Ở Hy Lạp Cổ đại, có thuyết cho rằng Democritus (460-370 Tr. CN) đã viết những công trình có tính chất BKT. Song cho đến nay, người ta chỉ biết rằng nhà triết học này - là một trong những người đề xướng thuyết “nguyên tử” - viết rất nhiều, nhưng tác phẩm còn lại của ông thì không có bao nhiêu.

Nhiều sách cho rằng: Speusippos (sinh vào khoảng 348-339 Tr. CN) - một học trò của Platon – là người viết BKT đầu tiên ở nước này; và ngày nay, người ta còn biết những tác phẩm về phân loại thực vật và động vật của ông. Song, cũng như Poseidinios (thế kỷ II Tr.C.N) - một nhà thiên văn, toán học, sử học, dân tộc học kiêm nhà chính trị - ông không để lại được bao nhiêu tài liệu để có thể dùng làm căn cứ đầy đủ cho sự đánh giá này.

Ngay cả Aristotles (384-322 Tr. CN), với khối lượng trước tác đồ sộ về triết học, lôgic học, chính trị học, lịch sử về tự nhiên, vật lý, đạo đức học, thi ca học, tu từ học... cũng không sáng tác BKT như nhiều người từng ca tụng. Đúng ra đó là một bộ óc bách khoa.

Vì thế có thể nói rằng Hy Lạp Cổ đại tuy có nền giáo dục mang tính chất bách khoa - với nghĩa là ''toàn bộ tri thức'' mà Platon là người khởi xướng, nhưng không phải là quê hương của BKT.

1.6. Ở La Mã cổ đại có người nói tới Cato (Caton 239 - 149 Tr.CN) - người đã viết một số tác phẩm về đạo đức y học, dân luật, quân sự,... phần nhiều là để dạy con trai (Marcus) chứ không phải là hệ thống hóa tri thức như một BKT thường đòi hỏi.

Cicero (Cicéron; 106 - 43 Tr. CN) cũng được nhắc tới như một người đã soạn BKT bởi những sáng tác về sử học, triết học, thi ca, luật học của ông. Song có thể nói đây cũng chỉ là “ước mơ BKT”.

Phần lớn tài liệu trên thế giới cho rằng Varo (Varon; 116 - 27 Tr. CN) là người đầu tiên đã soạn thảo một bộ sách mang tính chất BKT, bộ sách ấy mang tên Disciplinae, trình bày tri thức đương thời về bảy môn học mà thời trung đại, Tây Âu gọi là ''bảy nghệ thuật tự do”, gồm có ngữ pháp, phép biện chứng (nên hiểu là logic), tu từ học, hình học, số học, chiêm tinh học, âm nhạc. Ngoài ra, công trình còn nói về hai môn: y học và kiến trúc. Varo còn là tác giả của nhiều công trình khoa học chuyên ngành khác.

Aulus Cornelius Ceslus (chưa rõ năm sinh năm mất) - một trong những thầy thuốc cỡ lớn ở La Mã thời đó - đã viết một tác phẩm lớn nhan đề Artes (Các nghệ thuật) nhằm mục đích giáo dục, gồm có các phần: nông nghiệp, y học, quân sự, tu từ học, triết học, pháp luật, phản ánh được nhiều tri thức đã có trong các tác phẩm trước và đương thời.

Cũng vào thế kỷ I sau CN, Plinus ''già'' - vốn là một sỹ quan kỵ binh, rồi làm tổng trấn ở Tây Ban Nha, Đô đốc hải quân - sau khi soạn khá nhiều sách về quân sự, về lịch sử một cuộc chiến tranh, đã viết một bộ sách gồm 37 tập Naturalis Historiae (Lịch sử tự nhiên), trong đó có các bộ môn địa lý, thiên văn, phân loại học động vật, thực vật, y học động vật, y học thực vật, khoáng vật, kim loại. Ông đã tham khảo gần 2000 cuốn sách, trích dẫn khoảng 150 nhà văn hóa Hy Lạp, La Mã. Bộ sách này soạn trong 10 năm và hoàn thành vào năm 77. Hai năm sau, đến nghiên cứu tại chỗ về việc phun trào của núi lửa Vesuve và cứu trợ nhân dân thành phố này, ông đã bị tử nạn. Người công bố sách nói trên là một người cháu gọi tác giả bằng bác ngoại - Plinus ''trẻ''.

1.7. Sau thời cổ đại ở Hy Lạp, La Mã còn một số nước ở Tây Âu và Trung Âu đã bắt tay vào biên soạn một số BKT.

Trước hết, có thể kể đến bộ Originae (Nguồn gốc), còn gọi là Etymologianm (Sách từ nguyên) 20 tập của giám mục Isidore (560, 570 - 636 ở Sevilla - một địa phận của Tây Ban Nha). Công trình này nhằm nâng cao hiểu biết của tăng lữ. Sau một số lần phát hành ngấm ngầm, tác giả giao cho một đồ đệ là Braulion bổ sung. Sau khi ông mất, tác phẩm bổ sung ấy ra đời với 20 phần, chia theo chuyên ngành: 3 phần đầu nói về ''bẩy nghệ thuật tự do''.

1.8. Rồi các phần khác nói về: y học, luật học; Kinh Thánh, Chúa Trời và các Thiên Thần; Nhà thờ và các giáo phái; các ngôn ngữ, xã hội, gia đình; từ ngữ; người, động vật; các nguyên tố, trái đất; đô thị, cầu đường; khoáng vật học, nông học và thực vật học; đời sống cộng đồng; các nghệ thuật, kỹ thuật; đồ dùng, bếp núc. Công trình này, về sau được dịch sang nhiều thứ tiếng ở Tây Âu. Tổng giám mục Rabanus Maurus (776 - 856) ở Đức đã sửa sang công trình này thành công trình mang tên De universo (Bộ sách tổng hợp).

Phải đợi khoảng 600 năm sau Isidore, ở Pháp mới ra đời bộ sách có tính chất BKT. Thế kỷ XV, tại Hongrie, bộ BKT đầu tiên trên thế giới mang tên Encyclopaedia... ra đời. Thế kỷ XVII, một bộ BKT khác ra đời ở Anh. Rồi sang thế kỷ XVIII mới có một bộ BKT đầu tiên sắp xếp theo thứ tự abc ra đời (cũng ở Anh).

Từ đây, Pháp và Anh là 2 nước vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp biên soạn BKT của nhân loại.

 

II. Bách khoa thư ở Pháp trước và sau bách khoa toàn thư Diderot

1. Đêm trường Trung cổ ở Châu Âu kéo dài tới thế kỷ XV. Nhưng sự nghiệp biên soạn BKT ở mấy nước Pháp, Anh, Đức... thì dần dần le lói những tia sáng đầu tiên từ thế kỷ XIII.

1.1. Các nhà BKT học Pháp thường kể tới Hugues ở Tu viện St-Victor (? - 1114) với công trình Didascalion (Nghệ thuật đọc sách) và tới Raoul Ardent. Ardent ''hăng say'' là biệt hiệu của nhà thần học (?- 1200) này) với công trình Speculum uni-versale (Tấm gương phổ quát). Song, công trình trên chỉ có giá trị đương thời về mặt phân loại mấy môn khoa học, còn công trình thứ hai thì thiên về giáo lý và luân lý của Thiên chúa giáo.

1.2. Đáng kể nhất là đầu thế kỷ XIII, công trình Speculum majus (tấm gương lớn) của Vincent de Beauvais (1190-1264) - một tu sĩ dòng Đôminicanh, thầy học của các con Vua Louis 14. Bộ sách này mang tên: Tấm gương với ý nghĩa “hình ảnh của thực tế”, ''lớn" với nghĩa ''khái quát" gồm 32 quyển, 3718 chương, vốn dĩ chỉ có 2 phần: nói về tự nhiên và lịch sử. Sau khi công trình ra đời, tác giả đã soạn thêm phần thứ ba, nói về khoa học, (văn học, luân lý, cơ học, vật lý, toán học và cả thần học). Có người đã mạo danh tác giả soạn thêm phần thứ tư nói về đạo đức; sự man trá này bị phanh phui vào thế kỷ XVIII. Đánh giá công trình của Vincent de Beauvais, người ta đã viết: ''Do tầm bao quát của nó, công trình bách khoa của Vincent de Beauvals không những mở ra một triển vọng rộng lớn ở thế kỷ XIII mà còn đưa ra nhiều dự kiện chính xác. Speculum majus tạo nên một hình ảnh trung thành và dày công nghiên cứu các tri thức lý thuyết và thực hành của thời đại, không một đặc điểm nào, một chi tiết nào được bỏ qua''.[8]

1.3. Cũng vào thế kỷ XIII, Brunetto Latini (1220- 1294) - nhà bác học kiêm nhà chính trị người Italia, vốn là thầy học của của Dante - trong thời gian lưu vong ở Pháp (1260-1267), đã soạn quyển Le Livre du Trésor (Bộ sách kho tàng, 1264). Đây là bộ sách trình bày tri thức về bảy nghệ thuật tự do (các tập 1-7), các hiện tượng tự nhiên (tập 8-9), về linh hồn, thực vật, con người (các tập 10-11), về đạo đức và triết học (tập 12). Điều đặc biệt nữa là: không theo tập tục lâu đời, tác giả dùng phương ngữ miền Bắc nước Pháp để viết chứ không dùng tiếng Latinh để tổng hợp các tri thức vào thời đại của ông. Tên của bộ sách còn được gọi là Livre du Trésor de toutes choses (Bộ sách kho tàng của mọi sự vật) vì tính chất khoa học tường tận của nó.

Các nhà khoa học Pháp thường nói tới hai bộ từ điển lớn về lịch sử: Le grand dictionnaire historique (Từ điển lịch sử cỡ lớn), xuất bản năm 1674 của Louis Moréri (1643 - 1680) - một nhà bác học tu hành. Dictionnaire histonque ét critique (Từ điển lịch sử và phê phán), xuất bản năm 1697 và 1720 của Pierre Bayle (1647-1706) - công trình mà người đời sau đánh giá là ''báo hiệu trào lưu triết học của thế kỷ sau'' tức thế kỷ khai sáng - thế kỷ của BKTT. Bộ sách này in thành 4 tập, nhưng đến thế kỷ XIX người ta đã bổ sung và in thành 16 tập (1820-1824).

