Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 12


Truyện ngắn 12
Chuyện của Tác

Nhà vợ chồng Tác ở sườn đồi, ngay đầu dốc vào bản Kha Rào. Khu đất không rộng, lại có phần cằn cỗi. Chứng cứ là ngay lối ngõ vào, sau trận mưa rào còn trơ ra những sỏi đá lẫn đất đồi vàng quạch, cứng queo; và ngay trước cửa nhà, dưới cái dàn phơi, còn lù lù mấy tảng đá xám ngắt phủ rêu xanh. Nhưng quanh cái nhà gỗ năm gian rộng thùng thình là chi chít những cây ăn quả lê, mận, chanh, na, chuối, dứa sum sê quả mọng. Dưới tán mấy cây mít sau nhà trĩu trịt những quả sù sì to như cái chõ là một bầy gà không sao đếm xuể là bao nhiêu con táo tác đuổi nhau, kiếm ăn. Trước nhà, kề bên con suối nhỏ lượn quanh chân đồi là cái ao chỉ rộng chừng ba bước nhảy, nhưng mặt nước luôn xao động vì những đàn cá mè hoa, trắm cỏ, rô phi đùa giỡn. Nhìn cảnh nhà, gia đình ấy giống bao gia đình người Tày, Nùng ở bản Kha Rào, từ ngôi nhà vách nứa mái gianh, cột ngoẵm đến vườn cây ăn quả; đàn lợn, bầy gà nhốt chung một khu đất xung quanh rào nứa kên dày. Cũng phơi thóc, phơi ngô trên một cái sàn dãi nắng có cầu thang lên, chứ không phơi bệt xuống sân. Thấy sự sung túc, ấm êm bày ra trước mắt, nhìn nét mặt lúc nào cũng tươi vui như không bận chút lo toan về cửa nhà, con cái và cử chỉ mến khách của vợ chồng Tác, tôi yên trí gia đình ấy là dân thổ cư ở bản Kha Rào ít ra cũng tới mấy đời. Vả lại, tôi cũng ngại hỏi gốc tích nhà ông. Vì ngay lúc mới đến, nhân câu chuyện vui tôi mon men lần lần bản quán, thì ông Tác gạt phăng đi bằng một câu rất khéo:

 

"Ấy dà, bây giờ thì kể gì, cứ đâu làm ăn được thì đấy là quê rồi". Xong, khà khà cười, vẻ sảng khoái với lời tâm đắc ấy lắm. Đôi lúc cao hứng tôi đã chuyện trò với vợ chồng ông bằng mấy câu tiếng Tày mà tôi mới học lỏm. Có chỗ tôi phát âm sai, ví như "kin phiéc" (ăn rau), lại thành "kin phia" (ăn cá) thì ông cũng chỉ nhỏ nhẹ chữa lại, chứ không cười.

Cho đến một hôm. Cơm nước xong mọi người đang ngồi quanh chiếc đài nghe hát chèo, thì cô Thơm, con gái lớn ông Tác, đi đâu về có lá thư đưa cho bố. Ông bóc thư xem, rồi bỗng quay nhìn vợ, nói lấp lửng:

- Có khi lên đây cũng chưa biết chừng.

Vợ ông Tác quay lại:

- Ông bảo ai lên? Mà lên làm gì?

Ông Tác vẫn tiếp tục đọc thư, giọng nhỏ, rời rạc:

- Sắp tới có một đoàn của tỉnh lên trên này bàn liên doanh


sản xuất.

Tôi chợt nhớ hôm trước ông Tác có dẫn mấy cán bộ đi khảo sát địa bàn. Nghe đâu tỉnh này đang có dự án liên doanh với tỉnh nào dưới đồng bằng ven biển xây dựng cơ sở chế biến lâm sản xuất khẩu gì đó. Được vậy thì chẳng mấy mà nơi đây lại trở nên một vùng nhộn nhịp. Tôi đang nghĩ lan man, thì nghe vợ ông Tác hỏi chồng:

- Liệu cậu Tùng có lên không nhỉ?

Ông Tác đã xem xong thư, tháo kính lão:

- Đoàn này của tỉnh, lên bàn về liên doanh chế biến làm sản. Cậu Tùng làm ở sở công nghiệp, có khi lên thật đấy.

Té ra, vợ chồng ông Tác còn có một vùng quê khác.

Tôi bất chợt nhìn năm gian nhà rộng, ba cái giường cải tiến kiểu giường Đức và bộ bàn ghế xa lông đánh véc-ni màu mận chín; rồi lại nhìn ra ngoài vườn cây ăn quả xanh rờn đang vào mùa quả chín, thơm lựng. Thế mà tôi cứ ngỡ vợ chồng ông Tác là dân thổ cư ở đây từ lâu. Mà thôi, điều ấy bây giờ có kể gì, chính ông Tác cũng đã nói vậy. Nhưng tính tò mò cứ khơi gợi tôi muốn tỏ tường mọi nẻo. Tôi nhoài người về phía ông Tác, hỏi:

- Thế ông ở dưới xuôi ta?

Ông Tác cười. Cái cười của một người gần sáu mươi tuổi mà vẫn vô tư như chưa bận chút trần ai. Đoạn, hỏi lại tôi:

- Anh đoán thử?

Tôi buột miệng kể tên mấy tỉnh ở đồng bằng ven biển phía Bắc. Ông nheo mắt, cười ruồi. Rồi đột ngột chộp cái hộp thuốc lào cạnh cái điếu bát, giơ lên:

- Quê tôi trồng cái này này. Thuốc lào Tiên Lãng chính tông đấy. "Nhớ ai như nhớ thuốc lào; Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên", nó là cái đặc sản của quê hương mà thời xưa đã được đưa đi tiến vua đấy. Từ lúc lọt lòng mẹ đã ngửi khói thuốc, rồi đến lúc chết vẫn một ngọn đèn, cái điếu bên cạnh. Đi đâu cũng không bỏ được. Ngày ở quê đi, ai cũng ngại cồng kềnh không mang điếu bát đi theo. Lên đến đây hút toàn điếu cày, nhạt thếch. Tôi thì cứ phải một tay bế con, một tay ôm điếu. Thế nên bây giờ cả xã Nông Thượng này có gần trăm nhà dưới xuôi lên, nhưng chỉ còn mỗi nhà tôi là vẫn được hút thuốc lào bằng điếu phải kêu long sòng sọc. Mà cái giống thuốc lào mỗi khi hút, cái điếu phải kêu long sòng sọc thì mới đã; chứ còn chỉ kêu rèn rẹt như thằng hen thì thà đừng có hút nữa cho xong.

Đoạn, ông Tác mở hộp nhón mấy sợi thuốc vê tròn tra vào nõ điếu, rồi cầm cái đóm cật nứa mỏng tang bật tanh tách vào miệng hút. Rồi châm lửa đặt vào nõ điếu rít một hơi dài. Tiếng điếu rít lên nghe giòn giã, vui tai. Hút xong, ông từ từ nhả khói. Một làn khói đậm đặc xanh trong cuộn những vòng tròn nho nhỏ, rồi to dần chờn vờn bay trước khuôn mặt vuông vức, đôi mắt to có hai hàng mi dày uốn cong của Tác. Chờ ông thở xong khói thuốc, tôi hỏi:

- Ra ông quê mãi dưới Tiên Lãng mới lên trên này.

Ông Tác cầm ấm rót nước mời khách. Vừa đặt chén trà trước mặt tôi, vừa nói chữa:

 

- Đã mấy chục năm sao còn gọi là mới.

Tôi đón chén trà, vừa đặt lên môi đã thấy vị thơm thơm dịu ngọt của thứ chè đồi sao suốt. Chén nước chè vàng đậm ngọt vẫn trong xanh, uống vào chát ăn lưỡi, nuốt xuống rồi mà vị ngọt vẫn đọng ở cổ. Người làm chè phải có nhiều công tỉa đốn, ngắt búp, sao sấy, lấy hương kỳ khu lắm mới được những mẻ chè ngon đến thế. Tôi định hỏi về cách làm chè đồi, thì đã nghe tiếng Tác cất giọng
xa vời:

- Hồi ấy, vào đầu những năm...

 

*

*       *

 

Vừa buông tay trồng thuốc lào. Những cây thuốc nhỏ nhoi mới được đặt xuống lỗ còn phải ủ kín giữa hai mảnh gốc rạ. Vợ chồng Tác sắp gánh ra đi. Gia tài đơn sơ, hai vợ chồng và bốn đứa con mang còn nhẹ. Những gì đáng giá nhất trong nhà đều gửi lại phía sau. Đám đất thổ cư từ đời ông cha để lại, có khóm tre xanh nằm kề bờ ao. Ngôi nhà gỗ xoan cánh cửa bức bàn mới làm được mấy năm. Một vườn chuối tiêu xanh rờn bên cái ao rộng nửa sào đặc sệt cá mè, cá chép và trắm cỏ, rô phi. Toàn bộ nhà, đất, ao, vườn để lại cho ông chú họ với cái giá như cho. Vợ Tác tiếc ngơ ngẩn. Đêm trước hôm ra đi, bà không hề áp lưng xuống chiếu. Cứ ngồi đơ trên bạo cửa hóng ra cái sân gạch xám mờ, vườn chuối xanh thẫm, mặt ao lấp loáng ánh trăng. Thật cả đời chưa bao giờ bỏ nhà cửa, xóm láng đi đâu lấy một ngày. Vậy mà bỗng chốc lại dắt díu ra đi.

Chuyến xe đưa vợ chồng, con cái Tác đi lên đến Bần thì chết máy. Xe chở những người cùng quê và cán bộ dẫn đường, không biết, đã vừa đi trước. Thế là chiếc xe có gia đình Tác ngồi chữa xong, đành lẽo đẽo đuổi theo. Xe chạy vùn vụt, xóc như xóc ốc. Tác ngồi, một tay ôm đứa con ngồi bên ngủ ặt ẹo, một tay giữ khư khư cái điếu bát. Xe chạy vào giữa một vùng rừng xanh bát ngát và đồi núi trập trùng. Tác quay lại hàng ghế sau thì bỗng tái người: thằng bé con nằm gối đầu lên tay mẹ mặt xám ngắt, mắt khờ khạo. Còn người mẹ say xăng mềm người đang gục đầu vào thành ghế lấy tay bưng mặt. Tác ấn vội cái điếu bát vào tay cái Thơm, rồi choàng tay đón thằng bé. Nó vừa bị say xe, lại vừa bị cảm sốt. Trên xe không một ai có lấy một hộp dầu xoa hay viên thuốc cảm. Tác chỉ còn biết cởi chiếc áo bộ đội đã ngã màu đưa ra đắp cho con. Vợ Tác say xe đã rũ ra còn sụt sùi khóc. Có người thành tâm đã khuyên xuống ngang đường, chờ đón xe đưa vợ con trở lại. Nhưng Tác chỉ một mực khuyên vợ cố chịu qua đoạn đường nhiều ổ gà cua xóc này nữa.

Chiếc xe trườn xuống dốc, lăn vào thị xã lưa thưa những mái nhà gianh xen nhà ngói nằm tựa lưng vào sườn đồi. Rồi từ từ dừng bánh. Người lái quay lại giúp Tác đưa đứa bé xuống đường. Rồi cứ để Tác bế con tránh nắng dưới gốc cây, ông ta nháo nhào đi tìm mua thuốc. Khi người lái xe mua được mấy viên thuốc cảm sốt, quay ra, không thấy bố con Tác đâu. Cả xe chia nhau nháo nhác đi tìm. Nhưng vẫn bặt tăm. Đã quá giờ hẹn, người lái chỉ còn biết an ủi vợ con Tác, rồi đánh xe đi tiếp đoạn đường dẫn lên Nông Thượng.

Tác đang bế con tránh nắng dưới gốc cây, có người đạp xe qua mới thử ướm hỏi đường đến bệnh xá. Thì may thay "cầu được ước thấy" gặp đúng anh y sĩ ở bệnh viện tỉnh đi họp về. Thế là anh cán bộ y tế tốt bụng mời bố con anh Tác lên sau xe gò lưng đèo về bệnh viện tỉnh. Rồi lại tìm cách nhắn tin lên Nông Thượng cho vợ con Tác khỏi mong. Mờ sáng hôm sau, vợ Tác dẫn díu ba đứa con lộn lại thị xã, tìm đường đến bệnh viện. Mới lạc nhau có một ngày đêm mà vợ chồng con cái gặp nhau nước mắt dài, nước mắt ngắn. Vợ giày vò chồng, mắng mỏ con; rồi cứ xồn xồn đòi ra bến xe mua vé quay xuôi. Tác nhìn vợ, nhìn con nét mặt vẫn tỉnh khô. Trong con mắt to đã có nhiều tia đỏ chạy vằn vèo vì nhiều đêm thiếu ngủ, không gợn chút hoang mang, bối rối. Thế mới biết đàn ông họ gan, việc tày đình mà vẫn như không được. Cho đến lúc vợ đòi xẻ đôi gia tài, ấy là giận dỗi vậy, chứ xẻ thật, đố dám, Tác mới bế thằng bé đang ốm ngồi xích lại gần vợ:

- Mẹ cái Thơm có thương bố con tôi thì ở lại. Chứ về là tôi
không về đâu.

Trông miệng vợ đã méo xệch:

- Chưa đến nơi đã khổ thế này, còn đến làm gì nữa, hả ông.

Nhưng giọng vẫn cứng:

- Trước khi đi, tôi đã nói hết nhẽ với mẹ cái Thơm. Ngẫm cho cùng, làm việc gì chả có vất vả, khó nhọc. Huống hồ đây lại là việc đi sinh cơ lập nghiệp. Thôi tùy, bụng mẹ cái Thơm đã quyết, tôi cũng không cản.

Thà cứ im đi. Nói ra tức anh ách. Vợ chồng ăn ở với nhau từ năm chưa đến hai mươi tuổi; sáu bận đẻ, bốn mặt con, chưa nỡ giận nhau nửa ngày. Cũng có lúc tức đầy ruột; nhưng chỉ để bụng. Rồi lại chồng vác cày, vợ dắt trâu ra đồng. Người đâu có người lành như đất mà hễ cất lời là như đanh đóng cột, đã làm gì có thánh gàn nổi; có nói lắm thì lại nước đôi "thôi tùy". Nghe tức anh ách. Mà ngẫm, lại thấy thương thương. Vợ đang rối lòng, thì chồng đã giục:

- Nào, thôi đi. Lên tôi còn lo sắp xếp cho bà con làm ăn. Mình là đảng viên, ở nhà anh em người ta tin, giao trông nom những người đi. Không nỡ phụ lòng anh em xóm láng.

Đã đến nước ấy thì mấy cũng phải đi. Vợ Tác lấy vạt áo chấm mắt, buộc lại cái túi xách, rồi đứng lên. Mấy đứa trẻ hớt hải chạy theo bố. Chúng nó cứ tưng tưng nhảy từng bước lên dốc. Bọn trẻ lần đầu thấy rừng núi cao chỉ biết thích thú, tò mò, chứ không biết đến cái gian khổ, khó nhọc.

Tác dẫn vợ con mon men theo bờ suối tìm đường vào Nông Thượng. Đường đi chỉ có luồn rừng leo dốc, vạch cây tìm lối mà đi. Từ non trưa đến sẩm tối mới tới. Đi lâu thế mà chỉ có mười ba cây số đường. Đến nơi, đồng bào địa phương đã làm sẵn mấy dãy nhà tre nứa trên bãi đất rộng dưới chân đồi cho bà con dưới xuôi lên. Những gia đình đến trước đang nhộn nhịp dọn dẹp nơi ăn chỗ ở. Gia đình Tác cũng nhận hai gian nhà rộng, giường bằng sạp vầu, bếp ngay đầu nhà. Vợ Tác vừa ngắm nghía chỗ để cái niêu cái nồi, vừa rối rít giục chồng: "Nghe nói trên này đồng rừng, khỉ nhiều lắm. Khỉ vào ngủ cả với người. Ông xem chằng buộc cẩn thận lại cái cửa đấy". Tác đang gò lưng xách nước dưới suối lên, nghe vợ nói cũng bật phì cười.

Cái bãi đất bên bờ suối mới hôm nào còn vắng ngắt, cỏ dại mọc um tùm, thì hôm nay có bàn chân con người vừa đặt tới đã có ngay cái dáng nét của sự đầm ấm, sầm uất. Mỗi buổi sớm mai khói bếp các nhà tỏa lên nghi ngút làm loãng ra, tan đi từng đám sương mù chờn vờn trên lưng núi. Nắng ấm hửng lên đã thấy lũ trẻ, còn ngỡ ngàng với con suối trong vắt cuộn chảy, đứng trên bờ thi nhau lấy lá thả xuống nước làm thuyền, rồi cười reo ầm ĩ. Tiếng bà gọi cháu, mẹ giục con tíu tít ngân vang hòa tiếng suối. Nhà ai mang gà từ quê lên, không lạ hơi núi đã tớn tác tìm ổ kêu lanh lót bên bìa rừng.

Sau ít ngày nghỉ chân, tìm hiểu tình hình, thăm hỏi bà con địa phương, Tác bảo Triệu Điền, trưởng bản Kha Rào:

- Hôm nào bác cho tôi đi xem rừng nhá. Tôi quen đồng ruộng, nhưng còn mù tịt núi rừng lắm.

Hai ngày sau, nhà Tác vừa cơm sáng xong thì ông Điền và hai người đàn ông nữa bước vào, mỗi người một con dao quắm đeo ngang lưng, khẩu súng săn khoác vai. Quen hút thuốc lào bằng điếu cày, giờ thấy nhà Tác có cái điếu bát, ba người ở Kha Rào cứ ngắm mãi cái điếu lạ. Rồi sau khi nhìn Tác rít sòng sọc một hơi thuốc dài, gần như cùng một lúc ba cái tay của ba ông đặt lên cái xe điếu, giành nhau hút thử. Tiếng điếu kêu giòn tan, khói thuốc xanh xanh, thơm thơm tỏa khắp gian nhà rộng. Ông Triệu Điền cứ xoay xoay cái điếu, vừa ngắm nghía vừa bảo Tác:

 

- Chú phải làm cho tôi một cái. Tiện lắm. Bã thuốc, tàn đóm đều chứa cả ở trong này, đỡ bẩn nhà, lại tiện chỗ để, không sợ đổ vỡ như điếu cày.

Tác cười, nhìn ông Điền:

- Được rồi. Tôi có cái gì bác sẽ có cái ấy. Ta truyền cho nhau cách làm để nhà nào cũng đủ ăn đủ tiêu, con cháu mạnh khoẻ, cửa nhà mát mẻ.

- Ha... ha ha! Thế mới là anh em xuôi ngược một nhà này.

Tiếng cười của ông Điền như lây sang Tác và hai người kia. Gian nhà ngập tiếng cười vui. Vợ Tác đang dở siêu nước dưới bếp không hiểu sao cũng tất bật chạy lên, đứng ngẩn ở cửa giây lát, rồi cũng cất tiếng cười theo.

Ông Điền và hai người đàn ông nữa dẫn Tác đi suốt ngày, mãi chạng vạng tối mới về. Nét mặt trầm lặng. Dáng đi mệt mỏi. Đêm nằm ngủ cũng cứ chập chờn, có lúc nào say lại chỉ nói mê: "Rừng vàng! Đúng là rừng vàng mà giờ tôi mới được nhìn tận mắt đây" Vợ lại ngỡ chồng ban ngày vào rừng đã được thần chú mách bảo chỗ nào đó có mỏ vàng. Nên chỉ im lặng dõi theo mỗi bước chân chồng.

Ba người ở Kha Rào dẫn Tác đi miết bốn ngày. Bốn ngày xách súng săn đi lại xách súng về, họ đã qua được mấy cánh rừng già. Chỗ nào cũng bạt ngàn gồ, nứa, mai, vầu... Nhưng đường đi thì trập trùng núi cao đèo dốc. Chỉ có cánh rừng Khau Vai là còn dễ ra vào: qua mỗi con dốc Kiều Cổng. Họ tha thẩn cả một ngày ở rừng Khau Vai để bàn kế mở đường vào khai thác nứa bán cho nhà máy giấy dưới thị xã. Rừng nứa xanh xanh mà cứ lấp lánh trong đầu Tác chỉ một màu trăng trắng. Tác được trưởng ban tin cậy giao cho cùng hai người nữa lập kế hoạch làm đường vào Khau Vai. Tác càng bận rộn tối ngày. Sau mấy ngày xem xét thực địa, lên sơ đồ, lập kế hoạch, Tác đã có dữ kiện để xây dựng phương án mở đường khai thác nữa. Việc tuy mới, nhưng không mấy ai lạ. Thì lâu nay dân bản vẫn thường vào rừng Khau Vai lấy măng, nứa mang xuống chợ Nặm Những bán năm ngày một phiên. Năm ngoái, thanh niên gây quỹ, chỉ vào rừng Khau Vai chặt, chẻ có hai ngày mà được gần chục tấn nứa, khuân vác ra ngoài đường to cho ô tô nhà máy giấy lên chở đi. Bây giờ người đông, sức mạnh mà lại có đường vào thì nhất định phải lấy được nhiều. Sự giàu có mở ra trước mắt. Chín đảng viên người Tày ở Kha Rào và hai đảng viên người Kinh mới ở xuôi lên, lần đầu tiên ngồi họp trong một chi bộ, dưới mái nhà sàn của trưởng bản Triệu Điền, đã mau chóng gặp nhau trong chí hướng mở đường vào Khau Vai khai thác lâm sản phục vụ sản xuất, tạo ra thế mới trên vùng cao Nông Thượng.

Ngày khởi công mở đường lên Khau Vai vui như ngày hội ở Kha Rào. Xóm bản rậm rịch từ nửa đêm gà gáy. Chồng chêm lại mai cuốc. Vợ nấu nồi cơm, vợi chảo cám lợn. Nồi cơm mấy ngày ấy cũng được nấu nhiều hơn. Cơm ăn ở nhà. Cơm nắm đi ăn tại mặt đường để làm thông tầm đẫy buổi. Đàn gà nháo nhác chạy ra khỏi chuồng, và bầy lợn bộp boạp mảng cám từ lúc còn mờ đất. Khi mặt trời vừa ló ra sau dãy núi trước nhà, Tác cầm con dao quắm đã han gỉ thong thả dập ba hồi vào chiếc kẻng treo trên cây vả. Lập tức từ các đường ngang ngõ tắt trong bản, bà con lũ lượt kéo ra, áo nâu chen áo chàm, nón lá vầu rộng vành chao nghiêng bên nón lá cúp...

 

*

*      *

 

Đấy là những ngày vui không thể kìm nén trong cuộc đời dài dằng dặc những buồn vui lẫn lộn của ông Tác. Mà có lẽ nếu không có cái thư của một người quen ở dưới xuôi gửi lên báo tin sắp có một đoàn của sở công nghiệp tỉnh lên bàn liên doanh liên kết chế biến lâm sản xuất khẩu gì đó, thì tôi thực không biết ông Tác và những người ở Kha Rào lại đã trải qua những ngày tháng như thế. Bởi bây giờ lên bản Kha Rào và cả vùng cao Nông Thượng, tôi thực không còn nhận ra khung cảnh mà mấy chục năm trước vợ chồng con cái Tác đã đến. Hôm tôi rời Kha Rào, thật khác xa với lần lên mươi năm trước, Tác không nhờ hỏi giá đài cát-sét hay xe đạp mi ni, mà lại nhờ có ai lên nhớ mua hộ mấy cân thuốc lào Tiên Lãng, chính tông quê ông, mang lên giùm. Rồi ông cười khà khà, mở hộp thuốc lào nhón mấy sợi vê tròn tra vào nõ điếu. Đoạn châm lửa đặt vào mồi thuốc rít sòng sọc một hơi dài. Tiếng điếu kêu giòn tan. Hút xong, ông từ từ nhả khói như tận hưởng cái vị thơm đậm đà của loại thuốc lào Tiên Lãng chính tông đã từng được mang tiến vua tận kinh thành Thăng Long xưa.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84826


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận