Xin đi làm về sớm. Mới khoảng mười giờ đã tay xách chiếc cào cỏ, tay cắp rổ rau muống tất tưởi bước vào sân.
Vừa nhìn thấy chiếc xe mi ni màu cánh trả dựng ở cửa, Min đã nói như reo:
- Ai như dì Thảo về đấy à?
Không có tiếng đáp lại, Min vào bếp cất cái cào và rổ rau, rồi đi nhanh lên nhà. Đến cửa, Min bỗng đứng sững. Ở đầu đông nhà, nơi đặt ban thờ bố mẹ sinh ra hai chị em Min và Thảo, cô em gái đang đứng trên chiếc ghế kê cao lầm rầm khấn vái, và hình như còn cố nén để tiếng khóc không bật ra, đôi vai cứ rung lên như người lên cơn sốt. Linh cảm của người chị nuôi em thay mẹ từ năm lên chín, như mách Min một điều gì không lành đang đổ xuống đôi vai cô em gái. Min lập cập lại gần, cũng vừa lúc Thảo khấn vái xong, bước xuống. Hai chị em ôm chầm lấy nhau. Thảo bấy giờ như mới trút được nỗi ấm ức còn kìm nén. Cô vùi đầu vào vai, vào ngực chị, tức tưởi:
- Em khổ lắm chị ơi!
Chị nâng đầu em lên, nói như để cô em vợi đi nỗi lòng:
- Rõ chán cho dì! Nhà lầu xe hơi còn kêu khổ!
- Em không cần những thứ ấy, chỉ cần được người như chị thôi. - Rồi Thảo lại áp đầu vào ngực chị- Chị ơi, chị còn yêu thương em như ngày xưa nữa không? Em chỉ muốn được ở bên chị mãi như thế này.
Min đưa tay xoa tóc cô em gái. Mái tóc đen ánh, dài chấm gấu áo lưng. Ngày xưa mỗi lần em gội đầu, chị phải lấy chiếc ghế kê cao chậu nước cho em cúi đầu tóc khỏi xõa xuống đất. Bây giờ em đã thành mẹ của hai đứa con, sống ở thành phố hàng chục năm, nhưng mái tóc em vẫn như ngày xưa dài và đen, chỉ khác có thưa đi một ít. Min ôm mái tóc ấy áp sát hơn nữa vào ngực mình. Da thịt nơi ngực chị nóng lên hôi hổi, cảm giác rất rõ những giọt nước mắt của em thấm qua lần áo đọng lại trên làn da thịt mình. Min cúi xuống, khẽ nâng đầu em lên:
- Ừ, chị vẫn yêu thương em như ngày xưa. Nhưng sự thể ra làm sao thì em phải nói ra, chị mới biết đường lo liệu chứ!
- Chị không lo liệu được đâu. Cứ để mặc em!
Min buông em ra, nỗi buồn tủi, giận hờn làm chị như hụt hẫng. Con bé vẫn như ngày xưa, chỉ làm theo ý mình, có mắng mỏ, ngon ngọt cũng chẳng chuyển. Hồi mẹ mất được gần năm, lúc ấy Thảo mới lên mười, thấy hai chị em là con liệt sĩ, lại hoàn cảnh quá khó khăn, mấy chú ở huyện về định mang Thảo lên trường nuôi dạy trẻ mồ côi. Nó nhất định không chịu, cứ nép vào ngực chị gào lên khóc: "Em không đi đâu cả. Chỉ ở nhà mới chị thôi". Min nén lòng, dỗ dành: "Em ngoan, nghe lời chị. Lên trên ấy em được học hành...". Tức thì giọng nó đanh lại đến không ngờ ở cái tuổi như nó: "Chị đuổi em à? Đây là nhà tình nghĩa xã làm cho, không ai đuổi được em." Min chỉ còn biết gạt nước mắt nói để mấy chú yên lòng về huyện. Đêm hai chị em nằm trên chiếc giường còn nồng hơi ấm của mẹ, Min cứ mở mắt thao láo nhìn lên trần nhà. Gần sáng, lừa lúc em ngủ say, chị rón rén dậy, dò dẫm lấy bao diêm gối dưới chiếu, đi lại bên ban thờ, Min thắp ba nén nhang rì rầm khấn vái xin mẹ chứng giám cho lòng con nguyện ở vậy trông nom, nuôi dạy em Thảo nên người, rồi ra gió chiều nào con xin liệu!
Năm ấy, Min mới bước vào tuổi mười tám. Cái tuổi nở rộ những ước mơ và khao khát tình yêu. Nhưng Min cố quên đi tất cả để dồn sức vào trông nom, nuôi dạy cô em theo lời nguyện cầu của Min trước linh hồn mẹ. Bấy giờ, hợp tác xã còn làm theo công điểm. Khỏe yếu không biết, cứ làm tối ngày đẫy buổi là được nhiều điểm. Dẫu ngày công không được một lạng thóc, nhưng năng nhặt chặt bị, mỗi vụ Min cũng kiếm được vài tạ, thêm mấy thước khoai lang trồng trên ruộng phần trăm, hai chị em tằn tiện không đến nỗi nào. Lại thêm trong chuồng lúc nào cũng có con lợn nái, năm hai lứa lợn giống xuất chuồng cũng có đồng ra đồng vào. Thảo học vào loại giỏi, suốt mấy năm phổ thông không năm nào phải lưu ban, thi đại học một lần là đỗ ngay vào trường Y Thái Bình. Điều đó làm Min lấy làm toại nguyện. Hôm Thảo nhận được giấy báo nhập trường, Min như người phá rồ, hết ra nhà ông chú lại sang nhà ông cậu, bà dì chỉ để loan một tin: "Em Thảo nhà cháu đỗ đại học rồi!". Trước ngày Thảo đến trường, Min làm mấy mâm cơm mời chú bác, cô dì nội ngoại đến ăn mừng cho chị em cháu. Khi chén rượu ngà say, ông chú ruột lấy thế "sảy cha, cậy chú", bảo Min: "Bao nhiêu năm mày ở nhà ở nhà trông nom cho cái Thảo ăn học, bây giờ nó đỗ đạt rồi là xong một đường. Còn đường chồng con của mày cũng phải lo liệu đi. Năm nay hăm sáu rồi, chứ không còn ít tuổi nữa đâu". Mấy bà cô bá dì cũng phụ họa theo: "Đàn bà sinh nở có thì, con ạ. Để quá lâu nhỡ thì rồi khó đấy". Min chỉ ư hừ cho qua chuyện. Nhưng thực lòng Min chưa có ý lập gia đình lúc này. Cách đây mấy tháng, anh Thư ngoài xóm trại, vợ mất năm ngoái, có một con gái lên bốn, đã nhờ người ngỏ lời với Min. Min đã phải nói thẳng: "Anh có chờ được em dăm sáu năm, đến khi cái Thảo ra trường có công ăn việc làm thì chờ. Không cứ đi xây dựng với người khác". Min ít học, mới hết lớp bảy đã phải ở nhà làm lụng giúp mẹ, nhưng Min hiểu con đường học hành bây giờ thật không dễ chút nào. Dẫu Thảo có học giỏi, được học bổng suốt năm năm ngồi ghế đại học thì mỗi tháng chị vẫn phải chu cấp thêm cho em có hàng trăm nghìn cũng là tằn tiện. Với số tiền đó, Min ở một mình có thể xoay xở cho em mà không ai cầm bắt được, chứ lập gia đình rồi thì đến một đồng cũng phải hỏi chồng có ưng mới dám cho em. Cái nước ấy thì thà ở vậy. Và Min cứ ở vậy những ngần ấy năm, ăn bớt để dành cho em đi học. Đều đặn năm hai lần, cứ xuất chuồng lứa lợn giống xong, Min lại gom tất tật số tiền bán lợn đạp xe sang tận thị xã Thái Bình đưa tiền cho em tiêu pha, đóng học. Đằng đẵng năm năm trời, Min hầu như không dám chi tiêu mua sắm một cái gì đáng giá. Duy có cái xe đạp khung dựng mẹ để lại, han gỉ quá phải bán cho chè chai đồng nát để mua cái xe khác, mất ba trăm bảy mươi nghìn, là tài sản lớn nhất Min sắm được trong suốt những năm em học trường đại học. May là em học giỏi, ra trường có nơi tiếp nhận ngay, lại về được một bệnh viện lớn ở nội thành. Nếu không, chẳng biết chị còn phải chạy vạy những cửa nào, tốn kém biết bao nhiêu mới tìm cho em được một chỗ làm, để chị có thể mỉm cười trước bàn thờ bố mẹ.
Nếu trên đời này quả thực có "cam lai", thì cái số của chị em Min cũng đến ngày "cam lai" thật. Thảo đi làm chưa được năm đã lấy chồng. Đám cưới tổ chức ở khách sạn thành phố, hai chiếc xe con, một chiếc xe to và mười mấy chiếc xe máy nữa, tiền hô hậu ủng về tận làng đón dâu. Ở làng Phương Trà cho đến lúc ấy, dễ chưa có đám cưới nào sang trọng, nhiều xe pháo như đám cưới cô Thảo. đám cưới cô em mà bà chị dễ còn vui hơn cô em về nhà chồng, trông trẻ ra đến dăm tuổi. Thôi thế cũng bõ thức khuya dậy sớm nai lưng ra làm cho em ăn học. Nhất là được hơn một tháng, cô em đánh xe máy về đèo bà chị ra phố chơi với vợ chồng em mấy hôm. Min được tận mắt nhìn căn hộ khang trang, rộng rãi với đầy đủ tiện nghi ti vi, tủ lạnh của vợ chồng Thảo thì chị hoàn toàn yên tâm về hạnh phúc của cô em gái.
Chưa đầy một năm sau ngày Thảo đi lấy chồng, anh Hoan ngoài xóm Vam từ trạm nuôi dưỡng thương binh Phú Lưu về, nhờ người đánh tiếng hỏi. Min không phải nghĩ ngợi lâu, bắn lời nhận ngay. Năm ấy Min ba mươi hai tuổi, cái tuổi không phải là muộn màng nhưng cũng không còn trẻ trung đối với một người đàn bà. Hoan hơn Min có bốn tuổi, nhưng có lẽ lúc anh bị thương ra nhiều máu, một bên chân trái đã để lại ở ngọn đồi nào đó trên biên giới, nên người nào đó chưa quen nhìn Hoan đi trên chiếc chân giả tập tễnh đã tưởng Hoan đã ngoài bốn mươi. Bố mẹ Hoan đông con, những ba trai, hai gái nên cưới xong được một tuần, Min xin bố mẹ và anh chị cho đón Hoan về bên nhà Min: "Bên này thì cửa nhà chật chội, bến ấy thì đóng cửa bỏ không, sao đành". Thời buổi nhà đất quý hơn vàng, nên lời đề đạt của Min dễ được cả nhà chấp nhận.
Mới đấy mà đã hơn chục năm. Vợ chồng Min bây giờ đã có hai con, một gái, một trai, nhưng chưa bao giờ làng xóm nghe thấy họ to tiếng với nhau dù chỉ nửa lời. Mẹ chồng Min đã có lần nói với bà thím ngay trước mặt con dâu: "Vợ chồng nó ở trong ngôi nhà tình nghĩa nên ăn ở với trong họ ngoài làng cũng tình nghĩa lắm." Chồng Min bị thương tật, không làm lụng được công việc ngoài, Min xoay vào nuôi lợn để anh có thể nhúc nhắc được đôi ba việc giúp vợ con. Gì chứ nuôi lợn thì Min vào loại mát tay nhất cái làng này. Trước chỉ một con lợn nái, Min đã nuôi em học hết phổ thông, rồi vào đại học. Giờ trong chuồng lúc nào cũng đôi lợn nái, có năm lợn giống đắt, nhà Min nuôi tới ba con lợn đẻ. Vợ chồng Min giàu lên nhờ chăn nuôi. Có lần cô em từ ngoài phố về chơi, nhìn đàn lợn con trắng như những hòn bột nhâng nhảy ngoài sân, Thảo đã nói trong niềm phấn khích:
- Em đến phải xin anh chị đôi lợn con về ngoài ấy nuôi cho vui.
Min nói, chẳng biết thật hay bỡn:
- Chú ấy làm hái ra tiền, còn nuôi lợn làm gì cho vất vả.
Hái ra tiền thì chẳng biết có đúng không, nhưng chồng Thảo kiếm tiền thì quả là dễ như trở bàn tay. Chồng Thảo trước ở công ty xuất nhập khẩu, từ khi mở cửa chuyển sang làm nhân viên tiếp thị cho một cơ sở liên doanh với nước ngoài. Mỗi chuyến đi khảo sát thị trường, kí kết hợp đồng, khai trương đại lí lại mang về đưa cho Thảo hàng tập tiền không cần đếm. Thảo lúc đầu cũng thấy ngỡ ngàng. Mỗi lần chồng đưa tiền cho lại hài một câu gần như cửa miệng: "Ở đâu mà nhiều thế?" nhưng chồng vội gạt đi: "Em quan tâm làm gì, chỉ cần biết giữ gìn cẩn thận và tiêu pha cho đúng chỗ". Lâu dần thành quen, mỗi lần chồng đưa tiền, Thảo chỉ biết lặng lẽ cất vào tủ. Thảo trở thành vị thần giữ của cho chồng từ lúc nào mà cô không hay. Tuy có nhiều tiền nhưng chồng Thảo không phải là tay hào phóng. Anh ta biết cách chi tiêu dè sẻn từng đồng, và mọi khoản tiêu pha trong nhà từ mớ rau, con cá đến may sắm quần áo cho vợ, cho con anh đều bắt vợ phải ghi đầy đủ vào cuốn sổ bằng khổ giấy học sinh do chính anh mua về và đánh số trang từ một đến bốn mươi. Có lần một chị cùng phòng mất chiếc xe đạp, anh chị em trong phòng rủ nhau góp tiền giúp chị ấy mua xe đi làm. Thảo cũng góp một trăm nghìn và cho vay thêm hai trăm nghìn nữa. Dĩ nhiên là phải giấu, không dám ghi vào sổ chi tiêu gia đình khoản ba trăm nghìn đồng này. Nhưng cuối tháng chồng Thảo cộng sổ, rồi đối chiếu với số tiền anh vẫn dành cho Thảo mua sắm sinh hoạt hàng tháng, thấy thiếu hẳn ba trăm nghìn. Đến nước ấy Thảo buộc phải nói thật. Chồng Thảo quắc mắt, chỉ tay vào mặt Thảo: "Cô làm gì ra tiền mà đòi sĩ diện". Thảo nén giận, làm lành: "Cho mượn rồi người ta trả, chứ có mất đâu mà anh làm ầm lên thế!" Chồng Thảo càng làm già: "Không mất, nhưng cô nên nhớ là ở cái nhà này, cô không được làm bất cứ một việc gì khi chưa có ý kiến của tôi". Ôi chao, lại thế nữa! Chẳng hóa Thảo chỉ là một người ở, hay có chăng hơn là người ở được ngủ với chủ nhà trong những cuộc làm tình cuồng loạn bất cứ đêm khuya hay ban ngày, mỗi khi ông chủ có yêu cầu mà không phải ý tứ giữ gìn. Nhưng Thảo cố nín nhịn. Không phải vì sợ cái uy quyền của một đức lang quân có trong tay sức mạnh vô giá của đồng tiền, mà vì hai đứa con. Thảo mồ côi cha từ khi mới lọt lòng, năm lên chín lại mồ côi mẹ, Thảo hiểu hơn ai hết nỗi lòng những đứâ con khi cha mẹ chúng luôn luôn lục đục, nay người này, mai người kia lặng lẽ bỏ nhà đi. Nên Thảo vẫn cố giấu mình sau cái vỏ tươi vui, dịu dàng và kính trọng chồng mỗi khi anh đi đâu về, hoặc trong bữa ăn, trước mặt con cái.
Nhưng lần này thì chính đứa con, thằng con trai mười một tuổi vẫn được bố rất nuông chiều, đã buộc Thảo phải chui ra ngoài cái vỏ mà lâu nay Thảo vẫn cố giấu mình trong đó. Cơm tối xong, cả nhà đang ngồi xem ti vi, cậu con quý tử áp đầu vào ngực bố nũng nịu nhưng giọng nói lại đầy cả quyết: "Mấy năm nữa vào năm học mới, bố phải mua cho con cái xe Chaly". Bố xoa đầu con: "Ờ ờ, để bố xem". Mẹ vội lên tiếng: "Con học trường Thái Phiên gần đây thôi. Mua xe máy làm gì, nhỡ chẳng may...". Mới nghe thế, thằng bé đã đứng phắt dậy chỉ tay vào mặt mẹ, rất giống điệu bộ và cách nói năng của bố mỗi khi to tiếng với mẹ: "Tiền của bố, chứ mẹ làm gì ra tiền. Lương tháng không đủ ăn quà sáng mà còn đòi sĩ diện". Thảo tái mặt, vừa giơ tay định tát cho con mấy cái thì chồng đã kịp kéo con ôm vào lòng. Buồn bực và tủi giận, Thảo đi như chạy vào phòng trong nằm vật xuống giường khóc rấm rứt. Một lát, đứa con gái bảy tuổi cũng rón rén vào giường ôm chầm lấy mẹ khóc tức tưởi. Nó không dám khóc to, sợ bố quát. Bố yêu anh Nam nhiều, chứ yêu nó ít lắm.
Min biết nguyên do Thảo đột ngột đưa con về quê hôm nay là do con gái Thảo kể lại, trong khi hai bá cháu đưa nhau ra chợ đầu làng mua thức ăn. Lúc đầu Min nghe chuyện vợ chồng cô em xô xát nhau cũng cho là cái sự khó tránh khỏi ở những gia đình vợ chồng không tôn trọng nhau, làm gương xấu cho con cái khinh nhờn cha mẹ. Nhưng khi nghe con bé đột ngột hỏi: "Bá Min ơi, bố có cho mẹ con cháu về ở quê với bá không?" thì Min thấy có cái gì như sự hụt hẫng vượt ra ngoài tầm níu kéo của chị. Min chợt nhớ đến câu nói giàn giụa nước mắt khi Thảo từ bàn thờ bố mẹ đi ra: "Việc này chị không thể lo liệu được đâu. Cứ để mặc em!" Sao lại để mặc em giữa thói đời phụ bạc như thế được. Bao nhiêu năm cha mẹ mất đi là bấy nhiêu đoạn trường khổ ải, chị đến quên cả mình cũng là vì muốn cho em có hạnh phúc vẹn tròn, để linh hồn mẹ cha cũng thêm phần rảnh rỗi. Chị không nỡ nào bỏ mặc em trước cái việc hệ trọng nhất của người đàn bà khi đã có chồng con như thế.
Min cứ bần thần nghĩ ngợi suốt dọc đường từ chợ về, mãi đến lúc nghe tiếng đập thùm thụp cái ao đầu ngõ mới chợt bừng tỉnh. Chồng Min đang xoay trần thả lưới dưới ao, có lẽ đứng một chân sợ lún bùn, hai tay Hoan cứ quờ quờ nửa bơi nửa nhoài trên mặt nước. Hoan vừa gỡ con cá giắt vào lưới, vừa hỏi vóng lên:
- Em có mua mỡ không đấy?
Min thọc tay vào cái rổ cắp nách, cầm miếng thịt lợn giơ lên:
- Em mua cân thịt mông mỡ dày lắm.
Vẫn tiếng Hoan ở dưới ao:
- Thế thì anh phải bắt thêm mấy con nữa, cho mẹ con dì Thảo ăn bữa cá rán thả phanh.
Hoan giơ thẳng tay ném con cá lên vồng chuối. Thằng con vừa chạy đến chỗ con cá bố ném lên, vừa reo: "To quá mẹ ơi! Hộ con với!" Min dúi vội cân thịt vào tay cô em gái, chạy vào vồng tìm nhặt cá với con. Thảo cầm miếng thịt đứng tần ngần ở cầu ao, chẳng còn hiểu mình phải làm gì. Cô cứ hết nhìn hai mẹ con Min tíu tít tranh nhau bắt con cá trên vồng, lại nhìn Hoan nhoài người bơi bơi trên mặt nước lao xao cá nhảy, mà chợt nảy ý nghĩ thèm khát với cuộc sống của vợ chồng chị.