Những bộ sách công cụ kể trên, đặc biệt là các công trình mang tính chất BKT ở Anh, đã trực tiếp kích thích sự ra đời của BKTT của Diderot.

2. BKTT Diderot đã lay động cả Tây Âu, và sau này cả thế giới.

Song không phải nó không để lại những dấu vết của những khuyết điểm và nhược điểm về nội dung và phương pháp biên soạn.

Trong truyền thống, các công trình mang tính chất BKT đều biên soạn theo chuyên ngành, chuyên đề. Hình thức biên soạn ấy rất thích hợp với chức năng truyền thụ, giảng dạy khoa học; song nó không tiện cho việc tra cứu thông tin, nhất là khi xã hội phát triển, đòi hỏi việc thông tin phải nhanh chóng. Hình thức từ điển sắp theo thứ tự chữ cái abc mà người Anh đã khởi đầu (X. Phần IV) và BKTT đã tiếp tục - đáp ứng được đòi hỏi đó. Nhưng hình thức sắp xếp này lại không thể phục vụ đắc lực cho việc tự học, truyền thụ kiến thức, vì các tri thức về mọi sự vật hiện tượng là một khối, có quan hệ chặt chẽ. Có lẽ chính vì thấy được nhược điểm đó mà sau khi BKTT ra đời chưa lâu, nhà xuất bản Panckoucke và Agausse đã tổ chức soạn lại BKTT thành một bộ BKT chủ đề (Encyclopédie méthodique).

Bộ BKT này xuất bản từ 1782 đến 1832 và bao gồm 201 tập - kết quả chỉnh lý và bổ sung BKTT như độc giả đã biết. Bộ BKT này không còn là bộ BKT chỉ gồm có những bài đơn giản cho một chủ đề nhỏ mà là những tập sách hoàn chỉnh tập hợp theo môn loài. Do tầm bao quát rộng rãi của nó, Encyclopédie méthodique đã là một sự kinh ngạc, song người ta còn khâm phục sự bền bỉ của những người thực hiện công trình này. Họ đã làm việc trong bốn chục năm ròng, vào một thời kỳ có nhiều sôi động nhất trong lịch sử nước Pháp[9]. 12 tập đầu dành cho lịch sử tự nhiên, sau đó là các tập về Ngữ pháp (nên hiểu là ngôn ngữ học) và văn học, rồi thương nghiệp và tài chính, toán học, hóa học, thực vật học v.v...

Cũng xin nói thêm rằng, năm 1776 - 1777, chính Panckoucke là người đã tổ chức in thêm 4 tập phụ lục, 1 tập phụ bản, rồi năm 1780 in thêm 2 tập chỉ dẫn cho BKTT của Diderot. Như vậy, cộng với 21 tập in xong năm 1772, BKTT Diderot có trọn bộ 28 tập.

Từ 1831 đến 1844, Panckoucke và Agausse còn xuất bản Encyclopédie des gens du mode, tạm dịch là BKT về người trên thế giới gồm 22 tập.

Sang thế kỷ XIX, sự nghiệp biên soạn BKT ở Pháp phát triển khá nhanh. Trong các BKT tổng hợp, có thể kể đến: Encyclopédie monderne (BKT hiện đại), Encyclopédie du 19è siècle, Grand Dictionnaire Universel du 19è siècle, Grand Encyclopédie... Trong các BKT chuyên ngành có thể kể đến: Encyclopédie théologique... Chúng ta hãy lướt qua mấy bộ BKT tổng hợp quan trọng vừa kể.

Encyclopédie du 19è siècle in trong những năm 1836 - 1859.

Còn bộ Encyclopédie modeme do Courtin (chưa rõ lai lịch) chủ trì, gồm 24 tập. Khi in lại (từ 1844 đến 1863), bộ này tăng lên 27 tập, kèm theo 3 tập bản khắc, rồi 12 tập bổ sung.

Pierre Larousse (1817-1875) - nhà Từ điển học nổi tiếng nhất nước Pháp từ thế kỷ XIX - đã chủ trì Grand Dictionnaire Universe du 19ẻ siècle (Đại từ điển tổng hợp Thế kỷ XIX), một bộ BKT thực sự, sắp xếp theo abc. Bộ này ra đời vào những năm 1866 -1876 và gồm 15 tập; năm 1878 và 1888, lần lượt mỗi năm ra thêm một tập phụ lục đáng chú ý là P. Larousse vốn xuất thân là một hiệu trưởng trường tiểu học; trong thời gian giữ chức vụ này ông đã viết nhiều công trình về giáo dục học, góp phần vào việc cải cách phương pháp dạy học đương thời, và tới 1852 mới cùng một người bạn sáng lập ra Nhà xuất bản Larousse chuyên soạn các sách về từ điển, ngữ pháp.

Từ 1885, nhà hóa học lớn của Pháp – Marcelin Berthelot (1827- 1907) - chủ trì công trình lớn Grand Encyclopédie (Đại BKTT) với sự cộng tác của nhiều nhà khoa học đầu đàn của nước này. Bộ BKTT này gồm 31 tập, và đến năm 1902 mới in xong trọn vẹn.

Sang thế kỷ XX, sự nghiệp biên soạn BKT và TĐBK phát triển càng mạnh. Nhiều nhà xuất bản đứng ra chủ trì nhiều công trình bách khoa lớn, vừa hoặc nhỏ; tổng hợp, chuyên ngành thậm chí chuyên đề; in thành sách hay dưới dạng sách mỏng, ra đều đặn hàng tháng, hàng tuần dành cho người lớn, trẻ em, thanh niên, hoặc riêng cho phụ nữ... Khó có thể thống kê và trình bày ở đây một cách đầy đủ.

Năm 1932, Bộ trưởng Bộ giáo dục Pháp - Anatole de Monzie - phấn khích trước việc hai nước Italia và Liên Xô đẩy mạnh việc biên soạn BKT, quyết định biên soạn bộ Encyclopédie francaise "BKT Pháp''. Những người biên soạn có ý đồ lớn là trình bày sự hiện đại về mọi mặt của thế giới và những tri thức không ''chịu sự xói mòn của thời gian''(!), sắp xếp ''không theo abc cũng không theo chủ đề mà theo vấn đề''. Song khi bắt tay vào cuộc ý đồ sắp xếp này đã phải thay đổi, trở lại theo abc. 5.000 người đã đăng ký mua. Bộ BKT này ra đời từ 1935 với dự kiến là 21 tập, nhưng ra tới tập 1 thì Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra nên phải ngừng lại. Sau khi chiến tranh kết thúc, BKT mới ra tiếp.

Hoạt động tích cực nhất, có nhiều thành quả và  đa dạng nhất trong thế kỷ XX về mặt xuất bản BKT và TĐBK ở Pháp, là hãng Larousse. Thoạt đầu, Larousse tổ chức biên soạn Larousse mensuel illustré (BKT Larousse hàng tháng, có minh hoạ). BKT này xuất bản liên tục như vậy từ 1907 đến 1925, trọn bộ 6 tập. Sự tính toán thông minh của nhà xuất bản, cộng với sự ham hiểu biết của người đọc đã nêu một tấm gương sáng - sau Britannica - cho việc xuất bản BKT trong điều kiện không hề mang gánh nặng cho Nhà nước, cũng tức là gánh nặng cho nhân dân.

Vào những năm 60, ta còn thấy các bộ Alpha Encyclopédie (BKT An pha), xuất bản hàng tuần, theo chữ cái abc, toàn bộ gồm 260 số. Tout I’Univers (Toàn bộ Vũ trụ) cũng xuất bản hàng tuần, trọn bộ 192 tập, mỗi tập đều có một chuyên mục với nhiều bài trong một chuyên mục, có mục lục ở cuối mỗi tập và tổng mục lục khi xuất bản trọn bộ.

1971, Larousse xuất bản bộ Grand Encyclopédie (Đại BKT), gồm 20 tập. Đặc điểm nổi bật của BKT này là chỉ chọn khoảng 8.000 mục từ (entrées), mỗi mục như vậy bao quát nhiều vấn đề cơ bản; do đó, những người biên soạn gọi mỗi mục từ đó là một ''từ - hồ sơ'' (mot-dossier). Năm 1986, BKT này đã tái bản (20 tập và 1 tập phụ lục). Ngoài ra mỗi năm còn ra một tập Niên giám.

Larousse còn cho ra đời Grand Larousse encyclopédique (Đại TĐBK Larousse), gồm 10 tập; từ 1980 đến 1985, bộ này mở rộng thành Grand Dictionnaire Encyclopédique Larousse (GDEL), 10 tập.

Đối trọng đáng kể với Grand Encyclopédie của Larousse là Encyclopaedia Universalis (BKT phổ quát). Lần xuất bản thứ nhất (1968), BKT này gồm 20 tập; lần thứ hai (1984) lên tới 23 tập và lần thứ ba (1990): 30 tập.

Không nổi tiếng và đồ sộ như Grand Encyclopédle Encyclopaedia Universalis nhưng có uy tín về chiều sâu của tri thức là bộ Encyclopédie de la Pléiade (tạm dịch là BKT Tao đàn nhóm 7 thi sĩ, đứng đầu là Ronsard, thế kỷ XVI ở Pháp; Ronsard gọi đây là “Lữ đoàn lý tưởng''). Đây là bộ BKT biên soạn theo chủ đề, mỗi tập (khổ 10x17) dày khoảng 1.000 trang trở lên, mỗi tập là một bản văn liên tục về một chủ đề, một ngành khoa học, văn nghệ như trái đất, thiên văn học, thực vật học, sinh học, động vật học, địa lý đại cương, ngôn ngữ học, lịch sử phổ quát, lịch sử các nền văn học, lịch sử mỹ thuật, lịch sử âm nhạc, lịch sử sân khấu...

Các BKT tổng hợp chuyên ngành và chuyên đề sắp xếp theo abc ở Pháp, thế kỷ XX, phát triển chưa từng thấy, không thể kể xiết ở đây chỉ điểm qua một số tập nổi tiếng hơn cả: TĐBK Quillet (gọi theo tên người chủ trì), 10 tập, năm 1975; TĐBK tổng hợp do C.Flammarion chủ trì, 8 tập ; ''BKT y học, BKT sân khấu, BKT điện ảnh'' v.v... Ngoài ra, còn có những BKT cho nhi đồng, thiếu niên, thanh niên v.v. . .

GS. NGUYỄN KIM THẢN

NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP

III. “Encyclopédie” – một bộ sách bán chạy ở thế kỷ ánh sáng

Tập đầu, lần xuất bản thứ nhất bộ Encyclopédie (Bách khoa toàn thư) của Diderot, tác phẩm tột đỉnh của thế kỷ ánh sáng, vừa mới tới tay những người đặt mua trong năm 1751, nhà cầm quyền Pháp đã đánh giá ngay đây là một cuốn sách nguy hiểm.

Cuốn sách không chỉ cung cấp các thông tin về tất cả các lĩnh vực, từ A đến Z, mà còn trình bày các tri thức theo đúng các nguyên lý được D'Alembert, người đồng xuất bản, trình bày trong “Lời mở đầu”. Tuy ông chính thức nhận quyền lực của Giáo hội song D'Alembert chỉ rõ rằng tri thức xuất phát từ các giác quan chứ không phải là từ La Mã hay sách Phúc âm. Người phán xử tối cao là lý trí. Lý trí kết hợp các dữ kiện mà các giác quan thu thập bằng cách cộng tác với các năng lực gần gũi là trí nhớ và trí tưởng tượng. Vì vậy tất cả những gì con người hiểu biết đều xuất phát từ thế giới xung quanh và hoạt động của chính bộ óc mình.

Bộ Bách khoa toàn thư miêu tả thực tế ấy bằng hình vẽ cái cây tri thức, nó cho thấy tất cả các bộ môn nghệ thuật và khoa học đều sinh ra từ ba năng lực tinh thần. Triết học làm thành thân cây, còn thần học là một cành cây, gần với ma thuật. Như vậy, Diderot và D'Alembert trình bày tác phẩm của mình vừa như một công trình tập hợp các thông tin, như vừa một tuyên ngôn triết học. Hai ông chủ ý hòa hợp hai khía cạnh đó của tác phẩm, giới thiệu chúng như hai mặt của cùng một vấn đề, tức là thuyết bách khoa; và những người cùng đi theo thuyết này không được gọi là những người cộng tác mà là những Nhà bách khoa toàn thư. Theo hai ông, những tri thức cổ truyền chỉ gồm có những thành kiến và mê tín.

Như vậy, bên dưới khối lượng đồ sộ 28 tập khổ lớn với sự đa dạng vô cùng phong phú của 71.818 đề mục và 2.885 hình vẽ của nó là một sự tiến hóa về khoa học luận, nó làm biến đổi diện mạo toàn bộ tri thức của con người.

Bộ Bách khoa toàn thư là một sản phẩm của thời đại của nước Pháp giữa thế kỷ XVIII, thời mà các tác giả không thể thảo luận công khai các vấn đề xã hội và chính trị; trái ngược với thời kỳ tiểu cách mạng sau đó, khi mà một chính phủ nghiêng ngả cho phép diễn ra các cuộc thảo luận thẳng thắn. Yếu tố cấp tiến của bộ sách không phải xuất phát từ một cách nhìn tiên tri về cuộc cách mạng Pháp và cách mạng công nghiệp khi ấy hãy còn xa xôi, mà từ mưu đồ vẽ lại bản đồ thế giới tri thức theo những đường ranh giới được xác định bởi lý trí và chỉ bởi lý trí mà thôi. Đúng như tên gọi của nó, bộ sách muốn là một ''từ điển lý trí về các khoa học, nghệ thuật và nghề nghiệp''. Nói cách khác là đo lường toàn bộ hoạt động của con người theo những tiêu chuẩn duy lý và qua đó cung cấp một cơ sở để suy nghĩ lại về thế giới.

Người đương thời đã không khó khăn trong việc nhận ra mục đích của bộ sách. Với lại các tác giả cũng công khai thừa nhận cái mục đích ấy trong những bài mục chủ chốt. Diderot và D'Alembert đã vạch ra những con dường vui thú biết bao trên những khoảng không gian khô cằn của tri thức, khiến ta chỉ cần bước theo hai ông, thỉnh thoảng dừng chân thưởng thức những bông hoa mọc trên đường và thế là được thuộc về lớp tri thức tiên tiến. Không cần phải đọc các tác phẩm khác nữa bởi vì bộ Bách khoa toàn thư đã là cả một thư viện. Các tác giả không liệt kê các cuốn sách mà pho Bách khoa toàn thư này đã làm cho lỗi thời, nhưng ai đọc lời mở đầu đều dễ dàng thấy ngay sự khác nhau giữa các cuốn sách dày cộm của giáo dục cổ truyền với kiểu mẫu hiện đại, gọn nhẹ này.

Từ năm 1751, năm xuất bản tập 1, cho đến năm đại khủng hoảng 1759, bộ Bách khoa toàn thư đã phải gánh chịu sự tố cáo của những kẻ bảo vệ các thuyết chính thống cổ xưa và chế độ cũ, tín đồ các giáo phái Jesuite, Janseniste, Đại hội đồng giáo hội, Nghị viện Paris, Hội đồng cơ mật và Giáo hoàng. Những lời tố cáo trên sách báo và các văn kiện chính thức dữ dội đến nỗi tưởng chừng Bách khoa toàn thư phải đình bản. Nhưng những người xuất bản đã bỏ vào đấy một số tiền rất lớn và họ cũng được những người có thế lực che chở, đáng kể nhất là Chrétien - Guillaume de lamoignon de Malesherbes, một Giám đốc ngành sách có đầu óc tự do, giám sát việc buôn bán trong những năm then chốt, từ 1750 - 1763.

Vụ ầm ỹ này tiếp tục lan rộng khi ra đời các tập từ tập 3 đến tập 7. Nhiều tay bút chiến tài nghệ như Charles Palissot và Jacob-Nicolas Moreau đã đổ thêm dầu vào lửa trong phe tu sỹ, trong khi Voltaire dùng ngòi bút và uy tín của mình ủng hộ các nhà bách khoa. Hàng ngũ những người cộng sự của Diderot và D'Alembert được tăng cường thêm các tác giả lừng lẫy khác bao gồm hầu hết những người bắt đầu được coi là nhà triết học như Duclos, Toussaint, Rousseau, Turgot, Saint-Lambert, D'Holbach, Daubenton, Marmontel, Boulager, Morellet, Quesnay, Damilaville, Naigeon, Jaucour và Grimm. Hai ông còn khoe được sự cộng tác của cả Montesquieu và Buffon mà các ông thường trích dẫn tác phẩm tuy rằng cả hai người này hình như không viết gì cho Bách khoa toàn thư. Không có gì thuận lợi hơn cho công cuộc ấy bằng cuộc tranh luận không ngừng diễn ra giữa hàng ngũ các tác giả tình nguyện. Những người xuất bản dự tính lần in đầu gồm 1.625 bản, nhưng đơn đặt mua gửi đến tới tấp khiến họ phải tăng gấp ba số lượng in. Năm 1754, số lượng in lên tới 4.255 bản.

Khổ sách và giá sách giảm dần sau mỗi lần xuất bản, từ in khổ lớn xuống còn in khổ gấp 4 rồi gấp 8, giá sách giảm đi và số lượng nâng lên. Sau khi đã đáp ứng “thị trường chất lượng cao'', những người xuất bản đã nâng số lượng lên để sách đến được với quần chúng rộng rãi hơn. Tuy nhiên việc ''dân chủ hóa'' bộ Bách khoa toàn thư cũng có giới hạn vì ngay cả bản in rẻ nhất cũng đã là quá cao đối với người dân thường. Giá sách vượt quá khả năng mua của công nhân và thợ thủ công, tuy rằng một số người trong các tầng lớp này có thể đã tra cứu nó tại các cabinets littéraires (phòng đọc), của thời bấy giờ.

Diderot và các cộng sự của ông đã làm phần việc của mình trong công trình này, nhưng đó mới chỉ là bước mở đầu của cả một quá trình dài mà đỉnh cao là năm 1780 với việc xuất bản và phát hành bộ sách này trong toàn Châu Âu. Tuy nhiên, bản tới tay quảng đại công chúng hơi khác so với bản của họ, vì bản đó cũng vấp phải những khó khăn trong việc xuất bản.

Trong bản cáo bạch cho lần xuất bản ở khổ gấp bốn (1777-1779), Joseph Duplain, một nhà kinh doanh sách ở Lyon chỉ đạo việc này, hứa hẹn không những in lại đầy đủ bản nguyên thuỷ mà còn nâng cao chất lượng thêm nữa bằng ba cách: sửa chữa các lỗi in và những chỗ sai; đưa vào thêm nhiều tài liệu mới; nhập 4 khổ lớn của phần Phụ lục vào trong bộ sách. Ông không bao giờ có ý định sản xuất một bản sao hệt như bản in lần đầu khổ lớn mà cung cấp cho độc giả một dạng bản có chất lượng cao hơn. Công việc sửa chữa, bổ sung và in nhập hồi đó đòi hỏi công sức biên tập rất lớn, do vậy hợp đồng dự tính cần có một người biên tập. Duplain giao việc đó cho tu viện trưởng Jean-Antoine de Laserre, một tu sĩ dòng Oratoire và là một nhân vật văn học tầm thường ở Lyon. Laserre do đó trở thành người kế tục Diderot và là người trung gian qua đó văn bản của Diderot tới được tay hầu hết các độc giả ở thế kỷ XVIII. Nhìn chung Laserre không đụng chạm đến văn bản, không phải vì ông tôn trọng nó mà vì ông không có thời gian thay đổi. Với nhịp độ điên cuồng ông cắt bỏ những đoạn nói đến 8 tập hình vẽ sẽ không được đưa vào bản khổ cấp bốn này. Ông nối một số đoạn trong các tập Phụ lục vào thân sách bằng những lời chuyển tiếp do ông viết và đọc tại bản ráp nối cuối cùng phần in với phần viết này, sau đó ông mới gửi đi nhà in. Có đến nửa tá xưởng in xúc tiến việc in nhiều tập khác nhau cho nên ông khó có thể cung cấp đủ bản thảo theo yêu cầu của họ.

Sau khi đã có đủ bản thảo, máy in, chữ mực, giấy, cùng hàng trăm thứ khác cần thiết cho việc in sách, các xưởng in cần đến nhân lực để thực hiện công việc. Họ tuyển thợ cũng giống như đi mua sắm nguyên liệu và thiết bị, và cũng vấp phải các vấn đề giữa cung và cầu. Song họ phải đối phó với những đặc điểm của thợ in trên phương diện con người. Thợ in không ở liền với một xưởng in nào. Đâu có việc thì họ đến làm và làm theo sở thích của họ  cho dù có phải đi xa hàng trăm kilômét. Khi có nhiều việc đôi khi họ thay đổi nơi làm việc để được hưởng tiền đặt lại hoặc có khi chỉ là do ''ý thích''. Công việc in bộ Bách khoa toàn thư rộ lên khiến cho thợ in đi đi lại lại tíu tít gây ra những dòng di dân ở Pháp, Thụy Sỹ và một phần nước Đức, tranh nhau thợ cũng như tranh nhau giấy in.

Về mặt tâm lý, công việc nhà in khác xa loại công việc mà các tầng lớp lao động ở Anh thời đó buộc phải thực hiện. Nhịp độ lao động ở các nhà máy quy định bằng đồng hồ và chuông, bằng việc mở cửa và đóng cửa, bằng phạt tiền và roi vọt, cuối cùng bằng chính bản thân và quá trình sản xuất. Về sau đó, trong sản xuất theo dây chuyền, con người bị quy gọn lại chỉ còn là những cái ''tay'' cử động một loạt các máy móc và sản phẩm chạy qua trước mặt họ thành một dòng đều đều, vô tận. Thợ sắp chữ và thợ in thì làm việc theo nhịp độ của họ và nắm quyền kiểm soát nhất định đối với sản phẩm của họ. Làm chủ quá trình sản xuất ở mức nhất định không có nghĩa là công nhân yêu quý đặc biệt những người chủ thực sự của quá trình sản xuất đó. Giai cấp tư sản nắm hầu hết mọi quyền và sử dụng cái quyền đó một cách tàn bạo bằng cách thuê thợ và giãn thợ, còn thợ thì chỉ đối phó lại bằng những phương tiện yếu ớt có trong tay. Tuy họ có đôi chút tự hào về nghề của họ, song họ cũng làm việc qua quít để công việc được nhẹ nhàng hơn; do đó làm hại đến chất lượng. Ta có thể thấy điều đó trong tất cả các tập Bách khoa toàn thư - phần lớn sáng sủa và rõ nét song cũng có nhiều chỗ lề không thẳng, nhầm số trang, khoảng cách không đều, chữ in sai và sắp lộn - tất cả những điều đó nói lên hoạt động của những người thợ vô danh cách đây hai thế kỷ.

Ở thời in tay, có một ý thức trong nghề in và ý thức đó bị mai một khi ra đời việc sắp chữ và in tự động. Giống những người thợ đi trước dưới thời Phục hưng, thợ sắp chữ cho bộ Bách khoa toàn thư nhặt chữ trong hộp để sắp thành dòng, rồi ghép dòng lại thành trang và ghép trang lại thành khuôn in. Năm 1779, trong một tuần, một kíp thợ sắp được 14 tờ rưỡi của một tập Bách khoa toàn thư lần in thứ ba. Đó là một hiệu suất đặc biệt của thời sắp chữ bằng tay. Khó có thể sắp nhanh hơn trước khi ra đời máy sắp chữ - máy Xtêrêtíp năm 1820, linôtíp trong những năm 1880. Khâu in cũng không có tiến bộ gì về mặt kỹ thuật trước khi ra đời máy in ống vào năm 1814 và ống hơi trong những năm 1830. Bộ Bách khoa toàn thư đã được in đúng như mọi cuốn sách trước đó hai hay ba thế kỷ.

Thời kỳ này đã phải huy động cả một thế giới cho bộ sách ra đời. Thợ nhặt giẻ, nhà tài chính và nhà triết học, tất cả đều đóng một vai trò trong việc xuất bản một công trình mà sự tồn tại vật chất của nó tương xứng với thông điệp trí tuệ của nó. Trên phương diện một vật thể và một vật truyền tải tư tưởng, bộ Bách khoa toàn thư đã tổng hợp một nghìn môn ngành khoa học và nghệ thuật. Nó thể hiện Thế kỷ Ánh sáng về cả tâm hồn lẫn thể xác.

GS. ROBERT DARNTON[10]

IV. Bách khoa thư ở Anh trước và sau BKTT Diderot

Có thể nói không có gì quá đáng là sự ra đời của một số BKT và TĐBK ở Anh đã là sự kích thích trực tiếp để Diderot nghĩ và bắt tay vào việc biên soạn bộ BKTT, tạo ra bước ngoặt của sự nghiệp biên soạn BKT và TĐBK thế giới. Tuy vậy cũng phải nói thêm rằng, một người Đức đã mở đầu sự nghiệp BKT của Anh.

Đó là Johann Heinrich Alsted (1588-1638) - một kiều dân Đức ở Anh. Vào năm 1630, ông biên soạn xong một BKT gồm bảy tập: Encyclopaedia septem tomis. Các vấn đề được đề cập tới trong bộ BKT này rất rộng, các khoa học chính, nghệ thuật giải thích giáo lý chính thống, các nghịch lý, nghệ thuật nói, và cả ''nghệ thuật vận dụng châm ngôn” (Cyclognomica); ''Biện luận lúc tiệc tùng'' (disphoso-phistica) cho đến ''môn thuốc lá'' (tabacologie).

2. Đầu thế kỷ XVIII, bộ BKT sắp xếp theo abc đầu tiên trên thế giới ra đời. Đó là bộ Lexicon technicum or an universal English Dictionary of Arts anh Sciences (BKT kỹ thuật hay là từ điển Anh quốc về nghệ thuật và khoa học) do John Jarris (1667-171 9) biên soạn. Tác giả là một mục sư sống ở London. Bộ BKT này được chú ý ngay không chỉ vì cách sắp xếp mới lạ, khác hẳn truyền thống mà còn vì nội dung của nó chỉ giảng giải về các khái niệm khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật chứ không giảng giải về thần học, lịch sử cổ đại, tiểu sử danh nhân và không cho chép thơ ca. Tập đầu xuất bản vào năm 1706. Năm 1744 thì bộ sách này đã in đến lần thứ sáu và thêm một tập phụ lục. Đáng nói thêm là: lần đầu tiên trong thời cận đại, bộ BKT này có ghi thêm cả các mục chuyển dẫn và các sách tham khảo thêm - điều này lâu nay trở thành thông lệ của BKT.

Năm 1728, ra đời bộ BKT 2 tập của Ephraim Chambers (1680-1 740) với nhan đề rất dài: Cyclopaedia, or an Universal Dictionary of Arts and Sciencesl containing explication of the terms and an account of the things signired thereby, in the several Arts, both liberal and technical, and the several sciences, human and divine… the whole intened an a curse of ancient and modem leaming (BKT hay từ điển tổng hợp về nghệ thuật và khoa học, có giải thích miêu tả những sự vật được định nghĩa có liên quan, trong một số nghệ thuật tự do và cơ giới, và trong một số ngành khoa học nhân văn và Thần thánh... toàn bộ có dụng ý làm một tập thuyết trình về các kiến thức cổ đại và hiện đại - BKT này có mấy đặc điểm: không thu thập tên riêng về người và địa điểm; vấn đề khoa học quan trọng có những ý kiến trái ngược nhau thì gần như tất cả các ý kiến ấy đều được giới thiệu (ví dụ về trọng lực, tác giả trình bày 12 ý kiến, từ Aristotlets đến Newton).

Tới năm 1751 - 1752, BKT này đã được in tới lần thứ bảy ở London. Bản dịch sang tiếng Italia (chia thành 9 tập) được in vào hai năm 1748 - 1749.

Tác giả đã sưu tập nhiều tư liệu để bổ sung cho bộ BKT này, song chỉ sau khi ông mất người ta mới chỉnh lý được để xuất bản bộ này thành 5 tập (1786 - 1791) - cơ sở tham khảo của bộ Cyclopaedia 45 tập do Abraham Rees soạn sau này (1802).

Một bản dịch đã sưu tập nhiều tư liệu để bổ sung cho BKT này, song tác giả không đồng ý với nhà xuất bản về việc đề tặng Vua Louis XV, đồng thời có sự bất đồng ý kiến của Diderot về cả nội dung và lời dịch, bản in tiếng Pháp đã không ra đời. Song, như ta đã biết, chính BKT của Chambers đả kích thích sự ra đời của BKTT Diderot và ngược lại công trình này lại kích thích sự ra đời của Encyclopaedia Britannica (BKTT Anh quốc).

3. Bộ BKT này hiện là một trong vài bộ BKT nổi tiếng nhất thế giới. Bước đi đầu tiên của nó là do một người làm nghề khắc gỗ cùng một người làm nghề in ở Endinburg - thủ phủ Scottland - vực lên, nhờ một số thân sĩ địa phương đặt tiền mua sách. Nhan đề đầy đủ của nó là Encyclopaedia Britannica, or a Dictionary ofarts and Sciences, compiled upon a new plan... hay là Từ điển Nghệ thuật và Khoa học, soạn theo một chương trình mới. Cái mới đó là BKT tập hợp những bản luận thuyết về các nghệ thuật và khoa học, trình bày theo thứ tự abc. Đặc điểm về phương thức xuất bản là nó ra từng tập mỏng, theo định kỳ, bắt đầu từ 1768 đến năm 1771. Phương thức xuất bản này còn được duy trì qua nhiều lần tái bản. Lần xuất bản thứ nhất, BKT này gồm 3 tập (2689 trang) với 160 bản khắc đồng. Chúng ta thấy điều mà Votarie mong muốn ở Pháp thành hiện thực hiển nhiên ở Anh. Mặc dầu, về quy mô, Encyclopaedia Britannica không bằng BKTT Diderot, thua xa Universal Lexikon của J.H.Zedler ở Đức (64 tập, năm 1731) nhưng nó đã đi những bước chắc chắn để ngày nay thuộc loại ''đàn anh thiên hạ''.

Bản in thứ hai (1778-1783) gồm 10 tập (8.595 trang). Bản in thứ nhất chỉ thu thập các mục từ về địa lý (quốc gia, sông ngòi, thành phố) chứ không có tiểu sử thì lần này nó đã thêm phần này. Bản in thứ ba (1788 - 1797) sửa nhan đề phụ thành ''Từ điển'' (14.579 trang). 10.000 nghìn bộ in ra không đủ bán, người ta phải in thêm 3.000 bộ nữa. Từ 1801 đến 1810, bản in thứ tư ra đời với 20 tập, 16.033 trang. Từ đây, sau khi in xong mỗi bộ, còn có một tập Phụ lục.

Từ bản in thứ bảy (1830) BKT này thuộc quyền sở hữu của người Mỹ do sự phá sản và cái chết của người xuất bản A.Constable người Anh. Nó tăng lên 21 tập trong các lần xuất bản 7,8; lên 24 tập lần xuất bản thứ 9, rồi 35 tập lần xuất bản thứ 10, sau đó rút xuống 29, 32 tập các lần 11-13 và 24 tập (1974) các lần thứ 13, 14, (1929 tái bản nhiều lần tới 1973).

Lần xuất bản thứ 15, Britannica có sự thay đổi cơ bản. Nó tự đặt cho mình chức năng vừa thông tin tra cứu, vừa truyền thụ nghiên cứu và thay đổi khá độc đáo về phân bố nội dung. Trọn bộ 30 tập của nó dành một tập đầu để nói khái quát về tri thức của loài người, gọi là Propaedia, 10 tập tiếp theo cung cấp những tri thức ngắn gọn cho người tra cứu gọi là Micropaedia và 19 tập cuối, với một số mục từ hơn nhiều so với phần vừa nói nhưng trình bày thức sâu sắc về đối tượng, sự vật,…  gọi là phần Macropaedia. Việc xuất bản bộ Britannica lần này được sự cộng tác của nhiều nhà xuất bản đa Quốc gia: Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản. Mỗi năm Britannica còn ra một niên giám (Book of Year).

4. Sang thế kỷ XIX, ở Anh còn ra đời các Cyclopaedia của A.Rees (1802), như đã nói ở trên. Sau đó, đến 1808, ra đời bộ The Endint Encyclopaedia của David Brewster, Encyclopaedia Metropolitana… Song tất cả lu mờ trước ngôi sao ngày càng sáng: Encyclopaedia Britannica.

 

V. Bách khoa thư ở Liên Bang hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Tiếng vang của BKTT Diderot, của Encyclopaedia Britannica không những dội lên ở Đức, Italia, Tây Ban Nha... mà còn dội tới Liên bang Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Tại đây, một người Đức tị nạn chính trị đã mở đường cho sự nghiệp BKT. Đó là Francis Lieber (1800-1872). Ông vốn nghiên cứu về toán học, bị chính quyền Phổ nghi ngờ là hoạt động cách mạng và bị bắt giam. Ra khỏi nhà tù, ông liền trốn sang Liên bang Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Bộ Encyclopaedia Americana (BKT Mỹ quốc) do ông chủ trì, xuất bản lần đầu vào những năm 1829 - 1833, trọn bộ 13 tập. Thành công của nó ở cái xứ sở đang phát triển mạnh mẽ này đã khiến cho người ta phải in lại nhiều lần từ 1835 và những năm tiếp theo. Bộ Americana biên soạn dựa theo và dịch một phần của bộ TĐBK KonvesationLexikon của Brockhaus ở Đức (xuất bản lần đầu vào những năm 1796-1808). Từ 1848, Americana tăng thêm một tập phụ lục. Đến lần xuất bản từ 1918 đến 1920, nó tăng lên thành 30 tập và giữ nguyên số lượng. Sau đó, Encyclopaedia Americana được tái bản bổ sung liên tục từ 1927, hầu như từ 1 đến 3 năm lại một lần tái bản. Hiện nay đã trải qua tới 60 lần tái bản. Đây là bộ BKTT đồ sộ nhất của Mỹ; các  mục được sắp xếp từ theo thứ tự A.B.C. Cũng cần nói thêm: từ 1923, Amencana xuất bản mỗi năm một tập Niên giám.

2. Vào thế kỷ XIX ở LB Mỹ còn có New America Cyclopaedia (BKT Mỹ loại mới) do George Ripley và Charles A. Dana chủ trì. Bộ này gồm 16 tập, xuất bản lần đầu vào 1858 - 1863. Đến lần xuất bản thứ hai, nó đổi tên thành The American Cyclopaedia. Sau đó, còn có New Universal Cyclopaedia do Alvin J. Johnson chủ trì. Bộ này, lần xuất bản đầu tiên (1875 -1878) chỉ gồm có 4 tập, về sau tăng lên 12 tập.

3. Từ thế kỷ XX liên tục ra đời nhiều loại BKT và TĐBK. Do quan hệ lâu nay giữa hai nước bị gián đoạn, chúng tôi chưa thể có tư liệu đầy đủ. Chỉ xin nêu ra đây một số:

- Appletons Univensal Cyclopaedia 12 tập, 1902.

- New International Encyclopaedia 20 tập, 1902-1904; xuất bản lần thứ hai: 1907.

- American Peoples Encyclopaedia, 1948, 20 tập.

- Colliers Encyclopaedia 20 tập, từ 1950 - 1961, tăng lên 24 tập.

- Encyclopaedia Intemational từ 1963, 20 tập.

Ngoài loại BKT lớn và trung bình kể trên, còn có những BKT loại nhỏ, một tập:

Pears' Cyclopaedia- Bản in lần thứ 72 xuất hiện ở Anh năm 1964.

- Columbia Encyclopaedia, với khoảng 70.000 mục từ; từ 1963 bộ này ra phụ lục định kỳ.

Cũng như ở Pháp, ở Anh, các độc giả nhỏ tuổi cũng có những BKT riêng, hoặc là chuyển đổi từ bản in ở Anh sang hoặc do người Mỹ biên soạn lấy. The Book of Knowledge “Tủ sách tri thức” 1910: 24 tập; 1912 20 tập, chính là bộ Children’s Encyclopaedia (BKT thiếu nhi) in ở Anh năm 1908.

Còn The Amencan Educatol Encyclopaedia (BKT Nhà giáo dục Mỹ) đã xuất bản năm 1964, với 14 tập.

Song đồ sộ hơn cả, có uy tín hơn cả là Encyclopaedia Britannica như đã nói ở phần III: một công trình đã thuộc quyền sở hữu của Mỹ, song lâu nay là kết quả hợp tác của nhiều Quốc gia.

Với những tiến bộ to lớn về công nghệ, về điện toán ở Liên bang Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đã xuất bản đã compăc (CD), mỗi đã có thể lưu trữ được vài ba chục BKT. Với đà này, các loại BKT, TĐBK, từ điển ngôn ngữ... đồ sộ sẽ ngày càng trở thành công cụ tra cứu, tham khảo hàng ngày của một số đông người và ngày càng mang thêm lợi ích tinh thần cho người đọc.

GS. NGUYỄN KIM THẢN

NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP

 

VI. Bách khoa toàn thư Nga và Liên Xô

Sự xuất hiện của Bách khoa toàn thư chỉ có liên quan đến thời đại mới, mặc dầu những công trình có tính bách khoa toàn thư đã được biết đến từ thời cổ xưa từ thời Ai Cập, Hy Lạp, La Mã Cổ đại; còn từ thời Trung cổ đã xuất hiện ở Châu Âu, Trung Quốc.

Đến năm 1620, lần đầu tiên từ "Bách khoa toàn thư” mới được ghi vào nhan đề của một tác phẩm Bách khoa thư (Alsted J.H, Curus philosophiae encylopaedia, Herborn).

Các từ điển Những từ không hiểu được đã xuất hiện ở nước Nga vào thế kỷ XIII. Từ thế kỷ XVI các từ điển đã chuyển sang sắp xếp theo thứ tự chữ cái và có tên gọi là những azbukôvnik (Từ điển giải thích được biên soạn ở Nga vào thế kỷ XIII XVIII các từ sắp xếp theo thứ tự chữ cái). Năm 1627 nhà Từ điển học người Ukraina P.Berưnda đã cho ra mắt quyển từ điển đầu tiên: Tự vị Nga - Slavơ. Vào thế kỷ XVIII đã xuất hiện tên gọi những từ điển hiện thực (về địa lý lịch sử...). Vào những năm 30 V.N Tatixev đã biên soạn Tự vị lịch sử địa lý, chính trị, dân sự nước Nga (xuất bản năm 1793). Trong những năm 1823 - 1825, X.A Xêlivanôvskij đã bắt đầu biên soạn Từ điển bách khoa dự kiến 40-45 tập. V.K Kjukhelbeker, V.I Steingel và những người khác đã tham gia công việc biên soạn. Sau cuộc đàn áp cuộc khởi nghĩa của những người tháng Chạp thì ba tập in cuốn từ điển này đã bị tiêu huỷ. Năm 1835, nhà xuất bản sách A.A Pljusar đã tiến hành xuất bản Tự vị bách khoa (việc xuất bản bị đình chỉ vào năm 1841 ở tập 17). Trong số các quyển Bách khoa toàn thư Nga khác ở thế kỷ XIX, đáng chú ý là Từ điển để bàn về tất cả mọi lĩnh vực khoa học (tập 1 - 3 xuất bản 1863 - 1864) do F.G Tollja làm chủ biên.

Trên cơ sở kinh nghiệm biên soạn Bách khoa toàn thư ở Nga và nước ngoài thế kỷ XIX, những công trình được biên soạn ở thế kỷ XX ở Nga ngày càng có chất lượng cao hơn. Trong những năm 1890 - 1907, F.A Brokgau và I.A Ephrôn đã xuất bản Từ điển Bách khoa ở Saint Petersbourg, gồm 82 quyển và 4 quyển bổ sung (hai quyển là 1 tập). Phần lớn các mục từ là do những đại diện lỗi lạc của nền khoa học Nga biên soạn. Quyển Từ điển Bách khoa do anh em Granat biên soạn là một bộ bách khoa toàn thư Nga rất giá trị. Trong số các bộ Từ điển Bách khoa xuất bản vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thì Từ điển khoa học Bách khoa của M.M Filippôv gồm 3 tập, (xuất bản 1898-1901, lần đầu tiên trong Bách khoa toàn thư có mục từ VI. Lénine, công bố vào năm 1900 dưới tên Iiis Vladimir), Từ điển bách khoa một tập của F.F Pavlenkov (1899). Từ điển bách khoa cỡ nhỏ của Brôktauz và Ephrôn (1899-1902, gồm 3 tập) là những bộ từ điển được sử dụng rộng rãi nhất.

Sau cách mạng tháng Mười năm 1917, công việc chuẩn bị xuất bản Bách khoa toàn thư trên cơ sở tư tưởng Marx - Lénine được triển khai mạnh mẽ. Ngay những năm đầu của chính quyền Xô Viết, V.I Lénine đã đặt vấn đề về sự cần thiết xây dựng những bộ Bách khoa toàn thư hiện đại, Từ điển giải thích, Từ điển bách khoa. Kết quả là, trong những năm 20 đã xuất bản một số bộ bách khoa toàn thư chuyên ngành: Bách khoa toàn thư nông nghiệp (7 tập, 1925-1928), Bách khoa toàn thư thương nghiệp (5 tập, 1924-1925), Bách khoa toàn thư sư phạm (3 tập, 1927-1929).

Giai đoạn mới về sự phát triển của sự nghiệp Bách khoa toàn thư được đánh dấu bằng việc bắt đầu xuất bản Bách khoa toàn thư Xô Viết cỡ lớn theo quyết định của Ban chấp hành Trung ương ĐCS Liên Xô ngày 13 tháng 2 năm 1925. Trong những năm 1926 - 1947 đã hoàn thành việc xuất bản lần thứ nhất bộ Bách khoa toàn thư Xô Viết cỡ lớn gồm 66 tập; trong năm 1950-1958 xuất bản lần thứ hai gồm 51 tập, và trong năm 1969-1978 xuất bản lần thứ ba, có rút gọn lại còn 30 tập với tổng số 19.187 trang khổ in 21 x 27cm, gồm hơn 100.000 mục từ.

Từ năm 1957 đều đặn phát hành Niên giám Bách khoa toàn thư Xô Viết cỡ lớn. Bộ Bách khoa toàn thư xô Viết cỡ nhỏ cũng đã được soạn xong và xuất bản 3 lần: lần thứ nhất: 3 tập (1953-1955), lần thứ hai: 2 tập (1963-1964), lần thứ ba: 1 tập (1985).

Hàng loạt bộ Bách khoa toàn thư chuyên ngành đã được xuất bản. Trong số đó phải kể đến Bách khoa toàn thư kỹ thuật (26 tập, 1927-1936), Bách khoa toàn thư y học cỡ lớn (35 tập, 1928-1936), Bách khoa toàn thư văn học (10 tập, 1929-1939). Từ cuối những năm 50 đến đầu những năm 60, Liên Xô đã biên soạn và xuất bản đồng thời hơn 20 bộ Bách khoa toàn thư chuyên ngành. Từ giữa những năm 70, Liên Xô tiếp tục chuẩn bị và xuất bản hàng loạt bộ Bách khoa toàn thư chuyên ngành khác nữa: Bách khoa toàn thư triết học (5 tập), Bách khoa toàn thư lịch sử Xô Viết (16 tập, 1961-1976), Bách khoa toàn thư kinh tế (3 tập, 1962-1965), Từ điển Bách khoa vật lý (5 tập 1960-1966), Bách khoa toàn thư sư phạm (4 tập, 1964-1968), Bách khoa toàn thư địa lý giản yếu (5 tập, 1960-1966), Bách khoa toàn thư sân khấu (5 tập, 1961-1967), Bách khoa toàn thư cách mạng XHCN tháng Mười vĩ đại (1977), Bách khoa toàn thư nghệ thuật các nước vá các dân tộc trên thế giới (5 tập 1962-1978), Bách khoa toàn thư âm nhạc (5 tập 1973-1978), Bách khoa toàn thư quân sự Xô Viết 5 tập v.v. . .

Từ cuối những năm 50 đã bắt đầu những công việc chuẩn bị và bắt đầu xuất bản các bộ Bách khoa toàn thư ở các nước Cộng hoà Xô Viết bằng các ngôn ngữ dân tộc. Bộ Bách khoa toàn thư Ukraina gồm 17 tập (1959-1965) là bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên của các nước cộng hoà Xô Viết trong Liên bang ở Ukraina đã xuất bản Bách khoa toàn thư lịch sử Ukraina 16 tập (1969-1972), bộ sách Bách khoa toàn thư lịch sử các thánh phố và làng mạc Ukraina 26 tập (1967-1973), Điều khiển  học (1973), Bách khoa toàn thư nông nghiệp Ukraina 3 tập (1970-1972), Lịch sử nghệ thuật Ukraina 7 tập (1966-1968). Ở các nước Cộng hoà khác, các bộ Bách khoa toàn thư cũng lần lượt được xuất bản. Đó là các bộ Bách khoa toàn thư Bách khoa toàn thư Bêlôrútxia, 12 tập (1969-1975), Bách khoa toàn thư Lítvia cỡ nhỏ, 3 tập (1967-1972), Bách khoa toàn thư Lítva cỡ nhỏ, 2 tập (1966-1975), Bách khoa toàn thư Estônia, 8 tập (1968 - 1976), v.v...

Tùy điều kiện từng nước Cộng hòa trong Liên bang, từ 1 tháng 9 năm 1978, các bộ bách khoa tiếp tục được biên soạn và ấn hành: Bách khoa toàn thư Ajécbaizan 10 tập (đã xuất bản 3 tập), Bách khoa toàn thư Grudia 10 tập, Bách khoa toàn thư Mônđavia 8 tập (đã xuất bản 7 tập), Bách khoa toàn thư Tuốcmênia 10 tập, Bách khoa toàn thư Uzobêch 14 tập, Bách khoa toàn thư Tatzhik 6 tập, v.v…

Một sự nghiệp quan trọng trong sự nghiệp bách khoa Xô Viết là đã xuất bản bộ Bách khoa toàn thư thiếu nhi, in lần thứ nhất 10 tập (1958-1962); lần thứ hai 12 tập (1964-1969), lần thứ ba 12 tập (1971-1978).

PTS. HÀ QUANG NĂNG

 

VII. Từ nguyên (từ điển)

Từ Nguyên là bộ Đại từ điển Hán ngữ Cổ đại của Trung Quốc chủ yếu nhằm phục vụ việc học tập, tra cứu các thư tịch cổ. Bộ Từ nguyên đầu tiên do các ông Lục Nhĩ Khuê, Phương Nghị... đề xướng, nhằm đáp ứng nhu cầu mở mang dân trí, phổ cập trí thức văn hóa của xã hội đương thời. Việc biên soạn bắt đầu từ năm 34 triều Vua Quang Tự nhà Thanh (1908), sau 8 năm (1915) mới biên soạn xong và xuất bản lần đầu. Đến năm 1931, Từ Nguyên Tục Biên được xuất bản, trong đó thu nạp thêm nhiều từ ngữ mới đang được lưu hành. Từ Nguyên dựa trên cơ sở của các sách Tự Thư, Vận Thư, Loạn Thư là từ điển của các triều đại trước (Tùy, Đường, Tống, Minh, Thanh), đồng thời tiếp thu được những ưu điểm của từ điển ngoại quốc để biên soạn. Từ Nguyên một mặt tập hợp các chữ đơn (đơn vị) và giải nghĩa nó như loại sách tự điển, mặt khác Từ nguyên lại có nhiệm vụ chủ yếu là tập hợp các từ ngữ, bao gồm trong đó cả thuật ngữ khoa học và nhằm vào mục đích thực dụng. Từ nguyên chú trọng tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của từ ngữ, đồng thời dẫn ra các ví dụ trích từ các sách cổ giúp cho người đọc hiểu rõ ràng, vì thế nên từ điển mang tên Từ Nguyên (“Từ” là từ ngữ, ''Nguyên'' là nguồn gốc, ''Từ nguyên'' là nguồn gốc của từ ngữ). Ví dụ như chữ nhất (-) có tất cả 9 nghĩa, mỗi nghĩa có một sắc thái riêng; tiếp theo đó, lại nêu ra các mục từ (từ ngữ hay từ phức tạp), mỗi mục từ được tạo thành bởi 2,3,4,5 hay nhiều hơn nữa các từ đơn, nhưng đều được mở đầu bằng chữ nhất. Chẳng hạn như nhất sinh, nhất thuần luận, nhất phạm thiên kim… Ở đây, chữ nhất được vận dụng trong những tình huống khác nhau mà tạo ra những ý nghĩa mới, biến hóa rất sinh động. Chúng ta đếm được 157 mục từ có chữ nhất đứng đầu mà Từ nguyên chọn ra để giải thích. Ta hãy xét vài ví dụ. Mục từ ''nhất quán" có nghĩa là một lý lẽ xuyên suốt vạn sự; về xuất xứ của nó, Từ Nguyên chỉ ra trong sách Luận ngữ chép lời của Khổng Tử nói với các học trò rằng ''Ngôn đạo nhất dĩ quán chỉ” nghĩa là ''Đạo của ta lấy một (đạo lý) mà xuyên suốt tất cả''. Hoặc mục từ "Nhất tự thiên kim" có nghĩa là lời văn chữ viết có giá trị cao, đáng giá ngàn vàng. Nguyên là đời nhà Tần có Lã Bất Vi soạn ra sách Lã Thị Xuân Thu, bày ở cổng Thành Hàm Dương, treo 1000 lạng vàng ở trên, hạ lệnh rằng có ai tài thêm hoặc bớt một từ thì thưởng cho ngàn vàng.

Phương pháp và phương hướng biên soạn của Từ nguyên đại để là vậy. Từ nguyên thu nạp hơn 10.000 đơn tự (chữ đơn) trên 100.000 mục từ (điển). Đây là bộ từ điển lớn, có tính chất bách khoa lần đầu tiên xuất bản ở Trung Quốc. Do giá trị tác dụng của nó, Từ nguyên đã được ấn hành nhiều lần, con số lên 400 vạn bộ. Năm Dân Quốc thứ 28 (1938), hợp cả bản chính biên và tục biên lại thành một bản thống nhất để xuất bản.

Đến năm 1958, xã hội Trung Quốc đã phát triển sang một giai đoạn lịch sử mới, công tác sửa đổi bổ sung Từ nguyên  được đặt ra và bắt đầu tiến hành. Ở Trung Quốc thời gian này còn có một bộ từ điển lớn nổi tiếng nữa là Từ Hải. Cả hai bộ Từ Nguyên Từ Hải đều được chỉnh lý và ấn hành đồng thời, song giữa chúng có sự phối hợp và phân công. Nhiệm vụ của Từ Nguyên chủ yếu nhằm phục vụ cho việc tìm tòi, tra cứu các thư tịch Hán ngữ cổ đại, còn Từ Hải đi sâu tập hợp vào những từ thông dụng trong đời sống xã hội đương thời.

Tập sách thứ nhất của Từ Nguyên được sửa chữa và xuất bản năm 1964. Nhưng sau đó, toàn bộ các tập sách này đã được 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hà Nam, Hồ Nam cùng phối hợp sửa chữa rồi thông qua sự thẩm định, biên tập của Bộ biên tập thuộc Thương vụ Ấn Thư Quán từ năm 1976; đến năm 1979, bộ Từ nguyên gồm 4 quyển cỡ lớn đã được Thương vụ ấn Thư Quán xuất bản. Nội dung bao gồm các từ ngữ, các điển cố thường gặp trong thư tịch cổ và nói chung là những từ ngữ, sự kiện điển hình có liên quan đến các chế độ, điển chương của văn minh Cổ đại. Đây là loại sách công cụ tối cần thiết giúp cho những độc giả muốn tìm tòi nghiên cứu nền văn minh Cổ đại Trung Quốc. Nội dung sách được trình bày theo trật tự các bộ thủ: bên dưới mỗi chữ đơn (đơn tự) đều có ghi phiên âm Latinh, đồng thời còn ghi cách phát âm theo lối phản thiết tức là tách bộ phận âm của chữ thứ nhất ghép với bộ phận âm vận của chữ thứ hai tạo thành tiếng của chữ ta muốn đọc. Ví dụ, chữ cân là cái khăn, được ghi chú phát âm là: cơ ân thiết, tức là lấy (Cơ) ghép với (Ân) thành cân; Chữ chương là sáng rõ, được ghi chú phát âm là chi ương thiết, tức là lấy (Chi) ghép với (ương) đọc thành Chương. Phần giải nghĩa của chữ và từ ngữ trong Tử Nguyên Tương đối dễ hiểu, chính xác, sáng sủa; đặc biệt là chú trọng chỉ ra nguyên nhân, xuất xứ của từ ngữ cũng như sự diễn biến, phát triển trong quá trình sử dụng. Tất cả các sách trích dẫn đều được tiến hành kiểm tra, ghi rõ thời đại của tác giả, quyển thứ mấy, chương mục nào trong những trường hợp cần thiết, phía dưới mục từ có liên quan Từ nguyên còn nêu ra những sách tham khảo để người đọc có thể tìm hiểu thêm. Đó là điều mà bản Từ Nguyên cũ chưa làm được đầy đủ. Các từ mà Từ Nguyên thu nạp được nói chung chỉ dừng lại ở thời điểm chiến tranh Nha Phiến (năm 1840) và bổ sung thêm một số từ ngữ thường gặp nhất. Sau mỗi tập sách, Từ Nguyên cũng có bản sách dẫn tra chữ theo mã hiệu Tứ giác, để giúp cho bạn đọc tiện sử dụng.

 

VIII. Từ Hải

Từ Hải là bộ Đại từ điển mang tính chất tổng hợp bao gồm các từ ngữ thường dùng và thuật ngữ trong các ngành khoa học.

Từ Hải đầu tiên do các ông Thư Tân Thành, Thẩm Di, Trương Tường... chủ biên. Năm 1936, Trung Hoa Thư Cục Thượng Hải xuất bản bộ Từ Hải gồm hai quyển. Đến năm 1948, cũng nhà xuất bản trên xuất bản Từ Hải hợp đính, hợp hai quyển trước đây thành một quyển thống nhất. Cùng với bộ Từ điển Từ Nguyên do Thương vụ ấn Thư Quán xuất bản, Từ Hải cũng trở thành bộ từ điển có uy tín, được lưu dùng rộng rãi một thời. Nhưng mỗi từ điển này lại có một một nét đặc sắc riêng. Nếu Từ Nguyên giúp cho bạn đọc tra cứu thư tịch cổ, thì Từ Hải lại chú ý lược bởi các từ ngữ Hán cổ đã không còn được lưu dùng ở đương thời. Mặt khác, Từ Hải hết sức chú trọng, tổng hợp khai thác các từ ngữ thông dụng trong các sáng tác văn học (thi ca, từ khúc, thoại bản, tiểu thuyết...) hay phương ngôn tục ngữ cũng như các thuật ngữ khoa học mới. Hai bộ từ điển này đã phát huy tác dụng to lớn đối với sự phát triển văn hóa, giáo dục của Trung Quốc.

Sau nhiều năm, bộ Từ Hải cũ trước đây đã không còn đáp ứng được nhu cầu của độc giả nữa. Do vậy, mùa xuân 1958, Ban biên tập Từ điển Từ Hải thuộc Trung Hoa Thư Cục được thành lập. Năm 1959, thành lập Hội đồng các ủy viên biên tập Từ Hải, tập hợp các học giả tiến hành sửa chữa biên tập. Trải qua nhiều năm nỗ lực làm việc, các bản thử nghiệm lần lượt được ấn hành vào những năm 1962, 1965, 1971. Đặc biệt là sau lần sửa chữa vào những năm 1976, 1977, 1978, đến tháng 10 - 1979; tháng 10 - 1979, bộ Từ Hải ba quyển chính thức ra đời do Thượng Hải Từ Thư xuất bản xã ấn hành. Bộ sách tập hợp 14.872 chữ đơn (đơn tự) và 91.706 mục từ (từ phức hợp và từ ngữ), bao gồm những thành ngữ, điển cố, nhân vật, trước tác, địa danh xưa và nay; sự kiện lịch sử, các tổ chức đoàn thể, cũng như danh từ thuật ngữ của các ngành khoa học. Nó trở thành bộ sách công cụ trọng yếu đối với sự nghiệp phát triển văn hoá giáo dục hiện nay. Bộ sách trình bày theo thứ tự các ''bộ thủ''; có bảng tra chữ theo mã hiệu Tứ giác (dựa vào nét viết ở 4 góc chữ); có bảng tra chữ dựa theo 5 nét viết khởi đầu của chữ và theo số nét của chữ từ ít đến nhiều (từ 1 đến 26 nét trở lên); đồng thời còn có các bản phụ lục (12 bản) gồm các biểu số liệu, niên đại có liên quan đến lịch sử và các khoa học tự nhiên. Các mục từ tập hợp trong sách chủ yếu nhằm giải quyết những trí thức cơ bản cần thiết nhất cho các độc giả nói chung trong học tập và công tác. Phần giải thích văn tự cốt làm sao cho được rõ ràng và nói lên được điều thiết yếu nhất. Những từ mục nào còn chưa thật ổn định, còn diễn biến, phát triển thì tạm thời chưa ghi; các tài liệu chưa được khẳng định thì không trích dẫn, các vấn đề học thuật chưa có kết luận xác định hoặc đang còn tranh cãi thì không giới thiệu hoặc chỉ giới thiệu khái quát các ý kiến bất đồng, để tránh cho độc giả hiểu sai hoặc hiểu phiến diện. Đến năm 1982, Hội đồng các Uỷ viên biên tập lại xuất bản thêm tập Từ Hải, nhằm bổ sung thêm những từ ngữ và những thuật ngữ khoa học mà bộ Từ Hải 3 quyển trước đó chưa thu thập đủ. Bộ phận từ ngữ mới thêm là 15.730 điều, bộ phận các thuật ngữ khoa học thêm 2.281 điều. Tiếp sau đó, còn nhiều lần bổ sung sửa chữa.

Đến năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bộ Từ Hải mới được xuất bản, trong đó thu thập số đơn tự là, 16.534 chữ, số mục từ lên đến hơn 12 vạn điều tổng số chữ là 1.600 vạn; nội dung tăng nhiều trí thức mới, phản ánh trình độ phát triển của xã hội Trung Quốc trong những năm 80 của thế kỷ XX. Vì vậy, Từ Hải càng phát huy tác dụng phục vụ tích cực cho sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục hiện nay ở trong và ngoài Trung Quốc.

 

IX. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc

Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc là bộ từ điển Bách khoa có tính tổng hợp lớn nhất ở Trung Quốc.

Từ xưa Trung Quốc đã có truyền thống về biên tập Loại Thư là loại sách từ điển có tính chất bách khoa. Trong khoảng 2000 năm trở lại đây, Trung Quốc đã từng xuất bản hơn 400 kiểu Loại Thư lớn và nhỏ. Những bộ Loại Thư này là di sản quý báu của văn hoá Trung Quốc, nó dựa trên sự phân loại các tri thức từng ngành, từng phái về chuyên môn học thuật để thu thập, chỉnh lý và bảo tồn những tư liệu trọng yếu trong các nguồn thư tịch của Trung Quốc qua nhiều thời đại. Trong số những Loại Thư ra đời sớm, có một số thất lạc, nhưng sổ được bảo tồn không phải là ít, chúng đều được các học giả Trung Quốc và thế giới đánh giá cao. Chẳng hạn sách Thái Bình Ngự Lãm biên soạn vào đời Tống, bộ sách gồm 1000 quyển phân ra 15 bộ môn (theo Từ Nguyên là phân ra 55 bộ môn) dẫn thuật sâu rộng, sáng sủa, ghi chép sách cổ, các áng văn hay. Hoặc sách Bội Văn Vận Phủ soạn năm Khang Hy triều Thanh gồm 212 quyển phục vụ cho các nhà trước tác tham khảo vận dụng. Vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đời Vua Càn Long nhà Thanh, Trung Quốc tiến hành biên tập bộ Tứ Khố Toàn Thư đồ sộ gồm 4 phân loại: Kinh (tức Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ), Sử (Sử Ký, Hán Thư, Tam Quốc Chí, Lương Thư, Đường Thư,v.v…), Tử (Bách Gia Chư Tử), Tập (các sáng tác văn, thơ, từ phú)... Tất cả gồm hơn 3 vạn 6 nghìn sách, 700 triệu chữ. Nhưng sự tập hợp và phân loại ở đây còn khá đơn giản.

Trong thời gian này, các nước Tây Âu như Pháp, Đức, Anh, Italia rồi tiếp theo là Mỹ, Nga, Nhật lần lượt biên tập và xuất bản các bộ Bách Khoa toàn thư hiện đại - Bách Khoa toàn thư hiện đại nêu lên một cách cô đúc những tri thức và lịch sử của loài người trong quá khứ và đặc biệt chú trọng phản ánh những thành tựu văn hóa khoa học mới nhất. Hai trăm năm lại đây, nhiều Quốc gia đã tích lũy được những kinh nghiệm phong phú trong việc biên soạn Bách Khoa toàn thư. Việc phân loại các hệ thống tri thức khoa học, về phương thức biên tập, tranh ảnh minh họa, hệ thống kiểm tra chữ ... ngày càng được hoàn chỉnh và khoa học hóa. Ngày nay Bách Khoa toàn thư đã đóng góp một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động văn hóa của nhân loại.

Bách Khoa toàn thư dù là dưới hình thức chuyên ngành hay các hình thức khác tương tự như từ điển, đã trở thành ''nhu yếu phẩm'' trong đời sống tinh thần hàng ngày của nhân dân. Ví dụ, Từ điển Hán Ngữ, Từ điển Danh nhân lịch sử, Từ điển tên các Xã, Châu, Huyện, Phủ. Giới trí thức vốn có truyền thống biên tập Loại Thư, đã sớm xem việc biên tập Bách Khoa toàn thư hiện đại là mục tiêu phấn đấu của mình. Vào đầu thế kỷ, đã từng có những thử nghiệm cho ra đời vài loại từ điển Bách khoa loại nhỏ, có tính chất thực dụng; trong đó có thể kể đến bộ Từ Hải gần giống với Từ điển Bách khoa. Nhưng những cuốn từ điển này vẫn chưa đạt được yêu cầu của Bách Khoa toàn thư hiện đại.

Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau khi ra đời từng nghĩ đến việc xuất bản Bách khoa toàn thư Trung Quốc, sau đó lại đưa việc biên tập và xuất bản Bách khoa toàn thư vào quy hoạch 12 năm phát triển văn hoá, khoa học. Đến năm 1958 lại đề xuất việc triển khai kế hoạch này, nhưng vì nhiều lý do nên vẫn chưa thực hiện được. Mãi đến năm 1978, Quốc Vụ Viện Trung Quốc mới quyết định biên tập và xuất bản Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc, đồng thời thành lập nhà xuất bản Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc, để phục vụ cho nhiệm vụ này.

Đây là bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên của Trung Quốc, vì vậy công tác biên tập có nhiều khó khăn. Nhưng do yêu cầu bức thiết của độc giả, không thể chờ đến khi tất cả các ngành khoa học đều đã thu thập đầy đủ các tư liệu rồi mới tiến hành biên tập, xuất bản; cũng không thể đợi đến khi nào các điều mục nội dung của các phân ngành khoa học được biên soạn xong xuôi; để sau đó hỗn hợp toàn bộ các chuyên ngành lại, rồi lại dựa vào thứ tự chữ cái (theo phiên âm Latinh của các điều mục chữ Hán) mà biên tập thành Toàn thư. Trong hoàn cảnh hiện nay, lần xuất bản thứ nhất này chưa thể làm được như vậy, mà chỉ có thể dựa vào sự phân loại các chuyên môn khoa học (tức chuyên ngành) rồi tập hợp các học giả, chuyên gia trong toàn quốc, phân công biên soạn, và cho xuất bản từng quyển theo từng chuyên ngành đã phân loại. Có chuyên ngành gồm 1 hoặc 2, 3 quyển, thí dụ: Kinh tế gồm 3 quyển (I, II, III), Nông nghiệp 2 quyển (I, II), Sinh vật học 3 quyển (I, II, III), Lịch sử Trung Quốc 2 quyển (I, II), Khảo cổ học 1 quyển, Kiến trúc Viên Lâm, Quy hoạch thành thị 1 quyển. Từng quyển của từng chuyên ngành riêng biệt được xuất bản, ví dụ quyển Khoa học Điện tử và Máy tính tập 1 được xuất bản tháng 9 năm 1986; quyển Vật lý học tập 1 xuất bản tháng 7 năm 1987. Như vậy, Toàn thư lần lượt nối tiếp nhau ra đời, nhưng cũng vì thế, không tránh khỏi có những khuyết điểm. Lần xuất bản thứ hai này, trật tự trình bày các điều mục nội dung chắc chắn sẽ không theo các điều mục của từng chuyên ngành riêng rẽ, mà sẽ theo trình tự các vần chữ cái của các điều mục chung của toàn thể các môn ngành để giúp cho độc giả dễ dàng tra cứu giống như Bách khoa toàn thư của các nước Pháp hoặc Liên Xô trước đây. Bộ Bách khoa toàn thư Trung Quốc xuất bản lần đầu, dựa vào sự phân loại các chuyên ngành khoa học mà chia quyển; các điều mục nội dung của từng chuyên ngành được trình bày theo thứ tự chữ cái phiên âm La tinh của các điều mục chữ Hán, đồng thời phụ lục thêm các bản hướng dẫn cách tra chữ dựa theo nét viết và số nét của chữ Hán; những chữ đồng âm thì dựa theo thứ tự từ ít đến nhiều nét, nếu số nét tương đồng thì dựa theo nét viết khởi đầu là ''hoành”, "thụ”, ''phiệt” ''điểm”, “chiết”; nếu chữ thứ nhất tương đồng thì căn cứ vào chữ thứ 2 theo thứ tự trên mà suy ra. Ngoài ra, phụ lục còn thêm vài loại hướng dẫn khác: Bản sách dẫn về nội dung các điều mục, bản sách dẫn đối chiếu tên người nước ngoài...

Nội dung của Bách khoa toàn thư trung Quốc bao gồm các ngành: Triết học, khoa học xã hội, văn học nghệ thuật, văn hóa giáo dục, các khoa học tự nhiên, công trình kỹ thuật... cùng các lĩnh vực khoa học. Theo kế hoạch, Toàn thư gồm 80 quyển, mỗi quyển khoảng từ 120 đến 150 vạn chữ, gồm cả tranh ảnh minh họa và chú dẫn sẽ xuất bản hoàn chỉnh trong thời gian 10 năm. Toàn thư xuất bản lần thứ nhất, xét về số quyển và số chữ đã vượt qua các Bộ Bách khoa toàn thư mang tính tổng hợp của nước ngoài. Nhưng điều đó cũng tương tự như tình hình xuất bản Bách khoa toàn thư lần đầu ở nhiều nước, lần xuất bản thứ 2, Toàn thư điều chỉnh cô đúc hơn.

Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc xuất bản dựa trên sự phân loại các chuyên ngành khoa học. Không liệt kê theo thứ tự từ quyển đầu đến quyển cuối mỗi quyển chỉ đề tên theo chuyên ngành khoa học, ví dụ: Pháp học, Lực học, Số học, Hoá học, Vật lý học (quyển I), Vật lý học (quyển II), Lịch sử Trung Quốc (quyển I), Lịch sử Trung Quốc (quyển II), Lịch sử ngoại quốc (quyển I), (quyển II).

Nội dung khoa học của từng chuyên ngành trong Toàn thư dựa vào hệ thống cấu tạo và mối quan hệ lệ thuộc hữu cơ theo từng bậc khác nhau để soạn thành các điều mục. Điều mục khoa học của mỗi chuyên ngành dự tính khoảng 10 vạn điều, nhằm giới thiệu và trình bày một cách tương đối đầy đủ rõ ràng nội dung tri thức cơ bản của ngành khoa học đó phù hợp với trình độ cao trung trở lên, tương đương với trình độ văn hóa đại học của các độc giả nói chung.

Ở mỗi quyển thuộc mỗi chuyên ngành, trước khi đi vào giải thích từng điều mục chuyên môn cụ thể, nói chung đều có dành một chương thuyết minh nội dung khái quát có tính chất tổng quát về mỗi khoa học chuyên ngành - ở mỗi quyển có mục lục toàn bộ các điều mục của các chuyên ngành, có ghi số hiệu trang để độc giả tiện tra cứu. Ở các điều mục trọng yếu, trong khi giải thích ở phần chính văn sau đó có ghi chú thêm phần thư mục tham khảo để độc giả lựa chọn tham khảo.

Loại sách công cụ tham khảo có tính chất bách khoa này cống hiến cho độc giả như chiếc cầu để tiến hành vào các lĩnh vực khoa học theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, là những tri thức khoa học có hệ thống cơ bản nhất và hiện đại.

Công tác biên tập Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc lần thứ nhất tiến hành dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Uỷ viên Tổng biên tập Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc do ông Hồ Kiều Mộc làm chủ nhiệm và 21 vị phó chủ nhiệm, cùng trên 100 ủy viên hội đồng. Ngoài ra, mỗi chuyên ngành lại có một Hội đồng Uỷ viên biên tập riêng. Lực lượng các ngành khoa học tham gia biên soạn mỗi chuyên ngành trung bình từ 100 đến vài trăm. Do sự tích cực tham gia của các học giả, chuyên gia, giáo sư, nhà khoa học cùng với sự giúp đỡ to lớn của các môn ngành có liên quan và các cơ quan nghiên cứu văn hóa, khoa học trên toàn quốc, cũng như các đoàn thể học thuật, các trường đại học chuyên nghiệp, cùng các đơn vị xuất bản, công tác biên tập và xuất bản Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc đã vượt qua nhiều khó khăn, song đã đạt được kết quả tích cực. Nó đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết của các bạn độc giả, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa, khoa học và giáo dục hiện nay.

PTS. BÙI QUÝ LỘ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1056-02-633389265635972028/Nhung-tac-pham-do-so-bat-hu-cua-Nhan-loai...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận