Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 13


Truyện ngắn 13
Người ngoài họ

Chưa lần nào về nhà tôi lại thấy vợ vui hớn hở như lần này. Mới nhìn thấy tôi bước vào đến sân, vợ tôi đã nói như reo:

 - Bố thằng Dũng về đây rồi! May quá, mẹ con tôi không phải bán sào lúa non.

 Nghe giọng nói như reo lên của vợ, tôi bỗng sững người, miệng há hốc, không ra cười cũng không ra mếu. Chẳng lẽ vợ tôi và ba đứa con ở nhà lại đói ăn, túng tiêu đến thế? Hơn một năm chưa về nhà, nhưng ở ngoài đảo xa, qua các phương tiện thông tin đại chúng, rồi thư từ của vợ và thằng con mười bốn tuổi gửi ra, anh em trong đơn vị vào đất liền ra kể lại, tôi cũng phần nào hiểu cuộc sống ở nông thôn hiện đang có nhiều đổi thay. Chỉ riêng cái khoản ti vi, cát-sét, thư thằng Dũng mới gửi ra khoe: "Cả xóm bây giờ chỉ còn nhà ta, chú Vầu, ông Xoa với anh Hùng rỗ là không có ti vi, cát-sét thôi, bố ạ. Bao giờ bố về, cố mua cái ti vi bố nhá, đen trắng cũng được, để em Kim với em Yến tối đến không phải sang nhà hàng xóm xem nhờ". Thằng bé năm nay học lớp mười, ngỡ bố ở ngoài đảo xa không tiêu pha gì nhiều, có thể góp được tiền, chứ nó hiểu sao hết cuộc sống nơi đảo xa. Quả là ở đảo chúng tôi không phải tiêu pha gì nhiều vào những khoản bia bọt, cà phê, thuốc lá, quán xá tùm lum như trong đất liền. Mà thực sự có muốn đến mấy cũng không bói đâu ra giữa mênh mông sóng nước. Nhưng chúng tôi lại có một cách tiêu pha mà chẳng biết anh em trong các cơ quan đơn vị ở đất liền bây giờ còn đâu sử dụng đồng tiền như thế nữa không? Hàng tháng lĩnh lương sinh hoạt phí, nhiều ít không kể, mồi người đều trích ra một nửa, giao cho một

 

người giữ, để khi có anh nào về thăm nhà thì lấy tiền đó mang về giúp gia đình hoặc mua sắm những thứ cần cho vợ con. Nhiều đến mức đủ tiền mua ti vi, dù chỉ là đen trắng như con tôi mong thì không có, nhưng mỗi người có dịp thăm nhà, số tiền cả đại đội góp cho mang về cũng được vài trăm. Như tôi, sau hơn năm chưa về, lần này có tàu ra tiếp tế, anh quản lý đưa cả số tiền góp của đại đội cho cũng được kém hai chục đầy ba trăm ngàn, cộng tiền tôi dành dụm được tất cả là bốn trăm mười ngàn đồng. Khi ở đảo chưa bao giờ tôi nghĩ vợ con ở nhà lại đói ăn, túng tiêu đến mức phải bán lúa non. Nên khi dừng chân ở nội thành lại máy tay mua cho ba đứa con ba bộ quần áo, mất trọn một trăm năm mươi ngàn. Giờ nghĩ lại mới thấy cái việc mình tiêu một lúc trăm rưỡi là quá tay. Vợ tôi bảo:

 - Bằng hơn tạ thóc đấy, anh ạ. Cày cấy cả vụ sao dư dật nổi tạ thóc, mà chỉ một lúc anh mua quần áo cho con hết những ngần ấy!

 - Nhưng có việc gì cần kíp thế?- Tôi hỏi vợ.

 Sau khi cơm nước xong, hai đưâ nhỏ tót sang hàng xóm xem nhờ tivi, còn thằng Dũng đang ngồi cặm cụi bên cái bàn con góc nhà học bài. Vợ tôi đứng dậy, với tay lên bàn thờ lấy tờ giấy. Rồi vừa giơ ra trước mặt tôi vừa nói đầy hệ trọng:

 - Kíp chứ! Nội ngày nay anh không về, mà không vay giật đâu được thì đến phải gán lúa non thật. Chứ không chẳng lẽ lại giơ mặt ra đấy với cả họ.

 Tôi cầm tờ giấy đọc trước ánh điện 125 oát mà nhiều chỗ phải luận từng chữ vì bản đánh máy mang phô tô ra nhiều tờ, nét đậm nét mờ rất khó xem.

"Thư họ tộc

Gửi gia đình ông bà......

Họ Lương ta trải qua bao đời nay đã có nhiều người thành đạt làm đến chức tri huyện, tri phủ, tước phẩm triều đình thời xưa; rồi tướng tá, tiến sĩ, giáo sư thời nay đều có người họ ta cả. Được vậy là nhờ thần đường họ Lương ban tài phát lộc. Nhưng lâu nay do chưa có điều kiện sửa chữa lại nên từ đường hư hỏng nhiều. Nay họ quyết định đại trùng tu khôi phục lại từ đường khang trang, to đẹp để con cháu gần xa đến phúng viếng tổ tông được mát mặt, ấm lòng muôn đời hậu thế. Việc đại trùng tu từ đường rất tốn kém, nhưng họ không bổ theo suất đóng giỗ mà kêu gọi lòng thành của quan viên trong họ. Đây là việc trăm năm mới có một lần. Vậy là trưởng họ, tôi mong mọi quan viên hãy vì dòng dõi tổ tông mà hăng hái đóng góp".

Đọc xong bức thư, tôi ngẩng lên nói với vợ:

- Thế này thì biết bao nhiêu mà đóng góp.

Vợ tôi giọng chán ngán nhưng lại như phân trần với tôi:

- Thế mới khó. Em nghĩ nẫu cả ruột từ hôm nhận được thư họ tộc đến nay. Nhiều thì nhà mình không có, ít thì mang tiếng keo kiệt với cả họ. Nên mới phải giục con viết thư cho anh về, kẻo lại bảo em ở nhà không biết cách cư xử.

Tôi nói để vợ yên lòng:

- Thư ông trưởng họ viết cũng chỉ kêu gọi lòng thành mình có thế nào thì góp thế ấy. Miễn là tiền của ít nhưng có lòng thành với tổ tông là được.

 Vợ tôi chua chát:

 - Nhưng anh ơi, lòng thì ở trong bụng, còn tiền của thì bày ra trước mắt. Một miếng giữa làng bằng một sàng góc nhà, ai chẳng muốn nhân cái việc trăm năm mới có một lần mà tỏ ra cho cả họ biết gia tộc nhà mình. Anh đi vắng không biết, chứ ở làng bây giờ người ta ganh đua thanh thế ghê lắm. Dựng vợ gả chồng, làm nhà cửa, ma chay, sang cát, lên lão, thượng thọ, thậm chí cả đẻ con trai đầu lòng đều đua nhau mổ lợn, bày cỗ mời hết nội ngoại, trong họ ngoài làng. Chỉ chết những nhà nghèo, lực bất tòng tâm, có công to việc lớn không dám mở, có đám xá mời không dám đi, rồi sinh mang tiếng là ngươi keo kiệt với dân làng.

Tôi thấy lòng chộn rộn, bâng khuâng nhưng vẫn phải an ủi vợ:

- Ôi dào, chỗ nào không đừng được thì đi, chỗ nào xa xôi quá thì thôi. Có gì mà em phải nghĩ ngợi.

- Nói như anh thì dễ quá. Nhưng khốn nỗi, mỗi tháng hàng chục cái đám, mà đám nào người ta cũng mời, chẳng lẽ bỏ hết, mà đi thì mỗi đám cũng mươi, mười lăm ngàn, mất béng hơn yến thóc. Em tính từ đầu năm đến giờ, chỉ nội đám xã nhà mình cũng mất gần ba tạ thóc rồi đấy. Thì anh tính nhà quê làm gì ra tiền mà chả phải bán thóc. Bốn mẹ con cấy bảy sào ruộng, mỗi năm nuôi được lứa lợn bán đủ tiền đóng học và may vá cho con. Không phải vay giật là may rồi. Bây giờ thóc ăn không thiếu, vụ này nhà mình cũng thừa vài tạ, nhưng tiền tiêu thì lúc nào cũng bấn bíu quá. Thế nên chỉ nội ngày nay anh không về, là mai đến phải đi gạ bán lúa non lấy tiền đóng họ thật.

 Tôi liếc nhìn vợ. Mới ngoài bốn mươi mà trông người đã đanh đét như tàu lá chuối khô. Mười tám năm tôi vào bộ đội, vợ tôi ở nhà tần tảo nuôi mẹ chồng, nuôi con. Rồi mẹ chồng chết, một nách nuôi ba con, việc trong nhà ngoài đồng, xóm láng họ đương đều trút cả lên đầu cô ấy. Bởi tôi tuy là con thứ, nhưng bây giờ lại thành con trưởng. Anh cả tôi đi bộ đội từ thời chống Pháp, năm sáu tám hy sinh ở mặt trận Tây Nguyên; còn chị và ba đứa con gái ở quê ngoại trên Bắc Ninh, vài năm mới về quê nội một lần khi có công việc lớn. Tôi còn một người em gái, tiếng là lấy chồng làng, nhưng vợ chồng lại dạy học và ở luôn trên thị xã. Thế nên mỗi khi có công to việc lớn, tôi đi xa, vợ tôi ở nhà đều phải tự mình xoay xỏa. Vợ tôi không thuộc loại đàn bà khôn ngoan đến lanh lợi nhưng tính nết thùy mị, lúc bực bõ cũng có thể nói mấy câu bỗ bã cho hả cơn giận, nhưng xong thôi, lại chị chị em em, bá bá dì dì đâu vào đấy. Tôi không vào loại đàn ông nịnh vợ nhưng công bằng mà nói, suốt những năm tôi đi vắng, vợ tôi ở nhà cư xử mọi việc trong họ ngoài làng đều được lòng người trên, vừa lòng người dưới. Vậy mà lần này, có mỗi việc đóng góp sửa chữa từ đường họ mà vợ tôi phải viết thư cho tôi về, hẳn không thể là chuyện thường nữa rồi. Tôi hỏi vợ, cũng là muốn biết các nhà người ta đóng thế nào, để còn liệu chiều lựa gió:

 - Em định nhà mình đóng bao nhiêu là vừa?

 Vợ tôi mủm mỉm:

 

 - Ở rộng người cười, ở hẹp người chê, biết thế nào cho vừa. - Rồi vợ tôi ngước mắt chăm chăm nhìn tôi, vẻ đắn đo ngần ngại trên nét mặt lấm tấm mấy hạt tàn nhang trông lại càng thương quá chừng - Em hỏi để biết đường mà liệu thôi, trong túi anh giờ còn bao nhiêu?

Tôi nghĩ ngợi giây lát, nhẩm nhanh những khoản tiêu trong số bốn trăm mười ngàn đồng tôi có trong túi khi xuống tàu về đất liền. Cũng không có khoản nào chi đáng kể ngoại trừ trăm rưởi mua quần áo cho con và mấy chục ngàn vé xe hàng quà dọc đường. Thế mà cũng hết suýt soát một nửa rồi đấy. Tôi định nói thế để vợ thông cảm cho cuộc đời người lính làm gì ra nhiều tiền, gom góp hơn năm trời được từng ấy cũng là kế hoạch lắm. Nhưng vừa cất lời: "Vợ chồng mình đã xác định ngay từ đầu là anh vào bộ đội chuyên nghiệp thì em phải chịu nhiều thiệt thòi..." thì vợ tôi gạt đi:

- Thôi, thôi, anh không phải rào đón. Em đã bảo hỏi để biết đường mà liệu, chứ có lục vấn gì anh đâu. Ngay việc em bảo con viết thư cho anh về, cũng là để vợ chồng bàn soạn xem cư xử thế nào cho phải đạo trước một việc hệ trọng của họ tộc, chứ không bảo anh về là phải có tiền.

Tôi nói cốt để vợ khỏi hiểu lầm:

- Anh biết. Em báo tin cho anh về là rất đúng. Nếu anh nhớ không sai thì ngày kia, mồng mười là giỗ tổ rồi.

Thằng con ngồi học ở cái bàn góc nhà, chẳng biết có nghe được câu chuyện của bố mẹ không mà nghe tôi nói đến ngày giỗ tổ, nó vội quay lại hồ hởi khoe:

- Khánh thành sửa chữa từ đường luôn đấy, bố ạ. Cỗ to lắm nhá. Giết ba con lợn gần bốn tạ. Chiều con đi học về, gặp con trai ông trưởng họ mua những mười bánh pháo đùng, bảo sẽ nối dài bằng cây sào, buộc lên ngọn đa đầu ngõ, đốt cho làng xã cũng phải nghe thấy họ Lương nổi đình đám.

Nghe con nói vợ tôi như sực nhớ việc cần kíp đến nơi vội quay sang giục tôi:

 

 - Thế thì anh phải đi ngay đi. Cầm tiền vào góp cho ông trưởng ngành, kẻo người ta đốt pháo mình mới đưa thì rát mặt lắm!

 - Thì anh hỏi góp bao nhiêu, em đã bảo sao đâu. - Tôi nói mà như vặn lại vợ, làm cô ấy thêm sốt ruột:

 - Thôi, bao nhiêu tùy anh. Nhưng cũng đừng có sĩ diện hão kẻo hôm nào đi mẹ con em không có tiền cho đi đường đâu.

 Tôi ngay thật tính nước:

 - Anh còn hai trăm rưởi ngàn, định để một trăm đi đường, một trăm cho mẹ con em ở nhà tiêu pha, còn đóng họ năm mươi ngàn.

 - Anh định đóng họ cho mình thôi à. Còn thằng Dũng nó tuy bé nhưng cũng là đàn ông.

 Tôi chợt nhớ ra cái luật lệ của hàng họ từ bao đời nay. Dẫu là thằng bé con ẵm ngửa hay cụ già đầu tóc bạc phơ thì đối với cái sự đóng góp của hàng họ, dù là tiền gạo hay công sức, cũng đều tính một suất như nhau. "Cứ có chim là có suất" - như các ông già bà cả mỗi kỳ giỗ tổ vẫn thường nói. Tôi nói ngay:

 - Thế thì đóng sáu mươi ngàn, hai bố con mỗi người ba chục ngàn là được rồi.

 - Không được! - Vợ tôi ngắt lời, vẻ không hài lòng- Anh cứ mang đóng hai bố con một trăm ngàn. Năm mươi ngàn một suất cũng là mức nhiều nhà đóng góp. Còn hơn nữa, tới vài trăm ngàn như ông Kha, ông Tung thì nhà mình không thể theo nổi; nhưng hai ba chục ngàn một suất như nhà chú Vầu, anh Nhã thì lại mang tiếng với hàng họ.

 Tôi thật thà bảo vợ:

- Nhưng nhà mình cũng hoàn cảnh...

 Vợ tôi như đã hiểu, vội nói chen:

 - Hoàn cảnh mấy rồi em cũng xoay xỏa được. Anh dù sao giờ cũng là con trưởng của cả gia tộc nhà này. Không đóng được hơn người thì em cũng không để anh phải xếp xuống hàng thấp nhất


họ được.

 

Tôi bỗng thấy dào lên niềm thương cảm về người vợ đức độ, biết lo toan giữ gìn danh giá chẳng những cho chồng mà còn cho cả gia tộc nhà chồng

Hai hôm sau, mồng mười ngày giỗ tổ, cũng là ngày họ Lương tôi khánh thành trùng tu lại từ đường. Quả như thằng con tôi nói, giỗ tổ năm nay to thật. Dễ từ ngày tôi biết theo bố đi cúng tổ tiên đến nay, chưa bao giờ thấy mở to đến thế. Không chỉ to về cỗ bàn như thằng con tôi khoe mổ ba con lợn gần bốn tạ thịt, mà còn mở to cả từ đường. Ngày xưa, chẳng hiểu từ bao giờ, chỉ biết từ khi tôi được theo bốn đi cúng tổ đã thấy từ đường họ tôi có ba gian tường xây gạch, mái lợp ngói mũi lâu ngày đã thẫm màu rêu. Hồi kháng chiến chống Pháp, máy bay ném bom sạt một góc từ đường. Trước khi có phong trào hợp tác hóa khoảng nửa năm gì đó, nhân giỗ tổ, quan viên trong họ đã đóng góp sửa chữa lại từ đường gần giống như khi chưa bị bom phá. Từ ấy đến nay, nếu tôi nhớ không nhầm thì đã hai lần họ quyên góp tiền của sửa chữa lại từ đường. Lần thì đảo ngói, thay hoành rui, lần thì trát lại tường, sơn vẽ lại hoành phi đại tự. Nhưng chưa bao giờ từ đường lại được khôi phục và mở rộng khang trang, bề thế như lần này. Ngoài ngôi từ đường cũ được tân trang đặc biệt kiểu cổ, cũng một đôi rồng chầu mặt nguyệt nằm chạy dài trên nóc nhà, đầu vươn cao như muốn bay lên, hai đầu hồi còn có vòm cuốn đao cong vút, trông nền nã và uy nghiêm lắm. Ngôi nhà ấy là từ đường chính, nơi thờ tổ. Còn phía ngoài là một ngôi nhà xây năm gian chạy dài, ngay trước nhà thờ tổ. Nếu ba gian nhà trong làm nơi thờ chính được sữa chữa lại hoàn toàn theo lối cổ, thì năm gian nhà ngoài mới xây lại rất tân kỳ với những cửa đại, cửa sổ mở ra bốn phía đóng theo kiểu cửa chớp. Tiếng vẫn là lợp ngói nhưng là ngói tây chứ không phải ngói ta - như chú Hưng chỉ lên mái nhà nói với tôi. Còn mái hiên chạy suốt năm gian đổ mái bằng xi măng cốt thép, có tường chắn mái nhô cao, nhác trông từ dưới sân lên cứ ngỡ nhà mái bằng, chứ không thấy ngói. Tôi cứ tần ngần nhìn dinh cơ từ đường họ mà nghĩ vẩn vơ. Giỗ tổ mỗi năm chỉ có một lần mà từ đường xây to lớn đến thế. Chú tôi ghé tai bảo: "Anh không thấy bây giờ người ta chả đua nhau khôi phục lại đình chùa đền miếu à. Họ Lương ta đông nhất nhì xã này, không mở to ra, sau họ Trần, họ Bùi người ta mà làm to đẹp hơn thì còn ra cái gì. Nên đã làm thì làm luôn thể. Những họ kia muốn theo cũng còn khướt". Tôi bỗng thấy có cái gì râm ran, rạo rực trong lòng. Niềm vui về một công trình lớn của dòng họ vừa được xây dựng lại khang trang, hay nỗi bâng khuâng về một cái gì bền chặt bất lâu, nay đang dần rạn nứt. Không rõ. Tôi lững thững đi đến chỗ đám người đang đứng vòng trong vòng ngoài trước cửa nhà thờ họ. Thì ra ở đấy treo một tờ giấy to bằng cái bàn, ghi rõ họ tên từng quan viên trong họ đóng tiền trùng tu khôi phục lại từ đường. Tôi sán lại gần. Vừa đọc lướt mươi người trong danh sách bỗng thấy da mặt hâm hấp nóng. Ông Tung, ngành dưới tôi hai chi, tuy hơn tôi đến chục tuổi, năm nay ông năm ba, nhưng nói vô phép, về họ tộc ông ấy chỉ bằng vai với con tôi thôi. Vậy mà trong danh sách những người đóng tiền sửa chữa lại từ đường họ, ông Tung lại đứng trên, mà không những đứng trên tôi một khoảng cách dài, ông ấy còn đứng trên cả ông Ha, tôi gọi bằng bác. Vẫn tưởng lệ làng họ xưa nay danh sách đóng cúng tổ bao giờ cũng xếp theo ngành từ trên xuống dưới, tôi quay sang hỏi chú Hưng đứng bên cạnh:

 - Danh sách đóng họ năm nay sao xếp lộn xộn thế này, hả chú?

 Chú Hưng nói rành rọt, nhưng nghe có cái gì hằn học, mỉa mai:

 - Lộn đâu mà lộn. Thứ tự cả đấy, ai nhiều tiền thì đứng trên, ít tiền đứng dưới, không có tiền thì không có tên trong danh sách họ!

 Ai đó đứng sau tôi nói một câu buông thõng:

 - Thế có khác gì đuổi người ta ra khỏi họ!

 Chú Hưng gắt bẳn:

 - Anh đi mà hỏi ông trưởng họ ý.

 Người kia lúng búng hậm hực bỏ đi.

Tôi cứ đứng dán mắt vào tờ danh sách. Tìm mãi rồi cũng thấy tên hai bố con ở gần cuối, chỗ những suất đóng năm mươi ngàn. Sau tôi còn có mươi người nữa có mức đóng góp bốn mươi, rồi ba mươi ngàn đồng là hết số suất đóng góp sửa chữa lại từ đường và giỗ tổ năm nay. Thôi, thế cũng là được, mình không rơi vào số những người đóng thấp nhất cũng đỡ ngượng. Tôi thầm an ủi, và càng thấy vợ tôi quả là người biết cách cư xử "không đóng được hơn người thì thôi, nhưng em cũng không để anh phải xếp xuống hàng thấp nhất họ". Tôi chợt nghĩ đến câu nói của vợ mà lòng man mác một nỗi buồn vô cớ từ đâu xô tới.

Đến giờ bưng mâm, đóng cỗ. Lẽ thường bốn một tám hai cứ thế mà ngồi. Nhưng khi đám giai họ tíu tít bưng mâm đặt giữa những cái chiếu trải từng hàng khắp lượt nhà trong, nhà ngoài thì ông trưởng họ lại cầm chiếc loa pin đứng trước cửa nói oang oang:

- Chư viên họ chú ý này, cỗ trong nhà thờ tổ chỉ dành cho các cụ cao tuổi và các trưởng ngành. - Có ai đó nói xen ngang, giọng kính nể bỡn cợt: "Ừ, thì kính lão đắc thọ ai chả biết!" - Tiếng ông trưởng họ vẫn đĩnh đạc: - Còn số ở nhà ngoài dành cho những người có tiền đóng góp trên năm mươi ngàn. - Mấy người gần như cùng lúc cất lời ồn ào chen ngang tiếng nói của ông: "Còn những người từ năm mươi ngàn trở xuống thì chia phần mang về chứ không được ngồi ăn cỗ ở nhà thờ họ à?" - Ông trưởng họ quát vào loa lạc cả giọng: - Im nghe hết đã nào. Những suất đóng từ năm mươi ngàn trở xuống thì ngồi ngoài sân. Thằng Tiện, con Thê đâu mau cầm chiếu trải xuống sân kia. - Rồi ông quay loa vào đám người đang tíu tít giục nhau nhanh tay bày cỗ bưng mâm. Nhưng dường như chẳng còn ai để tâm nghe tiếng ông trưởng họ nói gì nữa.

 Tôi rủ chú Hưng, người cùng hạng đóng họ năm muơi ngàn một suất như tôi, với anh Vầu và anh Nhã nữa, hai anh này người đóng bốn mươi, người đóng ba mươi ngàn nhưng tôi bảo chú Hưng cứ để tôi rủ hai anh vào ngồi mâm cho vui. Vì Vầu trước học cùng với tôi một lớp, cuối cấp ba tí tởn lấy cái xe cá xanh của ông anh rể đi tập, chẳng may đầm sầm vào cây bạch đàn bị giập ống chân phải tháo khớp đầu gối. Đành bỏ học, chữa chân, rồi ở nhà. Mãi năm nọ mới lấy được cô vợ "cạp lại" nhưng người khỏe mạnh, nết na, cưới năm trước, năm sau đẻ sinh đôi hai cô như hai hòn bột. Còn Nhã ở cạnh nhà tôi. Những khi lợn sổng chuồng, nhà tốc mái chỉ ới một tiếng, anh có nhà là nhảy bờ giậu sang liền. Hai vợ chồng Nhã đều phốp pháp, lam làm nhưng hiềm nỗi chẳng hiểu tại anh hay tại ả, lại đẻ một lèo năm đứa con gái cứ sàn sàn đầu nhau. Nên: "Kinh tế nhà tôi có vực dậy được phải đến khi năm con vịt giời có nơi bay" - như lời Nhã nói khi đã ngà ngà hơi men. Bốn người chúng tôi ngồi ăn cỗ cúng tổ họ trên chiếc chiếu ngoài sân, gần hiên cửa giữa gian nhà. Cùng ngồi ngoài sân như bốn người chúng tôi, lướt nhanh cũng đến chục mâm nữa, chỉ ít hơn số người ngồi trong nhà chừng mươi mâm chứ mấy. Trong nhà ngoài sân chỉ cách nhau cái bậc thềm, nhưng xem ra người ngồi cỗ trong nhà đã có chiều danh giá hơn kẻ ngồi cỗ ngoài sân, dưới tấm bạt che tùm khum như cái lều. Vậy mà bốn người chúng tôi vẫn hể hả rót rượu mời nhau uống, xắn bát tiết canh đều làm tư xẻ vào tận bát cho từng người, chuyện trò xởi lởi từ việc nhà ra việc đồng. Chú Hưng vỗ vai Vầu gạ xoắn xuýt: "Hôm nào đan cho tao đôi sảo lấy bùn nhá. Nhưng phải toàn tre cật đấy". Chả là sau khi phục hồi lại sức khỏe Vầu học được một nghề rất hợp với sức mình: đan rổ rá giần sàng khá đẹp. Vầu đã chếnh choáng hơi men tít mắt cười: "Bác yên trí, cháu sẽ kỷ niệm bác một đôi toàn tre cật gác ránh bếp đen ánh". Anh Nhã nhoài người qua vai tôi, nói với chú Hưng có vẻ gì bít mật lắm, nhưng nghe ra lại chẳng có gì hệ trọng: "Ông có thừa ngô giống để cho nhà cháu một ít nhá". Chú Hưng chẳng cần nghĩ ngợi: "Được. Nhưng ít là bao nhiêu, để tao còn kế hoạch". "Nhà có ba sào ở Đồng Mô, định trồng khoai lang nhưng xung quanh họ trồng ngô cả." Không đợi Nhã nói hết câu, chú Hưng bày cách liền: "Khoai lang cho trâu ăn mẹ nó hết à. Người ta trồng ngô thì mình cũng trồng ngô, phải theo cái anh đại trà, chớ có khôn lỏi mà lõi chẳng còn. Tôi sẽ cho nhà anh giống ngô, trồng sào ba chứ sào rưỡi cũng có. Mua mua bán bán cái mẹ gì. Cứ cho không nhà anh để trồng lấy giống cho vụ sau"

 Giữa lúc mâm cỗ của chúng tôi chuyện đang nổ như ngô rang, bỗng nghe trong nhà thờ tổ bật ra tiếng reo vang không khác mấy tiếng loa ông trưởng họ khi nãy: "A... Bà! Lại cả chú Thành nữa. Thật quý hóa!". Mấy chục mâm cỗ trong nhà ngoài sân như dừng hết đũa. Hàng trăm cặp mắt của quan viên trong họ, từ ông lão cao tuổi nhất đến thằng bé lần đầu được đi ăn cỗ cúng tổ đều đổ dồn ra đầu sân. Ở đấy, một bà ngoài năm mươi mặc áo dài màu cánh trả, đeo chiếc túi xách tay quai dài đến háng- loại túi xách đang là mốt của các cô gái trẻ. Đi sau là một người đàn ông rất khó đoán tuổi, ba mươi hay ba lăm hay hơn nữa. Người đàn ông mặc com lê sáng màu sữa, thắt ca vát hoa lốm đốm hồng, chân đi giày đen, trông như một ông chủ hôm trước tôi nhìn thấy trong một hiệu buôn ngoài phố. Giữa những người nhà quê có gì mặc nấy bất kể màu mè xanh trắng, tín vàng, thậm chí cả cháo lòng, sự sang trọng đến kiêu sa của hai người từ ngoài phố về, làm cả họ ngỡ ngàng ồn ào lên một lúc. Ông trưởng họ và hai ông trưởng ngành cả ngành thứ vội vàng chạy ra vồn vã dẫn hai người vào thẳng nhà thờ họ - nơi chỉ dành cho những người cao tuổi nhất và các đầu ngành trong họ được ngồi ăn cỗ. Tôi hơn chục năm nay, đây là lần thứ hai hai ba gì đó, mới được về nhà gặp ngày giỗ tổ nên thấy ngỡ ngàng đến sửng sốt trước sự xuất hiện của hai người kia, liền quay sang hỏi chú Hưng:

 - Hai người ấy là thế nào với họ Lương ta, hả chú?

 - Thế nào! Bà ấy là em gái út bố ông trưởng họ, còn tay kia chắc là con rể.

 Tôi lờ mờ nhớ ra:

 - Có phải bà Lân, trước lấy ông Hòa người xóm trại, được cô con gái tên là Na. Sau ông ấy chết vì sét đánh lúc đang trú mưa dưới gốc đa đồng Thượng?

 - Phải đấy. - Anh Vầu xác nhận trí nhớ của tôi, rồi giải thích thêm - Sau bà ấy ở vậy nuôi con. Cái Na hết lớp mười thì đi học trung cấp tài chính - kế toán, ra làm ở cái công ty lít mít gì đó trong nội thành, rồi lấy thằng Thành con lão Phả ở làng ngoài, làm cùng công ty với cái Na. Vợ chồng có nhà riêng, cái Na đưa mẹ ra phố ở, trông con coi nhà. Nghe đâu mấy năm 912 nay hai vợ chồng bỏ việc nhà nước, về mở cửa hiệu buôn bán lớn lắm.

Anh Nhã mặt đỏ gay, nhoài người qua mâm nói với Vầu giọng đầy gay gắt:

 - Bà ấy tiếng là người họ Lương, nhưng lấy chồng họ Phạm thì phải theo họ nhà chồng chứ! Các cụ đã dạy: "Sống quê cha chết làm ma quê chồng", sao lại dẫn con rể về cúng tổ họ Lương được. Đã thế còn rước cả hai mẹ con vào nhà thờ tổ, ngồi ngang hàng với trưởng ngành, thậm chí ngang hàng với các cụ cao tuổi nhất họ. Trong khi chúng ta là người nội tộc chính tông mà còn phải ngồi ngoài sân như kể chầu rìa, nghĩa là làm sao?

 Nghe giọng nói gay gắt của Nhã, tôi vội quay sang nhìn chú Hưng, như tìm ở chú lời giải thích về sự thay đổi nào đó chăng trong tục lệ của họ tộc, mà tôi xa quê lâu chưa được biết. Nhưng chỉ thấy khuôn mặt chú Hưng vừa nãy còn hồng hào hơi men, giờ đã ngả màu tím tái. Dốc một hơi hết chén rượu đầy sóng sánh Vầu vừa rót ra, điều tôi ít thấy ở chú Hưng, đặt cạch chiếc chén vại xuống cái mâm nhôm làm bát đũa rung loảng xoảng, chú ngẩng lên nhìn trừng trừng một lượt cả ba chúng tôi, rồi dừng lại ở Nhã:

 - Nghĩa là làm sao à! Thế anh không nhìn cái danh sách đóng họ năm nay treo lù lù kia à. Cái người đứng đầu bảng có số tiền hai triệu đồng, chính là cái thằng Thành, con rể bà Lân kia chứ ai!

 Tôi ngớ người. Nhưng rồi chợt hiểu. Từ đầu bưng mâm đóng cỗ, ông trưởng họ đã cầm chiếc loa pin oang oang phân rõ chỗ ngồi của từng loại suất đóng họ đấy là gì!

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84829


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận